Bản tin cải cách hành chính ngày 03/3/2023

Font size : A- A A+

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1.        Hà Nội triển khai kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2023

2.        "Phòng họp không giấy" ở Quảng Ngãi

3.        Vĩnh Long tập trung ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực ưu tiên

4.        Thanh Hóa: Ra mắt mô hình điểm “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

5.        Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu: Cần giảm thủ tục, tiết giảm chi phí

6.        Chuyện học đầu cấp khi sổ hộ khẩu giấy hết “sứ mệnh”

7.        BHXH Việt Nam dừng triển khai một số tin nhắn dịch vụ tra cứu tới đầu số 8079

8.        Rà soát, đơn giản hóa toàn diện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

9.        Bất cập chính sách đè nặng doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước

10.     “Lãi suất cao, thủ tục rườm rà, doanh nghiệp Việt cạnh tranh sao”?

 

 

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Hà Nội triển khai kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2023

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND về kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2023. 

Theo đó, công tác kiểm tra tập trung vào các nội dung: Việc triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, kết luận, chỉ đạo của UBND TP, Chủ tịch UBND TP; việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ thành phố giao tại Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023; việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, tập trung vào những nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của cơ quan, đơn vị (tính đến thời điểm kiểm tra). 

Kiểm tra việc khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong chỉ số cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị năm 2022 và qua các đợt kiểm tra cải cách hành chính và kiểm tra công vụ của Thành phố năm 2022. Trong đó, ưu tiên việc kiểm tra các nội dung theo chuyên đề, kết hợp với các Đoàn kiểm tra chuyên ngành khác, tích hợp các kết quả kiểm tra để tránh chồng chéo, tiết kiệm thời gian, nguồn lực của Thành phố. 

Theo chỉ đạo của UBND TP, hình thức kiểm tra gồm: Kiểm tra trực tiếp; kiểm tra thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; kiểm tra qua báo cáo; thời gian kiểm tra từ tháng 3/2023 đến tháng 12/2023. 

Về đối tượng kiểm tra là các sở, cơ quan tương đương sở; UBND các quận, huyện, thị xã và các phòng, ban trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố, doanh nghiệp nhà nước được lựa chọn hoặc được giao cung ứng các dịch vụ công ích theo quy định. Căn cứ điều kiện cụ thể, Đoàn kiểm tra có thể điều chỉnh hoặc bổ sung các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra theo kế hoạch. 

UBND TP giao Giám đốc Sở Nội vụ quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính của thành phố, gồm đại diện Văn phòng UBND TP, Thanh tra TP, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính. Lãnh đạo Sở Nội vụ làm Trưởng đoàn kiểm tra. (Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn 03/3, T.Quang)Về đầu trang

"Phòng họp không giấy" ở Quảng Ngãi

Nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai “Phòng họp không giấy”, góp phần cải cách hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử. 

Giảm văn bản giấy, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chuẩn bị họp, tăng tương tác giữa các thành viên dự họp... là những hiệu quả bước đầu khi triển khai mô hình “Phòng họp không giấy” tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Mô hình phòng họp không giấy đã góp phần cải cách hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử. 

Toàn bộ quy trình của “Phòng họp không giấy” được thực hiện thông qua hệ thống văn bản điện tử. Các thành viên dự họp có thể truy cập tức thời nhiều tài liệu liên quan đến nội dung họp qua thiết bị thông minh, như: máy tính, ipad, smartphone... 

Bên cạnh đó, mô hình còn tăng cường các tiện ích điều hành cuộc họp, như: sơ đồ phòng họp, đăng ký phát biểu, quản lý thành phần tham dự, biểu quyết kết hợp ký số... 

Tại tỉnh Quảng Ngãi, Mộ Đức là huyện đầu tiên thực hiện mô hình phòng họp không giấy. Ông Bùi Quang Lập, Chánh Văn Phòng UBND huyện Mộ Đức cho rằng, phòng họp không giấy giúp cho người chủ trì dễ dàng điều hành cuộc họp hiệu quả và nhanh chóng. 

“Đây là cách họp tiện lợi so với cách họp truyền thống trước đây. Phong cách lề lối làm việc khoa học, thích ứng với môi trường số, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước. Phòng họp không giấy giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí", ông Bùi Quang Lập cho biết. 

