Bản tin cải cách hành chính ngày 24/5/2023

16:40, Thứ Tư, 24-5-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

1.        Sẽ ưu đãi phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến

2.        Mỗi ngày Cổng Dịch vụ công Quốc gia tiếp nhận, xử lý khoảng 100.000 hồ sơ, giao dịch

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

3.        TPHCM: Ứng dụng giải quyết thủ tục hành chính phong phú làm người dân... bối rối!

4.        Hà Nội: Làm rõ lý do chỉ số cải cách hành chính của Sở TN&MT thấp

5.        Đà Nẵng: Trả kết quả hồ sơ chậm phải xin lỗi dân, doanh nghiệp bằng văn bản

6.        Quảng Trị: Hiệu quả kênh tương tác phản ánh hiện trường

7.        Bình Phước: Nhiều giải pháp nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS và PAPI

8.        Công an tỉnh Đắk Nông - đơn vị tiên phong về chuyển đổi số

9.        Hải Dương: Xã đầu tiên ở Tứ Kỳ công khai niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

10.     Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính

11.     Đề xuất cán bộ không hẹn gặp, không tiếp công dân bên ngoài cơ quan

THẾ GIỚI

12.     Hàn Quốc bổ sung luật buộc các nghị sỹ phải kê khai tài sản ảo 

 

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

Sẽ ưu đãi phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành văn bản tháo gỡ các điểm nghẽn triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh. 

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung chỉ đạo hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư theo yêu cầu của Chính phủ tại 19 Nghị quyết chuyên đề. 

Khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng, của bộ, cơ quan ngang bộ. 

Bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời công bố và chỉ đạo cập nhật, công khai các thủ tục hành chính này trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. 

Đồng thời, Thủ tướng giao trước tháng 9/2023, phải hoàn thành việc tái cấu trúc, quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ có liên quan. 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương, nghiêm túc rà soát và đề xuất mức phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính theo hướng ưu đãi khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuộc ngành, lĩnh vực mình, gửi Bộ Tài chính trong tháng 5/2023 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ. 

Trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan, Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan ban hành thông tư quy định về giảm phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến và trình Chính phủ ban hành quy định mức thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến. 

Trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023), giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, xác định những văn bản quy phạm pháp luật cần điều chỉnh ngay sau khi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) ban hành. 

Kịp thời tham mưu, đề xuất chương trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, bảo đảm việc chuyển đổi từ phương thức làm việc truyền thống sang môi trường điện tử. Người đứng đầu Chính phủ giao thời hạn hoàn thành công việc này là trong tháng 6/2023. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất phương án thu giá hợp lý theo quy định sản phẩm, dịch vụ khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin do bộ, ngành quản lý theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân để tái đầu tư, duy trì, quản lý, phát triển hệ thống. 

Bộ Thông tin và truyền thông bảo đảm chất lượng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cấp xã; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông bảo đảm chất lượng đường truyền internet cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. 

Hỗ trợ triển khai các giải pháp bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin cho các bộ, ngành trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin. 

Các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng tập trung chuyển đổi quy trình, thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử. 

Chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, xây dựng các biểu mẫu điện tử, phần mềm chuyên dụng, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu kho dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có. Thời gian hoàn thành trong tháng 9/2023.

 Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích hợp, xác thực, hiển thị các thông tin, giấy tờ cá nhân trên ứng dụng VNeID, dần thay thế việc cung cấp các giấy tờ cá nhân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính. 

Văn phòng Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm vận hành thông suốt, tránh "tắc nghẽn" trong quá trình tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. (Baogiaothong.vn 24/5, Trang Trần)Về đầu trang

Mỗi ngày Cổng Dịch vụ công Quốc gia tiếp nhận, xử lý khoảng 100.000 hồ sơ, giao dịch

Theo Văn phòng Chính phủ, với sự tham gia của các bộ, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp, cung cấp 4.405 dịch vụ công trực tuyến (đạt 68%), tăng 1.200 dịch vụ so với cùng kỳ năm 2022, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 68 và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. 

