Chương III: TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC CỦA LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG VÀ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG

Font size : A- A A+

Điều 8. Trách nhiệm, quyền hạn của Chánh Văn phòng UBND tỉnh

1. Trách nhiệm, quyền hạn

1.1. Chánh Văn phòng UBND tỉnh là người đứng đầu cơ quan, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Văn phòng UBND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật.

1.2. Chánh Văn phòng phân công nhiệm vụ đối với các Phó Chánh Văn phòng; uỷ quyền cho các Phó Chánh Văn phòng và Trưởng các phòng một số công việc cụ thể theo thẩm quyền; là người quyết định cuối cùng các vấn đề, công việc khi chưa có sự thống nhất giữa các Phó Chánh Văn phòng, các trưởng phòng, bộ phận chuyên viên của Văn phòng. Chủ động đôn đốc, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh để xử lý các vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của Văn phòng UBND tỉnh do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao.

1.3. Triệu tập, chủ trì, kết luận các cuộc họp của lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các hội nghị cán bộ chủ chốt và Hội nghị toàn thể cơ quan.

1.4. Thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh ký các văn bản thuộc phạm vi điều hoà, phối hợp, đôn đốc các cấp, ngành thuộc UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc; chuẩn bị các đề án trình HĐND, UBND tỉnh; giấy mời dự các hội nghị của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; Thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại các hội nghị, cuộc họp của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh khi được uỷ quyền. Ký các văn bản thuộc thẩm quyền của Chánh Văn phòng UBND tỉnh.

1.5. Chỉ đạo xây dựng Chương trình, xây dựng hoặc tham gia xây dựng quy chế làm việc của UBND tỉnh; chỉ đạo xây dựng Quy chế làm việc, Đề án, báo cáo do Văn phòng UBND tỉnh chủ trì; chỉ đạo tổ chức thẩm định hoặc tham gia góp ý kiến của Văn phòng UBND tỉnh đối với các đề án trình Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh; phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu các hoạt động đối ngoại của tỉnh; chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ đột xuất do Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh giao.

1.6. Trực tiếp phụ trách công tác tổ chức cán bộ; làm Chủ tịch các Hội đồng: Thi đua - Khen thưởng; Xét duyệt đề tài sáng kiến; Kỷ luật; Hội đồng nâng lương trước thời hạn; Chỉ huy trưởng BCH Quân sự cơ quan Văn phòng UBND tỉnh.

1.7. Làm chủ tài khoản cơ quan Văn phòng UBND tỉnh, quyết định những vấn đề về tài chính, tài sản của cơ quan.

2. Phạm vi giải quyết công việc

2.1. Những công việc thuộc thẩm quyền quy định trong Quy chế làm việc của UBND tỉnh, các văn bản pháp luật liên quan và những công việc quy định tại Khoản 1 Điều này.

2.2. Những công việc được UBND tỉnh hoặc Chủ tịch UBND tỉnh giao, uỷ quyền.

2.3. Trực tiếp giải quyết một số công việc đã phân công cho Phó Chánh Văn phòng nhưng do Phó Chánh Văn phòng vắng mặt.

Điều 9. Trách nhiệm, quyền hạn của Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh

1. Phó Chánh Văn phòng được Chánh Văn phòng phân công theo dõi một số công việc theo lĩnh vực chuyên môn; ký thay Chánh Văn phòng và chịu trách nhiệm trước Chánh Văn phòng, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.

2. Tham gia thảo luận, góp ý kiến để đi đến thống nhất các vấn đề thuộc trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Văn phòng trước khi Chánh Văn phòng quyết định.

3. Khi có yêu cầu, tham gia các ban chỉ đạo, tiểu ban, hội đồng ... của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh theo sự phân công của Chánh Văn phòng.

4. Đối với các phòng, đơn vị trực thuộc được phân công trực tiếp phụ trách:

- Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các chủ trương công tác của Lãnh đạo Văn phòng, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc của các phòng, đơn vị được phân công phụ trách.

- Trực tiếp giải quyết các kiến nghị của tập thể, cá nhân các phòng, đơn vị mà mình phụ trách theo thẩm quyền và báo cáo xin ý kiến Chánh Văn phòng những vấn đề vượt quá thẩm quyền, quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trước khi quyết định.

