Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 18/9/2023

9:15, Thứ Hai, 18-9-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

QUYẾT SÁCH MỚI

1.        Thủ tướng yêu cầu hoàn thành tổng kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư trước 15/11/2023

2.        Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát công trình thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

3.        Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế: Tiếp tục giảm thuế VAT kích thích tăng trưởng, tiêu dùng

4.        Nhà máy khổng lồ của Tập đoàn Lego tại Bình Dương giải ngân nhanh, sắp tuyển lao động

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

5.        Đề xuất thay đổi Luật Nhà ở (sửa đổi) liên quan chung cư mini

QUẢN LÝ

6.        ĐBQH kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu cho công nhân, giáo viên mầm non

7.        Quy định về từ chức, miễn nhiệm người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp

8.        Hàng trăm công trình, tài sản công dôi dư ở Thanh Hoá được xử lý như thế nào?

9.        Đồng Tháp: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung xử lý công việc

10.     Bà Rịa-Vũng Tàu: Sẽ công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm về PCCC

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

11.     Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất điều chỉnh giảm trên 300 tỷ đồng vốn đầu tư công

12.     Chủ tịch tỉnh Bình Dương chỉ đạo “nóng” xử lý các đơn vị nhũng nhiễu trong đầu tư công

13.     Quảng Nam: Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng mới đạt 36,5% kế hoạch vốn giao

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

14.     Hà Nội kiểm tra dấu hiệu vi phạm với 3 tổ chức Đảng sau vụ cháy chung cư

15.     Bắt Phó Chi cục Thi hành án dân sự ở Bình Dương

16.     Chủ tịch huyện vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe

THẾ GIỚI

17.     Chính quyền TP Bắc Kinh thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ các kỳ lân công nghệ

18.     Ấn Độ sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư xe điện

 

QUYẾT SÁCH MỚI

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành tổng kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư trước 15/11/2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15/9/2023 triển khai thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu: Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các văn bản của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC và CNCH. Việc triển khai thực hiện phải cụ thể trách nhiệm của đơn vị, tổ chức, cá nhân; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá kết quả để xem xét trách nhiệm đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc; mỗi cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện các quy định về PCCC.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao để đánh giá thực trạng, có ngay các giải pháp hạn chế xảy ra cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra (hoàn thành việc tổng rà soát trước ngày 15/11/2023).

Sớm tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để đánh giá kết quả 08 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới và chỉ đạo các giải pháp cấp bách để tăng cường công tác phòng ngừa, hạn chế các vụ cháy xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân (hoàn thành trong tháng 9/2023).

Bộ Xây dựng rà soát các quy định pháp luật về xây dựng, quản lý các loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; xây dựng, bổ sung tiêu chuẩn về PCCC đối với các loại hình nhà ở này. Khẩn trương hoàn thành Quy chuẩn sửa đổi QCVN 06:2022/BXD và tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ (hoàn thành trước ngày 30/9/2023.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu các giải pháp phòng ngừa cháy, nổ, khắc phục những tồn tại về PCCC đối với các loại hình trên; đồng thời ban hành tài liệu hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về PCCC cho các công trình, cơ sở hiện hữu khác; chỉ đạo các đơn vị, địa phương hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các giải pháp để khắc phục những tồn tại, bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình sử dụng (hoàn thành trước ngày 30/10/2023).

Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về công tác PCCC, đặc biệt là kỹ năng PCCC và thoát nạn cho người dân khi có sự cố cháy, nổ. Các cơ quan thông tin, truyền thông ở Trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn, PCCC cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn phải cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu dễ nhớ, dễ thực hiện.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh hoạt động quản lý xây dựng, nhất là việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, chấp hành pháp luật xây dựng; gắn trách nhiệm cụ thể tới từng đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc cấp phép, quản lý trật tự xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép, sai phép.

Chỉ đạo tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ, có giải pháp hạn chế xảy ra cháy, nổ và giảm thiểu thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra. Chỉ đạo chấn chỉnh việc quản lý nhà nước về PCCC, nhất là tại cấp huyện, cấp xã, kiểm điểm xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm. (VTV.vn 16/9)Về đầu trang

Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát công trình thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành đề nghị tăng cường thực hiện các quy định về xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, công trình có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương khẩn trương thực hiện các công việc: Tiếp tục thực hiện các nội dung nêu trong văn bản số 2937/BXD-QLN ngày 18/6/2020 của Bộ Xây dựng.

Đối với các công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ ở đã hoàn thành phải khẩn trương rà soát toàn bộ các công trình này để phát hiện các vi phạm về trật tự xây dựng đặc biệt là vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; có giải pháp ngăn cách khu vực để xe với khu vực ở và có lối thoát nạn riêng; đầu tư trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy phù hợp; bố trí người có sức khỏe, kinh nghiệm để quản lý vận hành tòa nhà, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Đối với các công trình nêu trên khi xây dựng mới thì các cơ quan có thẩm quyền của địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng, quản lý trật tự xây dựng theo quy định.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy của các tổ chức, cá nhân có liên quan. (VTV.vn 16/9)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế: Tiếp tục giảm thuế VAT kích thích tăng trưởng, tiêu dùng

Sáng 17/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức họp báo chương trình diễn đàn kinh tế xã hội Việt Nam 2023. Chủ đề Diễn đàn lần này là “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững".