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có hơn 600 triệu lượt truy cập, hơn 4,3 triệu hồ sơ trực tuyến, 3,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến được thực hiện từ Cổng, tăng 526% so với cùng kỳ năm 2022, trung bình mỗi ngày tiếp nhận, xử lý khoảng 100.000 hồ sơ, giao dịch thanh toán trực tuyến. 

Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu thực hiện so với yêu cầu của Chính phủ còn thấp; một số dịch vụ công trực tuyến còn chưa được tái cấu trúc quy trình theo hướng lấy người dùng làm trung tâm nên chất lượng thực hiện chưa cao. 

Tỷ lệ đồng bộ trạng thái hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng còn thấp, thậm chí có bộ trong quý 1/2023 không đồng bộ hồ sơ như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Y tế. 

Bên cạnh một số bộ, ngành triển khai tương đối tốt việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thì còn một số bộ, ngành chưa thực hiện hoặc thực hiện đạt kết quả thấp. 

Một số bộ, ngành có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn thấp như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là 9,4%, trong khi yêu cầu của Chính phủ là 70% trong tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. 

Thời gian qua, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp vừa và nhỏ (LinkSME) đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đánh giá, rà soát các quy định kinh doanh, hoàn thiện thể chế và đơn giản hóa các quy định, thủ tục nhằm cắt giảm các chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Việc đưa các thủ tục lên dịch vụ công cấp độ 3, 4, kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử sẽ góp phần giảm nhiều chi phí cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. (Congan.com.vn 24/5, T.N)Về đầu trang

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

TPHCM: Ứng dụng giải quyết thủ tục hành chính phong phú làm người dân... bối rối!

Ngày 23-5, Đoàn khối Dân - Chính - Đảng TPHCM phối hợp Huyện Đoàn huyện Nhà Bè và Câu lạc bộ Cán bộ trẻ huyện Nhà Bè tổ chức diễn đàn kết nối công chức trẻ với chủ đề “Cải cách hành chính (CCHC) - Lắng nghe và hành động”. 

Chia sẻ tại diễn đàn, anh Lê Hữu Tâm (Đoàn Cơ quan chính quyền UBND huyện Nhà Bè) cho biết, việc thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua bưu điện tại huyện Nhà Bè hiện nay chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Nguyên do là khoảng cách người dân di chuyển từ nhà đến UBND huyện và UBND các xã, thị trấn gần, phương tiện lưu thông dễ dàng nên việc thực hiện các giao dịch về thủ tục hành chính thuận tiện.  

Ngoài ra, khi thực hiện dịch vụ bưu chính cũng tốn phí nên người dân không quan tâm nhiều. Do đó, anh Lê Hữu Tâm kiến nghị thành phố xem xét miễn phí hoặc có chính sách ưu đãi hơn khi người dân thực hiện thủ tục hành chính qua bưu điện để khuyến khích người dân thực hiện. 

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng việc cơ sở dữ liệu thông tin trên hệ thống chưa đồng bộ, đầy đủ, dẫn đến khó khăn và chậm trễ trong quá trình thực hiện. 

Theo chị Phan Hoàng Vân Anh (Đoàn xã Phú Xuân), từ khi loại bỏ hộ khẩu giấy và chuyển sang xử lý giấy tờ, giải quyết các thủ tục hành chính thông qua phần mềm có nhiều khó khăn, bất cập. Thông tin dữ liệu trên hệ thống chưa đầy đủ và đồng bộ với nhau, dẫn đến việc khó khăn và chậm trễ trong quá trình thực hiện các thủ tục. 

“Đơn cử về việc hệ thống chưa cập nhật thông tin lịch sử hôn nhân của người dân ở các tỉnh thành. Người dân đến UBND xã xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn, nếu là người của các tỉnh, địa phương khác, UBND xã phải gửi văn bản về địa phương nơi người dân đã sinh sống để xác nhận. Thời gian chờ xác nhận là 20 ngày nhưng nếu qua 20 ngày, địa phương đó chưa phản hồi thì UBND xã phải mời người dân ký cam kết và cho phép làm kết hôn, dẫn đến việc nếu người dân cố tình khai gian dối thì sẽ có người kết hôn nhiều lần”, chị Phan Hoàng Vân Anh dẫn chứng. 

