Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 22/4/2024

Font size : A- A A+

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

1.        Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương 2021 - 2025

2.        Hà Nội: Sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai các công trình trọng điểm

3.        Hà Giang: Phát huy vai trò người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công

4.        Nghệ An: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

5.        Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Tỉnh đang rất “khát” đội ngũ nhân lực chất lượng cao

6.        Sơn La kích cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

QUẢN LÝ

7.        Đà Nẵng tạm dừng bổ nhiệm các chức danh cán bộ nơi sáp nhập phường, xã

8.        Quảng Nam: Xác minh tài sản, thu nhập của 86 người có chức vụ

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

9.        Bí quyết soán ngôi PAR Index của Quảng Ninh: Bố trí người thực đức, thực tài vào vị trí “đứng mũi, chịu sào” 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

10.     Hà Nội uỷ quyền cho Giám đốc Sở GD-ĐT giải quyết 13 thủ tục hành chính

11.     Hà Nội: Tiếp tục ủy quyền cấp, đổi giấy phép lái xe cho một số quận, huyệ

VỤ VIỆC LIÊN QUAN ĐẾN TẬP ĐOÀN THUẬN AN

12.     Cục Đường bộ yêu cầu rà soát gói thầu của Tập đoàn Thuận An

13.     TPHCM mời Tập đoàn Thuận An làm việc về 3 dự án trọng điểm

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

14.     Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bị khiển trách

15.     Kỷ luật Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai 2011 - 2016 và nhiều đảng viên

16.     Đề nghị khai trừ Đảng nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ

17.     Cựu Bí thư và Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng bị bãi nhiệm

THẾ GIỚI

18.     Trung Quốc đẩy mạnh đào tạo nhân lực kinh tế kỹ thuật số

 

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương 2021 - 2025

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 312 về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Theo đó, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 được điều chỉnh thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, đúng mục đích, hiệu quả.

Có trách nhiệm hoàn thành các dự án điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm đúng thời gian theo quy định của Luật Đầu tư công; không đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung thêm vốn ngân sách Trung ương cho các dự án đã điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật; chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, chạy chọt.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với đầu tư công chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, chạy chọt; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Về thời hạn báo cáo kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 5/5/2024.

Thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng có liên quan. (TTXVN/Baotintuc.vn 20/4)Về đầu trang

Hà Nội: Sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai các công trình trọng điểm

TP Hà Nội sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong việc triển khai các công trình trọng điểm.

Ngày 19/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2021 - 2025 chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo. Theo đó, ông Thanh cho biết, hiện đã quá nửa thời gian kế hoạch; tuy nhiên tiến độ các dự án trọng điểm còn chậm. Trong khi đó, kế hoạch vốn trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 phải bố trí, giải ngân trong các tháng còn lại năm 2024 và năm 2025 là 39.986 tỷ đồng.

Người đứng đầu UBND TP Hà Nội yêu cầu, các đơn vị được giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư chủ động, khẩn trương làm việc với các sở, ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định tại kỳ họp HĐND TP tháng 7/2024.

Đồng thời, đối với các dự án đang triển khai cần đẩy nhanh tiến độ, các dự án còn khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trong trường hợp không bảo đảm tiến độ phải chủ động báo cáo UBND TP từ sớm để có chỉ đạo và điều hành nguồn vốn phù hợp.

Đặc biệt, Chủ tịch TP. giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch, kết quả giải ngân và khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, báo cáo UBND TP hàng tháng. Qua đó, sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong việc triển khai các công trình trọng điểm. (Thanhtra.com.vn 20/4, Hải Hà)Về đầu trang

Hà Giang: Phát huy vai trò người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công

Giám đốc các sở, ban, ngành, Thủ trưởng các đơn vị, Bí thư, Chủ tịch HĐND-UBND các huyện, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án. Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, phương tiện, trang thiết bị đẩy nhanh tiến độ… chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thi.

Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Giang nhằm Phát huy cao độ vai trò người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Năm nay, tổng vốn đầu tư công Thủ tướng giao tỉnh Hà Giang thực hiện trên 4.363 tỷ đồng. Kết thúc quý I, nền kinh tế hấp thụ được 656,6 tỷ đồng, đạt 15,05% kế hoạch, tăng 4,42% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn bình quân chung cả nước 1,38%.

Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng áp lực giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất lớn. Ngoài vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật thì những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tài nguyên, việc khởi công mới đồng loạt nhiều công trình cả vốn đầu tư công và vốn 3 chương trình mục tiêu Quốc gia dẫn đến tình trạng thiếu vật liệu, nhân công cục bộ tại một số địa bàn…

Nhận diện rõ những khó khăn, đồng thời khẳng định quyết tâm đưa vốn vào nền kinh tế, UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, huyện, thành phố phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công.

Liên quan đất lĩnh vực đất đai, UBND tỉnh giao Sở TT&MT, NN&PTNT hướng dẫn UBND các huyện, thành phố kiểm đếm, đo đạc diện tích đất, giá đền bù giải phóng mặt bằng sát với thực tiễn… nhanh chóng bàn giao mặt bằng triển khai dự án đúng tiến độ. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở và các đơn vị, quyết liệt, chủ động, tích cực, sát sao, cụ thể, thực sự vào cuộc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. (Baohagiang.vn 20/4, Thiên Thanh)Về đầu trang

Nghệ An: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung vừa yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các Ban quản lý dự án và các chủ đầu tư đề cao trách nhiệm, tập trung triển khai quyết liệt hơn nữa, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội; xác định giải ngân đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cần phải tập trung ưu tiên tổ chức thực hiện. Chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã; các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư cần tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để quyết liệt đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án trọng điểm, liên vùng, đường ven biển... Việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải gắn với bảo đảm khối lượng, chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương lập kế hoạch, cam kết giải ngân chi tiết từng dự án theo từng tháng (gồm dự án thuộc kế hoạch năm 2024 và kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024) và tuân thủ nghiêm kế hoạch, cam kết giải ngân. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án; xem kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024 của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tập thể, cá nhân liên quan.

Chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch được giao; đề xuất bổ sung vốn đối với các dự án có tiến độ tốt, còn thiếu vốn. Quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất phương án cụ thể để tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; xử lý nghiêm theo quy định các tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

Các ngành, địa phương, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả tỉnh 10 ngày/lần gửi báo cáo giải ngân và giải quyết vướng mắc cho UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư). Các Tổ công tác cấp tỉnh, Tổ công tác cấp phòng về đầu tư công tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, chủ động nắm bắt tình hình, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân của các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư; định kỳ 10 ngày/lần thông báo tình hình giải ngân đến Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan, Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; định kỳ hàng tháng, thông báo trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh biểu dương các cơ quan, đơn vị giải ngân tốt, phê bình cơ quan, đơn vị giải ngân chậm tại các phiên họp UBND tỉnh hàng quý… (Kinhtemoitruong.vn 20/4, Tuấn Quỳnh)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Tỉnh đang rất “khát” đội ngũ nhân lực chất lượng cao

Phát biểu tại Chương trình “Nhân lực chất lượng cao cho Đồng Nai” sáng 20/4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, đào tạo nhân lực chất lượng cao đang là yêu cầu cấp bách bởi thị trường lao động hiện nay đang rất “khát” đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, giỏi ngoại ngữ, có kỹ năng mềm tốt.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến đến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2026. Khi đi vào hoạt động, dự án này cần gần 14 ngàn lao động, trong đó lao động trình độ trung cấp và cao đẳng là hơn 2,2 ngàn người, trình độ sơ cấp hơn 3,8 ngàn người, còn lại là trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và lao động phổ thông.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất cả nước với 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Định hướng của tỉnh là sẽ ưu tiên thu hút những dự án đầu tư có chất xám cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường, sử dụng ít lao động phổ thông, đẩy mạnh tự động hóa.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm 2024 đến nay, có 600 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 65 ngàn lao động.

Về công tác đào tạo nhân lực, tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 20 trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Những năm qua, các trường đại học, cao đẳng liên tục đổi mới chương trình đào tạo, cố gắng bám sát nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Hiện nay, có một số trường đã đi đầu trong việc đào tạo nhân lực cho Sân bay quốc tế Long Thành. Đồng thời có thế mạnh đào tạo về rô-bốt, tự động hóa, về vi mạch bán dẫn, đào tạo các ngành nghề thuộc khối ngành y tế - những nghề đang rất thiếu nhân lực,…

“Tôi đề nghị các trường thông tin một cách chính xác, trung thực về chất lượng đào tạo của trường, về học phí, môi trường học tập, sự liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, các chính sách khác … để phụ huynh học sinh và các cháu có sự hiểu biết đầy đủ trong lựa chọn tương lai”- ông Hùng nói.

