Bản tin cải cách hành chính ngày 07/3/2023

Font size : A- A A+

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1.        Từ 6/3, người dân Đà Nẵng có thể ngồi nhà đổi giấy phép lái xe

2.        Hà Nội: Xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả

3.        TP Bắc Giang: Hiệu quả của 200 camera giám sát vi phạm giao thông

4.        Đồng Tháp sẽ vận hành nền tảng chuyển đổi số nông nghiệp vào tháng 6/2023

5.        Thái Nguyên: Sinh viên phải có sổ đỏ của chủ nhà trọ mới được làm tạm trú

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

6.        Cục Đường bộ Việt Nam công bố ứng dụng tiếp nhận phản ánh của người dân

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

7.        Bộ Tài chính tập trung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

8.        Cải cách sao mà quá gian nan

9.        Kiểm định đầu vào công chức

THẾ GIỚI

10.     Pháp đối mặt ngày “Thứ Ba đen tối” vì tổng đình công toàn quốc chống cải cách hưu trí

 

 

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Từ 6/3, người dân Đà Nẵng có thể ngồi nhà đổi giấy phép lái xe

Sở Giao thông Vận tải TP.Đà Nẵng vừa thông báo về việc triển khai thí điểm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến cấp độ 4 đổi giấy phép lái xe. 

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.Đà Nẵng, người lái xe nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 4 tại địa chỉ https://dvc4.gplx.gov.vn, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến và đăng ký nhận kết quả tại nhà qua đường bưu điện hoặc nhận trực tiếp tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Giao thông Vận tải TP.Đà Nẵng. Thời gian tiếp nhận, giải quyết hồ sơ: Bắt đầu từ ngày 6.3.2022. 

Người dân có thể tham khảo tài liệu hướng dẫn được đăng tải trên trang tin điện tử của Sở Giao thông Vận tải tại địa chỉ https://sgtvt.danang.gov.vn, mục Thông tin - Hướng dẫn, dịch vụ công trực tuyến. 

Sở Giao thông Vận tải TP.Đà Nẵng khuyến khích tổ chức, công dân đăng ký sử dụng các dịch vụ công trực tuyến cấp 4 của Sở Giao thông Vận tải TP.Đà Nẵng trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố tại địa chỉ:  https://dichvucong.danang.gov.vn và dịch vụ công cấp 4 đổi GPLX tại địa chỉ: https://dvc4.gplx.gov.vn 

Việc nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng và đăng ký nhận kết quả tại nhà qua đường bưu điện giúp giải quyết thủ tục hành chính, tránh tình trạng xếp hàng, chờ đợi tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở. 

Đối với thủ tục liên quan đến lĩnh vực giấy phép lái xe chưa triển khai trên dịch vụ công trực tuyến (như cấp lại giấy phép lái xe bị mất, đổi giấy phép lái xe nước ngoài, đổi giấy phép lái xe cho người nước ngoài, đổi giấy phép lái xe do Bộ quốc phòng, Bộ Công an cấp...). (Laodong.vn 06/3, Mai Hương)Về đầu trang

Hà Nội: Xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả

Thời gian qua, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã triển khai nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của TP về đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc thực hiện cải cách tư pháp góp phần xây dựng nền hành chính ngày càng minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Sở Tư pháp đã tham gia góp ý dự thảo Thông tư của Bộ Tư pháp hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp; Thông tư của Bộ Tư pháp hướng dẫn về việ trí việc làm; Thông tư của Bộ Tư pháp quy định smã số, tiêu chuẩn và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý… 

TP đã thực hiện kiện toàn đội ngũ công chức, viên chức ngành Tư pháp cơ bản đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, có ý thức tổ chức kỷ luật, có trách nhiệm thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ của ngành. 

Trong năm 2022, TP đã triển khai quy trình công tác tuyển dụng công chức hành chính, trong đó có 08 chỉ tiêu ngành Tư pháp. Phê duyệt và tổ chức xét tuyển 01 chỉ tiêu công chức thuộc Sở Tư pháp, thuộc đối tượng được quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Sở Tư pháp đã tiếp nhận 03 công chức về làm việc tại Sở. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP về thực hiện CCHC, Sở Tư pháp cho biết, đơn vị đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về CCHC, kế hoạch kiểm tra CCHC phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và quán triệt, chỉ đạo triển khai tới 100% các phòng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc, thực hiện đồng bộ 06 nội dung cải CCHC, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tham mưu, quản lý Nhà nước về công tác tư pháp và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức trong giải quyết TTHC, thực hiện giao dịch hành chính.