Trao đổi với phóng viên tại cuộc họp báo về chủ đề năm nay, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lý giải, hơn 2 năm COVID-19 tác động rất mạnh đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đáng lưu ý, một số động lực tăng trưởng của Việt Nam có dấu hiệu chậm lại, cần phải có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn này, đề xuất các giải pháp mới để phát triển bền vững.

Đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn là “điểm sáng” trong bức tranh xám màu của nền kinh tế thế giới, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,1%, tuy nhiên, theo ông Thanh, thị trường tiêu dùng, bán lẻ, doanh thu dịch vụ đầu năm tăng khá, nhưng giờ có dấu hiệu tăng chậm lại. Do vậy, gói kích cầu tiêu dùng cần thực hiện triệt để, để khơi thông thị tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân…

“Sắp tới xuất khẩu cũng có những dấu hiệu không bình thường. Vậy chúng ta cần có biện pháp gì để thích ứng, đáp ứng với sự biến đổi của kinh tế thế giới và khu vực?”, từ kinh nghiệm các diễn đàn trước, ông Thanh hi vọng các chuyên gia, doanh nghiệp có các đề xuất để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ lắng nghe, từ đó đề xuất các gói giải pháp trong triển khai nghị quyết của kỳ họp thứ 6 tới đây.

Liên quan đến việc giảm thuế VAT, ông Thanh cho rằng, hiện doanh nghiệp và người dân vẫn muốn kéo dài chính sách này, nên phải đánh giá tổng kết, xem có cần thiết kéo dài hay không. “Thị trường nội địa là yếu tố quan trọng để kích thích tăng trưởng. Chính sách này kéo dài được cũng là biện pháp kích thích tăng trưởng, tiêu dùng nội địa”, ông Thanh nêu quan điểm.

Cùng trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Hiền, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, diễn đàn lần này sẽ nhằm giải quyết vấn đề cấp bách cho cả trước mắt và lâu dài; cùng với đó là vấn đề phát triển nhà ở, qua ý kiến các chuyên gia sẽ có thêm luận cứ cho việc sửa đổi Luật Nhà ở.

Diễn đàn cũng là dịp để đánh giá lại những vấn đề trung hạn, dài hạn cho nền kinh tế. “Tăng cường năng lực nội sinh không chỉ là vấn đề cấp bách trong ngắn hạn mà còn cho cả dài hạn”, ông nói. (Tienphong.vn 17/9, Luân Dũng)Về đầu trang

Nhà máy khổng lồ của Tập đoàn Lego tại Bình Dương giải ngân nhanh, sắp tuyển lao động

Ngày 15-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, Tổng lãnh sự Singapore tại TP.HCM và lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã cùng tham quan dự án vốn FDI hơn 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch), trồng cây xanh tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) 3.

Báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng, ông Preben Elnef - Phó Chủ tịch Tập đoàn Lego - cho biết dù khối lượng công việc lớn nhưng tới nay nhà máy đang được triển khai đúng tiến độ.

Hiện mỗi ngày có khoảng 2.000 công nhân đang tham gia xây dựng nhà máy và dự kiến số lượng công nhân tăng lên gấp đôi vào cuối năm nay. Song song với hoạt động xây dựng của nhà thầu, Lego cũng bắt đầu chuẩn bị lao động, nhân sự để vận hành nhà máy.

Trước mắt sẽ có khoảng 100 người được tuyển dụng trong những tháng cuối năm 2023 và sẽ tăng lên 500 người trong năm 2024 để đảm bảo đi vào sản xuất trong nửa cuối năm 2024. Số lao động được tuyển dụng để vận hành nhà máy dự kiến sẽ nâng lên tới 4.000 người, tạo ra việc làm và nguồn thu đáng kể cho ngân sách. (Tuổi trẻ 16/9, Bá Sơn)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Đề xuất thay đổi Luật Nhà ở (sửa đổi) liên quan chung cư mini

Nhiều nhận định cho rằng, chung cư mini đây là sản phẩm lỗi của thị trường, vì vậy cần có sự thay đổi trong văn bản luật liên quan.

Cụm từ "chung cư mini" được nhận diện là những căn nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức mà có từ 2 tầng trở lên, đã xuất hiện từ hơn 10 năm trước. Sau đó được xây dựng rầm rộ tại các quận nội đô, do nhu cầu nhà ở của người dân cao.

Một số văn bản pháp lý, dù dùng khái niệm "nhà ở riêng lẻ" đã có đề cập tới chung cư mini, thậm chí là cả vấn đề cấp sổ đỏ cho từng căn hộ nhỏ trong ngôi nhà. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đang có sự thiếu thống nhất giữa quy định về sự hiện diện về mô hình căn hộ này với các quy định về xây dựng và yêu cầu về phòng cháy chữa cháy. Từ đó, tạo ra lỗ hổng trong quản lý xây dựng.

