Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 10/4/2024

Font size : A- A A+

QUYẾT SÁCH MỚI

1.        Chính phủ yêu cầu bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ 1/7

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

2.        Cả nước đã giải ngân gần 90 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công

3.        Đồng Nai: Nhiều dự án vẫn gặp “nút thắt” ở khâu thủ tục

4.        Khánh Hòa: 3 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 8,9%

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

5.        Chủ tịch Phan Văn Mãi: Quận 1 phải có “chuyện chơi” hàng ngày, hàng đêm cho người dân

6.        Khánh Hòa: Chỉ số PAPI tăng cao nhất trong 15 năm

7.        Lạng Sơn: Hội doanh nghiệp huyện "Cầu nối” giữa doanh nghiệp và chính quyền

8.        Đắk Nông tham gia 13 sự kiện xúc tiến đầu tư, du lịch trong và ngoài nước

QUẢN LÝ

9.        TPHCM: Đưa Bản đồ thực thi thể chế vận hành từ đầu năm 2024

10.     Hà Nội: Siết quản lý xe hợp đồng trá hình, quy trách nhiệm cho từng đơn vị, địa phương

11.     Quảng Ngãi: Người điều hành UBND tỉnh nói “đang rất khó khăn”

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

12.     Ban Bí thư khai trừ Đảng với 7 đảng viên vi phạm

THẾ GIỚI

13.     Trung Quốc hỗ trợ thanh toán di động cho khách nước ngoài

14.     Thái Lan sẽ tung loạt chính sách kích cầu nhà ở

 

QUYẾT SÁCH MỚI

Chính phủ yêu cầu bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ 1/7

Chỉ đạo trên được Chính phủ đưa ra trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Trong Nghị quyết, Chính phủ nhấn mạnh quyết tâm nỗ lực vượt qua thách thức, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024. Chính phủ yêu cầu kiên định, thực hiện nhất quán định hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội.

Tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi, nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nỗ lực vượt qua thách thức để thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng.

Để đạt và vượt các mục tiêu trong năm 2024, Chính phủ yêu cầu quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường phân cấp phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Chính phủ cũng yêu cầu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát. Tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững.

Bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường: hàng hóa, dịch vụ; lao động; bất động sản; vốn (ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu); khoa học công nghệ... Thúc đẩy phát triển các loại thị trường mới như thị trường tín chỉ carbon, thị trường dữ liệu và nâng hạng thị trường chứng khoán.

"Bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024", Nghị quyết nêu. (VTV.vn 09/4)Về đầu trang

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Cả nước đã giải ngân gần 90 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công

Đến hết tháng 3, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ, giao chi tiết 625,306 nghìn tỷ đồng, ước giải ngân gần 90 nghìn tỷ đồng, đạt 13,67% kế hoạch Thủ tướng giao, tăng 3,32% và số tuyệt đối cao hơn khoảng 16,5 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương phân bổ 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng giao, báo cáo phương án phân bổ, gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo quy định trong tháng 5 năm 2024. Rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan, địa phương khẩn trương đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với kế hoạch vốn đầu tư ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng; công khai danh sách các bộ, cơ quan, địa phương chưa hoàn thành phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư năm 2024.

Chính phủ lưu ý không báo cáo cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách trung ương của bộ, cơ quan trung ương và địa phương tương ứng với số vốn không giải ngân hết kế hoạch năm 2023, không được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân và bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được phép bố trí lại kế hoạch vốn ngân sách trung ương các năm 2024, 2025 tương ứng với số vốn không giải ngân hết năm 2023, bị hủy dự toán cho các nhiệm vụ, dự án bảo đảm bố trí đủ vốn, hoàn thành đúng tiến độ, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương có giải pháp để thực hiện nghiêm việc giải ngân vốn đầu tư công, tránh tình trạng phải kéo dài thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn hằng năm hoặc hủy dự toán. (Baophapluat.vn 09/4, Chí Nhân)Về đầu trang

Đồng Nai: Nhiều dự án vẫn gặp “nút thắt” ở khâu thủ tục

Đồng Nai đang triển khai cả ngàn dự án trên các lĩnh vực. Trong đó, đa số các dự án được chuyển tiếp từ những năm trước qua. Có những dự án kéo dài từ 10-20 năm vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến cả chủ đầu tư lẫn người dân có đất trong dự án đều mệt mỏi.