Chị Vân Anh kiến nghị hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia phải cập nhật thêm các thông tin liên quan đến hộ tịch, hôn nhân của người dân để thuận lợi hơn trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. 

Ngoài ra, nhiều ý kiến băn khoăn, hiện có rất nhiều phần mềm hay ứng dụng điện thoại giải quyết các thủ tục hành chính, như cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công TPHCM, VNeID, 1022. Ngoài ra các địa phương, đơn vị cũng có kênh riêng. Chẳng hạn, tại huyện Nhà Bè có Nhà Bè trực tuyến, Nhà Bè trực tuyến công chức… Dù nhu cầu của người dân cao, song việc phải cài đặt và sử dụng quá nhiều ứng dụng là chưa hợp lý.  

Các đại biểu kiến nghị nên thống nhất 1 ứng dụng duy nhất, phát triển và tích hợp đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực, nội dung, tránh tình trạng người dân không biết sử dụng ứng dụng nào. Việc thống nhất trên cũng giúp cán bộ, công chức thuận tiện trong việc xử lý nhiệm vụ. (Sggp.org.vn 23/5, Thu Hường)Về đầu trang

Hà Nội: Làm rõ lý do chỉ số cải cách hành chính của Sở TN&MT thấp

Chiều 23-5, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà chủ trì Đoàn giám sát của HĐND thành phố tiếp tục làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc Hà Nội. 

Trao đổi tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ thêm 45 nội dung chưa rõ tại buổi làm việc của đoàn với Sở ngày 18-5-2023. Trong đó, đề nghị Sở nêu rõ về: Tính hiệu quả, kịp thời trong công tác ban hành chỉ đạo lĩnh vực CCHC của ngành; lý do chỉ số CCHC của Sở thấp (năm 2022 xếp thứ 20/22), giải pháp khắc phục thời gian tới; nguyên nhân vẫn còn 80 nhiệm vụ thành phố giao cho Sở được thực hiện chậm; tỷ lệ số lượng thủ tục hành chính chậm giải quyết, trả lại hồ sơ của công dân, doanh nghiệp; công tác tham mưu UBND thành phố về thực hiện phân cấp ủy quyền đối với lĩnh vực quản lý đất đai. 

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng yêu cầu Sở làm rõ thêm công tác tuyên truyền, quán triệt công tác CCHC của ngành; nêu số cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với văn phòng, chi nhánh đăng ký đất đai của Sở và quận, huyện, thị xã; đánh giá, làm rõ kết quả công tác luân chuyển, bố trí, sắp xếp cán bộ, nhất là cán bộ làm công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số; việc số hóa hồ sơ chuyên ngành ngoài đất đai... 

Giải trình các vấn đề đoàn nêu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Tấn cho biết, trong tổng số 8 nhóm, 170 tiêu chí thành phần chấm điểm Chỉ số CCHC của các sở, Sở Tài nguyên và Môi trường có 4 nhóm, 33 tiêu chí thành phần đạt điểm thấp (xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đạt 6.03/9 điểm; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt 18.75/23.25 điểm; cải cách tài chính công đạt 4.64/7 điểm; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đạt 10.29/15.25 điểm...). Để nâng cao chỉ số CCHC, Sở sẽ tìm nguyên nhân của 33 tiêu chí thành phần bị trừ điểm, đưa ra giải pháp và giao nhiệm vụ cho từng phòng, đơn vị thực hiện giải pháp khắc phục cụ thể đối với từng tiêu chí.  

Đối với công tác xác định giá đất, đại diện lãnh đạo Sở cho rằng, hiện công tác xác định giá đất cụ thể gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài. Về việc phân cấp, ủy quyền trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến nay, Sở đã ủy quyền cho văn phòng đăng ký đất đai thực hiện 12 thủ tục hành chính.

 Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn của CCHC để đề ra các giải pháp cụ thể tổ chức triển khai có hiệu quả công tác này thuộc phạm vi quản lý, tạo đột phá trong CCHC năm 2023. Trong đó, việc bố trí, sử dụng công chức phải phù hợp với trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

“Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về kết quả thực hiện CCHC của cơ quan, đơn vị mình quản lý, chú ý những nội dung, tiêu chí thường xuyên bị trừ điểm qua các năm mà không có sự khắc phục, cải thiện”, Trưởng đoàn giám sát yêu cầu. (Hanoimoi.com.vn 23/5, Vũ Thủy)Về đầu trang

Đà Nẵng: Trả kết quả hồ sơ chậm phải xin lỗi dân, doanh nghiệp bằng văn bản

Ngày 23/5, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung cải thiện chỉ số và thứ hạng cải cách hành chính của Đà Nẵng năm 2023 và những năm tiếp theo. 

Đáng chú ý, ông Lê Trung Chinh yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải ban hành văn bản xin lỗi kèm theo kết quả giải quyết hồ sơ khi trả kết quả trễ cho công dân, doanh nghiệp. Cùng đó, các cơ quan, đơn vị xử lý nghiêm công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn và chậm trả kết quả trong giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân. 

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã nghiên cứu giải pháp mới phù hợp với điều kiện thực tế để xây dựng kế hoạch cải cách hành chính, thực hiện có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính tại ngành, địa phương mình.

Đồng thời, các cơ quan, địa phương rà soát, có giải pháp khắc phục ngay các tiêu chí, nội dung bất cập, chưa đạt yêu cầu, những tiêu chí làm mất điểm xếp hạng qua các năm, đặc biệt là mất điểm do yếu tố chủ quan. 

Chủ tịch Đà Nẵng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả trên một số lĩnh vực khó, nhạy cảm như lĩnh vực đất đai, các lĩnh vực chung giải quyết tại quận, huyện, phường, xã. 

Theo Chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) năm 2022 do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố, TP Đà Nẵng xếp hạng 5/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (VTC.vn 23/5, Châu Thư)Về đầu trang

Quảng Trị: Hiệu quả kênh tương tác phản ánh hiện trường

Qua hơn 2 năm đi vào hoạt động (1/5/2021), Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) Quảng Trị đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại Quảng Trị.  

Thông qua hoạt động của Trung tâm IOC tỉnh đã cung cấp cho lãnh đạo các cấp chính quyền cái nhìn toàn diện các thông tin liên quan đến các lĩnh vực, đơn vị, địa phương trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, thúc đẩy sự tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước góp phần tạo ra môi trường xã hội công bằng, văn minh. 

Trong các hệ thống giải pháp của Trung tâm IOC tỉnh thì hệ thống thông tin phản ánh hiện trường (PAHT) là một trong những hệ thống đang được triển khai hiệu quả, mang lại sự hài lòng của người dân. Từ khi đi vào hoạt động, cổng PAHT giúp tăng tính tương tác 2 chiều giữa người dân với chính quyền. Nếu như trước đây người dân rất ngại phản ánh các vấn đề gặp phải trong cuộc sống, thì nay khi gặp vấn đề cần phản ánh, người dân chỉ cần gửi đến Trung tâm IOC tỉnh bằng các kênh thông tin như: cổng thông tin tương tác, fanpage, tổng đài AI.

 Đặc biệt, thông qua ứng dụng di động app QuangTri IOC, người dân có thể gửi các phản ánh về Trung tâm IOC kèm theo hình ảnh hoặc video ghi nhận tại hiện trường. Ngay lập tức toàn bộ thông tin hình ảnh, nội dung, địa điểm ghi hình cùng số điện thoại người gửi sẽ được Trung tâm IOC tỉnh tiếp nhận, phân loại nội dung và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử lý. 

Với hệ thống này, người dân dễ dàng truy cập từ thiết bị di động được kết nối internet để gửi, cũng như có thể theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị của mình. Thông tin về phản ánh, nội dung, địa điểm, hình ảnh sẽ được các cơ quan chức năng phân tích và xử lý một cách kịp thời và chính xác. Toàn bộ quy trình xử lý PAHT đều được công khai, qua đó người dân có thể giám sát, tương tác và đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý phản ánh của từng cơ quan, đơn vị xử lý. 

