Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 04/5/2023

Font size : A- A A+

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

1.        Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế VAT tại kỳ họp tháng 5

2.        Mã định danh cá nhân sẽ được dùng làm mã số thuế

3.        So với Indonesia, Thái Lan lượng tiêu thụ ô tô của Việt Nam xếp thứ mấy Đông Nam Á trong quý 1/2023? 

4.        Những con số "khủng" đầu tiên về du lịch 30/4-1/5: Có tỉnh đón triệu khách, thu gần 3.000 tỷ đồng

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

5.        Phải bảo vệ cán bộ, đừng “3 không” vì... sợ

6.        Hãy cho du khách được... chơi

QUẢN LÝ

7.        Cán bộ nhận quá nửa “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức

8.        Đề xuất tăng lương hưu lên 3 triệu đồng/tháng với người nghỉ trước 1995

9.        Đề xuất các trường hợp tiếp nhận làm công chức cấp xã không qua thi tuyển

10.     Thủ tướng yêu cầu đảm bảo quỹ đất cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội

11.     Bộ Xây dựng: Khó xác định giá đất thị trường

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

12.     Bến Tre: Hiệu quả kép khi cán bộ tỉnh về hỗ trợ cơ sở

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

13.     Tham vấn người dân, doanh nghiệp về phương án cắt giảm quy định kinh doanh

14.     Bộ, ngành, địa phương nào xếp hạng cao về chất lượng phục vụ người dân?

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

15.     Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách tăng gần 18%

16.     Nhiều yếu tố hỗ trợ để hoàn tất giải ngân 700.000 tỉ đồng đầu tư công

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

17.     Truy tố cựu Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP Trà Vinh và 6 thuộc cấp về tội tham ô tài sản

THẾ GIỚI

18.     Thất nghiệp tăng vọt, Trung Quốc khuyến khích thanh niên về nông thôn

19.     Thành phố đắt đỏ nhất thế giới tăng lương tối thiểu 0,32 USD

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế VAT tại kỳ họp tháng 5

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). 

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định, chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất. 

Chính phủ giao Bộ trưởng Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Nghị quyết về giảm thuế VAT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. 

Chính phủ cũng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5 tới. 

“Tờ trình báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần nêu nội dung đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về chủ trương giảm thuế VAT để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn hiện nay trong quá trình báo cáo Bộ Chính trị về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV”, Chính phủ lưu ý với Bộ Tư pháp. 

Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất, năm 2023, giảm 2% mức thuế suất Thuế VAT với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu Thuế VAT 10%. 

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giảm 2% Thuế VAT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ (thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%) trong thời gian 6 tháng, tổng số tiền thuế giảm khoảng 35.000 tỷ đồng. Năm 2022, tổng gói hỗ trợ giảm Thuế VAT khoảng 44.000 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. (Tienphong.vn 03/5, Văn Kiên)Về đầu trang

Mã định danh cá nhân sẽ được dùng làm mã số thuế

Ngày 3.5, Tổng cục Thuế cho hay sẽ phối hợp với Bộ Công an trong vận hành hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế. 

Theo Tổng cục Thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin được ngành Thuế coi là ưu tiên hàng đầu. Đơn cử như việc áp dụng hoá đơn điện tử thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian, công sức trong việc lập, hạch toán, đối chiếu dữ liệu, nhận, gửi hóa đơn và giảm thiểu rủi ro liên quan đến hóa đơn. 

Đến nay, hệ thống hoá đơn điện tử của cơ quan thuế có thể tiếp nhận và xử lý 6,4 tỉ hóa đơn/năm, tương đương với trung bình 175 triệu hóa đơn/ngày. 

Ngoài ra, đã có 287.212 lượt đăng ký sử dụng ứng dụng eTax Mobile và 49 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký kê khai và nộp thuế qua Cổng Thông tin của ngành Thuế. 

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế Đặng Ngọc Minh cho hay, trong thời gian tới ngành Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại tổ chức kết nối, triển khai dịch vụ thuế điện tử qua ứng dụng eTax Mobile để đẩy nhanh việc triển khai, nâng cao tiện ích, dễ dàng trong việc nộp tiền thuế vào ngân sách, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. 

Bên cạnh đó, ngành Thuế phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp tục nâng cấp, mở rộng tích hợp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đảm bảo hoạt động ổn định, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả. 

Đồng thời, ngành Thuế sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh phối hợp trong việc kết nối, trao đổi dữ liệu, cung cấp thông tin, phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm, cố tình không tuân thủ. 

Đối với việc vận hành hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành Thuế tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để sử dụng mã căn cước công dân khi xác thực tài khoản đăng nhập dịch vụ thuế điện tử cho cá nhân và tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế, tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế. 

Theo Phó Tổng Cục trưởng Đặng Ngọc Minh, ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục phối hợp với lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao các sở, ngành phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng cơ quan thuế địa phương trong quá trình triển khai các dịch vụ thuế điện tử người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là việc triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. (Laodong.vn 03/5, Trí Minh)Về đầu trang

So với Indonesia, Thái Lan lượng tiêu thụ ô tô của Việt Nam xếp thứ mấy Đông Nam Á trong quý 1/2023?

Hiệp hội Sản xuất ô tô Đông Nam Á (AAF) mới đây đã công bố số liệu thị trường ô tô trong khu vực trong tháng 3/2023. 

Báo cáo của AAF theo dõi và thống kê 7 quốc gia tại Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. 

Tổng cộng các quốc gia được AAF theo dõi đã tiêu thụ hơn 869.000 xe ô tô trong quý 1 năm 2023. Con số này tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022. 

