Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 16/3/2023

Font size : A- A A+

TIN QUỐC HỘI

1.        Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp lần thứ 21

2.        Quy định về chỉ định thầu, đàm phán giá thuốc, trang thiết bị y tế

3.        Cần minh bạch, công khai Quỹ bình ổn xăng dầu

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

4.        Thủ tướng: Làm rõ nguyên nhân du lịch Việt Nam "đi trước về chậm"

5.        Du lịch Việt vẫn kêu cứu chuyện visa sau một năm mở cửa

6.        Sắp đón công dân thứ 100 triệu vào tháng 4, dân số Việt Nam sẽ đứng thứ bao nhiêu trong khu vực? 

7.        Doanh nghiệp tố bị hành, thanh tra Sở Lao động Cần Thơ nói gì?

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

8.        Giá đất trước và sau khi có dự án chênh đến 700 lần và chuyện trục lợi chính sách

QUẢN LÝ

9.        Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên về xây dựng nguồn nhân lực trẻ

10.     Bộ GTVT trình Chính phủ: Cho phép xe quá hạn đăng kiểm 15 ngày được đi kiểm định

11.     Tăng cường lực lượng công an, quân đội đăng kiểm xe trong 1 tháng

12.     Thí điểm mô hình cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

13.     Hà Nội: Dừng yêu cầu xác nhận cư trú để chuyển cấp học

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

14.     Chính phủ lập 5 tổ công tác tháo gỡ đầu tư công

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

15.     Thái Nguyên kỷ luật hàng loạt cán bộ

16.     Bắt tạm giam Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng

17.     Thanh Hóa: Cách hết chức vụ trong Đảng đối với Chủ tịch thị trấn Qúy Lộc

THẾ GIỚI

18.     Kịch bản "2 Singapore" khi khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh

 


 

TIN QUỐC HỘI

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp lần thứ 21

Sáng 15/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp lần thứ 21. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo dự kiến chương trình phiên họp kéo dài 4 ngày. Đây là phiên họp xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng sẽ trình kỳ họp Quốc hội thứ 5. 

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 8 nội dung dự kiến trình tại kỳ họp thứ 5 gồm 7 dự án luật và 1 dự án đầu tư. 

Cụ thể, cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu chỉnh lý 3 dự án luật đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 bao gồm: Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi). Theo kế hoạch, tại phiên họp lần này, Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến về một số vấn đề lớn, làm cơ sở cho việc tiếp thu và chỉnh lý. 

Với Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội và một số Phó Chủ tịch Quốc hội đã nghe cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo cho ý kiến một số vấn đề còn ý kiến khác nhau. Cho đến nay, các vấn đề đó đã được tiếp thu, chỉnh lý. 

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 3 dự án luật khác, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 bao gồm: Cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi). 

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) là những dự án luật có liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Do đó cần thiết sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. 

Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về dự án luật, đồng thời xem xét quyết định việc bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án Hồ chứa nước Ka Pét của huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận trên cơ sở đề nghị của Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công. 

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Dự kiến nội dung này sẽ được dành một ngày vào ngày 20.3 đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm trả lời chính. 

Bộ trưởng các Bộ Công an, Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách ngành lĩnh vực có thể tham gia báo cáo giải trình thêm nội dung này. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung này đã được thẩm định kỹ lưỡng, ngày 14/3 đã có một cuộc họp rà soát lại công tác chuẩn bị với 2 ngành và các bộ có liên quan. 

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền bao gồm: xem xét đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với hai dự án Luật Luật Căn cước công dân sửa đổi và Luật các tổ chức tín dụng. 

Xem xét, ban hành kế hoạch công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách và các chức danh ở Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo chất lượng, chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và cả địa phương cho nhiệm kỳ khóa XVI. 

Xem xét, phê chuẩn việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại một số nước và xem xét công tác dân nguyện tháng 3. 

Nhấn mạnh nội dung phiên họp rất phong phú và quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tích cực nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề lớn hoặc những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp thứ 5. (VTV.vn 15/3)Về đầu trang

Quy định về chỉ định thầu, đàm phán giá thuốc, trang thiết bị y tế

Sáng 15.3, tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). 

Một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội rất quan tâm khi sửa luật là gỡ khó cho mua sắm trang thiết bị y tế. 

Liên quan đến chỉ định nhà thầu, có ý kiến đề nghị cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với thuốc, vật tư, thiết bị y tế trong trường hợp trên thị trường chỉ có một nhà sản xuất thì cần tổ chức đàm phán và công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Ngoài đấu thầu, cần nghiên cứu, bổ sung các hình thức mua sắm khác đối với việc cung cấp thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, tại dự thảo Luật đã có quy định về chỉ định thầu, đàm phán giá đối với thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Đối với việc cung cấp thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, ngoài các hình thức lựa chọn nhà thầu như thông thường còn được áp dụng hình thức đàm phán giá, sử dụng danh sách nhà thầu nhiều lần tạo sự linh hoạt, chủ động trong mua sắm. Mua sắm hóa chất, sinh phẩm kèm theo nhà thầu phải cung cấp máy móc xét nghiệm để sử dụng hóa chất, sinh phẩm đó. 

Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, ông Cường khằng định đã rà soát, chỉnh lý kỹ càng các nội dung này. 

Trong đó, tại Điều 23 về chỉ định thầu quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân”. 

Điều 28 về Hình thức “đàm phán giá” được quy định áp dụng riêng đối với “các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 1 đến 2 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác”. 

Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 57 để áp dụng cho các trường hợp mua hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng hóa chất, sinh phẩm đó, nhằm góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng máy đặt, máy mượn để xét nghiệm tại các bệnh viện hiện nay. 

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là nội dung quan trọng liên quan nhiều đến việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước, các thủ tục, cách thức, quy trình, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, công khai môi trường đầu tư kinh doanh, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm cấu phần hóa chất trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và mua sắm hàng dự trữ quốc gia. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quy định này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành y. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm quy định phạm vi điều chỉnh bao gồm cả dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, quản lý ngành và lĩnh vực. Đây là nội dung hoàn toàn mới mà được bổ sung trong dự thảo Luật lần này. (Lao động 15/3, Phạm Đông)Về đầu trang

Cần minh bạch, công khai Quỹ bình ổn xăng dầu

Tiếp tục phiên họp thứ 21, sáng 15.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi). 

Liên quan đến vấn đề Quỹ bình ổn giá xăng dầu được dư luận quan tâm trong thời gian qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, việc sử dụng quỹ bình ổn giá khi giá của hàng hóa, dịch vụ đó biến động bất thường hoặc tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống. Trên thực tế, chỉ có Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang hoạt động nhằm mục tiêu bình ổn giá. 

Ông Nguyễn Phú Cường cho biết, có ý kiến cho rằng với việc hiện nay chỉ duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì vậy, không nên quy định thành 1 điều trong Luật về quỹ mà chỉ quy định tại điều khoản chuyển tiếp để tiếp tục thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tránh trường hợp tiếp tục thành lập quá nhiều loại quỹ. 

Còn vấn đề sự cần thiết của việc duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ. 

Theo nhiều ý kiến, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, cần có sự điều hành của Nhà nước. 

Ngoài ra, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh… 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định làm rõ tính chất hoạt động có thời hạn, Chính phủ chịu trách nhiệm công khai, hiệu quả, kịp thời trong quản lý, sử dụng Quỹ.  

Trong chiều ngược lại, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành, chưa có quy định về thời hạn hoạt động của Quỹ. 

Ngoài ra, hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, việc lập quỹ là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất… 

Theo ông Nguyễn Phú Cường, tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, trong quản lý, điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ cần đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn lực, việc sử dụng Quỹ. 

Nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường. (Laodong.vn 15/3, Phạm Đông)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Thủ tướng: Làm rõ nguyên nhân du lịch Việt Nam "đi trước về chậm"

Sáng 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển". Hội nghị diễn ra sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022). 

Ngày 15/3/2023 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch COVID-19. Đến tháng 3.2023, một năm sau dấu mốc này, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là "bùng nổ" du lịch nội địa. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495.000 tỉ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022). 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề đối với các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Thực hiện kết luận của Trung ương, chúng ta chuyển từ trạng thái "zero COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. 

"Cách đây đúng 1 năm, ngày 15/3/2022, khi dịch COVID-19 được kiểm soát khá vững chắc, chúng ta đã quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm. Đây là những bước chuyển có ý nghĩa bước ngoặt, giúp chúng ta thành công trong kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là đúng đắn", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Theo Thủ tướng, nhìn lại những năm phòng, chống dịch vừa qua, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề. Mặc dù là nước đông dân, đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, song Việt Nam là nước chống dịch và kiểm soát dịch bệnh tốt, mở cửa sớm. Tuy nhiên, so các nước trong khu vực, năm 2022, chúng ta chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch. 

Thủ tướng nhấn mạnh việc cần triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, đánh giá việc phát triển ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, cả nước chưa. 

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, những khó khăn mà cả thế giới phải đối mặt, thì đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"? 

"Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?", Thủ tướng đặt vấn đề. 

Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp đột phá trong thời gian tới, nhất là vấn đề hạ tầng, xúc tiến và quảng bá như thế nào? Cùng với đó là vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa… (VTV.vn 15/3)Về đầu trang

Du lịch Việt vẫn kêu cứu chuyện visa sau một năm mở cửa

Tròn một năm mở cửa sau Covid-19, câu chuyện visa Việt Nam dành cho khách quốc tế bị đánh giá "thiếu thân thiện" vẫn chưa có hướng giải quyết. 

