Bản tin Cải cách hành chính ngày 08/9/2023

14:56, Thứ Sáu, 8-9-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

1.        5 chỉ tiêu về dữ liệu số vẫn chưa đạt 50% yêu cầu

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

2.        TP.HCM sẵn sàng thí điểm những chính sách mới về kinh tế số

3.        Hà Nội yêu cầu hoàn thiện đề án vị trí việc làm, thực hiện tinh giản biên chế

4.        Hà Giang: Số hóa cải cách hành chính mang lại nhiều thuận tiện cho người dân

5.        Quảng Ngãi đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công thiết yếu trực tuyến

6.        Long An: Xử lý nghiêm các trường hợp gây nhũng nhiễu doanh nghiệp

7.        Thanh Hóa: Đẩy mạnh giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng số

8.        Đồng bào các dân tộc Nghệ An kết nối thông tin với MTTQ tỉnh qua mạng xã hội

9.        Trà Vinh công khai số điện thoại đường dây nóng của Giám đốc Công an tỉnh

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

10.     Chấm dứt ra công văn làm khó doanh nghiệp

THẾ GIỚI

11.     Tuyên chiến nạn tham nhũng, Thái Lan tiến tới chính phủ số hoàn chỉnh

 

 

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

5 chỉ tiêu về dữ liệu số vẫn chưa đạt 50% yêu cầu

Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT, tính đến tháng 8/2023, trong 8 chỉ tiêu chính về dữ liệu số của Năm dữ liệu số quốc gia, có tới 5 chỉ tiêu vẫn chưa đạt 50% so với yêu cầu đặt ra.

Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT vừa thông tin cụ thể hơn về nguy cơ các bộ, ngành, địa phương không hoàn thành các nhiệm vụ về phát triển, khai thác và sử dụng dữ liệu số đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số giao trong kế hoạch hành động của Ủy ban năm 2023 - Năm dữ liệu quốc gia.

Cụ thể, tỷ lệ bộ, ngành, địa phương ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục là 52,3%.

Cùng với đó, mới chỉ có 19,7% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm danh mục dữ liệu mở, kế hoạch công bố dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước thuộc phạm vi quản lý và mức độ tối thiểu cần đạt được trong từng giai đoạn của kế hoạch; cung cấp lần đầu dữ liệu mở theo kế hoạch.

Tổng hợp của Cục Chuyển đổi số quốc gia cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ các bộ, tỉnh cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đến tháng 8 mới là 14%, trong khi mục tiêu đặt ra trong năm nay với chỉ tiêu này là 100%.

Ngân hàng Nhà nước cùng 2 bộ Tài chính, KH&ĐT và các tỉnh, thành phố gồm Bắc Giang, Bình Phước, Cần Thơ, Đồng Tháp, Đắk Nông, Đà Nẵng, Nam Định, Thái Nguyên là những bộ, ngành, địa phương đã có kế hoạch triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động, đạt tỷ lệ 12%.

Cũng đến tháng 8, tỷ lệ bộ, ngành, địa phương triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là 60,5%, trong khi mục tiêu đặt ra trong năm nay là 80%.

Tỷ lệ trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước được đánh giá an toàn thông tin và dán nhãn tín nhiệm mạng là 58%.

Đối với chỉ tiêu về triển khai các hoạt động nâng cao năng lực phát triển và quản trị dữ liệu thuộc phạm vi quản lý, tỷ lệ bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước thực hiện mới chỉ đạt 13%, còn cách rất xa mục tiêu 100% theo yêu cầu.

Số liệu tổng hợp của Cục Chuyển đổi số quốc gia cũng cho thấy, một chỉ tiêu nữa cũng đang rất thấp, đó là tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học và các trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân đang hoạt động đào tạo các trình độ cao đẳng, đại học đã tiến hành rà soát các chương trình đào tạo để xem xét bổ sung, lồng ghép nội dung, chuẩn đầu ra về dữ liệu lớn, thiết kế, phân tích, xử lý dữ liệu phù hợp với đặc thù tương ứng của từng ngành, nghề đào tạo.

