Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 24/5/2023

Font size : A- A A+

TIN QUỐC HỘI

1.        Việt Nam trải qua 4 lần cải cách tiền lương, lần gần nhất cách đây 20 năm

2.        Chương trình xây dựng luật: Điều chỉnh nhiều thì sao thông suốt được?

3.        Nhiều Bộ, ngành có trụ sở mới nhưng không bàn giao cơ sở cũ

4.        Bộ trưởng Tài chính: Tình trạng cán bộ nhũng nhiễu chưa được ngăn chặn triệt để

5.        Bộ trưởng Tài chính: Còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”

6.        Còn tư duy nhiệm kì, né trách nhiệm gây chậm trễ trong phân bổ vốn

7.        “Không để Việt Nam thành nơi thử nghiệm sản phẩm công nghệ”

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

8.        Giảm thuế VAT từ 3-5% mới hỗ trợ được người dân doanh nghiệp

9.        Vì sao Thái Lan bán được nhiều nông sản sang Trung Quốc hơn Việt Nam?.

10.     TPHCM: Làm mới để thu hút FDI

11.     Một doanh nghiệp nộp hơn 1.700 tỷ đồng ngân sách cho Hải Dương trong 4 tháng đầu năm, gấp 4 lần cùng kỳ

QUẢN LÝ

12.     Đề xuất tăng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH

13.     Cả nước hết sạch vắc xin 5 trong 1, Bộ Y tế nói gì?

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

14.     Quảng Ninh: Kỷ luật cảnh cáo Trưởng Công an phường đe doạ người dân sau va chạm giao thông

15.     Khởi tố nữ kế toán Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tội tham ô

16.     Chủ tịch thị trấn ở Hậu Giang bị bắt

THẾ GIỚI

17.     Bulgaria áp dụng mô hình thủ tướng luân phiên

18.     Hơn 1 giờ “thảo luận hiệu quả”, vấn đề nâng trần nợ công Mỹ vẫn chưa có lời giải

 

TIN QUỐC HỘI

Việt Nam trải qua 4 lần cải cách tiền lương, lần gần nhất cách đây 20 năm

Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. 

Lãnh đạo Chính phủ cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao đạo đức công vụ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đáng chú ý, sẽ sớm trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương. 

Cải cách chính sách tiền lương được xem là một trong những yêu cầu quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm đáp ứng mức sống của người hưởng lương, đảm bảo cho quá trình lao động và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho biết, chúng ta đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương, năm 1960, 1985, 1993 và lần cải cách tiền lương gần nhất là năm 2003. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả song chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. 

Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động… 

“Chúng ta theo lộ trình tăng mức lương cơ sở, tăng mức lương tối thiểu vùng, mức lương tối thiểu tháng, mức lương tối thiểu giờ. Song thực tế cho thấy, đời sống của người lao động còn gặp nhiều chật vật, đặc biệt là cuộc sống ở đô thị. Và cũng chính vì vậy, năng suất lao động ở Việt Nam so với khu vực và thế giới còn thấp” - ông Dĩnh nói. 

Cũng theo ông Dĩnh, lần cải cách tiền lương gần nhất vào năm 2003, qua các năm, mức lương cơ sở ở khu vực công cũng có những điều chỉnh; mức lương ở khu vực doanh nghiệp cũng đã có những sự thay đổi. Tuy vậy, thực tế, đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn. (Laodong.vn 23/5, Vương Trần)Về đầu trang

Chương trình xây dựng luật: Điều chỉnh nhiều thì sao thông suốt được?

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. 

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau), việc thay đổi thường xuyên Chương trình xây dựng luật pháp lệnh hàng năm chứa đựng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, không bảo đảm và không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. 

“Việc thường xuyên điều chỉnh chương trình pháp luật chẳng khác gì người điều khiển xe ô tô thường xuyên đỗ lại để sửa, khiến giao thông không thông suốt”, ông Vân nói, đồng thời cho rằng cách làm này thể hiện tư duy lập pháp, tư duy chính sách thiếu nhất quán, tầm nhìn không xa. 

Do đó, ông Vân đề nghị duy trì kỷ cương xây dựng pháp luật, hạn chế tối đa việc điều chỉnh. Khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, hạn chế các quy phạm chính trị trong các văn bản pháp luật. Đặc biệt, ông đề nghị khi thành lập Ban soạn thảo xây dựng luật nên hạn chế thành viên trong các đơn vị chủ trì đề xuất, để mời các nhà khoa học, nhà chuyên môn và đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật tham gia. 

Ngoài ra, ĐBQH Đoàn Cà Mau cũng đề nghị Quốc hội nên coi tiêu chí xây dựng pháp luật, thể chế để đánh giá các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đồng thời, xác định trách nhiệm của những người khởi xướng xây dựng thể chế. 

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) thì nêu thực trạng hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn; một số quy định tính khả thi không cao nên phải sửa đổi nhiều lần. Nhiều văn bản pháp luật còn mang tính nguyên tắc chung, chưa áp dụng được ngay nên phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. 

Điều này khiến việc thực thi pháp luật gặp khó khăn do nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau. “Trước thực trạng này, các địa phương phải ra văn bản hỏi bộ, ngành để được hướng dẫn, tuy nhiên bộ, ngành lại trả lời: đề nghị địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật, rất khó”, ông Huy nói. 

ĐBQH Đoàn Thái Bình cũng nêu lại nhận xét trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế về tình trạng, cùng một hệ thống quy định pháp luật nhưng giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện đem lại kết quả rất khác nhau; ví dụ như vấn đề đầu tư công có bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, có bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt. 

Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, ông Huy kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giải thích pháp luật, bảo đảm các quy định các quy định của pháp luật được hiểu đúng và được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất. (Tienphong.vn 23/5, Văn Kiên)Về đầu trang

Nhiều Bộ, ngành có trụ sở mới nhưng không bàn giao cơ sở cũ

Liên quan đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, tại phiên họp Quốc hội ngày 23/5, đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, công tác này được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực. 

Trong đó, theo Chính phủ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong năm qua, đã đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng và được dư luận đồng tình, ủng hộ; chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng. 

