Bản tin Cải cách hành chính ngày 02/5/2024

Font size : A- A A+

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1.        Thái Nguyên: Ứng dụng Căn cước công dân phục vụ người dân, doanh nghiệp

2.        Sơn La: Cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI

3.        Gia Lai: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng ngành Thuế hiện đại

4.        Đồng Tháp: Quyết tâm thực hiện tốt chính quyền thân thiện, phục vụ

5.        Quảng Ngãi: Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê

6.        Bình Thuận: “Số hóa” công tác Đảng ở Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh

7.        Thái Bình: Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá du lịch

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

8.        Ngành Thuế đặt 10 mục tiêu chuyển đổi số

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

9.        Hà Nội: Sửa đổi hệ thống quy định về công tác cán bộ sát thực tiễn

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

10.     Văn hóa xin lỗi: Cầu thị và trách nhiệm

 

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Thái Nguyên: Ứng dụng Căn cước công dân phục vụ người dân, doanh nghiệp

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ).

Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, có thể thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự".

Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khám chữa bệnh đã mang lại sự thuận lợi cho người nhà, người bệnh cũng như cán bộ y tế. Ngoài việc dùng CCCD khám chữa bệnh, bệnh nhân có thể xem được kết quả khám chữa bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh trên điện thoại thông minh. Người bệnh và người nhà bệnh nhân có thể dùng thẻ thanh toán, chuyển khoản, quét mã QR (năm 2023, trên 45% lượng tiền được bệnh nhân thanh toán qua phương thức này).

Đối với cán bộ y tế, hồ sơ bệnh án đã được số hóa toàn bộ, bệnh viện đang triển khai bệnh án điện tử, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác khám và điều trị bệnh nhân. Các bác sĩ có thể thao tác trên các thiết bị di động, dễ dàng hội chẩn với tuyến trên các hình ảnh phim chụp qua hệ thống PACS; hội chẩn thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa, hệ thống Telemicin. "Với các cán bộ quản lý như Ban Giám đốc, hiện tại có thể xem số liệu khám chữa bệnh online trên máy tính, trên các thiết bị di động, đảm bảo công tác điều hành được nhanh chóng, kịp thời", ông thông tin.

Anh Phạm Văn Hưng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện A Thái Nguyên, người phụ trách mảng công nghệ thông tin cho hay, đầu đọc thông thường chỉ đọc được mã vạch hai chiều của thẻ BHYT; đối với CCCD gắn chip và mã QR code thì không đọc được. Do đó, khi mới áp dụng CCCD, bệnh viện chỉ có 1 đầu đọc thẻ CCCD do Công an tỉnh cung cấp. Ban đầu việc liên thông, đồng bộ dữ liệu ít, mới chỉ 30%, rồi 60%...

"Nhưng sau đó dữ liệu được đồng bộ 100%, thấy được nhiều lợi ích của việc đầu đọc chip thẻ CCCD nên chúng tôi đã chủ động mua, hiện tại bệnh viện đã có 20 đầu đọc, trang bị cho Khoa khám bệnh và một số khoa. Để tăng tốc độ làm việc, hiện tôi đang tham mưu lãnh đạo bệnh viện mua thêm 27 đầu đọc nữa để trang bị cho tất cả các khoa, dự kiến sang đầu tháng 5/2024 sẽ có", anh Hưng bổ sung thêm.

Được biết, ngoài Bệnh viện A Thái Nguyên, 224/224 (100%) cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mua đầu đọc chip, thực hiện khám chữa bệnh bằng CCCD và ứng dụng VNeID. Đã có hơn 1,3 triệu lượt tra cứu trên hệ thống với hơn 1,2 triệu thẻ BHYT đã đồng bộ thông tin với CCCD.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 16 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mua và trang bị thiết bị đọc QR, đọc chip trên CCCD, trong đó có 12 cơ sở dịch vụ bảo vệ và 4 cơ sở cầm đồ. Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các cơ sở cầm đồ thực hiện mua sắm trang thiết bị đọc thẻ, đọc chip CCCD để đảm bảo chính xác danh tính khách hàng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn...

