Bản tin cải cách hành chính ngày 21/02/2023

Font size : A- A A+

TIN TỨC – SỰ KIỆN

1.        Thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách quy định kinh doanh

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

2.        Ra mắt nền tảng số - ứng dụng "Đồng Nai-CĐS" phục vụ người dân và doanh nghiệp

3.        Đà Nẵng: Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

4.        Cần Thơ chuẩn bị thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công

5.        Tiền Giang: Xử lý vi phạm an toàn giao thông qua camera

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

6.        Nếu cán bộ thuế gây khó cho dân, không được bố trí ở 4 bộ phận

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

7.        Bộ Nội vụ đề xuất 9 nhóm đối tượng được áp dụng tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023

8.        Bình Thuận: Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

9.        Cần Thơ: Thành lập Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương

PHÂN TÍCH – NHẬN ĐỊNH

10.     Đi “năm lần bảy lượt” mà họ không nhận hồ sơ

THẾ GIỚI

11.     Hàn Quốc đẩy nhanh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống thường ngày

 

 

TIN TỨC – SỰ KIỆN

Thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách quy định kinh doanh

Theo Văn phòng Chính phủ, năm 2022, có 4 bộ, cơ quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, gồm: Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước Việt Nam kiến nghị phương án cắt giảm, đơn giản hóa 228 quy định kinh doanh (gồm: 196 thủ tục hành chính; 12 chế độ báo cáo; 20 yêu cầu, điều kiện) tại 29 văn bản quy phạm pháp luật. 

Nhiều nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo với 101 quy định, gồm 76 thủ tục hành chính, 20 yêu cầu, điều kiện và 5 chế độ báo cáo. Tiếp đến là Bộ Tài nguyên và Môi trường với 82 quy định, đều là các thủ tục hành chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 39 quy định, gồm 37 thủ tục hành chính và 2 chế độ báo cáo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 6 quy định, gồm 1 thủ tục hành chính và 5 chế độ báo cáo. 

Với phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã được phê duyệt, các bộ, ngành nêu trên sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 4 luật; 13 nghị định; 12 thông tư, thông tư liên tịch để thực thi các phương án. 

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm là 1.152 quy định (năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 924 phương án cắt giảm, đơn giản hóa tại 7 quyết định). Trong số này có 795 thủ tục hành chính; 137 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 123 yêu cầu, điều kiện; 46 chế độ báo cáo; 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, tại 195 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 14 luật, 73 nghị định, 104 thông tư, thông tư liên tịch và 4 văn bản khác). 

Một số bộ, cơ quan đang tiếp tục rà soát, lấy ý kiến để hoàn thiện phương án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, như: Bộ Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan cũng quan tâm cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh. Tổng số quy định kinh doanh cắt giảm, đơn giản hóa trong năm 2022 là 1.041 quy định, gồm: 488 thủ tục hành chính; 8 tiêu chuẩn, quy chuẩn; 46 yêu cầu, điều kiện, 21 chế độ báo cáo; 478 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành) tại 101 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 5 luật, 21 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 72 thông tư, thông tu liên tịch và 01 văn bản khác). 

Như vậy trong 2 năm qua (2021 – 2022), tổng số quy định đã được cắt giảm, đơn giản hóa là 2.142 quy định (gồm 995 thủ tục hành chính; 8 tiêu chuẩn, quy chuẩn; 159 yêu cầu, điều kiện; 47 chế độ báo cáo; 933 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành) tại 171 văn bản quy phạm pháp luật (gồm: 13 luật, 48 nghị định, 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 105 thông tư, thông tư liên tịch và 1 văn bản khác). Trong đó, các bộ, cơ quan đã thực thi 357/1.152 phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được phê duyệt (gồm 251 thủ tục hành chính, 38 yêu cầu điền kiện, 14 chế độ báo cáo, 3 tiêu chuẩn, quy chuẩn, 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành). 

Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết, thời gian qua, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường sự phối hợp liên ngành và tính minh bạch. Với việc Văn phòng Chính phủ và USAID ký kết Biên bản ghi nhớ về triển khai thỏa thuận khung chiến lược về chương trình xây dựng năng lực trong lĩnh vực chính phủ điện tử của Việt Nam, đã thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách các quy định kinh doanh, nhất là cải cách kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất - nhập khẩu. Các cơ quan hành chính nhà nước chuyển đổi mạnh công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công sang phương thức điện tử, phi giấy tờ. 

Thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), USAID đang hỗ trợ các nỗ lực của Văn phòng Chính phủ nhằm tăng cường môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và giảm chi phí tuân thủ các yêu cầu về quy định và thủ tục, đo lường tiến độ hàng năm. 