5. Đối với các lĩnh vực phân công phụ trách:

- Chỉ đạo chuẩn bị dự thảo báo cáo thẩm định hoặc ý kiến tham gia góp ý của Văn phòng UBND tỉnh đối với các đề án, chương trình trước khi trình UBND tỉnh, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

- Nắm tình hình và kết quả công tác lĩnh vực được phân công phụ trách để phản ánh, đề xuất với Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề thấy cần thiết hoặc khi có yêu cầu.

- Đề xuất, kiến nghị xử lý các văn bản thuộc lĩnh vực mình phụ trách với Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Chỉ đạo việc soạn thảo thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ký các thông báo kết luận ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

- Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết công việc theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;

6. Trách nhiệm trong các cuộc họp, hội nghị:

Chỉ đạo, chuẩn bị tài liệu cuộc họp; tham dự các cuộc họp thuộc lĩnh vực chuyên môn theo dõi hoặc được phân công giải quyết và những cuộc họp khác theo sự phân công của Chánh Văn phòng. Chủ trì theo dõi, tổng hợp nội dung và giúp đồng chí chủ trì cuộc họp chuẩn bị dự thảo kết luận về những vấn đề lớn trong cuộc họp. Chỉ đạo việc dự thảo thông báo kết luận sau cuộc họp trình Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

7. Báo cáo Chánh Văn phòng nội dung, thời gian khi đi công tác vắng và đề xuất người giải quyết công việc thay thế.

8. Khi Chánh Văn phòng vắng mặt, một Phó Chánh Văn phòng được Chánh Văn phòng uỷ quyền thay mặt giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của Chánh Văn phòng và chịu trách nhiệm trước Chánh Văn phòng, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về trách nhiệm giải quyết công việc của mình trong thời gian được uỷ quyền.

Điều 10. Trách nhiệm, quyền hạn của Trưởng phòng, Ban, Giám đốc Trung tâm  

 Trưởng các phòng, ban, Giám đốc Trung tâm trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh là người chịu trách nhiệm trước Chánh Văn phòng UBND tỉnh về hoạt động của phòng, ban, đơn vị được giao phụ trách; điều hành công việc trong phòng, ban, đơn vị theo chế độ Thủ trưởng, đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ và có những quyền hạn, nhiệm vụ sau:

1. Phụ trách chung, chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ của phòng, ban, đơn vị mình và đảm nhiệm một số công việc chuyên môn của phòng, ban, đơn vị; là đầu mối giúp lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh đôn đốc, giải quyết công việc hàng ngày thuộc lĩnh vực chuyên môn của phòng, ban, đơn vị phụ trách.

2. Xây dựng, đăng ký và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch công tác tuần, tháng, quý, 6 tháng, cả năm của phòng, ban, đơn vị mình sau khi đã báo cáo thông qua lãnh đạo Văn phòng; thực hiện các quyết định, yêu cầu các nhiệm vụ đột xuất khác mà lãnh đạo Văn phòng phân công; tổng hợp và thường xuyên nắm chắc tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của phòng, ban, đơn vị mình để báo cáo lãnh đạo Văn phòng.

3. Điều phối công việc của phòng, ban, đơn vị mình khi có cán bộ công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong phòng, ban, đơn vị đi vắng để đảm bảo tiến độ công việc theo đúng thời gian quy định.

4. Chủ động phối hợp với các phòng, ban, đơn vị trong Văn phòng về việc cung cấp thông tin và trao đổi nghiệp vụ để giải quyết công việc theo chức năng nhiệm vụ của phòng, ban, đơn vị mình. Những vấn đề không thuộc thẩm quyền, Trưởng phòng, ban, đơn vị phải báo cáo lại lãnh đạo Văn phòng xem xét, giải quyết.

5. Theo dõi, quản lý ngày công lao động, ký xác nhận làm thêm giờ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ và chất lượng công việc của cán bộ công chức, viên chức, lao động hợp đồng thuộc phòng, ban, đơn vị mình quản lý; tổ chức đăng ký thi đua, nhận xét, đánh giá, phê bình, xếp loại thi đua các cá nhân trong phòng, đơn vị mình vào cuối năm hoặc nhiệm vụ đột xuất; đề nghị lãnh đạo Văn phòng tuyên dương, khen thưởng những cán bộ công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong phòng, đơn vị có thành tích xuất sắc và đề nghị xử lý hình thức kỷ luật nếu có vi phạm.

