Bản tin Cải cách hành chính ngày 25/4/2024

Font size : A- A A+

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1.        “Nghịch lý” trong chỉ số Par Index của TP.HCM

2.        Hà Nội: Quận Hà Đông đánh giá rõ hơn về sự hài lòng của cá nhân, tổ chức

3.        Quảng Ngãi: Các huyện miền núi nỗ lực cải cách hành chính, chuyển đổi số

4.        Bình Phước: Chính quyền thân thiện, kiến tạo từ chuyển đổi số

5.        Hà Tĩnh: Lý giải nguyên nhân tăng 10 bậc về Chỉ số Cải cách hành chính

6.        Quảng Ngãi: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả

7.        Phú Yên: Nỗ lực chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính

8.        Nhìn lại Chỉ số PAPI của An Giang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

9.        Tăng cường cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở

THẾ GIỚI

10.     Nga bắt Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vì nghi tham nhũng quy mô lớn 

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

“Nghịch lý” trong chỉ số Par Index của TP.HCM

Bộ chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2023 (Par Index 2023) vừa được công bố. Ở cấp độ chỉ số tổng hợp, TP.HCM tăng 3 bậc, đạt 86.97%, thuộc nhóm B – nhóm gồm 56 tỉnh, thành phố có kết quả chỉ số Par Index đạt từ 80% đến dưới 90%. Nhưng ở nhiều chỉ số thành phần đã bộc lộ mức giảm sâu, phản ánh một số vấn đề rất đáng quan tâm.

Cụ thể: chỉ số thành phần “Cải cách thủ tục hành chính”, đạt 85.12%, giảm 14.77% so với năm 2022 và giảm đến 58 bậc trên bảng xếp hạng, xuống vị trí thứ 60 trên tổng số 63 tỉnh, thành của cả nước. Trong khi chỉ số “Cải cách tổ chức bộ máy” lại tăng 7 bậc, đạt 88.75%, tăng 14.64% so với năm 2022, là địa phương có tốc độ tăng điểm cao nhất. Điều này cho thấy tính cải cách trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã được ghi nhận. Song hiệu quả từ nó, tức sắp xếp, bố trí con người để vận hành công việc thì lại chưa phát huy, thậm chí thụt lùi rất xa, rất sâu, có vẻ… bất thường!

Hơn nữa, nhìn từ kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính toàn thành phố năm 2023, ở cả 2 khối sở ban ngành và UBND các quận huyện và TP Thủ Đức thì chỉ có 2 đơn vị đạt loại tốt; còn lại tất cả đều xếp hạng xuất sắc, vậy tại sao khi sang Par Index lại có mức “biến hình” giảm sâu đến vậy?

Điều cần biết là trong thang điểm đánh giá Par Index 100 điểm, có 22 điểm được khảo sát ý kiến của đại biểu HĐND cấp tỉnh, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, lãnh đạo đơn vị thuộc, trực thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, lãnh đạo UBND cấp huyện.

Trong khi ở chỉ số mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của TP.HCM lại tăng 7 bậc, đạt 81.78%, xếp thứ 36/63. Điều đáng nói là chỉ số này được Par Index tham chiếu và quy đổi từ Bộ chỉ số SIPAS 2023 (Mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công trên 39 tiêu chí). Cũng như trong Bộ chỉ số PAPI vừa công bố hôm 2/4 thì TP.HCM là nơi được người dân lựa chọn nhiều nhất muốn chuyển đến sinh sống.

Par Index tham chiếu Sipas, trong đó 10 điểm đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Tỷ lệ hài lòng trong số người dân được chọn khảo sát khá cao trong khi khối cơ quan dân cử, sở ngành và các đơn vị chuyên môn trực thuộc khối quản lý nhà nước như đã nêu trên lại đánh giá thấp!

Đó là chưa nói đến ở thang điểm thẩm định (tức là điểm đã được Bộ Nội vụ thẩm định trên cơ sở điểm tự đánh giá của thành phố theo hướng dẫn của Bộ) thì ở chỉ số tổng hợp, TP.HCM lại vượt Đồng Nai, Bình Dương (trong khi phần tự đánh giá thì thành phố lại xếp dưới 2 địa phương nói trên). Quan trọng là theo thẩm định cuối cùng của Bộ thì điểm về tác động của cải cách hành chính đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2023 đạt 6.12%/6.5%, xếp hạng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Quảng Ninh.