Những kết quả đạt được 2 năm qua trong cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh phản ánh phần nào những nỗ lực này. Đơn cử như Bộ Giao thông vận tải trong năm 2022 đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 142 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022, trong đó có 12 yêu cầu, điều kiện, 1 tiêu chuẩn, quy chuẩn, 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và 78 thủ tục hành chính. Hiện còn 23 điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh vận tải đường bộ sẽ được thực thi trong quá trình xây dựng dự án Luật Đường bộ; 2 điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ lai dắt sẽ được thực thi trong quá trình xây dựng dự án Bộ luật Hàng hải. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chủ động cắt giảm, đơn giản hóa 43 thủ tục hành chính theo hướng liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. Trong số này, Bộ thực hiện đơn giản hóa 30 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo hướng số hóa thành phần hồ sơ, bổ sung phương thức nộp trên môi trường điện tử, bổ sung việc trả kết quả trên môi trường điện tử để đảm bảo đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Các thủ tục hành chính này đã được Bộ Giao thông vận tải chủ động sửa đổi tại Nghị định số 64/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải theo hướng số hóa thành phần hồ sơ, bổ sung phương thức nộp trên môi trường điện tử, bổ sung việc trả kết quả trên môi trường điện tử để đảm bảo đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Các thủ tục hành chính này đã được Bộ chủ động sửa đổi tại Nghị định số 69/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải. 

Trong lĩnh vực đăng kiểm, có 4 thủ tục hành chính được đơn giản hóa các thành phần hồ sơ để cắt giảm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính này đã được Bộ Giao thông vận tải chủ động sửa đổi tại Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. 

Qua đó, nâng tổng số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành được Bộ Giao thông cắt giảm, đơn giản hóa là 185 quy định, gồm 12 yêu cầu, điều kiện, 1 tiêu chuẩn, quy chuẩn, 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và 121 thủ tục hành chính. 

Văn phòng Chính phủ cho biết, các Bộ Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường cũng thực hiện tốt nhiệm vụ này khi có từ 65 – 76 quy định được cắt giảm, đơn giản hóa. Đáng chú ý, theo  Quyết định số 1994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông phải cắt giảm, đơn giản hóa 55 quy định kinh doanh tại 6 văn bản (gồm 3 nghị định và 3 thông tư), tuy nhiên, Bộ đã chủ động rà soát lại các quy định kinh doanh trong các văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định được cắt giảm, đơn giản hóa lên con số 76. (TTXVN 21/02, Chu Thanh Vân)Về đầu trang

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Ra mắt nền tảng số - ứng dụng "Đồng Nai-CĐS" phục vụ người dân và doanh nghiệp

Chiều 20/2, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ ra mắt nền tảng số - ứng dụng "Đồng Nai-CĐS" nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng vào đời sống, phục vụ người dân và doanh nghiệp. 

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện việc thu thập, tối ưu, cập nhật nguồn dữ liệu giai đoạn 1 đã thực hiện cho nền tảng số - ứng dụng "Đồng Nai-CĐS" theo kế hoạch 137/KH-UBND ngày 13/6/2022 của UBND tỉnh. Đồng thời, các đơn vị rà soát, thu thập bổ sung nguồn dữ liệu giai đoạn 2, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông và tổ công nghệ số cộng đồng, giúp cung cấp thông tin hữu ích nhất, đưa ứng dụng nhanh nhất đến người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng. Việc đưa vào khai thác, sử dụng ứng dụng "Đồng Nai-CĐS" giúp tăng cường sự tương tác giữa chính quyền, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính hướng đến xây dựng chính quyền số. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng, hiện trạng công nghệ thông tin của tỉnh có rất nhiều nguồn dữ liệu mở, tuy nhiên còn phân tán và chưa thuận tiện để người dùng khai thác, sử dụng, phục vụ nhu cầu cá nhân, công việc. Ứng dụng "Đồng Nai-CĐ" là đầu mối tập trung để thu thập, tích hợp, phân tích nguồn dữ liệu thông tin còn riêng lẻ nhằm phục vụ tốt hơn, thuận tiện hơn cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. 

Ứng dụng do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai chủ trì, kết nối cùng với Liên minh công nghệ Saigontel - NGS, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị triển khai. Ứng dụng đã có mặt trên các nền tảng chợ ứng dụng AppStore và CH Play, cung cấp nhiều tiện ích ở cả 3 phiên bản dành cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền. 