Đại tá Dương Đình Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, Tổ phó Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 của tỉnh Thái Nguyên cho biết, qua gần một năm thực hiện các mô hình điểm về chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06, Công an tỉnh Thái Nguyên xác định rõ mục tiêu "lấy người dân làm trung tâm, mọi chính sách phải hướng tới người dân và người dân tham gia vào xây dựng, thực hiện chính sách". Đồng thời, quán triệt phương châm "mọi cán bộ phải hướng dẫn nhân dân với thái độ nhiệt tình, niềm nở, thân thiện, phối hợp cùng người dân thực hiện; bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước với quyền và lợi ích của nhân dân; triển khai hợp lòng dân để người dân ủng hộ, tham gia tích cực”… (Cand.com.vn 02/5, Quỳnh Vinh)Về đầu trang

Sơn La: Cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI

Thời gian qua, chính quyền các cấp trong tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, góp phần nâng chỉ số PAPI tỉnh Sơn La năm 2023 vươn lên đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố, tăng 17 bậc so với năm 2022.

Theo báo cáo PAPI năm 2023 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố, cho thấy: Chỉ số PAPI của tỉnh Sơn La đạt 42,3966 điểm, thuộc nhóm 15-16 tỉnh điểm trung bình cao, tăng 1,5272 điểm so với năm 2022. Trong đó, một số chỉ số nội dung ở nhóm trung bình cao, tăng điểm, như: Trách nhiệm giải trình với người dân, ở nội dung thành phần tiếp cận dịch vụ tư pháp; thủ tục hành chính công, nội dung thành phần thủ tục hành chính cấp xã/phường; cung ứng dịch vụ công, nội dung thành phần giáo dục tiểu học công lập, cơ sở hạ tầng căn bản; quản trị điện tử, nội dung thành phần sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương, tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương.

Tiêu biểu, chỉ số nội dung 5 “Thủ tục hành chính công”, có nội dung thành phần 1 về “Dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền”; nội dung thành phần 2 “Thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, đạt 7,3132 điểm, thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao.

Để đạt được kết quả vượt bậc về chỉ số PAPI, trong năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành chức năng tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhân dân, doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận, hài lòng, thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân phát triển; tiếp tục công khai, minh bạch các thông tin, quy trình, thủ tục hành chính cho người dân biết, cùng chung tay thực hiện; làm tốt công tác dân vận chính quyền, giải quyết tốt mối quan hệ “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, tôn trọng nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng chính quyền. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, tiếp tục rà soát, cắt giảm thời gian, thành phần hồ sơ các thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là TTHC liên quan đến đầu tư, đất đai, đăng ký kinh doanh…

Đồng thời, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã cụ thể hóa, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai các nhiệm vụ CCHC gắn với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh; đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường giải quyết hồ sơ, xử lý công việc trên môi trường điện tử, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố kịp thời kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tiếp tục quy định phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, phân cấp quản lý biên chế, quy trình công tác cán bộ... Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả CCHC, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, phục vụ nhân dân tận tình, chu đáo.

Bà Cầm Thúy Vân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Sở đang chủ trì phối hợp với các cơ quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng kế hoạch giữ vững chỉ số nội dung đạt điểm cao; cải thiện, nâng cao chỉ số nội dung đạt điểm thấp. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ cải thiện Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công tỉnh Sơn La, giai đoạn 2021-2025”. Hằng năm, xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định 6 tháng, năm. (Baosonla.org.vn 02/5, Quỳnh Ngọc)Về đầu trang

Gia Lai: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng ngành Thuế hiện đại

Những năm qua, Cục Thuế tỉnh Gia Lai luôn đồng hành cùng người nộp thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính thuế gắn với chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, lấy sự hài lòng của người nộp thuế là thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế.