Theo quy định của pháp luật nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá hoặc nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên phải buộc có giấy phép về phòng cháy, chữa cháy. Khi thi công phải đảm bảo đúng thiết kế đã phê duyệt và phải được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy mới đủ điều kiện đưa vào sử dụng. Trong khi, theo Luật Phòng cháy chữa cháy và các văn bản liên quan, lại không bắt buộc áp dụng đối với nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 6 tầng trở xuống. Vì vậy, rất nhiều nhà riêng lẻ, nhà ống không có các phương án phòng cháy và thoát hiểm.

Để tối ưu lợi nhuận, các chủ đầu tư khi tiến hành xây dựng chung cư mini đã lách bằng cách xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ chỉ 6 tầng. Sau đó, ngang nhiên xây vượt tầng cao đã được cấp phép, rồi bán hoặc cho thuê như trường hợp xảy ra ở chung cư mini tại quận Thanh Xuân vừa qua.

Mô hình nhà ở riêng lẻ, chia thành các căn hộ nhỏ, hay còn hiểu là căn hộ chung cư mini không bị pháp luật hạn chế, thậm chí đã xuất hiện trong Luật Nhà ở 2014, nhưng trong các văn bản về pháp luật xây dựng, lại chưa có quy chuẩn riêng.

TS. Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng thông tin: "Trong trước mắt ngắn hạn, Bộ Xây dựng sẽ có một văn bản quán triệt để Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể, trước hết là cho người dân đầu tư xác định thế nào là nhà ở riêng lẻ để tuân thủ quy chuẩn nào. Thế nào là nhà ở cho kinh doanh. Lâu dài, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để quy định và hướng dẫn cụ thể chặt chẽ và đầy đủ hơn".

Cũng theo Luật Nhà ở 2014 và một số văn bản trước đó của TP Hà Nội, nếu như đảm bảo xây dựng đúng giấy phép, hoàn thiện nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, chung cư mini còn có thể được cấp sổ đỏ cho từng căn hộ riêng. Tuy nhiên, theo khảo sát, hiện nay, chỉ có vài trường hợp chung cư mini xây ở ngoại thành, đã làm được sổ đỏ cho từng căn hộ nhỏ.

Còn lại, những người sống trong chung cư mini hiện nay, dù bỏ ra số tiền vài trăm, tới hàng tỷ đồng, nhưng vẫn chỉ cầm trong tay một tấm sổ đỏ photo chung dùng cho cả toà nhà, không khác gì đi ở thuê dài hạn.

Chung cư mini đã được nhắc tới trong Luật Nhà ở 2014, với tên gọi nhà riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, cùng một số điều kiện nhất định. Thời gian trước đây, một số hiệp hội đã có đề xuất cần có sự thay đổi trong văn bản luật, liên quan tới chung cư mini vì cho rằng đây là sản phẩm lỗi của thị trường.

Hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 42.200 nhà trọ cho thuê kiểu chung cư mini. Loại hình này tương đương với mô hình nhà trọ xây dựng từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, lối đi, cầu thang chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng cho các hộ gia đình.

Tại một tuyến đường trên địa bàn quận 7, TP Hồ Chí Minh. Chỉ trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, tuyến đường mọc lên hàng loạt toà nhà căn hộ mini, kinh doanh theo hình thức căn hộ dịch vụ. Mỗi phòng có diện tích trung bình từ 15 - 40m2, với giá thuê dao động từ 3 - 9 triệu đồng/ tháng. Đa số các phòng đều có nhà vệ sinh và đầy đủ thiết bị nội thất cơ bản.

Theo Luật Nhà ở 2014, để xây dựng mô hình được hiểu là chung cư mini thì diện tích tối thiểu căn hộ chung cư là 25m2, có đủ tiêu chuẩn xây dựng, quy hoạch… Đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy phải đáp ứng theo Luật Nhà ở mới được cấp giấy phép kinh doanh hoặc để ở… Tuy nhiên, thời gian qua việc cấp phép xây dựng này vẫn còn nhiều bất cập.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: "Phải thống nhất về cách hiểu khi áp dụng và cần có hướng dẫn nội dung này trong Luật Nhà ở. Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều Thông tư về quản lý nhà chung cư nhưng chúng tôi thấy rằng cần phải luật hoá những vấn đề này. Đặc biệt là đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, môi trường và hạ tầng kỹ thuật phải đáp ứng cái quy hoạch, kiến trúc hiện nay trên các thành phố lớn".

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh kiến nghị, tại Điều 57 trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định đối với nhà chung cư do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng trên nền nhà ở riêng lẻ, có từ 20 căn hộ trở lên thì mới lập dự án đầu tư. Nội dung này cần được bãi bỏ và không quy định số lượng căn hộ.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đề nghị: "Chúng tôi đề nghị tất cả nhà ở riêng lẻ được xây dựng thành nhà chung cư để bán, cho thuê hoặc thuê mua thì đều phải lập dự án đầu tư. Bởi vì nhà chung cư là một trong những đối tượng là nguồn nguy hiểm cao theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy vì đây là nơi tập trung đông người".

Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị tuân thủ quy định căn hộ nhỏ dưới 45m2 trong dự án nhà chung cư chỉ nên chiếm 25%. Tất cả nhà ở riêng lẻ đã được xây dựng chung cư mini đều phải lập thành dự án đầu tư để được quản lý một cách chặt chẽ từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư cho đến cấp phép xây dựng, công trình hạ tầng kỹ thuật… Như vậy mới có thể đảm bảo an toàn và các cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra, giám sát, tránh hiện tượng biến tướng. (VTV.vn 16/9)Về đầu trang

QUẢN LÝ

ĐBQH kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu cho công nhân, giáo viên mầm non

Đại biểu quốc hội một số tỉnh thành vừa kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH xem xét giảm tuổi nghỉ hưu cho nhóm lao động trực tiếp tại doanh nghiệp (công nhân), giáo viên mầm non, thợ xây… do sức khoẻ khó cho phép họ làm việc tới tuổi nghỉ hưu.

Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá, Quảng Nam, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Long An, Tiền Giang… vừa cùng chung kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH xem xét giảm tuổi nghỉ hưu xuống 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam với một số ngành nghề, công việc.

Đại biểu Quốc hội các địa phương cho rằng, tuổi nghỉ hưu 60 với nữ và 62 tuổi với nam chỉ phù hợp với người lao động khối văn phòng, hoặc công chức, viên chức, không phù hợp với người lao động trực tiếp trong doanh nghiệp, trong khu công nghiệp (công nhân), giáo viên mầm non, công nhân xây dựng...

Quy định này là bất hợp lý, do đa số công nhân sẽ không đủ sức khoẻ để làm tới tuổi nghỉ hưu để nhận chế độ lương hưu đầy đủ, mà buộc phải nghỉ hưu trước tuổi. Việc nghỉ hưu trước tuổi khiến người lao động bị trừ tỷ lệ lương hưu (mỗi năm nghỉ trước trừ 2% tiền lương hưu), gây thiệt thòi cho người lao động.

Từ đó, đại biểu Quốc hội các địa phương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành đánh giá, nghiên cứu, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định cho hợp lý, như nữ xuống 55 hoặc 58 tuổi, nam 60 tuổi. Giải pháp này cũng giúp hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần (do khó chờ tới tuổi nhận lương hưu), tạo thêm cơ hội cho nhiều lao động có lương hưu.

Trả lời các kiến nghị trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, chế độ hưu trí áp dụng với người hết tuổi lao động nhằm đảm bảo thu nhập cho người già. Để được nhận lương hưu, người lao động phải đạt điều kiện đủ tuổi nghỉ hưu và đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội, nhằm đảm bảo tương quan giữa thời gian đóng và thời gian hưởng, đảm bảo cân đối và bền vững lâu dài của Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Quá trình xây dựng Bộ Luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận, đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể. Sau đó, luật đã điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nữ từ 55 tuổi lên 60 tuổi, nam từ 60 tuổi lên 62 tuổi, lộ trình tăng với nữ là thêm 4 tháng mỗi năm và nam là 3 tháng mỗi năm cho tới khi đạt mức tuổi trên.

Tuổi nghỉ hưu mới cũng xét tới các yếu tố về tính chất, lợi hình công việc và sức khoẻ người lao động, với những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hoặc người có sức khoẻ yếu (bị suy giảm khả năng lao động) được nghỉ hưu sớm hơn tuổi chung từ 5-10 tuổi (tuỳ từng trường hợp).

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhằm đảm bảo tốt các chế độ, chính sách cho người lao động, trong đó có việc làm cơ sở xét điều kiện về tuổi nghỉ hưu cho người lao động. (Tienphong.vn 17/9, Lê Hữu Việt) Về đầu trang

Quy định về từ chức, miễn nhiệm người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 159 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo quy định mới, việc xem xét cho từ chức đối với người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên và người đại diện phần vốn nhà nước được thực hiện trong các trường hợp sau: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định của Đảng và vì các lý do chính đáng khác của cá nhân.

Việc xem xét miễn nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên và người đại diện phần vốn nhà nước được thực hiện trong các trường hợp sau: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà cấp có thẩm quyền xác định là năng lực hạn chế, uy tín giảm sút; Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một thời hạn bổ nhiệm; Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định của Đảng.

Cùng với đó, những trường hợp có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương; để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng cũng thuộc trường hợp xem xét miễn nhiệm.

Về điều kiện luân chuyển, theo nghị định, người được luân chuyển phải có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác và triển vọng phát triển; Còn thời gian công tác ít nhất 10 năm công tác tính từ thời điểm luân chuyển; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định… (Tienphong.vn 17/9, Văn Kiên)Về đầu trang

Hàng trăm công trình, tài sản công dôi dư ở Thanh Hoá được xử lý như thế nào?

