Chi tiết tin - Văn phòng UBND tỉnh
Bản tin Cải cách hành chính ngày 15/9/2023
1. Nhân rộng các mô hình, sáng kiến trong cải cách thủ tục hành chính
2. Quảng Trị: Yêu cầu cần quy định cụ thể thời gian xử lý công việc
3. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: “Không vì một số cán bộ mà làm mất niềm tin của nhân dân”
4. Cải thiện Chỉ số PCI: Tuyên Quang quyết không để “trên nóng, dưới lạnh”
5. Thái Bình: Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tòa án
6. Trà Vinh: Công khai số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp
7. Ứng dụng bản đồ số vào quản lý thuế - lợi ích nhiều phía
8. Chuyển đổi số ngành Giao thông để phục vụ người dân tốt hơn
9. Đài Loan áp dụng chính sách e-visa mới cho du khách Việt Nam
10. Bình Thuận: Đến năm 2026 sẽ tinh giản gần 2.000 biên chế
11. Chuyện “phạt nguội” và ví dụ điển hình về xử lý văn bản pháp luật
CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG
Nhân rộng các mô hình, sáng kiến trong cải cách thủ tục hành chính
Ngày 14-9, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 10611/VP-KSTTHC về việc thông tin một số mô hình, sáng kiến trong công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Văn phòng UBND thành phố tổng hợp các mô hình gửi các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu, lựa chọn áp dụng những mô hình, sáng kiến phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại đơn vị, góp phần đem lại hiệu quả tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn năm 2023 và những năm tiếp theo.
Mục đích, nhằm đẩy mạnh công tác kiểm soát thủ tục hành chính, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và cải cách thủ tục hành chính của thành phố Hà Nội năm 2023, đặc biệt là nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của thành phố; trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện các sáng kiến, mô hình đã áp dụng thành công tại một số đơn vị trên địa bàn thành phố. (Hanoimoi.com.vn 14/9, Hiền Thu)Về đầu trang
Quảng Trị: Yêu cầu cần quy định cụ thể thời gian xử lý công việc
Những năm gần đây, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Quảng Trị sụt giảm thứ bậc.
Đơn cử gần đây nhất là năm 2022, chỉ số SIPAS đạt 76,43%, xếp thứ 55/63 tỉnh thành, giảm 9 bậc so với năm 2021; chỉ số PAPI đạt tổng điểm 41,7742, xếp thứ 37/63 tỉnh thành, giảm 0,634 điểm so với năm 2021 và tụt 9 bậc (thuộc nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình thấp trong cả nước); chỉ số PCI chỉ đạt 61,26 điểm, giảm 2,07 điểm so với năm 2021, xếp hạng thứ 59/63 tỉnh thành, giảm 18 bậc so với năm 2021. Riêng chỉ số PAR INDEX đạt 82,70% (82,7/100 điểm), xếp thứ 52/63 tỉnh thành, tăng 1 bậc so với năm 2021 và thuộc nhóm B.
Trước tình hình các chỉ số sụt giảm và đạt ở mức thấp so với các tỉnh, thành phố trong nước, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị nhằm phân tích, đánh giá, tìm nguyên nhân, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện.
Mới đây là ngày 4/8/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 165-KH/UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ của Ban cán sự đảng UBND tỉnh về quyết tâm thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025.
Kế hoạch số 165 đưa ra mục đích, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp một cách đồng bộ và khá đầy đủ, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể tổ chức thực hiện đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo đó, có những nội dung chính: tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; thực hiện đồng bộ 6 nhiệm vụ cải cách hành chính: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính chuyên nghiệp, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử; nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh.
Trao đổi về Kế hoạch 165, nhiều ý kiến quan tâm đến nội dung thuộc phần cải cách thủ tục hành chính, đó là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND các cấp theo hướng sâu sát, cụ thể, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”.
