Báo cáo tình hình công tác tuần từ ngày 25/6/2022 đến ngày 01/7/2022

Font size : A- A A+

1. Về công tác phòng chống dịch Covid-19:

Trong tuần vừa qua, ghi nhận 110 ca mắc mới, trung bình 15 ca/ngày (tuần trước trung bình 14 ca/ngày). Tổng số ca mắc từ đầu dịch đến 6h00 giờ ngày 03/7/2022 là: 127.679 ca. Tổng số ca nhập viện điều trị trong tuần là 12 (bằng số ca so với tuần trước). Trong tuần không có ca chuyển nặng, tổng số ca nặng từ đầu dịch đến nay là 299 ca.

Tổng số ca kết thúc điều trị trong tuần là 106, nâng tổng số bệnh nhân kết thúc điều trị đến thời điểm hiện tại: 127.476. Số bệnh nhân hiện đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở điều trị COVID-19: 14 người (Số BN nặng: 0). Trong tuần không ghi nhận thêm ca tử vong. Tổng số ca tử vong từ trước đến nay là 82 ca. Như vậy, tỷ lệ người mắc COVID-19 nhập viện và điều trị là 5,02%. Tỷ lệ điều trị tại nhà: 94,92%. Tỷ lệ tử vong 0,06%. Tỷ lệ BN điều trị khỏi 99,84%.

Hiện nay, các bệnh viện đã trở lại khám chữa bệnh bình thường, chỉ bố trí 01 khu vực riêng biệt trong khoa Truyền nhiễm để điều trị bệnh nhân COVID-19; đồng thời tăng cường công tác điều trị hậu COVID; phục hồi chức năng có liên quan hậu COVID-19, sẵn sàng phương án bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư, trang thiết bị… theo phương châm “bốn tại chỗ” để cung ứng kịp thời nếu dịch bùng phát trở lại (đặc biệt là thuốc kháng vi rút Molnupiravir).

Về công tác bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19, Ngành Y tế đang tiếp tục chỉ đạo triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi; tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại lần 1, lần 2 và tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi.

Kết quả đến 6h ngày 03/7/2022, tổng số liều vắc xin phòng COVID-19 đã được cấp: 1.789.908 liều, trong đó đã sử dụng: 1.747.492 (đạt 97,63%), còn tồn 42.416 liều. Tổng số liều tiêm được trong tuần: 47.192 liều. Đã tiêm vắc xin COVID-19 cho 54.145 trẻ em từ 5- dưới 12 tuổi, đạt tỷ lệ 47,08%; tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm 03 mũi vắc xin COVID-19: 91,71%.

Ngày 27/6/2022, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo chỉ đạo Sở Y tế và với các cơ quan, đơn vị; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tiêm chủng và sử dụng vắc xin phòng COVID19, khẩn trương tiếp nhận và sử dụng hiệu quả vắc xin, ưu tiên sử dụng trước vắc xin có hạn sử dụng ngắn, tránh để vắc xin hết hạn sử dụng, phải hủy bỏ, gây lãng phí ngân sách nhà nước.

2. Về kinh tế - xã hội:

* Lễ tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sỹ Trạm Thông tin A69: Sáng ngày 02/7/2022, tại Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia hang Lèn Hà, huyện Tuyên Hóa và Binh chủng Thông tin liên lạc đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sỹ Trạm Thông tin A69 (02/7/1972 - 02/7/2022). Buổi lễ được tổ chức nhằm tri ân, tưởng nhớ chiến công oanh liệt và sự hy sinh anh dũng của 13 cán bộ, chiến sỹ Trạm Thông tin A69 tại hang Lèn Hà.

* Công tác giải ngân vốn đầu tư công: Công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn 6 tháng đầu năm chủ yếu tập trung hoàn thành các thủ tục để triển khai thực hiện các dự án khởi công mới, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp. Các dự án trọng điểm triển khai đảm bảo theo kế hoạch đề ra. 6 tháng đầu năm đã tập trung phê duyệt kế hoạch ngân sách, hoạt động năm 2022, dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu để sớm triển khai thực hiện. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đến hết tháng 6 đạt 20,9%.