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá khuyến khích các huyện bàn giao các công trình, tài sản dôi dư hiện chưa sử dụng cho lực lượng công an xã, thị trấn để thực hiện chủ trương của Bộ Công an về xây dựng trụ sở làm việc cho lực lượng công an xã, thị trấn theo tình hình thực tế và quy định hiện hành.

Trước tình trạng công trình, tài sản công dôi dư sau sắp xếp các cơ quan, đơn vị hành chính, không sử dụng thời gian dài, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá vừa có chỉ đạo, xử lý.

Theo cơ quan chức năng, hiện nay, các công trình, tài sản công dôi dư sau sắp xếp các cơ quan, đơn vị hành chính ở Thanh Hoá có 3 nhóm, gồm: Trụ sở làm việc cấp xã, trung tâm văn hoá cấp xã, trạm ý tế cấp xã, nhà văn hoá; trụ sở các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện đã thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII); trụ sở các cơ quan Nhà nước của Trung ương trên địa bàn.

Các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp cơ quan, đơn vị hành chính chưa có phương án xử lý cụ thể, hiệu quả. Nhiều tài sản không sử dụng trong thời gian dài đã bị hư hỏng, xuống cấp, hoang phế. Trong khi đó, việc chuyển đổi công năng sử dụng, bàn giao công trình, tài sản công cho cơ quan, đơn vị khác quản lý, sử dụng chưa nhiều, gây lãng phí tài sản của Nhà nước...

Tình trạng trên có nguyên nhân khách quan là do hệ thống văn bản quy định hướng dẫn của Trung ương về xử lý tài sản công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa cụ thể; quy trình, thủ tục xử lý nhà, đất, trụ sở của các cơ quan, đơn vị còn phức tạp; việc xử lý các công trình nhà văn hoá thôn, xóm, tổ dân phố dôi dư có khó khăn do hồ sơ pháp lý để chứng minh nguồn gốc tài sản không có, do nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình được huy động từ nguồn đóng phó của nhân dân...

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là do cấp uỷ, chính quyền các địa phương chưa tích cực, chủ động trong việc xây dựng phương án, cũng như tiến hành trình tự, thủ tục pháp lý để xử lý tài sản công dôi dư; việc vận dụng các quy định của pháp luật trong xử lý tài sản công sau sắp xếp của các địa phương, đơn vị chưa thật sự thống nhất; các cơ quan chuyên môn của tỉnh chưa sâu sát, tích cực trong việc đôn đốc, hướng dẫn thực hiện xử lý tài sản dôi dư...

Về việc này, ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương rà soát, báo cáo tổng thể thực trạng công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sắp xếp các cơ quan, đơn vị hành chính; đề xuất phương án xử lý cụ thể với từng nhóm tài sản, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật hiện hành.

Khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn các đơn vị về quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng các công trình, trong đó, đề xuất giải quyết dứt điểm các nhà văn hoá thôn, bản, tổ dân phố dôi dư theo hướng bàn giao lại cho cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng, tạo điều kiện cho người dân tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hoá tại cộng đồng… (Tienphong.vn 17/9, Hoàng Lam)Về đầu trang

Đồng Tháp: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung xử lý công việc

Trong những tháng còn lại của năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của UBND thỉnh về chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc trên mọi lĩnh vực, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không tham mưu hay giải quyết công việc.

Tập trung, chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành; phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình; tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo sinh kế, việc làm cho người dân; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Hạn chế việc đi công tác ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài, khi chưa thật cấp thiết để tập trung cho công việc của những tháng còn lại trong năm 2023.

Chủ động xây dựng kế hoạch năm 2024 với tinh thần quyết tâm cao và đổi mới mạnh mẽ trong phương thức chỉ đạo, điều hành; có phân công, phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể, đặc biệt là khâu chuẩn bị các chương trình, kế hoạch, chuẩn bị thủ tục đầu tư, thời gian hoàn thành,... và phát huy sức mạnh nguồn lực xã hội để thực hiện. (Baodongthap.vn 17/9)Về đầu trang

Bà Rịa-Vũng Tàu: Sẽ công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm về PCCC

Ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết, Sở vừa có văn bản hỏa tốc đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh về việc triển khai Công điện số 796/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sau vụ cháy nhà dân tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vừa qua.

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có 49 chung cư với hơn 16.200 căn hộ, tập trung chủ yếu tại TP Vũng Tàu. Trong đó không có các chung cư mini với số lượng người thuê tập trung đông như ở một số địa phương khác.

Đa số các chung cư có hệ thống PCCC và lối thoát hiểm rộng, không gây cản trở cho công tác PCCC nếu có sự cố. Ngoài ra, trong quá trình cấp phép xây dựng các chung cư, Sở Xây dựng cũng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm ngặt các quy định về PCCC, thoát hiểm.

Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số chung cư cũ, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, tập trung tại TP Vũng Tàu. Cơ quan chức năng đã kiểm định và xác định nguy cơ mất an toàn ở cấp độ C và buộc phải di dời người dân. Bên cạnh đó, các chung cư còn không bảo đảm an toàn về xây dựng, kết cấu sau nhiều năm đưa vào sử dụng.

