Bản tin Cải cách hành chính ngày 14/9/2023

14:43, Thứ Năm, 14-9-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1.        Bí thư Cần Thơ: Phiếu tín nhiệm cao nhưng công việc không hiệu quả thì vẫn xem xét thay thế

2.        Hà Nội tích cực tiếp nhận, xử lý vi phạm giao thông qua Zalo

3.        Xã tiên phong dùng mã QR làm đường dây nóng ở Hà Tĩnh

4.        Xây dựng thành phố Sơn La trở thành đô thị thông minh

5.        Quảng Ninh: Cục Hải quan đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

6.        Thừa Thiên-Huế: Tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

7.        Bộ Tài chính đã bãi bỏ 33 thủ tục hành chính không cần thiết

8.        Từ 15/9, Cảnh sát giao thông trực hệ thống camera giám sát 24/24h

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

9.        Hà Nội: Giảm 2.377 viên chức mỗi năm trong giai đoạn 2024-2026

 

 

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Bí thư Cần Thơ: Phiếu tín nhiệm cao nhưng công việc không hiệu quả thì vẫn xem xét thay thế

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy về kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023.

Theo báo cáo, trong 9 tháng qua, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy chỉ đạo triển khai toàn diện công tác tổ chức xây dựng Đảng. Sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý.

Trong công tác cán bộ, thành phố đã có hơn 6.800 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước. Có 70 cán bộ thuộc diện BTV Thành ủy quản lý được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển.

Ban Tổ chức Thành ủy cũng tham mưu BTV Thành ủy chỉ đạo thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên, đến nay đã kết nạp được 1.444 đảng viên, đạt hơn 90% kế hoạch năm; tham mưu BTV Thành ủy triển khai kế hoạch tổ chức Giải Báo chí về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) thành phố Cần Thơ lần thứ II năm 2023…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu lưu ý, Ban Tổ chức Thành ủy tiếp tục tham mưu BTV Thành ủy thực hiện tốt các quy định của T.Ư và chỉ đạo của Thành ủy về công tác tổ chức xây dựng Đảng và công tác tổ chức cán bộ.

Tiếp tục rà soát và tham mưu BTV Thành ủy phân bổ biên chế của các cơ quan trong hệ thống chính trị hợp lý; tham mưu thực hiện tốt việc xây dựng đội ngũ cán bộ thành phố đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trong đó, cần quan tâm công tác đào tạo, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ; ưu tiên và có giải pháp nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ và cán bộ trẻ làm lãnh đạo, quản lý, bởi hiện nay tỷ lệ cán bộ nữ và cán bộ trẻ của thành phố chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu. Sớm tham mưu BTV Thành ủy bổ sung cán bộ các chức danh lãnh đạo của các sở, ban, ngành còn thiếu...

Bí thư Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu Ban Tổ chức Thành ủy rà soát kết quả lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu BTV Thành ủy kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ. Thậm chí, những nơi có lãnh đạo, quản lý đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng công việc ở đó không trôi chảy, không hiệu quả thì vẫn phải đưa vào diện xem xét để kiện toàn, thay thế. Đây cũng là việc làm rất cần thiết để khắc phục tình trạng cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, nhằm chuẩn bị tốt đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của nhiệm kỳ tới… (Tienphong.vn 14/9, Cảnh Kỳ)Về đầu trang

Hà Nội tích cực tiếp nhận, xử lý vi phạm giao thông qua Zalo

Nhằm huy động sự vào cuộc tổng thể, nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị-xã hội, quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm vi phạm trật tự, an toàn giao thông, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 16/5/2023 về xây dựng và phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Đây là việc cần thiết để xây dựng và phát động một phong trào vận động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, nhận diện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông làm cơ sở cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý; từ đó, tạo thói quen chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, tiến tới xây dựng văn hóa giao thông an toàn ở Thủ đô.

