Báo cáo tình hình công tác tuần từ ngày 05/9/2022 đến ngày 11/9/2022

Font size : A- A A+

1. Về công tác phòng chống dịch Covid-19:

Trong tuần vừa qua, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng, ghi nhận 238 ca mắc mới, trung bình 34 ca/ngày (tuần trước trung bình 31 ca/ngày). Tổng số ca nhập viện điều trị trong tuần là 25 (giảm 03 ca so với tuần trước). Trong tuần có 3 ca chuyển nặng.

Tổng số ca kết thúc điều trị trong tuần là 188 ca. Số bệnh nhân hiện đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở điều trị COVID-19: 24 người (Số BN nặng: 0). Trong tuần không ghi nhận thêm ca tử vong. Như vậy, tỷ lệ người mắc COVID-19 nhập viện và điều trị là 5,25%. Tỷ lệ điều trị tại nhà: 94,75%. Tỷ lệ tử vong 0,06%. Tỷ lệ BN điều trị khỏi 99,67%. Tỷ lệ BN đang điều trị tại nhà và tại các bệnh viện là 0,27%.

Ngành Y tế tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay, việc tiêm vắc xin phòng COVID - 19 chưa có quy định bắt buộc mà hoàn toàn phụ thuộc ý thức của mỗi người dân qua tuyên truyền vận động nên rất khó khăn trong việc thực hiện. Tỷ lệ tiêm vắc xin có tăng nhưng rất chậm. Tỷ lệ người được tiêm mũi nhắc lại lần 1; lần 2 và tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi còn thấp.

Cụ thể, đến 6h ngày 11/9/2022: Tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5- dưới 12 tuổi: đã tiêm ít nhất 1 mũi đạt tỷ lệ 80,91%; tiêm 2 mũi đạt 45,99%; Tỷ lệ người từ 12-17 tuổi tiêm đủ 02 mũi vắc xin COVID-19 đạt 100,00%; tiêm mũi nhắc lại đạt 38,51%; Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm 02 mũi vắc xin COVID-19 đạt 100,00%; tiêm mũi nhắc lại lần 1 đạt 62,87%; tiêm mũi nhắc lại lần 2 (theo số lượng đăng ký) đạt 80,10%.

2. Về kinh tế - xã hội:

* Công tác giải ngân vốn đầu tư công: Thực hiện Thông báo kết luận của đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Pham Bình Minh tại buổi làm việc với 02 địa phương Quảng Bình và Quảng Trị thuộc Tổ công tác số 1 để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, ngày 08/9/2022, UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu cho các Tổ công tác của UBND tỉnh thực hiện các nội dung chỉ đạo, tổng hợp những vướng mắc, gửi các Bộ, ngành có liên quan để được tháo gỡ trong quá trình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời làm việc với các bộ, ngành để bổ sung, giải trình, xử lý dứt điểm các kiến nghị, đề xuất của tỉnh.

* Kỳ họp thứ 7 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVIII: Ngày 09/9/2022, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp thứ 7 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Kỳ họp đã xem xét, thông qua 12 nghị quyết, trong đó có những nội dung quan trọng và thiết thực, phạm vi ảnh hưởng lớn, có vai trò hỗ trợ, tạo thêm động lực cho sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng đúng nguyện vọng, sự mong mỏi của đông đảo cử tri, Nhân dân trong tỉnh.

* Nông nghiệp:

- Trồng trọt: Cây lúa: Hiện đã cơ bản thu hoạch xong; Diện tích lúa đã thu hoạch 13.773 ha, năng suất dự ước 54 tạ/ha, sản lượng ước tính đạt 77.000 tấn. Còn một số diện tích trà muộn chưa thu hoạch xong khoảng 500 ha (Quảng Ninh 198 ha, Bố Trạch 200 ha, Tuyên Hóa 142 ha, Ba Đồn 30 ha, Đồng Hới 30 ha).

Ngày 06/9/2022, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp cụ thể để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn từ chiều tối ngày 07 - 08/9 theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh.

