Bản tin cải cách hành chính ngày 08/5/2023

16:6, Thứ Hai, 8-5-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1.        TP. Thủ Đức: Dân khốn khổ vì trùng mã số định danh cá nhân

2.        Thanh Hóa: Giải quyết 96,54% hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên lĩnh vực lưu trú

3.        Lạng Sơn: Chủ động rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ

4.        Long An: Tiếp tục cải thiện Chỉ số cải cách hành chính

5.        Hòa Bình: Bền bỉ, quyết liệt cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

6.        Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật Việt Nam tăng 10 bậc

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

7.        Hà Nội: Triển khai lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, chuẩn bị kỹ nguồn nhân sự

8.        Thái Nguyên: Xử lý vi phạm giao thông: Cấm cán bộ, đảng viên can thiệp

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

9.        Cần bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư

10.     Cơ chế nào để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm?

11.     Nhất trí... cho xong!

THẾ GIỚI

12.     Công chức Trung Quốc được trả lương bằng tiền điện tử

 

 

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

TP. Thủ Đức: Dân khốn khổ vì trùng mã số định danh cá nhân

Theo Công an TP Thủ Đức (TPHCM), do chưa được trang bị đầy đủ và đồng bộ các thiết bị quyét mã QR, đọc chip căn cước công dân (CCCD) tại một số cơ quan, đơn vị hành chính công nên cán bộ tiếp nhận hồ sơ vẫn yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc xác nhận thông tin về cư trú gây bức xúc cho người dân thời gian qua. Vấn đề này đã được chấn chỉnh và khắc phục kịp thời. 

Tuy nhiên, việc trùng mã số định danh cư dân cũng đã gây không ít phiền toái. Đây là những nội dung chính trong buổi khảo sát về “việc thực hiện pháp luật cư trú” của Đoàn ĐBQH TPHCM tại TP Thủ Đức vừa qua.  

Hiện công an TP Thủ Đức đã tham mưu cấp đồng bộ trang thiết bị cho các ngành để quét mã QR đọc các thông tin trên CCCD gắn chip. Đến nay, 34 phường thành phố Thủ Đức đã được trang bị máy quét mã QR CCCD gắn chip, song, 1 số người dân vẫn còn gặp khó phiền phức vì bị trùng mã số định danh cá nhân với người khác. Vì sức khỏe, vì tuổi tác, vì mất thời gian khiến nhiều người bức xúc.  

Tất cả công dân bị vướng trùng mã số định danh cá nhân đều mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết để họ thuận lợi hơn trong việc làm các hồ sơ, thủ tục liên quan đến CCCD. 

Mời xem chi tiết trong video đính kèm tại link sau:

https://www.quochoitv.vn/tp-thu-duc-dan-khon-kho-vi-trung-ma-so-dinh-danh-ca-nhan

(Truyền hình Quốc hội – Thời sự ngày 07/5)Về đầu trang

Thanh Hóa: Giải quyết 96,54% hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên lĩnh vực lưu trú

Để việc cung cấp trên hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến về cư trú thuận lợi, đem lại hiệu quả cao, từ tháng 6-2021 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai đến 100% đơn vị công an cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, phối hợp tổ chức đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ, quy trình xử lý hồ sơ cho lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ công an các huyện, thị xã, thành phố và công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, lực lượng công an đã phối hợp với ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội và hệ thống loa truyền thanh cơ sở về những tiện ích của dịch vụ công trực tuyến để mọi người dân đều nắm vững và thực hiện tốt. Cùng với đó, lực lượng công an đã tập trung rà soát tất cả các cơ sở lưu trú trên địa bàn để hướng dẫn cho chủ các cơ sở biết các bước đăng ký lưu trú qua dịch vụ công trực tuyến hoặc qua phần mềm VNeID, hướng dẫn cho người dân cài đặt phần mềm VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. 

Quá trình thực hiện, lực lượng công an cấp xã chủ động hướng dẫn công dân đăng ký tài khoản và thực hiện các thao tác đăng ký cư trú online đối với trường hợp công dân đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan công an. Khi công dân có nhu cầu đăng ký cư trú, có thể truy cập vào địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn. Nếu chưa có tài khoản, công dân có thể đăng ký tại Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ https:// dichvucong.gov.vn với các thao tác: nhập họ tên; ngày, tháng, năm sinh; số chứng minh Nhân dân hoặc căn cước công dân và số điện thoại di động đang dùng để nhận mã OTP xác nhận. Các thủ tục đăng ký cư trú được cung cấp trên cổng dịch vụ công gồm: Đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú. 

Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết gần 89 nghìn hồ sơ trực tuyến trên lĩnh vực lưu trú (trong đó có hơn 84 nghìn hồ sơ đăng ký thường trú, 4.405 hồ sơ đăng ký tạm trú và 31 hồ sơ khai báo tạm vắng), đạt tỷ lệ 96,54% trong tổng số hồ sơ trên lĩnh vực lưu trú. 