Sau Covid-19, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á được yêu thích, cùng Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia bởi có nhiều tài nguyên du lịch biển, thức ăn ngon, cảnh quan ngoạn mục và người dân thân thiện. Người làm trong ngành du lịch đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi chính sách visa để tăng sự hấp dẫn của điểm đến Việt Nam. Nhưng hiện chưa có sự thay đổi nào và đây được cho là rào cản chính khiến Việt Nam "đi sớm về sau" ở cuộc đua đón khách quốc tế. 

Theo ông Phạm Hà, CEO Lux Group, các nước hút khách quốc tế, đặc biệt khách giàu, bằng chính sách "visa vàng", "second home". Thái Lan hay Indonesia có chính sách cởi mở và linh hoạt khiến du khách có thể quyết định lên đường vào phút chót. Về thời gian lưu trú, Thái Lan kéo dài từ 30 lên 45 ngày. Đài Loan tái áp dụng chính sách eVisa Quan Hồng hướng đến khách đi theo đoàn qua các công ty lữ hành. Hàn Quốc nối lại visa multiple (cho phép khách ra vào nhiều lần) với thời hạn lưu trú 30 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm. Malaysia và Singapore đã miễn visa cho 162 quốc gia, trong khi Philippines là 157, Nhật Bản 68, Hàn Quốc 66, Thái Lan 64. Còn Việt Nam hiện là 25 quốc gia, thời gian lưu trú thường chỉ 15 ngày. 

Ngoài ra, còn một số vấn đề visa còn tồn đọng như e-visa có tên miền khó nhớ, website chỉ có tiếng Anh. Bản di động giao diện không bắt mắt, khách khó trả tiền và nộp xong thông tin không biết được duyệt hay không. "Tôi thấy tiếc khi khách không chọn Việt Nam sau nhiều nỗ lực tưởng chốt được đoàn", ông cho hay. 

Du lịch Việt Nam "đi sớm về sau" thể hiện rõ ở lượng khách quốc tế. Tháng 7/2022, Thái Lan mở cửa hoàn toàn và đón hơn 11 triệu khách cả năm sau một năm thử nghiệm với "Hộp cát Phuket". Singapore mở cửa tháng 4/2022 và đón được 6,3 triệu lượt. Cùng thời điểm, Indonesia mở dần cửa khẩu quốc tế và đón 5,5 triệu lượt. Cả Thái Lan, Singapore và Malaysia đều vượt chỉ tiêu khách quốc tế năm 2022. Trong khi đó, Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt trong mục tiêu 5 triệu. 

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Thương mại Vietnam Airlines, cho biết cùng một cơ hội đặt ra, cùng khu vực Đông Nam Á, du khách sẽ chọn lựa nước nào có chính sách visa dễ nhất. "Từ thực tế trong ngành hàng không, những nước miễn visa, có đường bay thẳng, trong vòng 3 năm, lượng khách tăng lên gấp đôi", ông Thành nói. 

Theo Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, sự thuận lợi của việc cấp visa có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5 đến 25% mỗi năm. 

Trong buổi tọa đàm "Mở visa, phục hồi du lịch" ở TP HCM hôm 10/3, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel, cho biết chỉ có khoảng 2.000 e-visa được xử lý mỗi ngày và visa on arrival vẫn cần "thư chấp thuận thị thực" trước khi tới. Chính sách và quy trình xin visa phức tạp khiến du lịch Việt Nam khó phục hồi. 

Về giải pháp "gỡ rối visa", các chuyên gia du lịch mong muốn Việt Nam có thể tăng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 ngày với trường hợp miễn visa. Đồng thời, e-visa cần được mở rộng hơn 80 nước, visa on arrival không cần duyệt trước. Các thị trường tiềm năng, chi cao cho du lịch ở châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, New Zealand nên được miễn visa. Ngoài ra, các dịch vụ như cấp visa nhanh trong ngày, khách có thể tự xin visa trường hợp khẩn cấp cũng được chuyên gia gợi ý. 

Bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc khối Sun World, Tập đoàn Sun Group, cho rằng để chấm dứt tình trạng "đi trước về sau", Việt Nam cần "mở cánh cửa visa". "Chính sách visa của Việt Nam đang bất lợi, về cả số quốc gia miễn, thời gian lưu trú với e-visa, thời gian miễn visa cũng như hình thức visa. Nếu chúng ta không điều chỉnh linh hoạt, rất có thể du lịch tiếp tục tụt lại phía sau", bà Nguyện nói. 

Ngành du lịch đang phục hồi nhanh sau Covid-19, nhưng hiện chủ yếu nhờ khách nội địa, nhóm chi tiêu bằng khoảng 40-50% so với khách quốc tế, theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM. 

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và nhiều người trong ngành du lịch tin điều này hoàn toàn khả thi. "Cần xem xét tháo gỡ chính sách visa, tăng thời gian lưu trú, tránh tình trạng khách đang ở Việt Nam thì hết hạn visa và phải sang nước lân cận, làm hạn chế sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt du khách", bà Hoa nói thêm. (Vnexpress.net 15/3, Tú Nguyễn - Bích Phương)Về đầu trang

Sắp đón công dân thứ 100 triệu vào tháng 4, dân số Việt Nam sẽ đứng thứ bao nhiêu trong khu vực?

