Bản tin cải cách hành chính ngày 16/3/2023

16:4, Thứ Năm, 16-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1.        Các địa phương dẹp loạn đòi sổ hộ khẩu, xác nhận cư trú

2.        Gia Lai: Chậm kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dân chật vật với thủ tục hành chính

3.        Cần Thơ: Thuận tiện hơn khi thực hiện thủ tục hành chính với Can Tho Smart

4.        Hậu Giang yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức có tài khoản định danh điện tử

5.        Ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa: Hoàn thiện hệ sinh thái số 4.0

6.        Đồng Tháp: Không dùng tiền mặt khi chi trả các chính sách an sinh xã hội

7.        An Giang hỗ trợ người dân chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại di động

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

8.        Kiến nghị ứng dụng Chat GPT trong quản lý đất đai

9.        Thủ tục hành chính cản trở tăng trưởng xuất nhập khẩu

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

10.     Cán bộ, công chức không được chửi thề, quát, doạ nạt khi giao tiếp với công dân

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

11.     Khi chính quyền online

12.     Bỏ sổ hộ khẩu và “gánh nặng” xác nhận cư trú

 

 

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Các địa phương dẹp loạn đòi sổ hộ khẩu, xác nhận cư trú

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM và nhiều địa phương đã đồng loạt triển khai thực hiện các quy định liên quan đến thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, không còn đòi giấy xác nhận cư trú, tạo thuận lợi cho người dân đến làm thủ tục hành chính. 

Tại tỉnh Bình Dương, ngày 15/3, ông Võ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, chính quyền tỉnh vừa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương không được yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận hoặc nộp sổ khẩu, sổ tạm trú giấy trong thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự khi đã có dữ liệu về dân cư được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. “Sử dụng tài khoản định danh điện tử ứng dụng “VNeID” trên điện thoại di động thông minh có kết nối mạng internet và các phương thức sử dụng thông tin công dân thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú”, ông Tuấn cho hay. 

Để tìm hiểu thực tế, PV đã đến ghi nhận tại trụ sở công an, Văn phòng một cửa trên địa bàn tỉnh Bình Dương về công tác giải quyết các thủ tục hành chính. Có mặt tại trụ sở Công an phường Định Hòa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) vào sáng 15/3, chị Nguyễn Thị Thanh Vân (quê Hà Tĩnh) cho hay: “Tôi đến đây làm thủ tục nhập khẩu vào nhà người thân, chỉ cần xuất trình căn cước công dân, ghi vào tờ khai là được, không cần xác nhận tạm trú hoặc sổ hộ khẩu”. 

UBND tỉnh Đồng Nai cũng có văn bản chỉ đạo triển khai Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. UBND tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, các đơn vị kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; nâng cấp các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, đảm bảo việc kết nối tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc tra cứu thông tin về cư trú trong thực hiện thủ tục hành chính. 

Theo ghi nhận, sau khi có chỉ đạo từ UBND tỉnh Đồng Nai, các cơ quan đơn vị không còn yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính. Tình hình thực hiện giải quyết thủ tục hành chính liên quan diễn ra thuận lợi hơn. 

Sau khi UBND TPHCM có chỉ đạo khẩn, UBND các phường không còn đòi người dân nộp sổ hộ khẩu giấy hoặc giấy xác nhận cư trú khi đến thực hiện các thủ tục hành chính. Tại UBND phường An Lạc (quận Bình Tân) và một số địa phương PV có mặt trong ngày 15/3, nhiều người dân đến phường làm thủ tục hành chính không phải mang theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cùng giấy xác nhận cư trú. Anh Lê Văn Giàu (ngụ quận Bình Tân) cho biết, anh đến UBND phường làm khai sinh cho con. Cán bộ phường hướng dẫn anh điền thông tin vào tờ khai và xuất trình căn cước công dân mà không cần sổ hộ khẩu. 

Khi PV hỏi về thủ tục đăng ký kết hôn với người đang có đăng ký tạm trú tại phường Phú Mỹ (quận 7), vị cán bộ phụ trách cho biết trong trường hợp này người dân vẫn phải về đúng nơi đã đăng ký thường trú để đăng ký kết hôn theo quy định. 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho biết, vừa qua TPHCM ghi nhận vẫn còn tình trạng yêu cầu công dân xuất trình giấy xác nhận thông tin về cư trú khi giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là hồ sơ đề nghị xác nhận tình trạng hôn nhân đối với các trường hợp có quá trình cư trú biến động. Việc này gây phiền hà cho người dân, bức xúc trong dư luận xã hội, vi phạm quy định pháp luật và làm mất niềm tin của người dân. (Tienphong.vn 16/3, Nhóm PV)Về đầu trang

Gia Lai: Chậm kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dân chật vật với thủ tục hành chính

Gia Lai là một trong 3 tỉnh chưa hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Một phần nguyên nhân do các cơ sở hạ tầng, thiết bị… chưa đảm bảo về quy định an toàn, chậm do quá trình chuyển giao lãnh đạo… 

Theo quy định của Luật Cư trú, kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy chính thức hết giá trị sử dụng. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không đề nghị người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú. 