Thực tế cho thấy việc đăng ký cư trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Nếu như trước đây, liên quan đến việc đăng ký thường trú, tạm trú, gia hạn tạm trú, tách hộ, khai báo tạm vắng... thì công dân mang hồ sơ, thủ tục liên quan đến cơ quan công an để đăng ký. Hiện nay, công dân có thể đăng ký qua Cổng dịch vụ công trực tuyến các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú. Ngoài tiết kiệm thời gian đi lại, giảm chi phí, người dân còn khai thác dữ liệu thông tin cá nhân trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, kịp thời điều chỉnh, bổ sung đảm bảo thông tin được chính xác, phục vụ các giao dịch có liên quan và theo dõi được tiến độ giải quyết của cơ quan quản lý Nhà nước. (Baothanhhoa.vn 08/5, Quốc Hương - Hà Phương)Về đầu trang

Lạng Sơn: Chủ động rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước giai đoạn 2022 – 2025 của Chính phủ và đạt kết quả rõ nét, đảm bảo đúng lộ trình quy định. 

Tháng 9/2022, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1085 ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, ngày 2/12/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 243 về rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó yêu cầu, trước ngày 1/4/2023, hoàn thành 100% TTHC nội bộ được thống kê, công bố lần đầu trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh. Tính đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện rà soát, thống kê và công bố theo đúng quy định 307 TTHC nội bộ gồm: 68 TTHC cấp tỉnh, 41 TTHC cấp huyện, 198 TTHC cấp xã. Ngoài ra, UBND tỉnh đã công bố tổng số 23 TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh. 

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công, Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Để bảo đảm việc rà soát, thống kê, công bố, công khai TTHC nội bộ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện cụ thể và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị  rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ đảm bảo đúng quy định, đúng lộ trình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tham mưu tổ chức hội nghị tập huấn và thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị rà soát, tổng hợp đảm bảo thời gian và chỉ tiêu được giao. 

Theo đó, UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh tổ chức tập huấn, rà soát đơn giản hóa TTHC nội bộ trong cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 cho 100% công chức đầu mối kiểm soát TTHC và có liên quan đến thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Nhờ đó, đến nay, 100% cơ quan, đơn vị đã thực hiện rà soát xong và trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành theo đúng lộ trình quy định. 

Sở Nội vụ là một trong những đơn vị tích cực triển khai việc rà soát, thống kê phục vụ việc đơn giản hóa TTHC nội bộ theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh. Theo đó, sở đã ban hành Quyết định 63/QĐ-SNV công bố 15 TTHC nội bộ thuộc 5 lĩnh vực (tổ chức cán bộ; công chức, người lao động; nâng bậc lương; tổng hợp; kế toán). Bà Hoàng Thị Luân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Ngay sau khi kế hoạch của tỉnh ban hành, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc rà soát, lựa chọn các TTHC phù hợp để công bố, công khai. Đồng thời, chúng tôi cũng bố trí đội ngũ công chức có chuyên môn, kinh nghiệm để thực hiện rà soát TTHC nội bộ; cử công chức tham gia lớp tập huấn về rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ do Văn phòng UBND tỉnh tổ chức. 

Với sự quyết liệt triển khai, việc rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trên cơ sở kết quả thống kê của các cơ quan, đơn vị, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ với tỷ lệ cắt giảm ít nhất 20% TTHC và 20% chi phí tuân thủ TTHC (dự kiến hoàn thành trong năm 2024 và 2025). (Baolangson.vn 08/5, Hoàng Hiếu)Về đầu trang

Long An: Tiếp tục cải thiện Chỉ số cải cách hành chính

Năm 2022, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của tỉnh Long An có sự bứt phá, xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là thành quả từ sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đối với công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành, đưa ra nhiều giải pháp đổi mới nhằm cải thiện mạnh mẽ PAR Index. 

Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa công bố, Long An vinh dự được xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về PAR Index với 87,42 điểm, tăng 14 hạng so với năm 2021 (87,20 điểm, hạng 22). Quảng Ninh tiếp tục ở vị trí dẫn đầu về PAR Index với 90,1 điểm; tiếp đó là Hải Phòng, Hà Nội và Bắc Giang. Đặc biệt, năm 2022, Long An nỗ lực vươn lên vị trí dẫn đầu về PAR Index các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; tiếp đó là Hậu Giang và Đồng Tháp. 

Thông tin từ Sở Nội vụ, để có mặt trong tốp 10 về PAR Index, UBND tỉnh ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao PAR Index năm 2022. Qua đó, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế để cải thiện và nâng cao điểm số xác định PAR Index trên tất cả lĩnh vực theo Bộ Chỉ số do Bộ Nội vụ ban hành. Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu phải phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; tăng cường sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai xác định PAR Index; tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện tốt cơ chế "một cửa”, “một cửa liên thông”; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng trả hồ sơ (HS) bổ sung nhiều lần gây phiền hà cho người dân, tổ chức, tình trạng thành phần HS, thu phí, lệ phí không đúng quy định;... 