Trên cơ sở kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị phải đưa ra những quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, thời gian. Thực hiện đúng “6 rõ” nói trên trong giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là “rõ thời gian”. Làm được điều này sẽ góp phần cải thiện các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh trong thời gian tới. (Baoquangtri.vn 15/9, Hải Lâm)Về đầu trang
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: “Không vì một số cán bộ mà làm mất niềm tin của nhân dân”
“Để có một Hà Tĩnh như ngày hôm nay đã có rất nhiều thế hệ cha anh phải hy sinh xương máu, công lao của nhân dân và những người lãnh đạo tiền nhiệm rất lớn, không thể vì một số cán bộ mà đánh mất niềm tin của nhân dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải chia sẻ trong khi trao đổi với báo Công lý.
Theo ông Hải: Cải cách hành chính hết sức quan trọng, Hà Tĩnh đã có rất nhiều cách làm hay và đạt hiệu quả cao. Đặc biệt về lĩnh vực an ninh, tất cả các số đường dây nóng của Chủ tịch tỉnh, Phó Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Công an Tỉnh… đều được công bố để người dân phản ánh, tin báo kịp thời. Sự vào cuộc nghiêm túc, chỉ đạo quyết liệt giải quyết các phản ánh, tin báo từ người dân đã tạo ra được sự đồng thuận mạnh mẽ, người dân hết sức tin tưởng.
Đối với bà con nhân dân, Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh, công lao của người dân hết sức to lớn, biết bao thế hệ đã hy sinh xương máu cho đất nước nên không vì một số cán bộ “lệch lạc” mà để mất niềm tin của nhân dân. Do vậy khi tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng, bản thân Chủ tịch tỉnh sẽ chuyển ngay cho Chủ tịch huyện, từ huyện sẽ giao xuống xã, yêu cầu giải quyết…
“Sau một thời gian công bố số điện thoại cá nhân làm số đường dây nóng, tôi thấy rất mừng vì các cuộc điện thoại, tin nhắn của bà con đang có sự thay đổi lớn từ “phản ánh” sang “cảm ơn”. Có thể nói rằng đã có sự chuyển biến rất tích cực, rõ nét ở tất cả các cấp, các lĩnh vực đặc biệt như: địa chính, tư pháp, hải quan, thuế, Công an, Biên phòng… khi làm việc và tiếp xúc với người dân.
“Mình làm thật, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân, người đứng đầu, phụ trách. Tiếp đó, tổng hợp các nội dung tin nhắn, điện thoại của người dân phản ánh hay cảm ơn liên quan đến đơn vị đó, lấy đó làm một phần trong tiêu chí xét thi đua hàng năm của các đơn vị. Đơn vị nào có phản ánh nhiều, tồn đọng nhiều vụ việc, để người dân “kêu” nhiều thì Chủ tịch huyện, xã đó không hoàn thành nhiệm vụ”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hải, đầu tiên là cho cán bộ tự sửa mình, để bắt kịp với người dân, không sách nhiễu nhân dân, gây khó dễ với nhân dân…Tiếp đó là không được vòi vĩnh người dân.
Tuy nhiên cũng có một số người dân chưa chưa chấp hành pháp luật, làm khó cơ quan chức năng vì lợi ích sai trái của cá nhân. Ví dụ như, mặc dù là đất vườn vì sợ mất tiền thuế khi chuyển đổi qua đất ở lại không làm, đến khi dự án Cao tốc Bắc – Nam đi qua lại đòi đền bù với giá đất ở. Các cấp đã giải thích nhưng vẫn cố tình không nghe, thưa kiện, phản ánh vô căn cứ…Đồng thuận với người dân nhưng tất cả phải thượng tôn pháp luật.