Tuy nhiên, mới đây (ngày 2/3) tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính UBND huyện Chư Păh (Gia Lai) vẫn còn tình trạng nhân viên yêu cầu người dân nộp sổ hộ khẩu photo, công chứng. 

Cụ thể là trường hợp của bà N. T. H (trú tại xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh). Nhiều năm về trước gia đình bà H. có mua một mảnh đất. Tuy nhiên, khi đến làm thủ tục, giấy tờ bị sai thông tin về ngày, tháng, năm sinh, đến nay vì muốn sang nhượng lại mảnh đất này nên bà H. muốn đính chính lại thông tin. 

Theo đó, sáng ngày 2/3, bà H. có đến bộ phận một cửa của UBND huyện Chư Păh nộp một số giấy tờ liên quan và sổ hộ khẩu gốc, photo để sang nhượng lại mảnh đất. Tuy nhiên, nhân viên tại đây vẫn yêu cầu bà H. phải đi công chứng sổ hộ khẩu để nộp lại. 

“Theo tôi được biết, hiện nay đã không còn sử dụng sổ hộ khẩu nữa. Thế nhưng, tránh đi lại nhiều lần, tôi vẫn photo và mang theo sổ hộ khẩu gốc để sử dụng khi cần thiết. Tuy nhiên, nhân viên vẫn yêu cầu tôi phải công chứng sổ hộ khẩu. Điều này gây mất thời gian, phiền hà và tốn kém”, bà Hạnh chia sẻ. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Minh Châu - Chánh văn phòng UBND huyện Chư Păh, khẳng định sổ hộ khẩu chỉ có giá trị sử dụng đến ngày 31/12/2022. Hiện nay, trong quá trình làm các thủ tục hành chính, địa phương không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu. 

Ông Nguyễn Duy Anh - Trưởng Công an huyện Chư Păh cho biết: “Sổ hộ khẩu đã được khai tử từ ngày 31/12/2022. Hiện tại khi giải quyết các thủ tục hành chính, lực lượng công an không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú”. 

Tương tự, theo ông Vũ Mạnh Định - Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, hiện nay người dân đến làm các thủ tục hành chính tại địa phương không phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hay giấy xác nhận nơi cư trú chỉ yêu cầu cung cấp thẻ căn cước công dân. 

Liên quan đến vấn đề trên, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành việc xây dựng, vận hành hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu lưu trữ kết quả số hóa giải quyết thủ tục hành chính điện tử của tỉnh; khẩn trương khắc phục các điểm yếu về bảo mật của hệ thống thông tin theo yêu cầu trong biên bản kiểm tra an ninh, an toàn của Bộ Công an… Hoàn thành trước ngày 31/3. 

UBND tỉnh cũng chỉ đạo sở này khẩn trương hoàn thành việc hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; thiết lập kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh để đảm bảo số hóa hồ sơ… 

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cấp, kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện quy trình nội bộ để khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tra cứu thông tin trong thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo sở, ban ngành cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố… tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định nêu trên. 

Lý giải về việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bị chậm, ông Bùi Tiến Dũng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Gia Lai cho biết: “Trước đây do các cơ sở hạ tầng, thiết bị… chưa đảm bảo về quy định an toàn nên chưa thể kết nối. Ngoài ra, vào thời điểm trên đang trong giai đoạn chuyển giao Chủ tịch UBND tỉnh và liên quan đến đầu tư kinh phí, đấu thầu… Việc kết nối dữ liệu phải đảm bảo về an ninh, an toàn nhằm tránh lộ thông tin cá nhân”. 

Cũng theo ông Dũng, hiện tại tỉnh Gia Lai đã khắc phục, đảm bảo về thiết bị và bảo mật, cung cấp đầy đủ hồ sơ và Bộ Công an cũng đã kiểm tra trực tuyến. Dự kiến từ ngày 13 - 17/3, đoàn công tác của Bộ Công an sẽ vào kiểm tra trực tiếp. Sau khi hoàn tất các thủ tục, địa phương sẽ tiến hành kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tháng 3. (Congluan.vn 15/03, Trần Hiền) Về đầu trang

Cần Thơ: Thuận tiện hơn khi thực hiện thủ tục hành chính với Can Tho Smart 

Can Tho Smart là ứng dụng trên nền tảng di động được TP Cần Thơ đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022, nhằm hỗ trợ triển khai các dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Ðặc biệt, các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán dịch vụ công, tra cứu hồ sơ… đều được cập nhật trong ứng dụng, giúp người dùng thuận tiện, tiết kiệm thời gian hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC). 

Thay vì phải đến cơ quan nhà nước để làm TTHC, phản ánh, kiến nghị… thì giờ đây người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với chính quyền và sử dụng nhiều tiện ích chỉ thông qua ứng dụng duy nhất là Can Tho Smart. Ứng dụng cung cấp thông tin về TTHC và dịch vụ công trực tuyến; cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến, theo dõi tiến độ xử lý, đánh giá việc giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, ứng dụng còn cung cấp kho dữ liệu điện tử cá nhân, giúp người dùng tái sử dụng các giấy tờ là kết quả TTHC được số hóa. 