UBND huyện Tư Nghĩa cũng triển khai thí điểm phòng họp không giấy, sử dụng phần mềm E-Cabinet gần 1 năm qua. Địa phương tận dụng một số máy tính xách tay, máy tính bảng có sẵn ở các phòng, ban để tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ. Đánh giá bước đầu cho thấy, phòng họp không giấy rất tiện ích, tổ chức quản lý điều hành của cơ quan hành chính chuyên nghiệp hơn. 

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Ngọc Thuận, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tư Nghĩa, quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn. 

"Hiện nay, huyện Tư Nghĩa đang trong gia đoạn thử nghiệm nên chủ yếu là dùng điện thoại ipad cá nhân. Để mô hình này hiệu quả thì phải mua sắm gói thiết bị. Bất cập nữa, tính kết nối liên thông giữa các phần mềm chưa tích hợp. Hiện nay, địa phương đang thử nghiệm nên được miễn phí, nếu đi vào chính thức sử dụng thì phải thuê, mất phí từ 200 triệu/năm, như vậy là quá cao", ông Huỳnh Ngọc Thuận cho biết. 

Phòng họp không giấy hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số ở các địa phương, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành dựa vào dữ liệu số. Qua đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính toàn diện, chuyên nghiệp. 

Ông Đỗ Quang Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, phòng họp không giấy là sự kết hợp giữa hệ thống phần mềm, các thiết bị di động thông minh để tổ chức các cuộc họp, giúp giảm thiểu tài liệu giấy, tăng tính hiệu quả trong việc lưu trữ, chia sẻ dữ liệu.  

Tuy nhiên, việc triển khai giải pháp này là thay đổi từ phương thức họp truyền thống sang một hệ thống hiện đại, chuyên nghiệp hơn nên cũng phụ thuộc vào các thành viên dự họp, nghĩa là người dùng công nghệ. (VOV.vn 03/3, Trà Giang)Về đầu trang

Vĩnh Long tập trung ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực ưu tiên

Ngày 2/3, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã ban hành 44 văn bản liên quan chuyển đổi số, trong đó cụ thể hóa, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số. Tỉnh cũng đã ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Long 2.0, Kiến trúc dịch vụ đô thị thông minh 1.0. Đây là các văn bản quan trọng đảm bảo triển khai đồng bộ, thống nhất và tập trung theo quy định về triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số và dịch vụ đô thị thông minh. 

Vĩnh Long đã đầu tư nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh đáp ứng yêu cầu tích hợp chia sẻ dữ liệu trong nội bộ tỉnh và kết nối với các dịch vụ do các bộ, ngành chia sẻ; thực hiện triển khai hệ thống quản lý hạ tầng trên nền tảng điện toán đám mây. Tỉnh cũng triển khai các ứng dụng, nền tảng dùng chung phục vụ các đơn vị trên địa bàn như: Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, Hộp thư điện tử của tỉnh, Hệ thống số hóa dữ liệu lưu trữ lịch sử, Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên nền tảng GIS, Hệ thống trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp xã. Các hệ thống, ứng dụng dùng chung đảm bảo phù hợp theo Kiến trúc Chính quyền điện tử 2.0 và đảm bảo đồng bộ với Kiến trúc đô thị thông minh Vĩnh Long 1.0. 

Về hạ tầng số, toàn tỉnh có 15 doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ bưu chính với 208 điểm phục vụ; có 3.233 trạm thu phát sóng thông tin di động; tỷ lệ điện thoại di động đạt 130 thuê bao/100 dân; 100% cấp xã có kết nối cáp quang, internet băng thông rộng. Mạng diện rộng của tỉnh đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã hoạt động ổn định, thông suốt.  

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh nhấn mạnh, năm 2023 là năm dữ liệu số, do đó Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh cần tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ công tác chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan nhà nước, hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Trong đó, sở, ban, ngành, địa phương tập trung triệt để việc sử dụng hiệu quả chữ ký số trong việc gửi nhận văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến; tập trung ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, thương mại, giáo dục, y tế, giao thông vận tải… (TTXVN 02/3, Phạm Minh Tuấn)Về đầu trang

Thanh Hóa: Ra mắt mô hình điểm “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”

Chiều 2-3, Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa phối hợp với Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lộc tổ chức Hội nghị ra mắt và tập huấn xây dựng mô hình điểm “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” năm 2023 tại thị trấn Vĩnh Lộc. 