Với phiên bản ứng dụng dành cho người dân, mỗi người dân trên địa bàn tỉnh sẽ được tiếp cận với các tính năng tiện ích, hỗ trợ trong đời sống hàng ngày. Mọi tiện ích từ việc làm, nhà ở, dịch vụ xe khách, tin tức đời sống - xã hội và nhiều tiện ích khác đều được tích hợp chung trong một nền tảng. Người dân được bình đẳng về cơ hội tiếp cận các dịch vụ, đào tạo trí thức, thu hẹp khoảng cách phát triển. 

Việc đưa vào khai thác, sử dụng ứng dụng "Đồng Nai-CĐS" được đánh giá như một lời giải thông minh cho bài toán thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh lân cận, hướng đến xây dựng môi trường tiện nghi - đáng sống cho người dân tại Đồng Nai, đúng với vai trò là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. (TTXVN 20/02, Nguyễn Văn Việt)Về đầu trang

Đà Nẵng: Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Nhằm giúp bệnh nhân tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, phòng dịch, tăng cường chuyển đổi số trong toàn ngành. 

Triển khai chuyển đổi số cách đây khoảng 5 năm, Trung tâm Y tế quận Hải Châu hiện đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính mang lại hiệu quả tích cực trong khám, chữa bệnh và nâng cao mức độ hài lòng của người dân.  

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu Nguyễn Cảnh Việt cho hay, sau khi đơn vị áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, việc triển khai các thủ tục hành chính được thực hiện dễ dàng, gọn nhẹ. Đặc biệt, các bước tiếp đón, thăm khám, cấp phát thuốc cho người bệnh, bốc số tự động, quét mã bảo hiểm, sử dụng Căn cước công dân thay thế bảo hiểm, đặt lịch khám từ xa, khám và kê thuốc qua mạng… đều đã được số hóa. Ngoài ra, việc chỉ định chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng cũng thực hiện trên hệ thống máy tính liên thông. Nhờ đó, bác sỹ ngồi ở phòng khám vẫn có thể chỉ định thực hiện chụp X Quang, xét nghiệm cho bệnh nhân. Sau đó kết quả cũng trả trên máy… 

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu, việc áp dụng chuyển đổi số trong hệ thống hành chính góp phần giảm bớt nhiều thủ tục rườm rà, tiết kiệm thời gian cho người bệnh nhân, giúp nhân viên y tế tập trung chuyên môn khám, chữa bệnh.

Tương tự, Bệnh viện 199 đã số hóa, thực hiện chuyển đổi số ở mọi quy trình như: Đặt lịch, trả kết quả khám bệnh online, chữ ký số, quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử trọn đời, hệ thống thanh toán không tiền mặt (MB bank). Ngoài ra, Bệnh viện cũng ứng dụng hệ thống công nghệ vào hoạt động như: phần mềm quản lý công văn, quản lý bệnh viện HIS, quản lý khách hàng; hệ thống xử lý hình ảnh PACS; phần mềm hội chẩn trực tuyến; hệ thống NAS sao lưu dữ liệu… 

Phó Giám đốc Bệnh viện 199, Trung tá Trần Nam Chung cho biết, đội ngũ cán bộ bộ phận công nghệ thông tin của Bệnh viện không ngừng sáng tạo, phát triển, quản lý hiệu quả các phần mềm chuyển đổi số. Đơn vị đã áp dụng nhiều phương thức để tiếp cận, khám, tư vấn sức khỏe cho người dân trong tình hình dịch bệnh như: chương trình Livestream tư vấn sức khỏe; khám, chữa bệnh trực tuyến qua các phần mềm (như: IsoFh care, Telehealth, Zalo, Facebook…) đều nhận được phản hồi tích cực của bệnh nhân. 

Theo Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng Trần Thanh Thủy, ngành Y tế xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt trong công tác quản lý Nhà nước và tổ chức các hoạt động sự nghiệp của ngành; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trên lĩnh vực y tế trên địa bàn.  

Ngành đặt mục đến năm 2030 sẽ ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành; hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Hiện ngành Y tế Đà Nẵng đang xây dựng và hoàn thiện các dự án công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế như: Đề án Y tế thông minh, hồ sơ sức khỏe công dân và chăm sóc sức khỏe qua mạng; triển khai kê đơn thuốc điện tử và tiếp tục thực hiện công tác làm sạch dữ liệu tiêm chủng, tổ chức ký số hộ chiếu vaccine… (TTXVN 21/02, Võ Văn Dũng)Về đầu trang

Cần Thơ chuẩn bị thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công

Ngày 20/2, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, vừa ký ban hành kế hoạch tuyên truyền về hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ. 

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, mục tiêu của đề án là thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng minh bạch từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến trả kết quả để phục vụ tổ chức, cá nhân tốt hơn; xây dựng nền hành chính hiện đại; tiết kiệm chi phí, thời gian, góp phần phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời, góp phần vào quá trình cải cách hành chính của TP, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính. 