Về tra cứu TTHC, người dùng chỉ cần mở app Can Tho Smart quét mã QR trên biên nhận hồ sơ là có thể biết được tình trạng xử lý hồ sơ của mình. Bà Nguyễn Thị Bích ngụ phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, nói: “Trước đây, để tra cứu hồ sơ hành chính thực hiện đến công đoạn nào, đã hoàn thành hay còn thiếu hồ sơ giấy tờ, người dân phải vào trang dịch vụ công, đánh một dãy mã số hồ sơ hoặc căn cước công dân thì mới cho ra kết quả. Với ứng dụng Can Tho Smart, muốn tra cứu quy trình thực hiện hồ sơ, chỉ cần mở ứng dụng, vào mục tra cứu hồ sơ, thực hiện quét mã QR là ra kết quả, rất tiện dụng và hữu ích”. Bên cạnh đó, để đánh giá thái độ, việc thực thi công vụ của cán bộ, người dùng chỉ cần mở ứng dụng, vào mục gửi phản ánh kiến nghị, sau đó thể hiện nội dung kiến nghị và gửi.  

Ứng dụng còn giúp người dùng dễ dàng thanh toán trực tuyến các phí, lệ phí TTHC; khai và nộp thuế cá nhân hoặc doanh nghiệp… Ông Nguyễn Hữu Hòa ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, chia sẻ: “Tôi được người thân giới thiệu và cài đặt app Can Tho Smart để sử dụng. Tôi thấy ứng dụng Can Tho Smart rất tiện lợi và dễ dùng. Khi tích hợp các loại thủ tục vào một ứng dụng, mỗi khi cần, có thể vào ứng dụng và thực hiện ngay, đỡ mất thời gian tìm từng loại thủ tục như trước”. 

Ứng dụng Can Tho Smart có những tính năng hữu ích, cung cấp dịch vụ số thiết yếu với những phân hệ: xã hội số, kinh tế số, chính quyền số. Bên cạnh đó, ứng dụng này còn là kênh tương tác thuận lợi giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp trên môi trường mạng, góp phần nâng cao chỉ số hài lòng, phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp tốt hơn. (Baocantho.com.vn 15/3, Hoàng Yến)Về đầu trang

Hậu Giang yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức có tài khoản định danh điện tử

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt, yêu cầu 100% cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có tài khoản định danh điện tử để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương sơ kết 2 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ năm 2023 về thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn, chiều 15/3. 

Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp với Công an tỉnh, các cơ quan báo chí, Đoàn Thanh niên, các đơn vị viễn thông đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng ký tài khoản định danh điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng VNeID và 7 phương thức khai thác, sử dụng thông tin công dân trên thẻ căn cước gắn chíp hoặc trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy... 

Đồng thời, các đơn vị tạo QR để người dân truy cập trung tâm hướng dẫn các nghiệp vụ về định danh, dịch vụ công, góp phần tích cực trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân. 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện Đề án 06; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhanh nhất những tồn tại, vướng mắc về pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nhân lực góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án. Các địa phương xây dựng mô hình điểm đảm bảo dữ liệu dân cư đúng, đủ, sạch, sống và thực hiện Đề án 06 với mục tiêu là đảm bảo 100% người dân trên địa bàn khi thực hiện các thủ tục hành chính đều được tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến... 

Qua 2 tháng đầu năm, công tác triển khai, quán triệt thực hiện Đề án 06/CP (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) trên địa bàn tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Công tác tham mưu của các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai Đề án 06/CP đã giúp Tổ Công tác tỉnh thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ chung, cụ thể của địa phương, từng bước thực hiện tốt các nhóm tiện ích, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Đề án 06/CP đã đề ra. Tỉnh đã thực hiện xong việc kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, phục vụ thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn. 

UBND tỉnh đã rà soát và công khai 244 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 1.492 dịch vụ công trực trực tuyến một phần. Toàn tỉnh đã tiếp nhận được trên 18.700 hồ sơ trực tuyến của 25 dịch vụ công thiết yếu; thu nhận trên 21.900 hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân, 8.365 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử và đã trả 4.280 thẻ căn cước công dân. 

Công an tỉnh chỉ đạo Công an cấp xã tăng cường làm sạch dữ liệu dân cư bảo đảm thông tin công dân “đúng, đủ, sạch, sống”. Đến nay, lực lượng chức năng đã hoàn thành rà soát, cập nhật chứng minh nhân dân 9 số; điều chỉnh thông tin chủ hộ 1.920 trường hợp; bổ sung thông tin tên cha mẹ 26.170 trường hợp; làm sạch dữ liệu đóng bảo hiểm xã hội tại các khu công nghiệp 15.885 trường hợp... (TTXVN 15/3, Hồng Thái)Về đầu trang

Ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa: Hoàn thiện hệ sinh thái số 4.0

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, trong năm 2023, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái số 4.0. 

Cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, chỉ với vài thao tác đơn giản, bà N.L.P (TP. Nha Trang) đã xuất trình được mã số thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho nhân viên thu phí của Bệnh viện 22-12 thông qua ứng dụng VssID (BHXH số). Đứng cạnh đó, một bệnh nhân khác cũng chỉ cần đưa căn cước công dân cho nhân viên thu phí. Mọi thủ tục nhập viện khám, chữa bệnh được thực hiện nhanh chóng, đúng quy trình mà không cần đến thẻ BHYT giấy như trước đây.  

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Hải Thu - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện 22-12 cho biết, thời gian gần đây, người dân đến khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân hoặc ứng dụng trên điện thoại có xu hướng tăng hơn trước. Việc ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh BHYT đã góp phần đơn giản hóa các loại giấy tờ, tiết giảm thời gian thực hiện thủ tục và hỗ trợ thiết thực trong khâu quản lý người bệnh của bệnh viện. Bên cạnh đó, những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi hoặc bệnh nhân dùng thẻ BHYT giấy vẫn được nhân viên bệnh viện tiếp đón, hướng dẫn thủ tục đầy đủ.

Bà Hoàng Thị Tuyết (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) đang làm việc trong một công ty tư nhân, chia sẻ: “Trong giai đoạn khó khăn, nhiều công ty ở các tỉnh phía nam cho công nhân nghỉ việc, có một số công ty còn nợ lương, nợ BHXH. Do đó, tôi đã sử dụng ứng dụng VssID để dễ dàng theo dõi các thông tin về quá trình tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; các thông tin về hưởng chế độ ốm đau, thai sản… Nhờ đó, tôi thấy yên tâm hơn”. 

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Khánh Hòa, tính đến hết tháng 2-2023, có 167 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh (đạt 100%) thực hiện khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân, với số lượt tra cứu thông tin hơn 167 ngàn lượt người. 

Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc quản lý, điều hành BHXH tỉnh cho biết, năm 2023 là năm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành BHXH. Ngay từ đầu năm, nhiều dịch vụ, ứng dụng về chuyển đổi số đã đi vào thực tiễn, như: Thực hiện giao dịch điện tử (trực tuyến online) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam về đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện; cấp sổ BHXH; đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT. 

Theo đó, người dân không cần trực tiếp đến cơ quan BHXH hay các tổ chức dịch vụ thu mà vẫn có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại bất cứ đâu và thời gian nào một cách nhanh chóng, tiện lợi bằng hình thức trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia với quy trình được tự động hóa mức độ cao. Ngoài ra, BHXH giải quyết hưởng BHXH một lần thuộc nhóm dịch vụ công áp dụng theo hình thức xác thực chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động… 

Năm 2023, BHXH đặt mục tiêu hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 85%... (Baokhanhhoa.vn 15/3, Mai Hoàng)Về đầu trang

Đồng Tháp: Không dùng tiền mặt khi chi trả các chính sách an sinh xã hội

UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện thí điểm chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt từ tháng 3 đến tháng 6/2023 trên địa bàn các thành phố Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự và huyện Tháp Mười. Sau khi kết thúc thời gian thí điểm, đơn vị chức năng sẽ tổng kết và triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu, việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi dần tập quán sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn; giảm chi phí liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông, góp phần xây dựng chính sách điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán. 

Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực trợ giúp xã hội; từng bước cải cách thủ tục hành chính trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với người dân, bảo đảm chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính. 

Những người được hưởng lợi từ chính sách này là các đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trường hợp đang hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng; các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đơn vị có liên quan. 

Đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng phương án chi trả, bảo đảm hạ tầng và công nghệ triển khai chi trả không dùng tiền mặt, thực hiện đa dạng hóa phương thức chi trả qua tài khoản số, tài khoản ngân hàng, đảm bảo mạng lưới chi trả tại cấp xã. Đối với những người già yếu, khuyết tật không thể đi lại được, không sử dụng được điện thoại, không có người ủy quyền và trường hợp đặc biệt khác..., đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chi trả trực tiếp tại các điểm giao dịch cấp xã, chi trả tại nhà cho người thụ hưởng hoặc thông qua người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật.         

Để tổ chức tốt việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, trước ngày 5 hằng tháng, đơn vị cung cấp dịch vụ tiếp nhận danh sách chi trả do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến. Đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển tiền vào tài khoản và gửi tin nhắn đến số điện thoại của người thụ hưởng, người giám hộ, người được ủy quyền. Những trường hợp không thể giao dịch được qua tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, đơn vị cung cấp dịch vụ chi trả trực tiếp bằng tiền mặt... (TTXVN 16/3, Nguyễn Văn Trí)Về đầu trang

An Giang hỗ trợ người dân chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại di động

Ngày 15/3, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch 185/KH-UBND về việc hỗ trợ người dân chuẩn hóa thông tin thuê bao di động thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. 

Mục tiêu là 100% người dân có nhu cầu được hỗ trợ chuẩn hóa thông tin thuê bao di động theo quy định; 100% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến được chuẩn hóa thông tin thuê bao di động và hỗ trợ kịp thời các phát sinh vướng mắc liên quan và 100% người dân khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" các cấp có nhu cầu được chuẩn hóa thông tin thuê bao di động kịp thời, nhanh chóng. 