- Chăn nuôi- Thú y: Tình hình dịch bệnh tả lợn Châu Phi: Trong tuần không phát sinh lợn mắc bệnh. Hiện nay, có 4 xã/2 huyện chưa qua 21 ngày (Cao Quảng, Lê Hóa, Thạch Hóa - Tuyên Hóa; Trọng Hóa - Minh Hoá;). Lũy kế từ ngày 1/1/2022 đến ngày 08/9/2022, dịch bệnh DTLCP xảy ra tại 179 hộ/54 thôn/23 xã/4 huyện làm 1.642 con lợn buộc tiêu hủy với trọng lượng là 106.074kg. Ngành Nông nghiệp đang kết hợp với các địa phương triển khai hướng dẫn các giải pháp phòng dịch; tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin dịch bệnh cho người chăn nuôi…

- Thủy sản: Về khai thác thủy sản: đa số các tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi đang khai thác ngoài biển. Các tàu ven bờ khai thác bình thường, sản lượng đạt khá cao, sản phẩm khai thác chủ yếu là mực, cá nục.... Hiện giá dầu đã tăng mạnh và cao hơn giá xăng, trong khi giá dầu trước nay đều thấp hơn giá xăng rất nhiều, giá dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí chuyến biển của ngư dân, làm khó khăn trong việc khai thác thủy sản.

- Xây dựng Nông thôn mới: Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các Sở, ngành và địa phương rà soát các tiêu chí theo quyết định mới ban hành và xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Tuy nhiên đến nay vẫn không có xã nào tăng thêm tiêu chí do các tiêu chí còn lại đều là tiêu chí khó, cần thời gian dài triển khai cũng như chỉ tiêu của bộ tiêu chí mới cao hơn cũ. Hiện xã còn ít tiêu chí là Cao Quảng (3 tiêu chí) và xã nhiều tiêu chí nhất là Yên Hóa (7 tiêu chí). Nay đã bước vào mùa mưa, bão nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình. Hiện các xã, địa phương đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các công trình cũng như hoàn thành các tiêu chí còn lại.

Ngày 09/9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025.

* Tài nguyên và Môi trường: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 09/9/2022, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trong đó có việc chuẩn bị tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” để ban hành và tổ chức thực hiện ngay sau khi Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành.

         Ngày 07/9/2022, UBND tỉnh đã có chỉ đạo đối với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc triển khai các giải pháp cụ thể để tăng cường công tác  quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

         * Y tế: Theo báo cáo của Sở Y tế về thực trạng cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư y tế, hiện nay, có 4/8 bệnh viện trên địa bàn cơ bản đảm bảo nhu cầu điều trị do còn hóa chất, vật tư y tế theo kết quả lựa chọn nhà thầu cũ[1]; 4/8 bệnh viện đang thiếu hóa chất, vật tư y tế do chưa thể hoàn thiện quy trình xây dựng Dự toán mua sắm và kế hoạch lựa chọn nhà thầu[2]. Về cung ứng thuốc, hiện nay thuốc tân dược của các cơ sở trên địa bàn đang tiếp tục thực hiện hiện kết quả thầu tập trung năm 2021 và 06 tháng đầu năm 2022 nên cơ bản đảm bảo. Riêng việc cung ứng các vị thuốc cổ truyền hiện đang gặp nhiều khó khăn.

         Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 07/9/2022, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế. Các sở liên quan chủ động chỉ đạo việc tăng cường đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

* Du lịch: Trong tuần, lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Du lịch đã tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITE thành phố Hồ Chí Minh 2022 lần thứ 16. Tại hội chợ, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Bình cùng các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đã cung cấp thông tin, giới thiệu đến với khách tham quan nhiều sản phẩm độc đáo thông qua các ấn phẩm được thiết kế đẹp, các video, đồng thời mang đến hội chợ những chương trình giảm giá, kích cầu, các voucher khuyến mãi hấp dẫn cho du khách khi tìm hiểu thông tin, tham gia mini game tại gian hàng.

* Ngoại vụ: Ngày 06/9/2022, lãnh đạo UBND tỉnh đã tiếp xã giao bà Ariadne Feo Labrada, Tổng Lãnh sự Cu Ba tại Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Bình.

