Chi tiết tin - Văn phòng UBND tỉnh
Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 15/9/2023
1. Từ 15/9, Cảnh sát giao thông trực hệ thống camera giám sát 24/24h
2. Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: Việt Nam có vị trí cầu nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á
4. Đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để gỡ khó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
6. Cháy chung cư mini tại Hà Nội: Chính quyền địa phương có ngoài cuộc?
7. Đề xuất giảm thời gian đào tạo lái xe
8. Sẽ tham vấn công chúng sửa quy định rút bảo hiểm xã hội một lần
9. Sẽ giải ngân hơn 7.400 tỷ đồng cho các dự án giao thông trong tháng 9
10. Xử lý cán bộ gây khó dự án đầu tư công ở Bình Dương
11. Hậu Giang nói về việc kỷ luật cách chức Phó chánh Thanh tra tỉnh
12. Khởi tố nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự
13. Bắt giam nữ chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự TP Yên Bái
14. Trung Quốc khẳng định không cấm quan chức dùng iPhone
15. Trung Quốc phạt hành chính dạy thêm trái phép
Từ 15/9, Cảnh sát giao thông trực hệ thống camera giám sát 24/24h
Đây là một trong những quy định tại Thông tư 32/2023/TT-BCA về việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.
Tại Thông tư 32/2023/TT-BCAquy định phân công, phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung; trang phục; trang bị, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; đồng thời bố trí Cảnh sát giao thông trực Hệ thống camera giám sát, phát hiện vi phạm hành chính thông qua Hệ thống giám sát 24/24 từ ngày 15/9/2023.
Cụ thể, theo Điều 9 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về kiểm soát thông qua Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ như sau:
Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được trang bị, lắp đặt, quản lý, vận hành, sử dụng theo quy định tại Nghị định 135/2021/NĐ-CP và quy định của Bộ Công an về tiêu chuẩn, quy chuẩn, việc quản lý, vận hành, sử dụng, bảo vệ Hệ thống giám sát.
Đơn vị Cảnh sát giao thông được giao quản lý Hệ thống giám sát phải bố trí cán bộ trực tại Trung tâm điều hành 24/24 giờ để vận hành hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên tuyến, phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Việc phát hiện, xử lý vi phạm thông qua Hệ thống giám sát được thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 28 Thông tư 32/2023/TT-BCA.
Bên cạnh đó, tại Điều 19 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về phát hiện vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như sau: Cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cán bộ Cảnh sát giao thông.
Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; được thống kê, lập danh sách, in thành bản ảnh hoặc bản ghi thu về hành vi vi phạm và lưu giữ trong hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an về công tác hồ sơ.
Thông tư 32/2023/TT-BCA này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2023. (Baophapluat.vn 14/9, Bích Hằng)Về đầu trang
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: Việt Nam có vị trí cầu nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa tham dự Hội nghị cấp cao Vành đai và con đường (BRI) lần thứ 8, diễn ra trong 2 ngày 13-14/9, tại Hong Kong (Trung Quốc). Với chủ đề kỷ niệm 10 năm Sáng kiến, hội nghị có gần 6.000 quan chức chính phủ cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp đến từ 70 quốc gia, khu vực.
Tại hội nghị, Bộ trưởng nói, Việt Nam có vị trí cầu nối giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Vì vậy, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc trong khuôn khổ BRI có ý nghĩa thúc đẩy hợp tác, kết nối khu vực. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc đang thúc đẩy kết thúc đàm phán Kế hoạch kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai với Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh quan hệ Việt - Trung ngày càng được cải thiện, hợp tác kết nối kinh tế giữa hai bên diễn ra mạnh mẽ. Về đầu tư, tính đến tháng 8, các nhà đầu tư Trung Quốc có gần 4.000 dự án tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký 26 tỷ USD. Riêng 8 tháng qua, Trung Quốc đăng ký số vốn mới lên đến 2,7 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn thứ hai. Về thương mại, Trung Quốc luôn là đối tác lớn nhất, thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Khuôn khổ Hợp tác Vành đai và con đường, theo Bộ trưởng đánh giá, đang được triển khai trong bối cảnh mới. Trong đó, đáng chú ý đến các xu hướng như cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, xanh; tái sắp xếp chuỗi cung cứng toàn cầu, tạo cơ hội gia tăng hợp tác giữa Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á; kết nối thể chế, hạ tầng.
