Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 14/9/2023

10:1, Thứ Năm, 14-9-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIN QUỐC HỘI

1.        Số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng hơn 300%

2.        Thứ trưởng Bộ Công an: Số người chết và bị thương trong vụ cháy chung cư mini rất lớn

3.        Nhiều bất cập làm chậm tiến độ giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia

QUYẾT SÁCH MỚI

4.        Thủ tướng chỉ đạo “khẩn” rà soát chung cư mini, nhà trọ cho thuê có mật độ người ở cao tại các thành phố lớn 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

5.        Việt Nam tiếp tục dẫn đầu trong thu hút FDI chất lượng

6.        "Thời kỳ vàng son của nhân công giá rẻ không còn", Việt Nam phải làm gì để đạt mục tiêu xuất khẩu 1.000 tỷ USD vào năm 2025?

QUẢN LÝ

7.        Ban hành 119 kiến nghị xử lý trách nhiệm thi hành án hành chính

8.        Hà Nội: Sắp xếp đơn vị hành chính phải có chế độ hợp lý cho cán bộ, công chức

9.        TPHCM chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

10.     Bộ Tài chính đã bãi bỏ 33 thủ tục hành chính không cần thiết

11.     Hà Nội đẩy mạnh phát triển chính quyền số để phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

12.     Đắk Nông áp chế tài với cá nhân, tổ chức làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công

13.     Bình Dương chuyển 2.421 tỷ đồng từ dự án giải ngân thấp sang dự án giải ngân cao

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

14.     Lý do ông Chu Ngọc Anh và cấp dưới không bị cáo buộc nhận hối lộ vụ Việt Á

15.     Nghệ An: Cách chức Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp vì ham mê đánh bạc

THẾ GIỚI

16.     Thủ tướng Malaysia chi hàng tỉ USD để giảm nghèo

 

TIN QUỐC HỘI

Số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng hơn 300%

Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, năm 2023, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp, bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân và đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm.

Lực lượng công an đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, xử lý nhanh chóng những điểm nóng; kịp thời truy bắt các đối tượng khủng bố, chống chính quyền nhân dân; xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; tổng số vụ án được phát hiện tăng so với cùng kỳ.

Theo cơ quan thẩm tra, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra. Một số loại tội phạm tăng mạnh, như: giết người; cướp tài sản; cướp giật; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay lãi nặng; gây rối trật tự công cộng...

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn một số bất cập, dẫn đến các đối tượng lợi dụng để phạm tội, như: đăng kiểm phương tiện giao thông, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác khoáng sản, cấp phiếu lý lịch tư pháp,...

Đặc biệt, Ủy ban Tư pháp nêu tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng hơn 71% về số vụ, tăng hơn 116% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng hơn 312%.

Điều này cho thấy, nhờ quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, công cuộc chống tham nhũng ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, kết quả trên cũng thể hiện công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế.

Trong các vụ việc trên, nhiều trường hợp liên quan đến người đứng đầu trong cơ quan quản lý nhà nước đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi.

Do đó, Uỷ ban Tư pháp cho rằng cần nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu, người có thẩm quyền, kiểm soát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm khách quan, minh bạch và đúng pháp luật. (VTV.vn 13/9)Về đầu trang

Thứ trưởng Bộ Công an: Số người chết và bị thương trong vụ cháy chung cư mini rất lớn

Ngày 13/9, trong phần giải trình tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề cháy nổ tiếp tục gia tăng trong thời gian qua, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến - Thứ trưởng Bộ Công an - đã thông tin về vụ cháy chung cư mini xảy ra phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

"Tối 12/9, vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ đã gây hậu quả rất nặng nề. Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Bộ Công an trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo Công an Hà Nội khẩn trương dập tắt đám cháy, cứu nạn cứu hộ. Tuy nhiên theo về thiệt hại, số lượng mà Công an Hà Nội đang thống kê rất nặng nề. Số lượng người bị chết và số bị thương rất lớn", Thứ trưởng Công an nói.

Thiếu tướng Lê Văn Tuyến cho biết, Bộ Công an đã có báo cáo nhanh với các lãnh đạo để nắm tình hình. Sáng 13/9, lãnh đạo Bộ Công an đã họp với TP Hà Nội, các sở, ngành để giải quyết vụ việc.

