Bản tin cải cách hành chính ngày 17/4/2023

Font size : A- A A+

TIN TỨC – SỰ KIỆN

1.        Báo quốc tế đánh giá về nỗ lực phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

2.        Hà Nội: Không ngừng cải cách hành chính vì sự hài lòng của người dân

3.        Bình Phước: Hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

4.        Bà Rịa-Vũng Tàu: Thứ Bảy - Ngày lắng nghe dân nói

5.        Khánh Hòa: Làm rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành trong công tác quản lý

6.        Đắk Lắk: Doanh nghiệp chưa hài lòng cơ chế tố cáo hành vi sai phạm cán bộ

7.        Quảng Nam: Nghiệm thu đề tài nghiên cứu ứng dụng Chatbot 1022

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

8.        Phát triển nền tảng số, dữ liệu số đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh

9.        Thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

10.     Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Thực hiện ở cả khu vực công và khu vực tư

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

11.     “Tấm khiên số 14”

THẾ GIỚI

12.     Pháp tiếp tục chia rẽ sâu sắc sau khi ban hành Luật cải cách hưu trí mới

 

TIN TỨC – SỰ KIỆN

Báo quốc tế đánh giá về nỗ lực phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam

Theo Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2022 (E-Government Survey 2022), Việt Nam có vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và vị trí thứ 6 Đông Nam Á, vẫn kiên trì giữ vững vị trí so với năm 2020. 

Vào tháng 1 năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong số 50 quốc gia xếp hạng chính phủ điện tử Việt Nam hàng đầu vào năm 2025. Khi Việt Nam tìm cách củng cố vị thế là một quốc gia an toàn và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ điện tử có thể giúp thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động của các cơ quan. 

Theo chuyên trang này, một trụ cột chính trong phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam là cung cấp các dịch vụ công được số hóa thông qua các nền tảng như cổng dịch vụ công quốc gia. Nền tảng này cung cấp 31% dịch vụ công ở cấp độ số hóa 4, cho phép các doanh nghiệp và cá nhân nộp các tài liệu chính thức trực tuyến, tích hợp chúng vào cơ sở dữ liệu, thực hiện thanh toán không tiếp xúc và nhận phản hồi trực tuyến từ các cơ quan chính phủ. Nhiều thủ tục vốn được thực hiện trực tiếp giữa doanh nghiệp và chính phủ hiện được tích hợp kỹ thuật số vào cổng thông tin quốc gia. 

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp phát triển vào năm 2045 và coi nền kinh tế số là mô hình tăng trưởng lý tưởng để đạt được mục tiêu này. Phát triển một hệ thống chính phủ điện tử có cấu trúc tốt là điều cần thiết trong nỗ lực này. Phát triển chính phủ điện tử sẽ tạo thêm sức hút với các công ty và cũng thúc đẩy họ tăng cường số hóa trong mô hình kinh doanh. 

Đồng thời, phát triển chính phủ điện tử là không thể thiếu để xây dựng các cơ chế pháp lý và cơ sở hạ tầng nhằm kích hoạt và quản lý hệ thống thương mại điện tử, tài chính số và ngân hàng số - những phần không thể thiếu của nền kinh tế số. Ví dụ, Bộ Công an đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân để đáp ứng nhu cầu về hệ thống xác minh nhân thân. Ở diện rộng hơn, việc xây dựng chính phủ điện tử cũng là một bước đi quan trọng để cải cách hệ thống hành chính, giảm đi nhiều thủ tục trực tiếp. 

Thêm vào đó, chính phủ điện tử cũng sẽ tăng được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước khi nhiều hoạt động của chính phủ được minh bạch và rõ ràng hơn. Chính phủ điện tử cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của người dân bằng cách cung cấp một nền tảng để người dân bày tỏ mối quan tâm của họ. Ví dụ, hệ thống phản hồi tức thời trên cổng dịch vụ công quốc gia cho phép người dân báo cáo các tương tác của họ với hệ thống hành chính và nhận được phản hồi nhanh chóng. Một số người dùng đã thông tin về việc vẫn còn một số địa phương kéo dài thời gian xử lý tài liệu hoặc đưa ra các hướng dẫn khó hiểu. Những phản hồi này sẽ giúp chính phủ cải thiện hệ thống số hóa và quy trình thực hiện thủ tục hành chính công. 

Chuyên trang phân tích này cũng đề cập đến một số khó khăn trong quá trình phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam. Đầu tiên là quá trình triển khai thành công chính phủ điện tử sẽ cần đến một nguồn nhân lực lớn. Tại cấp trung ương, đã có nhiều nỗ lực đào tạo về phát triển công nghệ thông tin – truyền thông, tuy nhiên, ở cấp địa phương, số lượng người có chuyên môn công nghệ thông tin, truyền thông vẫn còn khiêm tốn. 

Hiện tại, các nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử dường như đang tập trung ở các trung tâm đô thị và các điểm thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là những khu vực chiếm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế và có tầng lớp trung lưu và có học thức gia tăng. Tuy nhiên, về lâu dài, cũng cần đưa chính phủ điện tử ra nhiều khu vực khác để toàn công chúng được tiếp cận. 