Về chức năng, Trung tâm là đầu mối tiếp nhận, hướng dẫn, cung cấp thông tin, cung ứng dịch vụ trong giải quyết và trả kết quả các thủ tục hành chính cấp TP theo bộ thủ tục hành chính được công bố. Bên cạnh đó, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc hồ sơ, thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức theo quy định; tham gia đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính. 

Trước đó, Văn phòng UBND TP Cần Thơ đã ký ban hành Đề án thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ. Theo đề án, Trung tâm thuộc UBND TP,  có con dấu để thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ được giao, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, hoạt động của Văn phòng UBND TP; đồng thời chịu sự chỉ đạo của UBND TP, Chủ tịch UBND TP và sự chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Trụ sở của Trung tâm được đặt tại vị trí trung tâm TP, kết nối các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn để tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc vận chuyển, tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính. Dự kiến trụ sở tại địa chỉ số 2 Nguyễn Đình Chiểu, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. (Kinhtedothi.vn 20/02, Ngọc Phạm)Về đầu trang

Tiền Giang: Xử lý vi phạm an toàn giao thông qua camera

Nhằm tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông, tỉnh Tiền Giang tập trung triển khai quyết liệt nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, trong đó chú trọng xử lý vi phạm an toàn giao thông qua camera. 

Thực hiện Kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang của Ủy ban nhân dân tỉnh, các địa phương đã và đang triển khai hệ thống camera thông minh để phát hiện các vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Việc làm này nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của người dân khi tham gia giao thông; phòng ngừa tai nạn, góp phần xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn tỉnh. 

Toàn tỉnh hiện có 260 camera giám sát, trong đó có 36 camera thông minh được lắp đặt trên địa bàn thành phố Mỹ Tho. 12 vị trí camera trên các tuyến giao thông tại Quốc lộ 60, Quốc lộ 1 và nội ô thành phố Mỹ Tho được chọn, giao Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Tiền Giang) và Công an thành phố Mỹ Tho thí điểm công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông qua camera giám sát. 

Thượng tá Lê Quốc Thắng, Trưởng Công an Thành phố Mỹ Tho cho biết, đơn vị đã ghi nhận, trích xuất dữ liệu hình ảnh, video  các trường hợp vi phạm; sau đó chuyển đến Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Tiền Giang) tra cứu biển số xe, gửi văn bản thông báo vi phạm đến từng cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với các phương tiện không rõ biển kiểm soát, không đảm bảo các yếu tố để xác định hành vi vi phạm, người vi phạm không chấp hành việc lập biên bản vi phạm hành chính…, Công an thành phố căn cứ quy định pháp luật và Quy trình xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Ban Giám đốc Công an tỉnh, xử lý kết quả thu thập được qua hệ thống camera thông minh để củng cố hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. (TTXVN 21/02, Hữu Chí)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Nếu cán bộ thuế gây khó cho dân, không được bố trí ở 4 bộ phận

Cán bộ thuế cố tình gây khó khăn phiền hà cho người nộp thuế, nếu chưa đến mức xử lý kỷ luật buộc thôi việc thì đơn vị không được bố trí công việc ở 4 bộ phận. 

Đó là các bộ phận liên quan tổ chức cán bộ, kiểm tra nội bộ, tài vụ quản trị, bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế. Thời hạn không được bố trí công việc ở các vị trí trên là tối thiểu 5 năm.

Thông tin này được Tổng cục Thuế yêu cầu trong văn bản gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Cục, Vụ, đơn vị thuộc, trực thuộc cơ quan Tổng cục Thuế. 

Tổng cục Thuế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức, viên chức thuế trong thực thi công vụ cũng hết sức cần thiết, cần triển khai đồng bộ, quyết liệt. 

Tổng cục Thuế lưu ý việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định để hạn chế tối đa tiêu cực có thể xảy ra. 

"Đối với những công chức vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng; cố tình gây khó khăn phiền hà cho người nộp thuế, nếu chưa đến mức xử lý kỷ luật buộc thôi việc thì đơn vị không được bố trí ở các bộ phận: tổ chức cán bộ, kiểm tra nội bộ, tài vụ quản trị, bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế trong thời hạn tối thiểu là 5 năm", Tổng cục Thuế chỉ đạo. 

Cục Kiểm tra nội bộ, Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng chống tham nhũng tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức các đường dây nóng tại cơ quan, đơn vị để tiếp thu và lắng nghe ý kiến phản ảnh của người dân, người nộp thuế; tham mưu Tổng cục thành lập các tổ kiểm tra của Tổng cục để kiểm tra đột xuất việc thực thi công vụ ở các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục và các Cục Thuế. 