Trước đó, phát biểu ý kiến về công tác phòng cháy, chữa cháy, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho hay, tình hình cháy nổ trên phạm vi cả nước diễn biến rất phức tạp, 8 tháng  năm 2023 đã xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38%), làm 83 người chết (tăng 48%). "Qua theo dõi, có thời điểm xảy ra liên tiếp các vụ cháy dẫn đến 3-4 người cùng một gia đình chết do cháy, nổ", bà Thanh nói.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, Trưởng ban Công tác đại biểu nêu, cả nước còn hơn 38.000 cơ sở đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy.

Bà Nguyễn Thị Thanh nhìn nhận, các ngành đã ra rất nhiều văn bản, biện pháp mạnh chỉ đạo, nhưng số cơ sở đưa vào sử dụng còn vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy còn tương đối nhiều. Bà kiến nghị cần phải tiếp tục tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao số lượng cơ sở vi phạm còn nhiều như vậy.

"Cơ quan chức năng đã ban hành rất nhiều chủ trương, biện pháp về phòng chống cháy nổ nhưng kết quả chưa tương xứng với giải pháp, chủ trương của chúng ta đưa ra. Thậm chí có thời điểm xảy ra liên tiếp, tạo nên dư luận chúng ta càng chỉ đạo, càng nêu nhiều thì cháy càng nhiều…", bà Thanh nói.

Tại báo cáo về công tác phòng cháy, chữa cháy, Chính phủ cho biết, Bộ Công an, Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phòng, cháy, chữa cháy, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cơ quan chức năng cũng tổ chức tổng rà soát toàn quốc các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, kiên quyết xử lý các vi phạm; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm định, nghiệm thu và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọngm cũng được đẩy mạnh bên cạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa bàn cơ sở.

Quyết liệt tạm đình chỉ, đình chỉ công trình, dự án đang triển khai, hoạt động có vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, nhất là các công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, báo cáo của Chính phủ nêu.

Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận, tình hình cháy, nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp. Trong kỳ báo cáo, cả nước xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38,16%), làm 83 người chết (tăng 48,21%), 74 người bị thương (tăng 5,71%), thiệt hại 637 tỷ đồng (giảm 30,37%); xảy ra 8 vụ nổ (giảm 60%), làm 5 người chết (giảm 58,3%), 21 người bị thương (tăng 50%), thiệt hại 50 tỷ đồng (giảm 99%). (VTV.vn 13/9)Về đầu trang

Nhiều bất cập làm chậm tiến độ giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Chiều 13-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, trong năm 2023, kết quả giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã có tiến bộ, nhất là nguồn vốn đầu tư.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước đến ngày 31-8-2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài của 3 chương trình đạt khoảng 58,47% kế hoạch vốn kéo dài (tính tổng vốn kế hoạch của năm 2022 đã giải ngân trong năm 2022 và trong 8 tháng năm 2023 đạt 79,82% kế hoạch năm 2022); kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đạt 41,9% kế hoạch.

Về giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, lũy kế đến hết tháng 6-2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 83%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 44,5%, cao nhất trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 5 tỉnh hoàn thành chương trình nông thôn mới).

Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu tòan quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đã bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề cấp bách về kinh tế, xã hội ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Các cơ quan bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, nhất là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý. Các văn bản chính ban hành chậm, chậm được sửa đổi, số lượng văn bản quá nhiều (khoảng hơn 400 văn bản của cả trung ương và địa phương). (Hanoimoi.com.vn 13/9, Tiến Thành)Về đầu trang

QUYẾT SÁCH MỚI

Thủ tướng chỉ đạo “khẩn” rà soát chung cư mini, nhà trọ cho thuê có mật độ người ở cao tại các thành phố lớn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 796/CĐ-TTg ngày 13/9/2023 sau vụ cháy nhà dân tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các văn bản: Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2020 – 2022, Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 9/8/2022 của Chính phủ, Chỉ thị số 1/CT-TTg ngày 3/1/2023 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới,...

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. (Markettimes.vn 13/9, Thanh Tâm)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Việt Nam tiếp tục dẫn đầu trong thu hút FDI chất lượng

Trong Báo cáo “ASEAN Perspectives - Dòng vốn FDI: Bền bỉ đối mặt với thách thức”, HSBC cho biết ASEAN thu hút mức cao kỷ lục gần 17% vốn FDI toàn cầu trong năm 2022, gần gấp đôi so với 4 năm trước. Thành tựu này phản ánh rõ ràng các nền tảng cơ bản vững chắc, nhân khẩu học thuận lợi và chuỗi cung ứng cạnh tranh của ASEAN.