Về công tác kiểm soát TTHC, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND TP ban hành Quyết định số 416/QĐ-UBND ngày 27/01/2022 về việc công bố danh mục 193 thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của TP Hà Nội trong lĩnh vực giám định tư pháp; Danh mục TTHC liên thông với Bộ Tư pháp được chuẩn hóa, bãi bỏ trong Lĩnh vực công chứng, luật sư; 

Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 27/01/2022 về việc phê duyệt các quy trình bộ giải quyết TTHC lĩnh vực tư pháp thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội gồm 192/193 quy trình nội bộ giải quyết TTHC; 01/193 TTHC là thủ tục miễn nhiệm giám đinh viên tư pháp, thuộc trách nhiệm tham mưu của các cơ quan chuyên môn chuyên ngành khác tham mưu. Theo đề nghị của Sở Tư pháp, TP đã phê duyệt phương án phân cấp TTHC với tỷ lệ đáp ứng trên 48% tổng số TTHC lĩnh vực tư pháp. 

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06); UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND và chỉ đạo Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-STP ngày 11/3/2022 thực hiện Đề án 06; 

Đã xây dựng, hoàn thiện 03 quy trình điện tử: Đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 2549/QĐ-UBND ngày 21/7/2022 về việc ban hành Quy trình: Đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử trên Cổng Dịch vụ công, Chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã, và chính thức vận hành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công TP từ ngày 10/9/2022. 

Bên cạnh đó, TP đã giao Sở Tư pháp xây dựng, hoàn chỉnh quy trình điện tử giải quyết thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, áp dụng thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp phê duyệt. 

Ngoài 04 Dịch vụ công trực tuyến nêu trên, TP tiếp tục chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức rà soát, đơn giản hóa, tái cấu trúc 108 quy trình điện tử giải quyết TTHC, thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (toàn trình, một phần) trên Cổng dịch vụ công TP. Bên cạnh đó, TP đã quyết liệt chỉ đạo toàn bộ các quận, huyện, thị xã triển khai việc chứng thực điện tử. (Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn 07/3, Bạch Dương)Về đầu trang

TP Bắc Giang: Hiệu quả của 200 camera giám sát vi phạm giao thông

Gần 200 camera giám sát an toàn giao thông và an ninh trật tự được lắp đặt tại các ngã ba, ngã tư và nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Bắc Giang, qua đó đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. 

Cụ thể trong ngày 6.3, thông qua hệ thống camera giám sát an ninh, Công an thành phố Bắc Giang đã phát hiện và thực hiện xử phạt “nguội” đối với 83 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó có 37 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, 12 trường hợp đè vạch kẻ đường, 2 trường hợp rẽ trái tại nơi có biển báo cấm rẽ trái, 32 trường hợp không đội mũ bảo hiểm. 

Thiếu tá Tôn Văn An - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông-trật tự (Công an TP.Bắc Giang) - cho biết thêm: "Đối với các trường hợp vi phạm là xe máy, khó xử lý phạt nguội, thông tin vi phạm được đăng tải công khai, khi các tổ công tác dừng xe nào để kiểm tra, Cảnh sát giao thông sẽ tra cứu nếu có cảnh báo phạt nguội thì sẽ tiến hành xử phạt. Ngoài ra, quá trình tuần tra lưu động, nếu phát hiện phương tiện vi phạm trong danh sách, sẽ tiến hành dừng xe, kiểm soát và xử lý". 

Theo ghi nhận, sau 2 tuần thực hiện xử lý phạt nguội tại TP.Bắc Giang, hầu hết người dân trên địa bàn TP Bắc Giang đều nhiệt tình hưởng ứng và có ý thức hơn trong việc tham gia giao thông từ đó văn hóa giao thông trên địa bàn được nâng cao. (Laodong.vn 07/3, Vân Trường)Về đầu trang

Đồng Tháp sẽ vận hành nền tảng chuyển đổi số nông nghiệp vào tháng 6/2023

Chiều ngày 6/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện đã chủ trì cuộc họp trực tuyến triển khai nền tảng chuyển đổi số (CĐS) nông nghiệp. Tại hội nghị, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp và Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác trên lĩnh vực CĐS ngành nông nghiệp. 