Bên cạnh đó, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, như một số vụ án xảy ra tại: Công ty Cổ phần Việt Á; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; các Tập đoàn: FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty Cổ phần đầu tư An Đông… 

Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường, tập trung thanh tra một số lĩnh vực có nguy cơ cao phát sinh tham nhũng, điển hình như công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, việc thực hiện Quy hoạch điện VII, việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường…đồng thời xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm.

 Về khối đơn vị sự nghiệp công lập, theo Bộ trưởng, đến nay, cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2016. Trong năm 2022, kinh phí từ ngân sách trung ương cấp cho các bộ, cơ quan trung ương thực hiện chính sách tinh giản biên chế hơn 578 tỷ đồng; biên chế trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 là 247.722 biên chế, giảm 27.504 biên chế, vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng; biên chế sự nghiệp năm 2021 là 1.789.585 người, giảm 236.366 biên chế. 

“Kết quả tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính theo chế độ quy định của các bộ ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỷ đồng, một số đơn vị có kết quả cao như: Bộ GTVT là 157 tỷ đồng, Bộ GD&ĐT 25,1 tỷ đồng, TP. Hà Nội là 1.173 tỷ đồng, TP. HCM là 1.220 tỷ đồng...”, ông Phớc nêu. 

Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, ông Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. 

Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời. 

Báo cáo thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã chỉ ra 11 nhóm tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Đáng lưu ý, theo cơ quan thẩm tra, còn lãng phí trong quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất, tài sản công. Một số bộ ngành, cơ quan Trung ương sau khi được bố trí trụ sở làm việc mới nhưng không bàn giao cơ sở cũ về cho địa phương quản lý, như: Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ... 

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá việc bố trí, sử dụng tài sản công là đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, trong đó có việc bàn giao trụ sở cũ của các cơ quan trung ương được bố trí địa điểm, hoàn thành việc xây dựng và đã chuyển đến làm việc tại trụ sở mới. 

Theo Bộ trưởng, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 như: tiết kiệm chi thường xuyên; tiết kiệm chi quản lý hành chính; tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa; tiết kiệm trong đầu tư xây dựng... là 53.887 tỷ đồng. Trong số này, các bộ, ngành tiết kiệm 9.901 tỷ đồng, các địa phương là 38.157 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty là 5.837 tỷ đồng. 

Cụ thể, một số địa phương có kết quả cao trong tiết kiệm kinh phí ngân sách như: Bộ Quốc phòng (2.556 tỷ đồng), Bộ Công an (1.896 tỷ đồng), Bộ Tài chính (328 tỷ đồng), Hà Nội (5.868 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (1.855 tỷ đồng), Bình Dương (338 tỷ đồng)... 

Cũng theo Chính phủ, một số địa phương có kết quả tốt trong tiết kiệm dự toán chi thường xuyên theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được nhắc đến như: Hà Nội (3.140 tỷ đồng), Nghệ An (298 tỷ đồng), Bình Dương (214 tỷ đồng), Hòa Bình (135 tỷ đồng), Lâm Đồng (147 tỷ đồng), Long An (201 tỷ đồng)... (Tienphong.vn 23/5, Luân Dũng)Về đầu trang

Bộ trưởng Tài chính: Tình trạng cán bộ nhũng nhiễu chưa được ngăn chặn triệt để

Sáng 23/5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022.  

Bộ trưởng Tài chính cho biết, trong năm 2022, Chính phủ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực. 

Giai đoạn 2020-2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức. Trong đó, có 258 người được tuyển dụng theo các chính sách quy định tại Nghị định 140 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. 

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính và kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm minh, kịp thời và kiên quyết đã đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. 

Cụ thể, từ năm 2020 đến tháng 6/2022, các cơ quan, đơn vị đã rà soát xử lý gần 100.000 trường hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp. 

Bộ trưởng Tài chính cho biết, việc cải cách chế độ tiền lương tiếp tục có chuyển biến tích cực, Chính phủ trình Quốc hội thông qua một số chính sách tiền lương mới. 

Cụ thể như, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp… 

Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; cải thiện môi trường làm việc. 

Đồng thời có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… để kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính, tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để. 

Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan có lúc, có nơi còn rời rạc, thiếu gắn kết, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. 

Việc xử lý những vấn đề phát sinh khi sắp xếp, tổ chức bộ máy còn có mặt hạn chế; thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố chưa phù hợp với thực tiễn. 

Ngoài ra, tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội… (Vietnamnet.vn 23/5, Quang Phong)Về đầu trang

Bộ trưởng Tài chính: Còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”

Sáng 23/5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022. 

Báo cáo cho thấy, tổng số tiền tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng. Trong đó tiết kiệm chi thường xuyên được khoảng 716,9 tỷ đồng.

 Bộ trưởng Tài chính cho biết, kết quả tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính của các bộ ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỷ đồng, trong đó một số đơn vị có kết quả cao như: TP. Hà Nội là 1.173 tỷ đồng, TP.HCM là 1.220 tỷ đồng… 

“Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2022 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm”, ông Hồ Đức Phớc nói. 

Cụ thể, lũy kế từ năm 2016 đến hết năm 2022, cả nước đã mua mới 4.192 xe ô tô công, 183 phương tiện vận tải khác và 29.853 máy móc, thiết bị. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1,7 triệu tỷ đồng. 

Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, theo ông Phớc, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước.  

Bộ trưởng Tài chính cho biết, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước của một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao.

“Còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”. Dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định. Điều đó dẫn tới kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm. (Vietnamnet.vn 23/5, Quang Phong)Về đầu trang

Còn tư duy nhiệm kì, né trách nhiệm gây chậm trễ trong phân bổ vốn

Chiều 23.5, tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia. 

Về số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tối đa 176 nghìn tỉ đồng, thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực. 

Căn cứ các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình là 161.848,315 tỉ đồng. Số vốn còn lại chưa phân bổ là 14.151,685 tỉ đồng. 

Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, Quốc hội quyết nghị tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỉ đồng. Trong đó, số vốn NSNN được phép phân bổ chi tiết là 2.720.000 tỉ đồng (không bao gồm dự phòng chung 150.000 tỉ đồng).