Thời gian triển khai cao điểm trong quý I/2023. Tiếp tục triển khai trong năm 2023 và giai đoạn tới. Mục tiêu nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, triển khai hiệu quả cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; đảm bảo người dân đăng ký tài khoản công dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được xác thực thông tin thuê bao di động chính chủ. (Baoangiang.com.vn 16/3, Hạnh Châu)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Kiến nghị ứng dụng Chat GPT trong quản lý đất đai

Trong trường hợp Chính phủ muốn xây dựng bảng giá đất hàng năm, ông Châu cho rằng nền tảng công nghệ phải được đáp ứng. Trong đó, trọng tâm là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hoặc Chat GPT để quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất. 

Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 của năm và UBND cấp tỉnh quyết định ban hành.  

Trong khi đó, Luật Đất đai 2013 hiện hành quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ. 

Nhận định về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, quy định UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất mỗi năm một lần là chưa phù hợp. 

Bởi lẽ, việc xây dựng bảng giá đất là quy trình rất tốn thời gian, phức tạp. Ngay cả trước đây, trong Luật Đất đai 2013, việc xây dựng bảng giá đất 5 năm/lần đã tốn rất nhiều thời gian của cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý cấp huyện. Nên nếu quy định này được thông qua, chắc chắn sẽ tạo ra áp lực không nhỏ tới các cơ quan cấp huyện. 

Ông Châu nhấn mạnh, với trình độ, năng lực của bộ máy nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay và yêu cầu và khối lượng công việc đồ sộ để xây dựng bảng giá đất định kỳ  hàng năm là rất khó. 

Bởi lẽ Bộ Tài nguyên Môi trường tuy đã lập được bản đồ giá đất cho hàng triệu thửa đất nhưng cơ sở dữ liệu đầu vào, bao gồm cả dữ liệu thuế vẫn chưa đảm bảo tính chính xác và chưa được cập nhật kịp thời theo thời gian thực. 

“Nếu quy định xây dựng bảng giá đất hàng năm, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện suốt năm bận rộn, loay hoay cho việc xây dựng bảng giá đất. Điều này sẽ khiến cơ quan chức năng khó làm tròn nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn”, ông Châu nói. 

Do đó, ông Châu kiến nghị không ban hành bảng giá đất hàng năm, thay vào đó nên ban hành bảng giá đất định kỳ 2 - 3 năm/lần để phù hợp với thực tiễn trình độ, năng lực của bộ máy hành chính, trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm quản lý hiện nay. 

Trong trường hợp Chính phủ muốn xây dựng bảng giá đất hàng năm, ông Châu cho rằng nền tảng công nghệ phải được đáp ứng. Trong đó, trọng tâm là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hoặc Chat GPT để quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất. 

Ông Châu nhấn mạnh: Trí tuệ nhân tạo (AI), Chat GPT sẽ làm thay con người để thực hiện khối lượng đồ sộ công việc khảo sát, so sánh, đối chiếu các số liệu chỉ trong tíc-tắc và Nhà nước có thể biết rõ ngay chỉ số giá đất trung bình tại một khu vực bất kỳ.  

“Như vậy, Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được giá bất động sản, giá đất 24/7 để xây dựng cơ chế chính sách hoặc có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả”, ông Châu nói. (Congluan.vn 16/3, Việt Vũ)Về đầu trang

Thủ tục hành chính cản trở tăng trưởng xuất nhập khẩu

Những rào cản trong việc tuân thủ các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu đã và đang khiến doanh nghiệp Việt phải oằn mình cõng nhiều chi phí và mất đi rất nhiều cơ hội kinh doanh. 

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương Lương Thu Hương cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu rất mệt mỏi với kiểm tra chuyên ngành. Bởi thủ tục kiểm tra chưa nhanh gọn, cập nhật thông tin chưa đồng bộ. 

Dù đã khai quan, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp. Hơn nữa, đã nộp thuế qua online, nhưng vẫn phải chụp bản nộp cho cơ quan hải quan. 

Bên cạnh đó, thời gian kiểm tra thông quan vẫn còn chậm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Các thủ tục hành chính còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan. 

Băn khoăn về việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Logistics Hải Phòng Lê Mạnh Cương chia sẻ, trong thời gian qua các bộ, ngành rất tích cực cải cách các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và cũng có nhiều mặt hàng thuộc quản lý từ 2 bộ, ngành trở lên. 

Đơn cử như thủ tục kiểm tra chuyên ngành, về cơ bản, hiện nay chưa áp dụng việc công nhận lẫn nhau, thừa nhận chất lượng hàng hóa của nước ngoài, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành. 

Trên thực tế, doanh nghiệp khai báo thủ tục kiểm dịch thực vật cho lô hàng xuất nhập khẩu trên cổng thông tin điện tử quốc gia (VNSW), nhưng khi thông quan, cơ quan kiểm dịch cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vẫn thực hiện công đoạn thủ công. 