Để sáng kiến tiếp tục là chất xúc tác cho hợp tác, phát triển khu vực, Bộ trưởng đề xuất các bên cần tăng kết nối chính sách, các kinh nghiệm phát triển kinh tế số, xanh, mô hình mới. Các nước cũng cần đẩy nhanh việc kết nối mạng lưới giao thông, đặc biệt là đường sắt; tạo thuận lợi cho thương mại, mở cửa hàng hóa, nông sản.
Ông cũng cho rằng các bên cần thúc đẩy trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận chính sách, Bộ trưởng đã cập nhật về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam. Ông cho biết Việt Nam đang hội tụ đủ các yếu tố về chính trị ổn định, thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, đáng để các nhà đầu tư quan tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có các cuộc hội kiến với Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lý Gia Siêu; gặp Bộ trưởng Kinh tế UAE, làm việc với một số lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế như Sunwah, Swire Pacific, Jardine Matheson.
Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng ra đời từ năm 2013 với mục tiêu thúc đẩy hợp tác, kết nối khu vực trên 5 lĩnh vực gồm: chính sách, giao thông, tài chính, thương mại và kết nối con người. Qua 10 năm, BRI đã thu hút sự tham gia, hợp tác của hơn 100 nền kinh tế và các tổ chức quốc tế; hơn 3.000 dự án đã được triển khai trên toàn cầu với tổng số vốn gần 1.000 tỷ USD. (Vnexpress.net 14/9, Đức Minh)Về đầu trang
Giá nhà đắt đỏ, mục tiêu “an cư” của người dân Hà Nội, TP.HCM đang khó hơn cả Seoul, Tokyo, Hong Kong, Thượng Hải
Báo cáo Chỉ số về khả năng chi trả nhà ở tại Châu Á Thái Bình Dương năm 2023 của Viện Đất đai đô thị (ULI) cho thấy giá nhà tại TP.HCM, Hà Nội cao hơn lần lượt 32 lần và 18 lần thu nhập của người dân, cao hơn cả ao hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Seoul, Tokyo, Hong Kong, Thượng Hải.
Theo đó, Báo cáo của ULI cho thấy, tại TP.HCM có giá nhà ở mức độ trung bình trong khu vực. Tuy nhiên, giá nhà tại thành phố này lại chênh lệch khá lớn so với thu nhập của người dân. Trong đó, giá nhà trung bình tại TTP.HCM là 296.000 USD (hơn 7 tỷ đồng). Trong khi đó, thu nhập trung bình của một hộ gia đình tại TP.HCM ở mức 9.120 USD/năm (khoảng 220 triệu đồng).
Viện Đất đai đô thị nhận định, chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại TP.HCM đang ở mức 32,5 lần. Đây là con số cao thứ 2 trong khu vực chỉ sau Thâm Quyến (35 lần). Mức chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại TP.HCM thậm chí cao hơn Bắc Kinh (29,3 lần), Thượng Hải (24,1 lần) và Hong Kong (26,5 lần).
Trong khi đó, cũng theo ULI, giá thuê trung bình của một căn hộ tại TP.HCM là 592 USD/tháng (hơn 14 triệu đồng). Thị trường này chủ yếu phù hợp với nhóm lao động trẻ có thu nhập cao hoặc nhóm người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Trước thực trạng giá nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM tăng cao và không có dấu hiệu giảm dù bối cảnh chung của thị trường bất động sản đang cho thấy có những dấu hiệu trầm lắng, các chuyên gia nhận định người dân sẽ có tâm lý chờ đợi giảm giá dẫn đến nhu cầu mua nhà có thể giảm. (Markettimes.vn 13/9)Về đầu trang
Đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để gỡ khó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Chủ trì hội nghị làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc sáng 14/9 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta phải lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Phát biểu khai mạc hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung và DNNN nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua bao khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực vươn lên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
8 tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng có xu hướng quý sau tốt hơn quý trước. Thu ngân sách Nhà nước đạt 69,4% dự toán…
Tình hình sản xuất, kinh doanh 8 tháng đầu năm 2023 có nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 tăng lên 50,5 điểm vượt qua ngưỡng 50 điểm sau 6 tháng liên tiếp ở dưới mức 50 điểm. Điều này thể hiện sản xuất phục hồi và mở rộng, đơn đặt hàng mới tăng trở lại.