Theo đó, ngành Thuế đã giảm từ 304 TTHC xuống còn 235 TTHC; thực hiện tích hợp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 101 TTHC/235 TTHC. Đi đôi với giảm TTHC thuế, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và chất lượng giải quyết TTHC được nâng lên. Hầu hết TTHC được điện tử hóa không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về mặt thời gian mà còn tiết kiệm chi phí cho người nộp thuế.

Bà Từ Thị Tài-Trưởng phòng Kế toán Vietcombank Chi nhánh Bắc Gia Lai-cho hay: “Việc trao đổi thông tin giữa Cục Thuế và người nộp thuế được kết nối thông suốt qua Zalo, điện thoại, website đã tạo điều kiện cho người nộp thuế cập nhật thông tin kịp thời. Khi gặp các vấn đề vướng mắc về nghiệp vụ thuế, thực hiện các chính sách thuế mới, người nộp thuế được Cục Thuế hỗ trợ kịp thời, giải đáp các vấn đề nhanh chóng, giúp người nộp thuế nắm rõ các quy định và thực hiện đúng quy định”.

Trong các năm gần đây, Cục Thuế tỉnh luôn xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương. Trên cơ sở kết quả đạt được, ông Trần Quang Thành-Phó Cục Trưởng Cục Thuế tỉnh-thông tin thêm: “Đẩy mạnh cải cách TTHC, chuyển đổi số là một trong số nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024. Cục Thuế tỉnh tiếp tục bám sát và triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành, giải quyết TTHC thuế.

Đồng thời theo dõi, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến bằng dữ liệu theo thời gian thực. Đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC”.

Bên cạnh đó, ông Thành còn thông tin thêm, Cục Thuế đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số theo quy định tại các nghị quyết của Chính phủ; rà soát, chuẩn hóa quy trình, TTHC để đảm bảo phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tiếp tục triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo định kỳ mà Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề ra. (Baogialai.com.vn 30/4, Sơn Ca)Về đầu trang

Đồng Tháp: Quyết tâm thực hiện tốt chính quyền thân thiện, phục vụ

Với quyết tâm đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ công dân, tổ chức và doanh nghiệp. Qua đó, đã giúp Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Châu Thành đạt thành tích dẫn đầu khối trong thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2023.

Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai tích cực, đồng bộ tất cả các nội dung, nhiệm vụ về CCHC theo đúng quy định và tình hình, điều kiện thực tế của đơn vị. Sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, nhiệm vụ; kỷ luật, kỷ cương hành chính được nâng cao đã góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Hiện tại, 113/113 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở đều được tích hợp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký hợp tác xã.

Ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lãnh đạo Sở tham dự cùng lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp tại Không gian “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp” hoặc tại cơ sở để trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp, chủ dự án khởi nghiệp khi được yêu cầu. Sở cử viên chức đến Trung tâm Hành chính công tỉnh để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ công dân tạo tài khoản và thực hiện quy trình đăng ký doanh nghiệp trên Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Sở thực hiện gửi “Thư chúc mừng” doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cùng thời điểm trả kết quả giải quyết TTHC đăng ký thành lập mới doanh nghiệp nhằm thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và tạo mối quan hệ gần gũi, gắn kết giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp. Ông Phạm Đăng Huy - Giám đốc một công ty trên địa bàn chia sẻ: “Công chức hướng dẫn thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh nhanh, khi trả kết quả có kèm theo Thư chúc mừng của Sở Kế hoạch và Đầu tư nên tôi cảm thấy hài lòng và đánh giá cao tính chuyên nghiệp, sự quan tâm của cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp”.