Tại hội nghị, lãnh đạo thị trấn Vĩnh Lộc đã triển khai kế hoạch thực hiện mô hình điểm “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” năm 2023; công bố quyết định thành lập Ban Điều hành mô hình điểm “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” với 17 thành viên; thông qua quy chế hoạt động của Ban Điều hành mô hình.  

Theo đó, nội dung thực hiện mô hình là tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh, huyện về công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung công tác “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. 

Trọng tâm là làm tốt các bước công khai, dân chủ trong giải phóng mặt bằng các dự án; vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án giao thông và thu hồi đất giải phóng mặt bằng đấu giá quyền sử dụng đất, cũng như tích cực đóng góp công sức, hiến đất để mở rộng đường giao thông ở các khu phố theo tiêu chí đô thị văn minh. Làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng xã hội học tập tại địa phương. Nâng cao chất lượng y tế cộng đồng; làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Kiểm tra, hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tự quản ở cộng đồng dân cư. 

Tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. UBND thị trấn phối hợp với MTTQ nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, phát hiện sớm các hành vi, vi phạm pháp luật, xử lý kịp thời các sai phạm ngay tại cơ sở theo quy định của pháp luật; tăng cường đối thoại với Nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo; vận động, thuyết phục Nhân dân thực hiện tốt Luật Tiếp dân, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng. (Baothanhhoa.vn 02/3, Phan Nga)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu: Cần giảm thủ tục, tiết giảm chi phí

Thực phẩm nhập khẩu cho người sử dụng thì chỉ kiểm tra hồ sơ nhập khẩu, nhưng nếu nhập về làm thức ăn chăn nuôi thì cơ quan hải quan và kiểm dịch lại kiểm tra rất chặt chẽ, mất 2-3 ngày mới xong thủ tục. Ông Bùi Châu Giang cho rằng, những quy định như vậy làm mất nhiều thời gian lẫn công sức của doanh nghiệp, cần được gỡ bỏ. 

Trong hội nghị đối thoại về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu (do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng cục Hải quan và UBND của 4 địa phương: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh phối hợp tổ chức) tại tỉnh Hải Dương ngày 2-3, một số doanh nghiệp tiếp tục phản ánh tình trạng thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn nhiêu khê, bất hợp lý. 

Ông Bùi Châu Giang (Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh) phân tích, thực phẩm nhập khẩu cho người sử dụng thì chỉ kiểm tra hồ sơ nhập khẩu, nhưng nếu nhập về làm thức ăn chăn nuôi thì cơ quan hải quan và kiểm dịch lại kiểm tra rất chặt chẽ, mất 2-3 ngày mới xong thủ tục. Ông Giang cho rằng, những quy định như vậy làm mất nhiều thời gian lẫn công sức của doanh nghiệp, cần được gỡ bỏ. 

Cũng liên quan thủ tục, ông Đặng Thế Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hải Phòng, chỉ ra nghịch lý ở chỗ, doanh nghiệp càng xuất nhập khẩu nhiều thì càng bị soi chiếu, kiểm tra thực tế nhiều. Cứ thêm mỗi lô hàng phải soi chiếu thì doanh nghiệp tốn thêm hàng trăm triệu đồng, khoản chi phí đội lên này chủ yếu do việc phải đưa phương tiện vào cảng, rồi chạy ra khu vực soi chiếu để chờ soi chiếu. Nếu không soi chiếu được thì phải quay lại cảng. 

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan thông tin, hàng năm, cơ quan hải quan nhận được 14,5 triệu tờ khai hải quan. Tuy nhiên không phải kiểm tra, soi chiếu 100% mà hiện 65% tờ khai được phân “luồng xanh”, 31% tờ khai “luồng vàng” (phải kiểm tra hồ sơ hải quan) và chỉ có 4% tờ khai vào “luồng đỏ”. Mục tiêu của ngành hải quan là giảm tỷ lệ “luồng vàng” và “luồng đỏ” để tăng “luồng xanh”. Tuy nhiên, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho rằng, yêu cầu của doanh nghiệp về việc giảm chi phí là phù hợp và cơ quan hải quan tại các địa phương phải “ngồi lại” với các doanh nghiệp, hiệp hội để tìm giải pháp tháo gỡ. 