Indonesia là quốc gia có số lượng xe ô tô được tiêu thụ lớn nhất. Cụ thể, trong quý 1/2023, số ô tô được tiêu thụ ở Indonesia là 282.125 xe, tăng 7% so với cùng kỳ. Thái Lan xếp thứ 2 với 217.073 xe, giảm 6,1% so với cùng kỳ. 

Xếp sau về doanh số bán xe lần lượt là Malaysia, Philippines và Việt Nam. Số lượng xe ô tô được bán ra của 3 quốc gia này lần lượt là 192.474 xe, 97.284 xe và 70.392 xe. 

Myanmar và Singapore là hai quốc gia có tổng doanh số bán ô tô thấp nhất. Số lượng xe ô tô được tiêu thụ ở Myanmar đạt 519 xe (giảm 84,8% so với cùng kỳ năm trước). Còn số lượng xe ô tô được tiêu thụ ở Singapore là 9.986 xe (giảm 4.3% so với cùng kỳ năm 2021). 

Về số lượng xe ô tô được sản xuất, AAF chỉ thống kê ở 6 thị trường, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. AFF không thống kê thị trường ở Singapore. 

Theo đó, Thái Lan là quốc gia sản xuất ô tô nhiều nhất khu vực trong quý 1/2023 với tổng sản lượng sản xuất đạt 507.787 xe. Xếp thứ hai là Indonesia với lượng xe sản xuất đạt 392.743 xe, tăng 5.7% so với năm 2022. 

Trong quý 1/2023, sản lượng sản xuất ô tô của thị trường Việt Nam đạt 38.410 xe, giảm 29.5% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 về sản lượng sản xuất ô tô. 

Số lượng xe sản xuất của Việt Nam xếp sau Malaysia, quốc gia đã sản xuất 198.394 xe trong quý 1, tăng 28.7% so với cùng kỳ năm 2022. 

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 3/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường Việt Nam đạt 30.038 xe, tăng 30% so với tháng 2 và giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. (Nhipsongkinhte.toquoc.vn 03/5, Anh Tuấn)Về đầu trang

Những con số "khủng" đầu tiên về du lịch 30/4-1/5: Có tỉnh đón triệu khách, thu gần 3.000 tỷ đồng

Nhiều địa phương có số khách du lịch đến tham quan, lưu trú tăng mạnh dịp lễ 30/4-1/5 năm nay như TP. HCM, Thanh Hoá... Nhưng cũng có một số điểm du lịch đón khách không bằng năm trước. 

Hà Nội: Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và nghỉ lễ 30/4-1/5 ước tính, Hà Nội đón 2,24 triệu lượt khách, tăng 20,3% so với cùng kỳ 2022, tăng 6% so với tháng 3 trước đó. 

Thanh Hóa: Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 29/4 đến ngày 3/5), du khách đến Thanh Hóa đạt khoảng 1,195 triệu lượt, tăng 33,1% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ 2022. Tổng thu du lịch đạt khoảng 2.865 tỷ đồng, tăng 48,3%. 

TP. HCM: Theo thống kê của Sở Du lịch TP. HCM, chỉ tính riêng trong 3 ngày nghỉ lễ 29/4, 30/4 và 1/5, khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí trong nội thành ước đạt khoảng 950.000 lượt, tăng 126,2% so với cùng kỳ. Doanh thu ngành du lịch từ dịp lễ ước đạt 3.130 tỷ đồng, tăng 94,4% so với năm 2022. 

Cần Thơ: Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ - cho biết trong 5 ngày từ 28/4-2/5, tổng lượt khách tham quan, du lịch tại các sự kiện, lễ hội và khu - điểm du lịch của thành phố ước đạt 982.000 lượt, tăng 139% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu du lịch của Cần Thơ trong 5 ngày này ước đạt 523 tỷ đồng. 

Quảng Ninh: Theo thống kê, từ 29/4-2/5, có gần 625.000 lượt khách du lịch, tham quan đến Quảng Ninh. Tổng số khách lưu trú từ 29/4-1/5 trên toàn tỉnh là khoảng 274.000 người. 

Ninh Bình: Trong 5 ngày nghỉ lễ từ 29/4-3/5, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đón gần 350.000 lượt khách, doanh thu ước đạt trên 320 tỷ đồng. 

Kiên Giang: Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, trong 5 ngày từ ngày 29/4-3/5, tổng lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bản tỉnh Kiên Giang ước đạt 264.938 lượt khách, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 6.884 lượt khách quốc tế, tăng 59% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch đạt trên 210 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ. 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong 3 ngày đầu của dịp lễ 30/4-1/5, toàn tỉnh có doanh thu du lịch lên đến 420 tỷ đồng, với 223.615 lượt khách đến tham quan vui chơi. 

Quảng Nam: Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, từ ngày 29/4-1/5 có 155.300 lượt du khách tham quan và lưu trú tại Quảng Nam, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. 

An Giang: Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư An Giang, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đón trên 100.000 lượt khách từ đầu kì nghỉ. 

Sa Pa (Lào Cai): Theo báo cáo nhanh của Phòng văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa, từ ngày 29/4 - 02/5, Sa Pa đón hơn 95.200 khách du lịch trong nước và quốc tế. Tổng doanh thu ước đạt 327,674 tỷ đồng. 

Đà Lạt (Lâm Đồng): Trong 2 ngày đầu nghỉ lễ, Đà Lạt đã đón tổng 59.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 3.900 lượt. Con số này tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo tiếp tục tăng vào các ngày sau của kỳ nghỉ lễ. (Markettimes.vn 03/5, Nhã Mi)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Phải bảo vệ cán bộ, đừng “3 không” vì... sợ

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa yêu cầu thay thế cán bộ năng lực yếu, không dám làm. 