Chị Nguyễn Thị Hiệp, người dân thôn Khe Song, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông cho hay: “Tôi thấy ứng dụng QuangTri IOC rất tiện lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa, chúng tôi không thể tiếp xúc với chính quyền địa phương nhưng vẫn có thể phản ảnh qua tin nhắn. Cơ quan, chính quyền cũng nhanh chóng tiếp nhận để giải quyết kịp thời, tiện lợi, hiệu quả, tôi thấy rất hài lòng với kết quả xử lý phản ánh”. 

Việc triển khai kênh tương tác PAHT bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, được người dân địa phương ủng hộ cao. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.360 lượt cài đặt App QuangTri IOC, 38 đơn vị tham gia hệ thống, Trung tâm IOC đã phối hợp, điều hành xử lý 490 phản ánh, trong đó, đã xử lý 482 phản ánh, đang xử lý 8 phản ánh. 

Hầu hết các phản ánh ghi nhận trên cổng PAHT thuộc các lĩnh vực như trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, các vấn đề liên quan đến an toàn, trật tự xã hội và chất lượng dịch vụ của các lĩnh vực cũng như các hành vi chậm trễ, gây phiền hà, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính. 

Đây là kênh giao tiếp tổng hợp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền tỉnh, tạo sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, phản ánh kiến nghị, tra cứu và khai thác các thông tin dữ liệu do chính quyền cung cấp, góp phần phục vụ công tác điều hành kinh tế - xã hội, phục vụ người dân tốt hơn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Là một trong những đơn vị nhận được nhiều phản ánh của người dân về các vấn đề bức xúc tại địa phương, thời gian qua, UBND TP. Đông Hà đã phối hợp xử lý hiệu quả các vấn đề về hạ tầng, xây dựng, an ninh trật tự. 

Chánh Văn phòng UBND TP. Đông Hà Hoàng Trọng Quang cho biết: “Có thể nói PAHT là một kênh “cảm biến xã hội” thông qua việc tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền. Thông qua đây, người dân có thể phản ánh tất cả những vấn đề mà người dân cần chính quyền quan tâm, đây cũng là cách phát huy quyền giám sát của Nhân dân. Nhờ có kênh PAHT mà đã có nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường được cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân”. 

Giám đốc Trung tâm CNTT&TT, Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Lệ Hằng, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý và vận hành Trung tâm IOC tỉnh khẳng định: “Cổng thông tin phản ánh hiện trường là giải pháp để các cơ quan nhà nước tiếp nhận những phản ánh của công dân, doanh nghiệp đối với các vấn đề bất cập trong xã hội. 

Dù mới chỉ đưa vào hoạt động nhưng Trung tâm IOC tỉnh đã góp phần trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, tạo dựng và nâng cao hình ảnh chính quyền thân thiện, năng động, văn minh, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”. 

Thời gian tới, Trung tâm IOC tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu và nắm rõ như thế nào là phản ánh hiện trường theo quy định. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp chủ động, tin tưởng và tham gia phản ánh hiện trường; xây dựng được kênh tương tác đa chiều, đánh giá kết quả xử lý cũng như công khai, minh bạch, tạo lòng tin trong Nhân dân. 

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị để xử lý nội dung phản ánh, đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Thường xuyên cập nhật, bổ sung các tính năng mới để phản ánh hiện trường mang tính thuận lợi cho người dân. (Baoquangtri.vn 24/5, Thanh Hằng)Về đầu trang

Bình Phước: Nhiều giải pháp nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS và PAPI

Chiều 23-5, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền chủ trì hội nghị đánh giá, phân tích kết quả các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI tỉnh Bình Phước năm 2022 và đề xuất giải pháp nâng cao các chỉ số năm 2023. 

Theo kết quả công bố tại hội nghị Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 của Bình Phước đạt 84,46%, đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2021; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 76,05% và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 39,9/80 điểm, đều đứng thứ 56/63 tỉnh, thành phố. 