Trong tuần, UBND tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công: Ban hành văn bản đôn đốc thực hiện và giải ngân các dự án kế hoạch đầu tư công năm 2022, trong đó yêu cầu các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và đồng chí Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc chậm triển khai phân bổ số vốn kế hoạch năm 2022 còn lại và chậm giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Ngày 01/7/2022, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2022. Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài tại Quảng Bình, đến 30/6/2022, các dự án ODA trên địa bàn thực hiện và giải ngân từ nguồn vốn nước ngoài đạt khoảng 74.189 triệu đồng, đạt 6,37% so với số kế hoạch được giao.

* Nông nghiệp:

- Trồng trọt: Đến nay, các địa phương đã gieo trồng vụ Hè Thu với diện tích 14.294/14.600 ha, đạt 98% KH huyện đăng ký, bằng 94% cùng kỳ[1]. Mặc dù nguồn nước đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ Hè Thu 2022, Sở Nông nghiệp đã phối hợp với địa phương trong việc hướng dẫn người dân giảm chi phí sản xuất, vận động tích cực gieo trồng vụ Hè Thu, nhưng do giá vật tư nông nghiệp, dịch vụ đầu vào (xăng dầu) tăng cao nên diện tích gieo trồng không đạt kế hoạch đề ra.

Hiện nay, lúa trà đầu đứng cái - làm đòng, trà chính vụ giai đoạn đẻ nhánh rộ, trà muộn đẻ nhánh. Do đặc điểm lúa Hè Thu sinh trưởng trong điều kiện nắng nóng, nền nhiệt cao nhưng thu hoạch vào thời điểm có thể xảy ra mưa lũ đầu mùa, Sở Nông nghiệp sẽ theo dõi sát sao diễn biến thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo vụ Hè Thu cho kết quả tốt.

Thời tiết thuận lợi nên sâu bệnh phát triển tương đối mạnh[2],  Sở Nông nghiệp đã chỉ đạo đơn vị thường xuyên phối hợp với địa phương hướng dẫn phòng trừ sâu hại, thu thập rầy lưng trắng di trú trên lúa Hè Thu gửi mẫu phân tích bệnh lùn sọc đen.

Diện tích gieo trồng các cây Ngô, Lạc cũng giảm so với cùng kỳ (Ngô giảm 4%, Lạc giảm 6%). Các loại cây trồng khác: Đậu các loại 450 ha, tăng 5,6% cùng kỳ; Rau: 816 ha, gấp 4 lần cùng kỳ; Khoai lang: 225 ha, tăng 4% cùng kỳ; Vừng: 136 ha; Dưa hấu 40 ha (Bố Trạch).

-  Chăn nuôi - Thú y: Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi có xu hướng tăng, nguy cơ tiếp tục tái dịch và lây lan diện rộng tại các địa phương trong tỉnh là rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu nên khó khăn trong việc kiểm soát, khống chế dập dịch tuyệt đối. Cùng với đó, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn dịch bệnh; việc tuân thủ các quy định, hướng dẫn trong quá trình chăn nuôi của các hộ dân còn chưa cao; tác động bất lợi của thời tiết làm giảm khả năng đề kháng bệnh của vật nuôi, các mầm bệnh còn tồn dư trong môi trường dễ phát tán, gây bệnh. Nhân lực mỏng và thiếu, nguồn kinh phí hạn hẹp cũng khiến công tác phòng, chống dịch gặp không ít khó khăn.

Cụ thể: Trong tuần phát sinh 195 con lợn/35 hộ/7 xã/4 huyện với trọng lượng tiêu hủy là 12.868kg, tăng 124 con so với tuần trước, trong đó có xã Hóa Thanh, Dân Hóa - Minh Hóa, xã Sơn Hóa - Tuyên hóa và Trường Sơn - Quảng Ninh là các xã có dịch mới. Như vậy, hiện có 8 xã/4 huyện chưa qua 21 ngày[3].

Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo cán bộ địa bàn bám sát cơ sở, hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, khuyến cáo các địa phương về vắc xin Dịch Tả lợn Châu Phi để các địa phương chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời tiếp tục kêu gọi, khuyến khích người dân hợp tác liên kết với các công ty chăn nuôi để nuôi gia công, góp phần ổn định chăn nuôi và an toàn dịch bệnh.

- Thủy sản: Tuy giá xăng, dầu tăng cao nhưng thời tiết tương đối thuận lợi tạo điều kiện việc ra khơi đánh bắt, giá các mặt hàng hải sản ổn định, nhu cầu tiêu thụ tăng nên bà con ngư dân nỗ lực khắc phục khó khăn vươn khơi bám biển, duy trì sản xuất, sản lượng khai thác tăng so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác 06 tháng đầu năm đạt 39.415 tấn, tăng 3,4%CK (khai thác biển 37.776,8 tấn, tăng 4,1%CK, khai thác nội địa 1.638,3 tấn, tương đương CK).

Trong tháng 6, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các hộ nuôi tiếp tục thả giống cho vụ chính trong năm, đồng thời tiến hành thu hoạch đối với diện tích nuôi đạt kích cỡ thương phẩm. Giá tôm thương phẩm tại ao đối với tôm thẻ chân trắng kích cỡ 100con/kg có giá bán tại ao là 115.000 đồng/kg. Diện tích thả nuôi tháng 6 ước đạt 959 ha, tổng 6 tháng ước đạt 5.955ha, tăng 0,3% so với CK. Sản lượng nuôi trồng tháng 6 đạt 883,7 tấn, tăng 10% CK, tổng 6 tháng đầu năm 4.282,7 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

- Lâm nghiệp: Sản xuất lâm nghiệp từ đầu năm đến nay tương đối ổn định, thời tiết thuận lợi cho hoạt động trồng và chăm sóc rừng, hoạt động khai thác gỗ tăng trưởng tốt đáp ứng nhu cầu sản xuất. Thống kê sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trong tháng khai thác được 695,5ha, sản lượng 40.931,5m3, từ đầu năm đến nay khai thác 3.486,8ha, sản lượng 281.309,5m3, tăng 19% so với cùng kỳ, đạt 56%KH. Trong tháng triển khai trồng rừng được 361,58ha, lũy kế đến nay trồng được 2.909,45ha, tăng 1% cùng kỳ.

Về công tác PCCR: Hiện tại thời tiết đang trong đợt nắng nóng cao điểm, trong tháng xảy ra 01 vụ cháy rừng trồng tại huyện Lệ Thủy với diện tích 2,31 ha, trong đó diện tích rừng bị thiệt hại 1,66 ha (0,25 ha rừng sản xuất và 1,41 ha rừng ngoài quy hoạch).

Liên quan đến việc rừng phòng hộ Quảng Ninh bị lâm tặc chặt phá, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc đúng quy định, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 08/7/2022.

- Về xây dựng nông thôn mới: Trong tháng, UBND tỉnh đã có Quyết định chấp thuận chuyển xã Cảnh Hóa phấn đấu đạt chuẩn NTM sang năm 2023. Đối với 5 xã còn lại, trong tháng 6/2022, ngoài xã Cao Quảng chưa rà soát theo Bộ tiêu chí mới, 4 xã (Mỹ Trạch, Quảng Thạch, Tân Hóa, Yên Hóa) đều sụt giảm từ 3-5 tiêu chí/xã. Theo kết quả rà soát của 4 xã, xã còn ít tiêu chí chưa đạt nhất là xã Tân Hóa (còn 4 tiêu chí), xã còn nhiều tiêu chí chưa đạt là xã Mỹ Trạch (còn 8 tiêu chí). Các tiêu chí còn lại đều là tiêu chí khó như Y tế, Môi trường và ATTP, Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.

- Ngày 30/6/2022, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh đã có Công điện gửi các sở, ngành, địa phương yêu cầu triển khai một số nội dung công việc cụ thể để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 1.

* Thu ngân sách: Kết quả thu ngân sách lũy kế đến ngày 30/6 được 4.702,9 tỷ đồng, đạt 98,3% dự toán trung ương giao, 84 dự toán tỉnh giao. Nếu trừ thu tiền sử dụng đất thu được 1.401,8 tỷ đồng, đạt 54,3% dự toán trung ương giao, 52,8% dự toán tỉnh giao.