Dù vậy, theo người đứng đầu Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, sức ép lạm phát, tăng trưởng gặp khó khăn, nhất là trong công nghiệp khi thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp. Giải ngân vốn đầu tư công và việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm…
Dẫn báo cáo của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng cho biết, cả nước có gần 680 DNNN nhưng nắm một lượng tài sản rất lớn hơn 3,8 triệu tỷ đồng.
Do đó, Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá tình hình, những thành tựu, đóng góp của DNNN, những tồn tại, hạn chế. Phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực DN này.
Những tồn tại hạn chế trong chính DN, những khó khăn nào xuất phát từ thể chế chính sách, những khó khăn nào xuất phát từ khâu triển khai thực hiện để đề xuất rõ cấp nào, bộ nào cần xử lý các vướng mắc đó. Từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tại các DNNN.
"Chúng ta phải lắng nghe tiếng nói DN, đặt mình vào vị trí DN để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi người chung tay,góp sức, nỗ lực trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để góp gió thành bão, vượt qua khó khăn", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh. (Doanhnghiepvn.vn 14/9)Về đầu trang
Nghịch lý quản lý thuế
Trong những năm gần đây, Cục Thuế TPHCM gặp nhiều khó khăn trong xử lý nợ thuế, truy thu thuế, khá chậm chạp trong hoàn thuế cho cá nhân, doanh nghiệp (DN) với con số tồn đọng cho đến nay đã lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Đây là số liệu được báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM khi giám sát tại các Cục thuế TPHCM và Cục Hải quan thành phố, giai đoạn từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2023.
Theo đại diện Cục thuế TPHCM, trong thời gian kể trên đã tiếp nhận 7.781 hồ sơ hoàn thuế, tương ứng với số tiền thuế là 54.261 tỷ đồng. Dù vậy, mới có 4.916 quyết định hoàn thuế đã được ban hành; còn lại gần 24.000 tỷ đồng chưa được hoàn thuế cho doanh nghiệp. Liên quan đến tình hình thực hiện Luật Quản lý thuế của thành phố từ năm 2020 cho đến nay, đại diện Cục Thuế thành phố cũng cho biết ngành thuế đã phát hiện nhiều DN lợi dụng chính sách hoàn thuế còn sơ hở, để thành lập DN, chuỗi DN để mua bán hóa đơn lòng vòng, rồi đề nghị hoàn thuế để trục lợi.
Từ thực trạng kể trên, Cục Thuế TPHCM đã gửi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính xin được bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế, đảm bảo cơ quan thuế được quyền điều tra, xác minh khi có dấu hiệu rủi ro trong quản lý thuế nói chung và hoàn thuế nói riêng. Ngoài ra, ngành thuế của thành phố cũng xin bổ sung quy định về thanh tra trước, hoàn thuế sau đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế có tính phức tạp, rủi ro rất cao, số tiền lớn, thời gian phát sinh số tiền đề nghị hoàn thuế dài…
Thời gian qua, Cục Thuế TPHCM thực hiện thường xuyên hình thức công khai thông tin của hàng ngàn đơn vị DN nợ thuế với tổng số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Chỉ tính riêng thời điểm khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản vừa qua, trong danh sách 100 DN nợ thuế được Cục Thuế TPHCM nêu tên, tổng số tiền nợ đã lên tới gần 7.900 tỷ đồng.
Việc công khai danh sách DN nợ thuế đã được TPHCM thực hiện căn cứ theo Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và Điều 47 Nghị định số 83/2013 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý thuế. Không chỉ riêng Cục thuế TPHCM, Cục Hải quan TPHCM cũng có sự phối hợp chặt chẽ liên quan đến các DN nợ thuế khó đòi. Trong đó, ngành hải quan đã phải thực hiện biện pháp cưỡng chế nhiều trường hợp nhưng hiệu quả thu hồi gặp nhiều khó khăn. Các bất cập và khó khăn trong quản lý thuế thực hiện theo Luật Quản lý thuế từ tháng 7/2020 của ngành thuế TPHCM đã được đề cập tại nhiều diễn đàn. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, còn những bất cập từ phía cơ quan thuế chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn trong thực hiện hồ sơ của cá nhân, DN.