Đối với huyện Châu Thành, việc kiểm tra, phúc tra tình hình thực hiện CCHC của các cơ quan, địa phương trên địa bàn huyện được tổ chức thực hiện nghiêm túc nhằm kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và đưa ra các giải pháp khắc phục. Công tác cải cách TTHC; rà soát, đánh giá TTHC được địa phương chú trọng đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ đối với công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Định kỳ tháng, quý và đột xuất, UBND huyện họp giao ban về công tác CCHC, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu, các khó khăn vướng mắc, giải pháp cụ thể của ngành để thực hiện nhiệm vụ trong tháng, quý tiếp theo. Qua đó, để nắm thông tin, kịp thời chỉ đạo thực hiện giải quyết ngay những hạn chế, vướng mắc trong tháng, quý tiếp theo, từ đó hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn huyện chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ông Lê Minh Trung - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, chia sẻ: “Công tác lãnh đạo, điều hành được đặt lên hàng đầu, thường xuyên đổi mới, chú trọng hiệu quả, giảm thủ tục hình thức. Thời gian qua, UBND huyện đã chủ động và kịp thời ban hành các kế hoạch về CCHC phù hợp với yêu cầu thực tiễn của huyện, lựa chọn triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong từng năm. Huyện kịp thời, chủ động triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện CCHC. Các nhiệm vụ trọng tâm của CCHC được triển khai đồng bộ, kịp thời đến các cơ quan, địa phương và từng cán bộ, công chức liên quan”. (Baodongthap.vn 30/4, Dương Út)Về đầu trang

Quảng Ngãi: Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê

Ngành thống kê tỉnh Quảng Ngãi đã và đang triển khai áp dụng nhiều giải pháp trong chuyển đổi số. Qua đó, nâng cao chất lượng số liệu thống kê và khai thác tối đa nguồn dữ liệu hiện có.

Thực hiện Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, ngành thống kê tỉnh không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê. Ngành đã chuyển đổi từ hình thức thu thập thông tin bằng phiếu giấy qua hình thức thu thập bằng thiết bị điện tử. Thay đổi hình thức quản lý dữ liệu phân tán sang hình thức quản lý dữ liệu tập trung và đẩy mạnh tương tác giữa người cung cấp thông tin với điều tra viên thống kê (người làm công tác thống kê trong quá trình sản xuất thông tin thống kê).

Đến nay, cơ bản các cuộc điều tra thống kê đã được chuyển đổi sang hình thức kê khai điện tử qua Webform trên máy tính hoặc hình thức thu thập thông tin bằng phiếu điều tra điện tử (Capi) dùng cho máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong điều tra thống kê mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả, như rút ngắn thời gian điều tra tại cơ sở, hỗ trợ phương pháp tính toán, nâng cao chất lượng số liệu...

Cán bộ văn hóa - xã hội UBND xã Sơn Mùa (Sơn Tây) Đinh Văn Thung cho biết, tôi làm cộng tác viên cho Chi cục Thống kê huyện Sơn Tây từ nhiều năm nay. Trước đây, mỗi lần thống kê về chăn nuôi, diện tích trồng cây hằng năm, lâu năm, tôi phải mang theo bảng thu thập thông tin bằng giấy nên bất tiện, có hôm trời mưa bị ướt. Còn bây giờ chỉ cần có điện thoại thông minh, sử dụng phần mềm điện tử là có thể thu thập thông tin một cách thuận lợi, tiết kiệm được thời gian.

Trong tháng 4/2024, ngành thống kê tỉnh đang tập trung điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Cũng nhờ sử dụng phần mềm thu thập thông tin điện tử trên thiết bị di động thông minh mà công tác thu thập thông tin, thống kê tại cơ sở được nhanh chóng, thuận lợi, chuẩn xác hơn.

Song song với cải tiến hình thức thu thập thông tin, công tác lập bảng kê, kiểm tra, giám sát và xử lý dữ liệu các cuộc điều tra của ngành thống kê cũng được thực hiện thông qua các phần mềm, chương trình điều hành tác nghiệp. Việc sử dụng một số phần mềm đã xử lý nhanh, chính xác dữ liệu, kịp thời gửi lên hệ thống thông tin của ngành.

Ngoài ra, ngành thống kê tỉnh còn sử dụng phần mềm E-office, Taskgov trong công tác giao việc, theo dõi tiến độ công việc, thực hiện chữ ký số, gửi báo cáo và lưu trữ. Trên hệ thống này, lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh và chi cục thống kê cấp huyện sẽ nắm được tình hình triển khai công việc, mức độ hoàn thành để kịp thời nhắc nhở, đôn đốc. Đồng thời, thống kê, đánh giá chất lượng công chức hiệu quả hơn.