Lãnh đạo tỉnh đề nghị Báo Đồng Nai qua buổi tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến của đại biểu, nhất là của các em học sinh, hiến kế cho tỉnh có cơ chế chính sách, chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đồng Nai trong tương lai.

Lãnh đạo tỉnh cũng đã yêu cầu hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách riêng của Đồng Nai đối với chương trình vay tín dụng học tập nhằm kịp thời hỗ trợ người học. Tỉnh cũng giao cho LĐ-TB&XH nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh chính sách hỗ trợ học phí cho con em tỉnh Đồng Nai, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. (Baodongnai.com.vn 20/4, Hạnh Dung)Về đầu trang

Sơn La kích cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày, Sơn La đang chuẩn bị các điều kiện và giới thiệu các điểm du lịch hấp dẫn sẵn sàng phục vụ, đón tiếp người dân và du khách.

Để chuẩn bị phục vụ tốt du khách, Sở VH-TT&DL Sơn La đã yêu cầu các Hiệp hội, tổ chức, cá nhân khai thác, kinh doanh du lịch rà soát cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ và giới thiệu những tour tuyến du lịch độc đáo, hấp dẫn gắn với chính sách giảm giá, kích cầu trong kỳ nghỉ lễ.

Sở VH-TT&DL tỉnh này cũng chỉ đạo cơ quan thanh tra và đội kiểm tra liên ngành phối hợp các địa phương đẩy mạnh kiểm tra việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh và an toàn cho du khách. Công tác thanh, kiểm tra sẽ tập trung kiểm soát chặt về giá cả niêm yết, không để xảy ra tình dịch vụ du lịch gây sốt giá ảo. Đồng thời cũng đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan cần tăng cường theo dõi địa bàn xử lý, hỗ trợ xử lý nhanh các sự cố gây phiền hà du khách. (Petrotimes.vn 20/4, Diệu Hương)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đà Nẵng tạm dừng bổ nhiệm các chức danh cán bộ nơi sáp nhập phường, xã

Thành ủy Đà Nẵng vừa có hướng dẫn sắp xếp tổ chức, cán bộ, công chức viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở những địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính quận, phường giai đoạn 2023 - 2030.

Cụ thể, đối với quận, phường mới, Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên quyết định thành lập đảng bộ mới trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất tổ chức đảng của đơn vị hành chính cùng cấp trước khi sắp xếp. Đồng thời, chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó Bí thư cấp ủy của đảng bộ theo quy định của Điều lệ Đảng.

Đối với quận, phường có điều chỉnh địa giới, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển giao tổ chức đảng. Đối với phường giải thể thì giải thể tổ chức đảng theo quy định của Điều lệ Đảng.

Theo hướng dẫn mới, các đơn vị không thuộc diện sắp xếp phải tạm dừng việc tuyển dụng/tiếp nhận công chức đến công tác tại các cơ quan trực thuộc. Trường hợp có nhu cầu bổ sung nhân sự thì phối hợp với các quận, phường thực hiện sắp xếp để có phương án ưu tiên tiếp nhận đối với cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính nếu đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.

Ở cấp quận, Đà Nẵng tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý đối với quận có các phường phải sắp xếp.

Cán bộ, công chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc giữ chức vụ lãnh đạo có phụ cấp chức vụ thấp hơn lúc chưa sắp xếp (còn thời gian công tác tối thiểu 30 tháng là đến thời điểm nghỉ hưu) được ưu tiên khi giới thiệu bầu, bổ nhiệm vào chức vụ đã giữ lúc chưa sắp xếp đơn vị hành chính hoặc các chức vụ tương đương....

Ở cấp phường, Đà Nẵng tạm dừng việc bầu các chức danh cán bộ gồm bí thư, phó Bí thư đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội tại phường thuộc diện sắp xếp... (Tienphong.vn 20/4, Nguyễn Thành)Về đầu trang

Quảng Nam: Xác minh tài sản, thu nhập của 86 người có chức vụ

Thanh tra tỉnh Quảng Nam vừa công bố quyết định về việc xác minh tài sản, thu nhập và thành lập Tổ xác minh tài sản, thu nhập năm 2024. Qua bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã chọn ra 86 người để xác minh tài sản.