Sau khi ra mắt, các địa phương, đơn vị có liên quan sẽ tiến hành tập huấn kiến thức về nền tảng chuyển đổi số, hướng dẫn sử dụng phân hệ báo cáo định kỳ trên nền tảng, cung cấp tài khoản đến cán bộ cấp xã, cấp huyện và tỉnh để thực hiện nhiệm vụ cập nhật dữ liệu. 

Hiện nay, nền tảng chuyển đổi số nông nghiệp đã phát triển các tính năng như: Trực quan hóa số liệu báo cáo định kỳ lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi – thú y, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp, phát triển nông thôn. 

Trong đó có quản lý dữ liệu vị trí mã số vùng trồng, trạm giám sát côn trùng thông minh; quan trắc nước; số hóa các dữ liệu về truy xuất nguồn gốc; quản lý mật độ chăn nuôi bằng bản đồ; số liệu tiêm phòng vắc xin, kiểm soát giết mổ; quản lý ô bao, kênh rạch; thông tin hợp tác xã, hội quán, sản phẩm OCOP... 

Trước đó, từ ngày 14 - 21/11/2022, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tiến hành tập huấn kiến thức chuyển đổi số ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, đến nay các địa phương chưa triển khai việc nhập dữ liệu thống kê, báo cáo định kỳ vào nền tảng sau khi được tập huấn. 

Sau khi nghe nhiều ý kiến từ cán bộ cấp xã, huyện về ứng dụng phần mềm sau khi được tập huấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện, đề nghị sở NN&PTNT và Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam có giải pháp hướng dẫn cán bộ phụ trách cấp xã, cấp huyện thực hiện các bước báo cáo, các mẫu báo cáo… và tập trung giải quyết các khó khăn trong ứng dụng phần mềm để sớm ứng dụng tốt nền tảng CĐS này. 

Trong tháng 3/2023, ngành chức năng sẽ tổ chức tập huấn lại để các địa phương điều hành thực hiện ứng dụng nền tảng CĐS ngành nông nghiệp. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đây nền tảng mới nên bước đầu cập nhật dữ liệu sẽ có nhiều khó khăn, do đó đề nghị các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện, cố gắng đến tháng 4 tới sẽ vận hành thử nghiệm nền tảng trên phạm vi toàn tỉnh và dự kiến vận hành chính thức từ tháng 6 năm nay. (Mekongasean.vn 07/3, Thu Trang)Về đầu trang

Thái Nguyên: Sinh viên phải có sổ đỏ của chủ nhà trọ mới được làm tạm trú

Thời gian qua, nhiều sinh viên ngoại trú theo học trên địa bàn TP Thái Nguyên phản ánh gặp phiền hà, nhiêu khê khi đi làm thủ tục đăng ký tạm trú vì yêu cầu nộp photocopy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của chủ nhà trọ cho thuê. 

Em N.V.Th. là sinh viên năm 4 trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Thái Nguyên) và hiện thuê trọ trên địa bàn phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên cho biết: "Từ đầu năm đến nay, em và các bạn sinh viên ở khu trọ chưa thể đăng ký tạm trú. 

Trước đây, khi làm tạm trú chúng em chỉ cần điền mẫu thông tin chủ trọ đưa, nay khi đi ra địa phương làm tạm trú họ yêu cầu phải có cả sổ đỏ của chủ nhà trọ. Tuy nhiên, chủ trọ nơi em thuê mãi vừa rồi mới gửi photocopy sổ đỏ nên đến nay vẫn chưa đăng ký tạm trú được". 

Tương tự, em D.M.N. sinh viên trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên) bức xúc trước yêu cầu phải nộp sổ đỏ của chủ nhà trọ khi làm tạm trú. 

"Sinh viên trường em chủ yếu trọ ở khu vực phường Quang Trung (TP Thái Nguyên), sinh viên chúng em ai cũng bị yêu cầu phải nộp photocopy sổ đỏ công chứng của chủ trọ cho thuê khi ra phường làm tạm trú. Các bạn sinh viên dù thấy rất phiền hà nhưng phải làm vì nếu làm chậm sẽ bị trừ điểm rèn luyện" - N. thông tin.