Người dân nằm trong vùng quy hoạch dự án thì không dám đầu tư phát triển kinh tế trên thửa đất của mình, vì sợ không biết khi nào đất sẽ bị thu hồi. Còn nhà đầu tư gặp dự án kéo dài sẽ bị chôn vốn ở phần đã đầu tư, còn phần chưa đầu tư vốn bị đội lên cao. Dự án đầu tư nhiều năm chưa thể khai thác sẽ không đem lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Nguyên nhân chính khiến các dự án kéo dài là do khâu giải quyết các thủ tục còn chậm trễ. Không ít doanh nghiệp than thở, để hoàn thành hồ sơ cho một dự án cần từ 2-4 năm. Trường hợp vướng phải quy hoạch chưa đồng bộ phải điều chỉnh hoặc dự án có lẫn đất công, đất lúa, đất rừng… thì thời gian thực hiện thủ tục hành chính có thể kéo dài từ 5-6 năm. Tiếp đến là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng mất khá nhiều thời gian. Bởi tại nhiều địa phương trong tỉnh như: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom…, các dự án hầu hết phải lấy đất của các hộ gia đình, cá nhân.

Nếu địa phương có sẵn các khu tái định cư thì công tác giải phóng mặt bằng sẽ nhanh hơn, còn chưa có tái định cư sẽ phải đợi. Do đó, ở Đồng Nai có những dự án mà công tác giải phóng mặt bằng kéo dài 10-15 năm chưa hoàn thành như: Khu công nghiệp Hố Nai, Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom); Khu công nghiệp Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch); Khu công nghiệp Định Quán (huyện Định Quán)…

Về vấn đề này, lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần cho biết, sẽ xử lý thật nghiêm theo đúng pháp luật khi phát hiện có trường hợp cán bộ, công chức cố tình nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Thế nhưng, tình trạng “ngâm” hồ sơ của người dân, doanh nghiệp vẫn còn. Nếu tình trạng chậm giải quyết các hồ sơ, thủ tục cho các dự án còn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư của tỉnh. Đồng thời, sẽ cản đường cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Đồng Nai trong những năm tới.

Trong mục tiêu phát triển kinh tế của Đồng Nai thì đến năm 2030, tỉnh trở thành địa phương xếp thứ 3 cả nước về phát triển kinh tế. Trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai đã quy hoạch mỗi huyện, thành phố từ 300-500 dự án lớn, nhỏ trên các lĩnh vực. Vì vậy, tỉnh đơn giản và rút ngắn được thời gian giải quyết các thủ tục để nhiều dự án có thể khởi công xây dựng đúng kế hoạch, đưa vào khai thác, sẽ tạo điều kiện cho kinh tế địa phương “tăng tốc” phát triển.(Baodongnai.com.vn 09/4, Khánh Minh)Về đầu trang

Khánh Hòa: 3 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 8,9%

Sáng 9/10, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương về tình hình thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2024.

Báo cáo cho biết, đến hết ngày 31/3, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 so với kế hoạch vốn được Thủ tướng giao đạt 7,4% (tăng 2,9% so với tỷ lệ giải ngân 2 tháng năm 2024). So với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế, tỷ lệ giải ngân đạt 8,9%.

Hiện có 26 đơn vị có kết quả giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân toàn tỉnh; 10 đơn vị có kết quả giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân toàn tỉnh. Tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm 2024 còn thấp chủ yếu là do trong tháng 1/2024 các chủ đầu tư phải tập trung giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023 được giao và tháng 2/2024 rơi vào khoảng thời gian Tết Nguyên đán 2024. Bên cạnh đó, một số dự án lớn đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu nên chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu các đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0% phải xem xét để tháo gỡ; yêu cầu đẩy nhanh phân bổ hết nguồn vốn còn lại trong tháng 4. Đồng thời, các địa phương, sở, ban, ngành hàng tháng báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo mẫu quy định, trong đó phải có kế hoạch giải ngân của tháng tiếp theo.