Với hiện trạng trên, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia cho rằng, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước cần khẩn trương tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Năm dữ liệu số quốc gia, đặc biệt là các nhiệm vụ, yêu cầu về dữ liệu số. (Vietnamnet.vn 07/9, Vân Anh) Về đầu trang

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

TP.HCM sẵn sàng thí điểm những chính sách mới về kinh tế số

TP.HCM sẵn sàng thí điểm những chính sách mới của ngành Thông tin và Truyền thông hoặc lĩnh vực kinh tế số ngay trên địa bàn trong thời gian tới. Đây là kết luận được ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT đưa ra tại Hội thảo về thúc đẩy kinh tế số TP.HCM phát triển bền vững, được tổ chức ngày 7/9/2023.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, kinh tế số là một lĩnh vực rất mới nên việc TP.HCM tổ chức hội thảo là để tìm giải pháp về chính sách, hoạt động thực tiễn, công nghệ… nhằm thúc đẩy kinh tế số phát triển một cách nhanh, bền vững. Làm sao để kinh tế số lan toả, chính sách của Nhà nước đi vào thực tiễn.

Đồng thời ông khẳng định, TP.HCM sẵn sàng thí điểm những chính sách mới của ngành TT&TT hoặc lĩnh vực kinh tế số ngay trên địa bàn trong thời gian tới. Sở TT&TT sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp, từ đó đề xuất lãnh đạo Thành phố có những chính sách thử nghiệm về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ không bó hẹp trong vài doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp chuyên trách để thực hiện kinh tế số, mà ở đây càng nhiều doanh nghiệp tham gia càng tốt.

“Nếu các doanh nghiệp có giải pháp, ý tưởng, sáng kiến, Sở TT&TT sẵn sàng kết nối để phát triển sự nghiệp chung của Thành phố. Việc của chúng ta bây giờ là bắt tay nhau và làm sao để mang lại hiệu quả chung cho từng doanh nghiệp, cho Thành phố”, ông Lâm Đình Thắng nhấn mạnh. (Vietnamnet.vn 08/9, Lê Mỹ)Về đầu trang

Hà Nội yêu cầu hoàn thiện đề án vị trí việc làm, thực hiện tinh giản biên chế

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND, triển khai thực hiện Kết luận số 1269-TB/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế; phương án phân cấp, ủy quyền và quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của một số sở, ban, ngành, đơn vị thuộc thành phố.

Kế hoạch nhằm xây dựng chiến lược, quy hoạch ngành phù hợp với tình hình thực tiễn và gắn với phương hướng, nhiệm vụ phát triển của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo chủ trương tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30.12.2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trọng tâm là phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các sở, ngành được giao phải được quản lý đồng bộ, thống nhất từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Đồng thời giảm tầng nấc trung gian, đúng quy định hiện hành, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố trên nguyên tắc không tăng tổng biên chế được giao của thành phố.

Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với tổ chức hành chính, chức năng cung cấp dịch vụ công đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành; bảo đảm nguyên tắc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở, ban, ngành không thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Đẩy mạnh tự chủ tài chính, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Song song đó, đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động để sắp xếp, bố trí phù hợp với vị trí việc làm và khối lượng công việc được giao.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy sau sắp xếp để xây dựng, hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, xác định biên chế phù hợp, hiệu quả bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu của trung ương.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của sở, ban, ngành với các cơ quan, đơn vị khác; xây dựng quy chế làm việc, quy trình công tác để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. (Laodong.vn 08/9, Phạm Đông)Về đầu trang

Hà Giang: Số hóa cải cách hành chính mang lại nhiều thuận tiện cho người dân

Huyện Quản Bạ (Hà Giang) luôn quan tâm đến việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, bước đầu thay thế dần phương thức truyền thống thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Đến làm TTHC tại Bộ phận một cửa xã Quản Bạ, chị Lý Tà Thu rất hài lòng khi được cán bộ xã hướng dẫn nhiệt tình, làm hồ sơ nhanh chóng, gọn gàng. Chị Thu chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi đến UBND xã làm TTHC, các thủ tục của tôi được làm rất nhanh do được cán bộ viết bằng hồ sơ điện tử, tôi không cần phải tự mình viết hồ sơ như trước nữa. Quy trình làm việc cũng nhanh hơn so với trước đây rất nhiều, có lịch hẹn ngày đến lấy kết quả, không mất nhiều thời gian đi ra UBND xã như trước đây. Tôi thấy cách làm việc đổi mới tạo điều kiện cho người dân như vậy rất tốt”.

Nhờ số hóa trong việc giải quyết TTHC, đã giúp cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ, chi phí và thời gian thực hiện TTHC. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động của các cơ quan hành chính trên địa bàn và nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân và doanh nghiệp.