HSBC lưu ý, điều quan trọng là không phải quốc gia nào cũng được hưởng lợi ở mức độ như nhau. Hơn 65% vốn FDI của khu vực đã đổ vào Singapore, tương đương trung bình tới 25% GDP của nước này. Điều này một phần là do vị thế chiến lược của Singapore là một trung tâm tài chính quan trọng.

Malaysia và Việt Nam cũng thu hút được dòng vốn FDI đáng kể. Ví dụ, FDI mới vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay đã cao hơn mỗi năm trong 3 năm gần đây. FDI của Indonesia vẫn chưa tăng đáng kể, nhưng tiến trình cải cách công nghiệp của nước này đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.

Theo báo cáo này, Singapore, Malaysia và Việt Nam là 3 quốc gia có thành tích vượt trội ở lĩnh vực công nghệ. Indonesia và Thái Lan là hai quốc gia được hưởng lợi chính ở lĩnh vực xe điện.

Đáng chú ý, với Việt Nam, trong khi phần lớn khoản đầu tư ban đầu đổ vào lĩnh vực dệt may và giày dép có giá trị gia tăng thấp, Việt Nam đã nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng.

HSBC nhận định, phần lớn thành công trong lĩnh vực công nghệ là nhờ lộ trình FDI kéo dài nhiều năm của Samsung tại Việt Nam, với khoản đầu tư 18 tỷ USD trong hai thập kỷ qua, một nửa sản lượng điện thoại thông minh của Samsung trên toàn cầu đến từ Việt Nam. Điều này cũng đã khuyến khích các gã khổng lồ công nghệ khác, đặc biệt là Apple, mở rộng hoạt động của họ.

Báo cáo cho rằng, bất chấp những thách thức thương mại diễn ra gay gắt, Việt Nam vẫn tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng. Đầu tư thành lập mới (GI-Greenfield Investment) tại Việt Nam đã tăng 40% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2023, trong đó riêng lĩnh vực sản xuất đã chiếm 85% tổng vốn FDI mới.

Đáng chú ý, vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất từ đầu năm tới nay đã vượt mức đầu tư mỗi năm trong 3 năm vừa qua một cách đáng ngạc nhiên. Bất chấp suy thoái thương mại, xu hướng này mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi.

Các chuyên gia HSBC cho biết, ASEAN đã chứng kiến một nhóm các nhà đầu tư rất đa dạng từ Mỹ, EU và châu Á trong các lĩnh vực khác nhau. Các nước Đông Bắc Á chiếm 1/3 dòng vốn FDI vào ASEAN từ lâu nhưng đầu tư nội khối ASEAN đã từ lâu trở thành nguồn cung cấp FDI hàng đầu.

"Trong khi tỷ trọng FDI vào ASEAN theo nguồn vẫn ổn định, chúng ta cần ghi nhận sự xuất hiện của Mỹ với tư cách là quốc gia đầu tư FDI chính vào ASEAN. Trong 3 năm qua, Mỹ với thị phần 17%, đã thay thế khu vực nội khối ASEAN - 14%, để trở thành quốc gia đầu tư FDI lớn nhất trong khu vực, mặc dù cách biệt với tỷ lệ không lớn", chuyên gia HSBC thông tin. (VTV.vn 13/9)Về đầu trang

"Thời kỳ vàng son của nhân công giá rẻ không còn", Việt Nam phải làm gì để đạt mục tiêu xuất khẩu 1.000 tỷ USD vào năm 2025?

Các kỹ sư đến từ những trung tâm nghiên cứu phát triển có thể trở thành chìa khóa giúp nâng cao năng lực cạnh tranh về giá bán và giá thành cho Việt Nam.

"Thời kỳ vàng son của lợi thế nhân công giá rẻ tại Việt Nam không còn. Chúng ta phải nghĩ về điều đó" , ông Nguyễn Đức Thuấn - nhà sáng lập TBS Group - Tập đoàn giày da, may mặc hàng đầu Việt Nam đặt vấn đề tại diễn đàn do Forbes Việt Nam tổ chức.

Theo ông Thuấn, hiện nay lương tối thiểu tại một số quốc gia xung quanh đạt khoảng 100 USD/tháng, Bangladesh thậm chí chỉ 75 USD/tháng. Trong khi đó, lương tháng tối thiểu tại Việt Nam khoảng 150 USD, có vùng đạt 200 USD/tháng. Tính tổng, chi phí tối thiểu cho người lao động Việt Nam hiện đã lên tới 400 USD/tháng.