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 2.440.007,683 tỉ đồng. Số vốn còn lại phải báo cáo Quốc hội cho ý kiến trước khi giao theo quy định là 279.992,317 tỉ đồng (vốn ngân sách trung ương là 142.992,317 tỉ đồng; vốn ngân sách địa phương là 137.000 tỉ đồng). 

Kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách trung ương còn lại năm 2023 của các  chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là 1.208,188 tỉ đồng. Số vốn còn lại dự kiến phân bổ như sau: 

Phân bổ 183,188 tỉ đồng vốn trong nước thực hiện CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho 4 bộ, cơ quan trung ương. 

Phân bổ 1.025 tỉ đồng vốn nước ngoài theo cam kết với nhà tài trợ để thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới cho 16 tỉnh tham gia thực hiện chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn để hỗ trợ. 

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, việc phân bổ vốn vẫn còn chậm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. 

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác chuẩn bị dự án chưa được quan tâm đúng mức, còn tư duy nhiệm kì, nhiệm kì trước chưa chuẩn bị cho kì sau, dẫn đến nhiều dự án khởi công mới sau khi Quốc hội phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn mới tiến hành chuẩn bị đầu tư hoặc phải điều chỉnh, gây chậm trễ trong phân bổ vốn. 

Năng lực triển khai ở một số nơi còn yếu, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt. 

Một số địa phương đã hoàn thiện hồ sơ dự án, nhưng chưa tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nên chưa thể trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. (Laodong.vn 23/5, Nhóm PV)Về đầu trang

“Không để Việt Nam thành nơi thử nghiệm sản phẩm công nghệ”

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, cần sớm xây dựng hành lang pháp lý về trí tuệ nhân tạo để Việt Nam không trở thành nơi thử nghiệm sản phẩm công nghệ có tính rủi ro cao. 

"Phải có luật hoặc nghị quyết quy định nguyên tắc, cơ chế pháp lý thử nghiệm có kiểm soát việc hình thành các Sandbox (thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới khi chưa biết cách quản lý) trong từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể", ông Nghĩa nói khi góp ý dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, sáng 23/5. 

Là thư ký Hội đồng Khoa học của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, ông Nghĩa cho rằng hành lang pháp lý phải quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu thiết bị thông minh như robot, xe tự hành, thiết bị bay không người lái. Hệ thống pháp lý đầy đủ, toàn diện là điều kiện tiên quyết để Việt Nam không bị chậm chân trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chủ động tận dụng lợi thế và phòng chống rủi ro. 

Theo ông, nghị quyết năm 2019 của Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Bộ Chính trị cũng yêu cầu sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Năm 2019, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính, nhưng đến nay chưa được ban hành. 

Ông Nghĩa cho biết, dù chưa có khuôn khổ pháp lý chung toàn cầu nhưng một số nước và khu vực đã thông qua quy định tạo hành lang đưa cách mạng công nghiệp lần thứ tư đi đúng hướng, phát huy sáng tạo, phòng ngừa, kiểm soát và hạn chế rủi ro. Trong khu vực tư nhân, nhận thức được nguy cơ hiện hữu về AI vượt tầm kiểm soát, từ 22/3, nhiều cá nhân trên thế giới đã tham gia thư ngỏ kêu gọi tạm ngừng phát triển mô hình này trong 6 tháng bất kỳ hệ thống nào mạnh hơn GPT-4. 

Một trong những mục tiêu của việc tạm ngừng này là để các nhà phát triển AI cùng các nhà hoạch định chính sách nhanh chóng thiết lập hệ thống quản trị hiệu quả. "Đến tối qua, đã có 27.500 người ký tên, trong đó có nhiều nhân vật kiến thức chuyên sâu và ảnh hưởng toàn cầu về lĩnh vực công nghệ tham gia", ông Nghĩa nói. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường) nói Luật Khoa học và Công nghệ dự kiến được Chính phủ đưa vào chương trình nghị sự năm 2022-2025. Tuy nhiên, nhiều quy định trong luật năm 2028 đã bộc lộ bất cập, như ứng dụng khoa học công nghệ, cơ chế ưu đãi thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Vì vậy, bà đề nghị các cơ quan sớm xem xét sửa Luật Khoa học và Công nghệ. 

AI là sự "tư duy" của máy móc, trong đó các thiết bị sẽ bắt chước cách tư duy tự nhiên của con người để giải quyết các vấn đề. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, AI là một trong những yếu tố then chốt. 

Năm ngoái, OpenAI và hàng loạt công ty bắt đầu tung ra các công cụ ứng dụng bước phát triển tiếp theo của công nghệ học máy, đó là AI tạo sinh. Chúng được huấn luyện bằng hàng nghìn tỷ ảnh và văn bản từ Internet, cho phép sinh ra nội dung dựa trên yêu cầu đơn giản từ người dùng, viết mã lập trình và nói chuyện như người thật. 

Từ đây, những tranh cãi gay gắt đã nổ ra trong giới công nghệ về khả năng AI vượt qua con người và hủy diệt nhân loại. "AI có thể gây hại đáng kể cho thế giới", CEO OpenAI Sam Altman phát biểu trong phiên điều trần tại quốc hội Mỹ giữa tháng 5. 

"Các doanh nghiệp công nghệ lớn đang chạy đua phát triển những cỗ máy ngày càng thông minh hơn mà không hề có sự giám sát", Anthony Aguirre, Giám đốc Future of Life Institute (FLI), tổ chức thành lập năm 2014 để nghiên cứu những mối đe dọa tồn vong với xã hội, nói. (Vnexpress.net 23/5, Viết Tuân - Sơn Hà)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Giảm thuế VAT từ 3-5% mới hỗ trợ được người dân doanh nghiệp

Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm 2023 và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp, đây là giải pháp cần thiết, góp phần giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, từ đó giúp phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. 

Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội, ông Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết, hiện nay, nền kinh tế đã tiệm cận suy thoái, nếu tiếp tục gia tăng hoặc đơn giản chỉ giữ nguyên việc thu thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ "tỉ lệ nghịch" với những khó khăn mà doanh nghiệp và người dân đang gặp phải. 