Để phục vụ cho việc số hóa trong giải quyết TTHC, huyện Quản Bạ đã nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị như lắp đặt hệ thống màn hình cảm ứng phục vụ tra cứu TTHC cho công dân, tổ chức đến thực hiện TTHC tại Bộ phận một cửa cấp huyện và xã. Cải tạo nâng cấp hệ thống mạng LAN, mua sắm máy vi tính và trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị huyện, UBND các xã, thị trấn đã có mạng LAN, kết nối Internet.

Các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đã có hệ thống cáp quang tốc độ cao thay thế cho hệ thống mạng truyền dẫn truyền thống tốc độ thấp; toàn huyện có 43 trạm thu phát sóng (BTS) 3G, 4G; tỷ lệ xã, thị trấn có mạng Internet băng thông rộng đạt 88%, riêng khu vực trung tâm xã, khu vực tập trung đông dân cư đạt tỷ lệ phủ sóng đạt 100%. Huyện đã đầu tư lắp đặt mới 46 máy tính, 14 máy scan cho 12 xã và 6 cơ quan trên địa bàn huyện phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch UBND xã Quản Bạ, Thào Thái Tâm cho biết: Đến nay Bộ phận một cửa của xã đã được đầu tư đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, diện tích phòng làm việc theo quy định. Chúng tôi đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC. Về cơ bản các cán bộ làm việc tại Bộ phận một cửa đã được đào tạo về chuyển đổi số, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác hiện đại hóa nền hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn”.

Với hệ thống trang thiết bị đồng bộ và đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn vững vàng, công tác theo dõi và giám sát chặt chẽ, Bộ phận một cửa cấp xã đã khẳng định được bước đột phá quan trọng trong hiện đại hóa nền hành chính góp phần xây dựng chính quyền số trên địa bàn huyện. (Vietnamnet.vn 07/9, Lê Hải) Về đầu trang

Quảng Ngãi đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công thiết yếu trực tuyến

Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện 25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu trực tuyến.

Các sở, ngành, địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các DVC trực tuyến trên tất cả các lĩnh vực như: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, tạm trú, lưu trú, đăng ký mô tô, cấp hộ chiếu, đăng ký thuế, cấp đổi giấy phép lái xe...

Đồng thời, tuyên truyền cài đặt ứng dụng VNeID và kích hoạt định danh điện tử mức độ 2. Hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng có kết nối Internet để thực hiện các TTHC nhằm giảm thời gian đi lại và tiết kiệm chi phí.

Chủ tịch UBND xã Trà Phú (Trà Bồng) Đặng Ngọc Hoàng cho biết, để người dân thực hiện 25 DVC thiết yếu trực tuyến, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện DVC thiết yếu trực tuyến theo hướng "cầm tay chỉ việc". Cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa trực tiếp hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ trực tuyến lần đầu.

"Khi người dân đã trực tiếp trải nghiệm và nhận thấy tiện ích của DVC trực tuyến như tiết kiệm thời gian, chi phí... thì chính người dân sẽ là những tuyên truyền viên hữu hiệu nhất, tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè thực hiện DVC trực tuyến", ông Đặng Ngọc Hoàng cho biết thêm.

Theo Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết, trước đây, do người dân nhận thức về những tiện ích của DVC trực tuyến chưa đồng đều, ít tiếp cận và sử dụng DVC trên môi trường điện tử nên việc thực hiện các DVC thiết yếu trực tuyến còn hạn chế. Vì thế, huyện thành lập tổ công nghệ cộng đồng cấp huyện, xã, thôn, với 240 thành viên. Các thành viên tổ công nghệ cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các DVC trực tuyến. Qua đó, có 2.430 người được hướng dẫn đăng ký, tải các ứng dụng VNeID, Viettel money, VNPT money, đăng ký tài khoản DVC...

Việc thực hiện các DVC thiết yếu trực tuyến mang lại nhiều tiện ích. Đơn cử việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023, xét tuyển đại học, cao đẳng trực tuyến đã tiết kiệm hàng tỷ đồng kinh phí mua hồ sơ, chụp ảnh thẻ học sinh, sinh viên...