So với dự toán tỉnh giao năm: Có 7/15 khoản thu đạt và vượt tiến độ dự toán (50%) là thu từ khu vực DNNN, thuế TNCN, thuế SDĐPNN; tiền thuê đất; thu tiền SDD, xổ số kiến thiết, thu cấp quyền khai thác khoáng sản; còn lại 8 khoản thu chưa đạt tiến độ của dự toán năm.

* Du lịch: Nhờ sự duy trì kết nối thường xuyên với các thị trường khách du lịch, số lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng trưởng nhanh trong tháng 4, tháng 5, đặc biệt là tháng 6; lượng đặt phòng, đặt dịch vụ trong mùa hè năm 2022 rất lớn, đặc biệt là dịp cuối tuần. Các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên, các homestay, farmstay có vị trí đẹp, chất lượng dịch vụ tốt tại Phong Nha – Kẻ Bàng công suất dự kiến đạt hơn 90%. Các tour du lịch mạo hiểm, tour khám phá hang động được du khách chú ý và đặt kín chỗ hết năm 2022. 06 tháng đầu năm, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 549.442 lượt khách, tăng 2% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 164,4 tỷ đồng tăng 227% so với cùng kỳ.

* Công Thương: Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Bình năm 2022 đã bình chọn được 38 sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Hội đồng cũng đã chọn ra 16 sản phẩm có điểm bình chọn cao nhất để đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022 sẽ diễn ra tại tỉnh Nình Thuận trong tháng 8/2022.

* Giáo dục và Đào tạo: Trong tuần, Sở Giáo dục và Đào tạo duyệt tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông đối với các trường trên địa bàn tỉnh. Triển khai các nội dung công việc chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 vào ngày 06 đến 08/7/2022: Làm việc với Đoàn kiểm tra thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị cho Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 tại các Điểm thi; tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức coi thi, thanh tra thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.

* Y tế: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện rải rác một số ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết, nhiều bệnh nhân nhập viện điều trị với biểu hiện nặng. Ngành Y tế tỉnh đang tập trung triển khai các biện pháp để khống chế ngay tại những ổ dịch nhỏ, không để bùng phát trên diện rộng, kết hợp với truyền thông phòng chống dịch trong nhân dân.

3. Về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội:

Tiếp tục được giữ vững, ổn định. Nổi bật, trong tuần lực lượng công an đã phá chuyên án “231V”, mua bán trái phép chất ma túy, liên quan 02 đối tượng, thu giữ 508,112g ma túy tổng hợp.

Trong tuần, xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đường bộ, chết 01 người, bị thương 02 người (giảm 01 vụ, 01 người chết so với tuần trước).

Đuối nước xảy ra 05 vụ, 07 người chết, trong đó có 05 trẻ em.

4. Báo cáo tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, nhiệm vụ trọng tâm

* Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình:

- Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB):

+ Công tác bàn giao mốc GPMB: Đến nay, mốc GPMB đã được bàn giao với chiều dài L= 79,5km/80km (đạt 99,4%); còn 500m đoạn qua thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch chưa hoàn thành.

+ Công tác trích đo, kiểm đếm tại thực địa đối với các đoạn đã bàn giao mốc GPMB: Đã hoàn thành công tác đo đạc hiện trường 80km/80km chiều dài tuyến (đạt 100%); thực hiện kiểm kê tài sản được 60,51km/80km chiều dài tuyến (đạt 75,6%).

+ Công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB: UBND các huyện, thị xã và thành phố đã tiến hành chi trả tiền bồi thường GPMB được 3,58/80km (đạt 4,5%) (tăng 0,97km so với tuần trước).