Điểm cải cách hành chính thì “đội sổ” nhưng tác động cải cách hành chính lên nền kinh tế - xã hội thành phố thì… á quân và đạt mức cao về sự hài lòng của người dân thành phố! . Cụ thể hơn: Chỉ số thành phần “Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương” của TP.HCM năm 2023 tăng 13 bậc trên bảng xếp hạng, từ vị trí 23 lên vị trí 10, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số này.

Một điều nghịch lý nữa là ở chỉ số “Cải cách thể chế”, TP.HCM giảm 3 hạng, đứng cuối bảng dù tăng lên về giá trị so với năm 2022 (đạt 83.41%, tăng 2.26%). Những tưởng các công cụ có tính dẫn dắt (như Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), có tính tháo gỡ và đột phá (như Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM) sẽ sớm tạo đà cho thành phố bức phá nhưng gần 2 năm qua từ ngày các văn bản có hiệu lực, thước đo “cải cách thể chế” vẫn nằm ở mức cực thấp. Là thành phố chưa biết cách tận dụng hay các quy định trên văn bản có thể đã “gỡ” nhưng hướng dẫn thực thi trong thực tế thì vẫn chưa chịu “tháo”, có lẽ là ở vế 2!

Hoặc dù Thủ tướng đã ra nhiều văn bản, chỉ đạo; lãnh đạo thành phố cũng triển khai nhiều biện pháp để đốc thúc tiến độ giải ngân đầu tư công nhưng rõ ràng, mục tiêu đạt vẫn còn khá xa. Điều này phần nào phản ánh trong chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công” năm 2023 của thành phố ghi nhận sự sụt giảm với 10 bậc, từ 21 xuống 31 trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành cả nước so với năm 2022.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, các đơn vị bị giảm điểm thường là do có sai phạm trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu; mức độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập tại địa phương chưa có nhiều chuyển biến… (Fili.vn 24/4, Quốc Học)Về đầu trang

Hà Nội: Quận Hà Đông đánh giá rõ hơn về sự hài lòng của cá nhân, tổ chức

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 23/4, Đoàn giám sát số 2 của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn đã làm việc với quận Hà Đông về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ của các cơ quan Nhà nước tại TP.

Báo cáo của UBND quận Hà Đông cho thấy, thời gian qua, quận đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quận tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, văn hóa công sở của công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; cải tiến lề lối làm việc; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức, người lao động. 

Quận đã kiểm tra 156 lượt đối với 12 phòng chuyên môn, 17 phường. Qua kiểm tra cho thấy các đơn vị thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao, triển khai đầy đủ các nhiệm vụ cải cách hành chính hàng năm.

Để bảo đảm hiệu quả các vị trí công việc, UBND quận đã luân chuyển, chuyển đổi vị trí việc làm 127 cán bộ (41 lãnh đạo, 66 công chức tập trung kế toán, địa chính xây dựng); xử lý 7 cán bộ vi phạm.

Cùng với đó, UBND quận giao Văn phòng HĐND và UBND quận phối hợp với các phòng chuyên môn, các phường rà soát 31 lần đối với bộ thủ tục hành chính do UBND TP Hà Nội công bố để công khai danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị. Theo đó, 100% thủ tục hành chính thực hiện tại UBND quận và UBND các phường đều được xây dựng quy trình theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015 và niêm yết công khai theo đúng quy định. Kết quả đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với việc giải quyết thủ tục hành chính đều tốt (không có trường hợp không hài lòng).

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo UBND quận Hà Đông cũng chỉ ra một số hạn chế như về năng lực công tác và kỹ năng cần thiết liên quan đến hoạt động công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức. Một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa nghiêm khắc trong việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị. Vẫn còn một số trường hợp vi phạm về giờ giấc, lề lối tác phong làm việc, không đeo thẻ công vụ khi thực thi nhiệm vụ...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên đánh giá, các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND quận Hà Đông đã rà soát, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị. Triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, TP và quận về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở đến công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị.