Có thể nói rằng, trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính ở Hà Tĩnh đã tạo nên những chuyển biến sâu sắc về nhận thức cũng như hành động của cán bộ, đảng viên, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nhà đầu tư và các tầng lớp nhân dân. Công tác cải cách hành chính đã làm thay đổi diện mạo nền hành chính của tỉnh, hướng tới phục vụ nhân dân, gắn với lợi ích của nhân dân trong từng giai đoạn cụ thể. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của nhân dân, Hà Tĩnh sẽ phát huy được sức mạnh tổng thể để thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu đã đề ra. (Congly.vn 15/9, Gia Ân - Bá Mạnh)Về đầu trang
Cải thiện Chỉ số PCI: Tuyên Quang quyết không để “trên nóng, dưới lạnh”
Năm 2013, từ một tỉnh ở cuối bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Tuyên Quang đã nỗ lực xây dựng, triển khai các giải pháp và có 8 năm liên tiếp tăng điểm vươn lên nằm trong top khá của cả nước. Tuy nhiên năm 2022, Chỉ số PCI của tỉnh tụt giảm từ vị trí 29 xuống vị trí 52, về nhóm cuối của bảng xếp hạng Chỉ số PCI. Điều này cho thấy việc cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh có những vấn đề cần phải có giải pháp khắc phục một cách thấu đáo, đồng bộ.
Mặc dù quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục tăng trong những năm gần đây, tuy nhiên Chỉ số PCI lại giảm sâu. Kết quả này khiến các ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang không khỏi băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng, số lượng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh được tham gia khảo sát liệu có thể đại diện hết và chưa phản ánh đầy đủ ý kiến của DN. Tuy nhiên, kết quả công bố vẫn là một căn cứ có tính tham khảo để tỉnh nghiêm túc nhìn nhận rõ hơn về thực trạng chính sách hỗ trợ DN, chất lượng điều hành kinh tế, từ đó tìm ra những phương hướng cải thiện hiệu quả.
Đối với nhiệm vụ cải thiện Chỉ số PCI, trong công tác chỉ đạo điều hành thời gian qua là rất quyết liệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 02-CT/TU về đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; UBND tỉnh hàng năm cũng đã xây dựng Kế hoạch chi tiết, có lộ trình về nâng cao Chỉ số PCI. Vấn đề còn lại là cần phải thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan, đơn vị chính quyền, cán bộ công chức tận tâm, trách nhiệm với tinh thần "đồng hành cùng doanh nghiệp".
Gần đây nhất, ngày 29-8, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 - 2024. Mục tiêu năm 2023 Chỉ số PCI của tỉnh tăng từ 20 bậc trở lên trong bảng xếp hạng PCI của cả nước, trở lại nhóm các tỉnh có điểm số khá. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo tất cả 10 chỉ số thành phần phải có sự cải thiện. Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp cụ thể đối với 6 chỉ số bị giảm điểm như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch, Tính năng động và tiên phong của chính quyền, Chi phí thời gian, Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai. Đặc biệt, cải thiện mạnh mẽ đối với 2 chỉ số thành phần có trọng số lớn nhưng bị giảm điểm gồm: Chính sách hỗ trợ DN và Tính năng động và tiên phong của chính quyền.