Có thể nói đây là sáng kiến nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở Thủ đô. Theo đó, với vai trò là cơ quan thường trực, lực lượng Công an Thành phố tập trung xử lý các hành vi vi phạm: Xe ô-tô khách chở quá số người quy định; đón trả khách không đúng nơi quy định; xe ô-tô tải chở quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; hoạt động không đúng thời gian quy định (bao gồm cả xe chở rác); xe ô-tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc; ô-tô, xe máy lạng lách, đánh võng…

Công an thành phố Hà Nội giao Phòng Cảnh sát giao thông triển khai trang mạng xã hội Zalo (Official Account) với tên gọi “Phòng Cảnh sát giao thông” tiếp nhận các thông tin phản ánh của nhân dân; đồng thời, tổ chức tuyên truyền rộng rãi, tạo hiệu ứng răn đe, phòng ngừa xã hội.

Người dân khi phát hiện các hành vi vi phạm có thể ghi nhận bằng hình ảnh, clip, phản ánh trực tiếp qua số điện thoại 024.3942.4451 hoặc tài khoản Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội".

Trong quá trình thực hiện bảo đảm an toàn, bí mật về danh tính của người cung cấp thông tin; kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, tích cực trong tham gia phong trào; xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng phong trào để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực…

Lực lượng chức năng cũng sẽ xử lý nghiêm minh, quyết liệt những trường hợp vi phạm, đồng thời có thông báo kết quả xử lý công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo hiệu ứng răn đe, phòng ngừa chung.

Những ngày đầu triển khai tiếp nhận thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua trang Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội”, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, chỉ sau hai tuần tiếp nhận thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố qua Zalo và đường dây nóng 0243.942.4451, đã có khoảng gần chục nghìn lượt người theo dõi, tương tác.

Trang Zalo Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cũng đã nhận được gần 400 tin phản ánh về vi phạm giao thông, trong đó có hàng chục tin đủ điều kiện xác minh xử lý; tiếp đó là các tin phản ánh về tổ chức giao thông, hỏi hướng dẫn thủ tục đăng ký xe...

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới, tiếp tục tăng cường ứng trực, tiếp nhận thông tin của người dân để bảo đảm giao thông thông suốt. Ngoài tiếp nhận thông tin từ người dân, đơn vị vẫn kiểm soát tình hình giao thông qua hệ thống camera giám sát và tuần tra, kiểm soát. (Nhandan.vn 13/9, Thái Dương)Về đầu trang

Xã tiên phong dùng mã QR làm đường dây nóng ở Hà Tĩnh

Với việc tích hợp tiếp nhận phản ánh của người dân vào trang thông tin điện tử và quét mã QR kết nối đến lãnh đạo địa phương, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) hi vọng nâng cao chất lượng phục vụ người dân khi giao dịch hành chính.

Xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thời gian qua, UBND xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) đã tập trung đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trên cơ sở phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả.

Đặc biệt, để kịp thời phát hiện các “điểm nghẽn” trong quá trình giao tiếp, phục vụ người dân khi giao dịch hành chính, xã Lưu Vĩnh Sơn đã nghiên cứu và xây dựng thành công mô hình tích hợp tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân vào trang thông tin điện tử xã và quét mã QR kết nối đến nhóm quản trị qua zalo.

Theo đó, đơn vị đã thiết lập một mã QR cho phép người dân khi quét mã có thể gửi các kiến nghị, thắc mắc cho lãnh đạo UBND xã về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức xã, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính và các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính. Để đảm bảo độ bảo mật, nhóm quản trị chỉ bao gồm Chủ tịch UBND xã và công chức phụ trách Văn phòng HĐND - UBND xã. Tất cả mã QR đều được niêm yết công khai tại bộ phận giao dịch một cửa và 18 nhà văn hoá thôn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, trên trang thông tin điện tử xã cũng thiết lập một mục để người dân trực tiếp thông tin, trao đổi các kiến nghị trong giao dịch hành chính gửi đến lãnh đạo UBND xã.

Chia sẻ về sự ra đời của mô hình, Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn Trần Bá Hoành cho biết: “Hằng ngày, có rất đông người dân đến làm các thủ tục hành chính, trong đó, không ít người vì chưa rõ một số thủ tục hành chính đơn giản đã phải lặn lội đến UBND xã để hỏi, mất thời gian, công sức đi lại, chờ đợi. Hơn nữa, dù kiểm tra, giám sát và quán triệt thường xuyên nhưng rất có thể vẫn xảy ra tình trạng cán bộ gây phiền hà cho người dân nên chúng tôi đã xây dựng mô hình này để nằm bắt kịp thời các kiến nghị, nguyện vọng của bà con”.