Không chỉ sinh viên, ông L. chủ nhà trọ trên địa bàn phường Quang Trung cũng cho hay, việc yêu cầu sinh viên khi đi làm tạm trú phải cung cấp sổ đỏ và giấy phép xây dựng của chủ trọ khiến công dân gặp khó. 

"Nhiều chủ trọ thế chấp sổ đỏ trong ngân hàng để vay vốn làm ăn, khi địa phương yêu cầu bản photocopy công chứng làm tạm trú, họ bắt buộc phải lên ngân hàng xin sao lưu và có khi không được phía ngân hàng chấp nhận hoặc nếu có thì cũng mất nhiều thời gian, công sức" - ông L. nói. 

Ngày 6.3, trao đổi với Báo Lao Động, bà Lê Thị Hồng Liên - Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết, việc yêu cầu  công dân khi làm thủ tục đăng ký tạm trú có nộp sổ đỏ, giấy phép xây dựng của chủ nhà trọ để địa phương quản lý công dân trên địa bàn.  

Theo Chủ tịch UBND phường, điều này giúp phòng tránh tình trạng công dân khi đi làm tạm trú khai báo thông tin không trung thực về nơi ở. 

Tuy nhiên theo Luật Cư trú về hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm: Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. 

Và tài liệu này đã được quy định rõ tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 62/2021/NĐ-CP. Cụ thể, công dân đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu, trong đó không bắt buộc về tài liệu chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản gắn liền với đất. 

Thay vào đó, khi làm tạm trú, công dân có thể cung cấp giấy phép xây dựng đối với công trình được cấp phép và đã xây dựng xong; hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hoá giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước... (Laodong.vn 06/3, Nguyễn Tùng – Nguyễn Hoàn)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Cục Đường bộ Việt Nam công bố ứng dụng tiếp nhận phản ánh của người dân

Cục Đường bộ Việt Nam vừa tổ chức khai trương ứng dụng tiếp nhận thông tin góp ý, phản ánh của người dân về các vấn đề của ngành. 

Theo đó, người dân, doanh nghiệp khi muốn góp ý, phản ánh các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông đường bộ, mất an toàn kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải hay đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe và các vấn đề khác có thể sử dụng điện thoại thông minh tìm kiếm và cài đặt ứng dụng theo từ khóa: “DRVN - Cục Đường bộ Việt Nam". 

Ông Tô Nam Toàn - Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, trên ứng dụng sẽ tiếp nhận thông tin góp ý, phản ánh các vấn đề về an toàn giao thông; chất lượng dịch vụ vận tải; chất lượng, vướng mắc về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; chất lượng hạ tầng giao thông của người dân trên các tuyến đường qua nhiều hình thức khác nhau như ứng dụng mobile, tổng đài, email, ứng dụng Zalo, Facebook. 

“Hệ thống trung tâm thực hiện tiếp nhận, phân loại sự vụ theo lĩnh vực và chuyển đến các đơn vị chuyên ngành để thực hiện xử lý, lưu trữ theo quy trình. Sau đó kết quả xử lý thông tin góp ý phản ánh sẽ được thông báo đến người dân, doanh nghiệp” - ông Toàn cho hay. 

Ông Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho hay việc xây dựng và ra mắt ứng dụng nhằm cung cấp thêm kênh để người dân, tổ chức có thể phản ánh, góp ý với cơ quan quản lý. 

Ứng dụng sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức cho người dân và tổ chức. Qua ứng dụng, người dân cũng theo dõi, đánh giá được quá trình xử lý vấn đề đã phản ánh. 

“Việc ra mắt ứng dụng nhằm mục tiêu tăng mức độ hài lòng của người dân về giao thông vận tải tăng lên 80% sau 1 năm. Tỷ lệ xử lý phản ánh thông tin do người dân của cơ quan quản lý tốt lên 80%” - ông Cường cho hay. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 07/3, Trí Dũng)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Bộ Tài chính tập trung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên

Bộ Tài chính vừa ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 để thực hiện trong các đơn vị thuộc bộ. Theo đó, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. 

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu đã đặt ra, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định của Luật ngân sách Nhà nước (NSNN) trong tất cả các khâu: lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng, kiểm soát chi và quyết toán kinh phí NSNN. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và điều hành dự toán NSNN. 