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang triển khai “Chương trình doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan” (đã ký cam kết với 200 doanh nghiệp) nhằm phát huy cao tinh thần tự nguyện tuân thủ các quy định xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Tuy vậy, theo ông Hoàng Việt Cường, trước hết, cơ quan hải quan sẽ làm việc với các bộ ngành liên quan và trực tiếp với các doanh nghiệp để cùng tháo gỡ bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. (Sài Gòn giải phóng 03/3, Văn Phúc)Về đầu trang

Chuyện học đầu cấp khi sổ hộ khẩu giấy hết “sứ mệnh”

Trên thực tế, hệ thống dữ liệu chưa đồng bộ, dù đã bỏ sổ hộ khẩu giấy, khiến phụ huynh gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục các địa phương đang thực hiện là công tác tuyển sinh đầu cấp. 

hững năm trước, sổ hộ khẩu hoặc tạm trú là một trong những thủ tục cần hoàn chỉnh khi học sinh nộp hồ sơ nhập học. Nhưng, từ năm nay, do sổ hộ khẩu giấy hết "sứ mệnh" (từ 1/1/2023), nên nhiều trường học yêu cầu phụ huynh nộp giấy tờ thay thế, đó là giấy xác nhận cư trú. Và điều này khiến các bậc phụ huynh không khỏi băn khoăn và bức xúc. 

Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều phụ huynh bày tỏ sự bức xúc khi tốn cả tháng trời, bỏ rất nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn không làm được giấy xác nhận cư trú cho con, ảnh hưởng đến thời gian nhập học khi quá hạn nộp hồ sơ đăng ký, hoặc đã hết chỉ tiêu. 

Một số phụ huynh ở khu vực chưa cần nộp hồ sơ cũng tỏ ra băn khoăn không biết sẽ lấy gì chứng minh cho thông tin cá nhân, đặc biệt là những bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào mầm non, lớp 1, lớp 6. 

Một cán bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thông thường trước các kỳ tuyển sinh đầu cấp, các phường sẽ tổ chức rà soát, thống kê danh sách trẻ đến tuổi đi học, sau đó gửi về Phòng GD&ĐT. 

Bên cạnh đó, mỗi học sinh được quản lý theo mã số định danh, trong đó có thông tin nơi cư trú. Như vậy, bỏ sổ hộ khẩu chỉ là đơn giản hóa thủ tục giấy tờ hành chính, còn việc tuyển sinh đầu cấp tại các quận, huyện vẫn trên cơ sở phân tuyến theo nơi cư trú của học sinh. 

Căn cứ vào danh sách này và số chỗ học của các trường tiểu học, hội đồng tuyển sinh của quận sẽ thực hiện phân tuyến và công bố danh sách phân tuyến về phường để địa phương phát giấy gọi học sinh đến trường. 

Đối với học sinh vào lớp 6, các trường tiểu học sẽ căn cứ vào danh sách phân tuyến của hội đồng tuyển sinh để chủ động chuyển hồ sơ học sinh lớp 5 về các trường THCS theo đúng tuyến. Sau đó, các trường THCS công bố danh sách học sinh trúng tuyển vào trường. 

Bên cạnh đó, ngành giáo dục các địa phương cũng đang tập trung chỉ đạo các trường trên địa bàn gấp rút phối hợp với cơ quan công an, nhanh chóng cập nhật mã định danh cho học sinh. Với những học sinh chưa có mã định danh, các trường sẽ trích xuất thông tin gửi về phòng GD&ĐT. Sau đó, phòng sẽ gửi lại phía công an với mục tiêu cập nhật thông tin, mã định danh sớm nhất cho học sinh, cũng là để giảm bớt băn khoăn, lo lắng và tiết kiệm thời gian cho các bậc phụ huynh. 

Trở lại câu chuyện "bỏ hộ khẩu giấy, việc đi xin học cho con sẽ thế nào?". Lâu nay, "cuốn sổ quyền lực" này không chỉ là một trong những thủ tục cần có trong hồ sơ tuyển sinh, mà việc có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ở địa bàn nào còn là căn cứ để tuyển sinh theo tuyến vào trường đóng trên địa bàn đó. 

