Chi tiết tin - Văn phòng UBND tỉnh
Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 13/9/2023
1. Khai mạc Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
2. Sẽ lựa chọn kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng
3. 4 bộ, 12 địa phương là trọng điểm giám sát về trật tự, an toàn giao thông
4. Báo chí nước ngoài nhấn mạnh tiềm năng kinh tế Việt Nam
5. Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của Đông Nam Á
6. HSBC: Việt Nam tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng
7. Đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia lớn nhất từ trước đến nay sang Việt Nam
8. Quảng Ninh tìm cách “săn đại bàng” FDI
9. Bỏ sự phiền hà, “bịt” lại tiêu cực
10. TPHCM đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù xây nhà ở xã hội
11. Thanh Hóa: 78 công chức, viên chức xin chuyển công tác ra khỏi Mường Lát
12. Thu ngân sách từ thuế đạt hơn 70% so với dự toán
13. Hậu Giang: Phó chánh Thanh tra “vào nhà nghỉ với vợ người khác” bị cách chức
14. TPHCM: Bắt 4 cán bộ hải quan tiếp tay để công ty nhập lậu hàng Trung Quốc
15. Hải Phòng: Cán bộ điều tra hình sự gây tai nạn nhưng không cho đo nồng độ cồn
16. Quan chức tài chính Mỹ kêu gọi bỏ các khoản trợ cấp doanh nghiệp
Khai mạc Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 26. Dự kiến phiên họp sẽ diễn ra trong 5 ngày, được chia thành 3 đợt. Đợt 1 từ ngày 12 đến sáng 14/9; đợt 2 từ ngày 18 và ngày 20/9; đợt 3 ngày 29/9 để xem xét 18 nội dung.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung rất quan trọng. Trong đó, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 7 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án Luật: dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (lần 2). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật: dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi) (lần 2).
Về hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước; cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023"; cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030"; xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2023.
Về quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về: báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm; việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ phiên họp lần này và phiên họp thường kỳ tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là bước chuẩn bị cơ bản cho nội dung của Kỳ họp thứ 6. (VTV.vn 12/9)Về đầu trang
Sẽ lựa chọn kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng
Sáng 12/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và Kế hoạch Kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước.
Theo thông tin tại Quốc hội, dự kiến Kế hoạch Kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước bao gồm 123 nhiệm vụ kiểm toán, không tăng so với Kế hoạch Kiểm toán đầu năm 2023. Kiểm toán Nhà nước dự kiến kiểm toán hoạt động 8 chủ đề, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, vận tải hành khách công cộng, bảo tồn và phát triển các di tích, di sản...
Bên cạnh đó, dự kiến sẽ kiểm toán 25 chuyên đề, trong đó một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng, như: chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công giai đoạn 2021-2023” tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và 12 địa phương nhằm đánh giá việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước với người có công bên cạnh công tác quản lý, sử dụng kinh phí. Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023” tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, 12 địa phương…
Trình bày Báo cáo Thẩm tra Dự kiến Kế hoạch Kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà nêu rõ Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản nhất trí với các nguyên tắc, định hướng xây dựng Kế hoạch Kiểm toán năm 2024 đã nêu trong báo cáo.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban đề nghị Kiểm toán Nhà nước bổ sung nguyên tắc tiếp tục tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xây dựng Kế hoạch Kiểm toán năm 2024 cần tập trung lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa bảo đảm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công, không để thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước… (TTXVN/VietnamPlus.vn 12/9)Về đầu trang
4 bộ, 12 địa phương là trọng điểm giám sát về trật tự, an toàn giao thông
Tại phiên thảo luận chiều 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” vào năm 2024. Trọng điểm giám sát gồm 4 bộ, 12 địa phương, do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn.
Được triển khai trên phạm vi cả nước, Đoàn giám sát dự kiến thực hiện giám sát tại Chính phủ, các bộ: GTVT, Công an, Quốc phòng, Y tế, Tài chính, TT-TT, GD-ĐT, Tư pháp, Xây dựng, KH-ĐT. Trong đó, trọng điểm giám sát là Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng thuộc đối tượng giám sát, trong đó có 12 địa phương Đoàn công tác đến làm việc trực tiếp, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, TPHCM, Cần Thơ.
Bên cạnh đó, đoàn tiến hành khảo sát tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan, như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Xí nghiệp xe buýt Hà Nội, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM, Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng TP Đà Nẵng; một số doanh nghiệp đường thủy nội địa, hàng hải; một số hãng taxi; một số trường giáo dục phổ thông… Trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn giám sát có thể bổ sung một số đơn vị, doanh nghiệp, tổng công ty.