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, khoảng trung tuần tháng 4/2023, dân số Việt Nam có thể cán mốc 100 triệu người. 

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì việc Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu này được coi là một dấu mốc đáng tự hào giúp nâng cao vị thế của Việt Nam đối với bạn bè và đối tác quốc tế. 

Với quy mô dân số 100 triệu người cộng với các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển phù hợp, một môi trường chính trị ổn định, một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầy ấn tượng trong con mắt bạn bè quốc tế. 

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, tính đến năm 2022, dân số của Việt Nam đạt khoảng 99,4 triệu người, chiếm 1,24% dân số thế giới. Mật độ dân số của Việt Nam là 321 người/km2. Trong đó, số nam giới là 49,61 triệu người, chiếm 49,9%, nữ có 49,85 triệu người, chiếm 50,1%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2022 là 99,5 nam/100 nữ. Dân số sống ở thành thị chiếm 38,77%. 

Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2022 là 73,6 tuổi, trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,4 tuổi. 

Xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, dân số của Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 trong khu vực, xếp sau Indonesia (275,5 triệu người) và Philippines (115,5 triệu dân). 

Sau Việt Nam, Thái Lan là quốc gia có dân số cao thứ 4 trong khu vực, với dân số tính đến năm 2022 khoảng 71,6 triệu người. Theo sau lần lượt là Myanmar (54,1 triệu dân), Malaysia (34 triệu dân), Campuchia (16,7 triệu dân), Lào (7,5 triệu dân), Singapore (5,9 triệu dân), Đông Timor (1,3 triệu dân) và Brunei (0,49 triệu dân). 

Xét trên toàn thế giới, dân số của Việt Nam hiện đang đứng thứ 16 trên thế giới, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc. Theo đó, tính đến năm 2022, quốc gia có quy mô dân số cao nhất thế giới là Trung Quốc, với số dân khoảng 1,425 tỷ người. Tuy nhiên, Liên hợp quốc dự báo, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới ngay trong năm 2023. 

Với con số 99,4 triệu dân ở Việt Nam hiện tại, Tổng cục Thống kê đánh giá, với tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, dự báo trung tuần tháng 4 Việt Nam sẽ chính thức trở thành một trong 15 quốc gia trên thế giới, và một trong 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô dân số trên 100 triệu người. (Nhipsongkinhte.toquoc.vn 15/3, Giang Anh)Về đầu trang

Doanh nghiệp tố bị hành, thanh tra Sở Lao động Cần Thơ nói gì?

Ngày 14-3, ông Bùi Thanh Giang gửi thư đến Tuổi Trẻ Online phản ánh doanh nghiệp ông bị hành, do từ cuối năm 2022 đến nay đã ba lần bị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ thanh tra, kiểm tra đột xuất. 

Ông Giang là giám đốc Công ty TNHH giải pháp khoa học và công nghệ Nam Việt, có trụ sở tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. 

Doanh nghiệp của ông Giang có ba cơ sở chuyên hoạt động đào tạo nghề nghiệp. Tháng 11-2022 và giữa tháng 2-2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ ban hành hai quyết định kiểm tra đột xuất. 

Nội dung kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Hai quyết định này được lãnh đạo sở ban hành theo đề nghị của chánh thanh tra và trưởng phòng lao động. 

Ngày 10-3-2023, từ đề nghị của chánh thanh tra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ tiếp tục ban hành quyết định thanh tra đột xuất công ty ông Giang. 

Nội dung thanh tra liên quan việc chấp hành các quy định pháp luật về hỗ trợ học nghề cho người lao động. 

Thời gian thanh tra là 30 ngày làm việc. Lúc này, ông Giang khiếu nại quyết định thanh tra và được đoàn thanh tra đưa vào biên bản làm việc. 

Dù chưa có buổi làm việc giải quyết khiếu nại, nhưng vào ngày 13-3-2023, thanh tra sở đã có công văn yêu cầu ông Giang cung cấp tài liệu cho đoàn thanh tra. 

"Những lần kiểm tra đột xuất sở chưa ban hành kết luận. Nhưng sau đó liên tiếp ban hành các quyết định thanh, kiểm tra đột xuất. Như vậy là hành doanh nghiệp.  

Chỉ thị 20 năm 2017 của Thủ tướng không cho phép thanh, kiểm tra doanh nghiệp hai lần/năm. Kiểm tra đột xuất chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng", ông Giang nói. 

Ông cũng cho biết: viện lý do doanh nghiệp đang bị kiểm tra đột xuất, trong tháng 2-2023 Trung tâm dịch vụ việc làm (trực thuộc sở) ra văn bản yêu cầu ông dừng tiếp nhận hồ sơ của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đăng ký học nghề. 