Tuy nhiên, khi sổ hộ khẩu giấy không còn được sử dụng nữa thì những vấn đề phát sinh từ thực tế hiện nay đòi hỏi các bộ, ngành liên quan cần quan tâm giải quyết. 

Một cán bộ công an phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, trong thời gian "quá độ", chuyển giao từ hộ khẩu giấy sang hộ khẩu điện tử sẽ không tránh khỏi những vấn đề vướng mắc nảy sinh. Một trong những khó khăn hiện tại là hệ thống máy móc, thiết bị ở cơ sở chưa được đồng bộ, nhiều thứ chưa "thông" dữ liệu. Chắc phải mất một khoảng thời gian nữa thì mọi thứ mới đi vào hoạt động trơn tru, khi đó công dân sẽ được thuận tiện hơn. Đội ngũ công an khu vực đang cố gắng khắc phục các vướng mắc, có nhiều vấn đề vướng mắc phải xin ý kiến, hướng dẫn của cấp trên.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu kiểm tra thông tin báo chí phản ánh việc bỏ sổ hộ khẩu, đẩy cái khó về phía dân. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Công an kiểm tra lại việc này, đề xuất các giải pháp xử lý, tháo gỡ. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 05 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn. 

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện ứng dụng VNeID, phấn đấu đến tháng 6/2023 cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. (VTV.vn 03/3)Về đầu trang

BHXH Việt Nam dừng triển khai một số tin nhắn dịch vụ tra cứu tới đầu số 8079

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết sẽ dừng triển khai các tin nhắn tra cứu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, tra cứu hồ sơ đã nộp, tình trạng hồ sơ và tra cứu lại mật khẩu... gửi tới đầu số 8079. 

Từ cuối năm 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai cung cấp dịch vụ các tin nhắn tra cứu nêu trên qua đầu số 8079. Khi sử dụng các dịch vụ tin nhắn tra cứu này, người dùng sẽ trả cho nhà mạng cung cấp dịch vụ mức phí 1.000 đồng/tin nhắn. 

Đến nay, ngoài việc tra cứu bằng cách nhắn tin nêu trên, người dân, doanh nghiệp đã có rất nhiều lựa chọn tra cứu miễn phí khác do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp, như qua: Ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”; Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 6 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động có trách nhiệm “định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu”. Do vậy, việc tiếp tục cung cấp dịch vụ tin nhắn tra cứu qua đầu số 8079 là không còn cần thiết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Công văn số 337/CNTT-PM về việc dừng triển khai tin nhắn tra cứu đến đầu số trên. 

Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau khi dừng triển khai việc cung cấp các dịch vụ tra cứu qua tin nhắn này, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng các kênh cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin miễn phí khác của của ngành như: “Tra cứu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội”, “Tra cứu thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế” qua ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” hoặc chức năng Tra cứu trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam (https://baohiemxahoi.gov.vn). “Tra cứu hồ sơ đã nộp, tình trạng hồ sơ” qua chức năng Tra cứu trên Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam (https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn). “Cấp lại mật khẩu tài khoản giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử” qua chức năng Quên mật khẩu trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” hoặc Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam (mật khẩu sẽ được cung cấp qua địa chỉ email mà người dân kê khai khi đăng ký tài khoản giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử). (TTXVN 02/3, Vân Phương)Về đầu trang

Rà soát, đơn giản hóa toàn diện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế

Để đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế Tổng cục Thuế đã yêu cầu các vụ, cục thuộc, trực thuộc; cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế giai đoạn 2022 - 2025. 

Nhằm đảm bảo mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) theo Quyết định số 2475/QĐ-BTC ngày 29/11/2022 của Bộ Tài chính và Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế coi đây là một trong những nhiệm vụ cải cách TTHC trọng tâm. 

Theo đó, Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định để chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc triển khai rà soát, phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa. 

Cụ thể, đối với TTHC giữa các cơ quan hành chính nhà nước, trước ngày 1/1/2025, 100% TTHC giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực thuế được rà soát, đơn giản hóa, bảo đảm đạt tỷ lệ cắt giảm ít nhất 20% TTHC và 20% chi phí tuân thủ TTHC. Trong đó, trước ngày 1/1/2025, rà soát, trình Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 100% TTHC trong lĩnh vực thuế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. 

