Bản tin cải cách hành chính ngày 18/5/2023

15:15, Thứ Sáu, 19-5-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1.        Hà Nội: Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân

2.        TT-Huế: Người dân, doanh nghiệp phấn khởi khi ứng dụng dịch vụ công trực tuyến

3.        FPT đồng hành đưa Cà Mau đi đầu về chuyển đổi số

4.        Chỉ số cải cách hành chính giảm, Hải Dương tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm

5.        Bà Rịa-Vũng Tàu công bố đường dây nóng của Tổ công tác đặc biệt

6.        An Giang thi đua thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính

7.        Bình Dương quyết cải thiện chỉ số PAR Index, đặt mục tiêu vào top 10 cả nước

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

8.        Bộ TNMT lấy ý kiến các địa phương về sửa Nghị định 08 do khó áp dụng trong thực tiễn

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

9.        Cà phê doanh nhân - đừng chỉ là phong trào

10.     Cơ học, chậm và chưa hiệu quả

THẾ GIỚI

11.     Tuần làm việc 4 ngày mang lại hiệu quả tích cực tại Anh 

 

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Hà Nội: Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân

Đoàn giám sát số 2 của HĐND TP Hà Nội vừa có buổi làm việc với Sở Thông tin và truyền thông về việc thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước thuộc TP Hà Nội. 

Đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Sở đã luôn kịp thời, bám sát chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, công khai, dân chủ; Công tác cải cách tổ chức bộ máy của Sở được chú trọng, việc triển khai sắp xếp, kiện toàn đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, công khai, dân chủ và tập trung. Công tác đánh giá cán bộ công chức, viên chức đã được triển khai nề nếp, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết công việc. Sở TT&TT đã chú trọng đầu tư, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ cơ quan, đặc biệt đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và DN... 

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên đánh giá cao những kết quả của Sở TT&TT trong thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Sở TT&TT đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Trung ương và TP; tập trung hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, thực hiện công nghệ số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành... 

Để việc triển khai cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số được hiệu quả, Sở TT&TT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan ban hành hướng dẫn về vị trí việc làm và biên chế công chức chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin, an toàn thông tin tại các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, đặc biệt là tại cấp xã; Kiến nghị với Thành ủy, HĐND, UBND TP - xem xét, bổ sung chỉ tiêu biên chế cán bộ làm công nghệ thông tin tại cơ quan chuyên môn về công nghệ thông tin cấp TP và UBND cấp xã. 

Đồng thời, tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ công chức, viên chức làm công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước thuộc TP khi Chính phủ áp dụng chế độ lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương. Tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác cải cách hành chính tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP. 

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đã cùng làm rõ về giải pháp để tăng chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân; về đánh giá chung trên toàn TP về mức độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong vận hành mô hình chính quyền điện tử, chuyển đổi số, đặc biệt ở cấp xã. Đồng thời làm rõ thực trạng hạ tầng công nghệ hiện nay có thể đáp ứng tiêu chí xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số không... 

Trưởng Đoàn giám sát đề nghị, Sở TT&TT rà soát lại toàn bộ các thể chế liên quan đến công tác chuyển đổi số, tổng hợp, tham mưu cho TP để triển khai tốt hơn về công tác này. Đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đầu việc, đảm bảo tiến độ. Với những kiến nghị của đơn vị, Đoàn sẽ tổng hợp để đưa vào báo cáo chung và xem xét, đưa ra những giải pháp phù hợp. (Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn 18/5, Quân Đào)Về đầu trang

TT-Huế: Người dân, doanh nghiệp phấn khởi khi ứng dụng dịch vụ công trực tuyến

Sau khi cài đặt ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4; nhiều doanh nghiệp, người dân rất hài lòng bởi việc sử dụng DVCTT đã giúp họ tiết kiệm thời gian đi lại, giảm chi phí, thủ tục hành chính (TTHC) được nhanh chóng giải quyết, thuận tiện... 

Thời gian gần đây, việc đăng ký, quản lý phương tiện và xử lý các vi phạm trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (ATGT) được Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế áp dụng các hình thức thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Anh Nguyễn Văn N. (trú huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) điều khiển ôtô vi phạm lỗi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến dưới 10km/h. Do ở xa, không tiện đi lại nhiều lần đến nơi để làm các thủ tục xử lý vi phạm hành chính (VPHC) nên anh N được hướng dẫn, thực hiện việc nộp phạt thông qua Cổng DVCQG. Theo anh N, việc nộp phạt qua Cổng DVCQG được thực hiện khá thuận lợi, giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của do phải đi lại nhiều lần. 

Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận hàng trăm yêu cầu của người dân liên quan đến các lĩnh vực đăng ký, quản lý phương tiện và xử lý VPHC về TTGT. Người dân, doanh nghiệp khi đến làm việc đều được cán bộ hướng dẫn tận tình, các bước tiến hành thao tác nhanh chóng, thuận tiện trên điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng internet để truyền thông tin đến Cổng DVCQG xử lý. 100% hồ sơ trên lĩnh vực quản lý giao thông được giải quyết và trả đúng thời gian quy định. 