Nhằm ngăn chặn các sự cố cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), Sở Xây dựng đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của trung ương về tỉnh công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

Sở này yêu cầu thực hiện tốt công tác quản lý về PCCC&CNCH tại các trụ sở cơ quan hành chính nhà nước. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC; để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát…

Các địa phương kiểm tra, rà soát việc thực hiện công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở có nguy cơ cháy cao, tập trung đông người, như: nhà chung cư, khách sạn, nhà hàng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, các KCN, nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường…

Kiên quyết đình chỉ, ngừng hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh và xử lý nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh khi không đảm bảo điều kiện về an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát, đình chỉ hoạt động và có kế hoạch di dời các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ, độc hại ra khỏi khu dân cư.

Sở Xây dựng đề nghị các địa phương thực hiện các giải pháp về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, trọng tâm là: Vận động mỗi hộ gia đình tự trang bị một bình chữa cháy, mỗi gia đình ít nhất có một người được tập huấn về kỹ năng chữa cháy, thoát nạn…

Xem xét công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm về PCCC& CNCH trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật về tăng cường hiệu quả phòng ngừa các hành vi vi phạm tương tự có thể xảy ra. (Plo.vn 17/9)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất điều chỉnh giảm trên 300 tỷ đồng vốn đầu tư công

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 từ nguồn ngân sách trung ương với số tiền trên 307,7 tỷ đồng.

Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao 1.605,5 tỷ đồng vốn từ ngân sách trung ương (NSTW) gồm: vốn trong nước trên 1.425 tỷ đồng và vốn nước ngoài trên 180 tỷ đồng.

Với nguồn vốn được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phân bổ cho các đơn vị theo đúng quy định và trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn của pháp luật đầu tư công hiện hành.

Theo đó, bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2023 theo thời gian bố trí vốn (3 năm với dự án nhóm C, 4 năm với dự án nhóm B).

Ưu tiên bố trí vốn cho các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, quy hoạch; vốn đối ứng cho các dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp theo tiến độ đã duyệt, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ tốt, có khả năng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Sau khi cân đối đủ cho các nhiệm vụ, dự án nêu trên mới xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi rà soát, đánh giá khả năng thực hiện và dự kiến giải ngân hết niên độ 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công năm 2023 từ nguồn NSTW trên 307,7 tỷ đồng.

Cụ thể, đề nghị điều chỉnh giảm 25,7 tỷ đồng vốn nước ngoài và trên 282 tỷ đồng vốn trong nước, do không có khả năng giải ngân hết vốn được giao. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 17/9, Tô Ngọc)Về đầu trang

Chủ tịch tỉnh Bình Dương chỉ đạo “nóng” xử lý các đơn vị nhũng nhiễu trong đầu tư công

Ngày 16/9, tin từ UBND tỉnh Bình Dương cho biết, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh mới có văn bản khẩn, đề xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây nhũng nhiễu, cản trở giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời thay thế cán bộ, năng lực yếu kém gây trì trệ, nhũng nhiễu trong công tác quản lý đầu tư công.

Các sở ngành, địa phương của Bình Dương cần đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư, các dự án trọng điểm, quan trọng, các dự án có tác động lan tỏa. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời thay thế cán bộ, năng lực yếu kém gây trì trệ, nhũng nhiễu trong công tác quản lý đầu tư công.

Chủ tịch Bình Dương cũng chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, đề xuất cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc, tiêu cực cho người dân và doanh nghiệp.

Tỉnh Bình Dương sẽ xử lý những cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, không dám thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền và giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Bình Dương năm 2023 là hơn 21.782 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/4/2023, khối lượng thực hiện đạt gần 824 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt gần 1.598,969 tỷ đồng, đạt 7,4% kế hoạch tỉnh giao và đạt 13,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Có 13 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân của tỉnh; 6 đơn vị thấp hơn mức bình quân của tỉnh và 12 đơn vị chưa giải ngân. Nhìn chung các đơn vị chủ đầu tư cấp huyện có kết quả giải ngân tốt hơn so với chủ đầu tư cấp tỉnh.

Đối với các công trình trọng điểm, trong năm 2023 tỉnh bố trí vốn cho 38 dự án với tổng số vốn trên 14.561 tỷ, chiếm 66,8% tổng kế hoạch. Khối lượng thực hiện đến 30/4/2023 đạt 331 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt 283 tỷ đồng, đạt 1,9% kế hoạch.

UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các ngành, địa phương quyết liệt đốc thúc việc giải ngân đầu tư công năm 2023, tập trung các dự án, công trình trọng điểm như dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đường từ cầu Tam Lập (huyện Phú Giáo) đến Đồng Phú, tỉnh Bình Phước…; khẩn trương tham mưu ban hành phương án giá bồi thường dự án Vành đai 3. Sở Công Thương thẩm định kỹ thuật việc di dời lưới điện phục vụ thi công các công trình. (Baophapluat.vn 17/9, Bình An – Duy Trường) Về đầu trang

Quảng Nam: Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng mới đạt 36,5% kế hoạch vốn giao

Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam, đến hết tháng 8/2023, toàn tỉnh mới giải ngân được 36,5% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Theo đó, tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để kéo tỷ lệ giải ngân tăng cao.