Theo đó, có 12 cơ quan, đơn vị, địa phương được lựa chọn xác minh tài sản, thu nhập năm 2023, gồm: Sở Công Thương; Sở VH-TT&DL; Sở LĐ-TB&XH; Sở Y tế; BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT; Đài PT-TH Quảng Nam; Trường Cao đẳng Quảng Nam; Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam; UBND TP Tam Kỳ; UBND huyện Đại Lộc; UBND huyện Thăng Bình, UBND huyện Phước Sơn.

Qua bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã chọn ra 86 người để xác minh, đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu trên để xác minh tài sản. (Tiền phong 20/4, Hoài Văn)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

Bí quyết soán ngôi PAR Index của Quảng Ninh: Bố trí người thực đức, thực tài vào vị trí “đứng mũi, chịu sào”

Bố trí người thực đức, thực tài trong bộ máy lãnh đạo, quản lý, ở các vị trí phải chịu trách nhiệm "đứng mũi, chịu sào"; kiên quyết sàng lọc những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, giảm sút uy tín. Đây là một trong những kinh nghiệm của Quảng Ninh giúp địa phương này "soán ngôi" quán quân trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023.

Những năm qua, tỉnh luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ công tác cải cách hành chính. Bám sát tình hình và cụ thể hóa các chủ trương lớn của Trung ương, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra chỉ tiêu "hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)"; đồng thời xác định khâu đột phá là "nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật".

Các nội dung cụ thể trong triển khai cải cách hành chính được các cấp, các ngành, từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, thực hiện hiệu quả. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quy phạm pháp luật trong đó có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngày càng được quan tâm, đi vào thực chất; đổi mới tư duy phát triển.

Quảng Ninh mạnh dạn thí điểm áp dụng thành công nhiều mô hình quản trị mới như phương châm "5 thật", "6 dám"; "3 trước", "4 tại chỗ" từ xa, từ sớm, từ cơ sở; nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư". Trong đó, "5 thật" là nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thành quả thật. "6 dám" là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. "3 trước" là chủ động phòng, chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện, vật tư chuẩn bị trước. "4 tại chỗ" là lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn sát sao chỉ đạo tích cực, triển khai hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhất là giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, trong đó tập trung vào việc cắt giảm, đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.

Công tác rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị của tỉnh theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19- NQ/TW được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Quảng Ninh đã hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm của 100% cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập (182/182 cơ quan, tổ chức hành chính; 759/759 đơn vị sự nghiệp công lập).

Tỉnh tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2023, Quảng Ninh đã triển khai nhiều nội dung nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như quan tâm ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó dành ít nhất 50% chỉ tiêu tuyển dụng mới để tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; triển khai hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo sản phẩm đầu ra; tiếp tục bổ nhiệm cán bộ thông qua thi tuyển...

Các hoạt động, nội dung trong chuyển đổi số được quan tâm sát sao, thường xuyên được rà soát, chỉ đạo hoàn thành đảm bảo thời gian, tiến độ và hiệu quả. Theo đó, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp trong toàn tỉnh đạt trên 90%. Trên 74% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được số hóa theo quy trình 5 bước, số hóa từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp. Tỉnh đã hoàn thiện việc kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm khai thác được 20/20 trường thông tin do Bộ Công an cung cấp để hỗ trợ người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ cán bộ trong việc không sử dụng sổ hộ khẩu giấy...

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết, hành trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng cạnh tranh của Quảng Ninh đã trở thành mục tiêu khiến mỗi cán bộ, công chức, viên chức luôn phải đổi mới sáng tạo và không ngừng nghỉ, bền bỉ vươn tới bằng tầm nhìn văn hóa, lòng tin chiến lược, trách nhiệm công vụ, đạo đức liêm chính, động lực nội sinh để giữ vững đà phát triển cho năm tới.

Với phương châm "chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên", Quảng Ninh hiểu rõ việc giành được vị thế, thứ hạng cao đã khó, giữ được vị thế này càng khó khăn hơn, "thử thách chông gai vẫn còn ngổn ngang phía trước". Khi giải quyết được mâu thuẫn này, trong cuộc sống lại xuất hiện những mâu thuẫn mới, phức tạp hơn, đòi hỏi năng lực quản trị, điều hành phát triển bền vững tại địa phương ở mức độ cao hơn.