“Quá trình sử dụng các phần mềm điện tử trong công tác thống kê đã kịp thời phát hiện, xử lý, sửa lỗi khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, tất cả các dữ liệu thông tin được thu thập sẽ lập tức được chuyển ra trung tâm lưu trữ, xử lý dữ liệu của Tổng cục Thống kê để tổng hợp, giúp việc khai thác dữ liệu được thuận lợi và nhanh chóng", Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Nguyễn Hùng cho biết. (Vietnamnet.vn 27/4, Hồng Hoa)Về đầu trang

Bình Thuận: “Số hóa” công tác Đảng ở Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh

Công tác xây dựng Đảng ở Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận ngày càng đổi mới, hiệu quả. Kết quả đó bắt nguồn từ việc Đảng bộ Khối đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và tiên phong trong chuyển đổi số.

Bà Lê Thị Hải Duyên – Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Trong đó, công tác Đảng cũng từng bước được “số hóa” cho phù hợp thực tiễn.

Theo đó, hàng năm Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã ban hành kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, trong đó chỉ đạo và triển khai từng bước việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể, đơn vị đã áp dụng khép kín quy trình xử lý văn bản trên hệ thống điều hành tác nghiệp Lotus Notes (trên môi trường mạng diện rộng của Đảng) từ chuyên viên tới lãnh đạo và văn thư.

Nhờ đó, 100% văn bản đến và đi được số hóa, thực hiện ký số điện tử trước khi phát hành đến nơi nhận (ngoại trừ văn bản mật). Đảng ủy Khối cũng đã xây dựng và triển khai “Chương trình quản lý công việc”, giúp lãnh đạo cơ quan theo dõi tiến độ công việc giao cho văn phòng, các ban tránh sót việc, hạn chế trễ việc và căn cứ vào đó để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao hàng năm.

Cũng theo bà Duyên, Đảng bộ Khối đã xây dựng, cập nhật, chỉnh sửa và kịp thời cung cấp thông tin, văn bản lãnh, chỉ đạo, tài liệu tuyên truyền lên trang Thông tin điện tử Đảng ủy Khối giúp cấp ủy, cán bộ, đảng viên, quần chúng trong Đảng bộ Khối nắm bắt thông tin kịp thời, chính thống; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức học, thi bằng hình thức trắc nghiệm trên máy tính đối với các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng, đảng viên mới được thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm. Tổ chức các Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các quy định của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đoàn viên, người lao động trong các khu công nghiệp.

Ngoài ra, Đảng ủy Khối cũng đã tổ chức thực hiện kết nối trực tuyến các hội nghị học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng, họp giao ban cấp ủy, hội nghị Ban Chấp hành Khối, mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng, đảng viên mới khi cần thiết; triển khai sử dụng chương trình gửi, nhận văn bản điện tử đến cấp ủy các chi, Đảng bộ cơ sở trên môi trường internet giúp cấp ủy thuận lợi trong việc gửi, nhận và đẩy mạnh số hóa văn bản ở cơ sở, từ đó góp phần chuyển đổi số thông qua việc sử dụng văn bản điện tử, hạn chế việc sử dụng văn bản giấy; triển khai thực hiện ký số điện tử đến tất cả các chi, Đảng bộ cơ sở.

“Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần đổi mới căn bản, toàn diện về phương pháp, cách thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo từ Đảng ủy Khối đến cấp ủy cơ sở Đảng, góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong Đảng theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nhanh chóng, tiết kiệm kinh phí và nâng cao trình độ nguồn nhân lực”, bà Duyên khẳng định. (Vietnamnet.vn 27/4, Thanh Nhàn)Về đầu trang

Thái Bình: Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá du lịch

Số hóa tất cả thông tin về du lịch nội tỉnh đưa lên Cổng du lịch thông minh để cung cấp đến cho du khách là công việc được triển khai rất kịp thời nhằm quảng bá rõ nét và đa dạng nhất về những sản phẩm du lịch của Thái Bình.