Trong quý I năm 2023, Phòng CSGT Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 946 hồ sơ đăng ký phương tiện giao thông và 964 trường hợp nộp phạt VPHC về trật tự ATGT qua dịch vụ công trực tuyến. Thông qua Cổng DVCQG, người dân tự kết nối, tích hợp, tương tác để nộp tiền phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thay vì việc phải trực tiếp đến các kho bạc, ngân hàng nộp tiền xử phạt VPHC như trước đây. Đồng thời, có thể đăng ký địa chỉ để nhận lại các giấy tờ bị cơ quan Công an tạm giữ sau khi đã hoàn thành xong quyết định xử phạt. 

“Trong công tác đăng ký, quản lý phương tiện, các thủ tục đăng ký đơn giản, thuận tiện, giao dịch 24/24h trong ngày tại bất cứ đâu có kết nối internet. Đây chính là mục tiêu phấn đấu của lực lượng CSGT trong việc phục vụ người dân, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo để đánh giá chất lượng và hiệu quả phục vụ trong cung cấp dịch vụ công nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách TTHC, nhất là cắt giảm TTHC thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin…”, Trung tá Lê Hồng Vân - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm cho hay. 

Gia đình anh Lê Ngọc Khánh ở phường An Cựu (TP Huế) có 15 phòng trọ với hơn 20 người thuê đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau nên phải thường xuyên thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú cho người thuê trọ. Thế nhưng, từ khi được tiếp cận DVCTT, thay vì đến trực tiếp Công an phường trình báo, anh Khánh nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công. Anh Khánh cho biết: “Giờ ngồi tại nhà tôi cũng có thể nộp hồ sơ. Thực hiện TTHC trực tuyến không những tiết kiệm được thời gian mà còn có thể chủ động theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ của mình”. 

Nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện TTHC mức độ 3, mức độ 4. Theo đó, hàng tuần, cán bộ, công chức thuộc Đội xung kích tuyên truyền lưu động huyện Quảng Điền mang theo máy tính, máy Scan, điện thoại thông minh tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4 cho người dân ở tận thôn xóm, khu dân cư, người dân ở đầm phá. Sau khi được hướng dẫn, anh Văn Đình Đức (ở thôn Nam Giảng, xã Quảng Thái) chia sẻ, đa số người trẻ đều sử dụng điện thoại thông minh, nên việc tạo tài khoản DVCTT rất thuận tiện. Một số thủ tục đơn giản, mình có thể thực hiện trên mạng vừa tiết kiệm thời gian, vừa có thể thực hiện ở bất cứ đâu… 

Ông Phạm Công Phước, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho biết, sáng kiến tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4 được UBND xã triển khai từ giữa năm 2022 đến nay. Từ đó, góp phần thay đổi thói quen, cũng như tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC cho người dân. Hiện, xã Quảng Thái tiếp nhận lượng hồ sơ phát sinh trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tăng lên rất nhiều so với trước khi triển khai mô hình, nhất là những thủ tục đơn giản.  

Nhận thấy hiệu quả từ sáng kiến Đội xung kích tuyên truyền lưu động, UBND huyện Quảng Điền đã nhân rộng ra tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đến nay, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại Trung tâm HCC huyện Quảng Điền đạt trên 90%. UBND huyện đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia gắn với việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong giao dịch hành chính, ông Phước cho hay. (Cand.com.vn 18/5, Hải Lan)Về đầu trang

FPT đồng hành đưa Cà Mau đi đầu về chuyển đổi số

Ngày 17/5, UBND tỉnh Cà Mau và Tập đoàn FPT ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, sớm đưa tỉnh Cà Mau trở thành một trong những tỉnh phát triển nhanh về chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. 

Theo biên bản ký kết hợp tác, Tập đoàn FPT sẽ đồng hành cùng Cà Mau xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết chuyển đổi số, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nguồn lực hai bên. 

FPT hỗ trợ UBND tỉnh Cà Mau cụ thể hóa chương trình hành động thành các nhiệm vụ, dự án phù hợp với năng lực và thế mạnh của FPT, tập trung các lĩnh vực: hạ tầng số, chính quyền số, phát triển hệ ứng dụng số cho người dân, doanh nghiệp và các lĩnh vực khác.  

Để thúc đẩy phát triển thành phố thông minh, FPT hỗ trợ tỉnh Cà Mau xây dựng, rà soát đề án, chương trình hành động. Tập đoàn FPT cũng đánh giá tổng thể thực trạng hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh để hỗ trợ các hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, xem xét các chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ngành, địa phương (DDCI); chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); chỉ số cải cách hành chính (PAR index); chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân (SIPAS); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)... 