Về vấn đề này, chính đại diện Cục Thuế TPHCM cũng nhìn nhận rằng, quá trình hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế thời gian qua cũng không rõ ràng, văn bản chỉ đạo thường xuyên thay đổi, dẫn tới tâm lý lo ngại cho nhiều cán bộ, công chức trong ngành. Một số ĐBQH cũng đã không ít lần lên tiếng, đề nghị cần quy định rõ ràng trách nhiệm của DN, của cơ quan thuế. Đồng thời, cần cụ thể hóa quy trình thực hiện hoàn thuế để bảo vệ, ổn định tâm lý cho người thi hành công vụ, đồng thời đảm bảo quyền lợi của cá nhân, tổ chức, DN. (Daidoanket.vn 14/9, Lê Anh)Về đầu trang
Cháy chung cư mini tại Hà Nội: Chính quyền địa phương có ngoài cuộc?
Vụ cháy chung cư mini cao 9 tầng, tại số 37, ngách 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Dư luận đang đặt ra câu hỏi, trong quá trình hoạt động tại sao những sai phạm xây dựng đối với chung cư mini này vẫn tồn tại, không được xử lý quyết liệt để xẩy ra hậu quả nghiêm trọng như hôm nay?
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, thiệt hại nghiêm trọng của vụ cháy tại chung cư mini cao 9 tầng, số 37, ngách 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) một phần trách nhiệm do chính quyền địa phương.
Theo luật sư Quách Thành Lực, công trình xây khi hoàn thành sẽ có thủ tục hoàn công kiểm tra công trình xây dựng thực tế có phù hợp giấy phép và các hạng mục liên quan như phòng cháy chữa cháy, xử lý rác thải,… Do đó, nếu cơ quan quản lý giám sát, kiểm tra, xử lý đúng quy trình, quy định thì hậu quả của vụ cháy chung cư mini Khương Hạ liệu có nghiêm trọng như vậy?
Trong giấy phép xây dựng số 89-2015/GPXD ngày 11/3/1015 của UBND quận Thanh Xuân do Phó chủ tịch Đặng Hồng Thái ký giấy phép xây dựng 6 tầng. Liệu việc cấp phép này có đảm bảo tuân theo Tiêu chuẩn Việt Nam về nhà ở liền kề 9411/2012, có quy định: “Trong những ngõ (hẻm) mang chiều rộng nhỏ hơn 6m, nhà ở liền kề không được xây cao quá 4 tầng”?
"Ông Đặng Hồng Thái nguyên Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân xác nhận với báo chí rằng, chung cư xây sai phép (xây 9 tầng), đã ký quyết định cưỡng chế và giao cho phường thực hiện cưỡng chế. Rõ ràng, phường không cưỡng chế, nhưng UBND quận không kiểm tra, giám sát, đương nhiên ông không được miễn trừ trách nhiệm", Luật sư Lực nhấn mạnh.
Về trách nhiệm của UBND phường Khương Đình đã không thực hiện quyết định cưỡng chế do UBND quận giao, gây thiệt hại nghiêm trọng. Đây là không thực hiện nhiệm vụ được giao hay là buông lỏng quản lý, bao che, lấp liếm cho sai phạm?
Về công tác phòng cháy chữa cháy, trách nhiệm thuộc về đồng chí cán bộ được phân công phụ trách địa bàn về phòng cháy chữa cháy. Cán bộ này không quản lý, giám sát chặt chẽ. Phát hiện, xử lý những thiếu sót, sai phạm đối với hệ thống phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm của toà chung cư mini.
Cũng theo luật sư Quách Thành Lực, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý trong việc đảm bảo an toàn Phòng cháy chữa cháy (PCCC) để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy cơ sở kinh doanh này không đảm bảo an toàn về PCCC dẫn đến vụ cháy xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về PCCC. Theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi vi phạm quy định về PCCC gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự, chế tài cao nhất của tội danh này có thể tới 12 năm tù nếu hậu quả làm chết 3 người trở lên hoặc thiệt hại tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên. (Daidoanket.vn 14/9, Quốc Thanh)Về đầu trang
Đề xuất giảm thời gian đào tạo lái xe
Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ GTVT dự thảo sửa đổi Thông tư 12/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, trong đó đề xuất giảm thời gian đào tạo lái xe.
Quy định hiện hành yêu cầu học viên phải học lý thuyết với thời gian từ 44 - 168 giờ, học thực hành từ 50 - 752 giờ, tùy vào từng hạng bằng lái xe ô tô.