"Tôi lấy ví dụ, sức vác của một người chỉ được 20kg là kiệt sức, nếu bớt đi 2kg, gánh nặng trên vai họ sẽ giảm, họ có thể đi thêm được 10 bước bữa. Nếu giảm xuống 15kg, họ có thể đi thêm được 20 bước nữa. 20 bước đó sẽ tạo ra giá trị gấp đôi so với 10 bước. Chính vì vậy, theo tôi, thay vì chỉ dừng lại ở mức giảm 2% thuế VAT, việc giảm thuế xuống tiếp 3-5% sẽ hỗ trợ rất lớn cho người dân và doanh nghiệp", ông Vân nói. 

Theo ông Vân, việc giảm thuế VAT sẽ giúp chi phí giá thành hàng hoá xuống thấp, thúc đẩy mua bán, giúp tăng doanh số. "Thị trường hiện tại rất cần có những chính sách kích cầu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nếu doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng lên thì thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng, thu nhập cá nhân cũng tăng lên, từ đó cũng thu được thêm thuế cho ngân sách nhà nước", ông Vân nói. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, trước mắt nên giảm 2% thuế VAT, nhưng thời gian tới, cần tiếp tục giảm thêm loại thuế này để kích cầu tiêu dùng, kích cầu nội địa. "Kích cầu nội địa không chỉ ở việc giảm thuế giá trị gia tăng mà còn phải tăng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phù hợp với người Việt Nam. Tôi cho rằng, cần tập trung hướng vào thị trường nội địa 100 triệu dân, vì thị trường nước ngoài đang chao đảo", ông Ngân nói. 

Về chính sách giảm thuế VAT theo đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ, VAT 6 tháng cuối năm sẽ giảm đối với toàn bộ hàng hoá đang chịu thuế suất 10% sẽ giảm 2% xuống mức 8%. Tuy nhiên, cho ý kiến mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình, thống nhất Chính phủ xem xét không mở rộng phạm vi giảm thuế VAT, chỉ giảm theo danh mục hàng hoá theo Nghị quyết 43 đã được thực hiện năm 2022. 

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng không nên giảm thuế một cách đồng đều các mặt hàng như nhau, cân nhắc để cân đối tiêu dùng. Với chính sách đó, vừa rồi, Chính phủ yêu cầu giảm hết từ 10% xuống 8%, nhưng Nghị quyết 43 đã cân nhắc, một số lĩnh vực vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, tăng trưởng lớn như dịch vụ y tế, thuốc men, thương mại online… 

Ông Lâm nhấn mạnh: "Chẳng hạn như ngành ngân hàng, vừa rồi một loạt ngân hàng báo lãi lớn lắm, thực tế lãi lớn, vậy giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% là vô lý. Còn chứng khoán, bất động sản dù còn khó khăn, song việc giảm thuế VAT cũng chưa thuyết phục được", ông Lâm nói.

 Về hạn chế của việc chỉ cho phép giảm thuế VAT 2% đối với một số ngành nghề, lĩnh vực xuống 8% thay vì toàn bộ, ông Lâm đồng tình việc này có thể khiến điều hành chính sách mang tính giật cục, ngay cả doanh nghiệp phải điều chỉnh nay 10, mai 8 là quá khó khăn rồi, cơ quan quản lý cũng thấy khá phức tạp. 

"Chúng ta cần đảm bảo ổn định, cân đối lớn của vĩ mô, chúng ta không có thu thì sao có chi, bổ sung khám chữa bệnh cho nhân dân, không đầu tư sao có tăng trưởng. Cần giải quyết hài hoà các yếu tố", ông nói. (Laodong.vn 23/5, Nhóm PV)Về đầu trang

Vì sao Thái Lan bán được nhiều nông sản sang Trung Quốc hơn Việt Nam?

Tại buổi thông tin báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do tại sao nông sản Thái Lan phải đi qua cửa khẩu của Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng họ xuất được nhiều hơn, tần suất kiểm tra với nông sản Thái Lan "nhẹ nhàng", "nhanh" hơn nông sản Việt Nam. 

Trả lời, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, số lượng các loại trái cây của Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc theo diện chính ngạch và có ký kết nghị định thư nhiều hơn chúng ta vì Thái Lan đã tiến hành đàm phán với Trung Quốc trước Việt Nam cả một thời gian dài. 

“Phải đến tận năm 2000, sau khi Việt Nam chính thức tham gia vào WTO thì mới bắt đầu tiến hành đàm phán cho các sản phẩm", ông Trung thông tin.  

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật dẫn chứng như mặt hàng sầu riêng, số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của của Thái Lan cao hơn rất nhiều so với Việt Nam. 

Cụ thể, sau một năm ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng với Trung Quốc, đến nay Việt Nam có gần 300 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được phía Trung Quốc chấp thuận. Gần 400 hồ sơ khác đang được phía Trung Quốc lên kế hoạch kiểm tra vào thời gian tới. Trong khi đó, Thái Lan đã có đến hàng chục nghìn mã cho riêng mặt hàng này. 

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, nếu so sánh trong 5 năm gần đây về tốc độ đàm phán để ký nghị định thư với Trung Quốc thì Việt Nam ngang bằng, thậm chí còn nhanh hơn so với Thái Lan.  

Liên quan tới câu hỏi nông sản Thái Lan ít chịu kiểm tra hơn hàng Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, theo quy định, mỗi lô hàng nhập khẩu vào nước Trung Quốc thì cán bộ kiểm dịch, hải quan sẽ lấy mẫu theo tỷ lệ 2% số hàng. Qua một năm mà không thấy vi phạm hoặc không phải đưa vào cảnh báo thì họ sẽ giảm tỷ lệ lấy mẫu xuống 1%. Nếu hàng hóa được làm tốt hơn nữa thì thậm chí họ chỉ cần kiểm tra bên ngoài, không cần phải lấy mẫu. 