Với doanh nghiệp tại Cà Mau, FPT sẽ lên kế hoạch tổ chức chương trình giúp doanh nghiệp và hộ gia đình bán sản phẩm, chung tay đưa sản phẩm của tỉnh ra toàn quốc thông qua nền tảng thương mại điện tử Sendo. Bên cạnh đó, Tập đoàn tư vấn chuyển đổi số và triển khai các ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp. 

Hai bên sẽ cùng tổ chức truyền thông các sự kiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp và hộ gia đình; triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các cấp lãnh đạo, cán bộ công chức, cán bộ viên chức trong hệ thống chính quyền tỉnh, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số theo quy định pháp luật.

Để phát triển chính quyền số, FPT hỗ trợ tỉnh Cà Mau phát triển giải pháp thanh toán số cho các nền tảng dịch vụ công, dịch vụ công ích và thương mại; quy hoạch dữ liệu trên toàn tỉnh, tiến tới xây dựng kho cơ sở dữ liệu tập trung; xem xét triển khai hệ thống quản lý bệnh viện thông minh, hệ thống quản lý bệnh án điện tử (EMR), hệ thống quản lý hình ảnh (PACS). 

Ở lĩnh vực giáo dục, Cà Mau tạo điều kiện cho Tổ chức giáo dục FPT xúc tiến đầu tư trường phổ thông liên cấp chất lượng cao với các chính sách xã hội hóa giáo dục ưu đãi và trường cao đẳng FPT Polytechnic. 

Tập đoàn cũng nghiên cứu thực trạng và tư vấn chuyển đổi số trong giáo dục, phối hợp cùng các sở ban ngành liên quan áp dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo vào quá trình dạy và học, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cho ngành giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy-học và quản lý. (Chinhphu.vn 17/5, HM) Về đầu trang

Chỉ số cải cách hành chính giảm, Hải Dương tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm

Ngày 17/5, Hội đồng đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) tỉnh tổ chức họp để phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm về kết quả Chỉ số CCHC năm 2022. 

Năm 2022, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện CCHC tăng 7 bậc so với năm 2021; Cải cách tài chính công tăng 39 bậc; Cải cách thủ tục hành chính có kết quả khá tích cực xếp thứ 4/63, tăng 57 bậc so với năm 2021. Một số cơ quan, tổ chức đã xây dựng và triển khai các sáng kiến, cải tiến về cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thủ tục và thời gian, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính... 

Tuy nhiên, về tổng thể chỉ số CCHC năm 2022 của tỉnh giảm đáng kể về thứ bậc, xếp thứ 47/63 tỉnh thành, phố, giảm 28 bậc so với năm 2021. Một số lĩnh vực bị giảm sâu như: Cải cách chế độ công vụ xếp thứ 48/63, giảm 45 bậc; Cải cách tổ chức bộ máy xếp thứ 19/63, giảm 17 bậc, Xây dựng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số xếp thứ 55/63, giảm 36 bậc; Tác động của CCHC đến phát triển kinh tế xã hội giảm 32 bậc.... 

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đã phân tích làm rõ các nhóm tiêu chí giảm điểm trong đó nhấn mạnh đến các nguyên nhân, phương hướng khắc phục trong thời gian tới. 

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ tiếp thu các ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, hoàn chỉnh báo cáo, trong đó cần làm rõ nguyên nhân, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan của những tiêu chí giảm điểm. 

Về các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục trong thời gian tới, ông Hùng yêu cầu cần đưa ra dự báo cho năm 2023 với những khó khăn, rào cản trong bối cảnh chung của tình hình thế giới và trong nước. Nhất trí về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện CCHC của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh cần giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã thành phố.  

Đối với cấp huyện cũng cần thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng quy chế phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí thành viên, định kỳ báo cáo Hội đồng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Đối với các cơ quan được giao chủ trì, tham mưu về các lĩnh vực CCHC cần có báo cáo giải trình cụ thể về những tiêu chí giảm điểm trong năm 2022. 

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về CCHC, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tích cực đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về thực hiện các nhiệm vụ CCHC, thiết lập đường dây nóng tại các cơ quan, đơn vị để người dân có thể kịp thời phản ánh những vướng mắc liên quan đến các thủ tục hành chính. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng yêu cầu Sở Nội vụ, cơ quan thường trực của Hội đồng đánh giá, xác định chỉ số CCHC tỉnh theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện các nội dung liên quan đến công tác CCHC đưa ra các mốc thời gian báo cáo cụ thể, yêu cầu các cơ quan, đơn vị đề ra các giải pháp tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, trong đó đặc biệt lưu ý đến những nội dung bị xếp hạng thấp để phấn đấu năm 2023 chỉ số CCHC của tỉnh đạt kết quả cao hơn. (Kienthuc.net.vn 17/5)Về đầu trang

Bà Rịa-Vũng Tàu công bố đường dây nóng của Tổ công tác đặc biệt

Chiều 17-5, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Tổ Công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. 

Ông Lê Ngọc Linh công bố quyết định thành lập Tổ Công tác đặc biệt. Trong đó, Tổ Công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. 

Giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan nhằm tháo gỡ thúc đẩy triển khai dự án đầu tư; Đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; Đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn. 

Rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư; các bộ, ngành Trung ương xem xét, điều chỉnh bổ sung trong quy định pháp luật sửa đổi trong thời gian tới. 

Định kỳ hàng tháng hoặc trong trường hợp cần thiết báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác kết quả, tiến độ, hướng xử lý nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. 

Tổ công tác có quyền yêu cầu các cơ quan có liên quan cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm những vướng mắc thuộc thẩm quyền của cơ quan đó; Mời lãnh đạo của các cơ quan trung ương, các tổ chức, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ của tổ công tác. 

Tổ giúp việc cho Tổ công tác do ông Nguyễn Tấn Cường, phó giám đốc Sở KH&ĐT làm tổ trưởng; thành viên là trưởng, phó một số phòng nghiệp vụ thuộc các sở, ngành. Tổ giúp việc có trách nhiệm đề xuất, tham mưu, tổng hợp các nội dung làm việc của Tổ công tác trong phạm vi nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý của cơ quan mình theo phản ánh của lãnh đạo Tổ công tác. 

Đường dây nóng của Tổ Công tác: 088.8801.247. Các kiến nghị bằng văn bản của doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ gửi trực tiếp tới ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh-Tổ trưởng Tổ công tác. 

Lịch tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư là cố định vào chiều mỗi thứ Năm hàng tuần; Từ 7 giờ 30 phút- 8 giờ 30 phút hàng ngày (sẽ xếp lịch tùy thuộc vào lịch làm việc của ông Chủ tịch UBND tỉnh). Về xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư, hàng ngày Sở KH&ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành tổng hợp, rà soát, chia nhóm những khó khăn, vướng mắc hàng ngày theo từng lĩnh vực để tham mưu phương án xử lý…. 

UBND tỉnh dự kiến tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư định kỳ hai lần một năm. Dự kiến đối thoại lần thứ 1 năm 2023 vào tháng 6 tới và Tổ chức hội nghị đối thoại với các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 7-2023. Những thông tin cũng sẽ được công bố trên Cổng thông tin Điện tử của UBND tỉnh. 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thọ, chủ tịch UBND tỉnh khẳng định phát triển cộng đồng doanh nghiệp ngày càng bền vững là yếu tố then chốt của tỉnh trong thời gian tới. Lãnh đạo tỉnh, các sở ngành quyết tâm, địa phương là tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số, đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 

Việc thành lập Tổ Công tác sẽ tạo thêm một kênh quan trọng để hỗ trợ UBND tỉnh tiếp cận trực tiếp, nhanh nhất các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; đôn đốc để tháo gỡ, xử lý kịp thời, hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn… (Plo.vn 17/5, Trùng Khánh)Về đầu trang

An Giang thi đua thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính

Ngày 27/4, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ký Quyết định 568/QĐ-UBND, ban hành kế hoạch “Phát động thi đua trong thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) năm 2023”. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đợt thi đua phát huy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. Đặc biệt là các hoạt động rà soát quy định TTHC, nhằm đơn giản hóa, hoặc liên thông thực hiện TTHC, góp phần cải cách TTHC trong giai đoạn hiện nay. Phát hiện kịp thời cách làm hay, tác động tích cực đến mức độ hài lòng của người dân về chất lượng tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước. Đảm bảo TTHC được cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; trên môi trường điện tử (Cổng dịch vụ công trực tuyến) thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, địa phương được kiểm soát về nghiệp vụ. Qua đó, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. 

Đối tượng thi đua là tập thể cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cơ quan ngành dọc, UBND cấp huyện, xã; cá nhân cán bộ, công chức có thành tích trong thực hiện TTHC, hoạt động kiểm soát, cải cách TTHC, cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tặng bằng khen cho 5 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc; khen thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật. 

Các tập thể, cá nhân thi đua 19 tiêu chí của 8 nội dung, chủ yếu liên quan đến việc ban hành, thực hiện văn bản chỉ đạo điều hành hoạt động kiểm soát TTHC; kiểm soát quy định TTHC; kết quả đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp; việc công khai đầy đủ, kịp thời nội dung TTHC và dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tuyên truyền clip, bài viết trong hoạt động kiểm soát, cải cách TTHC; thiết lập kênh tuyên truyền cải cách, kiểm soát TTHC trên mạng xã hội. 

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ký Quyết định 77/QĐ-UBND, ngày 18/1/2023, ban hành Kế hoạch tổ chức hoạt động kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu 7 nội dung chủ yếu: Thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động kiểm soát TTHC; đổi mới cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC; tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC; thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 (dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần); công tác truyền thông về kiểm soát, cải cách TTHC; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định, TTHC; các nội dung khác về kiểm soát, cải cách TTHC. 