Đồng thời, gửi văn bản cho người lao động thông báo ngưng giải quyết hồ sơ học nghề tại công ty ông và hướng dẫn đến đăng ký học nghề tại trung tâm của sở. 

Đại diện Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP Cần Thơ, ông Nguyễn Hoàng Sơn xác nhận đơn vị có tham gia một lần kiểm tra đột xuất vào tháng 11-2022 và lần thanh tra đột xuất vừa công bố ngày 13-3. Còn quyết định kiểm tra đột xuất tháng 2-2023 là của phòng chuyên môn, không phải của thanh tra. 

"Chúng tôi thanh, kiểm tra hai lần, ở hai năm khác nhau. Có biên bản, kết luận và thông báo cho ông Giang. Nhưng người này không thực hiện theo thông báo. Về chỉ thị 20, thanh kiểm tra không được quá hai lần, cùng một nội dung trong một năm.  

Đợt thanh tra đột xuất mới nhất chưa có kết quả, ông Giang cũng có quyền khiếu nại quyết định này", ông Sơn cho hay. (Tuoitre.vn 15/3, Chí Hạnh)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Giá đất trước và sau khi có dự án chênh đến 700 lần và chuyện trục lợi chính sách

Nếu nói hệ số điều chỉnh giá đất cao gấp từ 25- 38 lần “giá nhà nước” là để đảm bảo hợp lý, thì rõ ràng “Giá nhà nước” đang rất không hợp lý. 

Hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư năm 2023 vừa được TPHCM ban hành với một kỷ lục mới: Hệ số K đối với đất ở tối đa cao gấp 25 lần. Đối với đất nông nghiệp, hệ số K cao tối đa gấp 38 lần. Và “lần” ở đây là so với “giá nhà nước”. 

Nói kỷ lục là bởi năm ngoái, hệ số K đối với đất nông nghiệp được Thành phố này ban hành có mức tối đa cao gấp 35 lần. 

Công bằng thì hệ số K càng cao, càng gần với sự hợp lý, càng gần với giá thị trường hơn. Người dân, vì thế cũng ít thiệt thòi hơn. 

Nhưng hệ số K càng cao, càng gần với sự hợp lý, càng cho thấy “giá nhà nước” càng ngày càng vô lý khi nó quá hình thức, quá xa thực tế, quá mênh mông về mặt khoảng cách so với thị trường. 

Bởi cho dù hệ số K được ban hành cao gấp hàng chục lần giá nhà nước, nhưng trên thực tế thu hồi đất, nó vẫn chưa hề thoả đáng. Đây cũng chính là lý do khiến các dự án gặp quá nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, là nguyên nhân dẫn đến khiếu tố đất đai kéo dài. 

Khoảng cách quá lớn giữa giá nhà nước và giá thị trường, cùng với quy định có vẻ hơi kỳ cục: Nếu giá chuyển nhượng trong hợp đồng cao hơn bảng giá của Nhà nước thì sẽ tính thuế theo giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng, nếu thấp hơn bảng giá thì tính thuế theo bảng giá - khiến nảy sinh tình trạng “hai giá đất” trong kê khai thuế. 

PGS.TS Doãn Thị Hồng Nhung - Phó ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dẫn các vụ án lớn về đất đai nhận xét: Trục lợi chính sách thể hiện rất rõ từ giá đất và bảng giá đất. Ví dụ bà Nhung đưa ra, dẫn kết quả khảo sát của Hiệp hội là có những nơi giá đất trước và sau khi có dự án chênh từ 50 đến 700 lần. 

Chênh 700 lần. Cho thấy không chỉ là vấn đề chênh lệch địa tô, mà còn cả nguyên nhân của sự chênh lệch ấy chính là những bất hợp lý trong quy định giá đất. 

Dự thảo Luật Đất đai bỏ khung giá đất lần này là một thay đổi lớn, nhưng chỉ chừng nào chúng ta có những cơ quan định giá độc lập. 

Giá đất nhà nước sát với giá thị trường nên được coi là một nguyên tắc, một nhiệm vụ trong sửa đổi Luật lần này. Bởi khi đó, khiếu tố đương nhiên giảm, “hai giá đất” đương nhiên xoá bỏ. Những bất hợp lý, thậm chí bất công cũng đương nhiên chấm dứt. (Laodong.vn 15/3, Đào Tuấn)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên về xây dựng nguồn nhân lực trẻ

Với chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”, Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với thanh niên dự kiến tổ chức ngày 26.3.2023, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. 

Thông qua hội nghị, phổ biến rộng rãi tới thanh niên những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thanh niên. 

Điểm cầu trực tiếp tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, kết nối trực tuyến tới điểm cầu Trụ sở Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận việc triển khai, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thanh niên; Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên. 