Theo đó, UBND tỉnh đặt ra yêu cầu: Chính quyền minh bạch, cán bộ công chức tận tâm, trách nhiệm với tinh thần "đồng hành cùng DN". Đội ngũ cán bộ, công chức phải thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ; giao tiếp với người dân và DN trên tinh thần "hỗ trợ - lắng nghe - thân thiện - nhiệt tình". Quyết tâm đẩy mạnh cải cách TTHC, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ bưu chính công ích; Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết công việc. Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt. Thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ người dân và DN đi vào thực chất và hiệu quả, tránh thực hiện hình thức.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết, qua những chỉ số giảm điểm, sở, ngành nào có liên quan thì cần phải có trách nhiệm phân tích kỹ các nguyên nhân của đơn vị mình để có giải pháp sớm khắc phục. Trong đó, đặc biệt phải nhanh chóng nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ tại Bộ phận Một cửa các cấp; các sở, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch, triển khai các dự án, giúp cộng đồng DN tiếp cận nhanh hơn với các thông tin chỉ đạo, điều hành và chủ trương, chính sách của tỉnh; tăng cường tổ chức gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Các sở, ngành, huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện các giải pháp cụ thể, kịp thời chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu DN, tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội cho DN vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ phát triển bền vững. (Baotuyenquang.com.vn 15/9, Thanh Phúc)Về đầu trang
Thái Bình: Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tòa án
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động chuyên môn, công tác quản lý của hệ thống tòa án, tỷ lệ xét xử, chất lượng thẩm phán của tòa án nhân dân (TAND) hai cấp thời gian qua được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
4 vụ án hình sự liên quan đến các tội danh mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy và trộm cắp tài sản vừa được TAND thành phố Thái Bình xét xử theo hình thức phiên tòa trực tuyến.
Phiên tòa được tiến hành đúng thủ tục tố tụng, diễn ra thuận lợi, công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, tiết kiệm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, các yêu cầu về bảo đảm chất lượng hình ảnh và âm thanh, an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu theo quy định được các đơn vị thực hiện đầy đủ.
Theo bà Nguyễn Thị Linh Nga, Chánh án TAND thành phố Thái Bình: Đây là một trong nhiều nỗ lực của đơn vị trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động cả về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý, điều hành cũng được TAND thành phố tích cực triển khai có hiệu quả thông qua việc sử dụng các phần mềm nội bộ dùng chung trong hệ thống tòa án để quản lý và thống kê, phần mềm trợ lý ảo... nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược chuyển đổi số, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động của TAND hai cấp.
Cùng với TAND thành phố Thái Bình, các đơn vị của ngành tòa án cũng tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động. Ông Phạm Văn Thịnh, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Việc ứng dụng CNTT trong công tác được TAND hai cấp trên địa bàn triển khai trên quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm cùng mục tiêu lấy hiệu lực, hiệu quả hoạt động và lợi ích của người dân, doanh nghiệp và xã hội làm thước đo để đánh giá kết quả.
Thông qua đó, góp phần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức tòa án, quyết định đến sự thành công trong thực hiện chiến lược chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai xây dựng tòa án điện tử theo tinh thần cải cách tư pháp.
Cùng với từng bước đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, TAND hai cấp đã quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức, phát động các phong trào thi đua khơi dậy sự sáng tạo, đổi mới phương thức làm việc bảo đảm hiệu quả.
Các phần mềm nội bộ dùng chung trong hệ thống tòa án như: thống kê các loại án, công bố bản án, quản lý cán bộ công chức, số hóa hồ sơ, phần mềm trợ lý ảo thẩm phán... được TAND hai cấp triển khai ứng dụng đồng bộ, hiệu quả theo hướng dẫn của TAND tối cao.
Nhờ ứng dụng CNTT, các bản án, hồ sơ được cập nhật, số hóa, sắp xếp lưu trữ dữ liệu có hệ thống, theo từng loại án, từng năm, phục vụ tốt hơn cho công tác khi có yêu cầu. Hệ thống phần mềm văn bản quản lý điều hành của TAND được sử dụng hiệu quả trong công tác nhận và gửi các văn bản, tài liệu giữa nội bộ ngành và giữa ngành với các cơ quan, đơn vị khác.
Việc thống kê, tổng hợp được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp điện tử và số liệu được cập nhật thường xuyên, liên tục hàng tuần giúp lãnh đạo cơ quan, đơn vị chủ động nắm bắt tình hình thụ lý, tiến độ giải quyết các loại vụ việc, giám sát thực hiện thời hạn tố tụng của các thẩm phán, đánh giá chất lượng xét xử.