Ngày 4/5, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đưa vào hoạt động mô hình “Quầy hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nâng cao kỹ năng số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công tỉnh”. Theo đó, trung tâm bố trí quầy hỗ trợ công dân được trang bị đầy đủ trang thiết bị công nghệ cần thiết. Đồng thời, phân công ít nhất 2 cán bộ trực/ngày làm việc để hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công; giải thích cho người dân hiểu quy định về TTHC mà họ có nhu cầu; hướng dẫn đăng ký ứng dụng thanh toán trung gian có kết nối với Cổng dịch vụ công để thanh toán phí, lệ phí trực tuyến; hướng dẫn tìm hiểu, tra cứu thông tin kết quả giải quyết, đánh giá mức độ hài lòng của người dân trên Cổng dịch vụ công. 

Ngoài hỗ trợ trực tiếp, trung tâm cung cấp đường dây nóng 02963.832.834 để hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ TTHC trực tuyến; kịp thời giải đáp vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Việc triển khai mô hình góp phần nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến, tạo thuận lợi, hài lòng cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC. Đặc biệt, không để người dân phải chờ đợi quá 15 phút khi thực hiện TTHC trực tuyến và trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. (Baoangiang.com.vn 18/5, Hạnh Châu)Về đầu trang

Bình Dương quyết cải thiện chỉ số PAR Index, đặt mục tiêu vào top 10 cả nước

Ngày 17/5, tỉnh Bình Dương đã công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. 

Kết quả PAR Index năm 2022 cho thấy, các sở, ban, ngành có chỉ số trung bình đạt 84,31% trở lên, đạt mức khá và tăng so với năm 2021 (83,85%). 

Trong số 17 sở ngành thì Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp thứ nhất với 92,57 điểm, kế đến là Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. 

Đáng chú ý Sở Kế hoạch và Đầu tư từ vị trí cuối cùng của năm 2021 đã vươn lên vị trí thứ 10. Còn Sở Lao động Thương binh và Xã hội từ vị trí 15 đã tụt xuống vị trí cuối cùng. 

So với năm 2021, các chỉ số PAR Index của các sở, ban, ngành năm 2022 có 10 đơn vị tăng điểm, 7 đơn vị giảm điểm. 

Đối với cấp huyện, TP.Thủ Dầu đạt chỉ số PAR Index năm 2022 cao nhất với 96,89 điểm, kế đến là TP. Tân Uyên. TP.Thuận An đứng cuối bảng với 79,83 điểm. 

Đối với cấp xã, năm 2022, chỉ số trung bình PAR Index  của các xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh đạt 89,64%, tăng 1,59% so với năm 2021 (năm 2021 là 88,05%). Đứng đầu bảng xếp hạng là phường Hoà Phú đạt 97,67 điểm. 

Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bình Dương cho biết, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2022 bị giảm điểm mạnh ở các nội dung như chậm rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật. 

Việc thực hiện tinh giảm đơn vị sự nghiệp, thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến còn thấp. 

Theo kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2022, tỉnh Bình Dương chỉ đạt 88,78/100 điểm. So với năm 2021, Bình Dương giảm 3,09 điểm, đứng thứ 35/63 tỉnh thành cả nước. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, yêu cầu các sở, ban ngành, các quận, huyện, xã phường tập trung cải thiện hơn nữa chỉ số PAR Index bằng việc rà soát, cắt giảm và đơn giản hoá thủ tục hành chính thực chất. Đối với các thủ tục đủ điều kiện làm qua mạng thì thực hiện số hóa làm qua mạng không nhận hồ sơ giấy. 

Ông Minh cho biết, năm 2022 chỉ số PAR Index của tỉnh giảm do nhiều nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) có sự cải thiện đáng kể khi xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. 

"Chỉ số SIPAS cải thiện đáng kể là điểm tích cực để Bình Dương tiếp tục cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Tỉnh phấn đấu năm 2023, các chỉ số cải cách hành chính phải tốt hơn để nằm trong top 10 cả nước", ông Minh nhấn mạnh. (Baodautu.vn 18/5, Lê Quân)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Bộ TNMT lấy ý kiến các địa phương về sửa Nghị định 08 do khó áp dụng trong thực tiễn

Bộ TN&MT vừa có công văn gửi UBND 63 tỉnh/thành phố lấy ý kiến về nội dung sửa đổi một số điều của Nghị định 08 năm 2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường. 

Nội dung sửa đổi chủ yếu tập trung vào quy mô, công suất các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hướng sửa đổi sẽ là tăng thẩm quyền cho địa phương trong việc cấp phép, quản lý môi trường các dự án này. 

Hai loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được sửa đổi trong nghị định gồm loại hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp và sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử. 

Với ngành chăn nuôi gia súc sẽ sửa đổi theo hướng, dự án công suất nhỏ dự kiến sẽ có quy mô 10-300 đơn vị vật nuôi (quy định hiện tại là 10-100 đơn vị vật nuôi). Công suất trung bình sẽ từ 300-3000 đơn vị vật nuôi (quy định hiện tại là 100-1000 đơn vị vật nuôi), công suất lớn là từ 3000 đơn vị vật nuôi. 