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, phạm vi giám sát rất rộng, thời hạn giám sát dài (15 năm) nên cần cân nhắc kỹ đối tượng và nội dung làm việc để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, cũng như có thể bố trí đủ nhân lực giám sát.
Đánh giá cao kế hoạch giám sát đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý, một số mốc thời gian có thể đẩy sớm hơn. “Đề cương giám sát nên gom lại, gọn hơn để rõ trọng tâm, không bị loãng. Các đồng chí trưởng, phó đoàn đại biểu Quốc hội phản ánh là vào dịp cuối năm dồn việc rất nhiều, các báo cáo nên hoàn thiện sớm hơn”, ông Bùi Văn Cường khuyến nghị. Việc đẩy sớm các mốc thời gian cũng sẽ góp thêm cơ sở hoàn thiện một số dự án luật liên quan đã có trong chương trình xây dựng pháp luật kỳ họp thứ 6 (như Luật Đường bộ, Luật Đảm bảo an toàn giao thông đường bộ)…
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đồng tình: “Thay vì đồng loạt giám sát tất cả các lĩnh vực, thì nên tập trung vào lĩnh vực đường bộ trước, phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện 2 dự án luật này”. Bà Thúy Anh đề nghị bổ sung nội dung giám sát khả năng tiếp cận, sử dụng phương tiện giao thông của nhóm người khuyết tật. (Sggp.org.vn 12/9, Anh Phương)Về đầu trang
Báo chí nước ngoài nhấn mạnh tiềm năng kinh tế Việt Nam
Ngày 11/9, CNN đưa tin: “Cựu thù đã chính thức nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện - một động thái mang tính biểu tượng nhưng rất quan trọng mà các chuyên gia cho rằng sẽ củng cố niềm tin giữa các quốc gia”. Các công ty từ Apple đến Intel đã tăng cường hiện diện ở Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sử dụng tối đa công suất của nhiều nhà máy ở quốc gia Đông Nam Á này và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bất chấp suy thoái toàn cầu.
“Hôm thứ Hai, Nhà Trắng công bố một thỏa thuận mang tính bước ngoặt trị giá 7,8 tỷ USD giữa Boeing và Vietnam Airlines, dự kiến tạo hơn 30.000 việc làm tại Hoa Kỳ. Boeing cho biết hãng hàng không sẽ mua 50 chiếc máy bay phản lực 737 Max. Ông Brad McMullen, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách bán hàng và tiếp thị thương mại của Boeing, nhận định: “Đông Nam Á là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới và 737 MAX là chiếc máy bay hoàn hảo để Vietnam Airlines đáp ứng hiệu quả nhu cầu đó trong khu vực”, CNN viết.
Trong bài viết với tiêu đề “Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết quan hệ đối tác lịch sử trong chuyến thăm của ông Biden”, Reuters nhận xét, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đạt được thỏa thuận lịch sử trong chuyến thăm Việt Nam khi Hoa Kỳ và quốc gia Đông Nam Á giàu tính chiến lược này nhất trí nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất - Đối tác Chiến lược toàn diện. “Hoa Kỳ đã thúc đẩy việc nâng cấp trong nhiều tháng” vì họ coi Việt Nam là một quốc gia chủ chốt trong chiến lược bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi các rủi ro liên quan nước ngoài, Reuters nhận định.
Trong khi đó, FT viết: “Sự thay đổi mang tính biểu tượng nhưng quan trọng, diễn ra sau nhiều năm vận động hành lang của Washington, đã nâng Mỹ hai bậc lên vị trí hàng đầu trong hệ thống phân cấp quan hệ song phương của Việt Nam”. Trước Hoa Kỳ, Việt Nam xác lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và năm ngoái Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á. Ông Greg Testman, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết: “Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự cải thiện về thuế quan, chuyển giao công nghệ. Những hãng như Dell, Google, Microsoft, Apple… đã mở rộng hoặc đang thành lập tại quốc gia Đông Nam Á này để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, FT viết. (Tienphong.vn 12/9)Về đầu trang
Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của Đông Nam Á
Bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế phương Đông 2023 (EEF 2023) đang diễn ra ở Vladivostosk, Liên bang Nga, phóng viên TTXVN tại Nga đã phỏng vấn ông German Maslov, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận tàu và logistics của Tập đoàn Vận tải Đường biển FESCO.