Cùng với đó, Cổng thông tin điện tử của TAND tỉnh cũng tích hợp nhiều ứng dụng giúp người dân, cơ quan tổ chức tiện liên hệ công việc như: nộp đơn và tra cứu kết quả giải quyết đơn trực tuyến, đăng ký, cấp sao bản án trích lục, công bố các bản án, quyết định... (Vietnamnet.vn 15/9, Trịnh Cường)Về đầu trang
Trà Vinh: Công khai số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Trà Vinh đã công khai số điện thoại đường dây nóng 02943746681 và hộp thư điện tử banquanlykkt@travinh.gov.vn của đơn vị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Viễn Phương, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Trà Vinh cho biết, việc công khai số điện thoại đường dây nóng và hộp thư điện tử của đơn vị với mục đích phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế trong thi hành công vụ; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, gây phiền hà về tinh thần, thái độ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan.
Cùng với sự tiếp nhận, lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Trà Vinh sẽ hỗ trợ tư vấn, giải quyết những thắc mắc, yêu cầu của doanh nghiệp về thủ tục hành chính, pháp lý, các chương trình, chính sách ưu đãi đầu tư, doanh mục dự án đầu tư… với thời gian nhanh nhất thông qua số điện thoại đường dây nóng và hộp thư điện tử. (TTXVN/Bnews.vn 15/9, Phúc Sơn)Về đầu trang
LĨNH VỰC CẢI CÁCH
Ứng dụng bản đồ số vào quản lý thuế - lợi ích nhiều phía
Ngành Thuế xác định việc đẩy mạnh chuyển đổi số không chỉ để nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp và người dân. Do đó, ngành Thuế đang tiếp tục xây dựng, triển khai các ứng dụng “Bản đồ số về hộ kinh doanh”, “Bản đồ số về mỏ khoáng sản”, “Bản đồ số về giá đất, giá chuyển nhượng bất động sản” để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Với phương châm “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, những năm qua, ngành Thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, nhiệm vụ chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Vì vậy, thời gian qua ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, đến nay ngành Thuế đã xây dựng và đưa vào vận hành ứng dụng “Bản đồ số hộ kinh doanh”, để nâng cao hơn hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Cụ thể, ngày 20/7 vừa qua, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 3026/TCT-DNNCN, gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hướng dẫn triển khai các chức năng của ứng dụng “Bản đồ số hộ kinh doanh”.
Hay gần đây nhất ngày 1/8 vừa qua, Tổng cục Thuế đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức thuế và hoàn thiện ứng dụng “Bản đồ số hộ kinh doanh”, để triển khai ứng dụng trên cả nước. Chức năng “Bản đồ số hộ kinh doanh” được triển khai trên ứng dụng eTax Mobile giúp cho cơ quan thuế quản lý người nộp thuế một cách trực quan, nắm bắt tốt địa bàn nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống sót hộ, chống thất thu ngân sách.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, “Bản đồ số hộ kinh doanh” cũng là ứng dụng tăng cường vai trò giám sát của người dân và giữa các hộ kinh doanh với nhau, nhằm tạo công bằng, minh bạch trong kinh doanh. Được biết, lộ trình triển khai “Bản đồ số hộ kinh doanh” sẽ được ngành Thuế thực hiện 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 triển khai từ ngày 1/8/2023 đến hết ngày 31/12/2023. 5 cục thuế được triển khai trong giai đoạn 1 gồm: Hà Nội, Bình Định, Long An, Thanh Hóa, Hòa Bình.
Giai đoạn 2, từ ngày 1/2/2024 đến hết ngày 28/2/2024, ngành Thuế sẽ triển khai đến 58 cục thuế còn lại. Trong giai đoạn này, chức năng “Bản đồ số hộ kinh doanh” sẽ đáp ứng cho cơ quan thuế thực hiện việc tra cứu, rà soát và hiệu chỉnh thông tin sai lệch (nếu có) của thông tin công khai hộ kinh doanh năm 2024.