Suốt thời gian học lý thuyết, học viên phải trải qua các môn học: Pháp luật giao thông đường bộ, Cấu tạo và sửa chữa thông thường, Đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông, Kỹ thuật lái xe, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông…
Với quy định trên, Cục Đường bộ cho rằng phần học lý thuyết có những nội dung trùng lặp, không phù hợp. Chẳng hạn, môn Cấu tạo và sửa chữa, trong thời đại hiện nay, các hoạt động dịch vụ ngày càng chuyên môn hóa cao, mục đích học lái xe là để thành thục kỹ năng điều khiển phương tiện, không cần thiết phải nghiên cứu sâu về cấu tạo xe.
Đặc biệt, Cục Đường bộ thừa nhận hình thức bắt buộc học trên lớp, điểm danh bằng vân tay, thẻ từ, nhận diện khuôn mặt… không phù hợp với thời đại của khoa học công nghệ và người học.
Trong khi đó, số giờ học thực hành hiện nay gấp đôi so với quy định số giờ học thực hành lái xe của Bộ Quốc phòng, khác xa so với quy định về đào tạo lái xe tại các nước phát triển cũng như các nước trong khu vực.
Để hoạt động đào tạo lái xe tại Việt Nam phù hợp với việc chuyển đổi số và tạo thuận lợi cho học viên, tại khoản 20 Điều 5, dự thảo sửa đổi Thông tư 12/2017, quy định thời gian đào tạo đối với các khoá học tối đa 3 tháng.
Đồng thời, dự thảo cũng không quy định số học viên trên 1 xe tập lái, giao quyền chủ động cho cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng khóa, đáp ứng khối lượng chương trình đào tạo cho 1 học viên như sau: Hạng B1 số tự động là 192 giờ (giảm 12 giờ học lý thuyết); hạng B1 là 212 giờ (giảm 8 giờ học lý thuyết); hạng B2 là 226 giờ (giảm 26 giờ học lý thuyết); hạng C là 236 giờ (giảm 26 giờ học lý thuyết)…
Đặc biệt, Cục Đường bộ đề xuất, đối với thực hành lái xe trên đường cần đảm bảo 100% số km và tối thiểu 50% thời gian (quy định hiện nay bắt buộc chạy 810km đường trường trong vòng 40 giờ). (Vietnamnet.vn 14/9, N.Huyền)Về đầu trang
Sẽ tham vấn công chúng sửa quy định rút bảo hiểm xã hội một lần
Bộ LĐ-TB&XH vừa gửi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan về dự thảo báo cáo Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Trước đó, ngày 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự thảo luật này.
Liên quan tới đề xuất sửa đổi quy định chế độ BHXH một lần, dự luật đưa ra 2 phương án xin ý kiến. Cho ý kiến vào sửa đổi nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo luật đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng và bao quát các nội dung đề xuất sửa đổi.
Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, đặc biệt với quy định BHXH một lần; tham vấn công chúng, đối tượng chịu tác động trực tiếp rộng rãi hơn về các phương án sửa đổi, bổ sung về chế độ BHXH một lần theo dự thảo luật. Chính phủ tiếp tục rà soát, cân nhắc thêm các phương án khác quy định về BHXH một lần, trên cơ sở đánh giá toàn diện thực tiến, tâm lý người lao động, dư luận xã hội để đưa ra phương án đảm bảo quyền lợi lâu dài của người lao động, hài hòa nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH…
Tiếp thu ý kiến của các thành viên Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng và bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng BHXH một lần. Bên cạnh đó, cũng tiến hành tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án sửa đổi, bổ sung quy định về BHXH một lần theo dự thảo luật.
Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hồi tháng 8, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án về sửa quy định BHXH một lần với nhóm lao động sau 12 tháng nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH, cụ thể:
Phương án 1: Người lao động tham gia BHXH trước khi luật sửa đổi có hiệu lực khi nghỉ việc 12 tháng được rút BHXH một lần; người bắt đầu tham gia BHXH khi luật có hiệu lực (dự kiến năm 2025) không được nhận BHXH một lần (trừ ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo, không đủ năm đóng để nhận lương hưu).
Phương án 2: Người lao động sau 12 tháng nghỉ việc và không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ 20 năm đóng, người lao động được hưởng BHXH một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ về sau. (Tiền phong 14/9, Lê Hữu Việt)Về đầu trang
Sẽ giải ngân hơn 7.400 tỷ đồng cho các dự án giao thông trong tháng 9
Theo kế hoạch của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đăng ký, tháng 9/2023, khối lượng giải ngân ở các dự án giao thông khoảng 7.439 tỷ đồng. Thông tin trên vừa được Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) đưa ra.