Đây là doanh nghiệp năm 2022 đã đưa vào vận hành tuyến vận tải đường biển trực tiếp giữa Việt Nam với cảng Vladivostok thuộc khu vực Viễn Đông của Liên bang Nga, mở ra Cửa sổ phương Đông cho hàng hóa Việt Nam nhanh chóng tiếp cận thị trường Nga.
Trong cuộc phỏng vấn, Phó Chủ tịch Maslov cho biết tuyến vận tải hàng hóa trực tiếp giữa Việt Nam và Vladivostok được đưa vào hoạt động từ năm ngoái. Ban đầu, tuyến này chỉ sử dụng 1 tàu, nhưng từ tháng 7 năm nay đã có 3 tàu container hoạt động với tần suất 1 chuyến/tuần.
Như vậy, thời gian vận chuyển từ cảng Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng đến Vladivostosk hoặc ngược lại được rút ngắn từ 10-12 ngày xuống còn 7-8 ngày.
Tuyến vận tải này đang hoạt động rất tốt, đã vận chuyển được khoảng 20.000 TEU (container 20 feet) với đặc điểm hiếm thấy là lượng hàng hóa vận tải hai chiều cân bằng nhau.
Trong số 20.000 TEU này, khoảng 2.000 TEU là các container được chuyển từ các quốc gia Đông Nam Á - Malaysia, Indonesia và các nước khác - qua Việt Nam.
Như vậy, có thể nói FESCO đã biến cảng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ các nước Đông Nam Á đến Vladivostok.
Đề cập đến các kế hoạch sắp tới của FESCO, ông Maslov cho biết tập đoàn mới đưa vào vận hành tuyến vận tải trực tiếp nối các thành phố của Trung Quốc với St. Petersburg ở Đông Bắc nước Nga, đi qua kênh đào Suez, với 6 tàu mới, trọng tải mỗi tàu 2.500 TEU.
Như vậy doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua tuyến này để vận tải hàng hóa tới St. Petersburg qua các cảng của Trung Quốc.
Phó Chủ tịch Maslov khẳng định hiện FESCO không gặp trở ngại nào trong việc tăng năng lực vận tải hàng hóa từ Việt Nam sang Vladivostok. FESCO cũng hợp tác rất chặt chẽ với Tập đoàn Đường sắt Nga (RZhD) và các doanh nghiệp khác để hàng hóa từ Việt Nam có thể nhanh chóng được chuyển đến các khu vực của Nga.
Ngoài ra, FESCO cũng đã lập văn phòng ở Việt Nam để đơn giản hóa và đẩy nhanh hoạt động chuyên chở hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam. (TTXVN/VietnamPlus.vn 12/9)Về đầu trang
HSBC: Việt Nam tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng
Trong Báo cáo “ASEAN Perspectives - Dòng vốn FDI: Bền bỉ đối mặt với thách thức” công bố ngày 12/9, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC nhận định bất chấp những thách thức thương mại diễn ra gay gắt, Việt Nam vẫn tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng.
Các chuyên gia HSBC cho biết ASEAN thu hút mức cao kỷ lục gần 17% vốn FDI toàn cầu trong năm 2022, gần gấp đôi so với 4 năm trước. Thành tựu này phản ánh rõ ràng các nền tảng cơ bản vững chắc, nhân khẩu học thuận lợi và chuỗi cung ứng cạnh tranh của ASEAN.
Tuy nhiên, HSBC cho rằng điều quan trọng cần lưu ý là không phải quốc gia nào cũng được hưởng lợi ở mức độ như nhau. Hơn 65% vốn FDI của khu vực đã đổ vào Singapore, tương đương trung bình tới 25% GDP của nước này. Nhưng điều này một phần là do vị thế chiến lược của Singapore là một trung tâm tài chính quan trọng.
Malaysia và Việt Nam cũng thu hút được dòng vốn FDI đáng kể. Ví dụ, FDI mới vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay đã cao hơn mỗi năm trong ba năm gần đây. FDI của Indonesia vẫn chưa tăng đáng kể, nhưng tiến trình cải cách công nghiệp của nước này đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Có hai chuỗi cung ứng được hưởng lợi nhiều nhất là ngành công nghệ và xe điện (EV). Trong khi Singapore, Malaysia và Việt Nam là ba quốc gia có thành tích vượt trội ở lĩnh vực công nghệ, Indonesia và Thái Lan là hai quốc gia được hưởng lợi chính ở lĩnh vực xe điện. Để thấy được sức mạnh của FDI, Malaysia hiện chiếm 45% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn. Ngoài lĩnh vực sản xuất, ngành dịch vụ tài chính của ASEAN cũng có những khởi sắc nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở Singapore.