Các cục thuế thành lập các Tổ kiểm tra đột xuất việc thực thi công vụ của các đơn vị thuộc và trực thuộc. Việc kiểm tra đột xuất công vụ tập trung vào các bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm của công chức thuế trong quá trình thực thi công vụ theo quy định. (Vietnamnet.vn 21/02, Lương Bằng)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Bộ Nội vụ đề xuất 9 nhóm đối tượng được áp dụng tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023

Chiều 20/2, Bộ Nội vụ cho biết, đang lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng. 

Thực hiện Nghị quyết số 70/2018/QH14 ngày 9/11/2018 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 9/5/2019 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng (tăng thêm 7,19%) từ ngày 1/7/2019. 

Từ năm 2020 đến nay, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố trong nước và quốc tế, đặc biệt là tác động của dịch bệnh COVID-19 nên chưa có điều kiện để tiếp tục điều chỉnh mức lương cơ sở theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 38/2019/NĐ-CP nêu trên và thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. 

Theo đó, mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng được giữ nguyên từ ngày 1/7/2019 đến nay; nếu so với mức lương vùng của người lao động khu vực doanh nghiệp thì mức lương 1.490.000 đồng/tháng (áp dụng đối với đối tượng hưởng lương ngân sách) mới đạt 37,89% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2022 (3.932.500 đồng/tháng), dẫn đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn. 

Từ những căn cứ nêu trên, việc xây dựng nghị định của Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,8%, thực hiện từ ngày 1/7/2023) là cần thiết nhằm góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. 

Dự thảo Nghị định gồm 6 điều trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp của Nghị định số 38/2019/NĐ-CP, không phát sinh thủ tục hành chính, không có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới cần lồng ghép; không liên quan đến cam kết quốc tế; ngôn ngữ, kỹ thuật trình bày văn bản phù hợp với quy định của pháp luật. 

Dự thảo quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (sau đây gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang. 

Theo Dự thảo Nghị định, 9 nhóm đối tượng áp dụng gồm: 

Thứ nhất, cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019). 

Thứ hai, cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019). 

Thứ ba, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019). 

Thứ tư, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu) theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập đang được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. 

Thứ năm, người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. 

Thứ sáu, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thứ bảy, sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an thuộc Công an nhân dân. 

Thứ tám, người làm việc trong tổ chức cơ yếu. 

Thứ chín, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố. 

Dự thảo Nghị định dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023 và thay thế Nghị định số 38/2019/NĐ-CP. (Thanhtra.com.vn 20/02, Phương Anh)Về đầu trang

Bình Thuận: Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ngày 21/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có Công văn gửi các đơn vị liên quan về việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. 

Theo UBND tỉnh, ngày 16/1/2023, Thanh tra Chính phủ ban hành Công văn số 141/TTCP-C.IV về điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 của tỉnh Bình Thuận đạt 59,9/100 điểm, giảm 1,45 điểm so với năm 2020 (61,35/100 điểm). 

Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh cũng như cải thiện điểm số về đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hàng năm, đồng thời khắc phục hạn chế, thiếu sót trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị thời gian qua, UBND tỉnh yêu cầu đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch cũng như yêu cầu, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vi ̣theo Điều 10 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; công khai việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Phòng, chống tham nhũng mà theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch. Việc công khai phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử, niêm yết tại trụ sở (trừ nội dung thuộc bí mật Nhà nước); hình thức công khai, minh bạch phải đảm bảo chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật để nhân dân biết, theo dõi, giám sát. 

Hàng năm, các đơn vị xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, tổ chức ít nhất một cuộc tự kiểm tra rà soát, để chủ động phát hiện, xử lý tình trạng có xung đột lợi ích trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu xảy ra xung đột lợi ích phải báo cáo, xử lý kịp thời theo đúng quy định pháp luật. Tùy tính chất, mức độ, có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vi ̣do mình quản lý; tránh tình trạng xảy ra tham nhũng, tiêu cực nhưng chỉ phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm. 

Các đơn vị nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Xây dựng cơ bản, đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài chính, tài sản công… Qua công tác thanh tra, kiểm tra chủ động rà soát để phát hiện những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách trong quản lý, kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm triệt tiêu điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực. (TTXVN 21/02, Nguyễn Thanh)Về đầu trang

Cần Thơ: Thành lập Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương

Phát biểu tại cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành để chuẩn bị thành lập Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 743) chiều 20/2, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 743 cho biết, các thành viên tham gia vào Tổ giúp việc vừa phải thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn tại cơ quan, đơn vị, vừa phụ trách công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo.  