Trên hành trình cải cách hành chính, những cố gắng đến từ hằng ngày, không chủ quan, tự thỏa mãn với những kết quả đạt được mà Quảng Ninh luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, những khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp, để tìm mọi cách tháo gỡ, giải quyết với tư duy "chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ", mạnh dạn thí điểm áp dụng mô hình quản trị mới, chuyển đổi số toàn diện, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc cung cấp các dịch vụ công; đổi mới sáng tạo và không ngừng vươn tới, kiến tạo, nuôi dưỡng, nâng cao niềm tin xã hội; niềm tin của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Cho rằng, Chỉ số SIPAS, PAR INDEX là những con số biết nói, ẩn chứa đằng sau các động lực để thúc đẩy các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi  số, nhân lực, nhưng theo ông Huy, tất cả đều hội tụ ở yếu tố con người, yếu tố cán bộ.

Kinh nghiệm để Quảng Ninh giữ được thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng chỉ số trên, đó là sự nêu gương của người đứng đầu qua hành động tử tế, nhiệt huyết và truyền lửa, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đó là chính sách thu hút, lựa chọn người đủ đức, đủ tài trong bộ máy lãnh đạo, quản lý và mạnh dạn bố trí và sử dụng ở các vị trí chịu trách nhiệm "đứng mũi, chịu sào" trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thử thách như hiện nay. Đó là việc thiết lập và vận hành cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, kiên quyết sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giảm sút uy tín, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

"Quảng Ninh tiếp tục cố gắng cải cách hành chính hơn nữa và làm đúng, làm nhanh, làm tốt hơn, tận tâm, tận lực phục vụ người dân, nêu gương, làm gương ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh phải thực sự chí công, vô tư, mọi việc phải xuất phát từ nhân dân, vì nhân dân. Xây dựng hình ảnh, tác phong của cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, tận tâm, mẫu mực, năng động, sáng tạo vì nhân dân phục vụ", Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nói. (TTXVN/Baotintuc.vn 20/4, Chu Thanh Vân)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Hà Nội uỷ quyền cho Giám đốc Sở GD-ĐT giải quyết 13 thủ tục hành chính

UBND Thành phố Hà Nội vừa có quyết định về việc ủy quyền cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện giải quyết 13 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Thời gian uỷ quyền đến hết ngày 31/12/2024.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện các nội dung được uỷ quyền đúng theo quy định của pháp luật và định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. (TTXVN/VietnamPlus.vn 20/4, Hà An)Về đầu trang

Hà Nội: Tiếp tục ủy quyền cấp, đổi giấy phép lái xe cho một số quận, huyện

Ngày 19/4, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông báo ủy quyền cho UBND quận Long Biên và huyện Sóc Sơn tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe.

Thời gian tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” của UBND quận Long Biên, huyện Sóc Sơn được thực hiện từ ngày 2/5/2024.

Theo đó, hiện nay thì ngoài 2 địa điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại số 258 Võ Chí Công (phường Xuân La, quận Tây Hồ) và số 16 phố Cao Bá Quát (phường Điện Biên, quận Ba Đình), Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ủy quyền để thực hiện thủ tục hành chính cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe tại bộ phận “Một cửa” của 9 quận, huyện, thị xã, bao gồm: Nam Từ Liêm, Long Biên, Mỹ Đức, Đông Anh, Ứng Hoà, Phú Xuyên, Đan Phượng, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây. (Công lý 20/4, N.T.D)Về đầu trang

VỤ VIỆC LIÊN QUAN ĐẾN TẬP ĐOÀN THUẬN AN

Cục Đường bộ yêu cầu rà soát gói thầu của Tập đoàn Thuận An

Cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu Ban Quản lý dự án 4 làm việc ngay với đại diện có thẩm quyền của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An (thành viên liên danh nhà thầu) về khả năng tiếp tục thực hiện thi công hoàn thành gói thầu XD02 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E đoạn Km15+270 - Km89+700, tỉnh Quảng Nam.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, trường hợp không thể tiếp tục triển khai thi công đáp ứng tiến độ của dự án, Ban Quản lý dự án 4 căn cứ quy định của hợp đồng và pháp luật có liên quan đề xuất phương án xử lý phù hợp.