“Doanh nghiệp phải in giấy chứng nhận kiểm dịch trình cơ quan hải quan xem hoặc thông báo bằng điện thoại cho công chức để làm các thao tác nghiệp vụ thông quan cho lô hàng trên hệ thống, lúc đó tờ khai mới được thông quan” - ông Cương dẫn chứng. 

Đáng nói, khi thực hiện thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa, doanh nghiệp cũng gặp phải những khó khăn tương tự. Trong khi đó vẫn còn phổ biến tình trạng thời gian kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra chồng chéo, trùng lặp. 

Ngoài ra, trình tự, thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, khác biệt tùy theo bộ ngành và loại hình hàng hóa, trong khi cách hiểu và cách triển khai của các bộ lại chưa thống nhất. 

Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà, thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn rườm rà… Thực tế này gây nhiều phiền toái do gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ của doanh nghiệp. 

Để hoạt động thương mại xuyên biên giới thuận lợi và giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm thiểu khó khăn, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đề xuất: Cơ quan Hải quan cần hoàn thiện hệ thống pháp luật với tính ổn định, nhất quán, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch và dễ tiếp cận. 

Hài hoà các thủ tục hải quan phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Áp dụng đồng bộ các phương thức quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết thủ tục từ khai hải quan, thông quan đến kiểm tra sau thông quan.

 Đối với các cơ quan quản lý và kiểm tra chuyên ngành cần tập trung cải thiện những lĩnh vực, khâu quy trình còn phiền hà như các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, rà soát hoạt động lấy mẫu kiểm tra vì đây là khâu doanh nghiệp thường phản ánh gặp khó khăn nhất. 

Đặc biệt, giảm tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, nghiên cứu giảm số mặt hàng và số lô thuộc diện kiểm tra chuyên ngành; áp dụng đầy đủ và thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro; rà soát những điểm chồng chéo giữa các quy định pháp lý về kiểm tra chuyên ngành. 

Khuyến nghị về giải pháp gỡ rào cản về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) Nguyễn Minh Thảo cho rằng: Bộ Công Thương cần tiếp tục rà soát, ban hành, chỉnh sửa bổ sung một số văn bản nhằm giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể là loại bỏ các quy định chồng chéo giữa các bộ nhằm tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, cũng như tạo thuận lợi cho chính cơ quan quản lý giám sát. 

Một điều đáng lưu ý nữa là hiện nay, chưa có nhiều các khóa học theo chuyên đề cho các doanh nghiệp có nhu cầu kế hoạch xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể như: Hướng dẫn quy trình cơ bản trong quá trình tìm hiểu thị trường, văn hóa địa phương, các thủ tục hành chính; thuận lợi, khó khăn trong thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã được thực thi… 

Do đó, việc tăng cường các khóa học, tập huấn cho doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, kịp thời những thông tin biến động của thị trường xuất nhập khẩu song song với đáp ứng các thủ tục hành chính cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa. (Kinhtedothi.vn 15/3, Ánh Ngọc)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Cán bộ, công chức không được chửi thề, quát, doạ nạt khi giao tiếp với công dân

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ. 

Tại dự thảo tờ trình, Bộ Nội vụ cho biết, qua đánh giá thực trạng việc thực hiện các nội dung về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, nhìn chung nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, ngày càng được nâng cao, việc chấp hành các quy định về đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính tại cơ quan, đơn vị, nơi công cộng và nơi cư trú ngày càng nghiêm túc hơn. 

Tuy nhiên, tại một số Bộ, địa phương công tác thông tin, tuyên truyền về đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chưa thường xuyên; hình thức tuyên truyền chưa thật sự đa dạng, phong phú, thiết thực; công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức chưa sâu sát, hiệu quả chưa cao. 

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn bộc lộ sự yếu kém trong giao tiếp, ứng xử với với người dân, tổ chức và đồng nghiệp, vẫn còn những hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật gây ảnh hưởng đến uy tín của Bộ, địa phương và hình ảnh của cán bộ, công chức, viên chức... 

Do đó, Bộ Nội vụ cho rằng cần phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ làm căn cứ để các Bộ và địa phương thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong cả nước. 

Bố cục dự thảo Nghị định gồm 5 chương và 25 điều. Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ quy định những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Cán bộ, công chức, viên chức chịu sự điều chỉnh của Bộ quy tắc này. 

Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ là cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện bản thân; nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. 

Tại dự thảo nghị định, Bộ Nội vụ đề xuất quy định chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đối với công dân, tổ chức như sau: 

"Cán bộ, công chức, viên chức có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, đúng mực; ngôn ngữ giao tiếp rõ ràng, mạch lạc, văn minh, không chửi thề, không nói tiếng lóng, quát, dọa nạt; không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc, gợi ý nhằm trục lợi cá nhân; 

Tận tình giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về quy trình, thủ tục và những thắc mắc, vướng mắc của công dân và tổ chức liên quan đến giải quyết công việc; khiêm tốn, tiếp thu các ý kiến góp ý của công dân và tổ chức; ưu tiên giải quyết công việc đối với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai; 

Tôn trọng, có tinh thần hợp tác, có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ trong công tác, bảo đảm chất lượng, tiến độ; ứng xử có văn hoá, tôn trọng danh dự, uy tín của cơ quan, tổ chức, công dân có quan hệ công tác; 

Chỉ được tiếp công dân và tổ chức tại cơ quan, không hẹn gặp, không tiếp công dân và tổ chức bên ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc, tại nhà riêng." 