Trong đó, có 4 ban quản lý dự án đăng ký kế hoạch giải ngân lớn, gồm: Ban Quản lý dự án 85 đăng ký hơn 1.400 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đăng ký xấp xỉ 1.400 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án 7 đăng ký hơn 1.370 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đăng ký 887 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, tính đến hết tháng 8/2023, các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng hơn 49.700 tỷ đồng, đạt khoảng 52% kế hoạch năm. Tiến độ giải ngân tính đến hết tháng 8 đạt 95% so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký. So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao gấp hơn 2 lần về giá trị.
Về các dự án trọng điểm có tính quyết định đến kết quả giải ngân, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã giải ngân được gần 26.800 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch vốn được giao.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết một số dự án có kết quả giải ngân chưa đạt kế hoạch đăng ký như: dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi đạt 84%; đoạn Chí Thạnh - Vân Phong của Ban Quản lý dự án 7 đạt 83%; đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn của Ban Quản lý dự án 2 đạt 84%, đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh của Ban Quản lý dự án 85 đạt 85%. Một số nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân của các dự án được nhận định là do giải phóng mặt bằng chưa được như kỳ vọng.
Theo báo cáo đến nay, các địa phương đã bàn giao được hơn 90% mặt bằng cho dự án. Song, năm 2023 mới giải ngân hơn 7.000 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch. Bên cạnh đó, các yếu tố: thời tiết không thuận lợi, tiến độ bàn giao mỏ vật liệu cho nhà thầu thi công của các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu cũng là lý do ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của dự án… (VTV.vn 14/9)Về đầu trang
Xử lý cán bộ gây khó dự án đầu tư công ở Bình Dương
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - vừa ký văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương về việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các sở ngành, địa phương đẩy mạnh việc phân bổ và giải ngân các nguồn vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng, các dự án có tác động lan tỏa. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời thay thế cán bộ, năng lực yếu kém gây trì trệ, nhũng nhiễu trong công tác quản lý đầu tư công.
Chủ tịch Bình Dương cũng chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, đề xuất cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc, tiêu cực cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh Bình Dương sẽ xử lý những cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, không dám thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền và giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. (Tiền phong 14/9, Hương Chi)Về đầu trang
Hậu Giang nói về việc kỷ luật cách chức Phó chánh Thanh tra tỉnh
Ngày 14/9, UBND tỉnh Hậu Giang phát đi thông cáo báo chí của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về xử lý kỷ luật đối với ông Tăng Minh Thêm – Phó chánh Thanh tra tỉnh.
Trong thông báo, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nêu, trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có quyết định thi hành kỷ luật cách chức Phó Bí thư Chi bộ Thanh tra tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, đối với ông Tăng Minh Thêm, đồng thời, có văn bản giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh xem xét xử lý theo quy định.
Ngày 8/9, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức họp xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Tăng Minh Thêm.
Qua thảo luận, thành viên dự họp nhận thấy: Ông Tăng Minh Thêm - Phó chánh Thanh tra tỉnh, không gương mẫu, không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định của T.Ư, của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương trong việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống.
“Vi phạm của ông Tăng Minh Thêm là rất nghiêm trọng đến mức phải thi hành kỷ luật. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1546 ngày 8/9/2023 về việc thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó chánh Thanh tra tỉnh Hậu Giang đối với ông Tăng Minh Thêm”, văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Hậu Giang, ông Tăng Minh Thêm với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ, Phó chánh Thanh tra tỉnh, chưa tạo được sự đoàn kết nội bộ, để phát sinh đơn tố cáo dư luận các đoàn thanh tra do ông phụ trách; công tác phối hợp trong tập thể lãnh đạo cơ quan từng lúc, từng nơi chưa tốt; trong trao đổi, góp ý với đồng chí, đồng nghiệp còn nóng tính; thực hiện nhiệm vụ được giao làm trưởng đoàn của 8 đoàn thanh tra tiến độ thực hiện còn chậm.