Tiếp tục tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành và xử lý các công việc trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, qua đó tiết kiệm chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu…, chi phí đi lại, ăn ở của đại biểu. Thực hiện tốt quy định về chế độ chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo, chế độ tiếp khách trong nước và quốc tế; hạn chế phô trương, hình thức, tiếp khách tràn lan gây lãng phí NSNN. Thực hiện lồng ghép các nội dung, vấn đề, công việc cần xử lý để kết hợp tổ chức các cuộc họp hợp lý… 

Rà soát các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định để ưu tiên bố trí nguồn lực; cắt giảm các chương trình, dự án có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả. Tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng cường phân cấp và tăng cường tực chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ… 

Đặc biệt, Bộ Tài chính lưu ý thủ trưởng các đơn vị dự toán thuộc Bộ Tài chính sử dụng kinh phí NSNN chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực về quyết toán NSNN của đơn vị mình và có trách nhiệm thẩm định, xét duyệt quyết toán NSNN đối với đơn vị trực thuộc theo đúng quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc quyết toán chi NSNN không có khối lượng, không đúng thủ tục, sai nội dung; phát hiện và xử lý kịp thời trường hợp chi sai quy định. 

Đồng thời, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính phải điều hành, quản lý chi NSNN trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; thực hiện triệt để tiết kiệm toàn diện các nội dung chi, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên NSNN. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 06/3, Vân Hà)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Cải cách sao mà quá gian nan

Kể từ ngày 1-1-2023 sổ hộ khẩu đã không còn giá trị sử dụng, theo Luật Cư trú 2020; mọi thông tin cá nhân đều đã được tích hợp vào thẻ căn cước công dân gắn chip và người dân chỉ cần xuất trình thẻ căn cước này để chứng minh thông tin cư trú thay cho sổ hộ khẩu để làm thủ tục hành chính và các thủ tục xác minh nhân thân khác. 

Đây là một bước cải cách lớn, ứng dụng công nghệ số vào quản lý dân cư để tạo thuận tiện cho người dân cũng như khắc phục những bất cập của chế độ quản lý bằng sổ hộ khẩu. Thế nhưng, trong thực tế, khi không còn hộ khẩu thì nhiều cơ quan ở địa phương lại yêu cầu người dân phải có giấy xác nhận cư trú. Thuận tiện đâu chưa thấy mà chỉ rắc rối hơn! 

Đại diện Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an cho biết tình trạng trên là do “nhận thức chưa đủ” của cán bộ. Cũng theo vị đại diện này, qua kiểm tra trực tiếp “phần lớn các đơn vị thẩm quyền, chức năng tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng không thực hiện, mà vẫn yêu cầu công dân cung cấp giấy xác nhận cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch”. Việc này là “vi phạm pháp luật, cản trở công cuộc cải cách hành chính”. Ngoài ra còn một số lý do khác được nêu ra như chưa có máy quét mã căn cước công dân, chưa có hướng dẫn… 

Những gì đang diễn ra với việc bỏ sổ hộ khẩu cho thấy một thực tế là những nỗ lực cải cách từ cấp cao nhất của Nhà nước có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa như thế nào ở ngay cấp thừa hành thấp nhất – cấp gần dân và doanh nghiệp nhất. Nếu lý do là “nhận thức chưa đủ” để “vi phạm pháp luật, cản trở công cuộc cải cách hành chính” thì không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, những lý do mà phía ngân hàng cũng như cơ quan công chứng đưa ra để cho thấy thông tin tích hợp trong căn cước công dân còn thiếu, nên buộc phải có giấy xác nhận cư trú, là điều cần phải suy nghĩ. Ví dụ như khi làm hồ sơ thế chấp nhà đất để vay hay mua bán nhà đất thì phải xác minh tài sản chung của vợ chồng, của hộ gia đình, và loại thông tin này thì không thể cứ quét mã căn cước công dân là có. 

Việc nhiều cơ quan nhà nước địa phương có xu hướng bắt người dân phải cung cấp giấy xác nhận cư trú, thay vì những phương thức khác thuận tiện hơn, có thể do cán bộ “nhận thức chưa đủ” hay cố ý gây phiền hà, nhưng với các ngân hàng, cơ quan công chứng thì khả năng cao là thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đầy đủ. 