Kết quả phân tích các chỉ số cho thấy, công tác cải cách hành chính nhà nước được các cấp, ngành, huyện, thị xã, thành phố quan tâm triển khai thực hiện. Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành để triển khai thực hiện cải cách hành chính toàn diện trên cả 6 lĩnh vực, gồm: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Người dân, các tổ chức đã cảm nhận được sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong công cuộc cải cách hành chính thông qua việc tiếp cận dịch vụ công dễ dàng hơn, được phục vụ tốt hơn trong quá trình giải quyết công việc, nhận được kết quả dịch vụ công có chất lượng cao hơn. 

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại, hạn chế trên một số lĩnh vực trong công tác cải cách hành chính; sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh chưa cao. 

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã phân tích rõ những điểm tăng và giảm trong các chỉ số thành phần có liên quan đến lĩnh vực của từng ngành, đơn vị, địa phương. Từ đó đề xuất nhiều giải pháp nâng cao các chỉ số, đặc biệt là nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, cải thiện điểm số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cải cách hành chính nhà nước bằng nhiều hình thức.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho rằng, các chỉ số chỉ mang tính chất tương đối. Quan trọng là các cơ quan, đơn vị, địa phương phải hết sức nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục và vận hành bộ máy thông suốt; chấn chỉnh những khuyết điểm, rút kinh nghiệm kịp thời, đồng thời nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền. 

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đề nghị Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh tiếp thu các nội dung tại hội nghị để tham mưu UBND tỉnh trong nâng cao chất lượng cải cách hành chính cũng như cải thiện các chỉ số trong thời gian tới. (Baobinhphuoc.com.vn 23/5, Thu Thảo - Hoàng Vũ) Về đầu trang

Công an tỉnh Đắk Nông - đơn vị tiên phong về chuyển đổi số 

Thời gian qua, Công an tỉnh Đắk Nông đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Qua đó, góp phần cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. 

Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV06) là đơn vị tiên phong chuyển đổi số trong lưc lượng Công an tỉnh. Với mục tiêu số hóa tổng số hồ sơ hiện đang lưu trữ là hơn 30.000 bộ các loại. 

Đến nay, PV06 đã số hoá được trên 5.000 tập hồ sơ nghiệp vụ, với hơn 751.352 trang tài liệu được đưa lên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử (đạt 17,25% so với chỉ tiêu số hóa năm 2023 của Công an tỉnh). Bước đầu, việc số hóa bảo đảm tiến độ, an toàn. 

Nhờ số hóa hồ sơ, dữ liệu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mà PV06 đã tra cứu, cung cấp kịp thời, nhanh chóng, chính xác hàng ngàn thông tin cần thiết cho những đơn vị nghiệp vụ khác trong điều tracác loại tội phạm... 

Từ năm 2022, Công an tỉnh Đắk Nông đã triển khai ứng dụng báo cháy qua phần mềm 114 trên các nền tảng thiết bị di động. Ứng dụng “Báo cháy 114” giúp lực lượng chức năng phát hiện sự cố liên quan cháy nổ, tai nạn. 

Khi xảy ra cháy, người dùng ứng dụng có thể quay trực tiếp hiện trường vụ cháy gửi về 114. Qua hệ thống, máy chủ sẽ xác định vị trí chính xác để lực lượng PCCC đến hiện trường nhanh nhất. 

Trường hợp không có wifi, 3G, 4G, người dùng vẫn có thể dùng tính năng này, hệ thống sẽ chuyển sang đầu số 114 gọi trực tiếp qua sim điện thoại miễn phí. 

Bên cạnh đó, qua ứng dụng báo cháy, người dùng có thể yêu cầu về cứu nạn, cứu hộ như khi xảy ra tai nạn giao thông, gặp nguy hiểm cần hỗ trợ. 

Công an tỉnh đã triển khai mạng nội bộ đến tất cả các đơn vị, công an địa phương; ứng dụng chữ ký số trong công tác hành chính; cài đặt, sử dụng hàng chục phần mềm nghiệp vụ bằng tin học.

Công an tỉnh cũng đẩy mạnh khai thác mạng internet phục vụ thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua trang thông tin điện tử Công an tỉnh và trang mạng xã hội của ngành lẫn các đơn vị, địa phương. 