Cụ thể, ông Trần Sỹ Thanh giao Sở Nội vụ Hà Nội tham mưu công tác kiểm tra hoạt động công vụ để kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, không đáp ứng yêu cầu công việc, không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan Trung ương để né tránh trách nhiệm; chủ động phát hiện những khâu yếu, bộ phận yếu, cán bộ yếu để chấn chỉnh, củng cố tăng cường hoặc thay thế kịp thời, nâng cao chất lượng giải quyết công việc.  

Đây là sự chỉ đạo rất thực tế, kịp thời, không riêng gì Hà Nội mà tất cả địa phương khác trên cả nước phải nhanh chóng triển khai. 

Bởi lẽ, thực tế thời gian gần đây cho thấy, ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. 

Thậm chí, có trường hợp đùn đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương… 

Hãy lưu ý đến con số này: Năm 2022, TPHCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có 604 văn bản trả lời, tức là trung bình mỗi ngày, Bộ phải trả lời cho thành phố 2 văn bản; hầu hết thuộc thẩm quyền của thành phố. 

Không riêng gì TPHCM, con số thống kê ở các địa phương khác trong cả nước cũng không hề nhỏ. Con số đó cho thấy sự bất hợp lý, cho thấy việc “sợ” hoặc đùn đẩy nhau trong xử lý công việc. 

Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. 

Thời gian qua, Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu chấm dứt tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm. Thủ tướng từng nói “ai không làm, đứng sang một bên”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thực trạng này chưa được khắc phục một cách hiệu quả, đồng bộ. 

Nói cụ thể hơn, là thời gian qua đang có tình trạng “ba không” trong đội ngũ cán bộ các cấp, đó là: “Không nói; Không tham mưu, đề xuất; Không triển khai hoặc cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng".  

Vì sao? Đơn giản, là vì “sợ”. Vậy nên để khắc phục tình trạng trên phải tạo ra môi trường an toàn cho cán bộ khi thực thi công vụ. 

Gần đây nhất, tháng 4.2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, giao Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. 

Đây là cơ sở để bảo vệ những cán bộ luôn đặt lợi ích chung lên trên hết. Vậy nên, các địa phương khác hãy có những chỉ đạo mạnh mẽ như Hà Nội và một số tỉnh thành khác đã làm, không thể để những cán bộ “ba không” làm xói mòn lòng tin của người dân. (Laodong.vn 02/5, Lê Phi Long)Về đầu trang

Hãy cho du khách được... chơi

“Không nên giới hạn giờ giấc hoạt động vào ban đêm của người dân và du khách” - câu nói trên của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đang gây sự chú ý trong bối cảnh người người đi du lịch, nhà nhà đi du lịch trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5. 

Mục đích của câu nói trên là gì? Là để kích cầu du lịch. Cụ thể, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị lực lượng công an, văn hóa... phải xem lại việc hạn chế, giới hạn giờ buôn bán, vui chơi của người dân và du khách trước 23h.   

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng nhắn nhủ lực lượng CSGT dừng việc "canh bắt phạt" khách đi nhậu tại các quán. Ông cho rằng cần phải tuyền truyền, giáo dục ý thức; canh người vi phạm để phạt không giải quyết được cái gốc của vấn đề mà chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho du lịch địa phương... 

Phát biểu trên đã tạo sự đồng thuận rất lớn từ người dân, du khách và cộng đồng mạng. Vì sao? Bởi vì nó rất là thực tế. 

Kinh tế du lịch - một loại hình kinh tế đặc thù riêng biệt và được coi là ngành công nghiệp không khói, ngày càng có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. 

Tuy nhiên, làm gì, làm như thế nào để thu hút càng ngày càng nhiều du khách luôn là câu hỏi làm đau đầu các nhà quản lý, những người làm du lịch tại các địa phương, không riêng gì tỉnh Bạc Liêu. 

Đặc điểm tự nhiên nước ta đã ban tặng cho nhiều địa phương những giá trị rất lớn để phát triển du lịch. Ai đi du lịch thì cũng vậy, ban ngày chủ yếu đi thăm quan, đến tối mới có thời gian khám phá văn hóa, ẩm thực và các hoạt động vui chơi giải trí khác. Nhưng thăm quan xong, để giữ chân khách du lịch trong và ngoài nước bằng các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm thì các địa phương cũng còn đang bối rối.  

Còn nhớ, tháng 7.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, giai đoạn trước mắt tập trung vào phát triển du lịch. Theo đó, một số chính sách cởi mở hơn đã được ban hành, như cho phép kéo dài thời gian hoạt động một số loại hình dịch vụ, đã từng bước gỡ khó cho kinh tế ban đêm.  

Tuy nhiên, đến nay, lĩnh vực này vẫn còn đang trong giai đoạn khởi động vì các địa phương vẫn đang còn lúng túng trong quá trình triển khai, chính vì vậy chưa phát huy hết hiệu quả trong khai thác du lịch, phát huy những giá trị vốn có. 

Vậy nên, phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng như một câu hỏi lớn, rằng phải làm gì, làm nhanh, làm hiệu quả, thu hút du khách để kịp thời đưa ngành du lịch Việt Nam sớm phục hồi và bứt phá.  

Không cớ gì mà khách ngày đi thăm quan xong tối phải về ngủ sớm vì không có sự lựa chọn nào khác; không cớ gì mà từ phương xa đến chơi đang nhâm nhi ly bia thì thấy công an "canh bắt phạt" ở gần quán nhậu. Vậy du lịch sao phát triển được? Hãy cho du khách được... chơi! (Laodong.vn 30/4, Lê Phi Long)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Cán bộ nhận quá nửa “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức hoặc Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất. 

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 85 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, đang được Ban Công tác đại biểu lấy ý kiến trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. 