Chính sách của Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao; Vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong học tập, lao động, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên 4.0; Những kiến nghị, đề xuất của thanh niên và định hướng giải quyết các kiến nghị, đề xuất. (Laodong.vn 15/3, Vương Trần)Về đầu trang

Bộ GTVT trình Chính phủ: Cho phép xe quá hạn đăng kiểm 15 ngày được đi kiểm định

Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ ban hành nghị quyết về việc thực hiện các giải pháp cấp bách trong việc bảo đảm đăng kiểm xe cơ giới, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Để khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong đăng kiểm xe, trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng ban hành nghị quyết cho phép áp dụng ngay một số quy định liên quan đến đăng kiểm viên và số lượng xe được kiểm định của đơn vị đăng kiểm, nhằm nhanh chóng bù đắp năng lực kiểm định bị thiếu hụt hiện nay cho đến khi sửa đổi nghị định 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.  

Cụ thể, kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng lực lượng cán bộ kiểm định (đã được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp chứng chỉ nghiệp vụ và được sử dụng như đăng kiểm viên xe cơ giới), cơ sở vật chất của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm dân sự trong trường hợp cấp bách. 

Cho phép các xe quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Các xe này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.

Cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định và đáp ứng được các yêu cầu về trang thiết bị theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới được phép hoạt động kiểm định ô tô nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực xã hội phục vụ công tác kiểm định xe, góp phần giải tỏa ách tắc hoạt động kiểm định xe, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. 

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị cho phép áp dụng mỗi đơn vị đăng kiểm bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra thay cho quy định hiện hành: mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.  

Việc áp dụng quy định mới này sẽ sử dụng, khai thác tối đa được năng lực của các đơn vị đăng kiểm mà vẫn đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. (Tuoitre.vn 15/3, Tuấn Phùng)Về đầu trang

Tăng cường lực lượng công an, quân đội đăng kiểm xe trong 1 tháng

Ngày 15/3, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, dự kiến cuối tuần này sẽ tiếp nhận lực lượng đăng kiểm viên từ Bộ Quốc phòng sang hỗ trợ lực lượng kiểm định xe cơ giới cho các trung tâm đăng kiểm. Ngoài ra, hơn 100 chiến sĩ cảnh sát sẽ tăng cường thêm vào tuần này. Hai lực lượng này sẽ hỗ trợ công tác đăng kiểm trong 1 tháng.  

Theo kế hoạch, dự kiến nhân lực đăng kiểm viên quân đội hỗ trợ khoảng 30 người sẽ trực tiếp về các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội và TPHCM để cùng tham gia hoạt động kiểm định xe với các đăng kiểm viên ngành giao thông và ngành công an. 

Trước đó, ngày 14/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị hỗ trợ, xem xét cho phép lực lượng đăng kiểm và các trung tâm đăng kiểm của Bộ Quốc phòng tham gia hỗ trợ công tác kiểm định xe cơ giới của Bộ Giao thông vận tải. 

Bộ GTVT cho biết, nếu được Bộ Quốc phòng chấp thuận, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng, xây dựng kế hoạch sử dụng lực lượng đăng kiểm và các trung tâm đăng kiểm của Bộ Quốc phòng tham gia kiểm định xe cơ giới, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. 

Ngoài ra, trong tuần này có thêm sẽ có thêm hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông được đưa về các trung tâm đăng kiểm ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Trước đó, Cục Đăng kiểm đã tiếp nhận 50 chiến sĩ tăng cường. (Tienphong.vn 15/3, Ngọc Mai)Về đầu trang

Thí điểm mô hình cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 09/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. 

Nghị định quy định rõ các tiêu chí lựa chọn trại giam đến địa điểm được chọn làm nơi phạm nhân lao động. Ngoài ra còn có các tiêu chí lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam… 

Theo nghị định, trại giam thực hiện thí điểm phải bảo đảm an ninh, an toàn khi tổ chức thực hiện thí điểm và có khoảng cách đến nơi lao động không quá 50km. 

Ngoài ra, nghị định quy định cách thức lựa chọn phạm nhân phải có nơi cư trú rõ ràng; chấp hành nghiêm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, có ý thức cải tạo tiến bộ; đối với phạm nhân có mức án trên 15 năm, chung thân phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thời gian chấp hành án còn lại từ 7 năm trở xuống, có ít nhất 12 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại "Khá" hoặc "Tốt". 

Đối với phạm nhân có mức án từ 15 năm trở xuống phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu và bảo đảm các điều kiện: Phạm nhân có mức án từ trên 7 năm đến 15 năm phải chấp hành được 1/3 mức án, thời gian chấp hành án còn lại từ 7 năm trở xuống và các điều kiện khác. 

Đối với phạm nhân có mức án từ 3 năm trở xuống có ít nhất 3 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại "Khá" hoặc "Tốt". 

Đối với số phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy phải xem xét thận trọng, chặt chẽ, chỉ lựa chọn số phạm nhân không còn biểu hiện lệ thuộc ma túy để đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam. 