Thêm vào đó, vẫn còn một số người đang gặp khó khăn khi tiếp cận chính phủ điện tử, như những người có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Việt, những người khuyết tật, trình độ học vấn thấp, những người có thu nhập thấp hay những người ở các khu vực xa xôi. Trong khi nhiều thành phố lớn đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng chính phủ điện tử, thì một số vùng sâu vùng xa vẫn còn tụt hậu, đặc biệt là về mức độ sẵn có của internet và khả năng truy cập vào các cổng dịch vụ của chính phủ điện tử. Những khu vực này cũng là nơi có tốc độ tăng trưởng GDP thấp, tỷ lệ đô thị hóa thấp và đa phần dân số thuộc các nhóm dân tộc thiểu số. 

Trong tương lai, các khu vực này cũng cần được tiếp cận với chính phủ điện tử để gia tăng cơ hội phát triển kinh tế và xã hội. (Toquoc.vn 17/4, An Bình)Về đầu trang

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Hà Nội: Không ngừng cải cách hành chính vì sự hài lòng của người dân

Trong Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm nay, TP Hà Nội đặt mục tiêu Chỉ số CCHC xếp trong nhóm 8 tỉnh/TP đứng đầu cả nước, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đạt tối thiểu 89%, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được trả kết quả đúng và trước hạn đạt 100%… 

Vì mục tiêu này, ngay từ đầu năm, các cơ quan hành chính từ TP đến cấp cơ sở đã chủ động triển khai nhiều cách làm, mô hình sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, góp phần ngày càng tăng mức độ hài lòng của người dân, DN khi đến với cơ quan chính quyền. 

Ít thấy nơi nào, quyển sổ “Phiếu góp ý” được lãnh đạo UBND phường ký, ghi ngày và đề “Đã xem” vào từng trang giấy mà công dân đã nêu ý kiến góp ý như tại UBND phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy). “Bằng cách làm này, chúng tôi không chỉ thể hiện sự trân trọng với những góp ý của người dân mà còn qua đó nắm bắt thông tin để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện chất lượng giải quyết TTHC” - Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân Lâm Văn Thảo chia sẻ. 

Từ đầu năm đến nay, với trung bình 40 hồ sơ tiếp nhận/ngày, bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC (bộ phận Một cửa-BPMC) thuộc UBND quận Hai Bà Trưng tiếp tục duy trì máy điện tử đánh giá mức độ hài lòng của người dân về sự phục vụ của cán bộ công chức (CBCC) và phát “Phiếu khảo sát lấy ý kiến” cá nhân, người đại diện tổ chức khi đến làm TTHC. Công dân đến giao dịch, sau khi nhận kết quả giải quyết hồ sơ đều được mời ghi ý kiến đánh giá chất lượng phục vụ của CBCC vào Phiếu khảo sát và bỏ vào Hòm thư góp ý đặt ngay tại BPMC, với các nội dung: Cơ sở vật chất tại BPMC, TTHC có được niêm yết công khai đầy đủ, thành phần hồ sơ và phí/lệ phí phải nộp có đúng quy định, công chức có thái độ giao tiếp lịch sự và đúng mực, cơ quan trả kết quả có đúng hẹn?... 

"Phiếu khảo sát này cũng được triển khai đồng loạt tại BPMC các phường trên địa bàn quận từ năm 2020 đến nay, được CBCC rà soát hằng tháng để kịp thời tiếp nhận góp ý của công dân. Qua đó, đơn vị có thể chủ động cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tốt hơn và hướng tới cái đích là sự hài lòng của người dân, tổ chức, DN” - Phó Chánh văn phòng HĐND&UBND, Trưởng BPMC quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hường khẳng định. 

Song song với yêu cầu tất cả các xã áp dụng hệ thống điện tử đánh giá chất lượng phục vụ của công chức làm việc tại BPMC, mới đây UBND huyện Thường Tín đã triển khai quét mã QR để khảo sát sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về việc giải quyết TTHC tại BPMC các xã. Sau khi quét mã, phiếu khảo sát hiển thị Thông tin chung (tên BPMC, lĩnh vực TTHC) và Nội dung khảo sát (câu hỏi về cơ sở vật chất, thái độ giao tiếp của công chức... để công dân trả lời vào ô “có” hoặc “không”). Với cách này, UBND huyện nắm được ngay về thái độ, trách nhiệm của CBCC xã trong giải quyết hồ sơ hành chính. 

Các đơn vị cũng luôn có phương án hỗ trợ người dân dễ dàng thực hiện TTHC. Điển hình tại quận Nam Từ Liêm, căn cứ thực tế, UBND các phường đã chủ động chọn, tổ chức triển khai “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” tại BPMC để phục vụ người dân: Trong 1 ngày làm việc/tuần, BPMC phối hợp đoàn viên thanh niên giúp công dân kê khai nội dung giấy tờ phục vụ giải quyết những TTHC thuộc thẩm quyền đơn vị; trong 1 ngày làm việc/tuần, BPMC thực hiện tiếp nhận và xử lý, trả kết quả ngay cho tổ chức, cá nhân với TTHC về tư pháp (với điều kiện đảm bảo hồ sơ đủ thành phần và không phải xác minh, xin ý kiến). 