Quốc hội, HĐND sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ, vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. 

Người chờ nghỉ hưu, hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm sẽ không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. 

Các nội dung được đưa ra làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Trong tiêu chí về phẩm chất chính trị, Quốc hội, HĐND khi lấy phiếu tín nhiệm sẽ xem xét khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật… 

Một trong những tiêu chí xem xét việc thực hiện nhiệm vụ căn cứ vào tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ và việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Dự thảo nghị quyết nêu rõ, những người có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ hết nhiệm kỳ. 

Việc lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm cùng 3 mức độ: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp". 

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức hoặc Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất. 

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất. 

Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "không tín nhiệm" thì xin từ chức. (Tienphong.vn 03/5, Luân Dũng)Về đầu trang

Đề xuất tăng lương hưu lên 3 triệu đồng/tháng với người nghỉ trước 1995

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Trong đó, Bộ đề xuất tăng mức lương hưu, trợ cấp vưới người nghỉ trước 1.1.1995. 

Theo đó, Bộ LĐTBXH đề xuất, từ ngày 1.7.2023, tăng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng thêm 12,5% với nhóm đã được điều chỉnh tăng từ năm 2022. Tăng thêm 20,8% với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng nhưng chưa được điều chỉnh tăng từ ngày 1.1.2022 (người nghỉ hưu sau ngày 1.1.2022). 

Bộ LĐTBXH tính toán, có khoảng 3,4 triệu người được điều chỉnh tăng lương hưu theo phương án trên. Trong đó, có hơn 1 triệu người tăng lương do ngân sách nhà nước đảm bảo, với tổng số tiền dự kiến thêm khoảng gần 2.900 tỉ đồng cho chi trả 6 tháng cuối năm. 

Quỹ BHXH dự kiến chi trả cho hơn 2,36 triệu người, với tổng số tiền tăng thêm khoảng hơn 11.700 tỉ đồng cho nửa cuối năm nay (tính từ ngày 1.7 tới hết năm). 

Sau điều chỉnh, lương hưu bình quân của người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH do ngân sách đảm bảo sẽ tăng từ 4,6 triệu/người/tháng lên 5,2 triệu đồng/người/tháng; lương hưu bình quân nhóm từ quỹ BHXH chi trả tăng từ 5,6 triệu đồng/người/tháng lên 6,3 triệu đồng/người/tháng. 

Bộ LĐTBXH cũng đề xuất tăng lương hưu với người nghỉ trước năm 1995 có mức hưởng dưới 3 triệu đồng/tháng. Cụ thể, sau khi điều chỉnh với mức tăng chung thêm 12,5%, nếu mức lương vẫn dưới 2,7 triệu đồng/tháng sẽ được tăng thêm 300 nghìn đồng/tháng; nếu có lương từ 2,7 - 2,99 triệu đồng/tháng sẽ tăng thêm để đạt mức lương 3 triệu đồng/tháng. 

Với chính sách này, ngân sách nhà nước dự kiến chi thêm 330 tỉ đồng trong năm 2023 để chi trả phần tăng thêm cho khoảng 230 nghìn người. 

Bộ LĐTBXH cũng đề xuất tăng chế độ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tuất hằng tháng với người hưởng trước năm 1995, với mức tăng thêm 20,8% (bằng mức tăng lương cơ sở). 

Dự kiến sẽ có hơn 190 nghìn người thuộc nhóm này, ngân sách dự kiến chi khoảng 168 tỉ đồng trong năm 2023. Trong đó, người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tăng bình quân từ 836 nghìn đồng/tháng lên hơn 1 triệu đồng/tháng; trợ cấp tuất hằng tháng bình quân tăng từ 698 nghìn đồng/tháng lên hơn 844 nghìn đồng/tháng. 

Cơ quan đề xuất lý giải, từ ngày 1.7, lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, nên người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tuất hằng tháng từ quỹ BHXH sẽ tăng theo lương cơ sở. 

Tuy nhiên, quỹ BHXH chỉ chi trả cho người hưởng các chế độ sau năm 1995 (năm quỹ ra đời), những người hưởng chế độ tương tự trước năm 1995 do ngân sách nhà nước chi trả, nên cần điều chỉnh nhóm này để đảm bảo công bằng. (Laodong.vn 03/5, Hương Nha)Về đầu trang

Đề xuất các trường hợp tiếp nhận làm công chức cấp xã không qua thi tuyển

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Trong đó có đề xuất sửa đổi các trường hợp tiếp nhận vào làm công chức cấp xã không qua thi tuyển. 

Cụ thể, theo Điều 14 dự thảo Nghị định, các trường hợp được tiếp nhận vào làm công chức cấp xã không qua thi tuyển bao gồm: 

- Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập; 

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức; 

- Người thôi giữ chức vụ cán bộ ở cấp xã (trừ trường hợp vi phạm kỷ luật thôi giữ chức vụ) và người đã từng là cán bộ, công chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác; 

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, tiếp nhận vào làm công chức hoặc điều động sang đơn vị hành chính cấp xã khác trong cùng cấp huyện (nếu còn vị trí chức danh công chức và đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định này); trường hợp không còn vị trí chức danh công chức cấp xã thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. 

Hiện nay, theo Khoản 1 Điều 21 Nghị định 112/2011/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 34/2019/NĐ-CP), các trường hợp tiếp nhận vào làm công chức cấp xã không qua thi tuyển bao gồm: 

- Người tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi ở trong nước hoặc đạt loại khá trở lên ở nước ngoài, có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng; 

- Người có trình độ từ đại học trở lên có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và có ít nhất 5 năm công tác trong lĩnh vực cần tuyển dụng. (Laodong.vn 03/5, Quế Chi)Về đầu trang

Thủ tướng yêu cầu đảm bảo quỹ đất cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện về kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được giao; tổng hợp chỉ tiêu sử dụng đất cần điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025. 