Từ 1/3/2024, ứng dụng này sẽ tiếp tục đáp ứng cho việc tra cứu và phản hồi thông tin của hộ kinh doanh, người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác.
Cùng với việc đưa ứng dụng “Bản đồ số hộ kinh doanh” vào quản lý thuế, ngành Thuế cũng đang xây dựng “Bản đồ số về mỏ khoáng sản” và “Bản đồ số về giá đất, giá chuyển nhượng bất động sản”, vào quản lý thuế.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng ứng dụng “Bản đồ số các mỏ khoáng sản”. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 15/9, Hồng Vân)Về đầu trang
Chuyển đổi số ngành Giao thông để phục vụ người dân tốt hơn
Giao thông vận tải là lĩnh vực gắn liền trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc chuyển đổi số thành công ở lĩnh vực này sẽ giúp người dân và doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), một số kết quả nổi bật có thể kể đến là dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe (GPLX), chuyển đổi số cảng biển, thu phí tự động không dừng, chuyển đổi số trong đăng kiểm...
Với dịch vụ công đổi GPLX do ngành Giao thông cấp, Bộ GTVT đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm sạch dữ liệu GPLX và kết nối dữ liệu khám sức khỏe. Từ đây, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc từ tháng 11/2022. Đến nay, trung bình mỗi tháng có hơn 5.000 GPLX được đổi theo hình thức trực tuyến, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí.
Trước tình trạng quá tải đăng kiểm do một số trung tâm phải ngừng hoạt động và do việc thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm ứng dụng triệt để công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân đăng ký, xếp lịch đăng kiểm, gia hạn tự động kỳ đăng kiểm... Hiện tại, Bộ GTVT cũng đang đẩy mạnh kinh tế số trong lĩnh vực hàng hải thông qua việc thúc đẩy chuyển đổi số tại các cảng biển.
Hoạt động này giúp các doanh nghiệp khai thác cảng quản lý, điều hành khai thác hiệu quả hơn; điều động phương tiện, thông quan hàng hóa nhanh chóng. Điều này giúp kéo giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đến nay, hệ thống thu phí điện tử không dừng đã được triển khai rộng khắp trên cả nước, với hơn 5,6 triệu xe được dán thẻ, giúp người dân tham gia giao thông nhanh chóng, an toàn và minh bạch trong công tác quản lý.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu giải pháp định danh điện tử phương tiện tham gia giao thông cũng như quy định về tài khoản giao thông để mở rộng cung cấp dịch vụ giao thông khác cho phương tiện như: thu phí vào nhà ga, bến bãi, thu phí sử dụng cảng biển, thu phí đăng kiểm… hướng tới mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong giao thông.
Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu xây dựng kiến trúc tổng thể về giao thông thông minh, làm cơ sở để triển khai hệ thống này một cách đồng bộ trên hệ thống đường cao tốc, kết nối với các hệ thống điều hành của đường vành đai và nội đô, phục vụ công tác quản lý giao thông và cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông. Đã có 7/21 tuyến cao tốc được đầu tư, lắp đặt. Tuy nhiên, phần lớn các dự án xây dựng đường cao tốc hiện nay đều có hợp phần xây dựng hệ thống ITS để quản lý, điều hành giao thông.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, chương trình chuyển đổi số Bộ GTVT lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Vì vậy khi chuyển đổi số thành công, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, chuyển đổi số là vấn đề thay đổi nhận thức và phương thức quản lý từ truyền thống sang ứng dụng toàn diện công nghệ số. Vì vậy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách sâu rộng trong toàn ngành, đưa chuyển đổi số trở thành thành phần hữu cơ trong mọi hoạt động quản lý của Bộ GTVT có vai trò quan trọng.
Nhận thức phải được chuyển biến trong kiến tạo thể chế phát triển và quản lý các mô hình kinh doanh vận tải và dịch vụ logistics mới, xây dựng chính sách chú trọng sử dụng công nghệ số cho tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ GTVT.