Để tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết TTHC, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quy trình giải quyết TTHC trong việc đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến, được thực hiện tại UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh; Quy trình thực hiện liên thông điện tử với 2 nhóm TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí trên địa bàn tỉnh... (Vietnamnet.vn 07/9, Bá Sơn) Về đầu trang

Long An: Xử lý nghiêm các trường hợp gây nhũng nhiễu doanh nghiệp

Chiều 7/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn chủ trì đối thoại với doanh nghiệp hạ tầng và doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện Cần Giuộc nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp kiến nghị những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ tín dụng… Theo đó, một số doanh nghiệp kiến nghị việc sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sớm ban hành mức giá bồi thường tái định cư; thủ tục giao đất, cho thuê đất; việc đầu tư hạ tầng giao thông tại vùng giáp ranh TPHCM…

Ông Hứa Thanh Phú - Chủ nhiệm HTX Dịch Vụ Nông Nghiệp Và Nuôi Trồng Thủy Sản Long Phụng, huyện Cần Giuộc - đánh giá cao chính sách hỗ trợ của tỉnh trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Phú còn nhiều vấn đề như chính sách hỗ trợ hợp tác xã thực hiện Vietgap, chính sách hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh còn nhiều bất cập.

Ông Phú dẫn chứng, hiện Nhà nước chưa hỗ trợ nhà lưới, nhà màng cho HTX mà chủ yếu là hỗ trợ phân hữu cơ. Ông Phú kiến nghị tỉnh hỗ trợ nhà sơ chế, máy móc thiết bị cho các HTX với định mức cao hơn, đồng thời hỗ trợ nhà lưới, nhà màng cho HTX.

"Các ngân hàng cho vay và thu hồi vốn theo chu kỳ kinh doanh, trong khi đó lĩnh vực trồng trọt, rau màu chu kỳ kinh doanh ngắn nên tôi kiến nghị tạo điều kiện để HTX được vay vốn với mức lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư trong 3 năm liên tiếp để tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ. Hạn mức tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư dự án, nhưng không quá 20 tỷ đồng/dự án theo quyết định số 40/2021/QĐ-UBND tỉnh" - ông Phú nói.

Chủ nhiệm HTX Dịch Vụ Nông Nghiệp Và Nuôi Trồng Thủy Sản Long Phụng đề nghị lãnh đạo tỉnh tăng cường quan tâm hỗ trợ đầu ra sản phẩm nông nghiệp, nhất là tạo điều kiện để các HTX được kết nối trực tiếp với các bếp ăn trong các khu - cụm công nghiệp, các doanh nghiệp cung cấp suất ăn tập thể cho các công ty, xí nghiệp, trường học.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thắc mắc đến thủ tục chi trả bảo hiểm xã hội một lần cho người lao động, bảo vệ dữ liệu cá nhân…

Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh là khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của tỉnh, thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh. Vì vậy, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do lãnh đạo tỉnh làm tổ trưởng.

Ông Sơn cho biết sau hội nghị này UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, nắm bắt, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện công vụ; xử lý nghiêm các trường hợp gây nhũng nhiễu, không thực hiện nghiêm theo chủ trương của Chính phủ, của tỉnh về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

Lãnh đạo địa phương mong muốn, các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp trên địa bàn nói chung, doanh nghiệp tại huyện Cần Giuộc nói riêng tiếp tục thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của tỉnh, đồng hành cùng tỉnh để chuyển đổi những khó khăn, thử thách thành thuận lợi, cơ hội. Từ đó, thực hiện mục tiêu chung là cùng vượt khó, phát triển một cách bền vững.

Trong thời gian tới, tỉnh Long An sẽ thường xuyên tổ chức những buổi đối thoại với doanh nghiệp, các buổi họp chuyên đề giải quyết từng nhóm vấn đề cụ thể để kịp thời khai thông các “điểm nghẽn”. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, công khai và minh bạch và phải được quán triệt thực hiện một cách quyết liệt, thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở. (Tienphong.vn 07/9, Phạm Nguyễn)Về đầu trang

Thanh Hóa: Đẩy mạnh giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng số

Với mục tiêu nâng tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, vì Nhân dân phục vụ, thời gian qua, các cấp chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giải quyết hồ sơ DVCTT trên nền tảng số. Từ đó, tạo thuận tiện, rút ngắn thời gian chờ đợi của tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).