Nhằm đảm bảo quỹ đất cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy nguồn lực từ đất đai, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tổng hợp, đưa các chỉ tiêu sử dụng đất vào quy hoạch tỉnh, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật. 

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu tổng hợp, việc đề xuất đưa các chỉ tiêu sử dụng đất vào quy hoạch và việc khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm quỹ đất theo quy hoạch. Đồng thời triển khai lập, trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp tỉnh; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 

Trên cơ sở chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng phân bổ, các địa phương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, trường hợp nhu cầu sử dụng đất có phát sinh (tăng, giảm) so với chỉ tiêu đất được Thủ tướng phân bổ, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Chính phủ trước ngày 20/5/2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổng hợp, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm 2021-2025 tại kỳ họp tháng 10 năm 2023. 

Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch - Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030. 

Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và pháp luật trong việc tổ chức thực hiện Công điện này. (Tienphong.vn 03/5, Văn Kiên)Về đầu trang

Bộ Xây dựng: Khó xác định giá đất thị trường

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội liên quan đến tình hình thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội. 

Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2022, các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với năm 2021 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế. Số lượng bất động sản, nhà ở trong các dự án mới đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế. Chủ yếu các sản phẩm bất động sản đưa vào giao dịch là hàng tồn kho của các dự án đã mở bán. 

Qua số liệu tổng hợp của các địa phương có báo cáo cho thấy nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý I/2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV/2022. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng bất động sản tháng 2/2023 là hơn 2,63 triệu tỷ đồng, tăng 2,19% so với 31/12/2022. 

Theo Bộ Xây dựng, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá "thị trường" (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án). Cùng với đó là những khó khăn liên quan đến pháp luật về quy hoạch, đầu tư, quy định về nhà ở, đô thị và xây dựng. 

Về những khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng, theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, riêng việc thực hiện những thủ tục này mất thời gian từ 1-2 năm. 

Ngoài ra, theo quy định của Luật Nhà ở, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (tỷ lệ 20% theo quy định của Chính phủ), dẫn đến việc hầu hết các địa phương không bố trí các quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập. 

Quy định này cũng dẫn đến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong khi quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội thời gian qua thiếu nhiều so với nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương. (Tienphong.vn 03/5, Ngọc Mai)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

Bến Tre: Hiệu quả kép khi cán bộ tỉnh về hỗ trợ cơ sở

Nhiều chuyến biến tích cực ở cấp ủy cơ sở sau 6 năm Bến Tre triển khai chương trình cán bộ tỉnh hỗ trợ các địa phương. 

Thực hiện phương châm ''xã nắm đến hộ gia đình'', Ban Thường vụ Đảng ủy xã Châu Hưng, huyện Bình Đại đã phân công đảng viên phụ trách chi bộ trực thuộc nắm, hỗ trợ 63 tổ nhân dân tự quản. Mỗi đảng viên được phân công sẽ xây dựng một nhóm Zalo. Tất cả hộ dân trong tổ sẽ là thành viên của nhóm. 

Năm 2016, Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre triển khai kế hoạch 23 phân công cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh theo dõi, hỗ trợ huyện và 157 xã, phường, thị trấn theo phương châm "tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình".  

Thông qua kỳ họp với cấp ủy cơ sở hàng tháng, cán bộ hỗ trợ địa bàn sẽ thông tin kịp thời những chủ trương, chính sách lớn của tỉnh đến cơ sở, đồng thời tiếp nhận những khó khăn, kiến nghị của địa phương để tham mưu lãnh đạo tỉnh triển khai các giải pháp điều hành, hỗ trợ. 

Việc trực tiếp theo dõi, hỗ trợ cơ sở giúp cán bộ lãnh đạo các cấp tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện năng lực lãnh đạo toàn diện tạo đòn bẩy để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre thực hiện thắng lợi các Nghị quyết, nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng, đưa quê hương Đồng Khởi phát triển ngày càng giàu mạnh.  

Mời xem chi tiết trong video đính kèm tại link sau:

https://vtv.vn/chinh-tri/hieu-qua-kep-khi-can-bo-tinh-ve-ho-tro-co-so-20230502184154238.htm

(Kênh VTV1 – Thời sự lúc 19h16 ngày 02/5) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Tham vấn người dân, doanh nghiệp về phương án cắt giảm quy định kinh doanh

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh được Văn phòng Chính phủ đưa vào khai thác từ cuối năm 2021 đã thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách các quy định kinh doanh. 

Kênh tương tác hai chiều với cơ quan nhà nước này đã giúp người dân, doanh nghiệp góp ý các quy định kinh doanh dự kiến ban hành, theo dõi việc giải trình, tiếp thu ý kiến của bộ, ngành. Đồng thời, tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về quy định kinh doanh hiện hành, hỗ trợ tổng hợp, phân tích dữ liệu phản ánh, kiến nghị, giúp phát hiện vấn đề còn tồn tại, bất cập để có phương án giải quyết xử lý, khơi thông, bãi bỏ các quy định là rào cản hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Đến nay, đã có 153 quy định kinh doanh dự kiến ban hành tại 29 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 50 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh được tham vấn người dân, doanh nghiệp trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Hơn 30 hiệp hội doanh nghiệp đã đăng ký tài khoản, gửi ý kiến góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, phương án cắt giảm, đơn giản hóa và gửi vướng mắc, đề xuất về quy định kinh doanh tới các bộ, ngành. 