Nghị định 09/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 13-3-2023. (Tuoitre.vn 15/3)Về đầu trang

Hà Nội: Dừng yêu cầu xác nhận cư trú để chuyển cấp học

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị dừng rà soát, cập nhật dữ liệu tuyển sinh đầu cấp, không bắt phụ huynh xin xác nhận cư trú cho con. Thông tin được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát đi sáng 15/3. 

Phó Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn cho biết cách đây một tuần, Sở yêu cầu các Phòng, trường rà soát, cập nhật dữ liệu, thông tin của trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh lớp 5 và lớp 9 để phục vụ tuyển sinh đầu cấp. Trong đó, Sở liệt kê các giấy tờ, tài liệu có thể dùng để thay thế sổ hộ khẩu, gồm: giấy xác nhận cư trú, thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chip... 

Dù cho phép sử dụng nhiều loại giấy tờ, một số trường, Phòng Giáo dục - Đào tạo lại yêu cầu phụ huynh xin giấy xác nhận cư trú, gây bất tiện cho cha mẹ học sinh, theo ông Tuấn. 

"Có thể một số trường cẩn thận quá nên mới yêu cầu tới phụ huynh như thế", ông Tuấn nói, cho biết để thống nhất cách làm, Sở yêu cầu các trường dừng việc này, chờ hướng dẫn đầy đủ trong một vài ngày tới. 

Theo ông Tuấn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang làm việc với công an thành phố để thống nhất cách làm, tinh thần là không yêu cầu giấy xác nhận cư trú, tạo thuận lợi cho phụ huynh. (Vnexpress.net 15/3, Thanh Hằng)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Chính phủ lập 5 tổ công tác tháo gỡ đầu tư công

5 tổ công tác được Chính phủ lập tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. 

Quyết định thành lập 5 tổ công tác này vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 14/3. Các Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng của 5 tổ này. 

Theo kế hoạch, 5 tổ công tác sẽ kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân đầu tư công năm nay tại các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình cả nước. 

Các tổ công tác sẽ phân tích nguyên nhân những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các đơn vị. 

Quá trình kiểm tra, các tổ này sẽ đánh giá việc lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2023. Các tổ cũng xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, xử lý khó khăn, điểm nghẽn khi giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu. Từ đó, tổ công tác kiến nghị và báo cáo Thủ tướng các giải pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. (Vnexpress.net 15/3, Anh Minh)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Thái Nguyên kỷ luật hàng loạt cán bộ

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kỷ luật nhiều cán bộ, trong đó khiển trách Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Văn Long, nguyên Phó ban quản lý các khu công nghiệp. 

Theo thông báo của cơ quan kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên ngày 13/3, tại kỳ họp thứ 19, cơ quan này đã khiển trách ông Phạm Quang Cánh, nguyên Bí thư chi bộ, nguyên Chi cục trưởng Lâm nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Bốn người bị khai trừ Đảng gồm các ông Đỗ Huy Cương, Bí thư Chi bộ 7 nhiệm kỳ 2017-2020 thuộc Đảng bộ Sở Công Thương; Lại Trung Hiếu, Phó phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường; Cao Sỹ Linh, chuyên viên phòng Khoáng sản; Mã Văn Huy, Trưởng phòng Quản lý đầu tư và doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên. 

Ông Nông Quốc Tiến, nguyên Trưởng phòng Quản lý quy hoạch xây dựng, Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, bị cảnh cáo. 

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành đảng bộ tỉnh xem xét kỷ luật ông Ngô Xuân Hải, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Hàng loạt Đảng ủy các sở bị khiển trách, gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm kỳ 2010-2015; Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2010-2015; Kế hoạch và Đầu tư hai nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020; Tài chính nhiệm kỳ 2015-2020; Xây dựng nhiệm kỳ 2015-2020; Chi bộ 7 nhiệm kỳ 2017-2020 thuộc Đảng bộ Sở Công Thương. 

Đảng ủy các Sở Công Thương nhiệm kỳ 2015-2020, Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2015-2020; Đảng ủy các khu công nghiệp Thái Nguyên nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, bị cảnh cáo. 

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên, những cá nhân, tập thể nêu trên thiếu kiểm tra, giám sát; buông lỏng quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, để xảy ra những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục; có cán bộ, đảng viên bị khởi tố, bắt tạm giam. 

Cuối tháng 12/2022, nhiều cán bộ tỉnh Thái Nguyên bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật. Trong đó, bốn người bị cảnh cáo gồm ông Dương Ngọc Long và Vũ Hồng Bắc, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; Nhữ Văn Tâm, nguyên Phó bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đoàn Văn Tuấn, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. 

Ông Nguyễn Thế Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, bị khai trừ Đảng; nhiều cán bộ khác bị khiển trách. Ban Bí thư sau đó khai trừ Đảng ông Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Ngô Quyết, Bí thư Huyện ủy Phú Bình, nguyên Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên. Hai người này đã bị khởi tố. (Vnexpress.net 15/3, Viết Tuân)Về đầu trang

Bắt tạm giam Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng

Sáng 15/3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã bắt giữ ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng để điều tra về hành vi nhận hối lộ. 