Đối với Việt Nam, các chuyên gia phân tích của HSBC cho rằng kể từ khi thực hiện đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã nhận được dòng vốn FDI đáng kể, trở thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Trong khi phần lớn khoản đầu tư ban đầu đổ vào lĩnh vực dệt may và giày dép có giá trị gia tăng thấp hơn, Việt Nam đã nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng.
Phần lớn thành công trong lĩnh vực công nghệ là nhờ lộ trình FDI kéo dài nhiều năm của Samsung tại Việt Nam với khoản đầu tư 18 tỷ USD trong hai thập kỷ qua, một nửa sản lượng điện thoại thông minh của Samsung trên toàn cầu đến từ Việt Nam.
Điều này cũng đã khuyến khích các gã khổng lồ công nghệ khác, đặc biệt là Apple, mở rộng hoạt động của họ. Bất chấp những thách thức thương mại diễn ra gay gắt, Việt Nam vẫn tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng. (TTXVN/VietnamPlus.vn 12/9, Thúy Hà)Về đầu trang
Đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia lớn nhất từ trước đến nay sang Việt Nam
Chiều 11/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự và phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Saudi Arabia. Đây sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư lớn nhất giữa Việt Nam và Saudi Arabia trong những năm đây, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước.
Phó Thủ tướng tin tưởng với nền tảng quan hệ hữu nghị rất tốt đẹp, với nhiều điểm tương đồng, có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn, quan hệ kinh tế Việt Nam - Saudi Arabia sẽ có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới.
Thông tin về tình hình gần đây của Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Từ năm 2019 đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân 10% năm; năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 quốc gia có kim ngạch ngoại thương lớn nhất toàn cầu.
Việt Nam cũng là điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, hiện có hơn 37.000 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký gần 450 tỷ USD; đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới.
Thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai nhiều chính sách để phát triển quan hệ với các quốc gia khu vực Trung Đông - châu Phi, khai mở thị trường Hồi giáo Halal, tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế với các quốc gia Hồi giáo trên thế giới nói chung, cũng như các quốc gia Hồi giáo tại khu vực Trung Đông, trong đó có Saudi Arabia.
Mới đây, Việt Nam đã cho phép công dân tất cả các quốc gia, trong đó có công dân Saudi Arabia, đều có thể xin thị thực điện tử (e-visa) để nhập cảnh Việt Nam, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân. Phó Thủ tướng cho rằng đây là "đòn bẩy" quan trọng mở ra những cơ hội mới cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Saudi Arabia trong thời gian tới.
Theo Đại sứ Saudi Arabia tại Việt Nam Mohammed Ismaeil A. Dahlwy, bất chấp những bất ổn toàn cầu sau khủng hoảng COVID-19, Việt Nam và Saudi Arabia đều đã phục hồi mạnh mẽ và đạt được những thành tựu quan trọng, đặc biệt là trong năm 2022.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm đến thị trường Việt Nam và một số doanh nghiệp lớn như Zamil Steel, ACWA Power, SABIC đã và đang kinh doanh, đầu tư thành công tại Việt Nam. Quỹ Phát triển Saudi Arabia cũng đã tài trợ tổng số tiền 164 triệu USD cho 12 dự án tại Việt Nam.
Hiện Phái đoàn Phòng Thương mại Riyadh đang có chuyến thăm Việt Nam. Đây là đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia lớn nhất từ trước đến nay sang Việt Nam với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như du lịch, thương mại, đầu tư, năng lượng, logistics, công nghệ, lao động và các lĩnh vực khác. (Cafef.vn 12/9) Về đầu trang
Quảng Ninh tìm cách “săn đại bàng” FDI
Quyền Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh vừa ký Quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án thu hút nhà đầu tư FDI lớn, có thương hiệu vào tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giao ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu triển khai xây dựng Đề án thu hút nhà đầu tư FDI lớn, có thương hiệu vào tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt trong Quý IV/2023; Xây dựng kế hoạch triển khai từng nội dung công việc và phân công nhiệm vụ cụ thể thành viên Tổ công tác để tổ chức thực hiện.