Năm 2022, công tác cải cách TTHC được tỉnh triển khai, thực hiện liên tục, có trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh có 42 phương án đơn giản hóa TTHC đối với 42 thủ tục thuộc 20 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 16 sở, ngành tỉnh. Toàn tỉnh tiếp nhận 987.406 HS TTHC; giải quyết 967.527 HS (trong đó, giải quyết trước hạn 55,19%; đúng hạn 44,43% và quá hạn 0,39%). Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số được tỉnh tập trung thực hiện, góp phần phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng như phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp trên môi trường số. 

Bên cạnh kết quả đã đạt, PAR Index năm 2022 của tỉnh còn một vài chỉ số thành phần trong Bộ Chỉ số CCHC do Bộ Nội vụ ban hành đạt thấp như cải cách tài chính công đứng hạng 32/63 tỉnh, thành phố; cải cách TTHC đứng hạng 55/63 tỉnh, thành phố;... Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân là công tác chỉ đạo, điều hành CCHC có lúc, có nơi chưa sâu sát; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện công tác CCHC ở một số cơ quan, đơn vị chưa được nâng cao;... 

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Hải Tuấn, để tiếp tục cải thiện PAR Index trong năm 2023, với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, Sở Nội vụ sẽ đôn đốc, kiểm tra, giám sát kết quả CCHC, cải thiện, nâng cao PAR Index gắn với việc chấm điểm, đánh giá chỉ số CCHC của các sở, ngành, địa phương; đồng thời, quan tâm đề xuất khen thưởng đối với những địa phương, cơ quan, đơn vị có mô hình, sáng kiến, cách làm hay nhằm cải thiện các chỉ số PAR, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). 

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết và công bố Chỉ số CCHC năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải nghiêm túc khắc phục tồn tại, hạn chế; thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, trình tự thủ tục trong công tác CCHC. Đặc biệt, người đứng đầu phải xác định công tác CCHC là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cơ quan, đơn vị; tiếp tục thực hiện cắt giảm tối thiểu thời gian giải quyết TTHC ở tất cả lĩnh vực; thực hiện ứng xử văn hóa qua thư xin lỗi người dân, doanh nghiệp, tổ chức đối với HS trễ hẹn; tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng 4.0; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc, đánh giá quá trình thực hiện CCHC. (Baolongan.vn 08/5, Phong Nhã)Về đầu trang

Hòa Bình: Bền bỉ, quyết liệt cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh

Đầu tháng 4 vừa qua, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chính thức công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022. Theo bảng xếp hạng PCI, Hòa Bình đứng thứ 53/63 tỉnh, thành phố với tổng điểm 62,81 điểm, tăng 9 bậc so với năm 2021. Kết quả này phản ánh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu mỗi năm tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh.Nghị quyết Đại hội xác định cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những đột phá chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Tuy nhiên, năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh rơi xuống vị trí 62/63 tỉnh, thành phố và thuộc nhóm được đánh giá thấp. 

Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh là trăn trở của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. UBND tỉnh đặt ra mục tiêu: Năm 2022, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh tăng 3 bậc, thuộc nhóm điều hành khá; các chỉ số thành phần PCI đều được cải thiện tăng điểm số và thứ hạng tăng tối thiểu 3 bậc so với năm 2021. 

Theo đó, nhiều giải pháp đồng bộ dã được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt. Cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn. UBND tỉnh đã bổ sung nhiều cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... 

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ xuyên suốt mà các cấp, các ngành đã nỗ lực triển khai là liên tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân. 

Những giải pháp trên đã tạo được niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả chỉ số PCI năm 2022, tỉnh ta có 7/9 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2021. Điều này đã được ghi nhận trong báo cáo PCI của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam: "Xu hướng chung PCI năm 2022 đã có sự chuyển biến về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, gánh nặng về chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính giảm xuống, tiếp cận về đất đai và sử dụng đất đai được thuận lợi hơn”. (Baohoabinh.com.vn 08/5, Đinh Hòa)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật Việt Nam tăng 10 bậc

Năm 2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định 32 đề nghị xây dựng văn bản và 251 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Tổ chức Pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 536 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 308 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND và 4.675 dự thảo VBQPPL; các Phòng Tư pháp thẩm định 2.836 dự thảo VBQPPL. 

Trong năm, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 12 luật, 06 nghị quyết và cho ý kiến đối với 14 dự án luật khác. Các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 602 VBQPPL. Ở các địa phương, đã ban hành 3.948 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 9,1% so với năm 2021); ban hành 2.739 VBQPPL cấp huyện (tăng 44,8% so với năm 2021); có 778 VBQPPL cấp xã được ban hành năm 2022 (giảm gần 70% so với năm 2021). 