Mô hình thực hiện từ cuối tháng 3/2023 đến nay. Việc triển khai mô hình giúp người dân giảm thiểu sự bất tiện, không cần phải đi xa và lo lắng về việc các ý kiến, phản ánh của mình có được tiếp nhận không. Đồng thời, tiến độ xử lý đều được cập nhật rõ ràng trên hệ thống, những trường hợp đặc thù sẽ trả lời bằng văn bản; nếu các ngành, đơn vị được giao trả lời chậm, muộn, UBND xã sẽ có biện pháp đôn đốc, nhắc nhở kịp thời.

Xã Lưu Vĩnh Sơn là địa phương tiên phong trong việc tích hợp tiếp nhận phản ánh của người dân vào trang thông tin điện tử và quét mã QR kết nối đến lãnh đạo của toàn tỉnh. (Baohatinh.vn 13/9) Về đầu trang

Xây dựng thành phố Sơn La trở thành đô thị thông minh

Thực hiện hiệu quả các văn bản của Ban Thường vụ Thành ủy Sơn La về lãnh đạo chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh; TP này đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, đề ra các nhiệm vụ phát triển hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số năm 2023.

Về hạ tầng số: TP Sơn La đã hoàn thành lắp đặt, triển khai điểm wifi miễn phí tại Quảng trường Tây Bắc, Bộ phận “Một cửa” thành phố và các xã, phường; nâng cấp hệ thống mạng wifi 23/23 trường học; cổng thông tin điện tử phòng Giáo dục và các nhà trường trực thuộc; xây dựng mô hình phòng họp, dạy trực tuyến; cài đặt và vận hành phần mềm quản lý, dạy học; xã hội hoá vận hành 01 lớp học thông minh Trường THCS Nguyễn Trãi. Hoàn thành việc mua sắm máy tính phục vụ chuyển đổi số 71 máy.

Về Chính quyền số: TP Vận hành hiệu quả hệ thống phòng họp không giấy phục vụ các hội nghị Ban Thường vụ thành ủy, Ban Chấp hành đảng bộ thành phố, Kỳ họp HĐND thành phố. Khai báo hồ sơ, thông tin cá nhân cán bộ, công chức, viên chức để đồng bộ về cơ sở dữ liệu quốc gia đạt 100%.

Tỷ lệ văn bản điện tử tích hợp chữ ký số đạt tỷ lệ 99%. Bổ sung thêm 47 dịch vụ công cấp xã, 11 dịch vụ công cấp phường, bổ sung 110 dịch vụ công cấp thành phố (nâng tỷ lệ TTHC trực tuyến cấp xã, phường đạt 59,54%, cấp thành phố đạt 72,13%); thành lập cổng thông tin thành phố trên trang Zalo OA.

Triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại trường học, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, chi trả tiền chế độ với người có công, bảo trợ xã hội. Hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp CCCD cho công dân, tỷ lệ cấp tài khoản định danh điện tử đạt 92,8%, kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt 89,1% (đứng đầu toàn tỉnh về thực hiện cấp CCCD, tài khoản định danh điện tử).

Về Kinh tế số, xã hội số: Triển khai mô hình chợ 4.0 tại chợ Trung tâm, chợ 7/11 và các cơ sở thương mại, dịch vụ, tỷ lệ cài đặt điểm chấp nhận thanh toán; app thanh toán điện tử đạt gần 80%. Rà soát, đề xuất đăng ký hoàn thành đưa 76 sản phẩm, dịch vụ lên sàn thương mại điện tử trong năm 2023.

Tiếp tục nâng cao chất lượng xã hội số, kinh tế số: tỷ lệ sử dụng hoá đơn điện tử đạt 100%; nộp thuế điện tử qua ứng dụng eTax Mobile đạt 98%; cài đặt ứng dụng Sơn La Smart đạt 52%, công dân từ 14 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng đạt 84%; tỷ lệ người dân dùng ví điện tử VNPT Pay, Viettel Pay đạt 43,1%...