"Nếu chúng ta càng làm tốt, càng kiểm soát tốt, không có vi phạm thì tần suất kiểm tra và lấy mẫu sẽ giảm dần”, ông Trung nhấn mạnh. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với tốc độ tăng trưởng 17,6% trong 4 tháng đầu năm 2023, hàng rau quả trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh đã thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan. Tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc rất lớn bởi nhu cầu thị trường cao. 

Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như nhiều năm trước đây, xu hướng tiêu dùng đã hướng tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm và có sự cạnh tranh với trái cây các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... Do vậy, các doanh nghiệp hàng rau quả của Việt Nam phải tiếp tục nâng cao chất lượng trong việc thu mua, kiểm tra tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến và bảo quản sản phẩm, đáp ứng đúng yêu cầu của đối tác. (Vnbusiness.vn 23/5)Về đầu trang

TPHCM: Làm mới để thu hút FDI

Thời gian gần đây vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trở nên nóng bỏng với câu chuyện về thuế tối thiểu toàn cầu. Việc áp thuế này với mức 15% sẽ dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ để thu hút FDI. Bởi lúc này, ưu đãi về thuế không còn là lợi thế để các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn “xuống tiền” ở một quốc gia; các quốc gia cũng buộc phải có các chính sách, có yếu tố khác biệt để thu hút đầu tư. 

TPHCM cũng không phải ngoại lệ, luôn trăn trở và tìm cách làm mới mình trong cuộc đua thu hút FDI. Mới đây, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở KH-ĐT cùng với Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư lấy ý kiến để khẩn trương hoàn thiện đề án “Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của TPHCM giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030”. 

Điều này là hết sức cần thiết, cấp bách vì tầm mức quan trọng của FDI đối với TPHCM. Thống kê cho thấy, những năm qua TPHCM luôn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Riêng năm 2022, tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TPHCM đạt hơn 4,33 tỷ USD, bao gồm vốn cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp. Theo Cục Thống kê TPHCM, FDI chiếm hơn 13% tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại TP; thu ngân sách từ khu vực này năm 2022 đạt hơn 78.000 tỷ đồng, chiếm 17,07% tổng thu ngân sách TP; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 25 tỷ USD, chiếm 61% kim ngạch xuất nhập khẩu của TP. 

Dù vậy, dòng vốn FDI vào TPHCM 4 tháng đầu năm nay giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Khó khăn này được dự báo còn tiếp diễn, bởi vì kinh tế toàn cầu suy thoái, khiến dòng vốn FDI chững lại. Trong bối cảnh đó, TPHCM phải chuẩn bị những gì để giữ chân và tiếp tục đón thêm các nhà đầu tư mới? Trong buổi tọa đàm tổ chức mới đây tại Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM về thu hút FDI, các chuyên gia kinh tế chỉ rõ, thành phố phải nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, xác định thế mạnh để tăng sức hấp dẫn dòng vốn ngoại. Các hạn chế phải khắc phục là gấp rút nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, tăng tính kết nối cho TPHCM cũng như khu vực; có giải pháp cắt giảm chi phí nhà đất. Đối với hạ tầng số, cần được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Đầu tư, cải thiện trình độ cho nguồn nhân lực là việc phải thường xuyên thực hiện. Về chính sách, cần minh bạch, rõ ràng, ít thay đổi và có thể dự báo được. 

Bên cạnh việc tự làm mới mình thì TPHCM cũng cần thẳng thắn “đòi hỏi” rõ ràng hơn từ khối FDI. Sở KH-ĐT TPHCM phân tích, 85% số doanh nghiệp FDI là 100% vốn nước ngoài nhưng việc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam rất hạn chế. Sản xuất điện thoại dù xuất khẩu 100% nhưng tỷ lệ nội địa hóa chỉ 20%-25%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc, Thái Lan lên đến 75%. Đáng lo ngại, doanh nghiệp Việt chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI. Các dự án FDI vốn lớn rất ít, chủ yếu vẫn là dự án gia công nhỏ lẻ. Một số dự án FDI hoạt động còn có những hạn chế, ảnh hưởng xấu đến môi trường, chuyển giao máy móc lạc hậu… Thực tế này cho thấy, dù rất mong đợi nhưng chúng ta cũng cần hết sức tỉnh táo, không thu hút FDI bằng mọi giá. Một hệ thống tiêu chí thu hút FDI rõ ràng, có lộ trình sẽ có lợi cho cả đôi bên. Những điều này cần được bổ sung vào đề án đã nói ở trên. 

Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và cả nước, TPHCM lại có tăng trưởng thấp, việc đổi mới để thu hút dòng vốn FDI sẽ là một trong những giải pháp góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng trước mắt và ổn định dài hạn. Xác định rõ những điểm yếu để khắc phục, đồng thời biết rõ thế mạnh của mình để chọn lọc nhà đầu tư, bắt buộc nhà đầu tư thực hiện theo “đề bài” mà TPHCM đưa ra là hết sức cần thiết. Ắt hẳn, điều mong muốn lớn nhất, nhờ có FDI thì điều chúng ta nhận được không chỉ là tiền lương hay thuế, mà thông qua đó được tiếp cận nhanh với nền khoa học tiên tiến của thế giới, dần dà có thể tự chủ xây dựng được nền công nghiệp hiện đại, nở hoa trên chính quê hương mình. (Sggp.org.vn 23/5, Mai Hoa)Về đầu trang

Một doanh nghiệp nộp hơn 1.700 tỷ đồng ngân sách cho Hải Dương trong 4 tháng đầu năm, gấp 4 lần cùng kỳ

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Hải Dương, lũy kế 4 tháng năm 2023, 7 doanh nghiệp trọng điểm của Hải Dương nộp ngân sách hơn 2.465 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. 

Cụ thể, xét về số tiền nộp ngân sách so với cùng kỳ năm 2022, Công ty TNHH Ford Việt Nam có số nộp cao nhất với hơn 1.751 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ. Xếp thứ 2 là Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương với hơn 274 tỷ đồng, vượt 42% so với cùng kỳ. Dù chỉ tương đương 65% so với cùng kỳ nhưng Công ty CP Thép Hòa Phát có số nộp ngân sách cao thứ 3 với hơn 218 tỷ đồng. 