Trưởng Đoàn giám sát số 2 đề nghị UBND quận Hà Đông đánh giá rõ hơn về thực hiện các chỉ tiêu về công tác cải cách hành chính, sự hài lòng của cá nhân - tổ chức; tổng hợp theo bảng biểu để dễ rà soát, theo dõi, giám sát. Đồng thời, cũng yêu cầu quận nghiên cứu xây dựng quy trình trong các lĩnh vực, chuẩn hóa từ cấp quận tới cấp phường bảo đảm công việc thông suốt, tạo thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân khi làm việc với cơ quan Nhà nước.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị Văn phòng HĐND-UBND quận Hà Đông cần rà soát việc xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo, có bảng biểu thống kê, theo dõi thường xuyên, tham mưu để lãnh đạo quận tập trung chỉ đạo giải quyết. (Kinhtedothi.vn 24/4, Vân Hà)Về đầu trang

Quảng Ngãi: Các huyện miền núi nỗ lực cải cách hành chính, chuyển đổi số

Các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã và đang nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC), còn gọi là bộ phận một cửa của huyện Sơn Tây, hệ thống máy tính, máy in, máy scan, máy đọc mã vạch... được trang bị đầy đủ. Cá nhân đến đăng ký tài khoản công dân và thực hiện TTHC trực tuyến có máy vi tính hỗ trợ.

“Tôi đến giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa của UBND huyện thấy trang thiết bị đầy đủ; cán bộ, công chức hướng dẫn nhiệt tình. Từ khi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tôi thấy các thủ tục đều được giải quyết nhanh chóng và chính xác, đúng hẹn. Điều đó giúp người dân tiết giảm được rất nhiều thời gian, chi phí, công sức”, anh Đinh Văn Thung, ở xã Sơn Mùa, cho biết.   

Cùng với cấp huyện, bộ phận một cửa ở cấp xã của huyện Sơn Tây cũng hoạt động ngày càng hiệu quả nhờ được đầu tư đầy đủ trang thiết bị và ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc. “Tôi sử dụng máy tính không tốt lắm, nhưng đến đây được hướng dẫn làm rất thuận tiện”, chị Phạm Thị Hoi đến bộ phận một cửa UBND xã Sơn Dung để làm giấy khai sinh cho con,  vui vẻ nói.

Còn tại huyện Trà Bồng, nhiều người dân đã dần quen với việc sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh để thực hiện các TTHC. Bà Phạm Thị Thanh Thanh, người dân ở thị trấn Trà Xuân cho biết, giờ chỉ cần có điện thoại thông minh, đăng nhập bằng cách quét mã QR là tôi có thể tự thực hiện nhiều thủ tục, không cần phải đi đâu xa và cũng không cần phải trả phí bằng tiền mặt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Bạch Ngọc Thêm chia sẻ, xuất phát từ thực tế vùng đặc biệt khó khăn, chúng tôi xác định phải tập trung CCHC, chuyển đổi số để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc đi lại, xử lý các TTHC, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, huyện Sơn Tây đã tập trung thực hiện CCHC đồng bộ trên các lĩnh vực. Trong đó, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới CNTT từ huyện đến xã. Năm 2023, huyện Sơn Tây đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để hiện đại hóa bộ phận một cửa cấp huyện và cấp xã trên địa bàn huyện. Hệ thống một cửa điện tử của huyện đã được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.

Kết nối liên thông Cổng dịch vụ công của tỉnh, các hệ thống nền tảng xây dựng chính quyền điện tử. Việc hiện đại hóa bộ phận một cửa đã góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC. Năm 2023, Bộ phận một cửa của huyện đã tiếp nhận trên 2.300 hồ sơ, trong đó hồ sơ trả trước hạn và đúng hạn đạt trên 98%. 

Những năm qua, huyện Trà Bồng luôn nằm trong nhóm vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số CCHC trong tỉnh. Để có kết quả này, Trà Bồng  đã có những đột phá mạnh mẽ trong cải cách bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và khai thác tốt các phần mềm ứng dụng CNTT trong giải quyết các thủ tục, hồ sơ trên môi trường mạng.

Hằng năm, huyện ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất cho các bộ phận một cửa ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Việc bố trí phòng làm việc, trang thiết bị tại bộ phận một cửa phù hợp đã tạo thuận lợi cho người dân các xã miền núi đến giải quyết TTHC. (Vietnamnet.vn 24/4, V.Yến)Về đầu trang

Bình Phước: Chính quyền thân thiện, kiến tạo từ chuyển đổi số

Đổi mới lề lối làm việc của chính quyền cấp xã từ “mệnh lệnh hành chính” sang chính quyền thân thiện, phục vụ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp… là những nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) mà tỉnh Bình Phước đang triển khai.