 - Công tác thi công xây lắp:

+ Đoạn Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú (gói thầu Xây lắp 04): Cầu Sông Dinh đã thi công hoàn thành mố M1, trụ T1, 05/05 cọc khoan nhồi trụ T2, 05/05 cọc khoan nhồi trụ T3, 05/05 cọc khoan nhồi trụ T4, 01/05 cọc khoan nhồi trụ T5, 05/05 cọc khoan nhồi trụ T6 và 16/35 phiến dầm I33m (tăng 06 cọc và 04 dầm so với tuần trước); triển khai thi công cấu kiện đúc sẵn, đắp nền đường 1,2km.

+ Đoạn Hà Trung - Hải Ninh (gói thầu Xây lắp 05): Đang triển khai thi công đoạn 1,9km đã được bàn giao mặt bằng và bãi đúc dầm các cầu tại Km3+390 và Km5+100.

+ Đoạn Hải Ninh - Mạch Nước (gói thầu Xây lắp 06): Tại cầu Km30+576 đã thi công xong 05/05 cọc khoan nhồi mố M1, 03/03 cọc khoan nhồi trụ T1, 05/05 cọc khoan nhồi  mố M2 và 07 phiến dầm (tăng 04 cọc và 02 dầm so với tuần trước); tại cầu Km28+671 đã thi công xong 05/05 cọc khoan nhồi mố M1 và 03/03 cọc khoan nhồi trụ T1 và 05/05 cọc khoan nhồi mố M2 (tăng 04 cọc so với tuần trước).

+ Đoạn Nam Ròon - Quảng Phúc: Đang thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu thi công các gói thầu xây lắp: XL01 và XL02.

- Về tình hình giải ngân: Năm 2022, Dự án được bố trí kế hoạch vốn 964,547 tỷ đồng; đến nay đã giải ngân được 237,906 tỷ đồng (tăng 7,681 tỷ đồng so với tuần trước). Sở GTVT đang chỉ đạo Ban QLDA khẩn trương hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán các hạng mục công việc đã thực hiện hoàn thành.

* Công tác phối hợp triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình:

- Về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng GPMB các địa phương và kế hoạch thực hiện: UBND các huyện, thành phố, thị xã đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và Hội đồng GPMB để triển khai thực hiện.

- Công tác bàn giao mốc GPMB: Đến nay, mốc GPMB đã được bàn giao với chiều dài L= 125,86km/125,86km (đạt 100%) (tăng 0,49km so với tuần trước).

- Về bàn giao tim tuyến: Đã bàn giao tim tuyến toàn tuyến với tổng chiều dài L= 125,86km/125,86km (đạt 100%).

- Công tác trích đo, kiểm đếm tại thực địa đối với các đoạn đã bàn giao mốc GPMB: Đã thực hiện trích đo hoàn thành 119,8km/125,86km các đoạn đã được bàn giao mốc GPMB (đạt 95,19%) (tăng 11,6km so với tuần trước); đã kiểm đếm tài sản trên đất được 50,03km/125,85km chiều dài tuyến (đạt 39,75%).

- Đối với các công trình xây dựng, cơi nới trong phạm vi dự án: Trong phạm vi dự án hiện còn 64 hộ có công trình xây dựng cơi nới; trong đó, Đoạn Vũng Áng - Bùng còn 50 hộ, Đoạn Bùng - Vạn Ninh còn 01 hộ và Đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ còn 14 hộ.

* Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải-Tiểu dự án thành phố Đồng Hới (Dự án vay vốn WB): Đến ngày 30/6/2022 tổng giá trị giải ngân dự án đạt: 423,287 tỷ đồng, đạt 32,7% (trong đó vốn ODA là: 357,181 tỷ đồng (IBRD: 88,361 tỷ đồng; IDA: 268,820 tỷ đồng); Vốn đối ứng: 66,106 tỷ đồng). Tổng vốn thực hiện các hoạt động năm 2022: 468,363 tỷ đồng. Giải ngân đến ngày 30/6/2022 đạt 29.277 triệu đồng, đạt 6,25%.

* Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới (Dự án vay vốn ADB): Đến ngày 30/6/2022 tổng giá trị giải ngân dự án đạt 214,925 tỷ đồng, đạt 24,89%, trong đó vốn ODA 114,030 tỷ đồng; vốn đối ứng 100,895 tỷ đồng. Tổng vốn thực hiện các hoạt động năm 2022: 221,511 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 30/6/2022 đạt 15.739 triệu đồng, đạt 7,11%.