Về vận hành hiệu quả Trung tâm Điều hành đô thị thông minh: Tích hợp dữ liệu lên hệ thống IOC, kết nối hệ thống phần mềm phản ánh kiến nghị “Sơn La Smart”; xây dựng dự toán thuê vận hành hệ thống IOC của thành phố (hệ thống giám sát, điều hành và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, hệ thống giám sát thông tin) Thực hiện nâng cấp hệ thống IOC lên phiên bản 2.0 tích hợp, kết nối các biểu mẫu báo cáo kinh tế - xã hội với hệ thống IOC cấp tỉnh…

Những tháng cuối năm, thực hiện lộ trình chuyển đổi số, kinh tế số, chính quyền số, UBND Thành phố tiếp tục thúc đẩy xử lý hồ sơ, công việc trên hệ thống mạng giảm thời gian xử lý công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng công việc; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, công khai hóa, minh bạch hóa quy trình thủ tục hành chính, đảm bảo tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng và trước hạn đạt 100%, phấn đấu hồ sơ tiếp nhận dịch vụ công mức độ 3, 4 đạt trên 85%; xây dựng và vận hành hiệu quả mô hình phòng họp, dạy trực tuyến; lớp học thông minh Trường THCS Nguyễn Trãi; hoạt động hiệu quả cổng thông tin thành phố trên trang Zalo OA; nhân rộng triển khai chợ 4.0…

Triển khai đầu tư Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) thành phố; sớm kết nối hệ thống báo cáo kinh tế xã hội thành phố với Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh... (Vietnamnet.vn 14/9, Quốc Tuấn)Về đầu trang

Quảng Ninh: Cục Hải quan đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ngày 13/9, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đối thoại với doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu và ký kết biên bản ghi nhớ tham gia chương trình khuyến khích tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu đều đánh giá, trong thời gian qua, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng cải cách, đổi mới, hiện đại hóa, tạo thuận lợi, thông thoáng, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Do những tác động nặng nề của dịch Covid-19, nên các doanh nghiệp cần có thời gian để tích lũy, phục hồi. Cùng với đó, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu.

Tại buổi đối thoại, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp đã đề nghị Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ một số vấn đề liên quan đến vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics; đa dạng hóa các kênh tiếp xúc với doanh nghiệp; có thêm nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp...

Trước những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp tại buổi đối thoại, lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh và các chi cục, phòng chuyên môn giải đáp chi tiết, tận tình. Đồng thời tiếp thu, tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp để báo cáo các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã thông tin tới các doanh nghiệp về các quy định mới của pháp luật liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu và cùng đại diện doanh nghiệp tiến hành ký biên bản ghi nhớ tham gia Chương trình khuyến khích tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan. (Congthuong.vn 13/9, Sĩ Cường - Ngọc Tiến)Về đầu trang

Thừa Thiên-Huế: Tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được xem là yếu tố then chốt trong cải cách hành chính hướng đến xây dựng chính quyền số. UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tích cực chỉ đạo đẩy mạnh sử dụng DVCTT nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.

Khảo sát tại một số bộ phận tiếp nhận, trả kết quả của các huyện, thị, thành phố chúng tôi thấy số người dân đến nộp hồ sơ làm các thủ tục hành chính (TTHC) khá đông, nhất là quầy giao dịch TTHC lĩnh vực tư pháp; lao động, thương binh và xã hội; tài nguyên và môi trường.

Hiện nay, tỉnh đang cung cấp 1.953 DVCTT; trong đó 787 DVCTT toàn trình, 1072 DVCTT một phần. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân biết, sử dụng các dịch vụ này còn khiêm tốn. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số hồ sơ giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh được tiếp nhận là 192.531 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến là 72.152 hồ sơ, đạt tỷ lệ 37,5%. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng hơn 12%, tuy nhiên chưa đạt so với mục tiêu tối thiểu là 50% của Chính phủ đề ra.