Từ đây đã xây dựng môi trường công sở văn minh, thân thiện; hoạt động của chính quyền theo hướng gần gũi, người đứng đầu gương mẫu và có trách nhiệm với nhân dân; xóa bỏ khoảng cách giữa người dân với chính quyền, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính từ cơ sở.

Trao giấy chứng nhận kết hôn; giấy khai sinh; thư chia buồn đến gia đình công dân có người thân qua đời; thư xin lỗi về những khuyết điểm, tồn tại của chính quyền làm ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp; thư cảm ơn về những đóng góp của người dân đối với sự phát triển của phường… là những nội dung phường Tân Bình triển khai xây dựng chính quyền thân thiện.

Tại bộ phận một cửa của phường, một ngày tiếp nhận hàng trăm hồ sơ của người dân ở mọi lĩnh vực vừa trực tuyến và trực tiếp. Điều đáng nói, tất cả người dân, doanh nghiệp đều được tiếp đón và hướng dẫn nhiệt tình, hồ sơ giải quyết đúng quy định với quy trình nhanh, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Là đơn vị được chọn làm điểm xây dựng mô hình chính quyền thân thiện của thành phố Đồng Xoài, phường Tân Bình đã bố trí cơ sở vật chất khang trang, hiện đại tại bộ phận một cửa để phục vụ nhân dân tốt nhất. Hệ thống điều hòa, bàn ghế, nước uống, camera giám sát, wifi miễn phí, công khai số điện thoại của lãnh đạo phường và cả mã QR đặt trên bàn để người dân đánh giá mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức khi đến giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường. Qua đó đã góp phần tạo dựng mối quan hệ gắn kết chặt chẽ, sự tin cậy, chia sẻ giữa chính quyền và nhân dân.

Ông Mai Thành Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Bình cho biết: Xác định một lời chúc, một nụ cười, thái độ thân thiện của cán bộ, công chức sẽ làm vui lòng người dân khi đến cơ quan công quyền, vì vậy mỗi cán bộ, công chức đề cao vai trò trách nhiệm trong từng việc làm, văn minh trong ứng xử với người dân.

Chính lề lối, cách thức làm việc đổi mới theo hướng đơn giản, nhanh chóng và nhẹ nhàng, người dân đến giải quyết công việc được cán bộ, công chức hỗ trợ, hướng dẫn, giải thích tận tình và chu đáo mà hiệu quả giải quyết công việc được nhanh, thuận tiện hơn.

Trong CCHC thì sự hài lòng của người dân là thước đo quan trọng nhất để đánh giá kết quả thực hiện. Vì vậy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai các nhiệm vụ CCHC nhà nước, trong đó xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương, kết hợp nhiều mô hình để thực hiện CCHC một cách tốt nhất, đem lại sự hài lòng cao nhất cho người dân.

Còn việc xây dựng chính quyền thân thiện ở UBND phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài thể hiện qua việc thay đổi lề lối, tác phong trong giao tiếp, ứng xử và giải quyết công việc của công chức bộ phận một cửa. Người dân đến giải quyết công việc được hỗ trợ, hướng dẫn tận tình, nhanh gọn.

Đặc biệt, thông qua mô hình “Ngày thứ Sáu không hẹn qua tuần” đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Chị Nguyễn Thị Khánh, khu phố 3, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài bày tỏ: “Tôi rất hài lòng vì thủ tục hành chính giải quyết linh hoạt, có những hồ sơ đủ thủ tục giải quyết luôn trong ngày. Nụ cười và thái độ niềm nở của cán bộ, công chức đã tạo thiện cảm, xóa đi tâm lý e ngại của người dân khi đến cơ quan công quyền”.

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Xây dựng chính quyền thân thiện, sở cũng đã liên tục có những cải tiến, đổi mới trong khâu giải quyết TTHC theo hướng đơn giản, nhanh gọn, áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin nhằm giảm thời gian chờ đợi cho người dân. Tinh thần, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện chức trách, nhiệm vụ ở những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người dân có chuyển biến rõ nét, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ.