Một số bộ, cơ quan đã thực hiện tham vấn lấy ý kiến hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh như: Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Tư pháp; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng, nhưng tỉ lệ số phương án cũng như số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định kinh doanh dự kiến ban hành được tham vấn trên Cổng vẫn còn thấp. Các bộ tích cực tham vấn là: Tài chính, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Việc quản lý, theo dõi quá trình thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa được đưa lên môi trường điện tử giúp các bộ, cơ quan và người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá nỗ lực cải cách quy định của từng bộ, ngành đối với 3 nhóm chỉ số thành phần (công khai, minh bạch; kết quả cải cách; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp) theo thời gian thực, dựa trên dữ liệu trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. (TTXVN/Baotintuc.vn 03/5, Chu Thanh Vân)Về đầu trang

Bộ, ngành, địa phương nào xếp hạng cao về chất lượng phục vụ người dân?

Theo bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, Hà Nam cùng Nam Định là 2 tỉnh có điểm số cao hơn cả ở khối tỉnh, thành phố. Bộ Quốc phòng và EVN dẫn đầu khối bộ ngành. 

Theo kết quả được đánh giá và công bố trực tuyến theo thời gian thực trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ dichvucong.gov.vn, hiện tại ở khối các tỉnh, thành phố, điểm trung bình của cả nước là 61,5/100 - đạt mức trung bình về quản trị dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Trong khi đó, điểm trung bình của khối các bộ, ngành là 43/100, ở mức yếu. 

Số liệu được công bố công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia còn cho thấy, trong 63 tỉnh, thành phố, có 8 địa phương gồm Hà Nam, Nam Định, Cà Mau, Bắc Giang, Lâm Đồng, Hòa Bình, Bình Phước và Thái Bình được xét từ mức khá trở lên. Hà Nam và Nam Định là 2 tỉnh có tổng điểm đánh giá cao hơn cả, lần lượt là 81,43 và 80,66. 

Cụ thể, Hà Nam được đánh giá cao hơn cả ở 2 chỉ tiêu thành phần là tiến độ giải quyết và mức độ hài lòng. Ba chỉ tiêu có điểm cao hơn cả của Nam Định là tiến độ giải quyết, dịch vụ công trực tuyến và mức độ hài lòng. 

Ở khối 19 bộ và cơ quan ngang bộ, không có cơ quan nào được đánh giá mức xuất sắc và tốt. Sáu bộ, ngành có tổng điểm đánh giá đạt từ trung bình đến khá gồm có Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Bộ TT&TT. Trong đó, Bộ Quốc phòng và EVN là 2 đơn vị dẫn đầu khối các bộ, ngành, với tổng điểm đánh giá lần lượt là 73,98 và 70,4. 

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, trong 4 tháng đầu năm nay, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình. Nghị định 42 của Chính phủ đã quy định rõ, dịch vụ công trực tuyến toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, được thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, còn kết quả được trả trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. 

Với Cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến hết tháng 4, Cổng đã cung cấp 4.405 dịch vụ công trực tuyến, có hơn 6,35 triệu tài khoản đăng ký và trên 1,65 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin. Cũng đến cuối tháng 4, Cổng đã có trên 188,8 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 14,2 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; 13,1 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng; và hơn 8,3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4,99 nghìn tỉ đồng. 

Hồi giữa tháng 4, Bộ TT&TT đã có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo dịch vụ dễ sử dụng và thân thiện với người dùng. 

Cũng trong tháng 4/2023, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cùng Tổng giám đốc 2 đơn vị là EVN và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan mình trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng tiến độ và chất lượng đã được Thủ tướng Chính phủ giao. 

Các bộ, ngành, địa phương cũng được đề nghị tập trung rà soát, hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công cấp bộ, tỉnh theo hướng thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo nguyên tắc lấy người dùng là trung tâm. Thời hạn hoàn thành nhiệm vụ này chậm nhất là tháng 9/2023. 

Các bộ, ngành, địa phương còn cần thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để xảy ra tình trạng nhiều hồ sơ trực tuyến giải quyết chậm, muộn hoặc không được tiếp nhận, xử lý như năm 2022 của một số bộ, địa phương: Bộ Y tế, Bộ KH&CN, Ninh Thuận… Đồng thời, công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tại cơ quan, đơn vị mình. (Vietnamnet.vn 03/5, Vân Anh)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách tăng gần 18%

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 4/2023 được các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. 

Trong tháng 4/2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt gần 39,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn trung ương quản lý đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1%; vốn địa phương quản lý 31,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,9%. 

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 131,2 nghìn tỷ đồng, bằng 19% kế hoạch năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 18,5% và tăng 10,8%). 

Trong đó, nguồn vốn đầu tư thực hiện do trung ương quản lý ước đạt 24,6 nghìn tỷ đồng, bằng 18,5% kế hoạch năm và tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. 

Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt 106,6 nghìn tỷ đồng, bằng 19,1% kế hoạch năm và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 72,6 nghìn tỷ đồng, bằng 18% và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. 

Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 29,6 nghìn tỷ đồng, bằng 21,7% và tăng 12%; Vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, bằng 24,2% và giảm 0,4%. 

Trong 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như sau: Hà Nội đạt 11.168,2 tỷ đồng, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước; TP Hồ Chí Minh 7.560,7 tỷ đồng, tăng 26%; Quảng Ninh đạt 3.563,2 tỷ đồng, giảm 19,8%; Bình Dương đạt 3.303,5 tỷ đồng, tăng 97,7%; Hải Phòng 3.114,3 tỷ đồng, tăng 38,6%... 

Việc nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước được các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm. (VTV.vn 03/5)Về đầu trang

Nhiều yếu tố hỗ trợ để hoàn tất giải ngân 700.000 tỉ đồng đầu tư công

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện đang có nhiều yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn các dự án đầu tư công trong năm nay, đồng thời, thêm dư địa mở rộng các chính sách tài khoá. 

Trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới phát hành, các chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận định, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công trong những tháng tới để hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 700.000 tỉ đồng vốn đầu tư công vào năm 2023. 

Các chuyên gia nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công trong năm nay, như nợ công của Việt Nam đã giảm đáng kể trong những năm qua. 

Cụ thể nhờ GDP tăng trưởng khá trong giai đoạn 2016-2022 và kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, nợ công của Việt Nam đã giảm nhanh qua các năm, từ 51% vào cuối năm 2016 xuống còn khoảng 40,2% vào cuối năm 2022 (theo ước tính của IMF), thấp hơn nhiều so với trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP. Nợ công thấp tạo dư địa để thực thi chính sách tài khóa mở rộng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế. 

Lạm phát trong nước cũng hạ nhiệt trong hai tháng gần đây, khi áp lực lạm phát giảm bớt, Chính phủ có thể xem xét mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế. 

Khởi công các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trước ngày 30.6: Chính phủ đã có chỉ đạo ngành giao thông vận tải hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công 3 tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuật và 2 đường vành đai gồm vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Các dự án này cần khởi công trước 30.6 năm nay. 

“Vì vậy, chúng tôi giữ nguyên dự báo vốn nhà nước thực hiện sẽ tăng 25% so với số thực hiện thực tế trong năm 2022. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng Chính phủ có thể triển khai thêm các gói hỗ trợ tài khóa để góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các giải pháp liên quan tới miễn, giảm, hoãn thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp). 

Việc cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy cầu tiêu dùng nội địa trong nước. Cụ thể, Chính phủ hiện xem xét triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với một số mặt hàng tiêu dùng, tương tự như chính sách được thực hiện vào năm 2022. Nếu được Quốc hội thông qua, chính sách này có thể được triển khai từ ngày 1.7” - VNDIRECT nhận định. 

Trước đó, Báo Lao Động có bài viết: Vốn đầu tư công giải ngân ì ạch, cần chế tài xử lí nghiêm khắc phản ánh thực trạng để giải ngân hơn 700.000 tỉ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023 là một bài toán nan giải. Đặc biệt trong bối cảnh hết quý I, các bộ, ngành địa phương mới giải ngân được khoảng 10% con số trên. Giới chuyên gia nhận định, cần thiết có tính toán kĩ lưỡng về khả năng hấp thụ vốn đầu tư công. 

Bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) - nhấn mạnh trong vấn đề giải ngân đầu tư công, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cần có chế tài xử lí nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lí dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân. (Laodong.vn 03/5, Trí Minh)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Truy tố cựu Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP Trà Vinh và 6 thuộc cấp về tội tham ô tài sản

Ngày 3/5, nguồn tin của phóng viên cho hay, Viện KSND tỉnh Trà Vinh vừa hoàn tất cáo trạng, truy tố 7 bị can về tội “Tham ô tài sản”; “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, xảy ra tại Phòng LĐ-TB&XH thành phố Trà Vinh; chuyển hồ sơ sang TAND cùng cấp để xét xử. 

Cụ thể, các bị can Lê Thị Mỹ Hồng, Nguyễn Thanh Bình, Thi Hải Yến, Lâm Thị Huỳnh Thơ bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 353 và Điều 219 Bộ luật Hình sự. 

Các bị can Trần Văn Quí, Lê Thị Thanh Loan, Đỗ Văn No bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự. 

Theo cáo trạng, trong năm 2018, 2019, bị can Lê Thị Mỹ Hồng với vai trò Trưởng Phòng LĐ-TB&XH thành phố Trà Vinh, chủ tài khoản đơn vị, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo cấp dưới là Trần Văn Quí, Lê Thị Thanh Loan, Nguyễn Thanh Bình, Thi Hải Yến, Đỗ Văn No, Lâm Thị Huỳnh Thơ cùng thống nhất nhiều lần thực hiện hành vi lập chứng từ khống thanh quyết toán tổng số tiền gần 688 triệu đồng trong các nguồn kinh phí không tự chủ được cấp từ ngân sách nhà nước. 

Trong đó, cả 7 bị can bàn bạc, thống nhất tham ô số tiền gần 268 triệu đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân. 

Ngoài ra, bị can Lê Thị Mỹ Hồng còn trực tiếp chỉ đạo bị can Thi Hải Yến và Nguyễn Thanh Bình theo dõi, tổng hợp lập chứng từ khống cho từng bộ phận phụ trách ký thanh quyết toán sai quy định, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước với tổng số tiền hơn 293 triệu đồng. Trong đó, bị can Lâm Thị Huỳnh Thơ chịu trách nhiệm với tổng số tiền hơn 221 triệu đồng. 

Trong quá trình điều tra các bị can đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và đã nộp tiền khắc phục toàn bộ thiệt hại. (Tienphong.vn 03/5, Cảnh Kỳ)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thất nghiệp tăng vọt, Trung Quốc khuyến khích thanh niên về nông thôn

Cứ 5 thanh niên ở các thành phố Trung Quốc thì có 1 người không có việc làm và Bắc Kinh đang khuyến khích thanh niên trở về tìm việc ở nông thôn. 

Khi tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc tăng vọt, tỉnh giàu nhất nước này đã đưa ra một giải pháp: Gửi 300.000 thanh niên thất nghiệp về nông thôn trong 2-3 năm để tìm việc làm. 

Quảng Đông, trung tâm sản xuất tiếp giáp Hong Kong (Trung Quốc), thông báo vào tháng trước về việc giúp sinh viên tốt nghiệp đại học và doanh nhân trẻ tìm việc làm ở các làng quê. Quảng Đông cũng khuyến khích thanh niên nông thôn trở về nông thôn để tìm việc làm ở đó. 