* Giáo dục và Đào tạo: Ngày 05/9/2022, toàn ngành (577 cơ sở giáo dục mầm non phổ thông và giáo dục thường xuyên) đã tổ chức lễ Khai giảng năm học mới với 245.689 học sinh và 18.720 cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên tham gia. Sau một năm không tổ chức do dịch COVID-19, lễ Khai giảng năm học 2022-2023 được các cơ sở giáo dục tổ chức với tinh thần gọn nhẹ, tiết kiệm nhưng đảm bảo trang trọng, tạo được không khí hân hoan, phấn khởi khích lệ giáo viên và học sinh bước vào năm học mới. Lãnh đạo tỉnh đã dự lễ Khai giảng tại 9 trường và thăm 9 trường nhân dịp Khai giảng năm học 2022-2023.

Trong tuần, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương để rà soát, bố trí và tham mưu UBND tỉnh các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các trường học trong toàn tỉnh.

3. Về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội:

Tiếp tục được giữ vững, ổn định. Nổi bật, phòng PC04 chủ trì, phối hợp với các phòng liên quan và Công an thành phố Đồng Hới phá thành công chuyên án về tổ chức, sử dụng, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy trong quán karaoke Thiên Đường II, liên quan 42 đối tượng.

Tai nạn giao thông đường bộ: 02 vụ, bị thương 03 người, thiệt hại tài sản 20,5 triệu đồng.

* Trong tuần, người dân xóm Hạ Trang, thôn Xuân Hạ, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa tiếp tục tập trung phản đối hoạt động xây dựng phía trước cổng nhà máy Clinker Văn Hóa. Sáng ngày 06/9/2022, UBND huyện Tuyên Hóa đã chủ trì tổ chức đối thoại. Tại hội nghị, đại diện các hộ dân đã có 19 ý kiến phát biểu và phản hồi nội dung của các cơ quan chức năng. Kết luận hội nghị, UBND huyện Tuyên Hóa đề nghị Nhà máy dừng các hoạt động chuẩn bị khởi công trạm nghiền xi măng; đưa vào vận hành hệ thống quan trắc tự động; nghiêm túc thực hiện 11 cam kết của chủ dự án đối với người dân; đồng thời đề nghị các sở, ngành liên quan rà soát, kiểm tra lại một số nội dung về quy trình, hồ sơ, các yếu tố đảm bảo môi trường khu vực nhà máy. Kết thúc hội nghị, người dân cơ bản đồng tình, hiện đã tự giác giải tán và dự kiến sẽ tự tháo dỡ lán trại trong thời gian tới.

Ngày 13/9/2022, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các, sở, ngành liên quan rà soát, kiểm tra các nội dung kiến nghị theo báo cáo kết quả đối thoại với người dân của UBND huyện Tuyên Hóa.

* Về việc giải quyết kiến nghị của các hộ dân tại thôn Áng Sơn, ngày 26/8/2022, UBND huyện Quảng Ninh đã tổ chức làm việc với các hộ dân thôn Áng Sơn, UBND xã Vạn Ninh, các ngành, đơn vị có liên quan và các nhà máy xi măng để giải quyết kiến nghị của các hộ dân. Tại buổi làm việc, UBND huyện đã thông tin cho các hộ dân về kết quả thực hiện các nội dung công việc như: Triển khai Dự án Khu tái định cư, thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng, các nhà máy xi măng triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn giao thông đối với các tuyến đường đi qua nhà máy xi măng.

* Liên quan đến Dự án đường ven biển đi qua địa bàn thôn Xuân Hòa, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan triển khai các giải pháp cụ thể để ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn (tuyên truyền; thường xuyên theo dõi tiến độ dự án đường ven biển đi qua địa bàn; gặp gỡ, làm việc với Giám mục Nguyễn Anh Tuấn, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, đất đai…).

4. Báo cáo tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, nhiệm vụ trọng tâm

* Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình:

- Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB):

+ Công tác bàn giao mốc GPMB: Đến nay, mốc GPMB đã được bàn giao với chiều dài L= 79,5km/80km (đạt 99,4%); còn 500m đoạn qua thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch chưa hoàn thành.

+ Công tác trích đo, kiểm đếm tại thực địa đối với các đoạn đã bàn giao mốc GPMB: Đã hoàn thành công tác đo đạc hiện trường 80km/80km chiều dài tuyến (đạt 100%); thực hiện kiểm kê tài sản trên đất được 79,51km/80km chiều dài tuyến (đạt 99,38%) (tăng 2,33km so với tuần trước).