Chị Nguyễn Thị Liên, xã Minh Tâm (Vĩnh Lộc) đến Bộ phận Một cửa UBND huyện Vĩnh Lộc để Đăng ký giấy phép kinh doanh. Sau khi, hoàn thành thủ tục đăng ký và hài lòng với thái độ phục vụ của đội ngũ công chức tại đây. Chị Liên cho biết: “Được công chức bộ phận một cửa nhiệt tình hướng dẫn, cách thức sử dụng DVCTT tôi đã nắm bắt được cách thức thực hiện trên Cổng DVCTT. Lần sau, nếu cần làm các TTHC khác, tôi sẽ thực hiện trực tuyến vì rất tiện lợi và giúp giảm bớt thời gian, công sức đi lại”...

“Người dân khi đến bộ phận một cửa thực hiện các DVCTT sẽ được cán bộ công chức hướng dẫn cụ thể từng bước thực hiện. Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin, sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để cải cách hành chính, đẩy mạnh số hóa nền hành chính công, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các DVCTT” - Chị Phạm Thị Trang, Công chức phụ trách Bộ phận Một cửa UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết.

Thời gian qua, huyện Vĩnh Lộc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT, khai thác tốt chức năng tra cứu thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết TTHC cho người dân và ký số giải quyết TTHC, đẩy mạnh số hóa hồ sơ và quy trình giải quyết. Đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc trong môi trường số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm thực hiện hiệu quả cải cách TTHC, hướng tới xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại.

Thôn Tân Giao, xã Thăng Long (Nông Cống) hiện có trên 800 nhân khẩu với 220 hộ gia đình. Từ khi tổ công nghệ số cộng đồng của thôn được thành lập, các thành viên tổ công nghệ số đã hăng hái, tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng định danh điện tử VneID. Việc sử dụng thành thạo tài khoản định danh điện tử cá nhân đã giúp người dân tiếp cận và sử dụng các DVCTT một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Chị Mai Thị Hạnh, thôn Tân Giao cho biết: Sau khi được hướng dẫn thực hiện cài đặt ứng dụng định danh điện tử VneID, tôi nhận thấy có rất nhiều tiện ích, đặc biệt là không phải mang theo nhiều loại giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm, bằng xe máy... khi đi ra ngoài hoặc khi cần giải quyết các TTHC mà chỉ cần mang theo điện thoại thông minh.

“Từ nhiều nguồn lực, xã Thăng Long đã đầu tư hạ tầng công nghệ, lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại các nhà văn hóa thôn, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng tài khoản DVCTT... Đến nay, đa phần người dân trong xã đã tiếp cận tốt, sử dụng thành thạo tài khoản DVC khi thực hiện các TTHC” - Ông Đặng Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.

Để thực hiện giải quyết hồ sơ trên cổng DVCTT, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Nông Cống đã rà soát, cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa các cấp, thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ theo đúng quy định, gắn với trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. UBND các xã, thị trấn đã bố trí phòng làm việc riêng cho bộ phận một cửa đảm bảo quy định, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ giải quyết TTHC trực tuyến cho tổ chức, công dân.

Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ - cơ quan quản lý Cổng dịch vụ công quốc gia, năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh Thanh Hóa đạt khoảng 40% tổng số hồ sơ, thì 6 tháng đầu năm 2023, con số này đã tăng lên hơn 59%.

Đến thời điểm này, hầu hết các hồ sơ được tiếp nhận tại bộ phận một cửa của cả 3 cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều đã được số hóa để phục vụ khai thác, chia sẻ và tái sử dụng. Chỉ cần truy cập vào Cổng dịch vụ công 2 cấp, người dân có thể tra cứu lịch sử thực hiện và kết quả TTHC, lưu lại bản điện tử hoặc bản giấy giấy tờ thiết yếu để tiếp tục sử dụng cho những TTHC khác mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp với chính quyền. (Baothanhhoa.vn 08/9, Linh Hương) Về đầu trang

Đồng bào các dân tộc Nghệ An kết nối thông tin với MTTQ tỉnh qua mạng xã hội

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, người dân vùng lũ Kỳ Sơn vừa qua đã có thể kết nối nhanh nhất với bên ngoài. Đặc biệt, qua trang fanpage Mặt trận Nghệ An, những hỗ trợ thiết thực nhất đã kịp thời đến với người dân nơi đây.

Xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, cùng hợp tác, tương trợ lẫn nhau phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo, làm giàu chính đáng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được MTTQ các cấp thực hiện với nhiều cách làm thiết thực, nhiều mô hình sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Với việc xây dựng trang Fanpage Mặt trận Nghệ An, kênh thông tin này đã thu hút hơn 10 vạn lượt tương tác và phát huy tác dụng gắn kết đồng bào các dân tộc, kết nối các tầng lớp trong tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An nhìn nhận, mục tiêu chính của trang Mặt trận Nghệ An là nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành.

Bên cạnh đó, với lợi thế là diễn đàn có độ tương tác lớn, trang Mặt trận Nghệ An đã nhận về nhiều ý kiến của nhiều người dân, qua đó, MTTQ tỉnh Nghệ An thực sự trở thành cầu nối giữa nhân dân với Đảng và chính quyền.

Ngoài ra, các mảnh đời gặp khó khăn hay những chân dung người tốt, việc tốt được đăng tải, cập nhật lên mạng xã hội của MTTQ tỉnh đã giúp lan tỏa và kết nối người dân lại với nhau.

Không chỉ hỗ trợ an sinh xã hội, trang Mặt trận Nghệ An còn nhận về những tin nhắn phản ánh việc trợ cấp cho đối tượng là viên chức làm công tác dân số trong việc tham gia phòng chống dịch Covid-19. "Phản ánh này được chúng tôi chuyển đến Đoàn ĐBQH tỉnh và sau đó đưa vào nghị trường Quốc hội", ông Trương Thiết Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng, trang Mặt trận Nghệ An hiện nay đã trở thành một kênh thông tin uy tín, nhằm cung cấp, phổ biến chính sách đến đông đảo người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh. Nhiều địa phương đã về Nghệ An để học tập kinh nghiệm xây dựng trang tương tự để áp dụng tại các tỉnh nhằm tăng cường kết nối với người dân thông qua các nền tảng mạng xã hội.

“Cùng với đó, Đảng đoàn MTTQ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chương trình chuyển đổi số. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với VNPT Nghệ An để lựa chọn, xác định các nhóm giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống Mặt trận, trước mắt tập trung 8 giải pháp chính”, ông Hùng cho hay. (VOV.vn 08/9, Phi Long)Về đầu trang

Trà Vinh công khai số điện thoại đường dây nóng của Giám đốc Công an tỉnh

Từ ngày 8/9, các tổ chức, cá nhân có thể liên hệ trực tiếp với Đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh qua số điện thoại đường dây nóng 084.345.8484 (kể cả trong và ngoài giờ hành chính) để cung cấp, phản ánh về tình hình an ninh, trật tự và hoạt động của lực lượng Công an toàn tỉnh.

Hiện tại, Công an các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố đã lắp đặt, bố trí công khai số điện thoại đường dây nóng của Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh tại nơi tiếp dân, giải quyết các thủ tục hành chính và tại các địa điểm tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự giúp tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng phản ánh kịp thời thông tin đến Giám đốc Công an tỉnh để chấn chỉnh và chỉ đạo xử lý.

Việc công khai số điện thoại đường dây nóng của Giám đốc Công an tỉnh nhằm tạo kênh thông tin để trực tiếp tiếp nhận, giải quyết phản ánh của tổ chức, cá nhân về tình hình an ninh, trật tự, hoạt động của lực lượng Công an trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng Công an gần dân, trọng dân.

Đây cũng là việc làm nhằm thực hiện có hiệu quả giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an tỉnh, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI về an ninh, trật tự năm 2023 và những năm tiếp theo. (Cand.com.vn 08/9, Mộng Tuyền)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Chấm dứt ra công văn làm khó doanh nghiệp

Phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ra 8 nhóm nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, người đứng đầu Quốc hội yêu cầu: “kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, giấy phép con, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi”; và “chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật”.

ai vấn đề trên người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm bởi họ chịu ảnh hưởng lớn và trực tiếp. Chẳng hạn gần đây, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng công văn - một loại văn bản hành chính - lại chứa quy phạm pháp luật, khi áp dụng còn "cao hơn" cả thông tư, nghị định. Về mặt pháp lý, doanh nghiệp chỉ thực hiện theo văn bản pháp quy là luật, nghị định và thông tư. Tuy nhiên, khi có công văn của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cũng phải thực hiện. Trong một số trường hợp, công văn chứa đựng nội dung khác biệt với các văn bản pháp quy, gây ra hệ lụy lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và làm khó người dân. Chẳng vậy mà doanh nghiệp thường chia sẻ rằng đôi khi họ “sợ” công văn hơn cả luật!