Bên cạnh đó, ông Thêm chưa gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của T.Ư, Tỉnh ủy về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống và những điều đảng viên không được làm; mặc dù đã có vợ, có con nhưng nhiều lần đi vào nhà nghỉ với người đã có chồng, có con và bị quay video clip phát tán trên mạng xã hội (facebook) dẫn đến đơn tố cáo, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên; báo cáo không trung thực, quanh co nhằm che giấu khuyết điểm vi phạm của mình. Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực trong kỳ kê khai tài sản, thu nhập năm 2022. (Tienphong.vn 14/9, Cảnh Kỳ)Về đầu trang
Khởi tố nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự
Sáng 14/9, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Phạm Đình Cự (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Kết quả điều tra xác định, năm 2012, ông Đỗ Duy Vinh (nguyên giám đốc Sở Tài chính tỉnh Phú Yên) đã tham mưu và ông Phạm Đình Cự đồng ý ký thông báo số 13/TB-UBND cho phép Công ty Cổ phần PYMEPHARCO chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 76, tờ bản đồ số 8, thuộc ô phố A2, đường Hùng Vương (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) thuộc trường hợp phải thu hồi đất là trái quy định pháp luật. Hành vi đó của ông Vinh và ông Cự đã gây thất thoát tài sản nhà nước số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV, thửa đất nêu trên có diện tích 1.183m2, vốn thuộc quy hoạch đất y tế. Ngày 25/5/2007, UBND tỉnh Phú Yên có quyết định phê duyệt, giao khu đất nêu trên cho Công ty Cổ phần PYMEPHARCO (lúc này đã cổ phần hóa, Nhà nước giữ 51% vốn điều lệ) trong 70 năm, mức thu tiền sử dụng đất hơn 3,57 tỉ đồng.
Sau 5 năm được giao đất, Công ty Cổ phần PYMEPHARCO không xây dựng các hạng mục công trình chính nên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên có văn bản kiến nghị UBND tỉnh này chấm dứt hiệu lực dự án để có cơ sở thu hồi đất theo quy định. Nhưng UBND tỉnh Phú Yên không chỉ đạo thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh không kiểm tra, thanh tra việc sử dụng đất của nhà đầu tư để kiến nghị UBND thu hồi đất dự án theo quy định của Luật Đất đai 2003.
Đến ngày 30/11/2012, ông Đỗ Duy Vinh ký văn bản tham mưu để ông Phạm Đình Cự ký Thông báo số 13 của UBND tỉnh Phú Yên thống nhất cho phép Công ty Cổ phần PYMEPHARCO chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh và giá trị tài sản trên đất lô A2 đường Hùng Vương cho một chi nhánh ngân hàng, với thời hạn giao đất là 50 năm. Ngày 2/7/2013, Công ty Cổ phần PYMEPHARCO ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng toàn bộ thửa đất trên cho chi nhánh ngân hàng với giá 16 tỷ đồng.
Trước đó, chiều 13/9, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên cũng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành khám xét chỗ ở, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Đỗ Duy Vinh (nguyên Giám đốc Sở Tài chính Phú Yên) cùng với tội danh nêu trên. (Tienphong.vn 14/9, Lữ Hồ)Về đầu trang
Bắt giam nữ chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự TP Yên Bái
Ngày 14/9, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thi hành lệnh bắt bị can, tạm giam 4 tháng đối với bà Trần Thị Hoa (SN 1975, Chấp hành viên thuộc Chi cục Thi hành án Dân sự TP Yên Bái) để điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, ngày 4/5, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhận được đơn tố cáo của ông Triệu Quốc Việt (Giám đốc Công ty TNHH Trường Minh) tố cáo bà Trần Thị Hoa “cố tình thực hiện thi hành án sai bản án, vi phạm pháp luật nghiêm trọng” và có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Năm 2020, Công ty TNHH Trường Minh (có Nhà máy Sản xuất viên nén gỗ tại Khu Công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái) phải thanh toán cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam khoản nợ theo các hợp đồng thế chấp, tổng số tiền trên 96 tỷ đồng; trong đó nợ gốc trên 85 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn trên 9,8 tỷ đồng, lãi quá hạn gần 1,3 tỷ đồng.
Lộ trình thực hiện thanh toán chia thành 8 đợt, bắt đầu từ ngày 25/8/2020 và kết thúc vào ngày 25/4/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài và gặp rủi ro trong kinh doanh trong năm 2021, việc thanh toán nợ gốc lẫn lãi cho ngân hàng bị gián đoạn. Công ty này đi đến quyết định cuối cùng “xử lý tài sản bảo đảm của khoản vay” do Chi cục Thi hành án Dân sự TP Yên Bái thực hiện.
Trong quá trình thi hành quyết định, Chấp hành viên Trần Thị Hoa đã thiếu trách nhiệm trong việc kê biên, thẩm định, bán đấu giá tài sản và cưỡng chế giao tài sản không đúng, gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản cho các bên đương sự.