Phát triển chính phủ số theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu cho mọi hoạt động nghiệp vụ, sử dụng dữ liệu số cho việc tự động hóa ra quyết định và hỗ trợ ra quyết định; tập trung xây dựng các hệ thống phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí, nguồn lực xã hội.
Đẩy mạnh, phát triển các hệ thống giao thông thông minh cho tất cả các lĩnh vực, ứng dụng các thành tựu tiên tiến về khoa học công nghệ cho quản lý và điều hành giao thông; phát triển nền kinh tế số thông qua cải cách phương thức quản lý, ứng dụng các công nghệ số để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ vận tải và giảm chi phí logistics.
Bộ GTVT đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn mạng đến năm 2025 và kế hoạch từng năm. Nhiệm vụ được đã được giao cụ thể, rõ ràng đến các đơn vị... (Baogiaothong.vn 15/9, Trí Dũng)Về đầu trang
Đài Loan áp dụng chính sách e-visa mới cho du khách Việt Nam
Thông tin từ văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, chính sách visa điện tử (e-visa) dành cho công dân Đông Nam Á khi sang Đài Loan du lịch được điều chỉnh.
Cụ thể, kể từ ngày 14-9, du khách Việt Nam sử dụng visa tân tiến của Hàn Quốc và Nhật Bản để xin e-visa nhập cảnh Đài Loan sẽ không được chấp nhận.
Các visa đã được chấp nhận trước đó vẫn có thể sử dụng cho đến khi hết hạn. Quy định thay đổi trên chỉ áp dụng duy nhất cho du khách Việt Nam, các nước Đông Nam Á khác vẫn áp dụng chính sách như cũ.
Như vậy, những du khách và gia đình đã có visa tân tiến Nhật, Hàn khi muốn đi du lịch Đài Loan sẽ không thể áp dụng e-visa có kết quả ngay mà bắt buộc phải chuyển sang hình thức nộp và xét duyệt hồ sơ. Thời gian xét duyệt có thể lên tới 8 ngày.
Đại diện công ty lữ hành cho biết, theo chính sách mới này khách đăng ký tour một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ giảm đi do một số khách đi du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ nhằm mục đích có visa tân tiến với mục đích nhập cảnh Đài Loan.
Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty lữ hành ở Việt Nam và thị trường du lịch những tháng cuối năm và lâu dài. Tuy nhiên, đối với du khách đã có visa Mỹ (không bị đóng dấu cancel) hoặc visa Úc (còn thời hạn) vẫn có thể khai e-visa để vào Đài Loan như cũ. (Plo.vn 14/9, Linh Phương)Về đầu trang
QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
Bình Thuận: Đến năm 2026 sẽ tinh giản gần 2.000 biên chế
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa ban hành Kế hoạch quản lý, sử dụng biên chế của hệ thống chính trị tỉnh giai đoạn 2024 - 2026.
Theo đó, giai đoạn 2024-2026, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước của tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế từng năm đảm bảo đến hết năm 2026 bằng số biên chế được Bộ Chính trị giao.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức, yêu cầu, tỷ lệ giảm biên chế công chức, viên chức.
Kết quả thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Kế hoạch giai đoạn của tỉnh và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cụ thể, tổng số biên chế tinh giản của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội giai đoạn 2023 - 2026 là 114 biên chế.
Đối với chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, Tổng số biên chế tinh giản giai đoạn 2023 - 2026: 1.808 biên chế.
Ngoài tinh giản, sẽ bổ sung 40 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2023 - 2024 (của giai đoạn 2022 – 2026).
Đối với 2.552 cán bộ, công chức cấp xã thực hiện theo Nghị định số 33/2023 của Chính phủ và giảm tương ứng theo lộ trình giảm các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2022 - 2026.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng biên chế của cả hệ thống chính trị của tỉnh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương, định kỳ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Trung ương Đảng theo quy định.