Nhà sáng lập TBS Group nhận định, suy cho cùng, năng lực lõi để cạnh tranh nằm ở giá bán và giá thành .

"Bản chất của chuỗi cung ứng, ngoài các tiêu chuẩn chung chung thì gốc gác vấn đề là giá thành và tốc độ cung ứng. Giá thành và tốc độ cung ứng đến từ đâu? Bản chất là đến từ các trung tâm nghiên cứu phát triển.

Chúng ta nên thống kê xem Việt Nam có bao nhiêu người làm trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển trên 1 triệu dân, thuộc ngành nghề nào trong các ngành nghề lớn có thể xuất khẩu được và là thế mạnh cạnh tranh của đất nước. Tôi đọc tài liệu cách đây 3-4 năm, Nhật Bản đứng đầu, rồi đến Mỹ, Hàn Quốc, các nước châu Âu, gần đây nổi lên là Trung Quốc. Có khoảng 5.000-8.000 người/triệu dân làm trong các phòng nghiên cứu phát triển", ông Nguyễn Đức Thuấn phân tích.

Các doanh nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Để trụ vững thứ hạng và đảm bảo kim ngạch xuất khẩu khi đã không còn lợi thế về nhân công giá rẻ, Việt Nam cần nghĩ cách làm sao để nâng cao năng suất lao động nhờ các kỹ sư làm trong trung tâm nghiên cứu . Từ đó, doanh nghiệp có thể tạo nên phong trào tới các nhà trường. Bản thân TBS Group tài trợ từ thiết bị, vật liệu đến giáo trình cho trường Đại học để có thêm nhiều người nghiên cứu sâu về cách tối ưu giá thành trong ngành thời trang.

Trong khi đó, với ngành du lịch, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Thiên Minh Group cho biết cũng cần một đội ngũ nhân lực lớn.

Trước đại dịch Covid-19, năm 2019 thì ngành du lịch đóng góp 9,2% vào GDP, tương đương 35 tỷ USD. Năm 2023, ngành du lịch dự báo đóng góp 8% GDP, đến 2024 vượt ngưỡng 9,2%. Du lịch sẽ là một trong ba ngành kinh tế mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh bền vững, tầm nhìn trở thành Top 3 quốc gia có du lịch phát triển nhất thế giới.

Để làm được điều đó, ngoài việc cải thiện về sản phẩm du lịch, phát triển cụm điểm đến, thì cần phát triển nguồn nhân lực.

"Các ngành khác có thể nói dùng AI để tăng năng suất gấp 10 lần nhưng trong việc nấu cơm, nấu ăn, giao tiếp với khách du lịch thì phần lớn vẫn phải cần con người. Do đó, phải tiếp tục đào tạo được nguồn nhân lực. Đây không chỉ là vấn đề của Việt nam. Các nước châu Âu cũng đang thiếu hụt nhân lực trong ngành du lịch, khách sạn. Trong 3 năm tới, chúng ta cần một triệu người nữa tham gia vào ngành du lịch" , ông Trần Trọng Kiên nói. (Markettimes.vn 13/9)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Ban hành 119 kiến nghị xử lý trách nhiệm thi hành án hành chính

Phần lớn số vụ việc chưa thi hành xong có liên quan đến lĩnh vực đất đai, các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tuyên hủy xảy ra đã lâu, quá trình tổ chức thi hành phải thực hiện lại trình tự, thủ tục liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư… trong khi nhiều quy định, chính sách pháp luật về lĩnh vực này đã thay đổi.

Báo cáo về công tác thi hành án hành chính năm 2023 (kỳ báo cáo 1-10-2022 - 31-7-2023) của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 13-9, cho thấy, số bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa được thi hành xong vẫn còn nhiều. Còn nhiều vụ việc, người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định về việc cung cấp chứng cứ và bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước trước tòa án.

Theo báo cáo, tổng số bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực có nội dung phải thi hành là 1.213 bản án, quyết định. Trong đó, kỳ trước chuyển sang 563 bản án, phát sinh trong kỳ báo cáo là 650 bản án. Số này tăng 340 bản án so với cùng kỳ năm 2022. Số bản án, quyết định tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính là 521 bản án.

Kết quả, đã thi hành xong 423/1.213 bản án, quyết định (tăng 136 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2022); tạm đình chỉ thi hành 13 bản án; đang tiếp tục thi hành 777 bản án, quyết định.