Đối với các khó khăn vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, đề nghị chủ đầu tư và UBND các huyện cần có hướng giải quyết dứt điểm, lên các phương án cụ thể cho từng nội dung, công trình thi công. Với những dự án không vướng công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư phối hợp với đơn vị thi công, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, có khối lượng thi công.

Ngoài ra, ông Trần Hòa Nam cũng thống nhất các mốc thời gian hoàn thành của từng dự án cụ thể mà Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị. Sau cuộc họp, yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh chuẩn bị các nội dung cụ thể để lãnh đạo tỉnh làm việc với các huyện nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. (Baokhanhhoa.vn 09/4, Đình Lâm)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Chủ tịch Phan Văn Mãi: Quận 1 phải có “chuyện chơi” hàng ngày, hàng đêm cho người dân

Tại Hội nghị lần thứ 21 (mở rộng) của Ban Chấp hành Đảng bộ quận 1. Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị quận 1 tổ chức lực lượng tham gia bán hàng rong có trật tự, trở thành một phần của đời sống đô thị... nhưng quản lý được, thể hiện sự văn minh và mục đích sinh kế.

Để phát triển kinh tế, ông Mãi đề nghị quận 1 sớm triển khai đề án kinh tế dịch vụ, kinh tế đêm. “Làm sao từ các kết quả của kích cầu tiêu dùng, kích cầu du lịch ở quý IV-2023 và quý I-2024, quận 1 phải tận dụng cơ hội này để thúc đẩy” - ông nói.

Theo ông Mãi, việc tổ chức giải chạy bộ đêm là nỗ lực của quận 1 và TP cần thêm nhiều hoạt động như thế. Trước đó, khi quận 1 mới tổ chức giải chạy đêm lần thứ nhất, ông đã đề nghị quận nên tổ chức hàng quý.

“TP sẽ tổ chức mỗi tháng một chuỗi sự kiện, sự kiện đó sẽ kéo dài từ một đến hai tuần. Như vậy, suốt năm, TP.HCM là TP của sự kiện. Sắp tới, tôi đề nghị quận 1 phải có sự kiện, có chuyện chơi cho người dân hàng đêm, hàng ngày nếu chúng ta xác định chúng ta là quận dịch vụ” - ông nói và khẳng định đây không phải là sự kiện cho vui mà là trọng tâm của phát triển kinh tế.

Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị quận 1 dựa vào các hoạt động của cấp TP để tổ chức các hoạt động riêng và đặt trong tổng thể của TP.

Ông gợi ý từ Ngày hội du lịch TP.HCM và Liên hoan phim quốc tế TP.HCM, quận 1 sẽ tiếp nối, tận dụng được gì để tăng thêm giá trị, tạo thêm doanh thu, kéo dài thêm thời gian người dân đến TP và quảng bá thêm thương hiệu của địa phương.

“Chúng ta đừng nhìn các sự kiện, ngày hội du lịch được tổ chức trên địa bàn TP là một sự kiện độc lập, chỉ mang đến gánh nặng khi phải đảm bảo an ninh trật tự, phải làm cái này, cái kia mà phải nhìn nó như một cơ hội để tựa vào, phát huy, phát triển kinh tế dịch vụ” - Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu: “Làm sao chúng ta tổ chức lực lượng tham gia bán hàng rong ở đây một cách có trật tự, tạo điều kiện, tập huấn, hướng dẫn cho người dân để trở thành một phần của đời sống đô thị tại khu vực này. Để người nước ngoài đến cũng muốn trải nghiệm nhưng chúng ta quản lý được, thể hiện sự văn minh và đạt được mục đích sinh kế”. (Plo.vn 09/4, Lê Thoa)Về đầu trang

Khánh Hòa: Chỉ số PAPI tăng cao nhất trong 15 năm

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023 vừa được công bố tuần qua cho thấy, Chỉ số PAPI của tỉnh Khánh Hòa đứng thứ 8/61 về điểm số, tăng 8 bậc so với năm 2022. Đây là năm Khánh Hòa đạt điểm số, thứ hạng cao nhất trong 15 năm kể từ khi triển khai đánh giá Chỉ số PAPI.