Lũy kế 4 tháng năm nay, tổng thu ngân sách nội địa do ngành thuế quản lý hơn 6.231 tỷ đồng, bằng 41% dự toán cả năm, tương đương 94% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu ngân sách sau khi trừ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, lợi nhuận cổ tức được chia hơn 5.685 tỷ đồng, đạt 50% dự toán năm, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. 

Thành lập năm 1995, Công ty TNHH Ford Việt Nam là một trong những công ty Hoa Kỳ đầu tiên đầu tư vào Việt Nam kể từ khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ ngoại giao, với tổng vốn đầu tư đến nay hơn 208 triệu USD. 

Ford Việt Nam cũng là doanh nghiệp có số nộp ngân sách lớn nhất tỉnh Hải Dương, với 2.500 tỷ đồng năm 2022, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021. (VTV.vn 23/5)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đề xuất tăng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH

Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định lại mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để người lao động (NLĐ) về hưu có mức lương cao. Tuy nhiên, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành. 

Luật BHXH hiện hành quy định tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Mặc dù trong các văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH nhưng một số doanh nghiệp (DN) tách lương thành nhiều khoản trợ cấp để né đóng BHXH. 

“Tình trạng nêu trên dẫn đến mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với lương thực tế của NLĐ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các chế độ BHXH của NLĐ, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già do mức hưởng được tính trên mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ” - đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho hay. 

Do vậy, cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc. Phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Theo phương án này, mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác đều đã xác định từ trước, như phụ cấp chức vụ vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Những khoản biến động trong quá trình làm việc của NLĐ chưa được tính đóng. 

Phương án 2, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của Bộ luật Lao động. Ở phương án này, tiền được tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của NLĐ, do vậy nền tiền lương đóng BHXH của NLĐ sẽ được nâng lên, lương hưu từ đó cũng cao hơn. 

Với đề xuất trên, Ban IV vừa có văn bản gửi Thủ tướng và cho biết trong tháng 4-2023, đơn vị đã trao đổi, nắm bắt nhanh ý kiến của trên 30 hiệp hội và đại diện DN các ngành về đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH. Qua đó, các DN và hiệp hội cho rằng đây là nội dung có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở bài toán an sinh xã hội, NLĐ, mà còn là bài toán năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế Việt Nam. 

Vì vậy, DN và hiệp hội cho rằng ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá điều kiện thực tiễn. Cạnh đó, phải có cân nhắc kinh nghiệm quốc tế, khu vực một cách toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay để lựa chọn phương án khả thi, hợp lý. Trong trường hợp dự luật giữ nguyên quy định, DN và NLĐ sẽ không phải chịu áp lực về chi phí “gia tăng đột biến”. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải tìm được phương án, giải pháp nhằm giải quyết bài toán “chậm đóng, trốn đóng, nợ BHXH...” của một số nhóm DN và NLĐ như thời gian qua. 

Cũng theo Ban IV, chuyên gia quốc tế về lao động cho rằng trường hợp này ban soạn thảo nên cân nhắc để đề xuất gia tăng các hình thức thanh tra, kiểm tra, quản trị dựa trên dữ liệu. Liên kết giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu thuế, BHXH; kết hợp chế tài nghiêm minh... sẽ hạn chế tình trạng trên mà vẫn tạo được thuận lợi cho DN và NLĐ. 

Trường hợp chọn phương án 2, DN và các hiệp hội cho rằng sẽ làm gia tăng chi phí của cả người sử dụng lao động và NLĐ mà chưa thực sự giải quyết triệt để tình trạng “chậm đóng, trốn đóng, nợ BHXH...”. Trong bối cảnh DN và NLĐ đều đang hết sức khó khăn, quy định này có thể dẫn tới DN và NLĐ càng tìm cách trốn đóng BHXH, khiến chính sách khó đạt được mục tiêu. Cạnh đó, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia, có thể gây “hiệu quả ngược” với mục tiêu thu hút đầu tư FDI, đầu tư tư nhân đang được đẩy mạnh. 

Trên cơ sở đó, Ban IV đề xuất giữ nguyên quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Chỉ đạo ban soạn thảo nghiên cứu, thể hiện rõ ràng các quy định liên quan tới các khoản phụ cấp, khoản bổ sung phải tính đóng BHXH. “Mục đích để tránh tình trạng sau này dự luật đi vào đời sống, cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, NLĐ có cách hiểu khác nhau khiến việc chấp hành pháp luật về BHXH bị ảnh hưởng tiêu cực” - Ban IV nêu. (Plo.vn 23/5, Phú Phong)Về đầu trang

Cả nước hết sạch vắc xin 5 trong 1, Bộ Y tế nói gì?

Cả nước không còn vắc xin 5 trong 1 của Chương trình tiêm chủng mở rộng. Một số vắc xin khác chỉ còn đủ dùng trong một vài tháng tới. 

Thông tin trên được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) chia sẻ tại Hội nghị sơ kết công tác tiêm chủng mở rộng năm 2022 khu vực phía Nam. Hội nghị được tổ chức sáng nay 23/5 tại TP.HCM.  

Theo Phó giáo sư Hồng, nhiều đồng nghiệp rất lo lắng về tình hình các tỉnh thành hết vắc xin 5 trong 1 từ tháng 2. Một số huyện hoặc xã rải rác còn vài liều cho đến tháng 4, nhưng thời điểm này, không tỉnh nào còn vắc xin 5 trong 1.  

Tương tự, vắc xin DPT bắt đầu hết, vắc xin BCG (phòng bệnh lao), sởi, rubella lác đác còn dùng được đến tháng 7-8. Vắc xin uốn ván có thể dùng đến hết năm 2023. Vắc xin phòng bại liệt bOPV (dạng uống) sẽ thiếu trong vài tháng tới. 

Riêng vắc xin bại liệt dạng tiêm còn dồi dào, hạn sử dụng đến tháng 8 nên bà Hồng đề nghị các địa phương cần triển khai tiêm sớm. 

Về vấn đề mua vắc xin, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã tổng hợp tất cả các nhu cầu về vắc xin của các tỉnh để tổng hợp gửi lên Bộ Y tế.  