Tương tự ở quận Hà Đông, công chức các phòng, ban luân phiên làm nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện DVCTT mức độ 3, 4 vào thứ Tư hằng tuần; trong các ngày còn lại thì công chức BPMC quận trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ công dân. 

Tại UBND quận và các phường thuộc quận Hà Đông cũng như UBND quận Bắc Từ Liêm, Sở GTVT, UBND xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh)... đều đang triển khai hiệu quả mô hình bổ sung hồ sơ mẫu, đặt trên bàn viết hồ sơ tại BPMC giúp tổ chức, công dân thuận tiện tham khảo, tra cứu để viết thông tin hồ sơ khi có nhu cầu giải quyết TTHC. 

Những nỗ lực của đội ngũ CBCC từ những việc dù nhỏ nhất để góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC đã ngày càng nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dân, DN. (Kinhtedothi.vn 17/4, Linh Chi)Về đầu trang

Bình Phước: Hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Những năm gần đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam luôn là cơ quan đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Đặc biệt vừa qua, BHXH Việt Nam đưa vào sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số trên 2 kho ứng dụng Google Play - hệ điều hành Android và App Store - hệ điều hành IOS góp phần thực hiện chiến lược số quốc gia, xây dựng chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Giao dịch với cơ quan BHXH trên môi trường mạng và sử dụng các tiện ích trên ứng dụng VssID, người dân không phải mất thời gian xếp hàng chờ đợi; dễ dàng tra cứu quá trình tham gia, thụ hưởng, sổ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT)... của bản thân. 

Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, UBND tỉnh Bình Phước, thời gian qua, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến được ngành BHXH tỉnh chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2022, BHXH tỉnh tiếp nhận 1.101.304 hồ sơ, trong đó có 868.801 hồ sơ trực tuyến, chiếm 79% tổng số hồ sơ tiếp nhận. 

Theo đại diện lãnh đạo BHXH tỉnh, với phương châm “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả giải quyết công việc hành chính”, thời gian qua, BHXH tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện tốt cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả hoạt động nghiệp vụ. Những năm qua, thủ tục hành chính lĩnh vực BHXH, BHYT đã được rà soát, cắt giảm tối đa. 

Chị Bùi Thị Len, viên chức Bộ phận một cửa BHXH tỉnh cho biết: Hằng ngày, ngoài tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, chúng tôi cũng tăng cường tư vấn, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VssID và hướng dẫn cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để nhận hồ sơ, kết quả. Nhiều người ban đầu cũng ngại nộp hồ sơ trực tuyến, nhưng sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể thì họ đã có cách nhìn tích cực đối với hình thức này. 

Chị Lê Thị Dịu, ngụ phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài chia sẻ: “Tôi đến BHXH làm thủ tục tử tuất cho người thân. Ban đầu, do kỹ năng còn hạn chế nên khi thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến tôi thấy khá phức tạp. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ hướng dẫn tận tình, tôi đã nắm được quy trình thực hiện và hoàn thành các bước nộp hồ sơ nhanh chóng, tiện lợi”. 

Vừa hoàn tất các thủ tục xin cấp đổi thẻ BHYT, chị Lê Thị Thu, ngụ phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài cho biết: “Trước đây, tôi cho rằng nộp hồ sơ trực tuyến rất phức tạp, nhưng sau khi trực tiếp thao tác thì thấy khá dễ thực hiện. Giờ tôi có thể tự nộp hồ sơ trực tuyến khi có nhu cầu mà không cần đến trực tiếp cơ quan BHXH tỉnh nữa”. 

Có thể thấy, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực BHXH được đưa lên không gian số đã giúp giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho người dân, đơn vị sử dụng lao động, người lao động; đồng thời giúp dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin. Để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, việc rà soát các thủ tục hành chính luôn được BHXH tỉnh chú trọng thực hiện.  

BHXH tỉnh đã thành lập Tổ kiểm soát thủ tục hành chính với thành viên thuộc Văn phòng BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã. Đồng thời thường xuyên rà soát, phát hiện vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ chuyên môn để đề nghị, kiến nghị BHXH Việt Nam xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; phối hợp các đơn vị liên quan nâng cao chất lượng đường truyền dữ liệu, đảm bảo bảo mật an toàn thông tin. 

Với mục tiêu “Xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”, thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, quyền và lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT nhằm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm; đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của giao dịch hồ sơ điện tử; tích cực vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử…  

Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; trong tiếp nhận hồ sơ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân để vừa rút ngắn thời gian thực hiện, giảm nhân lực quản lý, giảm chi phí xã hội, vừa phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. (Baobinhphuoc.com.vn 17/4, Thùy Minh)Về đầu trang

Bà Rịa-Vũng Tàu: Thứ Bảy - Ngày lắng nghe dân nói

Sau 1 tuần làm việc thì những ngày cuối tuần là thời gian để mỗi người nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, dành cho bản thân, gia đình… Thế nhưng, ngày thứ Bảy đã trở nên rất ý nghĩa khi hướng về cộng đồng, tháo gỡ những khó khăn-vướng mắc của người dân – Đó là ngày mà chính quyền địa phương tổ chức họp mặt nhân dân khu phố, nghe dân nói, ghi nhận ý kiến người dân.  