Ngoài ra, Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ cũng đưa ra những quy định cụ thể về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức gồm: Tính chính trực; sự liêm chính; tính khách quan; tính công bằng, bình đẳng; sự đúng mực, tính thận trọng; sự tận tụy và kịp thời; tính bảo mật và giữ gìn hình ảnh tổ chức, cá nhân, năng lực và sự chuyên cần... (Anninhthudo.vn 16/3, P.P)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Khi chính quyền online

Khi chính quyền online, nhiều bức xúc trong khu dân cư đã trở thành chuyện nhỏ.... 

Khi người người nhà nhà đều dùng mạng xã hội, thì chính quyền cũng phải dùng mạng xã hội để chủ động giao tiếp với người dân. Từ Hội đồng nhân dân, các Sở, ban, ngành, cho đến các quận/huyện, phường/xã ở thành phố đều có các tài khoản mạng xã hội để chủ động tương tác với người dân. Mạng xã hội trở thành một trong những kênh giao tiếp tiện lợi và nhanh chóng, từ đó giúp chính quyền giải quyết nhiều vấn đề dân sinh gặp phải hàng ngày. 

Xử phạt hành chính nhiều lần không xong, nhưng kể từ khi chính quyền lắp camera, dọa đưa hình ảnh người vi phạm lên mạng xã hội, nhiều điểm nóng về xả rác bừa bãi đã sạch đẹp trở lại. 

Ông Nguyễn Minh Thiện - Chủ tịch UBND phường Bình Thuận, Quận 7, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Việc xử phạt vi phạm hành chính thì người dân đã sợ rồi, nhưng chỉ mình họ biết. Còn khi đưa lên mạng xã hội thì ai cũng biết, nên người ta càng sợ hơn". 

Trang facebook của phường Bình Thuận có 6,9 ngàn lượt người theo dõi, bằng 1/3 dân số của phường. Trang này đã trở thành kênh giao tiếp quan trọng, giúp chính quyền thường xuyên tương tác, nắm bắt xử lý những vấn đề dân sinh hàng ngày. Nhờ đó, nhiều quan hệ hành chính rắc rối trở nên vô cùng đơn giản. Nhiều chuyện lớn hóa nhỏ, chính quyền, người dân thì ngày càng kéo gần khoảng cách với nhau hơn. 

Ngoài việc có thêm các kênh giao tiếp với người dân qua mạng xã hội, các Sở ban ngành và chính quyền các cấp ở TP Hồ Chí Minh hiện nay cũng triển khai nhiều giải pháp hành chính công, các cổng giao tiếp hay ứng dụng qua điện thoại di động để chủ động tiếp cận với người dân, lắng nghe và giải quyết những vấn đề phát sinh trong đời sống. Tổng đài 1022 hay ứng dụng phòng cháy chữa cháy Help 114 là một vài ví dụ điển hình. 

Trong năm 2022, tổng đài 1022 đã tiếp nhận hơn 38 ngàn lượt phản ánh kiến nghị của người dân. Cũng năm nay thành phố phức hợp thêm tính năng công khai quá trình giải quyết giúp giảm tỉ lệ trễ hạn trong giải quyết phản ánh của các sở ban ngành từ 14% xuống còn 3,1%. 

Ứng dụng Help 114 hay đầu số 1022 chỉ là ví dụ điển hình trong rất nhiều giải pháp trực tuyến mà các Sở ban ngành và địa phương ở TP Hồ Chí Minh đã triển khai. Chính quyền thành phố đánh giá đây là động thái tích cực, thể hiện chủ trương chuyển đổi số đang đi vào thực tế đời sống. 

Theo Sở Nội Vụ TP Hồ Chí Minh, hiện mỗi năm TP Hồ Chí Minh phải giải quyết khoảng 20 triệu thủ tục hành chính. Trong đó 99% đúng hẹn nhưng vẫn có trên 20.000 thủ tục trễ hẹn. 

Lãnh đạo Thành phố cho biết hiện nay các Sở ban ngành đang đề xuất trên 80 đề án để tháo gỡ. Quyết tâm chuyển đổi số, nâng cao trách nhiệm công vụ, ứng dụng khoa học công nghệ cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân. 

Tuy nhiên, các cổng dịch vụ công và kênh giao tiếp trực tuyến cũng đang gặp phải nhiều thách thức trong quá trình triển khai. Một trong số đó là vấn nạn tin giả, ẩn danh, đưa thông tin xuyên tạc hoặc sai sự thật, tiêu tốn khá nhiều nguồn lực của các cơ quan công quyền. 

Tin báo cháy là trường hợp khẩn nguy, các lực lượng chức năng thường phải triển khai trong thời gian sớm nhất. Thế nên, một trong những bất cập lớn nhất là nhận được các tin báo giả, tin báo sai sự thật khiến lãng phí rất nhiều nguồn lực. 