Với ngành sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử, dự án có công suất trung bình sẽ có quy mô dưới 2000 tấn/năm, quy định hiện tại của Nghị định 08 là dưới 1 triệu thiết bị hoặc dưới 1000 tấn sản phẩm/năm. Dự án có công suất lớn sẽ có quy mô từ 2000 tấn sản phẩm/năm, quy định hiện tại là từ 1 triệu thiết bị hoặc từ 1000 tấn sản phẩm/năm. 

Theo quy định của Nghị định 08 với dự án có quy mô công suất nhỏ sẽ do UBND huyện cấp phép môi trường, dự án công suất trung bình do UBND tỉnh cấp phép môi trường và dự án công suất lớn sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Vì vậy, việc sửa đổi nghị định 08 như trên sẽ tăng thẩm quyền của địa phương trong cấp phép, quản lý bảo vệ môi trường các dự án. 

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Võ Tuấn Nhân cho biết: “Trong quá trình áp dụng trong thực tiễn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phát hiện một số điểm chưa chuẩn và khó áp dụng trong thực tiễn nên đang xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa vào chương trình sửa đổi Nghị định của Chính phủ. Lúc đó Bộ TN&MT sẽ dự thảo và lấy ý kiến các bộ ngành”. 

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, đây là việc làm thường xuyên sau khi luật có hiệu lực của bất kỳ bộ ngành nào. Việc làm này là thực hiện trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các địa phương và thực hiện Nghị quyết 50 ngày 8/4/2023 của Chính phủ, trong đó yêu cầu các bộ cắt giảm, đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương giải quyết thủ tục hành chính. 

“Sau khi Luật Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 Chính phủ ban hành Nghị định 08 quy định chi tiết một số điều của luật này. Hiện nay, để thực hiện nhiệm vụ chúng tôi mới đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương, kiểm tra, nắm bắt trong thực tế để tổng hợp, rà soát và đánh giá. Chúng tôi mới gửi văn bản số 3016 tới các địa phương để lắng nghe đóng góp để tổng hợp và rà soát. Đây là bước chuẩn bị, tổng hợp các ý kiến nằm trong quá trình rà soát trong thực tế sau đó báo cáo, tham mưu cho Chính phủ theo đúng quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường không có thẩm quyền sửa đổi Nghị định, tất cả phải có chủ trương Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Võ Tuấn Nhân chia sẻ. 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, mục tiêu của việc rà soát, điều chỉnh Nghị định 08 (nếu có) hướng tới đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. 

“Chúng tôi sẽ tham mưu Chính phủ, phân cấp phân quyền ở mức độ nào cho phù hợp với năng lực quản lý với các địa phương. Văn bản số 3016 lấy ý kiến để các địa phương rà soát, thống kê, đánh giá, khả năng thực hiện để làm căn cứ chúng tôi báo cáo Chính phủ. Đây mới là bước chuẩn bị của bộ, chưa có chủ trương của chính phủ”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định. 

Theo đại diện Bộ TN&MT, nhiều người đang hiểu sai bản chất trong Nghị định 08 khi cho rằng: “Mỗi nhà dân khi khi mổ 10 con lợn hay từ 100 con gà, hoặc nuôi từ 10 con trâu, bò trở lên phải được UBND huyện cấp giấy phép môi trường, tương đương việc đầu tư một nhà máy chế biến thủy, hải sản công suất từ 100 đến dưới 1000 tấn/năm, hay quy định nuôi từ 100 con trâu, bò ở vùng nhạy cảm cũng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt” 

“Đối tượng mà Nghị định 08 quy định là các hộ, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, nếu người dân tự mổ gà, lợn để ăn thì không thuộc đối tượng”, đại diện Bộ TN&MT nhấn mạnh. 

Lý giải về những con số đề xuất lấy ý kiến các địa phương trong văn bản số 3016, đại diện Bộ TN&MT cho rằng: “Trước khi đưa ra những con số là ngưỡng mức phân cấp để các địa phương góp ý Bộ TN&MT đã tham khảo một số địa phương. Đây mới chỉ là ngưỡng ban đầu để có con số các địa phương góp ý”. (VOV.vn 18/5, Văn Ngân)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Cà phê doanh nhân - đừng chỉ là phong trào

Mới đây trực tiếp tham dự buổi “Cà phê doanh nhân” do một địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức, nhiều người không khỏi băn khoăn khi buổi gặp gỡ có chủ đề rất hay nhưng thực tế không khác gì hội chợ triển lãm để các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Buổi cà phê thu hút hơn 100 doanh nghiệp tham gia, bày tỏ nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhất là về vốn, tình trạng giải phóng mặt bằng và thiếu nguồn nguyên vật liệu xây dựng... Dù được tổ chức trong không gian mở, những ý kiến của doanh nghiệp được lãnh đạo ghi chép cẩn thận, nhưng đại diện các doanh nghiệp lại tỏ ra thất vọng sau phần trả lời của các sở, ngành địa phương. 