Công việc này không được trả lương, không có chế độ phụ cấp thêm, không có quyền lợi như các công việc chính thống khác nhưng đây là trách nhiệm của người đảng viên khi được Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo phân công. Công việc và trách nhiệm là rất nặng nề, đòi hỏi các thành viên phải làm bằng cái tâm, trách nhiệm và phải hết sức cố gắng hoàn thành nhiệm vụ vì sự phát triển của thành phố. 

Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhấn mạnh, muốn thành phố phát triển nhanh trong thời gian tới phải vận hành tốt Ban Chỉ đạo 743. Thành phố Cần Thơ có điều kiện thuận lợi, được Trung ương quan tâm và đầu tư nhiều công trình dự án trên địa bàn. Dự kiến, nguồn vốn đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn trong năm 2023 sẽ tăng gấp 3 lần so với bình quân các năm trước. 

Theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo 743 sẽ thành lập 21 Tổ công tác, trong đó có có 4 Tổ công tác phụ trách thực hiện 3 nghị quyết của Trung ương và 17 Tổ công tác phụ trách 17 dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn. Mỗi Tổ công tác sẽ do một đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy hoặc Thành ủy viên phụ trách; có bộ phận giúp việc là đại diện các sở, ngành, các chuyên viên nắm vững công tác chuyên môn để theo dõi, kiểm tra, làm tham mưu  để các Tổ trưởng kịp thời đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, Tổ công tác, Tổ giúp việc là không làm thay các cơ quan đơn vị chức năng, các chủ đầu tư mà chủ yếu là theo dõi, đôn đốc, phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án thực hiện đúng tiến độ, đúng quy định. 

Theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, các thành viên Tổ giúp việc phải nắm chắc công việc, khi làm phải nắm chắc thực tiễn, báo cáo chính xác và trung thực. Đặc biệt, do các thành viên đều làm kiêm nhiệm, công việc rất nhiều nên đòi hỏi mỗi người phải cố gắng cao thì mới hoàn thành nhiệm vụ. (TTXVN 20/02, Ngọc Thiện)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – NHẬN ĐỊNH

Đi “năm lần bảy lượt” mà họ không nhận hồ sơ

Nhiều doanh nhân chia sẻ không ít các cán bộ quản lý không giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp tư nhân đã đành, họ thậm chí không tiếp nhận hồ sơ để ít nhất biết vướng mắc là gì. 

Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã được xác định trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường sau Nghị quyết 10 năm 2017. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tinh thần của không ít cán bộ quản lý, để đảm nhận vai trò này. 

Gần đây, một vài doanh nhân tìm đến trao đổi với người viết bài này nhiều khó khăn của họ trong kinh doanh mà phần lớn là do sự trì trệ của các cán bộ công chức.

Một doanh nhân kể, họ đến một sở ở địa phương để nộp hồ sơ đầu tư dự án lớn về phát triển bất động sản, nhưng đi “năm lần bảy lượt” mà hồ sơ không được tiếp nhận. “Người ta từ chối nhận hồ sơ vì nhận là phải trả lời trong 15 ngày lý do không giải quyết. Mà nhận thì họ chắc chắn không giải quyết được vì không ai ký”, vị doanh nhân nói. 

Tình trạng này có lẽ không còn đơn lẻ ở một địa phương vì những doanh nhân khác cũng kể những câu chuyện tương tự. Không ít các cơ quan quản lý không giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp tư nhân thì đã đành, họ còn thậm chí không tiếp nhận hồ sơ để ít nhất biết vướng mắc là gì. 

Gần đây, nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành phố cũng đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều cấp về nhiều quy định về quản lý xăng dầu chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn. 

Tuy nhiên, đơn từ gửi đi mà không nhận được hồi âm, hay động thái giải quyết, ngoại trừ một vài cuộc thảo luận do VCCI chủ trì. 

Còn rất nhiều các ví dụ khác mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp khó khăn từ các cơ quan quản lý mà người viết bài này không thể kể hết ở đây vì khuôn khổ bài báo có hạn. 

Tình trạng này đã từng được đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Phó đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận) phản ánh tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 năm ngoái. Ông phản ánh, có cán bộ tâm sự với ông "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử". 

Ông nói: “Nguyên nhân là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ. Cùng một vấn đề, áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra áp dụng luật khác thì thành sai; thời điểm này có thể đúng, khi kiểm tra ở thời điểm khác lại sai”. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, sau khi đi tới nhiều địa phương, cũng bày tỏ thực tế ông ghi nhận được: nhiều công chức không muốn, không dám thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. 

Có những công chức tâm sự với ông: “Em thà chịu bị phê bình làm chậm, chưa hoàn thành nhiệm vụ còn hơn là bị kỷ luật, có thể bị truy cứu hình sự”, “Em làm cũng sai, mà không làm cũng sai”, “Bây giờ em đọc các văn bản pháp luật có liên quan, em thấy các quy định đó như những cái bẫy đối với chúng em, và em sợ”. 