Trong 8 chỉ số nội dung, tỉnh Khánh Hòa có 7 chỉ số cao hơn trung bình chung của các tỉnh, thành phố, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; quản trị môi trường; cung ứng dịch vụ công; quản trị điện tử. Trong 7 chỉ số nội dung này, có 4 chỉ số thuộc nhóm đạt điểm cao, gồm: Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; cung ứng dịch vụ công; quản trị điện tử. Khánh Hòa cũng được đánh giá là 1 trong 8 tỉnh có sự thay đổi đáng kể về điểm số ở chỉ số nội dung quản trị môi trường.

Tỉnh cũng đã nỗ lực nhiều hơn trong việc tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về các chính sách, pháp luật quan trọng liên quan đến công dân; tạo điều kiện cho người dân chủ động, tích cực tham gia bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; tham gia đầy đủ vào quá trình ra quyết định và giám sát các dự án, công trình công cộng ở địa phương. Chính quyền địa phương cũng xử lý vấn đề môi trường ngay sau khi được thông báo…

Đặc biệt, năm 2023, tỉnh có chỉ số nội dung công khai, minh bạch trong việc ra quyết định đạt điểm cao nhất toàn quốc (gần 5,9 điểm). Chỉ số này có ý nghĩa rất quan trọng trong đánh giá kết quả phòng ngừa, kiểm soát tham nhũng, củng cố và khuyến khích sự tham gia của người dân, đặc biệt là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, lập kế hoạch sử dụng đất...

Trong 4 nội dung của chỉ số này, nội dung danh sách hộ nghèo của tỉnh được điểm cao nhất, tiếp đến là thu chi ngân sách cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù. Tỉnh được đánh giá làm khá tốt việc công khai danh sách hộ nghèo, bảo đảm cho người dân tham gia bình xét hộ nghèo. Khánh Hòa cũng nằm trong nhóm 14 tỉnh, thành phố gia tăng tỷ lệ người dân biết đến kế hoạch sử dụng đất, biết nơi chính quyền cấp cơ sở niêm yết bảng giá đất do tỉnh ban hành. (Baokhanhoa.vn 08/4, Nguyễn Vũ)Về đầu trang

Lạng Sơn: Hội doanh nghiệp huyện "Cầu nối” giữa doanh nghiệp và chính quyền

Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với UBND các huyện trên địa bàn tỉnh xúc tiến thành lập hội doanh nghiệp huyện. Việc thành lập hội doanh nghiệp các huyện đã tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, giúp chính quyền nắm bắt tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp và kịp thời giải đáp, hỗ trợ.

Đầu năm 2023, Hội Doanh nghiệp huyện Hữu Lũng đã được thành lập với trên 70 hội viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Ông Bùi Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện thông tin: Từ khi thành lập đến nay, thông qua các cuộc gặp mặt giữa chính quyền với doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp huyện Hữu Lũng đã tổng hợp, phản ánh khoảng 30 ý kiến kiến nghị tới UBND huyện và các cấp, ngành của tỉnh.

Với các phản ánh, kiến nghị trong thẩm quyền giải quyết, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ, nhất là các khó khăn liên quan đến mặt bằng sản xuất. Về các ý kiến liên quan đến hỗ trợ tiêu thụ nông sản; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý doanh nghiệp; vướng mắc trong thực hiện trình tự thủ tục mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh; vấn đề giãn nợ thuế, áp dụng thu thuế điện tử…, huyện đã chuyển các cấp, ngành liên quan xem xét, giải quyết, ông Khánh cho hay.

Cùng với 2 huyện trên, theo thông tin của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có 8/10 huyện thành lập hội doanh nghiệp với tổng số hơn 350 doanh nghiệp thành viên. Riêng với địa bàn thành phố Lạng Sơn, các doanh nghiệp không thành lập hội mà trực tiếp trao đổi thông tin, đề xuất kiến nghị với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Trong quá trình xúc tiến thành lập hội doanh nghiệp tại các huyện, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tích cực phối hợp với UBND các huyện để lựa chọn các thành viên ban vận động là lãnh đạo doanh nghiệp có uy tín, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao. Từ đó, hướng dẫn các hội xây dựng điều lệ hoạt động và thực hiện các thủ tục thành lập cũng như định hướng phát triển.