Một tuần trước đó, C03 đã phối hợp với Công an Lâm Đồng triệu tập ông Nguyễn Ngọc Ánh đến làm việc về những sai phạm liên quan đến công tác chỉ đạo, kết luận thanh tra trong quản lý, sử dụng đất, giao đất, giao rừng tại Dự án xây dựng Khu đô thị tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. 

Đến ngày 10/3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh - Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng để điều tra hành vi nhận hối lộ.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ và buôn lậu đang phối hợp với các cơ quan chức năng mở rộng điều tra vụ án vì còn có một số cá nhân khác liên quan đến những sai phạm tại dự án này. (Tienphong.vn 15/3, Kim Anh)Về đầu trang

Thanh Hóa: Cách hết chức vụ trong Đảng đối với Chủ tịch thị trấn Qúy Lộc

Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định thống nhất xử lý kỷ luật ông Trịnh Đình Khoa - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Quý Lộc, với hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng. 

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra huyện Yên Định đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đảng viên liên quan đến những sai phạm về đất đai tại thị trấn Quý Lộc. Căn cứ kết quả kiểm tra, ông Khoa được xác định có sai phạm trong vấn đề đất đai tại thị trấn Quý Lộc trong thời gian qua. 

Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định cũng thống nhất kỷ luật tập thể Đảng ủy xã Quý Lộc (nay là thị trấn Quý Lộc) nhiệm kỳ 2015-2020 với hình thức khiển trách. 

Trong nhiệm kỳ trên, Đảng ủy thị trấn Quý Lộc đã buông lỏng quản lý, để xảy ra một số sai phạm trong lĩnh vực quản lý tài chính, đất đai, chưa kịp thời lãnh đạo chỉ đạo việc khắc phục những tồn tại đất đai đã được cấp trên chỉ rõ trước đó. 

Theo đó, ông Trịnh Đình Thịnh - nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Quý Lộc, bị hình thức kỷ luật khiển trách. Ngoài ra, một số cán bộ đương chức hoặc đã nghỉ hưu khác cũng đã bị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm. 

Trong vụ việc này, Ủy ban Kiểm tra huyện Yên Định đã có quyết định kỷ luật Đảng đối với ông Lê Văn Khang - cán bộ địa chính UBND thị trấn Quý Lộc, bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Ông Lê Văn Khang đã lợi dụng vị trí công tác để nhận ủy quyền và nhận tiền của nhiều hộ dân để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng đến nay các hộ chưa nhận được đất, chưa trả tiền lại cho người dân... 

Hiện, những sai phạm liên quan đến đất đai ở địa phương này đang được cơ quan công an điều tra, xử lý. (Tienphong.vn 15/3, Hoàng Lam)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Kịch bản "2 Singapore" khi khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh

Tờ South China Morning Post (SCMP) thậm chí đã có bài phân tích về khả năng sẽ có "2 Singapore" do sự khác biệt giàu nghèo này 

Theo SCMP, chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, Singapore thu hút sự chú ý của giới siêu giàu với các văn phòng gia đình cùng những khoản đầu tư hàng triệu USD. Tuy nhiên, việc giới thượng lưu đổ xô đến Singapore đã khiến chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, có những mặt hàng như rau cải giá đã tăng gấp đôi. 

Kịch bản về "2 Singapore", trong đó một nơi có mức lương cao, lối sống quốc tế và nơi còn lại với nhận thức chậm về sự dịch chuyển xã hội cùng giá nhà đất tăng liên tục đã được đưa ra tại Quốc hội nước này trong cuộc tranh luận về các khoản chi ngân sách của đất nước. 

Lãnh đạo đảng Công nhân, ông Pritam Singh cảnh báo về khả năng kịch bản "2 Singapore" có thể dễ dàng trở thành hiện thực và gây xích mích trong xã hội. 

Ông Pritam Singh nói: "Nếu kịch bản "2 Singapore" xảy ra, chắc chắn sẽ tạo nên những mẫu thuẫn xã hội. Bản chất ghen tị của con người, chủ nghĩa vô danh và câu chuyện hơn thua có thể nhanh chóng đầu độc xã hội và làm gia tăng sự phân chia giàu nghèo hơn nữa. 

Những lo ngại về sự bất bình đẳng không phải là vấn đề mới tại Singapore. Trước đó, Tổ chức thăm dò ý kiến độc lập Blackbox Research đã công bố một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy, cứ 5 người Singapore được hỏi thì có 4 người lo lắng về khoảng cách thu nhập ngày càng lớn. 7/10 người tham gia khảo sát nhận định rằng bất bình đẳng thu nhập đang trở nên tồi tệ hơn trong 5 năm qua. (VTV.vn 15/3)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

More

05