Số lượng VBQPPL ở địa phương nhất là cấp huyện, tăng nhiều so với năm 2021 phần nào cho thấy tình hình kinh tế - xã hội, nhất là tác động của dịch bệnh Covid-19 làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý cần phải kịp thời có những quy định điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế - xã hội. Số liệu VBQPPL tại cấp xã giảm cũng phù hợp với chủ trương giảm VBQPPL ở cơ sở. Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh nhanh chóng đi vào cuộc sống; nhờ đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật của Việt Nam đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ghi nhận và đánh giá cao. 

Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật của Việt Nam năm 2022 đã tăng 10 bậc (từ vị trí thứ 93 lên vị trí thứ 83) - đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam tăng hạng. Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã tham mưu, tập trung thực hiện pháp điển hệ thống QPPL với tinh thần khẩn trương. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành Bộ Pháp điển sớm hơn so với lộ trình đề ra (đã hoàn thành 263/271 đề mục, đạt 97% khối lượng Bộ pháp điển)... 

Tại Hà Nội, Sở Tư pháp TP cho biết, năm 2022, Sở đã nghiên cứu, tổ chức góp ý, thẩm định hơn 261 văn bản do các Bộ, Ngành Trung ương, Đoàn Đại biểu quốc hội TP và các Sở, Ngành, quận, huyện, các cơ quan đơn vị trên địa bàn TP lấy ý kiến. HĐND TP đã ban hành 12 Nghị quyết quy phạm pháp luật, UBND TP đã ban hành 38 Quyết định quy phạm pháp luật. 

Công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL tại các quận, huyện, thị xã thường xuyên được đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, trong đó, cấp huyện đã ban hành 66 VBQPPL (Quyết định của UBND); các VBQPPL ở cấp huyện được tổ chức góp ý, thẩm định, hồ sơ đề nghị đúng quy định trước khi trình UBND cùng cấp ban hành. Chất lượng ban hành VBQPPL ngày càng được đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống VBQPPL giữa cấp huyện với TP và Trung ương.

 Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL được thực hiện thường xuyên, theo các chuyên đề, kế hoạch của Trung ương và TP: UBND TP đã ban hành Quyết định số 247/QĐ-UBND ngày 17/01/2022 về việc công bố danh mục văn bản QPPL của HĐND, UBND TP đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2021, gồm 46 văn bản, trong đó: 29 văn bản (06 Nghị quyết, 23 Quyết định) hết hiệu lực toàn bộ; 17 văn bản (07 Nghị quyết; 10 Quyết định) hết hiệu lực một phần. 

Sở Tư pháp đã tổ chức tự kiểm tra 38 quyết định là VBQPPL của UBND TP, sau khi kiểm tra nhận thấy, các văn bản của UBND TP ban hành đúng thẩm quyền, đảm bảo đúng thể thức, kĩ thuật trình bày, không phát hiện có nội dung trái pháp luật; Các VBQPPL của TP được cập nhật thường xuyên, liên tục vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật. 

Sở Tư pháp cũng đã tiếp nhận và thực hiện kiểm tra 51 VBQPPL được UBND các quận, huyện gửi đến, các văn bản chủ yếu quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện; Tại cấp huyện, Phòng Tư pháp đã tiếp nhận và thực hiện kiểm tra 30 văn bản do HĐND, UBND cấp xã gửi đến; Qua công tác kiểm tra các văn bản này có nội dung phù hợp với quy định của pháp luật. 

Bộ Tư pháp cho biết, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác cải cách thể chế. Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục tham mưu thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội. Tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các QPPL được giao chủ trì soạn thảo, đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra. 

Tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp các bộ, ngành rà soát, khắc phục các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Bảo đảm tiến độ và chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL, thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL; kiểm soát chặt chẽ việc quy định TTHC; theo dõi sát kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo. 

Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra VBQPPL, nhất là tăng cường các đoàn công tác liên ngành, kiểm tra văn bản theo địa bàn, lĩnh vực; đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận theo đúng quy định. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế… (Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn 08/5, Bạch Dương)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Hà Nội: Triển khai lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, chuẩn bị kỹ nguồn nhân sự

Ban Chỉ đạo Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội yêu cầu toàn Đảng bộ thành phố triển khai tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo các cấp, chuẩn bị nguồn nhân sự nhiệm kỳ 2025-2030. 

Ban Chỉ đạo Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025" vừa có Thông báo số 26-TB/BCĐ về kết luận của Ban Chỉ đạo tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ, diễn ra cuối tháng 4. 

Theo thông báo này, để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ từ nay đến hết nhiệm kỳ, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị thuộc thành phố cần tập trung hoàn thành 5 đề tài, đề án, kế hoạch còn lại theo Chương trình số 01-CTr/TU đề ra, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu. 

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 01 đề nghị toàn Đảng bộ thành phố tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chuyên đề, kế hoạch theo nội dung Chương trình số 01-CTr/TU phải gắn với đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị các cấp. 