Nếu do cán bộ thiếu nhận thức, hoặc cố ý gây phiền hà thì Nhà nước cần xử lý nghiêm, nhất là khi tình trạng này còn xuất hiện ở khá nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh và các nhu cầu về thủ tục hành chính khác của người dân và doanh nghiệp. Nhưng nếu thiếu sót thuộc về hệ thống thông tin dữ liệu, do việc tổ chức thu thập dữ liệu chưa sát với yêu cầu thực tế thì phía Nhà nước cần rút kinh nghiệm và có hướng giải quyết sớm. 

Công nghệ số đang mở ra tiềm năng to lớn để cải cách hành chính. Nhưng nếu chỉ vì lý do nhận thức chưa đầy đủ mà ngay cả cấp thừa hành thấp nhất mà đã có thể vô hiệu hóa quy định mới của pháp luật một cách dễ dàng; hoặc vội vã áp dụng công nghệ vào cải cách mà thiếu chuẩn bị các nền tảng một cách đầy đủ và chi tiết thì công nghệ sẽ không thể phát huy tác dụng. (Thesaigontimes.vn 07/3)Về đầu trang

Kiểm định đầu vào công chức

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP (Nghị định 06) quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Với việc đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia thi tuyển công chức, Nghị định 06 được kỳ vọng góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao chất lượng đầu vào công chức, trên cơ sở công tác kiểm định bảo đảm minh bạch, khách quan và đúng pháp luật. 

Có hiệu lực thi hành từ ngày 10-4-2023, các thí sinh mong muốn thi tuyển công chức thực sự công bằng thêm phấn khởi khi Nghị định 06 tạo ra một thể chế khách quan, với việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào tách khỏi hội đồng thi tuyển, tránh tình trạng “tay nọ bỏ tay kia” như lâu nay. Hơn nữa, khi thực hiện kiểm định, các cơ quan quản lý nhà nước không phải tiến hành thi công chức hai vòng như hiện nay mà chỉ tổ chức một vòng thi nghiệp vụ chuyên ngành để tuyển dụng. Triển khai tốt công tác này sẽ tiết kiệm được nguồn lực, giảm bớt thời gian tuyển dụng, giúp các cơ quan, đơn vị chọn được người đủ tiêu chuẩn, điều kiện ở vị trí cần thiết. 

Thực hiện hiệu quả việc kiểm định đầu vào công chức được xem là một đột phá trong cơ chế tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Lợi ích của việc này thì đã rõ. Vấn đề ở chỗ cần bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng nhất, công khai, minh bạch, đánh giá thực chất kiến thức nền của mỗi thí sinh và quan trọng là đáp ứng tính hiệu quả trong tuyển dụng. Để làm tốt điều đó thì các cơ quan chức năng, nhất là những người trực tiếp tiến hành kiểm định cần quán triệt sâu sắc nguyên tắc được nêu rõ trong Nghị định 06: Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật. Các thông tin liên quan tới tuyển dụng phải được công bố rộng rãi, rõ ràng đến nhiều đối tượng trong xã hội, tạo thuận lợi cho nhân dân tham gia giám sát, tránh việc cố ý thu hẹp phạm vi người được thông tin nhằm mục đích vụ lợi, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Điều rất cần thiết là quan tâm những biện pháp đánh giá phẩm chất, nhân cách, thái độ công tác, tinh thần phục vụ của các ứng viên... 

Thực tiễn cho thấy, hoạt động tuyển dụng công chức được thực hiện hiệu quả không chỉ bổ sung cho vị trí khuyết thiếu mà còn tạo nền tảng nâng cao chất lượng đội ngũ thực thi công vụ. Trong những năm qua, hoạt động tuyển dụng công chức ở nước ta có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn không ít thách thức, tồn tại. Mặc dù nội dung thi tuyển công chức tương đối toàn diện nhưng chưa kiểm tra được toàn diện kỹ năng của người dự tuyển. Vấn đề nhức nhối là việc tuyển dụng công chức ở một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc. Ngoài hiện tượng chạy chọt thì vẫn còn tình trạng tuyển dụng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, gây tâm lý tiêu cực trong dư luận xã hội. Những tồn tại nêu trên cho thấy, việc kiểm định chất lượng đầu vào có ý nghĩa quan trọng trong đổi mới mô hình tuyển dụng công chức hiện nay.  