"Trong số này chủ yếu là bản án, quyết định phát sinh trong năm 2022 và năm 2023", báo cáo nêu rõ. Ký báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nhằm khắc phục hạn chế theo kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự ban hành 119 kiến nghị xử lý trách nhiệm.

Dù vậy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án hành chính. Số bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa được thi hành xong vẫn còn nhiều. Còn nhiều vụ việc, người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định về việc cung cấp chứng cứ và bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước trước Tòa án.

Phần lớn số vụ việc chưa thi hành xong có liên quan đến lĩnh vực đất đai, các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tuyên hủy xảy ra đã lâu, quá trình tổ chức thi hành phải thực hiện lại trình tự, thủ tục liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư… trong khi nhiều quy định, chính sách pháp luật về lĩnh vực này đã thay đổi.

Một số địa phương, cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước - là bên phải thi hành án - chưa dành sự quan tâm đúng mức và đầy đủ cho công tác thi hành án hành chính trên địa bàn; người bị khởi kiện chưa thực hiện nghiêm quy định của Luật Tố tụng hành chính, chưa tham gia đối thoại, chưa tham gia phiên toà, chưa tích cực cung cấp đầy đủ chứng cứ để tòa án xét xử… (Sggp.org.vn 13/9, Anh Phương)Về đầu trang

Hà Nội: Sắp xếp đơn vị hành chính phải có chế độ hợp lý cho cán bộ, công chức

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Hướng dẫn số 116-HD/BTGTU ngày 12.9 về tuyên truyền thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Hướng dẫn nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động ở các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị về quan điểm chỉ đạo của Trung ương và chủ trương, giải pháp của thành phố trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Huy động sự vào cuộc đồng bộ, chủ động, tích cực, sáng tạo, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở tham gia công tác thông tin, tuyên truyền triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, chủ trương và các giải pháp của thành phố nhằm thực hiện hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025.

Về quan điểm chung, tuyên truyền thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tổ chức hợp lý các đơn vị hành chính, đúng với tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ, phù hợp với thực tiễn, khả năng quản lý của chính quyền cơ sở.

Tổ chức quán triệt, tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và kế hoạch của UBND thành phố nhằm thống nhất về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và chính quyền địa phương các cấp.

Đồng thời phải tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và dư luận xã hội trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ với cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả; có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy Đảng; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, không gây xáo trộn trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Việc sắp xếp phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục và hồ sơ theo quy định của pháp luật, gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Quá trình thực hiện việc sắp xếp phải đồng thời giải quyết chế độ, chính sách hợp lý cho cán bộ, công chức, người lao động và có lộ trình bố trí, sắp xếp để bảo đảm đúng số lượng quy định.

Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân. (Laodong.vn 13/9, Phạm Đông)Về đầu trang

TPHCM chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản chỉ đạo thực hiện kế hoạch của Thành ủy TPHCM về việc luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quản lý nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031.

UBND TPHCM giao thủ trưởng sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật về luân chuyển cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu.

Cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị sẽ chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền về nhận xét, đánh giá và kết luận của mình đối với cán bộ luân chuyển.

Cán bộ luân chuyển phải chấp hành nghiêm các quy định, quy chế, phân công của cấp có thẩm quyền, cơ quan nơi đi và nơi đến; tu dưỡng, rèn luyện, phát huy năng lực, sở trường, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chịu sự kiểm tra, giám sát, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý. (Sggp.org.vn 13/9, Ngô Bình)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bộ Tài chính đã bãi bỏ 33 thủ tục hành chính không cần thiết

Theo Bộ Tài chính, trong 8 tháng qua, Bộ Tài chính đã ban hành 11 quyết định công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế 19 thủ tục hành chính (TTHC); bãi bỏ 33 TTHC và ban hành mới 3 TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan và giá.

Về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), tính đến ngày 30/8/2023, Bộ Tài chính có 774 DVCTT, trong đó: 311 DVCTT toàn trình, 79 dịch vụ công một phần và 384 dịch vụ công cung cấp thông tin cho tổ chức cá nhân.

Bộ Tài chính tiếp tục vận hành bộ phận một cửa ổn định, hiệu quả. Tính từ ngày 1/1/2023 đến ngày 30/8/2023, đã tiếp nhận 756 hồ sơ, trong đó đã trả kết quả 502 hồ sơ và đang giải quyết trong hạn 254 hồ sơ và không có hồ sơ quá hạn.