Sẵn sàng công tác chuẩn bị cho mùa du lịch hè đã cận kề và “dài hơi” hơn là mục tiêu “phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”, nhiều hoạt động thiết thực đã được các cấp chính quyền, các ngành chức năng phối hợp triển khai nhằm tích cực quảng bá, xúc tiến, đưa hình ảnh du lịch Thái Bình thân thiện đến với du khách trong và ngoài nước.

Tháng 3/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị triển khai gian hàng điện tử trên cổng du lịch thông minh của tỉnh. Các tour, tuyến, điểm du lịch, các đơn vị lữ hành, lưu trú ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh được quảng bá, giới thiệu tại đây đã góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh đa sắc màu của du lịch nội tỉnh.

Giới thiệu về gian hàng điện tử được triển khai trên Cổng du lịch thông minh, ông Trương Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đây là một trong những tiện ích cung cấp đến người dùng với mục tiêu trở thành sàn giao dịch điện tử uy tín, tin cậy, cầu nối giữa người tiêu dùng và các nhà cung ứng dịch vụ du lịch tại Thái Bình.

Cụ thể là du khách có nhu cầu đặt tour sẽ tìm kiếm thông tin, lựa chọn và kết nối với công ty lữ hành ngay trên cổng du lịch thông minh. Du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng, đặt phòng tại Thái Bình cũng có thể thực hiện trực tiếp trên gian hàng “Lưu trú”, tìm kiếm thông tin về các khách sạn, xem hình ảnh, video về các loại phòng ở từng mức giá và đặt phòng dễ dàng, thuận tiện.

Cổng du lịch thông minh có giao diện thân thiện với người sử dụng nhằm khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, cụ thể là các công ty lữ hành, các khách sạn trên địa bàn tỉnh tham gia xây dựng gian hàng trên Cổng. Từ đó, tối đa hóa nguồn khách, tăng doanh thu. Ở chiều ngược lại, du khách trong và ngoài nước cũng dễ tiếp cận với thông tin chương trình tour, các loại phòng và giá phòng cập nhật liên tục, công khai, minh bạch, hướng tới một chuyến đi thuận lợi nhất.

Ông Vũ Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh đánh giá: Số hóa tất cả thông tin về du lịch nội tỉnh đưa lên Cổng du lịch thông minh để cung cấp đến cho du khách là công việc được triển khai rất kịp thời nhằm quảng bá rõ nét và đa dạng nhất về những sản phẩm du lịch của Thái Bình. Xu hướng hiện nay, người người nhà nhà tìm kiếm thông tin trên nền tảng số, nhiều giao dịch được đặt qua trực tuyến, đặc biệt với du khách nước ngoài, việc sử dụng dịch vụ trực tuyến gần như 100%. (Vietnamnet.vn 01/5, Tú Anh)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Ngành Thuế đặt 10 mục tiêu chuyển đổi số

Năm 2024, Tổng cục Thuế đã đặt ra 10 mục tiêu trong công tác chuyển đổi số, gồm: Tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình đủ điều kiện, liên quan tới người dân, doanh nghiệp (DN) được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Phấn đấu tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến.

Các hệ thống thông tin của ngành có liên quan đến người dân, DN được đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, DN đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại.

Ngành Thuế đặt mục tiêu ít nhất 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; ít nhất 90% hệ thống máy chủ được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây; 100% cán bộ công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản theo lộ trình chung của Chính phủ.

Đồng thời, ngành Thuế phấn đấu 90% ứng dụng cốt lõi (bao gồm ứng dụng dịch vụ thuế điện tử, ứng dụng quản lý thuế tích hợp, các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế tích hợp với dịch vụ công quốc gia…) đảm bảo độ sẵn sàng hoạt động tại Trung tâm dữ liệu dự phòng thảm họa (DRC) khi có sự cố phát sinh; 100% công chức có chức năng, nhiệm vụ phải xử lý công việc ngoài trụ sở cơ quan thuế có thể truy cập hệ thống làm việc từ xa; 100% số tiền nộp thuế điện tử được hạch toán theo thời gian thực nộp.