Thậm chí, có người còn nói thẳng: “Chúng em cố gây khó, tạo thêm hàng rào kỹ thuật cho dân và doanh nghiệp để cảm thấy an tâm, an toàn cho bản thân”. 

Như vậy, không ít cán bộ làm khó, tạo thêm rào cản cho người dân và doanh nghiệp hơn là tạo thuận lợi và tìm cách giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư phát triển kinh tế địa phương. 

Trước đây, công việc của ngành nào, ngành đó xử lý theo các quy định pháp luật tương ứng đối với ngành. Nay mọi việc, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng..., các sở có liên quan đều phát công văn tham vấn ý kiến của tất cả các sở, ngành. Do đó, việc giải quyết công việc liên quan kéo dài lê thê, gấp nhiều lần so với trước. 

Các quyết định được đưa theo cơ chế đồng thuận tạo biết bao thủ tục nhiêu khê và tốn thời gian. Trong nhiều trường hợp, các cán bộ địa phương tham vấn ý kiến chuyên môn của các bộ, ngành trung ương liên quan nhưng cách và nội dung trả lời, nếu có, không giúp ích gì cho công việc của họ. Trong nhiều trường hợp, không có quyết định cuối cùng. 

Các vướng mắc, khó khăn của người dân và doanh nghiệp thường không được báo cáo lên lãnh đạo nếu chưa tìm được giải pháp an toàn về pháp lý. Cán bộ cấp dưới không báo cáo lãnh đạo cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo. 

Rất ít, thậm chí không có các dự án đầu tư mới được cấp chủ trương đầu tư. Hàng ngàn dự án đầu tư không thể hoàn thành đủ các thủ tục hành chính cần thiết để triển khai thực hiện. Nhiều dự án đã đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất cũng bị dừng lại do cơ quan nhà nước không nhận tiền đã trúng thầu. Giải ngân đầu tư công vẫn chậm dù Chính phủ lập nhiều đoàn công tác để chỉ đạo và đôn đốc. 

Chứng kiến thực tế này, ông nói: “Tình trạng này đáng báo động và không thể kéo dài được vì năng lực sản xuất, tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn của nền kinh tế có thể bị suy giảm”. 

Trước thực tế đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có văn bản cho một số cơ quan để nghiên cứu Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Đây là một nỗ lực tiếp nối sau khi có Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân năm 2017 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành. 

Khu vực doanh nghiệp tư nhân đến nay mãi không lớn lên được, khu vực doanh nghiệp chính thức mới chỉ chiếm 10% GDP trong khi khu vực kinh tế phi chính thức là hộ gia đình chiếm hơn 32% GDP. 

Một phần của thực tế này do hệ thông pháp luật, các cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để kinh tế tư nhân phát triển trong nhiều trường hợp mang tính chất “xử lý tình huống”, chưa mang tính thúc đẩy, ấn định để triển khai và chưa đảm bảo thực thi được những ưu tiên phát triển. Từ đó làm cho tình trạng doanh nghiệp tư nhân “không thể lớn” hay “không muốn lớn” bởi niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh. 

Hệ thống pháp luật chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và ổn định; tần suất sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản pháp luật còn rất cao. Nhiều văn bản pháp luật tuổi thọ ngắn, thậm chí mới ban hành đã phải tạm hoãn thực hiện hoặc phải sửa đổi, bổ sung. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp thực tiễn, khó thực hiện, thậm chí có những quy định pháp luật còn xa rời thực tế. Tình trạng này gây nhiều khó khăn, phức tạp cho người dân và doanh nghiệp tư nhân thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Thực trạng luật pháp chồng chéo, mâu thuẫn như thế này rất dễ khiến cán bộ làm sai, gây rủi ro cho doanh nghiệp. 

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận xét, một doanh nghiệp đầu tư một dự án trên địa bàn tỉnh A. Trong nhiệm kì này ông Bí thư, Chủ tịch mời họ bằng được để làm và mở tối đa cơ chế ưu đãi, thậm chí cho phép lập dự án triển khai trước khi làm xong các quy trình, thủ tục. Nhưng trong nhiệm kì sau, các ông khác lên thay lại quy doanh nghiệp phạm tội. 

Ở đây có câu chuyện hợp đồng không được bình đẳng, không được bảo vệ. Doanh nghiệp ký kết hợp đồng với ông Chủ tịch, vậy ông Chủ tịch đó không phải cá nhân ông ấy mà nhân danh Nhà nước. 