Về việc xây dựng và triển khai kế hoạch cải cách hành chính, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 125/150 nhiệm vụ theo kế hoạch (trong đó, đã hoàn thành 36 nhiệm vụ, triển khai 55 nhiệm vụ thường xuyên có hiệu quả và đảm bảo tiến độ, đang tiếp tục thực hiện 34 nhiệm vụ theo kế hoạch).

Bộ Tài chính luôn xác định cải cách hành chính trong đó có cải cách TTHC là một trong những giải pháp hàng đầu, đóng vai trò thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế nói chung, sự phát triển của ngành nói riêng.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách TTHC đúng theo chỉ đạo của của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 13/9, Minh Anh)Về đầu trang

Hà Nội đẩy mạnh phát triển chính quyền số để phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Kết luận số 1269-TB/TU, ngày 2/8/2023, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế; phương án phân cấp, ủy quyền và quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của một số sở, ban, ngành, đơn vị thuộc TP. Hà Nội.

Kế hoạch nhằm xây dựng chiến lược, quy hoạch ngành phù hợp với tình tình thực tiễn và gắn với phương hướng, nhiệm vụ phát triển của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo chủ trương tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị. Tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 30/12/2022, của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trọng tâm phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Đồng thời, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với tổ chức hành chính, chức năng cung cấp dịch vụ công đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành; đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của dội ngũ công chức, viên chức, người lao động để sắp xếp, bố trí phù hợp với vị trí việc làm và khối lượng công việc được giao,…

Nội dung chính thực hiện của Kế hoạch gồm: Xây dựng chiến lược, quy hoạch ngành; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, công tác pháp chế; Chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy; biên chế và vị trí việc làm; Đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập khi đủ điều kiện; Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác; Phân cấp, ủy quyền; quy trình giải quyết thủ tục hành chính. (Baodautu.vn 13/9, Nhật Hạ)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Đắk Nông áp chế tài với cá nhân, tổ chức làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Văn Mười vừa ký văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương và các Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.

Theo đó, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn thấp. Tính đến ngày 30/8, chỉ đạt 32,4% kế hoạch vốn được giao.

Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, Chủ tịch tỉnh Đắk Nông yêu cầu, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch cam kết. Phấn đấu giải ngân trên 95% tổng kế hoạch vốn năm 2023.

Ông Mười cũng yêu cầu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu thi công, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Thực hiện nghiêm các chế tài theo quy định pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao.

Ngoài ra, đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, liên vùng… Xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành.

Chủ tịch tỉnh Đắk Nông cũng yêu cầu quyết liệt tháo gỡ vướng mắc cho các dự á; trong đó cần phải tập trung giải quyết đúng các điểm nghẽn, nút thắt và phải có kết quả cuối cùng. Các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; vận động nhân dân đồng thuận trong triển khai thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh; đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng kịp thời triển khai thi công các dự án theo tiến độ…

Tính đến ngày 15/8/2023, Đắk Nông đã giải ngân được 1.212 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 30% kế hoạch năm 2023. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương giải ngân 521 tỷ đồng, đạt 35,3%; nguồn ngân sách Trung ương 686 tỷ đồng, đạt 71%; nguồn ODA giải ngân 4,3 tỷ đồng đạt 3,4%. (Baodautu.vn 13/9, Hoàng Anh)Về đầu trang

Bình Dương chuyển 2.421 tỷ đồng từ dự án giải ngân thấp sang dự án giải ngân cao

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 2265/QĐ-UBND về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 vốn ngân sách địa phương.

Theo quyết định này, có tổng cộng 56 dự án được điều chỉnh tăng hoặc giảm vốn dựa trên tiến độ giải ngân đầu tư công đã thực hiện từ đầu năm đến tháng 8/2023. Tổng số vốn điều chuyển sang các dự án giải ngân cao là 2.421 tỷ đồng.

Trong số các dự án trọng điểm, Dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3, TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương) là dự án điều chỉnh giảm nhiều nhất với số vốn là 2.182 tỷ đồng. Số vốn bố trí cho Dự án này năm 2023 sau khi điều chỉnh giảm còn 4.576 tỷ đồng (kế hoạch vốn đã giao năm 2023 là 6.759 tỷ đồng).

Một dự án giao thông trọng điểm khác là nâng cấp mở rộng đường ĐT 748 (đoạn từ giáp giao lộ ngã tư Phú Thứ đến vành đai Bắc thị trấn Mỹ Phước) được giao thêm 800 tỷ đồng.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường từ ngã tư Bình Chuẩn đến ngã ba giao với tuyến đường Đài Liệt sĩ Tân Phước Khánh cũng được giao thêm 438 tỷ đồng.