Hiện nay, 100% công an xã, phường đã kết nối với người dân thông qua các nhóm zalo để cung cấp thông tin kịp thời về phương thức, thủ đoạn của tội phạm. 

Ngoài ra, nhiều địa phương hiện đã và đang đẩy mạnh thực hiện Đề án 06. Trong số đó, có nhiều xã, phường thị trấn đã hoàn thành 100% việc cấp căn cước công dân cho người dân. 

Theo lãnh đạo Công an tỉnh, nhiều dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai theo tinh thần của Đề án 06. 

Việc này góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch điện tử, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số. 

Hiện bộ phận một cửa Công an tỉnh cũng đang thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, có 4 thủ tục hành chính được giải quyết trong ngày. (Baodaknong.vn 24/5, Hoàng Thanh)Về đầu trang

Hải Dương: Xã đầu tiên ở Tứ Kỳ công khai niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR

Xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) vừa công khai niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR tại Bộ phận “một cửa” song song với bản niêm yết giấy. Đây là xã đầu tiên của huyện Tứ Kỳ thực hiện việc này.

Bộ mã QR được niêm yết gồm 139 mã tương ứng với 139 thủ tục hành chính ở 35 lĩnh vực. Người dân chỉ cần sử dụng điện thoại di động để quét mã QR, sau đó nhấn vào đường link truy cập thông tin thủ tục hành chính để tìm hiểu và nộp hồ sơ trực tuyến. 

Việc niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, thuận lợi hơn so với phương thức tra cứu thông tin trên bảng niêm yết giấy. (Baohaiduong.vn 24/5, PV)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính

Ngày 23/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022. Theo đó, đây là năm Chính phủ có nhiều hành động quyết liệt để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực. 

Cũng phải nói thêm về số liệu, giai đoạn 2020 - 2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức. Trong đó, có 258 người được tuyển dụng theo các chính sách quy định tại Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, lực lượng khoa học trẻ. 

Theo Bộ trưởng Phớc, việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính và kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm minh, kịp thời và kiên quyết đã đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể, từ 2020 đến tháng 6/2022, các cơ quan, đơn vị đã rà soát xử lý gần 100.000 trường hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp. 

Để xây dựng được đội ngũ công chức trong sạch, phải quan tâm đến chế độ, tiền lương. Theo Bộ trưởng Phớc, việc cải cách chế độ tiền lương tiếp tục có chuyển biến tích cực. Cụ thể, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp BHXH cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp. 

Vừa “xây”, vừa “chống”, tuy nhiên, theo đánh giá, tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: đất đai, xây dựng, LĐ-TB&XH… 

Đáng lo ngại là công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan có lúc, có nơi còn rời rạc, thiếu gắn kết, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao; việc xử lý những vấn đề phát sinh khi sắp xếp, tổ chức bộ máy còn có mặt hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; một số chính sách chưa phù hợp với thực tiễn. 

Do vậy, đã đến lúc Chính phủ và các địa phương phải cùng quan tâm đến công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; cải thiện môi trường làm việc. Đồng thời có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc đang là một thực tế đáng lo hiện nay. (Baophapluat.vn 24/5, Ngô Đức Hành)Về đầu trang

Đề xuất cán bộ không hẹn gặp, không tiếp công dân bên ngoài cơ quan

Trong dự thảo nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ, Bộ Nội vụ đề xuất cán bộ, công chức không hẹn gặp, không tiếp công dân và tổ chức bên ngoài cơ quan. 

Dự thảo nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ đã được Bộ Nội vụ gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Nghị định dành một chương quy định về những chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó có quy định về giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức với tổ chức và công dân. 

"Chỉ được tiếp công dân và tổ chức tại cơ quan, không hẹn gặp, không tiếp công dân và tổ chức bên ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc, tại nhà riêng", dự thảo nêu rõ. 

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, đúng mực; ngôn ngữ giao tiếp rõ ràng, mạch lạc, văn minh, không chửi thề, không nói tiếng lóng, quát, dọa nạt; không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc, gợi ý nhằm trục lợi cá nhân. 