Ngại thay đổi, không yên tâm, muốn đến trực tiếp cho nhanh là những lý do người dân chưa muốn tiếp cận với DVCTT. Việc tuyên truyền, phổ biến tại các địa phương chưa hiệu quả; năng lực đội ngũ cán bộ, công chức hạn chế, nhất là cán bộ, công chức cấp xã chưa được đào tạo, bồi dưỡng về DVCTT.

Một trong những nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà sử dụng DVCTT vì thiếu thiết bị. Không phải người dân nào cũng có điện thoại thông minh, máy tính kết nối Internet và thực hiện TTHC trực tuyến, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Một bộ phận người dân ngại thao tác trên phần mềm, do hạn chế về kỹ năng, trình độ; tâm lý còn lo ngại về an toàn thông tin. Nhiều thủ tục với những quy trình phức tạp, khiến người dân hạn chế sử dụng và giữ thói quen đến cơ quan Nhà nước để cán bộ hướng dẫn.

Hiện nay, nền tảng công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế; các DVCTT phải liên thông nhiều trường thông tin, hạ tầng kết nối đồng bộ để có thể truyền tải các tập hồ sơ, tài liệu; việc sử dụng các dịch vụ như chữ ký điện tử, nộp các khoản phí trực tuyến phải được tích hợp, các hồ sơ dữ liệu của nhiều sở, ngành liên quan phải được kết nối, là nguyên nhân tạo ra những rào cản khiến việc cung cấp DVCTT gặp khó khăn hoặc chưa thể thực hiện.

Nghị quyết số 18 về Quy định mức thu lệ phí khi thực hiện TTHC thông qua DVCTT trên địa bàn tỉnh vừa được HĐND tỉnh thông qua có hiệu lực từ ngày 1/9/2023 được xem là giải pháp thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT. Theo đó, HĐND tỉnh thống nhất giảm 40% lệ phí TTHC cho các tổ chức, cá nhân khi sử dụng DVCTT.

Các loại phí được giảm bao gồm: Phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; phí cấp phép xây dựng; phí đăng ký kinh doanh; phí hộ tịch, phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Thừa Thiên Huế.

Theo ông Phạm Quang Trí, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh được ban hành là cú hích nhằm động viên, khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tăng cường sử dụng DVCTT, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. (Baothuathienhue.vn 14/9, Hải Thuận)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Bộ Tài chính đã bãi bỏ 33 thủ tục hành chính không cần thiết

Theo Bộ Tài chính, trong 8 tháng qua, Bộ Tài chính đã ban hành 11 quyết định công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế 19 thủ tục hành chính (TTHC); bãi bỏ 33 TTHC và ban hành mới 3 TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan và giá.

Về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), tính đến ngày 30/8/2023, Bộ Tài chính có 774 DVCTT, trong đó: 311 DVCTT toàn trình, 79 dịch vụ công một phần và 384 dịch vụ công cung cấp thông tin cho tổ chức cá nhân. Đồng thời, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 284 DVCTT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Bộ Tài chính tiếp tục vận hành bộ phận một cửa ổn định, hiệu quả. Tính từ ngày 1/1/2023 đến ngày 30/8/2023, đã tiếp nhận 756 hồ sơ, trong đó đã trả kết quả 502 hồ sơ và đang giải quyết trong hạn 254 hồ sơ và không có hồ sơ quá hạn.

Về việc xây dựng và triển khai kế hoạch cải cách hành chính, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 125/150 nhiệm vụ theo kế hoạch (trong đó, đã hoàn thành 36 nhiệm vụ, triển khai 55 nhiệm vụ thường xuyên có hiệu quả và đảm bảo tiến độ, đang tiếp tục thực hiện 34 nhiệm vụ theo kế hoạch).

Bộ Tài chính luôn xác định cải cách hành chính trong đó có cải cách TTHC là một trong những giải pháp hàng đầu, đóng vai trò thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế nói chung, sự phát triển của ngành nói riêng.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách TTHC đúng theo chỉ đạo của của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, tái cấu trúc quy trình các TTHC, dịch vụ công đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, giấy tờ công dân theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bảo đảm thực chất, hiệu quả. Đồng thời, rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những TTHC đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân... (Thoibaotaichinhvietnam.vn 13/9, Minh Anh) Về đầu trang

Từ 15/9, Cảnh sát giao thông trực hệ thống camera giám sát 24/24h

Đây là một trong những quy định tại Thông tư 32/2023/TT-BCA về việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.