Việc điều chuyển vốn từ dự án giải ngân thấp sang dự án giải ngân cao sẽ giúp chủ đầu tư có vốn để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm sớm đưa vào sử dụng. Đây cũng là giải pháp quan trọng để Bình Dương đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công vì chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2023.

Một giải pháp khác cũng được thực hiện là các dự án đang thi công có thể xem xét thanh toán trước, kiểm soát sau cho đến khi đạt 80% giá trị hợp đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương đã ủy quyền cho UBND cấp huyện xây dựng, thẩm định và phê duyệt giá đất để tính bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án đi qua các huyện. Việc ủy quyền cho cấp quyện phê duyệt giá đất sẽ giúp giải phóng mặt bằng nhanh hơn và giải ngân đầu tư công sẽ nhanh hơn.

Năm 2023, Bình Dương được giao 21.817 tỷ đồng vốn đầu tư công. Đây là số vốn đầu tư công được giao cao nhất từ trước đến nay. Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2023, Bình Dương mới giải ngân kế hoạch đầu tư công được 6.000 tỷ đồng, đạt 32,1% kế hoạch.

Như vậy, từ nay đến cuối năm, Bình Dương phải giải ngân khoảng 15.000 tỷ đồng vốn đầu tư công thì mới đạt được kế hoạch đề ra. (Baodautu.vn 13/9, Lê Quân)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Lý do ông Chu Ngọc Anh và cấp dưới không bị cáo buộc nhận hối lộ vụ Việt Á

Ông Chu Ngọc Anh - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cùng cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc dù nhận tiền tỉ từ ông chủ Công ty Việt Á song không bị cáo buộc hành vi nhận hối lộ.

Trong đại án Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố bị can Chu Ngọc Anh - cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Phạm Công Tạc - cựu Thứ trưởng Bộ KHCN về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo buộc, Đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test do Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp thực hiện, sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước; mục đích để nghiên cứu ra quy trình công nghệ và sản xuất thử nghiệm sản phẩm là test xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu Đề tài thuộc về Nhà nước do Bộ trưởng Bộ KHCN là đại diện Chủ sở hữu cho đến khi nghiệm thu, báo cáo với cơ quan thẩm quyền theo quy định của Luật KHCN, Luật Quản lý tài sản công và pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, sau khi được Bộ KHCN thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1 Đề tài và Hội đồng có biên bản nghiệm thu giai đoạn 1 thì Công ty Việt Á đã quản lý, khai thác và sử dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài, đưa vào sản xuất thương mại phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á khai đã đưa cho ông Chu Ngọc Anh 200.000 USD với mục đích cảm ơn ông này đã tạo điều kiện cho Công ty Việt Á tham gia Đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test và không đề xuất biện pháp thu hồi khi Công ty Việt Á sử dụng kit test là kết quả nghiên cứu Đề tài thuộc sở hữu của Nhà nước để lập hồ sơ đăng ký, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, sản xuất kinh doanh trái pháp luật.

Cũng theo kết luận, ông Tạc được phân công phụ trách lĩnh vực KHCN, trực tiếp theo dõi, quản lý, tổ chức thực hiện Đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm. Ông Tạc biết rõ kết quả nghiên cứu thuộc quyền sở hữu Nhà nước, do Bộ KHCN làm đại diện chủ sở hữu cho đến khi nghiệm thu, báo cáo với cơ quan thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Tuy vậy, ông Tạc không thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, không thực hiện xử lý kết quả đề tài nghiên cứu theo quy định. Mặt khác, ông Tạc ký quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài để Hội đồng họp, có biên bản nghiệm thu đánh giá, đề nghị Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit test.

Từ đó, Công ty Việt Á sử dụng biên bản này để lập hồ sơ đăng ký và được cấp số đăng ký lưu hành trái quy định pháp luật, biến kit test từ sản phẩm nghiên cứu của Nhà nước thành sản phẩm thương mại của doanh nghiệp.

Công ty Việt Á đã sản xuất kinh doanh thu lời bất chính kit test, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác. Ông Phạm Công Tạc hưởng lợi 50.000 USD do Phan Quốc Việt đưa. Việc ông Tạc nhận tiền được xác định là yếu tố ''vụ lợi'' theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 219 Bộ Luật Hình sự và không đề nghị truy tố ông Tạc tội nhận hối lộ.