* Tình hình triển khai 09 dự án trọng điểm khởi công mới năm 2021: Trong tuần, có 01 dự án có tiến độ thực hiện, cụ thể:

(1) Tuyến đường liên xã phía tây thị trấn Đồng Lê: Dự án đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu gói thầu số 2. Về công tác GPMB: Hiện đã hoàn thành công tác trích đo địa chính, kiểm đếm, quy chủ, áp giá, mới công khai phần thu hồi trên địa bàn xã Sơn Hóa, chuẩn bị công khai phần thu hồi thuộc địa bàn TT Đồng Lê).

* Tình hình triển khai 15 dự án trọng điểm khởi công mới trong năm 2022: Trong tuần, có 04 dự án có tiến độ thực hiện, cụ thể:

(1) Dự án thành phần 2: Cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu

Dự án đã hoàn thành các nội dung công việc: Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vị trí nút giao với QL1A; bổ sung quy hoạch điểm đấu nối vào QL1A; thỏa thuận khẩu độ thông thuyền qua Cầu; thỏa thuận tĩnh không cầu với Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng.

Về công tác lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi Đầu tư xây dựng: Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông - Bộ GTVT đã có thông báo kết quả thẩm định số 1746/CQLXD-DAĐT1 ngày 22/6/2022. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp nghe ý kiến đóng góp của các Sở, Ban ngành ngày 24/6/2022 và trình Sở GTVT thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án ngày 28/6/2022.

Về công tác GPMB: Đã hoàn thành cắm mốc GPMB. Đang triển khai công tác trích đo địa chính, hoàn thiện các thủ tục để trình UBND tỉnh phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì họp và đã có Báo cáo số 355/BC-MTTQ-BTT ngày 27/5/2022 tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư khu vực dự án.

 (2) Hạ tầng tuyến đường chính từ Trung tâm huyện Quảng trạch kết nối với Tỉnh lộ 22: Hiện nay, Dự án đã có Quyết định phê duyệt nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đang chuẩn bị mở thầu tài chính. Về công tác GPMB: Đơn vị tư vấn đã tiến hành thực hiện công tác trích đo địa chính, cắm mốc phạm vi giải phóng mặt bằng phục vụ công tác thu hồi đất, GPMB dự án, hiện chưa có hồ sơ trích đo thu hồi đất nên chưa triển khai được các bước tiếp theo.

(3) Tuyến đường Phú Hải - Lương Ninh: Dự án đã có Quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình, Quyết định phê duyệt Hồ sơ mời thầu xây lắp. Sở TN&MT đã có thông báo thẩm định ĐTM, hiện đang tiến hành chỉnh sửa, bổ sung, trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ ĐTM. Về công tác GPMB, đang tiến hành họp dân để ký hồ sơ trích đo.

(4) Dự án Trung tâm văn hóa huyện Tuyên Hóa: Hiện đang tổ chức đấu thầu tư vấn thiết kế bước lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Công tác GPMB chưa triển khai.

[1] (Quảng Trạch 3.200/3.280 ha, Quảng Ninh 3.060/3.300 ha, Ba Đồn 2.186/2.100 ha, Bố Trạch 2.203/2.300 ha, Lệ Thủy 1.177/1.199 ha, Tuyên Hóa 1.173/1.150 ha, Đồng Hới 756/804 ha, Minh Hoá 539/476 ha).

[2] trong đó Chuột 117 ha (tuần trước 82,5 ha), tỷ lệ 2 - 3%; Rầy lưng trắng 90 ha (Tuần trước 70 ha), mật độ rầy phổ biến 50 -100 con/m2.

[3] (Phù Hóa-Quảng Trạch; Cao Quảng, Thạch Hóa, Sơn Hóa-Tuyên Hóa; Hóa Sơn, Hóa Thanh, Dân Hóa-Minh Hóa; Trường Sơn-QN).

Nguồn: Báo cáo số: 174/BC-UBND ngày 04/07/2022

More

05