Hoặc Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng chỉ ra những dẫn chứng cho thấy việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn của một số bộ, ngành còn bất cập, đặt ra các tiêu chuẩn quá cao - nên không khả thi. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa rõ giúp ích gì cho quản lý nhà nước nhưng có nguy cơ làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Ví dụ dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe (phiên bản tháng 8.2022); tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng với trung tâm dữ liệu… Thời sự hơn là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, mà doanh nghiệp phản ánh là đặt ra yêu cầu “quá cao”, khó tuân thủ và làm đội chi phí.

Có nhiều việc phải làm để không còn tình trạng “giấy phép con núp bóng thông tư” và “công văn làm điêu đứng doanh nghiệp”. Một mặt, cần tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật gắn với theo dõi, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật của các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, phải hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý trách nhiệm và xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế lâu nay, việc xử lý trách nhiệm của các chủ thể ban hành văn bản chưa thực sự nghiêm túc, triệt để nên chưa đủ sức răn đe.

Mặt khác, doanh nghiệp, người dân cũng phải "vào cuộc". Khi gặp những công văn chứa đựng quy phạm pháp luật, hoặc thông tư “cài cắm” thủ tục, giấy phép…, doanh nghiệp, người dân có thể gửi đơn kiến nghị đến Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để đề nghị kiểm tra.

Và dài hạn hơn, căn cơ hơn, những giải pháp "mạnh" hơn cũng cần được nghiên cứu ngay từ bây giờ. Ví dụ, cho phép doanh nghiệp khởi kiện những quy định bất hợp lý, hoặc quy định ban hành không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục ra tòa án hành chính. Có như vậy, vấn nạn lạm dụng giấy phép, lạm dụng quy định hành chính mới có thể ngăn ngừa triệt để. (Daibieunhandan.vn 08/9, Hà Lan)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Tuyên chiến nạn tham nhũng, Thái Lan tiến tới chính phủ số hoàn chỉnh

Thái Lan sẽ áp dụng thanh toán điện tử trong khu vực nhà nước như một biện pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng. Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nhấn mạnh trong bài phát biểu tại sự kiện “Ngày chống tham nhũng” do Tổ chức chống tham nhũng Thái Lan (ACT) tổ chức ngày 7/9.

Khẳng định chống tham nhũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới, ông Srettha Thavisin nêu rõ cam kết của mình nhằm xóa bỏ các hành vi phi đạo đức như mua bán chức tước của quan chức nhà nước cũng như việc luân chuyển và giáng chức một cách không công bằng.

“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng tất cả quan chức nhà nước được đối xử công bằng trong khi danh dự của họ được đề cao với tư cách là người thực thi chính sách của chính phủ”, ông nói.

Tân Thủ tướng đảm bảo với người dân rằng chính phủ sẽ tuân thủ các nguyên tắc pháp lý trong việc quản lý đất nước và sẽ triển khai công nghệ hiện đại để đảm bảo tính minh bạch và khả năng kiểm chứng đầy đủ của mọi quy trình làm việc.

Theo đó, Thái Lan triển khai giải ngân ngân sách nhà nước qua kênh điện tử thay vì bằng tiền mặt; ứng dụng điện tử đối với các dịch vụ công theo nền tảng một cửa; triển khai mô hình chính quyền mở đối với các dự án mua sắm và biến Thái Lan thành một chính phủ số hoàn chỉnh cho phép công chúng giám sát và kiểm tra các quy trình hành chính.

Theo bảng xếp hạng về Chỉ số Nhận thức tham nhũng vào năm ngoái, Thái Lan tăng từ thứ hạng 110 của năm trước lên vị trí 101 toàn cầu và thứ 4 trong khối ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Các quốc gia nêu trên là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Thái Lan trong thu hút đầu tư nước ngoài. Cho nên, theo ông Srettha Thavisin, Thái Lan cần tự cải thiện bởi tham nhũng sẽ làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư cũng như gây tổn hại cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.

Sự kiện “Ngày chống tham nhũng” là diễn đàn công khai đầu tiên ông Srettha Thavisin tham dự kể từ khi trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan. (Baoquocte.vn 08/9, Nguyễn Hoàng)Về đầu trang./.

Các tin khác

12