Thông báo của Quảng Đông được đưa ra sau lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 12 năm ngoái về việc khuyến khích thanh niên thành thị tìm kiếm việc làm ở các vùng nông thôn trong nỗ lực “làm sống lại nền kinh tế nông thôn”. 

Kế hoạch của Quảng Đông được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24 tăng lên 19,6% - mức cao thứ hai được ghi nhận. 

Điều đó có nghĩa là có khoảng 11 triệu thanh niên thất nghiệp ở các thành phố và thị trấn của Trung Quốc, theo tính toán của CNN dựa trên dữ liệu có sẵn gần đây nhất từ ​​Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. 

Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên có thể tăng hơn nữa, vì con số kỉ lục 11,6 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp trong năm nay và tìm kiếm việc làm trong một thị trường vốn đã đông đúc. 

Alex Capri -  nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich - nhận định, việc phân tán thanh niên thất nghiệp thành thị về nông thôn có thể giúp giảm bớt chênh lệch thu nhập giữa các thành phố cấp 1 và cấp 2 của Trung Quốc và các thành phố cấp 2 với những khu vực nghèo hơn của đất nước. 

Tỉ lệ thất nghiệp tăng trong giới trẻ phần lớn là kết quả của suy thoái kinh tế Trung Quốc. Chính sách zero-COVID mà Trung Quốc từng áp đặt đã cản trở chi tiêu của người tiêu dùng và ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp nhỏ trong 3 năm qua. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc triển khai đợt chỉnh đốn các doanh nghiệp trong lĩnh vực Internet, bất động sản và giáo dục dẫn tới khu vực tư nhân, nơi cung cấp hơn 80% việc làm ở Trung Quốc, bị ảnh hưởng mạnh. 

Thanh niên Trung Quốc là những người có trình độ học vấn cao nhất trong nhiều thập kỉ, với số lượng kỉ lục sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và dạy nghề. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với sự chênh lệch ngày càng tăng giữa kì vọng và cơ hội khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại đáng kể. (Laodong.vn 03/5, Thanh Hà)Về đầu trang

Thành phố đắt đỏ nhất thế giới tăng lương tối thiểu 0,32 USD

Chính quyền Hong Kong đã tăng mức lương tối thiểu thêm 0,32 USD vào đầu tuần này. Mức lương tối thiểu mới tại Hong Kong hiện ở mức 40 HKD - đô la Hong Kong (5,1 USD) mỗi giờ, tăng so với mức 37,5 HKD (4,78 USD) trước đây.

Mức lương tối thiểu, được thiết lập lần đầu năm 2011, được xem xét 2 năm một lần, nhưng bị giữ nguyên ở mức cũ vào năm 2021 do nền kinh tế Hong Kong chịu tác động của COVID-19. Vào thời điểm đó, giới chức nhận định tăng lương sẽ "tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp" và có nguy cơ cắt giảm những việc làm lương thấp. 

Hong Kong liên tục được xếp hạng là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Năm 2022, Hong Kong cùng với Los Angeles ở vị trí thứ 4 trong Chỉ số Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu do Economist Intelligence Unit (EIU) công bố. New York, Singapore và Tel Aviv là 3 thành phố ở những vị trí hàng đầu. 

Để dễ hình dung, New York có mức lương tối thiểu là 15 USD một giờ và Los Angeles có 16,78 USD một giờ; Tel Aviv dao động từ 8,27 đến 8,45 USD mỗi giờ tùy thuộc vào tổng số giờ làm việc. Singapore có các mức lương tối thiểu khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực và chỉ áp dụng cho công dân và thường trú nhân. 

Oxfam đã kêu gọi chính quyền Hong Kong tăng mức lương tối thiểu lên ít nhất 45,4 HKD (5,78 USD) một giờ và gọi mức tăng mới là "gần như không đáng kể". 

Hiệp hội các tổ chức cộng đồng Hong Kong (SOCO), cũng đề xuất mức lương tối thiểu cao hơn, ít nhất là 53,4 HKD (6,8 USD) mỗi giờ. SOCO cũng cho rằng, Hong Kong nên học hỏi kinh nghiệm từ những khác trong việc đặt mức lương tối thiểu từ một nửa đến 2/3 mức lương trung bình. 

Theo Cơ quan Điều tra và Thống kê Hong Kong, mức lương trung bình mỗi giờ của thành phố vào năm ngoái là 77,4 HKD (9,86 USD). 

Tỉ lệ người dân Hong Kong sống với mức lương tối thiểu - chủ yếu gồm những người lao động trong lĩnh vực vệ sinh, dọn dẹp, an ninh và bán lẻ - hiện nay thực sự thấp hơn so với một thập kỷ trước, theo CNN. 

Chỉ 2,6% nhân viên kiếm được dưới 40 USD/h vào năm 2021, so với 6,4% vào năm 2011. Điều này đã đặt ra một thách thức đặc biệt khi lạm phát toàn cầu đang ảnh hưởng tới mức sống của người dân. 

Chi phí thực phẩm ở Hong Kong đã tăng hơn 7% từ tháng 12.2019 đến tháng 12.2022, nghĩa là những người sống với mức lương tối thiểu phải tiết kiệm rất nhiều và có thể không có đủ tiền để mua đủ thực phẩm cho một chế độ ăn uống bổ dưỡng để duy trì một cuộc sống khỏe mạnh. 

Chi phí năng lượng ở Hong Kong cũng đã tăng hơn 11% trong cùng thời kỳ, phản ánh mức tăng tương tự trên toàn thế giới. (Laodong.vn 03/5, Thanh Hà)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

More

05