Ông Đào Trọng Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Việc thành lập hội doanh nghiệp tại các huyện những năm qua đã giúp gắn kết các doanh nghiệp để phát huy sức mạnh tập thể, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Không chỉ vậy, trong những năm gần đây, hội doanh nghiệp các huyện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổng hợp khoảng 40 - 60 kiến nghị/năm về các vướng mắc liên quan đến sản xuất, kinh doanh đến các cấp, ngành xem xét giải quyết. Việc thành lập hội doanh nghiệp các huyện đã tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, giúp chính quyền nắm bắt tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp và kịp thời giải đáp, hỗ trợ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, mặc dù hiện nay phần lớn các địa phương đã có hội doanh nghiệp, nhưng chất lượng và mức độ hoạt động hiệu quả vẫn còn chưa đồng đều. Do đó, trong thời gian tới, hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với UBND các huyện kiện toàn, củng cố tổ chức đối với các hội doanh nghiệp huyện. Trong đó, đặc biệt là lựa chọn người đứng đầu có đủ năng lực, phẩm chất để có thể giúp các hội doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. (Baolangson.vn 09/4, Gia Khánh)Về đầu trang

Đắk Nông tham gia 13 sự kiện xúc tiến đầu tư, du lịch trong và ngoài nước

UBND tỉnh Đắk Nông vừa chỉ đạo đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp năm 2024 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh sẽ phối hợp nghiên cứu thị trường, xu thế, đối tác đầu tư để xây dựng kế hoạch quảng bá phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường trọng điểm, bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm.

Hàng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch tham gia từ 10 sự kiện xúc tiến đầu tư, du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và 3 sự kiện ngoài nước; thực hiện tổ chức hoặc lồng ghép tổ chức từ 3 sự kiện trong hoặc ngoài tỉnh.

Sở KH-ĐT khẩn trương nghiên cứu và quyết liệt tham mưu cho tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, tập trung thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các dự án, thực hiện các thủ tục đầu tư trên tất cả các lĩnh vực. Đơn vị cần thực hiện cải cách thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, báo cáo kết quả về UBND tỉnh chậm nhất là 30/11 hàng năm.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư vào tỉnh Đắk Nông, thông tin quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin các dự án kêu gọi đầu tư, thông tin tiềm năng và lợi thế thu hút đầu tư, các tài liệu, ấn phẩm cần thiết.

Các đơn vị tích cực thông báo, vận động và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia gian hàng quảng bá sản phẩm, thương hiệu, ý tưởng khởi nghiệp tại các hội chợ, hội nghị trong và ngoài nước. Đồng thời, Đắk Nông huy động sản phẩm OCOP trưng bày, quảng bá tại các sự kiện, ít nhất mỗi huyện, thành phố từ 1-2 sản phẩm OCOP... (Baodaknong.vn 09/4, Lê Dung) Về đầu trang

QUẢN LÝ

TPHCM: Đưa Bản đồ thực thi thể chế vận hành từ đầu năm 2024

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết: Bản đồ thực thi thể chế TP.HCM đưa vào vận hành từ đầu năm 2024. Đây là nơi thể hiện bộ chỉ số chỉ đạo điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử của các quận huyện, sở ngành.

Dữ liệu này phát sinh tự động từ hoạt động công vụ hằng ngày của từng cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân trên môi trường số. Vì vậy, báo cáo này đảm bảo phản ánh trung thực, khách quan và đúng thực chất. Đồng thời, Bản đồ được công khai minh bạch tại địa chỉ https://bandotheche.hochiminhcity.gov.vn để người dân TP cùng lãnh đạo đều theo dõi, giám sát.

Cũng theo ông Thắng, Bản đồ thể chế là công cụ phục vụ lãnh đạo các cấp, các ngành và người dân cùng theo dõi, giám sát, kịp thời phát hiện những đơn vị, những hoạt động làm tốt cũng như phát hiện những điểm nghẽn, yếu kém trong quá trình cải cách hành chính và thực hiện chuyển đổi số để kịp thời chỉ đạo khắc phục.