Đây là một trong những cách làm hay, mô hình dân vận khéo, tạo sự đồng thuận cao của một đơn vị hành chính cấp phường ở thành phố Vũng Tàu. Ngày thứ Bảy như thế này cũng đang có xu hướng lan rộng để cuộc sống thêm tốt đẹp. 

Mời xem chi tiết trong video đính kèm tại link sau:

https://vnews.gov.vn/video/thu-bay-ngay-lang-nghe-dan-noi-76721.htm

(Truyền hình Thông tấn – Thời sự ngày 16/4)Về đầu trang

Khánh Hòa: Làm rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành trong công tác quản lý

Theo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Khánh Hòa, công tác quản lý, điều hành khoa học là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc và phục vụ các hoạt động của HĐND. Trong đó, cần phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và thời gian hoàn thành, bảo đảm mỗi công việc cụ thể đều có người phụ trách, mốc thời gian theo dõi, đôn đốc thực hiện. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; bồi dưỡng kỹ năng thu thập, tổng hợp, xử lý, kiểm tra thông tin, tham mưu xây dựng các văn bản, xử lý tình huống… 

Những năm qua, hoạt động của HĐND, Thường trực và các ban HĐND tỉnh Khánh Hòa có nhiều đổi mới tiến bộ, được các cấp, ngành và cử tri đánh giá cao. Kết quả đó có một phần đóng góp quan trọng trong công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. 

Đáng chú ý, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, bộ phận giúp việc nghiên cứu, khảo sát thực tiễn để xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tài liệu trong hoạt động giám sát, khảo sát của HĐND, Thường trực, các ban của HĐND tỉnh cụ thể, chi tiết và phù hợp tình hình thực tế. Năm 2022, Văn phòng đã phục vụ tốt 2 đoàn giám sát của HĐND tỉnh; 4 đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh và 8 đoàn giám sát của các Ban HĐND tỉnh đối với các lĩnh vực được dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm; nội dung tham mưu có trọng tâm, trọng điểm. Tham mưu dự thảo thông báo, kết luận giám sát và tích cực theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu giám sát thực hiện kiến nghị sau giám sát. Tham mưu, phục vụ việc theo dõi, tổng hợp, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghị quyết về giám sát, chất vấn. 

Để hoạt động thông suốt, hiệu quả, Văn phòng tham mưu HĐND, Thường trực, ban HĐND cải tiến phương thức giám sát linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế. Trong năm 2022, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã trang bị máy vi tính cho đại biểu HĐND tỉnh; theo đó, Văn phòng chủ động tham mưu việc áp dụng công nghệ thông tin để gửi, nhận tài liệu đến từng đại biểu HĐND tỉnh, thực hiện hiệu quả kỳ họp “không giấy”; đối với nghị quyết được thông qua, Văn phòng giúp HĐND gửi văn bản giấy đến các cơ quan hữu quan theo luật định, đồng thời đăng tải trên Trang thông tin điện tử Đại biểu Nhân dân tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu của đại biểu khi cần. 

Căn cứ Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn liên quan, Văn phòng phục vụ Thường trực và đại biểu HĐND tỉnh tiếp công dân; đã thực hiện việc tiếp nhận, tham mưu xử lý kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức, công dân gửi đến HĐND, Thường trực HĐND tỉnh; tham mưu xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến HĐND, Thường trực HĐND tỉnh; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do HĐND, Thường trực, đại biểu HĐND tỉnh chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. 

Văn phòng kịp thời tham mưu, giúp Thường trực HĐND tỉnh xây dựng Quy chế phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Luật gia tỉnh, nhằm tăng cường phối hợp tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chính sách của HĐND tỉnh trong thực thi pháp luật, xây dựng nền hành chính liêm chính, trong sạch, vững mạnh; tạo sự nhất trí cao về nhận thức, hành động, giải pháp xử lý tình huống theo pháp luật, nâng cao kỹ năng giải quyết các vấn đề nổi cộm mà Nhân dân quan tâm. 

Theo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Khánh Hòa, công tác quản lý, điều hành khoa học là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc và phục vụ. Trong đó, cần phân công rõ người, rõ việc theo chức năng, nhiệm vụ, rõ trách nhiệm và thời gian hoàn thành, bảo đảm mỗi công việc cụ thể đều có người phụ trách, mốc thời gian để theo dõi, đôn đốc thực hiện. Thực tế hiện nay, khối lượng công việc cần tham mưu, giúp việc và phục vụ của Văn phòng ngày càng lớn trong khi số biên chế công chức, chuyên viên còn hạn chế và thiếu, nên việc điều hành các hoạt động phải khoa học mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao. 

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh các cấp, ngành trong quá trình tham mưu, giúp việc và phục vụ các hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban HĐND tỉnh; các phòng chuyên môn, bộ phận giúp việc trong văn phòng phải thường xuyên trao đổi, phối hợp để triển khai thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn, hiệu quả hơn. 