Mô hình “Cà phê doanh nhân” xuất phát điểm từ tỉnh Đồng Tháp. Mục đích ban đầu của mô hình là tạo ra “không gian hành chính” mở giúp doanh nhân có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, đề xuất ý tưởng và kiến nghị với lãnh đạo địa phương các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Bên tách cà phê, doanh nhân và lãnh đạo địa phương có thể thoải mái trò chuyện, cùng nhau trao đổi thông tin. Doanh nhân được nói lên nguyện vọng của mình mà không bị bó buộc bởi các thủ tục hành chính, không bị hạn chế về thời gian. Còn đối với lãnh đạo địa phương thì đây cũng là cách để có điều kiện hòa mình vào cuộc sống của doanh nhân, có thêm kiến thức về thị trường từ phản biện của doanh nhân để thay đổi cách quản lý và đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp. Với mục đích đó, mô hình “Cà phê doanh nhân” đã lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố. 

Tuy nhiên sau nhiều năm tổ chức, đến nay, mô hình này ở nhiều địa phương đã không còn mang lại hiệu quả như mục đích ban đầu. Không ít điều suy tư, trăn trở của doanh nhân đã không được lãnh đạo địa phương và các ngành chức năng quan tâm, giải quyết. Rồi không ít sáng kiến, đề xuất của doanh nhân cũng không được lãnh đạo địa phương tạo điều kiện để triển khai trong thực tế. Cứ thế, người nói cứ nói, người nghe cứ nghe, nhưng mọi chuyện vẫn chẳng có gì thay đổi. Vậy là những buổi "Cà phê doanh nhân" trở nên nhàm chán, vô bổ. Đến gặp nhau cười cười nói nói, trả lời qua loa cho xong chuyện thì chỉ là hình thức. 

Tổ chức "Cà phê doanh nhân” được ghi nhận là một sáng kiến hay, phù hợp với cách sống của người dân ở nhiều địa phương, nhất là các địa phương phía Nam. Đổi mới phương thức quản lý, lãnh đạo là một trong những đòi hỏi thường xuyên đối với lãnh đạo các cấp nhằm mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, điều dư luận mong muốn, dù tổ chức theo hình thức nào thì mục tiêu cao nhất là tính thiết thực, tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột". Khi đã thấy một mô hình mang lại hiệu quả trong thực tiễn và được thực tiễn kiểm nghiệm thì lãnh đạo các cấp cần duy trì và phát huy. Tổ chức làm bất kỳ điều gì, dù ở cấp nào cũng nên nhớ lời căn dặn của Bác Hồ: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh". (Quân đội nhân dân 18/5, Thúy An)Về đầu trang

Cơ học, chậm và chưa hiệu quả

Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết là do sáp nhập, hợp nhất cơ học để giảm số lượng đầu mối dẫn đến các đơn vị này chưa thực sự có sự thay đổi về cơ chế hoạt động và chất lượng cung ứng dịch vụ. Đây là nhận định được nêu trong báo cáo của Bộ Nội vụ gửi đến Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Kỳ họp thứ Năm tới về Kết quả thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV. 

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy là chủ trương của Đảng, và cũng được nêu rõ trong Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là nhiệm vụ mà các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị cần phải tuân thủ vì mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, giảm gánh nặng ngân sách. Quan trọng hơn, sắp xếp, tổ chức bộ máy để bảo đảm sử dụng “đúng người, đúng việc, đúng chất lượng”. 

Thật đáng mừng, sau nỗ lực triển khai các nghị quyết, kết quả sau sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, ngành đã giảm 301 đầu mối tổ chức bên trong. Theo đó, giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, giảm 11 cục, giảm 143 vụ. Ngoài ra, giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành và giảm 108 phòng thuộc vụ/ban thuộc bộ, ngành. 

Không chỉ sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, thời gian qua, việc sắp xếp và thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra. Hội nghị lần thứ Sáu, Trung ương Khóa XII đã ban hành riêng nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội cũng yêu cầu, khẩn trương sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, theo lĩnh vực và nhu cầu của thị trường, xã hội. Thực hiện xã hội hóa dịch vụ công, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trước hết là các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở y tế… 

Thực tế cho thấy, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta hiện còn cồng kềnh, nhiều đầu mối; số lượng viên chức ngày càng tăng nhưng cơ cấu chưa hợp lý, chi tiêu ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập quá lớn, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế. Thực tế này đòi hỏi cần sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Tuy nhiên, quá trình tổ chức, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua chủ yếu mới chỉ là “giảm đầu mối”. Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết là do sáp nhập, hợp nhất cơ học để giảm số lượng đầu mối dẫn đến các đơn vị này chưa thực sự có sự thay đổi về cơ chế hoạt động và chất lượng cung ứng dịch vụ. Việc thực hiện chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có tính chất cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của bộ, ngành về chính quyền địa phương quản lý triển khai còn chậm. Ngoài ra, việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ như: tự bảo đảm chi thường xuyên, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư còn hạn chế, tiến độ chậm, mức độ tự chủ trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công không đồng đều. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái “khó” trong sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó có tư duy bao cấp, trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực nhà nước trong thụ hưởng ngân sách của các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Vai trò của người đứng đầu trong việc sắp xếp, tổ chức chưa được thể hiện hết trách nhiệm. Và có một nguyên nhân quan trọng khác nữa đó là còn độ trễ lớn trong tổ chức thực hiện; chưa có chính sách mang tính chất “đòn bẩy” để thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực này. 