Đối với TTHC nội bộ, trước ngày 1/1/2025, 100 TTHC nội bộ liên quan đến lĩnh vực thuế được rà soát, đơn giản hóa, bảo đảm đạt tỷ lệ cắt giảm ít nhất 20% TTHC và 20% chi phí tuân thủ TTHC theo chỉ đạo của Bộ Tài chính. Trong đó, trước ngày 1/1/2024, rà soát, trình Bộ phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với ít nhất 50% TTHC nội bộ trong lĩnh vực thuế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. 

Trước ngày 1/1/2025, rà soát, trình Bộ phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 100% TTHC nội bộ trong lĩnh vực thuế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. 

Đối với TTHC nội bộ của Tổng cục Thuế, trước ngày 1/6/2023: các cục, vụ, đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế thống kê, rà soát để lựa chọn TTHC nội bộ thuộc lĩnh vực quản lý để công bố, công khai. 

Trước ngày 1/9/2025, các cục, vụ, đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế rà soát, chuyển văn phòng tổng hợp và trình tổng cục phê duyệt phương án đơn giản hóa, bảo đảm tỷ lệ cắt giảm ít nhất 20% TTHC nội bộ và 20% chi phí tuân thủ TTHC nội bộ đã công bố công khai. 

Để đơn giản hoá TTHC, Tổng cục Thuế tập trung triển khai 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thống kê, công bố, công khai và tổ chức rà soát, trình Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực thi phương án đơn giản hóa TTHC giữa các cơ quan hành chính nhà nước quy định tại văn bản do Tổng cục Thuế tham mưu, trình Bộ để trình cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền. 

Thống kê, công bố, công khai và tổ chức rà soát, trình Bộ Tài chính phê duyệt và thực thi phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ giữa Tổng cục Thuế với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính quy định tại các văn bản do Tổng cục Thuế tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền. 

Thống kê, công bố, công khai và tổ chức rà soát, phê duyệt theo thẩm quyền và thực thi phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ giữa các cục, vụ, đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế với nhau quy định tại các văn bản do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thủ trưởng các đơn vị ban hành theo thẩm quyền. 

Xuất phát từ các yêu cầu nêu trên, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cục, vụ, đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, đảm bảo đúng yêu cầu tiến độ, chất lượng đơn giản hóa TTHC đã đề ra. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 03/3, Văn Tuấn)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Bất cập chính sách đè nặng doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước

Tình trạng đáng lo ngại hiện nay là văn bản quy định không biết thực hiện như thế nào cho đúng, nhiều điểm bất hợp lý, chưa phù hợp, hay trái với thông lệ quốc tế. 

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tháng 1 và tháng 2/2023, cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ tiếp tục duy trì các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nhờ vậy đã đạt được một số kết quả tích cực. 

Tuy nhiên, từ giữa năm 2022 đến nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động; số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng; do đó kéo theo nhiều tác động xã hội. 

Số doanh nghiệp gặp khó khăn khá phổ biến, nhất là kể từ quý IV/2022. Trong tháng 1/2023, có 34.994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2022; có 6.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 3,4%; có 2.038 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%. 

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều chỉ tiêu của nước ta cải thiện chưa bền vững, chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm. So với năm 2021, một số chỉ số năm 2022 giảm điểm hoặc giảm bậc như: Năng lực Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ vị trí thứ 44 xuống 48); Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (từ vị trí thứ 51 xuống 55); Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ vị trí thứ 70 xuống 72). 

Về dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật, báo cáo chỉ rõ, nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên,…), vì thế đây là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp và dẫn đến khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư. Mặt khác, tâm lý lo ngại làm sai là tình trạng phổ biến ở các cấp thực thi. Hiện tượng này có thể dẫn tới làm ảnh hưởng đến các kết quả cải cách đã đạt được trong thời gian qua. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có bất cập chính sách; vì thế nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả. Gánh nặng bất cập chính sách đối với doanh nghiệp tồn tại dưới nhiều hình thức, thể hiện qua nhiều bất cập khác nhau. Có những vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết; thậm chí thời gian gần đây mức độ rủi ro càng tiềm ẩn lớn hơn.  