Sau hơn 4 tháng điều tra, ngày 11/9/2023, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can Trần Thị Hoa. (Tienphong.vn 14/9, Nhóm PV)Về đầu trang
Trung Quốc khẳng định không cấm quan chức dùng iPhone
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định không cấm quan chức sử dụng iPhone, nhưng cũng đang theo dõi các báo cáo về vấn đề an ninh của thiết bị này.
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin đầu tiên về việc Trung Quốc cấm các quan chức tại một số cơ quan chính phủ sử dụng iPhone. Sau đó, Hãng tin Bloomberg (Mỹ) đưa tin rằng Bắc Kinh có kế hoạch mở rộng lệnh cấm đối với các công ty nhà nước.
Tại cuộc họp báo ngày 13-9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đang "ghi nhận nhiều báo cáo gần đây vạch trần các sự cố an ninh liên quan đến điện thoại của Apple".
Tuy nhiên, "Trung Quốc chưa ban hành bất kỳ luật, quy định hay văn bản chính sách nào cấm mua và sử dụng điện thoại thông minh do các thương hiệu nước ngoài như Apple sản xuất", theo lời người phát ngôn Mao Ninh.
"Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng thông tin và an ninh mạng, đồng thời đối xử bình đẳng với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài", bà Mao Ninh nói thêm. "Chúng tôi luôn có thái độ cởi mở đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và hoan nghênh họ nắm bắt các cơ hội phát triển của Trung Quốc và chia sẻ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc".
Giá cổ phiếu của Apple đã giảm mạnh trong tuần trước sau khi có thông tin Bắc Kinh cấm quan chức sử dụng iPhone. Trên thực tế, các sản phẩm của Apple rất phổ biến tại Trung Quốc. Trong ngày 12-9, sự kiện ra mắt iPhone 15 đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội nước này.
Trong những năm gần đây, quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng trên nhiều vấn đề, nổi bật là công nghệ. Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tập đoàn Huawei của Trung Quốc, vì nghi ngờ công ty này là "cánh tay nối dài" của Bắc Kinh. Huawei đã nhiều lần phủ nhận mối lo này.
Mỹ cũng gây áp lực buộc các đồng minh cấm dùng công nghệ 5G của Huawei, với lý do Bắc Kinh có thể sử dụng thiết bị của công ty để theo dõi dữ liệu. (Tuổi trẻ 14/9, Minh Khôi)Về đầu trang
Trung Quốc phạt hành chính dạy thêm trái phép
Bộ Giáo dục Trung Quốc mới đây đã ban hành chính sách xử phạt hành chính hoạt động dạy thêm bất hợp pháp. Hình phạt này được đưa ra sau 2 năm Trung Quốc thực hiện chính sách “giảm kép” nhằm giải quyết vấn đề áp lực học tập của trẻ em, thanh thiếu niên.
Theo đó, tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm, các cá nhân, tổ chức dạy thêm trái phép sẽ bị phạt tiền, tước chứng chỉ sư phạm, thu hồi giấy phép hoạt động, đình chỉ công tác... Mức phạt tối đa là 100 nghìn nhân dân tệ.
Ngoài ra, các trung tâm dạy thêm tổ chức các cuộc thi trái phép đối với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học, THCS cũng bị phạt hành chính.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phối hợp, thiết lập hệ thống giám sát thực thi pháp luật để tăng cường giám sát hành vi và vi phạm trong quá trình sử dụng. Các biện pháp xử phạt sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10.
Theo các chuyên gia giáo dục, các hình thức xử phạt mới nhất nhằm nâng cao chất lượng triển khai chính sách “giảm kép”, thể hiện thái độ quyết liệt của ngành Giáo dục nước này.
Nhiều người trẻ Trung Quốc hiện nay không muốn kết hôn hoặc sinh con. Chi phí giáo dục cao và áp lực học hành thi cử là những yếu tố chính dẫn đến xu hướng này. Nếu tình trạng trên tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, Trung Quốc sẽ là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. (Giaoducthoidai.vn 14/9, Phạm Khánh)Về đầu trang./.
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 14/9/2023 (14/09/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 13/9/2023 (13/09/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 12/9/2023 (13/09/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 11/9/2023 (11/09/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 08/9/2023 (08/09/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 07/9/2023 (07/09/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 06/9/2023 (06/09/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 05/9/2023 (05/09/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 31/8/2023 (31/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 30/8/2023 (30/08/2023)