Bà Hồng khẳng định, Bộ Y tế đang rất nỗ lực, sắp tới đây sẽ trình báo cáo lên Chính phủ với mong muốn tiếp tục được cung ứng tập trung vắc xin. Theo đó, hình thức được đề xuất là Bộ Y tế sẽ xây dựng một khung giá chung với vắc xin nhập khẩu 5 trong 1. 

Các địa phương căn cứ vào nhu cầu thực tế, sau khi có kết quả mua sắm qua đấu thầu hoặc đàm phán giá theo quy định thì nhanh chóng ký hợp đồng để nhận vắc xin. Cách thức này giống như việc các Sở Y tế đã thực hiện để mua một số loại thuốc tập trung. 

Đối với vắc xin trong nước, Bộ Y tế đang cố gắng để được đặt hàng từ Trung ương trong chương trình tiêm chủng mở rộng và có một giá cụ thể. Địa phương sẽ dựa vào đó để ký hợp đồng với nhà sản xuất trong nước và nhận vắc xin.

“Chúng ta đang rất thiếu vắc xin. Trong tháng 6, Bộ Y tế sẽ có văn bản chính thức đề nghị số lượng đặt hàng. Địa phương phải nỗ lực, nắm được con số chính xác, ở mức tối đa nhất có thể, tránh tình trạng quá thừa hoặc quá thiếu so với số lượng đề xuất.  

Không thể nào nói chúng tôi đặt 100 liều nhưng chỉ lấy 50 liều. Việc này rất khó khăn, vì phải ký hợp đồng với nhà sản xuất để nhận vắc xin", bà Hồng nói.  

Theo Bộ Y tế, trong năm 2022, có 1.175.356 trẻ được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cơ bản với tỷ lệ 87,6% (chưa đạt so với chỉ tiêu từ 90% trở lên). Tỷ lệ tiêm chủng tất cả các vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi đều chưa đạt chỉ tiêu ngoại trừ vắc xin DPT-VGB-Hib. 

Trên quy mô tuyến tỉnh, cả nước có 34/63 tỉnh thành đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi từ 90% trở lên. Riêng khu vực miền Nam có 3/20 tỉnh đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ lệ tiêm chủng toàn khu vực đạt 79,5%. (Vietnamnet.vn 23/5, Linh Giao)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Quảng Ninh: Kỷ luật cảnh cáo Trưởng Công an phường đe doạ người dân sau va chạm giao thông

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hạ Long (Quảng Ninh) vừa quyết định thi hành kỷ luật trung tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng Công an phường Bãi Cháy bằng hình thức cảnh cáo. Ông Nam điều khiển ôtô khi đã uống rượu, đi sai làn đường dẫn đến va chạm giao thông, rồi chửi bới, đe doạ người dân. 

Theo nội dung kiểm tra do Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy và Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) công bố, tối 17/5, ông Nguyễn Thành Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy phường, Bí thư Chi bộ, Trưởng Công an phường Bãi Cháy (TP Hạ Long), thiếu gương mẫu trong lối sống, sinh hoạt, điều khiển ôtô khi đã uống rượu, đi sai làn đường dẫn đến va chạm giao thông.

Sau đó, ông Nam có hành vi ứng xử thiếu văn hóa và chuẩn mực đạo đức, đe dọa người khác tại nơi công cộng, vi phạm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ công an nhân dân, vi phạm quy định của Đảng và quy tắc ứng xử của ngành công an. 

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long đã chỉ đạo Đảng ủy Công an TP Hạ Long, UBKT Thành ủy Hạ Long, Đảng ủy phường Bãi Cháy kiểm tra, xác minh thông tin, làm rõ vụ việc, đồng thời chỉ đạo UBKT Thành ủy Hạ Long xem xét các bước kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Nguyễn Thành Nam. 

Qua kiểm tra, UBKT Thành ủy Hạ Long nhận thấy khuyết điểm của ông Nguyễn Thành Nam gây hậu quả nghiêm trọng, gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền, đơn vị nơi ông Nam sinh hoạt và công tác, làm xấu hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân và làm mất uy tín của cá nhân ông Nam. 

Xét nội dung tính chất, mức độ, hậu quả, vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Thành Nam đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật. 

Trên cơ sở báo cáo của Đảng ủy phường Bãi Cháy, UBKT Thành ủy Hạ Long họp, thảo luận, thống nhất biểu quyết thi hành kỷ luật ông Nguyễn Thành Nam bằng hình thức cảnh cáo, đồng thời báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long phối hợp, trao đổi với cơ quan có thẩm quyền để xem xét xử lý đồng bộ về hành chính theo quy định và điều chuyển, bố trí công tác khác đối với ông Nguyễn Thành Nam. (Tienphong.vn 23/5, Hoàng Dương)Về đầu trang

Khởi tố nữ kế toán Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tội tham ô

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bà Đỗ Thị Thu Hiền, Kế toán của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai về hành vi “tham ô tài sản”. 

Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra đang rà soát chứng từ, thống kê số tiền bà Hiền đã biển thủ từ nguồn quỹ của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai. 

Cách đây hơn một tuần, Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định tạm giữ chín ngày đối với bà Hiền để điều tra, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một người dân trên địa bàn, 

Trước đó, tháng 4-2023, bà Đỗ Thị Thu Hiền bất ngờ nghỉ việc ở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai, sau khi rút một số tiền lớn từ nguồn quỹ của đơn vị và cắt đứt mọi liên lạc. Tiếp đó, Công an tỉnh Gia Lai phát thông báo truy tìm để phục vụ công tác điều tra. Đến giữa tháng 5-2023, bà Hiền đã đến Công an tỉnh Gia Lai trình diện và bị tạm giữ chín ngày để phục vụ điều tra. 