Tiếp tục nghiên cứu đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, lề lối làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành công việc; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức công chức văn phòng, nhất là bồi dưỡng kỹ năng thu thập, tổng hợp, xử lý, kiểm tra thông tin, tham mưu xây dựng các văn bản, xử lý tình huống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Quan tâm tạo điều kiện cho công chức cơ quan văn phòng học tập, trao đổi kinh nghiệm để bổ sung thêm kiến thức, kinh nghiệm vận dụng thực hiện nhiệm vụ được giao. (Daibieunhandan.vn 16/4, Trần Minh)Về đầu trang

Đắk Lắk: Doanh nghiệp chưa hài lòng cơ chế tố cáo hành vi sai phạm cán bộ

Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk vừa có báo cáo phân tích sơ bộ chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2022 của tỉnh này. 

Theo Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk, năm 2022 PCI Đắk Lắk giảm 3,29 điểm so với năm 2021, tương đương với việc giảm 26 bậc, xếp thứ 60/63 tỉnh, TP. 

Có ba chỉ số tăng điểm, gồm: gia nhập thị trường, tính minh bạch và chi phí không chính thức. Còn lại bảy chỉ số khác đều giảm điểm, trong đó có ba chỉ số giảm nhiều nhất là đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng và chính sách hỗ trợ DN. 

Về thứ hạng, giảm mạnh nhất là cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, an ninh trật tự. 

Đối với nguyên nhân giảm điểm về chỉ số tiếp cận đất đai, theo Sở KH-ĐT Đắk Lắk là do vướng các quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất; đổi đất có nguồn gốc ở các công ty nông lâm nghiệp... Chỉ số đất đai năm 2021, thứ hạng tỉnh Đắk Lắk xếp thứ ba, năm 2022 là 35. 

Về chỉ số tính minh bạch, doanh nghiệp đánh giá không cao về chất lượng webside của tỉnh và các thông tin cung cấp trên webside về thủ tục hành chính, chỉ đạo điều hành, ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, văn bản pháp luật. 

Ngoài ra, doanh nghiệp đánh giá việc tiếp cận tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý còn khó khăn; khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến; số thời gian thanh, kiểm tra thuế mỗi cuộc tăng cao hơn so với năm 2021. 

Về chỉ số cạnh tranh bình đẳng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng doanh nghiệp lớn được tỉnh ưu ái hơn trong giải quyết các khó khăn (chiếm tỉ lệ 80%), ưu tiên hơn về thu hút đầu tư, thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai (chiếm tỉ lệ 63%), dễ dàng có được các hợp đồng từ cơ quan nhà nước… 

Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp cho rằng các sở, ngành và cấp huyện không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh; chính sách của tỉnh đối với việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định, nhưng nhất quán không cao. 

Bên cạnh đó, tỉ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực” bị giảm hơn so với năm 2021. 

Đối với chỉ số đào tạo lao động (giảm 37 bậc), theo Sở KH-ĐT chất lượng lao động và lao động giáo dục phổ thông của tỉnh không được đánh giá cao. 

Các doanh nghiệp đánh giá về việc tuyển dụng lao động phổ thông, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, giám sát tại tỉnh Đắk Lắk là dễ dàng. Do đó, doanh nghiệp phải bỏ ra thêm nhiều chi phí để đào tạo lao động. 

Doanh nghiệp cũng chưa hài lòng về hệ thống pháp luật có cơ chế giúp doanh nghiệp tố cáo hành vi sai phạm của cán bộ nhà nước. 

Doanh nghiệp chưa tin tưởng khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền; tòa án các cấp xét xử chưa đúng, chưa nhanh chóng đối với các vụ việc (vụ kiện) về kinh tế; tỉ lệ doanh nghiệp bị trộm cắp, hoặc bị đột nhập năm qua gia tăng… 

Trong thời gian tới, Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo, đánh giá phân tích cụ thể về nguyên nhân làm giảm chỉ số PCI tỉnh Đắk Lắk; đồng thời tham mưu giải pháp cải thiện chỉ số này trong năm 2023 và những năm tiếp theo. (Plo.vn 17/4, Vũ Long)Về đầu trang

Quảng Nam: Nghiệm thu đề tài nghiên cứu ứng dụng Chatbot 1022

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng Chatbot trong Cổng dịch vụ hành chính công và Cổng thông tin điện tử của tỉnh” do Phó Giám đốc Sở TT&TT Phạm Thị Ngọc Quyên làm chủ nhiệm vừa được Hội đồng Khoa học và công nghệ nghiệm thu. 

Theo Hội đồng Khoa học và công nghệ, mục tiêu của việc nghiên cứu ứng dụng và phát triển đề tài Chatbot 1022 Quảng Nam giúp giải đáp các thông tin cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là trên lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đây là trợ lý ảo giúp thực hiện trả lời cho người dân về TTHC, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, trả lời các thông tin cơ bản về du lịch, sản phẩm OCOP, cơ sở y tế, tuyến xe bus, tra cứu điểm thi tốt nghiệp… 

Trợ lý ảo 1022 Quảng Nam về TTHC được xây dựng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và được tích hợp trên Cổng dịch vụ công và Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam. 