Thứ nhất, văn bản quy định không biết thực hiện như thế nào cho đúng là tình trạng đáng lo ngại hiện nay. Bất cập chính sách không chỉ đang đè nặng doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý nhà nước. 

Thứ hai, bất cập chính sách cũng thể hiện qua những điểm bất hợp lý, chưa phù hợp, hay trái với thông lệ quốc tế của quy định pháp luật. 

Thứ ba, quy định về điều kiện kinh doanh vẫn tiếp tục là rào cản đối với doanh nghiệp. Thực tế còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý. (Baodautu.vn 03/3, Thanh Huyền)Về đầu trang

“Lãi suất cao, thủ tục rườm rà, doanh nghiệp Việt cạnh tranh sao”?

Khi cạnh tranh ra toàn cầu, doanh nghiệp nội cảm thấy tủi bởi ngay chính những khó khăn từ trong nước, như thủ tục nhiều, lãi suất vay cao. 

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu của 4 địa phương là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên tổ chức ngày 2/3, ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa, than thở: Thời gian để 1 container của doanh nghiệp đi từ Hải Phòng đến châu Âu mất 70 ngày trong khi từ Thái Lan tới châu Âu chưa tới 40 ngày.  

“Một container 5.000 quả bưởi đỏ, khởi hành từ Hòa Bình ngày 24/11/2022, 3 ngày tới Hải Phòng. Nhưng đến ngày 3/2/3023 mới cập cảng ở London, mất gần 2,5 tháng. Không chỉ có vậy, chúng tôi còn xuất khẩu ớt, mía..., nhưng kiểm tra chuyên ngành qua rất nhiều thủ tục, mất rất nhiều thời gian. Trong khi doanh nghiệp phải chịu lãi suất vay ngân hàng tới 9%. Nói như vậy để thấy, doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh thế nào”, ông Thức nói.

 Ông Bùi Châu Giang, đại diện doanh nghiệp Dầu ăn Thực vật Cái Lân, kể, thủ tục kiểm tra chất lượng thức ăn gia súc yêu cầu khắt khe, riêng lấy mẫu để có giấy phép nhập khẩu phải mất 2-3 ngày. "Thủ tục kiểm tra chất lượng với thức ăn gia súc lại nghiêm ngặt hơn cả đối với kiểm tra chất lượng dầu ăn cho người", ông Giang so sánh. 

Ông Đặng Thế Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, bổ sung: một lô hàng phải kiểm tra thực tế thủ công hay soi chiếu có thể tốn vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Cùng với đó, các chi phí đưa phương tiện trong cảng, chi phí lưu kho bãi, đưa các container lên phương tiện soi chiếu đều tăng. "May mắn thì được thông quan ngay, nếu không thì lại quay về cảng, hạ xuống. Một doanh nghiệp có hàng trăm lô hàng mỗi tháng, mỗi lô vài chục container, riêng việc soi chiếu đã mất rất nhiều thời gian và chi phí. Nên chăng, hải quan có sự hỗ trợ doanh nghiệp kiểm tra trong lúc lưu bãi, đỡ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp", ông Phương kiến nghị. 

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI - cũng như khảo sát của các hiệp hội, khoảng 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là vướng mắc lớn... 

Phản hồi tại hội nghị, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, khẳng định rằng, năm nay, tình hình kinh doanh còn khó khăn, nên ngành hải quan xác định mục tiêu là giảm chi phí cho doanh nghiệp. 

"Các bộ, ngành và doanh nghiệp cùng phải ngồi lại để xem phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành vướng ở đâu, vì sao chưa nhanh gọn, chưa cập nhật thông tin, không để tình trạng như doanh nghiệp nói là khai, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu đến; doanh nghiệp đã nộp thuế qua online nhưng phải nộp bản chụp cho hải quan", ông Cường nói. 

Lãnh đạo ngành hải quan cũng cam kết sẽ ưu tiên các lĩnh vực có nhiều vướng mắc để tìm giải pháp cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành. "Ngay sau hội nghị này, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước", ông Cường cho hay. (Vietnamnet.vn 03/3, Ngọc Cương)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

More

05