Để kiểm định đầu vào công chức tạo được đột phá, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trong quá trình thực hiện, kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện cách thức tiến hành, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để tuyển chọn người thực sự có đức, có tài từ nguồn tài nguyên nhân lực rộng lớn của xã hội. (Qdnd.vn 06/3, Đào Hồng)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Pháp đối mặt ngày “Thứ Ba đen tối” vì tổng đình công toàn quốc chống cải cách hưu trí

Trong thông báo cập nhật đưa ra ngày 6/3, Tổng công ty đường sắt quốc gia Pháp – SNCF cho biết, sẽ có khoảng 80% các chuyến tàu cao tốc và liên vùng tại Pháp bị huỷ trong ngày 7/3. 

Giao thông trên toàn bộ nước Pháp, đặc biệt là tại các sân bay, bên tàu và ở các thành phố lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một số cơ sở kinh tế quan trọng bị phong toả... nước Pháp có nguy cơ tê liệt trong ngày 7/3 khi tất cả các liên đoàn tại nước này kêu gọi tổng đình công toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay để phản đối dự luật cải cách hưu trí của chính phủ Pháp. 

Trong ngày 6/3, ngày kết thúc 2 tuần nghỉ Đông dành cho các học sinh từ tiểu học đến trung học tại Pháp, tổ chức tập hợp các công đoàn lớn nhất tại Pháp ra lời kêu gọi người lao động Pháp ngày 7/3 xuống đường nhiều nhất có thể, tổ chức nhiều cuộc biểu tình, đình công nhất có thể để nước Pháp ngừng hoạt động, qua đó gây sức ép buộc chính phủ Pháp nhượng bộ trong dự luật cải cách hưu trí. Các con số thăm dò dư luận tại Pháp nhận định, tổng số người biểu tình tại Pháp trong ngày 7/3 có thể sẽ vượt quá 2 triệu người, cao hơn số lượng người biểu tình cao nhất vào hôm 30/01/2023.  

Tổng thư ký Công đoàn lao động dân chủ – CFDT, tổ chức công đoàn lớn nhất tại Pháp, ông Laurent Berger khẳng định, chính phủ Pháp và đích thân Tổng thống Emmanuel Macron không thể hy vọng âm thầm thông qua dự luật cải cách hưu trí tại Quốc hội Pháp mà đã đến phải lúc phải lắng nghe sự phản đối của hàng triệu lao động đang biểu tình và phải đưa ra câu trả lời. 

Ông Laurent Berger nói: “Đây không phải là chuyện dự luật cải cách này chưa được giải thích rõ ràng, mà đây là một bất công xã hội, một sự bất bình đẳng, một sự phớt lờ thực tế lao động cụ thể và những người lao động đang bày tỏ tất cả những điều này một cách ôn hoà. Liệu chúng ta có muốn mọi thứ trôi qua âm thầm, như là một sự sắp xếp chính trị, một động thái chính trị được thông qua ở Quốc hội? Không, đây là một phong trào xã hội rộng lớn đang bày tỏ chính kiến và cần phải có một câu trả lời”. 

Dự luật cải cách hưu trí được chính phủ Pháp trình lên Quốc hội Pháp tranh luận cách đây gần 1 tháng và hiện đang được xem xét tại Thượng viện, trước khi đưa trở lại bỏ phiếu tại Quốc hội. Mặc dù đa số người dân Pháp phản đối dự luật cải cách hưu trí, trong đó trọng tâm là việc nâng tuổi về hưu lên 64 tuổi, nhưng chính phủ Pháp vẫn hy vọng dự luật này sẽ được thông qua với đa số phiếu tại Quốc hội nhờ sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng cánh hữu “Những người Cộng hoà” (LR). Ngoài ra, chính phủ của nữ Thủ tướng Elisabeth Borne cũng không loại trừ khả năng sử dụng điều 49.3 trong Hiến pháp của nước Pháp để thông qua dự luật này mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội.  

Tuy nhiên, các công đoàn cũng như hầu hết các đảng đối lập tại Pháp, đặc biệt là các đảng cánh tả, khẳng định sẽ phản đối đến cùng dự luật này và sẽ gây sức ép bằng các cuộc biểu tình, tổng đình công liên tiếp để buộc chính phủ Pháp nhượng bộ. (VOV.vn 07/3, Quang Dũng)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

More

05