Từng cán bộ công chức cũng có thể theo dõi được mức độ công khai minh bạch, tiến độ giải quyết hồ sơ, mức độ số hóa và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán tại đơn vị mình; so sánh giữa đơn vị mình với các đơn vị khác để phấn đấu thi đua làm tốt hơn nhiệm vụ phục vụ người dân. Qua đó cũng giúp lãnh đạo kịp thời phát hiện, phòng ngừa những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Hiện TP vẫn đang liên tục nâng cấp, bổ sung cho bản đồ thể chế các vấn đề cần quan tâm giám sát, đo lường trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời sẽ phát triển tích hợp trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo để giúp dự báo và thông báo, nhắc nhở phục vụ công tác điều hành nền công vụ. TP mong muốn sẽ sử dụng bản đồ như một trong những công cụ hiệu quả để "tầm soát nền công vụ số". (Tuoitre.vn 09/4, Ái Nhân) Về đầu trang

Hà Nội: Siết quản lý xe hợp đồng trá hình, quy trách nhiệm cho từng đơn vị, địa phương

Trước tình trạng còn tồn tại vi phạm liên quan đến xe hợp đồng hoạt động trá hình như xe khách tuyến cố định, các lực lượng chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý, trong có có việc ứng dụng công nghệ và quy trách nhiệm cho từng đơn vị, địa phương.

Việc ứng dụng công nghệ và chia sẻ cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình được kỳ vọng là giải pháp để siết chặt hơn hoạt động xe hợp đồng, góp phần tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải.

Theo đó, bất kỳ ai khi có nhu cầu di chuyển theo một lộ trình cố định chỉ cần vào mạng là có thể tìm thấy hàng loạt nhà xe. Giá cả được niêm yết công khai. Điều này là vi phạm quy định, bởi xe hợp đồng không được phép bán vé đơn lẻ cho hành khách. Tuy nhiên dù cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông thường xuyên tăng cường kiểm tra, nhưng để xử lý vi phạm cũng không đơn giản.

Trước thực tế đó, cảnh sát giao thông đã tổ chức đội hóa trang tuần lưu trên các tuyến đường sử dụng thiết bị để ghi hình làm căn cứ xử phạt. Tuy nhiên sau một thời gian triển khai, các nhà xe đã tìm ra cách để trốn tránh. Hoạt động đón trả khách chỉ diễn ra tại các tuyến đường nhỏ, hoặc trong các đô thị, những địa bàn ngoài tầm kiểm soát của cảnh sát giao thông hay thanh tra giao thông.

"Hiện tại hệ thống thu phí ePass tự động, hệ thống quản lý GPS chúng ta bây giờ đang làm rất tốt. Hoạt động của lộ trình phương tiện rất rõ ràng, minh bạch và công khai. Khi sử dụng, chúng ta sẽ triệt tiêu được hoàn toàn việc thất thoát và trốn thuế đối với các loại hình kinh doanh vận tải khách", ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, nhận định.

Hiện việc chia sẻ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để tính thuế đã được triển khai. Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đã xây dựng quy chế phối hợp, trong đó quy trách nhiệm cụ thể với từng đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của địa phương khi để xảy ra tình trạng xe hợp đồng đón trả khách sai quy định trên địa bàn. (VTV.vn 09/4, Lô Dũng)Về đầu trang

Quảng Ngãi: Người điều hành UBND tỉnh nói “đang rất khó khăn”

Ông Trần Hoàng Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (người được giao điều hành UBND tỉnh cho đến khi kiện toàn chức danh chủ tịch), thông tin: Nguồn thu sử dụng đất trung ương giao là 2.600 tỉ đồng, tỉnh đặt mục tiêu 2.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn tính toán nguồn thu này trong năm 2024 chỉ khoản 500 tỉ đồng. Quảng Ngãi đang rất khó khăn, những dự án từ nguồn thu sử dụng đất và những dự án không cấp thiết sẽ phải dừng.

Dù đứng trước những khó khăn, nhưng theo ông Tuấn, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đầu tư những công trình có vốn đầu tư công đã triển khai. Chỉ dừng lại ở những dự án chưa triển khai và không quá cấp thiết.

Tại cuộc họp báo quý 1 diễn ra chiều 8/4 do ông Tuấn chủ trì, nhiều vấn đề báo chí đặt câu hỏi đều được trả lời thấu đáo. Ông Tuấn thừa nhận mới được giao điều hành UBND tỉnh cho đến khi kiện toàn chức danh chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nên có những vấn đề cụ thể liên quan đến từng dự án ông chưa nắm hết.