Về việc cùng hành vi nhận tiền nhưng các bị can bị đề nghị truy tố tội danh khác nhau, tại cuộc họp báo Chính phủ hôm 9.9, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an cho rằng phương thức, cách thức, hoàn cảnh nhận tiền của các bị can trong vụ Việt Á này "rất khác nhau".

Có bị can đặt yêu cầu, nêu thỏa thuận, đặt điều kiện với đối tượng đưa tiền và họ nhận tiền xong mới xử lý việc. Nói cách khác, hai bên đặt yêu cầu vấn đề này. Có những bị can không đưa ra yêu cầu, điều kiện, thỏa thuận trong việc xử lý việc đó. Họ nhận tiền, quà sau khi công việc đã hoàn thành. Có những bị can nói là nhận quà biếu, quà tặng nhưng vẫn bị xử lý hình sự. Như vậy hành vi, động cơ nhận tiền khác nhau sẽ bị xử lý khác nhau.

Theo người phát ngôn Bộ Công an, việc khởi tố điều tra, đề nghị truy tố với các bị can được Bộ Công an tiến hành khoa học, thận trọng, khách quan, toàn diện, triệt để, thực hiện nghiêm quy định pháp luật. Quán triệt đúng chủ trương nhân văn, nhân ái nhưng cũng rất nghiêm khắc mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ đạo, có sự phân hóa rõ với từng bị can. (Laodong.vn 13/9, Việt Dũng)Về đầu trang

Nghệ An: Cách chức Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp vì ham mê đánh bạc

Ngày 13/9, một lãnh đạo huyện Nam Đàn, Nghệ An xác nhận, Hội đồng kỷ luật UBND huyện đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Trần Mạnh Hồng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện.

“Kết quả này được cấp có thẩm quyền quyết định căn cứ vào quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Quyết định được ban hành sau khi cá nhân bị kỷ luật về Đảng trước đó, họ nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân nên đồng tình về hình thức xử lý”, vị lãnh đạo cho biết thêm.

Theo đó, cuối năm 2022, Công an huyện Nam Đàn phát hiện, bắt giữ và sau đó khởi tố bị can đối với ông Trần Mạnh Hồng về hành vi đánh bạc, bằng hình thức cá độ trên không gian mạng.

Sau đó, ông Hồng bị Tòa án Nhân dân huyện Nam Đàn tuyên phạt 30 triệu đồng (không phải chịu án phạt cải tạo không giam giữ hay án phạt tù) về tội đánh bạc.

Căn cứ quy định của Đảng và Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời trên cơ sở kết luận của cơ quan có thẩm quyền, Hội đồng Kỷ luật UBND huyện Nam Đàn họp và kết luận kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện đối với với ông Trần Mạnh Hồng. (Tienphong.vn 13/9, Thu Hiền)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thủ tướng Malaysia chi hàng tỉ USD để giảm nghèo

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chi hàng tỉ USD trong kế hoạch 5 năm để giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Anwar Ibrahim cho biết, Malaysia sẽ chi thêm 3,2 tỉ USD để nâng cấp phòng khám, cơ sở hạ tầng và quốc phòng cũng như tăng cường trợ cấp cho người nghèo. Malaysia đang đối mặt với tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao dai dẳng.

Chính phủ cũng sẽ xem xét khả năng áp dụng lại thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) nhằm mở rộng doanh thu mà không làm tăng thêm khoản nợ công 1 nghìn tỉ ringgit (214 tỉ USD) - Reuters đưa tin.

Phát biểu hôm 11.9 tại phiên đánh giá giữa kỳ Kế hoạch Malaysia lần thứ 12 (12MP) - kế hoạch phát triển kinh tế được công bố 5 năm một lần - Thủ tướng Anwar cho biết, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ và thiết lập một nền kinh tế dựa trên công nghiệp halal và tài chính Hồi giáo cũng là trọng tâm trong các kế hoạch kinh tế của ông.

Để đạt được điều đó, chính quyền Malaysia sẽ tìm cách chi thêm 15 tỉ ringgit (3,2 tỉ USD) từ năm 2023 đến năm 2025 - theo Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Anwar.

“Số tiền này nhằm tài trợ cho các lĩnh vực ưu tiên của người dân bên cạnh việc cải thiện các tiêu chuẩn quản lý và phân phối lại các khoản trợ cấp để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân” - ông Anwar nhấn mạnh. (Laodong.vn 13/9, Ngọc Vân)Về đầu trang./.

Các tin khác

09