Cùng đó, tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị của thành phố bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp; 

Đặc biệt, triển khai tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tiêu chuẩn vị trí việc làm; chuẩn bị nguồn nhân sự đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030… 

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Chương trình 01 cũng đề nghị tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"... (Anninhthudo.vn 07/5, Tiến Hưng)Về đầu trang

Thái Nguyên: Xử lý vi phạm giao thông: Cấm cán bộ, đảng viên can thiệp

Thủ tướng Chính phủ mới đây có chỉ đạo nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng và nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. 

Yêu cầu trên được phát đi trong bối cảnh trật tự, kỷ cương giao thông cả nước còn thiếu chặt chẽ; tình trạng cản trở, chống người thi hành công vụ và hiện tượng “nhờn luật” khi tham gia giao thông còn phổ biến hiện nay.

Thống kê toàn quốc cho thấy, trong Quý I năm nay đã có trên 3 nghìn vụ tai nạn giao thông, trong đó có 12 vụ đặc biệt nghiêm trọng với khoảng 70% nạn nhân là người trong độ tuổi lao động. Có ít nhất 28 vụ chống người thi hành công vụ, làm bị thương 10 cán bộ Cảnh sát giao thông. 

Tình trạng ngang nhiên vị phạm Luật Giao thông đường bộ như: Lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy và các chất kích thích phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép, gây rối trật tự công cộng, gây tai nạn; thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe tốc độ cao lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều… còn khá phổ biến. 

Đây là hệ quả của việc nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương còn thiếu quyết liệt, có tư tưởng “khoán trắng” cho lực lượng chuyên trách. Không ít nơi còn “qua loa, chiếu lệ”, chưa phân định rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong quản lý nhà nước về giao thông. Công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. 

Một nguyên nhân quan trọng được chỉ ra chính là còn tình trạng “nể nang”, “cho qua” trong xử lý vi phạm trật tự giao thông của lực lượng chức năng. Rất nhiều trường hợp khi vi phạm giao thông đã “gọi điện thoại cho người thân” để cầu cứu, nhờ vả, nhằm can thiệp với lực lượng chức năng để không bị xử phạt hành chính hoặc không để bị giữ xe, giữ giấy tờ xe. 

Có trường hợp lực lượng chức năng vì lý do thân quen hoặc áp lực can thiệp từ trên xuống mà bỏ qua các lỗi vi phạm, trong đó không loại trừ các lỗi có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người dân phản ánh, vẫn còn tình trạng khi dừng xe vi phạm, lực lượng chức năng “ưu ái” dành cho người điều khiển một lối mở đó là “cho phép gọi điện thoại trợ giúp từ người thân”, sau đó mới tiến hành giải quyết.

Chính vì thế, lần này Chính phủ quyết tâm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về trật tự an toàn giao thông. Trong quá trình xử lý các vi phạm về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, ngoại lệ, tất cả các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, lĩnh vực. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm, chống người thi hành công vụ. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch siết chặt công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. Trong đó yêu cầu, người đứng đầu chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình hình phức tạp về an toàn giao thông do thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo, thanh, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý. 

Đặc biệt, phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu, bia, không lái xe", trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến nhân dân. 

Tỉnh này cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên tuyệt đối không can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm giao thông, từ đó thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và bình đẳng trước pháp luật của mỗi công dân. (Baothainguyen.vn 07/5, Nguyễn San)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Cần bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít khó khăn vướng mắc, trong đó có việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp. 

Trên cơ sở nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của UBTVQH, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao việc sắp xếp các đơn vị hành chính, báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, sau 3 năm đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện thuộc 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện, số lượng ĐVHC cấp huyện trong cả nước từ 713 đơn vị giảm xuống còn 705 đơn vị. 

Cùng với đó, ở cấp xã, tổng số ĐVHC cấp xã trong diện thực hiện sắp xếp là 1.141 đơn vị, chúng ta đã thực hiện sắp xếp 1.056 ĐVHC cấp xã thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi thực hiện sắp xếp 1.056 ĐVHC cấp xã, số lượng ĐVHC cấp xã trong cả nước từ 11.160 đơn vị giảm xuống còn 10.599 đơn vị, giảm 561 đơn vị. 

Ngoài ra, số lượng cơ quan, tổ chức giảm được bảo đảm tương ứng với số lượng ĐVHC đã giảm sau khi sắp xếp. Theo đó, cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Trong đó, khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị. 

Thực tế cho thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, trong 3 năm triển khai thực hiện, việc giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã là một nỗ lực rất lớn của các địa phương. Điều này thể hiện được quyết tâm rất lớn của người đứng đầu, sự đồng lòng của nhân dân khi thực hiện yêu cầu nghị quyết của Trung ương và nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. 

Theo Bộ Nội vụ, 3 năm thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người, số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người, số dôi dư là 706 người. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của 1.056 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.403 người, số được bố trí theo đúng quy định là 10.709 người, số dôi dư là 9.705 người. 

Đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, các địa phương thực hiện các giải pháp như giải quyết nghỉ hưu theo chế độ; vận động nghỉ theo diện tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi… theo quy định. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đã được quan tâm thực hiện theo đúng quy định, góp phần hỗ trợ các đối tượng dôi dư bước đầu ổn định cuộc sống. Nhiều địa phương đã ban hành quy định riêng để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp ĐVHC. 

Tuy vậy, số lượng cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp lớn. Tính đến hết tháng 4.2022, còn phải tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách đối với 345/706 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và 3.048/9.705 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư. Thực tế cho thấy, việc thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư ở một số địa phương còn bất cập, khó khăn và lúng túng trong thực hiện. Điều đáng nói, chưa có cơ chế tài chính để khuyến khích các trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi hoặc có nhu cầu thôi việc để chờ nghỉ hưu. Chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách khi thôi việc phụ thuộc vào nguồn lực, khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, trong khi nhiều tỉnh ngân sách còn khó khăn. 

Đề cập đến những tồn tại sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, thực tế triển khai sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 bên cạnh các kết quả đạt được còn một số vướng mắc, tồn tại, hạn chế đến nay chưa được giải quyết như: sắp xếp cán bộ dôi dư, trụ sở làm việc, cơ chế đặc thù dù các tỉnh đã rất cố gắng, quyết liệt. Cùng với đó, các quy định về thủ tục đấu giá, thẩm định giá để xử lý tài sản, trụ sở dôi dư sau sắp xếp gặp nhiều khó khăn. 

Để giải quyết được “nút thắt” về giải quyết chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp, mới đây, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế để thay thế Nghị định số 108/2014, Nghị định số 113/2018 và Nghị định số 143/2020 của Chính phủ. 

Theo Bộ Nội vụ, đối tượng tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính nghỉ từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp, ngoài hưởng một trong các chính sách quy định tại Điều 6, Điều 7, khoản 1 Điều 8, Điều 9 Nghị định này thì được hưởng thêm mức trợ cấp như sau: Nếu nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng. Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên. 

Đối với cán bộ, công chức, nếu nghỉ từ 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì được hưởng mức trợ cấp bằng 1/2 mức trợ cấp quy định nêu trên. 

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là chủ trương đúng đắn và rất cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Tuy nhiên, cần phải giải quyết một cách hài hòa, trong đó, cần sớm có chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính tự nguyện tinh giản biên chế ngay, cũng như bảo đảm quyền lợi của những cán bộ thuộc đối tượng tinh giản sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. (Daibieunhandan.vn 08/5, Hà An)Về đầu trang

Cơ chế nào để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm?

Dự thảo Nghị định về bảo vệ, khuyến khích cán bộ còn nhiều lằn ranh mong manh giữa sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và cố ý làm trái khi thi hành công vụ. 

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, lịch sử ghi nhận những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới với những suy nghĩ tiên phong, “xé rào”, phá bỏ cơ chế quản lý không phù hợp. Còn trong tình hình hiện nay, liệu cán bộ có dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hay không? Và cơ chế nào sẽ bảo vệ họ trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn cũng như trước quy định của pháp luật? 

Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” được ban hành năm 2021 và đang được hiện thực hóa bằng dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. 

Đây được xem như một “luồng gió mới” tác động tích cực đến tâm lý xã hội và tạo niềm tin, nền tảng để cán bộ phấn đấu vượt khó, sáng tạo trong nhiệm vụ được giao. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “cán bộ là cái gốc của công việc” và “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Do đó, để cán bộ có thể hết mình phụng sự thì bên cạnh các chế độ, chính sách rất cần một cơ chế bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung trước các bất cập, vướng mắc của cơ chế, quy định. 

Hiện, dự thảo nghị định này đang được Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét ban hành. Bên cạnh xác định các nguyên tắc, điều kiện khuyến khích, bảo vệ thì dự thảo xác định thủ tục trong việc đề xuất, phê duyệt các đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ. Văn bản đề xuất của cán bộ phải bao gồm tính cấp thiết, căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn, đánh giá thực trạng từ đó đưa ra các đề xuất và đánh giá tác động của đề xuất. 

Tuy nhiên thực tế, những bất cập, vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ có thể phát sinh một cách thường xuyên, liên tục. Nếu phải được chấp thuận bằng một quy trình hành chính phức tạp với văn bản đề xuất, thông qua cấp ủy, lãnh đạo đơn vị thì bản thân cán bộ phải xác định đó là vấn đề lớn và quan trọng cũng như phải rất quyết tâm với sự đổi mới đó. 

Những cán bộ dám nghĩ, dám làm thì có thể dễ sai sót, do không rập khuôn, làm việc một cách máy móc. Không thể lấy những thiếu sót hình thành định kiến, áp đặt, thậm chí quy chụp vào công tác đánh giá cán bộ một cách máy móc, làm rào cản cho sự đổi mới, sáng tạo. 