Tại Thông tư 32/2023/TT-BCAquy định phân công, phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung; trang phục; trang bị, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; đồng thời bố trí Cảnh sát giao thông trực Hệ thống camera giám sát, phát hiện vi phạm hành chính thông qua Hệ thống giám sát 24/24 từ ngày 15/9/2023.

Cụ thể, theo Điều 9 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về kiểm soát thông qua Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ như sau:

Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được trang bị, lắp đặt, quản lý, vận hành, sử dụng theo quy định tại Nghị định 135/2021/NĐ-CP và quy định của Bộ Công an về tiêu chuẩn, quy chuẩn, việc quản lý, vận hành, sử dụng, bảo vệ Hệ thống giám sát.

Đơn vị Cảnh sát giao thông được giao quản lý Hệ thống giám sát phải bố trí cán bộ trực tại Trung tâm điều hành 24/24 giờ để vận hành hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên tuyến, phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Việc phát hiện, xử lý vi phạm thông qua Hệ thống giám sát được thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 28 Thông tư 32/2023/TT-BCA.

Bên cạnh đó, tại Điều 19 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về phát hiện vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như sau: Cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cán bộ Cảnh sát giao thông.

Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; được thống kê, lập danh sách, in thành bản ảnh hoặc bản ghi thu về hành vi vi phạm và lưu giữ trong hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an về công tác hồ sơ.

Khi phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện như sau: Tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định. Trường hợp người vi phạm đề nghị được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm, Tổ Cảnh sát giao thông cho xem tại nơi kiểm soát. Nếu chưa có thông tin, hình ảnh, kết quả tại nơi kiểm soát thì hướng dẫn người vi phạm xem khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị.

Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông vi phạm để kiểm soát, xử lý vi phạm thì thực hiện theo quy định tại Điều 28 Thông tư 32/2023/TT-BCA.

Thông tư 32/2023/TT-BCA này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2023. (Baophapluat.vn 14/9, Bích Hằng)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Hà Nội: Giảm 2.377 viên chức mỗi năm trong giai đoạn 2024-2026

Ngày 13-9, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND quản lý biên chế khối các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2026.

Theo quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, tổng biên chế năm 2023 của Khối các cơ quan Nhà nước thành phố là 124.205 biên chế, gồm: 10.545 cán bộ, công chức (7.920 biên chế cán bộ, công chức hành chính và 2.625 biên chế công chức phường); 113.662 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (biên chế các đơn vị sự nghiệp và các Hội đặc thù phạm vi thành phố và các quận, huyện, thị xã).

Trên cơ sở đó, giai đoạn 2024-2026, khối cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội dự kiến thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình. Biên chế công chức năm 2024 là 10.441 biên chế, thực hiện tinh giản 119 biên chế (1,5%); năm 2025 là 10.322 biên chế, thực hiện tinh giản 119 biên chế (1,5%); năm 2026 là 10.163 biên chế, thực hiện tinh giản 159 biên chế (2%).

Về biên chế viên chức, thực hiện giảm tối thiểu 2% viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước mỗi năm. Cụ thể, năm 2024 là 111.285 viên chức, năm 2025 là 108.908 viên chức, năm 2026 là 106.531 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thực hiện giảm mỗi năm 2.377 người.

Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tế, UBND thành phố báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch biên chế hằng năm cho phù hợp.

Thành phố cũng tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Trước mắt, trong năm 2023, hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy một số sở, ngành, đơn vị (11 sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, Văn hóa và Thể thao, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Nội vụ; 1 đơn vị sự nghiệp: Trung tâm xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố).

Đồng thời, thành phố đẩy mạnh triển khai thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sang tự chủ tài chính giai đoạn 2022-2025 theo Kế hoạch của UBND thành phố, nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính và tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.

Quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế được thực hiện đồng bộ, quyết tâm, thống nhất về nhận thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị… (Hanoimoi.com.vn 13/9, Tiến Thành)Về đầu trang./.

Các tin khác

09