Vốn đầu tư công là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam năm 2023. Chính vì thế, ngay từ đầu năm, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư và quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã được tỉnh thành lập.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn đang rất chậm. Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) Quảng Nam, tính đến hết tháng 8 vừa qua, tỉnh Quảng Nam mới giải ngân được hơn 3.380 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023, đạt 36,5% so với tổng vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh sau khi được điều chỉnh.

Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân được gần 2.661 tỷ đồng, đạt 34,2% kế hoạch vốn (trên 7.949 tỷ đồng); kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang giải ngân được trên 719 tỷ đồng, đạt 48,7% kế hoạch (1.700 tỷ đồng).

Tiến độ giải ngân chậm được UBND tỉnh Quảng Nam cho biết là do còn nhiều vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn cung vật liệu, giá mua vật liệu tăng cao. Đồng thời còn có nguyên nhân do công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quyết toán dự án còn chậm…

Trước tỷ lệ giải ngân đang đạt thấp so với trung bình của cả nước, cùng với đó là mục tiêu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao đặt ra từ đầu năm, tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp đặt ra. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam đã cử nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng, các mỏ cung cấp nguyên vật liệu thông thường giúp tháo gỡ những vướng mắc về nguồn cung vật liệu.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện kiên quyết điều chuyển vốn đối với những dự án công trình thi công chậm và xử lý nghiêm người đứng đầu các các sở, ngành ban quản lý dự án đầu tư, chính quyền các địa phương có tiến độ giải ngân thấp.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương, Kho bạc Nhà nước Quảng Nam đang tiếp tục thực hiện nghiêm các cải cách về thủ tục hành chính. Đồng thời, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kho bạc nhằm rút ngắn thời gian thanh toán chỉ trong 1 ngày làm việc. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 17/9, Vân Hà)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Hà Nội kiểm tra dấu hiệu vi phạm với 3 tổ chức Đảng sau vụ cháy chung cư

Ngày 15.9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có văn bản chỉ đạo việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức Đảng: Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân, Đảng ủy phường Khương Đình, nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025.

Theo đó, đêm 12, rạng sáng 13.9, xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại tòa nhà chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Ngôi nhà có diện tích khoảng 200 m2, cao 9 tầng, 1 tum, là nơi cư trú của khoảng 150 người. Vụ cháy đã làm 56 người tử vong và 37 người bị thương.

Kết quả điều tra ban đầu của Công an thành phố xác định tại ngôi nhà xảy ra cháy có những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng và quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

 

Ngày 13.9, cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh (sinh năm 1979, trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), chủ tòa nhà chung cư mini nêu trên.

Thông cáo cũng cho biết, việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức Đảng nêu trên nhằm làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo liên quan.

Nội dung kiểm tra cụ thể, bao gồm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25.6.2015 và Kết luận số 02-KL/TW, ngày 18.5.2021 của Ban Bí thư; Luật Phòng cháy và chữa cháy; Chỉ thị số 32/CT-TTg, ngày 5.12.2018 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 31.10.2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương và thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Kiểm tra, xem xét, xử lý theo quy định đối với các tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan để xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại nhà số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.

Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Đoàn Kiểm tra gồm 12 thành viên là đại diện Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo, cán bộ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương và Cục cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an...

Ông Hoàng Trọng Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội được phân công làm Trưởng đoàn kiểm tra. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương làm Phó trưởng Đoàn Thường trực. (Laodong.vn 16/9, Phạm Đông)Về đầu trang

Bắt Phó Chi cục Thi hành án dân sự ở Bình Dương

Ngày 17/9, nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố, bắt tạm giam ông Vương Minh Chung (SN 1981, ngụ Bình Dương), Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thủ Dầu Một về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó vào ngày 15/9, cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét nơi làm việc và nhà riêng của ông Vương Minh Chung tại phường Hiệp Thành (thành phố Thủ Dầu Một). Tại đây, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều hồ sơ để phục vụ công tác điều tra.

Nguồn tin cho hay, ông Chung bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan tới sai phạm trong một vụ thi hành án mà ông này phụ trách thời gian gần đây. (Tienphong.vn 17/9, Hương Chi)Về đầu trang

Chủ tịch huyện vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe

Ông P.C.M., Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế thừa nhận vừa bị lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính, do vi phạm nồng độ cồn.

Theo ông M. trình bày, trưa ngày 16/9, do là ngày nghỉ nên ông có uống 2 lon bia sau đó về nhà nghỉ ngơi. Đến khoảng 23h tối cùng ngày, ông lái xe ô tô đi đón con học thêm. Trên đường đi bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe đo nồng độ cồn và ra kết quả 0,064 m/l khí thở.