Bên cạnh đó, việc “hợp pháp hóa” các cơ chế mới, “vượt rào” bằng sự phê duyệt của chính cơ quan, đơn vị sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các lợi ích nhóm, các tham nhũng cơ chế, chính sách. Mặc dù, dự thảo đã xác định rõ cán bộ phải vì lợi ích chung là lợi ích của quốc gia, dân tộc, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị nhưng để minh định, phân tách việc này là không hề dễ dàng. 

Do đó, quá trình đánh giá, phê duyệt đổi mới này cần được công khai, minh bạch, có sự tham gia của các nhà xã hội, nhà nghiên cứu để sàng lọc những người “núp bóng”, phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. 

Nguyên tắc trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép. Mục tiêu của việc khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm chính là giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt, những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất... 

Cơ chế này ở một chừng mực nhất định là nhằm bảo vệ những cán bộ dám vượt “vòng tròn” của mình vì lợi ích chung. Vấn đề là cơ sở nào để xác định ranh giới của “sáng tạo, đổi mới” và “cố ý làm trái” khi thi hành công vụ? 

Dự thảo đang xác định việc dám nghĩ, dám làm trên trên cơ sở nền tảng khoa học, nằm trong khuôn khổ pháp lý, đạo lý, có tính khả thi, vì lợi ích chung được cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị ủng hộ, phê duyệt và tạo điều kiện để triển khai hoặc thí điểm thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động công vụ còn phải đảm bảo sự kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền như giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán cũng như ủy ban kiểm tra đối với đảng viên. 

Việc phê duyệt sự năng động, sáng tạo theo một thủ tục hành chính ngay tại chính cơ quan, đơn vị của họ liệu rằng đã đủ cơ sở pháp lý để giải trình, thuyết phục với các cơ quan có thẩm quyền khi thanh kiểm tra? Bởi lẽ, kết quả thực hiện thí điểm không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì quá trình xác định rõ nguyên nhân, đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, có vì lợi ích chung để làm cơ sở xem xét, xử lý phù hợp, bảo vệ được cán bộ trước các trách nhiệm pháp lý là mục đích cuối cùng của cơ chế. 

Tóm lại, việc ban hành nghị định để có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ là hết sức cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh việc nghiên cứu cơ chế thiết thực, hiệu quả thì phân định giữa lợi ích chung với lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm cũng là điều kiện quan trọng để triển khai cơ chế. 

Về lâu dài, các cơ quan nhà nước cần tiếp thu ý kiến từ các chủ thể có liên quan cũng như dư luận xã hội để nhanh chóng sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ trong cơ chế chính sách, không phù hợp với thực tiễn như hiện nay. (Plo.vn 07/5, Khánh Toàn)Về đầu trang

Nhất trí... cho xong!

“Gần đây, văn bản xin ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành gửi về cơ quan ta quá nhiều. Anh em dù rất nỗ lực nhưng khó có thể góp ý đạt chất lượng. Trong khi phần việc này tốn quá nhiều thời gian, công sức theo kiểu vô thưởng vô phạt” - một chuyên viên bày tỏ bức xúc. Nghe vậy, người cán bộ có thâm niên công tác bĩu môi: “Hơi đâu mà đóng với chả góp. Tốt nhất là cứ làm văn bản trả lời: Nhất trí! Mình cũng khỏe, mà bạn cũng vui”. 

Cách gợi ý có phần thiếu trách nhiệm của vị cán bộ nọ lại chính là “phương án tối ưu” thường được các cơ quan chức năng lựa chọn. Có nghĩa khi có công văn xin ý kiến thì phần đa văn bản trả lời đều thể hiện tinh thần “nhất trí” rất cao với dự thảo. Có chăng chỉ là sự thêm bớt, sửa chữa tiểu tiết văn phong, lỗi chính tả, gọi là có góp ý cho phải phép, tránh gây sứt mẻ quan hệ với cơ quan bạn. 

Những người trực tiếp trả lời văn bản cho rằng, chính việc xin ý kiến tràn lan khiến thủ tục hành chính thêm rườm rà, gây khổ cho nhiều bộ phận, mà lợi ích mang lại thì chưa được thẩm định kỹ lưỡng, trong khi những bất cập, bức xúc thì hiện hữu rõ mười mươi, nhất là gây lãng phí thời gian, công sức, vật tư văn phòng... 

Một số quan điểm lý giải rằng: Tình trạng xin ý kiến diễn ra phổ biến có nguyên nhân chủ yếu thuộc về trách nhiệm của những người đứng đầu. Phải chăng, vì thiếu niềm tin vào khả năng xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản của đội ngũ thuộc quyền và bản thân nên người đứng đầu không dám đưa ra quyết định, để rồi việc gì cũng chấp nhận xin ý kiến ở khắp nơi? 