Ban Quản lý dự án 4 cũng được giao phải báo cáo phạm vi, giá trị công việc của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An trong gói thầu XD02, tình hình triển khai thi công đến thời điểm hiện tại; khả năng cung cấp vật liệu, huy động máy móc, nhân công, tài chính; đánh giá các tác động, ảnh hưởng đối với công tác triển khai dự án.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc yêu cầu Ban Quản lý dự án 4 báo cáo để xác định xem doanh nghiệp sau khi có lãnh đạo bị khởi tố, việc thực hiện dự án có đảm bảo không. Nếu không ảnh hưởng sẽ tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký kết; nếu ảnh hưởng, không đảm bảo sẽ thay nhà thầu, chủ đầu tư sẽ chuyển khối lượng cho đơn vị khác thi công. (Tiền phong 20/4, Dương Hưng)Về đầu trang

TPHCM mời Tập đoàn Thuận An làm việc về 3 dự án trọng điểm

Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (chủ đầu tư) vừa có thư mời công ty CP Tập đoàn Thuận An và Liên danh tư vấn giám sát để làm việc về tình hình thi công 2 gói thầu xây lắp XL-05 và XL-06 thuộc dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Liên danh tư vấn giám sát các gói thầu này được chủ đầu tư yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện và kế hoạch thi công các gói thầu của nhà thầu Thuận An. Bên cạnh đó, nhà thầu Thuận An phải báo cáo cụ thể kế hoạch triển khai thi công để đảm bảo hoàn thành các gói thầu trước ngày 30/4/2025.

Trước đó, Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cũng đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn Thuận An phản hồi khả năng tiếp tục hợp đồng 2 gói thầu xây lắp nói trên. Trong văn bản này, chủ đầu tư cho biết, hiện nay, Tập đoàn Thuận An đã ngưng thi công 2 gói XL-05 và XL-06. Ban chỉ huy, nhân công... của nhà thầu này đã rút khỏi công trường.

Chủ đầu tư yêu cầu Tập đoàn Thuận An có công văn làm rõ về khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng thi công 2 gói thầu. Nhà thầu cần nêu rõ cơ cấu tổ chức của công ty, người đại diện theo pháp luật thay thế... gửi về chủ đầu tư trước ngày 25/4.

Trường hợp Tập đoàn Thuận An không phản hồi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM sẽ xem đây là vi phạm hợp đồng và có hình thức xử lý theo quy định.

Sau đó, phía Tập đoàn Thuận An đã có văn bản phản hồi chủ đầu tư. Trong nội dung văn bản, đơn vị này giải thích việc tạm dừng thi công ở 2 gói thầu trên là do đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cát san lắp.

Nhà thầu này cho biết đã chỉ đạo, chấn chỉnh, yêu cầu Ban chỉ huy công trường tại 2 gói thầu XL5 và XL6 phải có mặt 24/24h tại công trường để trực tiếp xử lý công việc và tiếp tục triển khai thi công dự án. Đồng thời, Tập đoàn Thuận An cam kết vẫn tiếp tục triển khai thi công theo hợp đồng 2 gói thầu XL-05 và XL-06, không làm ảnh hưởng tiến độ chung của dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Tại 2 gói thầu trên, Tập đoàn Thuận An đóng vai trò thành viên của liên danh gồm nhiều nhà thầu. Tổng giá trị phần việc mà Tập đoàn Thuận thực hiện ở 2 gói thầu này là khoảng 130 tỷ đồng.

Cụ thể, tại gói thầu XL5 (đoạn từ cầu Tân Kỳ - Tân Quý đến cầu Bưng) dài hơn 3 km, nhà thầu này phải thi công các hạng mục xây dựng đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật bờ phải (khối lượng phần việc mà Tập đoàn Thuận An đảm nhận là 77,5 tỷ đồng với khoảng 13,8% giá trị của hợp đồng gói thầu xây lắp).

Tại gói thầu XL6 (đoạn từ cầu Bưng đến cầu Tham Lương) dài 2,8km, nhà thầu Thuận An phải thực hiện thi công các hạng mục xây dựng đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật bờ phải (khối lượng phần việc mà Tập đoàn Thuận An đảm nhận vào khoảng 53,6 tỷ đồng với khoảng 11,7% của hợp đồng gói thầu xây lắp).

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư) cũng đã phát thư mời làm việc với Tập đoàn Thuận An về tình hình thi công dự án thành phần 1 đường vành đai 3 TPHCM và dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7).