Đại biểu Vân đặt câu hỏi: “Tại sao sau đó ông Chủ tịch sau lại đòi lại, hủy hợp đồng? Chả nhẽ lại có mấy Nhà nước, Nhà nước của ông lên sau đúng, Nhà nước của ông trước sai hay sao mà lại đòi hủy hợp đồng Nhà nước đã ký với doanh nghiệp?!”. (Vietnamnet.vn 21/02, Lan Anh)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Hàn Quốc đẩy nhanh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống thường ngày

Chính phủ Hàn Quốc có lộ trình thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Theo đó nước này bắt đầu phát triển và phân phối phiên bản Hàn Quốc của ứng dụng trò chuyện ChatGPT.

Năm nay, Hàn Quốc sẽ tập trung xây dựng dữ liệu học tập AI để từ năm 2024, chính thức xúc tiến Dự án quốc gia về ứng dụng AI vào đời sống thường ngày. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm xử lý đơn hàng vi mô (MFC) cho phép xử lý giao hàng siêu ngắn trong vòng một giờ sau thời gian giao hàng vào sáng sớm. Robot giao hàng dự kiến sẽ được thương mại hóa vào năm 2026 và giao hàng bằng máy bay không người lái vào năm 2027. 

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, những nội dung trên được công bố tại Hội nghị Kinh tế khẩn cấp diễn ra ngày 20/2 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho. Tại đây, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố lộ trình “Chiến lược tăng trưởng mới 4.0” theo năm, trong đó có bao gồm những nội dung tập trung vào lĩnh vực tăng cường ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI.  

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định thúc đẩy sửa đổi luật để tạo động lực phát triển của các dịch vụ AI sáng tạo như ChatGPT. Sửa đổi luật bản quyền để các tác phẩm có bản quyền có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu nhằm phát triển AI siêu lớn, theo đó chính phủ nước này cũng sẽ hỗ trợ việc sử dụng các mô hình AI siêu khổng lồ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các trường đại học. AI siêu khổng lồ đề cập đến một hệ thống có khả năng tính toán quy mô lớn dựa trên cơ sở dữ liệu và máy chủ quy mô lớn. Cùng với đó là việc mở rộng sự phát triển của các giải pháp AI y tế tập trung vào các tập đoàn tư nhân. 

Chính phủ Hàn Quốc đã công bố lộ trình phát triển AI. Theo lộ trình này, vào tháng 6 năm nay, “Dự án quốc gia ứng dụng AI vào cuộc sống hàng ngày” sẽ phân phối các sản phẩm và dịch vụ AI để giải quyết sinh kế cộng đồng và các vấn đề xã hội để bắt đầu triển khai từ năm tiếp theo. Thông qua dự án trên, Hàn Quốc có kế hoạch phát triển AI lấy con người làm trung tâm, bổ sung thêm những thiếu sót của công nghệ AI hiện tại, nâng cấp tương tác trong sử dụng AI vào năm 2026 và AI đa năng vào năm 2029. 

Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy xây dựng và vận hành hệ thống “hậu cần thông minh” kết hợp ngành hậu cần đang phát triển nhanh chóng với AI, máy bay không người lái và robot sau đại dịch. Dựa trên AI và dữ liệu lớn, quyết định cho phép thành lập MFC tại trung tâm thành phố để có thể giao hàng siêu ngắn trên toàn quốc trong vòng 30 phút đến 1 giờ. MFC là một cơ sở hậu cần quy mô được xây dựng để dự đoán nhu cầu đặt hàng ở các khu vực lân cận, quản lý hàng tồn kho và giao hàng ngay lập tức. Theo quy định của pháp luật hiện hành, trung tâm phân phối là cơ sở kho bãi nên không được đặt tại trung tâm thành phố. Tuy nhiên, theo kế hoạch, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét sửa đổi Luật Cơ sở hậu cần và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng để cho phép các MFC có tổng diện tích sàn dưới 500m2. 

Hàn Quốc cũng sẽ hỗ trợ phát triển và trình diễn công nghệ tư nhân để thương mại hóa việc giao hàng không người lái, chẳng hạn như giao hàng bằng robot và máy bay không người lái trong giai đoạn đầu, theo đó nước này sẽ dành một khu vực thử nghiệm các công nghệ và thiết bị liên quan đến việc giao hàng bằng công nghệ mới. Đặc biệt, để thương mại hóa việc giao hàng bằng máy bay không người lái, Hàn Quốc sẽ mở rộng 33 khu vực tự do hóa hoạt động máy bay không người lái hiện tại. Với việc mở rộng những khu vực này, các quy định trước đây về an toàn bay không người lái sẽ được đơn giản hóa. (TTXVN 21/02, Khánh Vân)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

More

05