Tất nhiên, xin ý kiến là phần việc thể hiện tinh thần cầu thị, ham học hỏi; cũng là một cách phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể. Thế nhưng, nếu nội dung gì, việc gì cũng mang ra xin ý kiến, nhất là các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, các nội dung chuyên sâu, chuyên ngành... thì quả là câu chuyện nực cười. Điều đó giống như một kiểu sợ trách nhiệm có tính chất hệ thống cần được sớm khắc phục, bằng không, bộ máy sẽ bị cuốn vào sự rối rắm theo kiểu “hành nhau là chính”. 

Rất dễ nhận thấy, việc xin ý kiến hiện nay chủ yếu nặng phần hình thức, thế nhưng, trong một vài trường hợp lại biến cơ quan đi xin ý kiến rơi vào tình cảnh “đẽo cày giữa đường”. Có nơi, vốn dĩ văn bản gửi đi xin ý kiến đã có chất lượng tốt, nhưng sau khi cóp nhặt “lời vàng ý ngọc” ở nhiều nơi thì bỗng nhiên “trâu lành” thành “trâu què”, sản phẩm thu được như tấm áo chắp vá nham nhở, xấu xí... 

Có nơi, do nhiều lý do khác nhau, người được giao nhiệm vụ tham gia đóng góp vừa thiếu tâm, vừa chưa đủ tầm nên sản phẩm thu được sau góp ý trở nên “lợi bất cập hại”. Lại có những cán bộ tham gia góp ý theo lối phán bừa, kiểu bề trên, đại thể: “Cần chuẩn bị lại”, “cần nâng cấp thêm”, cần xin ý kiến thêm chỗ này, chỗ kia... Những cách góp ý như thế chẳng những không giúp ích được gì mà còn gây khó khăn cho khâu vận hành hoàn thiện văn bản. 

Công bằng mà nói, câu chuyện xin ý kiến và trả lời ý kiến còn rất nhiều vấn đề trăn trở, lo ngại đặt ra. Mong muốn rằng, câu chuyện trên sớm được khắc phục một cách triệt để bằng các giải pháp căn cơ, đồng bộ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Không thể kéo dài thêm tình trạng xin ý kiến tràn lan, giẫm đạp lên nhau và người trả lời hoặc là nhất trí cho xong, hoặc là “chọc gậy bánh xe”, góp ý thiếu trách nhiệm, thiếu trí tuệ, thiếu thiện chí, thiếu văn hóa... (Qdnd.vn 08/5, Nguyễn Tấn Tuân)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Công chức Trung Quốc được trả lương bằng tiền điện tử

Một số tỉnh ở Trung Quốc đã trả toàn bộ lương cho công chức, nhân viên doanh nghiệp quốc doanh bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, nhằm tăng tốc phủ sóng đồng tiền này. 

Theo Nikkei Asia, nhiều công chức Trung Quốc đã bắt đầu được trả 100% lương bằng đồng nhân dân tệ số. 

Từ tháng này, Thường Thục (tỉnh Giang Tô) sẽ chuyển sang trả lương cho nhân viên khu vực công bằng đồng nhân dân tệ điện tử. Hồi đầu năm nay, các nhân viên tại một ngân hàng địa phương đã bắt đầu được trả lương bằng tiền số của ngân hàng trung ương. 

Đồng nhân dân tệ số đã được thử nghiệm trong nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa phổ biến. Nguyên nhân là sự cạnh tranh gắt gao của các dịch vụ thanh toán di động tại đất nước 1,4 tỷ dân. 

Với việc trả lương cho các công chức bằng đồng nhân dân tệ số, chúng có thể được sử dụng rộng rãi trong thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc. 

Trước đó, từ tháng 6 đến tháng 9 năm ngoái, chính quyền Thường Thục đã thử nghiệm trả lương cho hơn 4.900 công chức và nhân viên doanh nghiệp nhà nước bằng tiền điện tử. 

Tính đến năm 2018, Thường Thục có 14.000 người lao động làm việc trong khu vực công. Việc trả lương toàn bộ bằng nhân dân tệ số được kỳ vọng sẽ giúp đồng tiền này được áp dụng rộng rãi hơn. 

Hồi tháng 3, Ngân hàng Giang Tô đã trả lương cho các nhân viên ở cả trụ sở lẫn chi nhánh bằng tiền điện tử. Mùa hè năm ngoái, thành phố Ninh Ba cũng áp dụng cách làm tương tự với 557 công chức, nhưng chỉ trả một phần lương bằng nhân dân tệ số. 

Số tiền lương sẽ được chuyển trực tiếp vào ví kỹ thuật số. Để xử lý giao dịch trả lương, các cơ quan chính phủ và ngân hàng chỉ cần đăng ký tên và số điện thoại di động của nhân viên. 

So với việc chuyển tiền trực tiếp vào các tài khoản ngân hàng, cách làm này sẽ giúp giảm chi phí hành chính. (Zingnews.vn 08/5, Thảo My)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

04