+ Công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB: UBND các huyện, thị xã và thành phố đã tiến hành chi trả tiền bồi thường GPMB được 28,6/80km (đạt 35,8%).

- Công tác thi công xây lắp: Đang triển khai 12,1km/73,4km chiều dài phần đường toàn tuyến và 07cầu/21cầu toàn tuyến thuộc 06 gói thầu xây lắp trên 03 đoạn: Nam Ròon - Quảng Phúc (3 gói thầu: XL01, XL02, XL03), Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú (gói thầu XL04) và Hà Trung - Mạch Nước (02 gói thầu: XL05, XL06). Khối lượng thực hiện đến nay đạt 70,4 tỷ đồng/1.372 tỷ đồng giá trị hợp đồng (đạt tỷ lệ 5,13%) (tăng 3,6 tỷ đồng so với tuần trước).

- Về tình hình giải ngân: Năm 2022, Dự án được bố trí kế hoạch vốn 964,547 tỷ đồng; đến nay đã giải ngân được 376,802 tỷ đồng. Sở GTVT đang chỉ đạo Ban QLDA khẩn trương hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán các hạng mục công việc đã thực hiện hoàn thành.

* Công tác phối hợp triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình:

- Về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng GPMB các địa phương và kế hoạch thực hiện: UBND các huyện, thành phố, thị xã đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và Hội đồng GPMB để triển khai thực hiện.

- Công tác bàn giao mốc GPMB: Đến nay, mốc GPMB đã được bàn giao với chiều dài L= 125,86km/125,86km (đạt 100%).

- Về bàn giao tim tuyến: Đã bàn giao tim tuyến toàn tuyến với tổng chiều dài L= 125,86km/125,86km (đạt 100%).

- Công tác trích đo, kiểm đếm tại thực địa đối với các đoạn đã bàn giao mốc GPMB: Tính đến ngày 26/8/2022, các địa phương đã thực hiện trích đo hoàn thành 125,86/125,86km các đoạn đã được bàn giao mốc GPMB (đạt 100%); đã kiểm đếm tài sản trên đất được 115,1km/125,85km chiều dài tuyến (đạt 91,45%) (tăng 3,16km so với tuần trước).

* Tình hình triển khai 09 dự án trọng điểm khởi công trong năm 2021: Trong tuần có 02 dự án có cập nhật tiến độ giải ngân, cụ thể:

(1) Xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông và hệ thống hạ tầng khu vực Trung tâm Thành phố Đồng Hới: Dự án đã giải ngân 18,3 tỷ đồng/30 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022.

(2) Đường nối từ Quốc lộ 1A đến Quảng trường biển xã Ngư Thuỷ Bắc, huyện Lệ Thuỷ: Dự án đã giải ngân 40,3 tỷ đồng/ 70,9 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022.

* Tình hình triển khai 15 dự án trọng điểm khởi công mới trong năm 2022: Trong tuần, có 4 dự án có tiến độ thực hiện và cập nhật tiến độ giải ngân, cụ thể:

(1) Cầu Lộc Thủy-An Thủy và đường hai đầu cầu: Dự án đã giải ngân 29,4 tỷ đồng/29,4 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022.

 (2) Tuyến đường Phú Hải - Lương Ninh: UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt ĐTM. Dự án đã ký hợp đồng gói thầu xây lắp; đang trình thông báo thu hồi đất để thực hiện công tác kiểm đếm, lập phương án bồi thường GPMB, đợt 01: 67 hộ thuộc xã Lương Ninh.

(3) Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu Kinh tế Hòn La: Dự án đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; đang lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp. Về GPMB: đang thực hiện công tác trích đo địa chính và căm mốc GPMB, RPBM.

(4) Dự án Chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025: Dự án đã giải ngân 1,4 tỷ đồng/33,6 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022.

[1] BV Đa khoa TP Đồng Hới, BV Đa khoa khu vực Bắc QB, BV Đa khoa huyện Quảng Ninh, BV Đa khoa huyện Lệ Thủy.

[2] BV Đa khoa huyện Bố Trạch, BV Đa khoa huyện Tuyên Hóa, BV Đa khoa huyện Minh Hóa và BV Đa khoa Y dược cổ truyền.

Nguồn: Báo cáo số: 254/BC-UBND ngày 12/09/2022

More

05