Ngoài ra, ngành Thuế nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 107/QĐ-BTC ngày 28/1/2022 về việc ban hành kế hoạch của Bộ Tài chính triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác cải cách hiện đại hóa và chuyển đổi số ngành Thuế năm 2024 tổ chức ngày 15/4 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng, đây là nhiệm vụ cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang có những cải cách mạnh mẽ, công cuộc chuyển đổi số đang có những bước tiến lớn để ngành Thuế giữ vững giữ vị trí hàng đầu trong công cuộc cải cách và ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 30/4, Văn Tuấn)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Hà Nội: Sửa đổi hệ thống quy định về công tác cán bộ sát thực tiễn

Sáng 2/5, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII tiến hành Hội nghị lần thứ 17, họp bàn 6 nội dung quan trọng.

Báo cáo cho biết, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo hoàn thành việc sửa đổi, đồng bộ hệ thống quy định về công tác cán bộ, bảo đảm sát thực tiễn, công khai, minh bạch, dân chủ. Nhờ đó công tác cán bộ đã có sự chuyển biến rõ nét, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo chỉ rõ, cơ cấu đội ngũ cán bộ ở một số địa phương, đơn vị còn chưa hợp lý, thiếu đồng bộ; tỷ lệ cán bộ trẻ ở một số địa phương, đơn vị còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra; độ tuổi bình quân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nhất là ở cấp cơ sở còn cao.

Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm giải quyết công việc trong công tác cán bộ nói chung và ở một số cán bộ còn hạn chế. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cá biệt có đảng viên vi phạm, bị kỷ luật và xử lý hình sự. Năng lực thực tế của một số ít cán bộ chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Việc thực hiện công tác nắm bắt tình hình chính trị nội bộ có lúc, có nơi chưa được thường xuyên và kịp thời, nhất là vấn đề chính trị hiện nay.

Trong thời gian tới, Thành ủy tiếp tục rà soát, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 04-NQ/TU đảm bảo tiến độ, chất lượng. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong công tác cán bộ theo Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Tiếp tục làm tốt hơn nữa các khâu của công tác cán bộ, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo quy định, đảm bảo bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn đào tạo theo đúng yêu cầu vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với quy hoạch, vị trí việc làm và yêu cầu thực tiễn về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo quản lý, cập nhật kiến thức cho cán bộ. Quan tâm thực hiện nền nếp công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chính sách cán bộ, nhất là chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ 2025-2030 và cán bộ tại các địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025. (Kinhtedothi.vn 02/5, nhóm PV)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Văn hóa xin lỗi: Cầu thị và trách nhiệm

Chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được coi là “bệnh trầm kha”, thậm chí có lúc gọi là “hành là chính”. Chậm trễ với dân thì phải xin lỗi, việc ấy không có gì xấu hổ mà là một cử chỉ rất văn hóa - văn hóa xin lỗi của cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo mối quan hệ thân thiện, niềm tin giữa chính quyền với người dân.

Mô hình xin lỗi công dân khi chậm trễ giải quyết TTHC đang được nhiều địa phương trên cả nước triển khai. Đây được coi là nét mới trong công tác cải cách hành chính, tạo được sự gần gũi, niềm tin giữa người dân với chính quyền.

Trước đây, thường thì trong quan hệ với dân, cán bộ, công chức, viên chức chỉ hứa bằng một tờ giấy hẹn, nếu trễ hẹn cũng hạn hữu mới nói lời xin lỗi, hoặc chỉ giải thích qua loa đại khái và việc xin lỗi cũng “hơi khó” bắt gặp, chứ chưa nói đến đền bù thiệt hại cho công dân do người có thẩm quyền gây ra. Chậm trễ với dân thì phải xin lỗi, xin lỗi để sửa lỗi và có “trách nhiệm” hơn trong vai trò công bộc của dân, việc ấy không có gì đáng phải xấu hổ mà là một cử chỉ rất văn hóa - văn hóa xin lỗi của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Để giảm hồ sơ bị chậm trễ, không đúng hẹn và thể hiện văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi phục vụ nhân dân thì các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện công khai kết quả giải quyết TTHC và công khai xin lỗi khi giải quyết TTHC đối với các tổ chức, cá nhân bị chậm trễ.