Ngày 11/9, ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Tổ trưởng tổ Đề án đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan nghe và cho ý kiến về Đề án “Thu hút nhà đầu tư FDI lớn có thương hiệu vào tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; tình hình triển khai xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư thứ cấp vào các KCN, KKT; công tác truyền thông xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của tỉnh Quảng Ninh.
Tại cuộc họp, Tổ Đề án đã thảo luận và thống nhất ý kiến về tình hình triển khai xây dựng tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN và các dự án đầu tư thứ cấp vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương liên quan cần bám sát các quy định của pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành; công khai các nội dung trọng tâm, như: Suất vốn đầu tư của các dự án, công trình; khả năng cung ứng điện, nước cho các KCN, KKT; khả năng cung ứng lao động cho các dự án; danh mục dự án ưu tiên và dự án hạn chế thu hút đầu tư vào tỉnh…
Cùng với việc tập trung xúc tiến đầu tư với các thị trường và đối tác truyền thống là các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng, thành viên tham gia các hiệp định FTA đa phương với Việt Nam, cần tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch nhằm quảng bá tới các thị trường nhà đầu tư mới và nhóm nhà đầu tư đang nghiên cứu đầu tư. Đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ, đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư dự án thông qua các tổ công tác của tỉnh.
Đối với nhóm nhà đầu tư đã ký hợp đồng, sẵn sàng đầu tư vào tỉnh cần chủ động phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp giải quyết thủ tục đầu tư, bố trí quỹ đất sạch, hạ tầng dùng chung, hạ tầng điện nước đảm bảo yêu cầu để nhà đầu tư quyết định đầu tư nhanh nhất. (Cafef.vn 12/9)Về đầu trang
Bỏ sự phiền hà, “bịt” lại tiêu cực
Bộ Nội vụ vừa lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ việc bỏ thi thăng hạng viên chức, chuyển sang xét thăng hạng, và kết quả nhận được là sự đồng thuận rất cao. Trong khi chỉ có 1 đơn vị không đồng ý, thì 94 đơn vị còn lại đều thống nhất.
Thi thăng hạng viên chức là quy định đã tồn tại trong thời gian dài, giúp lượng hóa được số viên chức đủ điều kiện để thăng hạng. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng của nó mà có nhiều ý kiến xì xào rằng có sự tiêu cực trong quá trình tổ chức thi. Vấn đề đáng nói nữa là để tổ chức các kỳ thi cơ quan đứng ra tổ chức gặp không ít khó khăn do không có quy định cụ thể nào. Để đủ điều kiện thi, người dự thi phải có chứng chỉ chuyên ngành.
Yêu cầu này khiến nhu cầu trở nên rất lớn, nguồn cung cũng nở rộ. Nhiều cơ sở đào tạo chuyên ngành liên tục mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, nhưng việc học không phải nơi nào, lúc nào cũng thực chất. Có những lớp học online, người học có mặt trên tài khoản nhưng không học, việc thi thì hình thức, tạo bức xúc trong dư luận. Trong khi có những viên chức có năng lực nhưng phải xếp hàng vì chưa đủ điều kiện.
Trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ cách đây ít ngày, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, việc bỏ thi thăng hạng, bỏ thi nâng ngạch công chức, viên chức được dư luận hết sức quan tâm thời gian qua.
Theo đại diện Bộ Nội vụ, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019 tại Điều 44 đã quy định rất rõ việc thăng hạng có thể thực hiện theo hai hình thức là thi hoặc xét, và cũng đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Cùng với đó, tại Khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức năm 2010 có quy định việc bổ nhiệm vào ngạch viên chức cao hơn có thể thông qua hình thức thi hoặc xét. Về cơ sở pháp lý, Quốc hội đã cho phép việc nâng hạng hoặc nâng ngạch công chức được thực hiện theo hai hình thức thi hoặc xét, và đều là cơ sở để bổ nhiệm vào ngạch cao hơn.
Trong khi việc thi đã được chỉ ra có nhiều bất cập, thì việc tổ chức sát hạch trực tiếp sẽ giúp đánh giá được trình độ năng lực của viên chức tích lũy qua quá trình thực thi công vụ; qua đó giải quyết được việc đánh giá đúng người, đúng việc và trình độ năng lực để thực hiện nhiệm vụ được giao, tránh được tình trạng nhiều viên chức sau khi thăng hạng nhưng chất lượng công việc chẳng cải thiện gì, trong khi chế độ nhận hàng tháng thì lại cao hơn.