Mô hình “Chính quyền thân thiện” mà Bình Phước triển khai đã và đang tạo chuyển biến mạnh mẽ trong CCHC. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, nhiệt tình, trách nhiệm; môi trường công sở văn minh; cách thức làm việc đổi mới theo hướng đơn giản, nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn. (Vietnamnet.vn 24/4, Ngân Hà)Về đầu trang

Hà Tĩnh: Lý giải nguyên nhân tăng 10 bậc về Chỉ số Cải cách hành chính

Năm 2023, chỉ số PAR Index và SIPAS của Hà Tĩnh tăng hạng mạnh. Đó là kết quả từ nỗ lực siết chặt kỷ cương hành chính và chuyển đổi số trong các cơ quan công quyền.

Theo phân tích từ Sở Nội vụ Hà Tĩnh, sự tăng hạng đó bắt nguồn từ việc có nhiều chỉ số thành phần tăng điểm mạnh. Chỉ số cải cách hành chính được đánh giá trên 8 lĩnh vực/nội dung, trong đó, Hà Tĩnh có 3/8 lĩnh vực tăng điểm và tăng bậc so với năm 2022, gồm: cải cách chế độ công vụ tăng 27 bậc; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tăng 3 bậc; sự tác động của cải cách hành chính đến người dân và phát triển kinh tế - xã hội tăng 14 bậc.

Điều này cho thấy những nỗ lực của Hà Tĩnh trong việc đẩy mạnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ; trong tập trung nguồn lực, đẩy mạnh chuyển đổi số ở các cơ quan công quyền và đời sống xã hội.

Ông Dương Văn Tuấn – Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: “Một trong những điểm nhấn về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của Hà Tĩnh năm 2023 là ban hành Nghị quyết số 101/2023/NQ-HĐND ngày 26/7/2023 về sửa đổi bổ sung một số khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, giảm 50% phí, lệ phí khi người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên môi trường mạng. Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho tổ chuyển đổi số cộng đồng giai đoạn 2024-2025. Đây là các chính sách có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra toàn diện và đi sâu vào đời sống”.

Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng đã xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống nền tảng công nghệ thông tin khá đồng bộ, phục vụ hoạt động của các cơ quan hành chính và doanh nghiệp. Các hệ thống thông tin hỗ trợ điều hành tác nghiệp, ý kiến chỉ đạo, gửi nhận văn bản, tác nghiệp nội bộ, chữ ký số được ứng dụng thường xuyên từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Việc ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử, trong gửi nhận văn bản điện tử của cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt tỷ lệ 100%; văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt tỷ lệ 100%; trao đổi văn bản điện tử của UBND cấp xã với các cơ quan cấp tỉnh và huyện đạt tỷ lệ 99%.

100% UBND cấp huyện có các hệ thống phần mềm chuyên ngành cho các lĩnh vực như: quản lý tài chính, tài sản công; quản lý cán bộ công chức, quản lý tài nguyên, quản lý bản đồ địa chính, quản lý giáo dục, quản lý xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý đối tượng, chính sách người có công... Duy trì, quản lý hiệu quả hoạt động giao dịch cho 412 gian hàng trên sàn thương mại điện tử, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp quảng bá, kết nối và tiêu thụ sản phẩm.

Trong lĩnh vực cải cách chế độ công vụ, năm 2023, Hà Tĩnh đã thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, công tâm, khách quan và tuân thủ đúng quy định, quy chế thi tuyển. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được các địa phương, đơn vị quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức được tỉnh siết chặt thông qua việc ban hành Kết luận số 29-KL/TU và Văn bản số 1567-CV/TU ngày 17/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Nhờ đó, đã nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ cũng như giao tiếp, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ công chức tại bộ phận một cửa.

Những nỗ lực trong cải cách hành chính đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây chính là nhân tố quan trọng tạo sự hài lòng lớn cho người dân và doanh nghiệp, qua đó, thúc đẩy Chỉ số SIPAS tăng hạng (từ thứ 7 năm 2022 lên thứ 4 cả nước và xếp thứ nhất khu vực Bắc Trung Bộ trong năm 2023). (Baohatinh.vn 25/4, Phúc Quang) Về đầu trang

Quảng Ngãi: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả

Với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, năm 2024, Quảng Ngãi đẩy mạnh hoạt động của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, nhằm đảm bảo việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.

Từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi liên tục dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong quý I/2024, toàn tỉnh đã thanh toán được hơn 17 tỷ đồng, với gần 50 nghìn giao dịch (riêng tại Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh thanh toán gần 11 tỷ đồng, với 7.529 giao dịch).