Việc triển khai trợ lý ảo nhằm hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong việc giao tiếp, hướng dẫn người dân giải quyết TTHC cũng như giải đáp các chính sách của tỉnh, tuyên truyền các sự kiện quan trọng của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời góp phần thúc đẩy việc triển khai xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao nhất để phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Theo đánh giá của Hội đồng Khoa học và công nghệ, việc ứng dụng Chatbot 1022 Quảng Nam đã góp phần nâng cao tỉ lệ giải quyết TTHC, thu hút người dân và doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ TTHC qua hệ thống dịch vụ công điện tử. 

Hội đồng Khoa học và công nghệ cho biết, thời gian tới, hệ thống Chatbot 1022 Quảng Nam sẽ bổ sung thêm tính năng thông minh như cung cấp địa điểm khám chữa bệnh cho người dân, các điểm sơ tán tránh trú bão an toàn; nâng cấp trợ lý ảo Trợ lý ảo 1022 Quảng Nam trở thành chuyên gia tư vấn cho người dân về tìm hiểu pháp luật, phát triển nông nghiệp và các thông tin hữu ích khác… 

Tại buổi nghiệm thu, ban chủ nhiệm đề tài đã chạy demo ứng dụng và giải đáp các câu hỏi do Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh đặt ra. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Hội đồng và hoàn thiện ứng dụng Chatbot 1022 Quảng Nam thời gian tới. Đồng thời, Sở TT&TT thực hiện có hiệu quả ứng dụng Chatbot 1022 Quảng Nam, đẩy mạnh tuyên truyền về các tiện ích của ứng dụng đến với đông đảo người dân. 

Ông Hồ Quảng Bửu cho biết, năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã đưa vào vận hành hệ thống trợ lý ảo chatbot hành chính công để hỗ trợ giải đáp các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính, các thông tin về du lịch, nông nghiệp. Với sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, hệ thống trợ lý ảo của chính quyền tỉnh Quảng Nam thực sự là tư vấn viên rất chuyên nghiệp và chuẩn xác.  

Qua đây đã góp phần nâng cao sự tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp. Đây là trợ lý ảo giúp thực hiện trả lời cho người dân về thủ tục hành chính, hỗ  trợ người dân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, trả lời các thông tin cơ bản về du lịch, sản phẩm OCOP, cơ sở y tế, tuyến xe bus, tra cứu điểm thi tốt nghiệp… (Vietnamnet.vn 16/4, Nguyễn Hiền)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Phát triển nền tảng số, dữ liệu số đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh

Ngày 23/2/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Ðề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Ðề án 06) tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo. 

Chỉ thị nêu rõ, thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; Ðề án 06 là đề án quan trọng, đột phá để thực hiện chiến lược này, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.

Trong những năm qua, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của ngành theo định hướng hướng tới Chính phủ số, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới khách hàng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 

Tại cuộc họp đánh giá kết quả công tác tháng 3 và triển khai nhiệm vụ tháng 4/2023 của Tổ công tác Ðề án 06 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, báo cáo của Trung tâm Công nghệ thông tin cho biết, hiện nay, toàn quốc đã có hơn 12.300 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip (đạt 96,26% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc), với hơn 18,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân thành công, phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. 

Hiện nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, hoàn thành tích hợp, cung cấp thành công các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và của ngành gồm: Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; liên thông đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người chỉ tham gia bảo hiểm y tế… 

Tính đến ngày 15/3/2023, Bảo hiểm xã hội hai địa phương triển khai làm điểm (Hà Nam và Hà Nội) đã tiếp nhận và giải quyết 17.383 hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và 655 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua hai nhóm dịch vụ công liên thông. 

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 72.458 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. 

Ðồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chip và trên dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. 

Ðể triển khai hiệu quả nội dung này, hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nâng cấp, điều chỉnh Cổng tiếp nhận (thuộc Hệ thống Giám định bảo hiểm y tế) và Phần mềm tiếp nhận và quản lý hồ sơ để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc; đã triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Quảng Bình và Hà Nội, triển khai xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương và Bảo hiểm Xã hội quận Ðống Ða, Hà Nội. 

Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang phối hợp Bộ Y tế triển khai Sổ sức khỏe điện tử; đồng thời hoàn thành việc nâng cấp phần mềm, bổ sung chức năng để hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử điện tử qua hạ tầng của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phục vụ triển khai dịch vụ công cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến và triển khai các dịch vụ công liên thông theo Ðề án 06... 

Tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh - Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng, với nhiệm vụ ngày càng nặng nề, thời gian triển khai gấp, cần có sự triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. 

Vì vậy, giao Trung tâm Công nghệ thông tin-Thường trực Tổ công tác tham mưu kiện toàn và thành lập Tổ công tác thực hiện Ðề án 06 tại Bảo hiểm xã hội các địa phương với Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố làm Tổ trưởng, có cơ chế phân công rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ trách nhiệm. "Ðây sẽ là "cánh tay nối dài", đầu mối quan trọng để Tổ công tác Ðề án 06 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ đạo, phối hợp triển khai các nhiệm vụ liên quan tại địa phương" - Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh nhấn mạnh. 