Công an tỉnh Gia Lai cũng đã nhận được đơn tố cáo của bà NTKT (phường Yên Đổ, TP Pleiku) về việc bị bà Hiền lừa số tiền 750 triệu đồng. (Plo.vn 23/5, Lê Kiến)Về đầu trang

Chủ tịch thị trấn ở Hậu Giang bị bắt

Chiều 22/5, Phong và Nguyễn Văn Đức, 40 tuổi, Phó chủ tịch thị trấn Mái Dầm bị Công an tỉnh Hậu Giang bắt tạm giam về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Theo điều tra, cả hai bị can khi còn đương chức đã tạo điều kiện cho Huỳnh Ngọc Dũ (60 tuổi, cựu Phó chánh văn phòng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang) hoàn tất hồ sơ để lừa bán các suất tái định cư ảo. Tháng trước, Dũ bị Công an tỉnh Hậu Giang bắt tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Cụ thể, năm 2019, Dũ biết thông tin Nhà nước chuẩn bị thu hồi đất khu vực ấp Phú Bình, thị trấn Mái Dầm, để làm khu công nghiệp. Đến khu vực này, Dũ đặt vấn đề nhờ người dân đứng tên dùm để anh ta nhận được bồi thường, tái định cư khi dự án khởi động. Mỗi hồ sơ Dũ trả công 10 triệu đồng. 

Sau khi lấy các giấy tờ cần thiết, nhờ người dân ký khống các hồ sơ chưa có nội dung như giấy ủy quyền, hợp đồng chuyển nhượng đất, đơn xin nhận tiền tái định cư... Dũ tìm người bán các suất tái định cư ảo với giá 160-360 triệu đồng. Để tạo lòng tin trước khi nhận tiền, anh ta điền tên người mua vào hồ sơ rồi đến UBND xã chứng thực. 

Một năm sau, Dũ xin nghỉ hưu trước tuổi còn nạn nhân "ngã ngửa" vì không nhận được nền tái định cư nên tố cáo. Đến nay công an xác định Dũ lừa 22 người chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng. (Vnexpress.net 22/5, An Bình)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Bulgaria áp dụng mô hình thủ tướng luân phiên

Liên minh các đảng Bulgaria đồng ý thành lập chính phủ do hai thủ tướng luân phiên lãnh đạo, với nhiệm vụ diệt tận gốc nạn tham nhũng. 

Đảng GERB trung hữu và liên minh chống tham nhũng gồm hai đảng Chúng tôi Tiếp tục thay đổi và đảng Dân chủ Bulgaria (PP-DB) hôm 22/5 thống nhất cùng nhau thành lập chính phủ. 

Liên minh này đặt mục tiêu chính là cải cách hiến pháp trong nửa đầu nhiệm kỳ, đặc biệt nhắm vào ngành tư pháp trong bối cảnh Bulgaria được đánh giá quốc gia đang chứng kiến nạn tham nhũng hoành hành ở cấp cao. 

Theo thỏa thuận kéo dài trong một năm rưỡi tới, chức thủ tướng Bulgaria sẽ do đại diện PP-DB Nikolay Denkov đảm nhiệm trong 9 tháng đầu trong khi đại diện đảng GERB Mariya Gabriel giữ chức phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng. 9 tháng sau đó, Denkov sẽ đổi ghế với Gabriel. 

Chính phủ liên minh Bulgaria cũng được giao nhiệm vụ đề xuất lại hình thức bỏ phiếu trực tuyến như một phần trong nỗ lực giải quyết gian lận bầu cử. Bulgaria trải qua nhiều năm bất ổn chính trị khi tổ chức 5 cuộc bầu cử trong hai năm. (Vnexpress.net 23/5, Ngọc Ánh)Về đầu trang

Hơn 1 giờ “thảo luận hiệu quả”, vấn đề nâng trần nợ công Mỹ vẫn chưa có lời giải

Sau cuộc họp kéo dài hơn 1 giờ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, vấn đề nâng trần nợ công của Mỹ vẫn chưa thể thoát khỏi bế tắc. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã không thể đạt được thỏa thuận nào về vấn đề trần nợ công trong cuộc họp vào ngày 22-5. Tuy nhiên, ông McCarthy nhấn mạnh Nhà Trắng và Hạ viện Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán, theo hãng tin Reuters. 

"Tôi cảm thấy chúng tôi đã có một cuộc thảo luận hiệu quả. Chúng tôi chưa đạt được thỏa thuận nào cả. Tôi tin rằng chúng tôi vẫn có thể đạt được thỏa thuận" - ông McCarthy nói. 

Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho biết ông mong được nói chuyện với Tổng thống Biden mỗi ngày. Nhưng ông không sẵn sàng xem xét các biện pháp tăng thuế đối với người giàu và ngăn chặn các lỗ hổng thuế dành cho ngành dầu mỏ và dược phẩm. Theo Reuters, ông McCarthy tập trung đàm phán về việc giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang năm 2024. 

Khi được phóng viên hỏi các bên cần phải làm gì để phá vỡ thế bế tắc đàm phán, ông McCarthy nói: “Tôi nghĩ là ngày 1-6”. Theo tờ The New York Times, ông McCarthy đề cập đến hạn chót trước khi nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ, như dự báo của Bộ Tài chính nước này. 

Ông McCarthy nói các nhà đàm phán của hai bên "sẽ gặp nhau, làm việc xuyên đêm" để cố gắng tìm ra tiếng nói chung. 

Sau cuộc họp, ông Biden nói: “Chúng tôi nhắc lại hậu quả của vỡ nợ là điều không cần bàn cãi và cách duy nhất để tiến lên phía trước là hai bên hướng tới một thỏa thuận lưỡng đảng”. Ông cho biết hai bên đã có một cuộc họp “hiệu quả”. 

Cuộc họp giữa ông Biden và ông McCarthy diễn ra trong hơn 1 giờ. Đây là lần thứ hai ông Biden và ông McCarthy gặp nhau tại Nhà Trắng trong 2 tuần qua để bàn về vấn đề nợ trần. 

Cũng trong 22-5, Bộ Tài chính Mỹ đã nhắc lại cảnh báo về việc cơ quan này chỉ có đủ tiền chi trả cho các hóa đơn của chính phủ cho đến hết ngày 1-6. Trước đó, Bô trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo thất bại trong việc đàm phán trần nợ công có thể dẫn đến “thảm họa kinh tế, tài chính” cho Mỹ và toàn cầu. (Plo.vn 23/5, Khoa Điềm)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

More

05