Giám đốc Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Nguyễn Thanh Hoài cho biết, việc thanh toán trực tuyến đã được triển khai đồng bộ đến hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, đặc biệt là các xã miền núi. Điều này cho thấy người dân, tổ chức ngày càng quan tâm sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thanh toán trực tuyến.

Có được kết quả như vậy là nhờ sự nỗ lực của bộ phận một cửa các cấp đã hỗ trợ, hướng dẫn, tuyên truyền người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thanh toán trực tuyến. Cùng với đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương trong thực hiện nhiều giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nhất là đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công trực tuyến.

Là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai chính phủ điện tử, tỉnh đã chủ động trong việc thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh không ngừng nâng cấp hệ thống dịch vụ công, cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa các cấp theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ.

Đặc biệt là, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 906/QĐ-UBND ngày 14/6/2023 của UBND tỉnh “về việc phê duyệt và rút ngắn thời gian giải quyết đối với danh mục dịch vụ công trực tuyến, danh mục dịch vụ công trực tuyến thí điểm tiếp nhận và trả kết quả hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh”.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã ưu tiên thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết, trả kết quả sớm hơn tối thiểu 20% so với thời hạn giải quyết theo quy định đối với những hồ sơ nộp trực tuyến; thực hiện giảm 50% phí, lệ phí đối với các trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến được quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 11/2022 của HĐND tỉnh.

Tỉnh cũng đã đẩy mạnh việc hoàn thiện các phần mềm dịch vụ công với nhiều chức năng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các tổ chức, cá nhân. Nhờ vậy, số lượng hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Cụ thể, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến của các sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục tăng, đạt bình quân 79,3% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận mới trong quý. (Baoquangngai.vn 24/4, Sa Huỳnh)Về đầu trang

Phú Yên: Nỗ lực chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính

Bộ Nội vụ, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, Phú Yên xếp thứ 52/63 các tỉnh, thành phố với 85,39 điểm, tăng 11 bậc so với năm 2022.

Kết quả trên cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh, của từng sở, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; tạo động lực, khí thế mới để tiếp tục hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng với nhiều khó khăn, thách thức phía trước.

Theo ông Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, để có được kết quả trên, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cải cách hành chính (CCHC); nhanh chóng tiếp nhận, giải đáp và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn nhìn thẳng và phân tích những điểm chưa đạt, còn hạn chế trong kết quả xếp hạng của năm trước đó, để đưa ra những giải pháp sát thực nhất.

Cụ thể, năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị chuyên đề công tác CCHC nhằm phân tích, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và đề ra giải pháp thực hiện. Ban chỉ đạo CCHC, cải thiện môi trường đầu tư tỉnh rà soát từng nội dung, hằng tháng họp đánh giá kết quả thực hiện kết hợp với hội nghị UBND thường kỳ để tăng cường chỉ đạo, điều hành. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều kế hoạch để chỉ đạo, triển khai thực hiện, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu gắn với trách nhiệm của thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị.

Ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa chia sẻ: Thời gian qua, UBND thành phố đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt để nâng cao hiệu quả CCHC, khắc phục các tồn tại, hạn chế, yếu kém kéo dài. Theo đó, các nội dung cần thực hiện đã được liệt kê, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chi tiết cho người đứng đầu của từng phòng, ban, trung tâm, địa phương và yêu cầu thời gian hoàn thành cụ thể.

Theo Sở Nội vụ, điểm trung bình CCHC của các cơ quan, đơn vị năm 2023 có cải thiện đáng kể, trung bình là 82,22%, tăng so với năm 2022 (74,62%); không còn cơ quan, đơn vị có chỉ số CCHC xếp loại yếu, đặc biệt khối huyện đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí cải thiện, tăng đáng kể như: tỉ lệ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đúng hạn; tỉ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tỉ lệ thanh toán trực tuyến; chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đây là những nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương góp phần cải thiện chỉ số cải cách hành chính trong năm 2023. (Baophuyen.vn 24/4, Phạm Thùy)Về đầu trang

Nhìn lại Chỉ số PAPI của An Giang

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 của tỉnh An Giang đạt 41,8455 điểm, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 9 bậc so năm 2022), nằm trong nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình thấp; xếp hạng 3/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Mặc dù có những điểm sáng, nhưng vẫn còn có mảng màu chưa sáng ở các lĩnh vực, đặc biệt trong đánh giá của người dân về thủ tục hành chính, mức độ công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương.