Thời gian tới, Tổ công tác đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với bộ, ngành trong triển khai Ðề án 06, chia sẻ dữ liệu vừa bảo đảm trách nhiệm của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa bảo đảm an toàn thông tin. (Nhandan.vn 17/4, Nguyên Khang)Về đầu trang

Thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Quyết định số 871/QĐ-BVHTTDL về việc thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ. 

Theo đó, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo) gồm 22 thành viên do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông làm Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo; Phó Chánh Văn phòng Bộ Bùi Trung Kiên là Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo. Các Ủy viên gồm có: Thủ trưởng các Tổng cục, Cục, Vụ và cơ quan thuộc Bộ. 

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ: Nghiên cứu, đề xuất, chỉ đạo triển khai các chủ trương và giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính dài hạn và hàng năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, kiểm tra công tác cải cách hành chính; xem xét nội dung các đề án, dự án quan trọng về cải cách hành chính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;  

Đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với các dịch vụ công do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp; Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính. 

Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Văn phòng Bộ là đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng các đơn vị chức năng của Văn phòng Bộ để tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. 

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; họp định kỳ 6 tháng một lần. Khi cần thiết, Trưởng Ban triệu tập cuộc họp bất thường; các thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. (Toquoc.vn 17/4, PV)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Thực hiện ở cả khu vực công và khu vực tư

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết số 53/NQ-CP thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó nhấn mạnh từ năm 2023, triển khai trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Nghị quyết 53 nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội (QH) khóa XV, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trên cơ sở Báo cáo của Đoàn giám sát của QH về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016 - 2021. 

Theo đó, Quốc hội đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước. 

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng. Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh nguyên nhân do một số quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển thì nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP. 

Để tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP, Nghị quyết đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Trong đó, về các nhiệm vụ, giải pháp chung về THTK, CLP, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để THTK, CLP thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. 

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP. Xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác THTK, CLP. 

Từ năm 2023, triển khai trong toàn quốc cuộc vận động về THTK, CLP. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tham mưu giúp Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về THTK, CLP trong phong trào thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; THTK, CLP trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác THTK, CLP. 

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tham mưu giúp Chính phủ đổi mới việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo việc thực hiện Chương trình THTK, CLP 5 năm và hằng năm, theo hướng vừa đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có chủ đề từng năm. 

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến THTK, CLP bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp yêu cầu thực tiễn. Từ năm 2023, thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Chú trọng xây dựng chính sách quốc gia về THTK, CLP trong từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực then chốt như tiết kiệm năng lượng, quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản. 

Các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát QH. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung cao độ chỉ đạo để thực hiện tốt công tác THTK, CLP. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí. Tập trung nghiên cứu kỹ các giải pháp, đề xuất, kiến nghị nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát QH để thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm. (Baophapluat.vn 17/4, T. Hoàng)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

“Tấm khiên số 14”

Cán bộ ở TPHCM sợ trách nhiệm đến mức: Chỉ một năm 2022, có tới 584 văn bản hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khi hầu hết vấn đề thuộc thẩm quyền của Thành phố - theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. 

Vấn đề cán bộ e ngại, sợ trách nhiệm đã được cấp thiết đặt ra trong buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM hôm 16.4. 

Một năm có 365 ngày, nhưng có tới 584 văn bản “hỏi”. Trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời thành 604 văn bản. Nói như Bộ trưởng Dũng, mỗi ngày phải trả lời Thành phố gần 2 văn bản, và điều này “cho thấy có sự đùn đẩy, không phối hợp với nhau”. 

Bộ trưởng Dũng nói rất thẳng thắn: Cùng với niềm tin thị trường, tâm lý xã hội thì vấn đề lớn nhất Thành phố cần phải “giải” chính là sự e dè, sợ hãi, sợ trách nhiệm của cán bộ mà nếu không giải quyết được ngay sẽ không tạo được đột phá cho những quý sắp tới. 

Lãnh đạo TPHCM cũng không thiếu sự thẳng thắn. Cả Bí thư Thành uỷ, cả Chủ tịch UBND Thành phố đều thừa nhận tình trạng lo ngại trong thực hiện công vụ của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức là có thật. 

Cán bộ hưởng lương từ tiền thuế của dân. Để rồi ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền cũng “nã” văn bản hỏi - như một hình thức “liên quan trách nhiệm”. Điều đó, nói như Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an: “Không những lo ngại mà còn có thể đánh giá sâu hơn là co cụm, cầu an, thận trọng quá mức để xử lý các công việc chung trong điều hành của thành phố". 

Tháng 9.2021, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14, để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, có ý nghĩa như tấm khiên giáp vừa giúp cán bộ phát huy sở trường, tài năng, vừa khuyến khích sự quyết đoán dám nghĩ dám làm, vừa bảo vệ cán bộ trước những quyết định mang tính đột phá rất cần thiết trước những khó khăn của thực tiễn. 

Vì thế, tâm lý lo ngại, sợ trách nhiệm rất vô lý, nếu như không nói là vớ vẩn. Và đây cũng được cho là một nguyên nhân kìm hãm sự phát triển. 