Bộ Nội vụ mong muốn cán bộ phải tận tình giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về quy trình, thủ tục và những thắc mắc, vướng mắc của công dân và tổ chức liên quan đến giải quyết công việc; khiêm tốn, tiếp thu các ý kiến góp ý của công dân và tổ chức; ưu tiên giải quyết công việc đối với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai. 

Cán bộ, công chức cần tôn trọng, có tinh thần hợp tác, có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ trong công tác, bảo đảm chất lượng, tiến độ; ứng xử có văn hoá, tôn trọng danh dự, uy tín của cơ quan, tổ chức, công dân có quan hệ công tác. 

Tại tờ trình dự thảo nghị định, Bộ Nội vụ nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện đạo đức công vụ vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. 

Tại một số Bộ, địa phương, công tác thông tin, tuyên truyền về đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chưa thường xuyên; hình thức tuyên truyền chưa thật sự đa dạng, phong phú, thiết thực; công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức chưa sâu sát, hiệu quả chưa cao. 

Đặc biệt, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn bộc lộ sự yếu kém trong giao tiếp, ứng xử với với người dân, tổ chức và đồng nghiệp, vẫn còn những hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật gây ảnh hưởng đến uy tín của Bộ, địa phương và hình ảnh của cán bộ, công chức, viên chức... 

Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường nhưng vẫn còn tình trạng nể nang, hình thức, chưa kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, chủ yếu vẫn làm theo chuyên đề, theo đợt cao điểm. Việc xử lý vi phạm về đạo đức công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa mang tính răn đe, chưa thật sự nghiêm… 

Do đó, Bộ Nội vụ cho rằng, cần phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ làm căn cứ để các bộ và địa phương thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong cả nước. (VTC.vn 24/5, Anh Văn)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Hàn Quốc bổ sung luật buộc các nghị sỹ phải kê khai tài sản ảo

Ngày 22/5, Ủy ban Đặc biệt về Cải cách Chính trị thuộc Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật sửa đổi Luật Quốc hội có nội dung buộc các nghị sỹ đắc cử phải khai báo cả tài sản ảo lên Ủy ban Tư vấn Thẩm định về Đạo đức. 

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, dự luật mới này nhằm phòng chống tham nhũng liên quan đến tài sản ảo, bao gồm cả các loại tiền ảo. 

Tiểu ban thứ nhất về thẩm định dự luật đồng thời bổ sung điều khoản đặc biệt vào luật sửa đổi, yêu cầu các nghị sỹ đương nhiệm khóa XXI phải kê khai tài sản ảo và lịch sử giao dịch cho đến cuối tháng này. Đây có thể xem như cuộc điều tra, kê khai lần đầu toàn diện về tài sản ảo của các nghị sỹ. 

Ủy ban Tư vấn Thẩm định về Đạo đức sẽ tiến hành kiểm tra và gửi ý kiến đến nghị sỹ liên quan và đại diện đảng tại Quốc hội trước ngày 31/7. 

Chủ tịch Tiểu ban Jeon Jae-soo thuộc đảng Dân chủ (DP) đối lập chính cho biết mặc dù đối tượng của dự luật là nghị sỹ đắc cử mới, song dự luật được bổ sung điều khoản để áp dụng ngay cho các nghị sĩ khóa XXI. 

Ông Jeon đồng thời kêu gọi các nghị sỹ khai báo toàn bộ tài sản ảo cho đến ngày 30/5 tới, kể cả các khoản tiền mặt và chứng khoán của gia đình. 

Dự thảo luật mới được các thành viên của Ủy ban đặc biệt về cải cách chính trị của cả 2 đảng lớn ở Hàn Quốc đề xuất và thúc đẩy tiến trình xem xét sau khi nghị sĩ đảng DP Kim Nam-kuk bị cáo buộc sở hữu một lượng lớn tài sản ảo và buộc phải rời khỏi đảng. 

Ủy ban Đặc biệt về Cải cách Chính trị có kế hoạch hoàn thiện dự luật trên trong cuộc họp toàn thể vào ngày 25/5, đăng công báo và áp dụng ngay sau đó. (TTXVN/VietnamPlus.vn 23/5, Khánh Vân)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

05