Có thể nói, chủ trương sắp xếp, tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập rất đúng và trúng so với yêu cầu xã hội, thực tiễn đặt ra. Vấn đề là cần tạo cơ chế, chính sách để bảo đảm việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập hiệu quả thực chất, tránh sáp nhập cơ học. Bởi xét đến cùng, hoạt động của các đơn vị sau sắp xếp hiệu quả thế nào mới là điều quan trọng, chứ không phải là số lượng các đơn vị sắp xếp được là bao nhiêu. Muốn vậy, ngoài gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu với việc sắp xếp, tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập, rất cần hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo cơ chế, chính sách đủ thuận lợi, hấp dẫn và an toàn để các đơn vị chủ động thực hiện. Và cần phải khắc phục cho được tình trạng sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập chỉ là sự sáp nhập cơ học để đối phó và chưa phát huy hiệu quả. (Daibieunhandan.vn 18/5, Song Hà)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Tuần làm việc 4 ngày mang lại hiệu quả tích cực tại Anh

Chỉ làm việc từ thứ Hai đến thứ Năm, nghỉ thứ Sáu. Đây là tấm biển thông báo giờ làm việc của công ty mỹ phẩm Five Squirrels của Anh. 

Ở các quốc gia phương Tây, thông thường 1 tuần người lao động sẽ làm việc 5 ngày, mỗi ngày 8 tiếng, tổng là 40 tiếng mỗi tuần. Từ tháng 6 năm ngoái tại Anh, 61 công ty đã tham gia chương trình thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày, mỗi ngày 8 tiếng. Như vậy người lao động chỉ làm 32 tiếng mỗi tuần, được nghỉ thêm 1 ngày trong tuần tùy công ty ấn định. 

Sau thời gian thử nghiệm, với một số điều chỉnh trong quy tắc lao động, một số công ty ghi nhận năng suất lao động tăng, doanh thu tăng và họ sẽ duy trì mô hình làm việc mới này. 

Chỉ làm việc từ thứ Hai đến thứ Năm, nghỉ thứ Sáu. Người lao động của công ty mỹ phẩm Five Squirrels của Anh tuần chỉ làm 4 ngày nhưng vẫn nhận đủ lương của 5 ngày. Bên trong nhà máy, không khí làm việc rất nghiêm túc. Để duy trì sự tập trung, họ không trả lời các cuộc gọi, email và tin nhắn trong 4 tiếng mỗi ngày. 

Công ty thử nghiệm mô hình lao động mới từ tháng 6 năm ngoái đến nay, kết quả rất khả quan, doanh thu tăng trưởng 40% trong khoảng thời gian này. 

Ông Gary Conroy - Giám đốc và Đồng sáng lập công ty Five Squirrels, Anh chia sẻ: "Chúng tôi đo lường năng suất lao động dựa trên các chỉ số và khi bắt đầu mô hình làm việc mới thì các chỉ số này đều tăng trưởng rất đáng kể, các nhân viên đều đạt được và một số còn vượt chỉ tiêu đề kế hoạch công việc đề ra. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng". 

Người lao động phấn khởi thấy rõ trong mô hình làm việc mới này. Chị Lily Ellis là nhân viên bộ phận sản xuất, có thêm 1 ngày nghỉ mỗi tuần giúp chị duy trì tâm trạng tích cực trong suốt 4 ngày làm việc trong tuần. Chị nói: "Nói thật là tôi rất thích kiểu làm việc này. Tinh thần người lao động tăng lên và mọi người rất hào hứng vì biết rằng mình sẽ được nghỉ thêm thứ Sáu. Chúng tôi dồn sức làm từ thứ Hai đến thứ Năm và cảm thấy thoải mái khi duy trì năng lượng lao động đó".

Hãng tin Reuters dẫn số liệu cho thấy năng suất lao động tại Anh đang có xu hướng giảm trong khoảng 10 năm trở lại đây. Năng suất lao động sụt giảm thêm đáng kể kể từ sau khi Anh rời khởi Liên minh châu Âu. Trong bối cảnh này, việc thử nghiệm mô hình làm việc 4 ngày một tuần đã thu hút sự quan tâm của các nhà kinh tế và doanh nghiệp tại Anh, mong muốn tìm ra giải pháp cải thiện năng suất giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. (VTV.vn 17/5, Quang Duy)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

04