Tại dự án thành phần 1 - Vành đai 3 TPHCM, Tập đoàn Thuận An là thành viên trong liên danh gồm 9 công ty thực hiện gói thầu XL-05. Tổng giá trị hợp đồng là hơn 2.303 tỷ đồng. Nhà thầu Thuận An có tỷ lệ liên danh 26,5%, tương đương hơn 610 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhà thầu này cũng là thành viên trong liên danh (3 công ty) thực hiện gói thầu XL-02 thuộc dự án xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) với tổng giá trị của gói thầu là hơn 262,7 tỷ đồng. (Tienphong.vn 21/4, Hữu Huy)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bị Bộ Chính trị khiển trách do có một số vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quyết định kỷ luật ông Dung được Bộ Chính trị đưa ra tại cuộc họp ở trụ sở Trung ương Đảng ngày 19/4.

Bộ Chính trị xác định ông Dung đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy chế làm việc. Đồng thời, "buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để Bộ và một số tập thể, cá nhân thuộc Bộ có nhiều vi phạm, khuyết điểm, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ".

Hai nguyên lãnh đạo của Bộ LĐ-TB&XH cũng bị Bộ Chính trị cảnh cáo gồm nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền và nguyên Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí.

Theo Bộ Chính trị, bà Chuyền khi giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng LĐ-TB&XH và ông Tí khi giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng LĐ-TB&XH, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Bà Chuyền và ông Tí cũng vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy chế làm việc.

 

Bên cạnh đó, bà Chuyền còn bị xác định "buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để Bộ và một số tập thể, cá nhân thuộc Bộ có nhiều vi phạm, khuyết điểm; làm trái quy định pháp luật trong tổ chức thực hiện đặt hàng, tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia các gói thầu".

Vi phạm của bà Chuyền và ông Tí dẫn đến nguy cơ thất thoát, lãng phí "rất lớn" ngân sách nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ LĐ-TB&XH .

 Tại cuộc họp, Ban Bí thư đã cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ LĐ-TB&XH nhiệm kỳ 2011-2016; khiển trách Ban cán sự đảng Bộ này nhiệm kỳ 2016-2021. (Vnexpress.net 19/4, Phạm Dự)Về đầu trang

Kỷ luật Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai 2011 - 2016 và nhiều đảng viên

Ngày 19/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị xem xét kỷ luật cán bộ vi phạm theo thẩm quyền. Theo đó, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai 2 nhiệm kỳ 2004-2011 và 2011-2016 cùng nhiều đảng viên bị thi hành kỷ luật liên quan các sai phạm trong thời kỳ này.

Các cơ quan chức năng Tỉnh ủy Gia Lai nhận thấy Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2004-2011 và 2011-2016 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc.

Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để các chủ đầu tư có những vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực đấu thầu, mua sắm trang thiết bị do Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế - AIC và các doanh nghiệp thuộc "hệ sinh thái" AIC cung cấp. Một số dự án, gói thầu có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng, có nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy biểu quyết thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2004 - 2011 và 2011 - 2016. Tuy nhiên, do đã hết thời hiệu kỷ luật nên không ban hành quyết định kỷ luật đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2004 - 2011.

Theo Tỉnh ủy Gia Lai, vi phạm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh hai nhiệm kỳ trên có trách nhiệm của 18 đảng viên. Gồm 2 đảng viên là cán bộ diện Ban Bí thư quản lý, thuộc thẩm quyền xử lý của Trung ương và 16 đảng viên thuộc thẩm quyền xử lý của tỉnh.

Đối với 2 đảng viên thuộc thẩm quyền xử lý của Trung ương, tỉnh Gia Lai đã báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý theo quy định.

Đối với 16 đảng viên thuộc thẩm quyền xử lý của tỉnh: Có 13 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm đến mức phải xử lý kỷ luật. Trong đó, 1 đảng viên đã bị khai trừ ra khỏi Đảng nên không xem xét thi hành kỷ luật. 3 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy biểu quyết thi hành kỷ luật với các cá nhân sau:

Thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ - cựu Tỉnh ủy viên, cựu ủy viên Ban cán sự đảng, cựu phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Mai Xuân Hải - cựu tỉnh ủy viên, cựu giám đốc Sở Y tế, cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 

10 đảng viên còn lại bị kỷ luật khiển trách, tuy nhiên do đã hết thời hiệu kỷ luật theo quy định nên không ban hành quyết định kỷ luật đối với họ. (Tuổi trẻ 20/4, Tấn Lực)Về đầu trang

Đề nghị khai trừ Đảng nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ

Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương khai trừ khỏi Đảng nguyên ủy viên Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ.