 "Do uống 2 lon bia từ buổi trưa, không nghĩ trong hơi thở mình còn nồng độ cồn nên buổi tối tôi mới lái xe ô tô đi đón con, khi lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra, tôi tự tin chấp hành, nhưng không ngờ vẫn bị vi phạm nồng độ cồn", ông M. nói.

Trước đó, tối 16/9, Tổ công tác số 5 của Bộ Công an phối hợp cùng Công an TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và trực tiếp xử lý vi phạm nồng độ cồn tại TP. Huế.

Khoảng 22h48 cùng ngày, Tổ công tác dừng ô tô mang biển kiểm soát 75A-01x.xx do ông M. (SN 1975, trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế) điều khiển. Qua kiểm tra bằng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, cảnh sát xác định tài xế M. vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,064m/l khí thở.

Tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời, sẽ làm thông báo vi phạm luật giao thông gửi về đơn vị công tác của người vi phạm để có hình thức xử lý tại cơ quan. (Congly.vn 17/9, Ngọc Minh)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Chính quyền TP Bắc Kinh thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ các kỳ lân công nghệ

Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã đề xuất một loạt biện pháp nhằm giải quyết “nhu cầu cấp thiết” của các kỳ lân công nghệ nội địa, giúp họ chuẩn bị cho việc niêm yết công khai trong và ngoài nước khi các cơ quan chức năng chuyển từ giám sát pháp lý sang thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi chậm chạp.

11 cơ quan thành phố Bắc Kinh với nhiều chức năng khác nhau, bao gồm các cơ quan xúc tiến công nghệ, ủy ban cải cách và phát triển cũng như các cơ quan quản lý tài chính và thị trường đã chung tay đưa ra cái mà họ gọi là “Mười biện pháp cho những kỳ lân”.

Kỳ lân là thuật ngữ dùng để mô tả một công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỉ USD. Những kỳ lân đáng chú ý đến từ Trung Quốc hiện bao gồm ByteDance, chủ sở hữu TikTok, công ty thời trang nhanh Shein và WeDoctor có trụ sở tại Hàng Châu.

Theo một tuyên bố được công bố trên trang web chính thức của Ủy ban Khoa học và Công nghệ Thành phố Bắc Kinh vào thứ Sáu tuần trước, gói chính sách trên nhằm mục đích giúp các kỳ lân thu hút nhân tài, tiếp thị, đổi mới, gây quỹ và niêm yết công khai, cùng nhiều vấn đề khác.

Chính quyền thành phố sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan để khai thác thêm nhiều kỳ lân công nghệ, đặc biệt là những công ty hoạt động trong “công nghệ cốt lõi”, kết nối các công ty này với các nguồn lực công nghệ và thị trường khác nhau để thúc đẩy đổi mới. Hỗ trợ chính sách ưu đãi cùng một môi trường pháp lý “khoan dung và thận trọng” hơn.

Trọng tâm quan trọng sẽ là tạo điều kiện thuận lợi cho các kỳ lân niêm yết trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước. (Viettimes.vn 17/9, Tiến Dũng)Về đầu trang

Ấn Độ sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư xe điện

Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ sớm đưa ra các chính sách mới để thu hút các nhà sản xuất xe điện và khuyến khích hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này.

Trước đó, Reuters cho biết, New Delhi đang nghiên cứu việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các hãng xe điện cam kết sản xuất tại nước này.

Ông Piyush Goyal - Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho biết: "Khi có được hoạt động sản xuất quy mô lớn, chúng tôi sẽ bắt đầu tận hưởng thành quả từ quy mô kinh tế, công nghệ mới, hoạt động nghiên cứu và phát triển ở Ấn Độ. Ngành công nghiệp linh kiện ô tô sẽ không chỉ sản xuất cho nhu cầu ngày càng tăng của Ấn Độ mà còn phục vụ cho các mẫu xe đang được bán trên thế giới".

Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh hãng xe điện Tesla của Mỹ đang thảo luận với chính quyền Thủ tướng Narendra Modi về khả năng xây dựng một nhà máy tại Ấn Độ. Tesla được cho là đang đặt mục tiêu tìm nguồn linh kiện trị giá 1,7 - 1,9 tỷ USD từ Ấn Độ trong năm nay, sau khi đã mua 1 tỷ USD linh kiện hồi năm ngoái.

Việc Chính phủ Ấn Độ thúc đẩy mục tiêu có 30% lượng ô tô bán ra vào năm 2030 là xe chạy điện, cũng khiến nhiều hãng xe nội địa tăng tốc trong cuộc đua này.

Ông Charu Kartikeya - Phóng viên chuyên trách, Kênh truyền hình DW cho biết: "Các hãng xe nội địa như Tata Motor đang dẫn đầu nỗ lực phát triển xe điện, trong khi một hãng xe hàng đầu khác là Maruti đẩy mạnh phát triển xe hybrid. Các cơ sở hạ tầng như trạm sạc cũng được đầu tư mạnh mẽ và được xây dựng tại nhiều khu dân cư. Tương lai của thị trường xe điện Ấn Độ là rất sáng". (VTV.vn 17/9)Về đầu trang./.

Các tin khác

09