Kết quả này thể hiện sự hài lòng của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp trong năm 2023. Tỉnh có 3/8 chỉ số nội dung tăng điểm và 5/8 chỉ số nội dung giảm điểm so năm 2022.

Còn so với Kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI tỉnh An Giang năm 2023, mặc dù chỉ tiêu của 8 chỉ số nội dung không đạt, nhưng kết quả tổng quan Chỉ số PAPI của tỉnh có sự tiến bộ hơn so năm 2022, phần nào thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của các ngành, các cấp.

3 chỉ số nội dung tăng điểm gồm: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (đạt 6,89 điểm) thuộc nhóm điểm trung bình cao (do Thanh tra tỉnh chủ trì). Kế đến là cung ứng dịch vụ công (đạt 8,05 điểm), thuộc nhóm đạt điểm cao nhất, do Sở Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang, Công ty Điện lực An Giang chủ trì. Thứ 3 là quản trị điện tử (đạt 2,96 điểm) do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp UBND huyện, thị xã, thành phố.

Tuy nhiên, theo kết quả công bố Chỉ số PAPI của tỉnh năm 2023, các chỉ số nội dung bị mất điểm, nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; thủ tục hành chính công; quản trị điện tử.

Ở chỉ số tham gia người dân ở cơ sở, điểm số giảm 0,11 điểm so năm 2022, vẫn nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất; giảm điểm tập trung ở các nội dung thành phần: Tham gia đóng góp ý kiến cho dự án xây mới/tu sửa công trình công cộng; biết về ban giám sát đầu tư cộng đồng đã giám sát việc thực hiện dự án xây mới/tu sửa công trình công cộng ở địa phương (cơ quan chủ trì là UBND cấp huyện).

Chỉ số công khai, minh bạch trong việc ra quyết định giảm 0,02 điểm, vẫn nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất, tập trung ở các nội dung thành phần: Thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước so với tỷ lệ cho biết thông tin họ nhận được là đáng tin cậy; tỷ lệ người trả lời cho biết danh sách hộ nghèo chưa xác đáng; tỷ lệ người trả lời biết đến kế hoạch sử dụng đất ở địa phương; trả lời cho biết bảng kê thu chi ngân sách ở xã/phường/thị trấn nơi họ cư trú được niêm yết công khai (cơ quan chủ trì là UBND cấp huyện).

Đối với chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân, nội dung thành phần bị giảm 0,10 điểm, vẫn nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất: Tiếp cận dịch vụ tư pháp (cơ quan chủ trì Văn phòng UBND tỉnh). Thủ tục hành chính công giảm điểm tập trung ở nội dung thành phần: Chứng thực/xác nhận; thủ tục hành chính cấp xã (cơ quan chủ trì Văn phòng UBND tỉnh). Quản trị điện tử tăng 0,37 điểm so năm 2022, nhưng các nội dung: Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; phúc đáp của chính quyền qua cổng thông tin điện tử của chính quyền còn rất thấp, là lý do dẫn tới nằm trong nhóm thấp nhất trong nhiều năm liền (cơ quan chủ trì Sở Thông tin và Truyền thông).

Theo Sở Nội vụ An Giang, nguyên nhân khách quan dẫn đến việc giảm điểm do đơn vị khảo sát tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm của PAPI trong năm 2023, như: Đánh giá mức độ công khai ngân sách nhà nước và sự tham gia của người dân vào chu trình ngân sách; đánh giá hiệu quả quản trị của địa phương trong việc công khai thông tin đất đai; đánh giá mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương trong năm 2023; bình đẳng giới trong lãnh đạo và quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số. (Baoangiang.com.vn 25/4, Hạnh Châu)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Tăng cường cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở

Luật Nhà ở có điểm mới là tăng cường cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực nhà ở để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Luật được sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm đơn giản hóa TTHC, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương quyết định và chịu trách nhiệm, hạn chế sự can thiệp vào quan hệ thị trường bằng công cụ quản lý hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp. Luật gồm 13 chương, 198 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Luật bỏ quy định về kế hoạch phát triển nhà ở hằng năm cấp tỉnh và việc lấy ý kiến Bộ Xây dựng khi xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; lược bỏ những nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở có sự trùng lặp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, hạn chế sự can thiệp vào quan hệ thị trường bằng công cụ quản lý hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp. Bãi bỏ quy định về công nhận chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở để thống nhất thực hiện theo Luật Đầu tư; bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú khi mua, thuê mua nhà ở xã hội, chỉ còn điều kiện về nhà ở và thu nhập.