Tại cuộc họp ở trụ sở Trung ương Đảng ngày 19/4, Ban Bí thư đã khai trừ khỏi Đảng ông Phạm Hoàng Anh (Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), Doãn Hữu Long (nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đăk Lăk), Đặng Gia Dũng (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đăk Nông), Ma Ly Phước (Phó Ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước).

Các ông Chữ, Anh, Long, Dũng, Phước bị xác định "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương".

Các vi phạm nói trên "gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương".

Trước đó, ông Chữ và Hoàng Anh đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam về tội Nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn. Ông Chữ bị cáo buộc nhận tiền để tạo điều kiện giúp Phúc Sơn trúng gói thầu thi công tuyến đường chính dự án đường bờ nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Hoàng Anh nhận tiền tạo điều kiện cho tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án chợ đầu mối Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Liên quan vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn, nhiều cán bộ đã bị bắt trong hai tháng qua. Ngoài ông Chữ và Hoàng Anh, cựu Bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa cũng đã bị tạm giam. Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo), Chủ tịch HĐQT tập đoàn Phúc Sơn, bị điều tra tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. (Vnexpress.net 19/4, Phạm Dự) Về đầu trang

Cựu Bí thư và Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng bị bãi nhiệm

Ngày 19/4, tại kỳ họp thứ 14, 100% đại biểu HĐNĐ có mặt đã biểu quyết bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh với ông Trần Đức Quận, cựu Bí thư Tỉnh ủy. Đồng thời, ông Trần Văn Hiệp cũng bị bãi nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, cả hai bị bắt và khai trừ Đảng.

Ông Trần Đức Quận, 57 tuổi, bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) bắt để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, hôm 24/1. Cơ quan chức năng cáo buộc ông có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến dự án Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Liên quan siêu dự án này, trước ông Quận, C03 cũng đã bắt ông Trần Văn Hiệp, 58 tuổi, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng với cáo buộc Nhận hối lộ.

Bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I) của Văn phòng Chính phủ bị khởi tố với cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh có quy mô hơn 3.595 ha, trong đó diện tích thuê rừng 1.050 ha với tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện từ năm 2010 đến năm 2018. Đến nay, dự án chỉ xây dựng được vài công trình tạm, để rừng bị phá, lấn chiếm hàng trăm ha.

Hiện, ông Nguyễn Thái Học làm quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và Phó Chủ tịch Võ Ngọc Hiệp, 57 tuổi được phân công tạm điều hành UBND tỉnh đến khi cấp thẩm quyền có quyết định nhân sự mới. (Vnexpress.net 19/4, Trường Hà - Khánh Hương) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc đẩy mạnh đào tạo nhân lực kinh tế kỹ thuật số

Bộ Nhân lực - An sinh xã hội Trung Quốc vừa ban hành "Kế hoạch hành động đẩy nhanh đào tạo nhân tài kỹ thuật số nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2026".

Mục tiêu của kế hoach nhằm nhanh chóng hình thành lực lượng sản xuất chất lượng cao. Trung Quốc là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất thế giới.

Kế hoạch sẽ triển khai các dự án trọng điểm về đào tạo nhân lực công nghệ số, nâng cao kỹ năng kỹ thuật số, hợp tác quốc tế, khởi nghiệp, dạy nghề kỹ thuật số… Trung Quốc có hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới, với kinh tế kỹ thuật số trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Với mục tiêu tự chủ về công nghệ cốt lõi nên việc đào tạo tuyển dụng nguồn nhân lực từ trong nước cũng được ưu tiên hơn để bảo đảm an ninh quốc gia. Song song với những cam kết từ chính phủ, Trung Quốc đã thành công trong việc triển khai các chính sách này ở cấp độ địa phương, nhằm mở rộng mức độ phủ, cũng như làm giảm sự chênh lệch vùng miền.

Dự báo vài năm nữa nguồn nhân lực cho những ngành mới nổi của kinh tế kỹ thuật số mới cơ bản đáp ứng đủ từ làn sóng di cư nhân tài, từ các ngành và từ trường đại học. Dù lương thưởng không còn như thời hoàng kim của các công ty công nghệ, nhưng Trung Quốc vẫn là nước có nhiều chế độ đãi ngộ cao hàng đầu thế giới để thu hút nhân tài trong và ngoài nước cho các lĩnh vực công nghệ then chốt. (VTV.vn 21/4)Về đầu trang./.

More

05