Với hệ thống giao tiếp của chính quyền với người dân qua mạng xã hội, qua các cổng dịch vụ công, việc tiếp nhận các tin giả, tin hoang báo cũng không hề hiếm. 

Không gian mạng không có giới hạn, rút ngắn khoảng cách giữa người dân và chính quyền nhưng cũng lại có quá nhiều cơ chế cho phép họ ẩn danh, thiếu cẩn trọng, thậm chí dễ dàng đưa tin thất thiệt vì mục đích cá nhân. Những thách thức này chắc chắn sẽ gia tăng cùng với tốc độ chuyển đổi số ở các đô thị lớn, đòi hỏi cơ quan công quyền có giải pháp để xử lý. (VTV.vn 15/3)Về đầu trang

Bỏ sổ hộ khẩu và “gánh nặng” xác nhận cư trú

Quản lý dân cư theo sổ hộ khẩu điện tử được kỳ vọng giảm bớt giấy tờ, nhưng đã phát sinh những chuyện buộc người dân phải ngược xuôi xin giấy xác nhận cư trú. 

Theo Luật Cư trú, sổ hộ khẩu giấy chỉ được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31/12/2022. Và từ năm 2023, sổ hộ khẩu bản giấy bị "khai tử", việc quản lý dân cư sẽ theo hình thức sổ hộ khẩu điện tử. 

Thực tế, sổ hộ khẩu giấy có lịch sử hình thành và gắn liền cuộc sống của người dân. Qua nhiều giai đoạn, sổ hộ khẩu càng gắn bó mật thiết, là giấy tờ quan trọng với mỗi người. Trong quản lý xã hội, sổ hộ khẩu có vai trò quan trọng và có tính lịch sử qua các giai đoạn. 

Tuy nhiên, hiện nay, với rất nhiều thay đổi về công nghệ, xã hội số, chuyển đổi số, những hình thức quản lý xưa cũ cũng đứng trước đòi hỏi cần phải thay đổi. 

Trong quản lý dân cư, khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bắt đầu được thay thế bằng số định danh cá nhân. 

Theo cơ quan chức năng, khi không còn sổ hộ khẩu, người dân có thể khai thác thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công. Và trên hệ thống, mỗi người sẽ có một mã định danh cá nhân, trong đó có đầy đủ tên, tuổi, giới tính, ngày sinh, nơi sinh, quan hệ nhân thân. 

Vì thế, khi đã cấp số định danh cho từng cá nhân, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, đó là nỗ lực lớn, là bước tiến trong quản lý. 

Tuy nhiên, khi bỏ sổ hộ khẩu, một số nơi, một số lĩnh vực vẫn làm khó người dân về giấy xác nhận cư trú. Đơn cử như trường hợp anh Trần K. (phường Tam Bình, TP. Thủ Đức, TP.HCM), phải đi 4 chuyến bay mới xong thủ tục giao dịch đất đai, trong đó có việc phải xin giấy xác nhận cư trú. 

Trước những phiền hà người dân gặp phải, ngày 28/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký công điện của Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy. 

Công điện nêu rõ, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định và chỉ đạo của Chính phủ, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức. Vì vậy, yêu cầu quán triệt đến từng cơ quan, từng cấp về việc không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến. 

Ở địa phương, TP.HCM cũng có chỉ đạo tuyệt đối không yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận cư trú; Hà Nội cũng chỉ đạo sẽ xử lý cán bộ tự ý đặt ra thủ tục hành chính khi bỏ sổ hộ khẩu giấy. 

Vậy nhưng, ngay mới đây, tại phường Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội), các bậc phụ huynh vẫn kiệt sức khi phải chờ trực xin giấy xác nhận cư trú cho con chuyển cấp học. Đáng nói, các trường thực hiện theo văn bản của Sở GD&ĐT, dù ngày 15/3, sở này đã có chỉ đạo tạm dừng yêu cầu phụ huynh xác nhận cư trú cho học sinh chuyển cấp. 

Thực tế sẽ còn nhiều thủ tục hành chính, dịch vụ công cần đến dữ liệu dân cư, cư trú, nhưng không phải cách yêu cầu người dân đôn đáo đi xin xác nhận cư trú. 

Có ý kiến cho rằng, chính sách mới, chủ trương mới khi đi vào cuộc sống ít nhiều sẽ có vướng mắc, trở ngại, nhưng vấn đề quan trọng là phải thống nhất về nhận thức và cách làm. 

Vì thế, Văn phòng Chính phủ yêu cầu, trước 20/3, các bộ ngành, địa phương phải hoàn thiện quy trình điện tử để bãi bỏ yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu giấy, giấy tạm trú, xác nhận cư trú khi làm thủ tục hành chính.  

Chỉ có hoàn thiện về quy trình và công khai về thủ tục, người dân mới có cơ hội giám sát quá trình thực thi và tránh bị sách nhiễu, phiền hà. (Vietnamnet.vn 16/3, Tấn Đăng)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

04