Đối với trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, thu nhập, chỉ cần đúng đối tượng. Đồng thời, tiêu chí về thu nhập cũng không quy định cứng trong Luật mà do Chính phủ quy định để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như khả năng nguồn cung nhà ở xã hội trong từng thời kỳ.

Luật bổ sung quy định các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở và giao Chính phủ quy định chi tiết các giai đoạn đầu tư dự án xây dựng nhà ở trên cơ sở quy định của Luật Nhà ở và các luật có liên quan như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Xây dựng... Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện, các doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ cần căn cứ vào quy định là thực hiện được trình tự, thủ tục đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở do Nghị định đã tích hợp và quy định trình tự, thủ tục đầu tư phù hợp với Luật Nhà ở và các luật có liên quan. Việc giao Chính phủ quy định chi tiết bảo đảm linh hoạt hơn so với quy định cứng trong Luật Nhà ở, trường hợp các luật có thay đổi thì Chính phủ sửa đổi nghị định cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2023 đã hoàn thiện các quy định chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; tăng cường phát triển nhà ở theo dự án nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ hoạt động phân lô bán nền để hài hòa giữa yêu cầu quản lý và mục tiêu phát triển. Cụ thể, đối với khu vực đô thị, việc phát triển nhà ở chủ yếu được thực hiện theo dự án, có các cơ cấu loại hình, diện tích nhà ở phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đối với các khu vực còn lại thì căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể các địa điểm, vị trí phải phát triển nhà ở theo dự án. (Baobaclieu.vn 24/4, Hải Đăng) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nga bắt Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vì nghi tham nhũng quy mô lớn

RT dẫn lời Ủy ban Điều tra Nga (RIC) cho biết tối 23/4 (giờ địa phương), giới chức Nga đã tiến hành bắt giữ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Timur Ivanov với cáo buộc nhận hối lộ "quy mô lớn".

Động thái bắt giữ quan chức Ivanov diễn ra hết sức bất ngờ bởi chỉ vài giờ trước đó ông còn tham gia một cuộc họp cấp cao do Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu chủ trì.

"Thứ trưởng Quốc phòng Nga Timur Ivanov bị bắt vì tình nghi phạm tội nhận hối lộ theo khoản 6, điều 290 bộ luật hình sự Nga. Các hoạt động điều tra cần thiết đang diễn ra", Ủy ban Điều tra Liên bang Nga (SKR) ngày 23/4 thông báo.

Hiện SKR chưa công bố chi tiết về số tiền mà ông Ivanov đã nhận, nhưng truyền thông Nga đưa tin ông Ivanov bị nghi nhận hối lộ ít nhất 1 triệu Ruble (hơn 10.000 USD) và có thể đối mặt án tù 15 năm nếu bị kết tội.

Ông Ivanov, 48 tuổi, có thể là quan chức cấp cao nhất của Nga phải đối mặt với cáo buộc nhận hối lộ từ khi xung đột giữa nước này với Ukraine bùng phát tháng 2/2022. Ông Ivanov là ủy viên hội đồng nhà nước hạng 1, vị trí tương đương cấp bậc đại tướng và đô đốc trong quân đội Nga.

Một nguồn tin của hãng thông tấn TASS cho biết: "Cơ quan điều tra đã theo dõi vụ việc của ông Ivanov trong một thời gian dài, không phải từ hôm qua hay mới một tháng trước".

Thông tin mới nhất còn tiết lộ một số đồng phạm đã bị bắt cùng ông Ivanov. Một nghi phạm trong số đó đã phải trình diện trước tòa án ở Moscow hôm 24/4.

Danh tính người này được xác định là Sergey Borodin, từng được báo chí Nga nhắc đến 2 năm trước. Vào thời điểm đó, đại tá Sergey Borodin đã nhận tội trong một vụ án hình sự liên quan đến việc biển thủ những lô đất lớn thuộc sở hữu của quân đội Nga.

Ông Borodin đã đồng ý ra làm chứng chống lại những cá nhân khác có liên quan đến âm mưu phạm tội. Hành vi tham nhũng của những người này được cho là đã kéo dài hơn một thập kỷ và gây thiệt hại ít nhất 900 triệu Ruble. (VTV.vn 25/4)Về đầu trang./.

More

05