Hằng năm báo cáo kết quả công tác quản lý biên chế và đề xuất kế hoạch sử dụng biên chế của năm tiếp theo của khối chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước gửi về Ban Thường vụ Tỉnh ủy để báo cáo Trung ương. (Plo.vn 15/9, Phương Nam)Về đầu trang
PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN
Chuyện “phạt nguội” và ví dụ điển hình về xử lý văn bản pháp luật
Với cơ chế hiện nay, việc xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với luật, hiến pháp... vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Hiện nay, việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được thực hiện theo cơ chế tự rà soát. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức phát hiện thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét và đề nghị chủ thể ban hành tự rà soát. Ví dụ, người dân thông tin cho HĐND tỉnh để HĐND tỉnh nắm bắt, đưa vào giám sát văn bản của UBND tỉnh. Trong quá trình giám sát thì đề nghị UBND tỉnh tự sửa đổi, bãi bỏ, nếu không thì HĐND tỉnh sẽ trực tiếp xử lý. Tuy nhiên, xưa nay rất hiếm việc cơ quan hành chính cấp trên hay cơ quan dân cử xử lý văn bản của cơ quan hành chính.
Một ví dụ điển hình là Quyết định 210/2004 và Quyết định 240/2004 của UBND TPHCM quy định thủ tục xử phạt qua hình ảnh một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại TP (người dân thường gọi là phạt nguội).
Đây là thủ tục xử phạt được cho là rất mới mẻ, mang tính cách mạng và rất hiện đại. Tuy nhiên, Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) có văn bản gửi UBND TP.HCM vì cho rằng hai quyết định này có dấu hiệu trái luật và yêu cầu UBND TPHCM phải tự xử lý” hai văn bản này. Ngược lại, UBND TPHCM đề nghị giữ nguyên hiệu lực của hai quyết định. Tuy nhiên, trước áp lực báo cáo bộ trưởng và Thủ tướng xử lý nên UBND TPHCM đã phải “tự xử lý” hai văn bản này.
Có thể thấy rằng Quyết định 210/2004 và Quyết định 240/2004 chính là “những văn bản không nằm trong khuôn khổ chung”. Những sáng kiến này của TP.HCM chưa được hoan nghênh mà trái lại, bị rằng buộc bởi nguyên tắc tập trung nên dễ bị xem là hành vi “xé rào”. Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 238/2006 quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông được coi là một giải pháp đúng đắn nhằm đáp ứng nhu cầu khách quan trên. Sau đó, Bộ Công an ban hành Thông tư 11/2007 hướng dẫn thực hiện Quyết định 238/2006 nói trên của Thủ tướng. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để TPHCM triển khai việc xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh.
Và sau đó, ngày 26-10-2007, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 127/2007 về xử phạt một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân theo Quyết định 238/2006 của Thủ tướng Chính phủ. (Plo.vn 15/9, Tiến sĩ Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật - ĐH Quốc gia TP.HCM) Về đầu trang./.
- Bản tin Cải cách hành chính ngày 14/9/2023 (14/09/2023)
- Bản tin Cải cách hành chính ngày 13/9/2023 (13/09/2023)
- Bản tin Cải cách hành chính ngày 12/9/2023 (13/09/2023)
- Bản tin Cải cách hành chính ngày 11/9/2023 (11/09/2023)
- Bản tin Cải cách hành chính ngày 08/9/2023 (08/09/2023)
- Bản tin Cải cách hành chính ngày 07/9/2023 (07/09/2023)
- Bản tin Cải cách hành chính ngày 06/9/2023 (06/09/2023)
- Bản tin Cải cách hành chính ngày 05/9/2023 (05/09/2023)
- Bản tin Cải cách hành chính ngày 31/8/2023 (31/08/2023)
- Bản tin Cải cách hành chính ngày 30/8/2023 (30/08/2023)