Công khai kết quả và công khai xin lỗi khi giải quyết TTHC được coi là nét mới trong công tác CCHC giúp chất lượng phục vụ tổ chức, công dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu cứ chậm trễ trong giải quyết TTHC mà chỉ xin lỗi là xong thì chẳng có gì đáng bàn. Bởi vậy, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Khi thực hiện TTHC, các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp nhận và báo cáo giải trình đúng trách nhiệm, phải xin lỗi người dân, doanh nghiệp và kịp thời khắc phục đối với các trường hợp để xảy ra chậm trễ, tiêu cực trong giải quyết TTHC tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Nó không dừng lại ở việc thể hiện nét văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, hướng đến “nền hành chính vì dân” mà còn tạo mối quan hệ thân thiện giữa người dân với chính quyền ngày càng bền chặt.

Xin lỗi chỉ là một bước, bước quan trọng hơn là khi nhận ra lỗi thì phải khắc phục, tức là phải giải quyết cho được, cho nhanh cái lỗi chậm trễ, điều ấy mới quan trọng. Điều cốt lõi ở đây chính là đạo đức công vụ, phải thực sự cầu thị. Cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan hành chính nhà nước có làm “tròn vai” của mình không. Có thực sự coi mình là công bộc của dân hay không. Bởi nếu cứ coi việc xin lỗi chỉ là một thủ tục, là đối phó, rằng xin lỗi là xong thì sẽ vẫn chỉ là hình thức.

Chắc chắn rằng, cán bộ, công chức, viên chức không muốn phải xin lỗi. Người dân, doanh nghiệp lại càng không cần được xin lỗi. Cho nên đi kèm với xin lỗi cần có cam kết, không chỉ với người dân, doanh nghiệp, mà còn cả với địa phương, cơ quan, đơn vị là sẽ không tiếp tục để xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc xử lý TTHC thuộc phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của mình.

Để giảm hồ sơ bị chậm trễ, trả không đúng hẹn và nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi giải quyết TTHC, thời gian qua, tại Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện công khai kết quả giải quyết TTHC, như: niêm yết kết quả giải quyết tại trụ sở, trên Trang thông tin điện tử của đơn vị mình hoặc thông báo bằng văn bản, qua email, điện thoại… cho tổ chức, cá nhân phù hợp với các tổ chức, cá nhân bị chậm trễ.

Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đặc biệt quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức đúng với chuyên môn đào tạo, có thái độ văn minh, lịch sự, tận tình, chu đáo khi giải quyết công việc. Ngoài ra cũng cần tăng cường phối hợp kiểm tra, đánh giá thái độ phục vụ của người thực thi công vụ tại đơn vị mình để chấn chỉnh hành vi vi phạm.

Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị về chất lượng trong thực thi TTHC, cung cấp dịch vụ công. Người đứng đầu thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, người dân. Chấm dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không thể không rõ ràng dứt khoát, né trách, đùn đẩy trách nhiệm.

Biết nhận lỗi và xin lỗi người dân, doanh nghiệp là hành vi rất cần thiết và rất đáng được “hoan nghênh” khi cán bộ, công chức, viên chức làm chưa tròn “vai” được giao. Việc không có thư xin lỗi là hành vi vi phạm cần phải được nghiêm khắc kiểm điểm, xử lý theo quy định nhằm giữ vững kỷ cương hành chính nhà nước, giữ được hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức tận tụy phục vụ nhân dân. (Baobinhthuan.com.vn 30/4, Dụng Văn Duy)Về đầu trang./.

More

05