"Nhưng tinh thần chung của Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh thì dù tỉnh đang gặp nhiều khó khăn nhưng sẽ cân đối và thực hiện các vấn đề cần thiết để tỉnh phát triển", ông Tuấn khẳng định. (Tuoitre.vn 09/4, Trần Mai)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Ban Bí thư khai trừ Đảng với 7 đảng viên vi phạm

Ngày 9/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật một số đảng viên có vi phạm, khuyết điểm tại Đảng bộ các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Yên, Hà Giang, Gia Lai.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy, các ông: Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Cao Khoa, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Phạm Đình Cự, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; Hà Hoàng Việt Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi; Nguyễn Thế Bình, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang; Nguyễn Tư Sơn, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm của các cá nhân nêu trên, theo Quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với các ông: Lê Duy Thành, Đặng Văn Minh, Cao Khoa, Phạm Đình Cự, Hà Hoàng Việt Phương, Nguyễn Thế Bình, Nguyễn Tư Sơn.

Ban Bí thư đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng. (VTV.vn 09/4)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc hỗ trợ thanh toán di động cho khách nước ngoài

Các ngân hàng và nền tảng thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc đang thực hiện các bước đi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho du khách nước ngoài tiến hành thanh toán di động khi đến Trung Quốc.

Động thái này được kỳ vọng sẽ mang lại trải nghiệm thanh toán tốt hơn, từ đó thúc đẩy hoạt động chi tiêu mua sắm của du khách khi đến Trung Quốc.

Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, nhiều địa điểm quan trọng như các khu kinh doanh lớn, các điểm du lịch, cơ sở giải trí, khách sạn và trung tâm giao thông đang tăng cường phủ sóng các thiết bị đầu cuối chấp nhận thanh toán di động bằng thẻ ngân hàng nước ngoài.

Ông Zhang Guanbin - Phó Chủ tịch Quận Triều Dương, Bắc Kinh cho biết: "Chúng tôi đã tăng cường đáng kể phạm vi phủ sóng của máy POS cho thẻ nước ngoài. Giờ đây, các khu vực kinh doanh có lượng lớn người nước ngoài đến, cũng như các khách sạn xếp hạng sao đã được phủ kín toàn bộ".

Các nền tảng thanh toán hàng đầu tại Trung Quốc như Alipay hay Weixin Pay hiện đang đơn giản hóa thủ tục để khách nước ngoài liên kết thẻ ngân hàng của họ với ví di động. Một số ví điện tử quốc tế cũng sẽ được các cửa hàng tại Trung Quốc chấp nhận.

"Hiện tại, chúng tôi hỗ trợ 10 ví điện tử từ 7 quốc gia và khu vực, thực hiện hoạt động thanh toán trực tuyến khi mua sắm tại Trung Quốc. Chúng tôi đang nỗ lực giới thiệu thêm nhiều ví điện tử từ nhiều quốc gia và khu vực hơn, để du khách nước ngoài sử dụng", anh Zhu Xugang - Nhân viên hãng Ant Group cho biết. (VTV.vn 09/4)Về đầu trang

Thái Lan sẽ tung loạt chính sách kích cầu nhà ở

Bộ Tài chính Thái Lan cho biết nước này sẽ tung các chính sách mới hỗ trợ thị trường nhà đất để góp phần vực dậy nền kinh tế.

Bộ tài chính Thái Lan dự kiến đề xuất với nội các chính phủ giảm phí chuyển quyền sở hữu từ 2% xuống 0,01% cho các ngôi nhà trị giá đến 7 triệu baht (190.891 USD). Cùng đó, giảm thuế với người muốn xây nhà và ưu đãi cho vay mua nhà với những người có thu nhập thấp.

Cơ quan này cũng sẽ đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến quyền sở hữu nhà của người nước ngoài. Trong đó, dự kiến kéo dài thời gian thuê từ 30 lên 99 năm cũng như cho phép người nước ngoài mua một số loại nhà ở. (Vnexpress.net 09/4, Anh Kỳ)Về đầu trang./.

More

05