6. Duy trì nền nếp sinh hoạt, hội họp, đôn đốc, nhắc nhở các nội dung công tác của phòng, ban, đơn vị mình.

7. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo Văn phòng và lãnh đạo UBND tỉnh, chế độ cộng đồng trách nhiệm trong công việc của cơ quan.

8. Trong quá trình điều hành công việc, nếu gặp vấn đề vướng mắc, những khó khăn đột xuất, phải báo cáo kịp thời với Chánh Văn phòng hoặc Phó Chánh Văn phòng phụ trách để có biện pháp giải quyết, xử lý kịp thời.

9. Có quyền kiến nghị, đề xuất các vấn đề liên quan đến công việc của phòng, ban, đơn vị mình.

10. Khi vắng mặt khỏi cơ quan phải uỷ quyền cho một Phó Trưởng phòng, ban, đơn vị điều hành công việc và báo cáo Chánh Văn phòng và Phó Chánh Văn phòng phụ trách biết.

11. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Chánh Văn phòng hoặc Phó Chánh Văn phòng giao. 

Điều 11. Trách nhiệm, quyền hạn của Phó Trưởng phòng, Ban, Phó Giám đốc Trung tâm

Phó Trưởng phòng, ban, Phó Giám đốc Trung tâm được Trưởng phòng, ban, Giám đốc trung tâm phân công thực hiện một số công việc theo lĩnh vực chuyên môn, có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Phụ trách một số lĩnh vực công tác do Trưởng phòng, ban, Giám đốc trung tâm phân công; chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng, ban, giám đốc trung tâm về lĩnh vực công tác được phân công và liên đới trách nhiệm trước cấp trên về lĩnh vực công tác của phòng, ban, trung tâm mình được giao.

2. Thay mặt Trưởng phòng, ban, Giám đốc trung tâm điều hành, giải quyết công việc của Trưởng phòng, ban, Giám đốc trung tâm khi Trưởng phòng, ban, Giám đốc trung tâm đi vắng hoặc được uỷ quyền; thường xuyên báo cáo tình hình các mặt công tác được phân công và các thông tin liên quan với Trưởng phòng, ban, Giám đốc trung tâm.

3. Phối hợp với các phòng, ban, trung tâm trong Văn phòng, các cơ quan, tổ chức liên quan; dự và phục vụ các cuộc họp hoặc tham gia đoàn công tác về nội dung có liên quan đến lĩnh vực nhiệm vụ được phân công theo dõi, phụ trách.

4. Có quyền kiến nghị đề xuất các vấn đề liên quan đến công việc của phòng, ban, trung tâm mình.

5. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Trưởng phòng, ban, Giám đốc trung tâm và lãnh đạo Văn phòng giao.

Điều 12. Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức

Ngoài trách nhiệm và quyền hạn quy định tại Điều 10 Quy chế này, Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

1. Tổng hợp và trình Lãnh đạo Văn phòng thông qua các Chương trình, kế hoạch, báo cáo công tác hàng quý, 6 tháng, hàng năm và báo cáo khác của Văn phòng UBND tỉnh.

2. Tham dự, ghi biên bản và dự thảo văn bản, kết luận tại các cuộc họp của Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và Hội nghị giao ban cốt cán của cơ quan.

3. Giúp Chánh Văn UBND tỉnh phòng giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc của Văn phòng UBND tỉnh.

Điều 13. Trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng

1. Cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng thuộc Văn phòng UBND tỉnh phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Luật Cán cộ, công chức; Luật Viên chức; Bộ luật lao động và Quy chế này.

2. Công chức, viên chức (là chuyên viên khối nghiên cứu) làm việc theo cơ chế trực tuyến, có chức năng nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp giúp lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác phục vụ hoạt động của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh theo lĩnh vực phụ trách, theo dõi, bảo đảm đúng chức trách được phân công.