Hôm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính không ngẫu nhiên đề nghị Thành phố “phải bảo vệ cả người dám nói nữa, chứ không phải chỉ dám nghĩ, dám làm”, bởi theo Thủ tướng: "Có những cái không đúng phải nói lại, chưa đúng thực tế phải nói nhiều lần". 

Thủ tướng cũng yêu cầu Thành phố rà soát lại công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý tránh khuynh hướng sợ trách nhiệm không dám làm. 

Câu chuyện hết sức đơn giản: Đã có cơ chế, có khiên giáp bảo vệ rồi mà vẫn sợ trách nhiệm, không dám làm thì cần phải xem lại vị trí công việc phù hợp hay chưa. (Laodong.vn 17/4, Anh Đào)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Pháp tiếp tục chia rẽ sâu sắc sau khi ban hành Luật cải cách hưu trí mới

Tổng thống Emmanuel Macron dự kiến sẽ có bài diễn văn giải thích cũng như xoa dịu sự phẫn nộ của người dân, trong khi lực lượng đối lập và các nghiệp đoàn lao động từ chối đối thoại và tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh phản đối. 

Trước làn sóng phẫn nộ đối với Luật cải cách hưu trí mới vừa được ban hành, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, ông Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình trước người dân Pháp vào tối 17/4. 

Trong bài phát biểu, Tổng thống Pháp Macron sẽ đề cập tới những tác động đối với nước Pháp trong hơn 3 tháng đầy sóng gió vừa qua, đồng thời sẽ nhấn mạnh những mặt tích cực mà luật cải cách hưu trí mới sẽ đưa đến cho người dân, nhất là giúp giải quyết công ăn việc làm và giảm thuế khoá. 

Tại Hội nghị đảng “Phục hưng” của Tổng thống Macron hôm qua, Thủ tướng Pháp bà Elisabeth Borne cũng nhấn mạnh quyết tâm đẩy nhanh cải cách hưu trí, đồng thừa nhận đây là cải cách khó khăn nhưng cần thiết. 

Theo bà Elisabeth Borne: “Sẽ không có bên thắng bên thua. Tôi biết rằng cải cách này sẽ khó khăn. Tôi cũng hiểu rằng cải cách này đòi hỏi sự cố gắng của tất cả người dân Pháp bởi nó liên quan đến từng người. Nhưng đây là cải cách cần thiết để đảm bảo tương lai của hệ thống hưu trí của chúng ta”. 

Thủ tướng Pháp bà Elisabeth Borne cho biết sẽ nỗ lực lần lượt thúc đẩy những vấn đề ưu tiên khác đặt ra từ đầu nhiệm kỳ như tạo việc làm cho mọi người dân, đảm bảo công bằng xã hội, thúc đẩy vấn đề y tế và giáo dục và hướng tới một nền công nghiệp xanh.  

Người đứng đầu chính phủ Pháp cũng khẳng định sẵn sàng đối thoại với các nghiệp đoàn lao động và giới chủ Pháp để xây dựng lộ trình triển khai trong thời gian tới. 

Trong khi đó, các cuộc biểu tình tự phát tiếp tục diễn ra trên toàn nước Pháp, nhất là tại trung tâm thủ đô Paris và thành phố Rennes khi một số trung tâm thương mại đã bị đập phá hôi của, nhiều xe ô tô bị đốt cháy và xảy ra xô xát giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. 

Các nghiệp đoàn lao động Pháp đã từ chối đề nghị đối thoại từ Tổng thống Emmanuel Macron và chỉ trích ông Macron đã xem thường ý kiến của người dân lao động khi vội vã ký ban hành luật cải cách hưu trí mới. 

Các nghiệp đoàn lao động Pháp tuyên bố cuộc đấu tranh vẫn chưa kết thúc và sẽ phát động Ngày đình công và tuần hành thứ 13 vào ngày 28/4 và đặc biệt là kêu gọi toàn thể người dân Pháp hưởng ứng tham gia Ngày quốc tế lao động 1/5 tới để tạo ra “Cơn sóng thần nhân dân”. 

Các đảng cánh tả đối lập (NUPES) gọi ông Emmanuel Macron là Tổng thống của sự hỗn loạn và kêu gọi người dân Pháp xây dựng nền Cộng hoà thứ VI để giảm bớt quyền lực của Tổng thống.  

Đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” (LFI) cho biết sẽ liên kết với các nghị sĩ độc lập trong Quốc hội (LIOT) gửi kiến nghị bất tín nghiệm đối với Thủ tướng Elisabeth Borne ngay khi Quốc hội họp trở lại vào ngày 20/4 tới. Trong lần kiến nghị gần nhất, chính phủ đương nhiệm suýt bị lật đổ chỉ nhờ hơn 9 lá phiếu ủng hộ.  

Các nhà phân tích địa bàn nhận định nước Pháp đang bị chia rẽ toàn diện cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy 60% người Pháp ủng hộ các cuộc tuần hành tiếp tục diễn ra và 71% phản đối luật cải cách hưu trí mới. 

Theo lộ trình, luật cải cách hưu trí mới sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 9/2023. (VOV.vn 17/4, Phạm Hà)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

More

05