3. Chịu trách nhiệm trước Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh phụ trách và trước pháp luật về lĩnh vực tham mưu, theo dõi; chủ động nghiên cứu những nội dung thuộc ngành, lĩnh vực được phân công theo dõi, bảo đảm thực hiện đúng quy trình hồ sơ công việc trình lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh đầy đủ, trung thực, chính xác, đúng quy trình, thủ tục và đúng thời gian quy định.

4. Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ở các sở, ngành, địa phương hoặc lĩnh vực được phân công theo dõi, định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm, báo cáo lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh hoặc lãnh đạo UBND tỉnh; tổng hợp tình hình, tham gia xây dựng, dự thảo văn bản theo sự phân công của Trưởng phòng, ban, đơn vị hoặc khi được lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh giao.

5. Phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành, địa phương đôn đốc, xây dựng, tổ chức thực hiện, hoặc đề xuất, kiến nghị những thay đổi phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, lĩnh vực được phân công phụ trách, theo dõi đạt hiệu quả cao nhất.

6. Kịp thời đề xuất, kiến nghị với Trưởng phòng, ban, đơn vị, lãnh đạo Văn phòng để trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các biện pháp xử lý cụ thể việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hoặc cơ chế chính sách không còn phù hợp tại địa phương; kiến nghị lãnh đạo Văn phòng trình UBND tỉnh các biện pháp cụ thể triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của cơ quan Nhà nước cấp trên và của UBND tỉnh đối với các sở, ban, ngành, địa phương; giúp lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh đôn đốc sở, ban, ngành, địa phương trả lời chất vấn hoặc chuẩn bị nội dung trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND tỉnh trước các kỳ họp của HĐND tỉnh về những vấn đề thuộc lĩnh vực sở, ban, ngành, địa phương mình được phân công theo dõi.

7. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các văn bản và ý kiến chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thuộc lĩnh vực  chuyên môn phụ trách; cập nhật kịp thời tiến độ thực hiện nhiệm vụ vào hệ thống phần mềm QLVB của cơ quan.

8. Hàng tuần báo cáo lãnh đạo Văn phòng, Trưởng phòng, ban, đơn vị những công việc đã thực hiện và hoàn thành trong tuần, những việc còn tồn đọng, và công việc tuần kế tiếp. Những công việc lãnh đạo Văn phòng giao thực hiện trực tiếp thì phải báo cáo để Trưởng phòng, ban, đơn vị biết.

9. Bảo quản hồ sơ, tài liệu, trang thiết bị, dụng cụ làm việc theo đúng quy định về bảo mật.

10. Được tham dự các cuộc họp, hội nghị của cơ quan, các cuộc họp, hội nghị, làm việc của lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh về ngành, địa phương, lĩnh vực được phân công theo dõi, tham mưu. Tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban, cuộc họp của phòng và các cuộc họp, hội nghị của các tổ chức đoàn thể.

11. Cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trước khi nghỉ hưu, chuyển công tác, học tập dài hạn, phải bàn giao hồ sơ tài liệu và tài sản, thiết bị mà mình đang quản lý cho Trưởng phòng, ban, đơn vị hoặc cán bộ thay thế.

12. Được cung cấp các thông tin, điều kiện làm việc cần thiết theo chế độ quy định, có quyền đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo phòng, ban, đơn vị, lãnh đạo Văn phòng những vấn đề về liên quan đến trách nhiện, quyền lợi, nhiệm vụ công tác của cá nhân.

13. Thông qua các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Nữ công, Hội Cựu chiến binh, các đoàn thể khác, hội nghị cán bộ công chức, .... để kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chương trình công tác, kinh phí hoạt động, chế độ quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan, đơn vị; nội quy, quy chế làm việc trong nội bộ của cơ quan, đơn vị góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát huy dân chủ trong nội bộ của cơ quan.

14. Cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành công vụ phải mang thẻ công chức, viên chức bảo đảm công khai danh tính cá nhân; có tác phong lịch sự, giữ gìn uy tín, danh dự cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đồng nghiệp. Trường hợp vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp thì bị xử lý theo quy định hiện hành.

Nguồn: Quyết định số 33/QĐ-VPUBND ngày 08/01/2015

More

05