Quyết định cuối cùng là của Chính phủ, nhưng rõ ràng với những gì đã diễn ra cho thấy sự chờ đợi của xã hội là rất lớn. Đều muốn bỏ thi viên chức để đảm bảo công bằng, thực chất, tránh gây lãng phí xã hội, lại bịt được những tiêu cực, trục lợi chính sách. (Baothanhhoa.vn 12/9, Thái Minh) Về đầu trang
TPHCM đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù xây nhà ở xã hội
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM vừa có báo cáo về việc triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2025. Theo đó, qua rà soát quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2021, đa số các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn TPHCM đã được duyệt hiện nay chưa xác định vị trí, diện tích quỹ đất nhà ở xã hội hoặc chưa cập nhật các dự án nhà ở xã hội.
Việc bắt buộc tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội là chưa phù hợp với thực tiễn. Lý do, việc yêu cầu tất cả các dự án phải dành quỹ đất nhà ở xã hội mà không căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị; điều kiện kinh tế, địa lý của từng địa phương… có thể dẫn đến quỹ đất này không được đầu tư, lãng phí và làm tăng giá nhà.
Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2 ha tại các đô thị đặc biệt và loại 1, quy định phải dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội là không khả thi. Bởi quỹ đất này không đủ diện tích tối thiểu để đầu tư được một khối nhà ở xã hội độc lập.
Diện tích đất này cũng không khả thi nếu chuyển thành nhà ở xã hội thấp tầng do các đô thị đặc biệt và loại 1 không khuyến khích phát triển loại hình nhà ở này. Mặt khác, nếu xây nhà ở xã hội dạng nhà liên kế trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có thể tiềm ẩn các tiêu cực, không công bằng.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, trong trường hợp người thu nhập thấp vào ở các căn hộ nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại cao cấp, siêu cao cấp thì chỉ tính riêng chi phí quản lý vận hành tòa nhà, các dịch vụ thiết yếu khác trong các dự án này cũng không phù hợp với thu nhập của họ.
Do đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật liên quan đến quy hoạch phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.
Đối với các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch mới đã có, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đề xuất Bộ Xây dựng quy định đặc thù cho TPHCM là đô thị đặc biệt có những yêu cầu quản lý khác với nhiều tỉnh, thành có mật độ đô thị hóa chưa cao.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch nhằm cung cấp thông tin đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch... (Tienphong.vn 12/9, Duy Quang)Về đầu trang
Thanh Hóa: 78 công chức, viên chức xin chuyển công tác ra khỏi Mường Lát
Theo thống kê mới nhất từ Phòng Nội vụ UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết chỉ từ năm 2020 đến nay tại địa phương này đã có tới 78 công chức, viên chức, đặc biệt là viên chức ngành giáo dục xin chuyển công tác khỏi địa phương.
Cụ thể, trong số 78 cán bộ, công chức, viên chức đã chuyển công tác, thì có tới 67 viên chức ngành giáo dục. Đặc biệt, có nhiều công chức xin chuyển công tác khi đang giữ các vị trí như Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch; Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Mường Lát.
Trao đổi với PV, ông Lê Quang Nghị Trưởng Phòng Nội vụ UBND huyện Mường Lát lý giải việc hàng chục viên chức ngành giáo dục xin chuyển công tác trong thời gian qua, đã dẫn đến tình trạng thiếu nhiều giáo viên lẫn viên chức quản lý trên địa bàn huyện Mường Lát Thanh Hóa.
Lý do nhiều người xin chuyển công tác chủ yếu xuất phát từ việc hợp lý hóa gia đình, cũng đã có những trường hợp công tác 20 năm ở huyện Mường Lát nhưng vẫn xin chuyển đi. Hiện nay, Phòng Nội vụ cũng đã báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy qua đó động viên cán bộ yên tâm công tác, gắn bó với huyện Mường Lát, ông Nghị thông tin.
Liên quan đến việc thiếu viên chức ngành giáo dục, ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ rà soát nguồn nhân lực để bổ nhiệm đủ số lượng Phó Hiệu trưởng các trường học công lập đang còn thiếu trên địa bàn.
Hiện nay UBND huyện cũng đã có tờ trình việc bổ nhiệm công chức, viên chức đến Ban thường vụ Huyện ủy Mường Lát, sau khi Ban thường vụ đồng ý thì Chủ tịch UBND huyện sẽ bổ nhiệm theo quy định.
Theo ông Bình, lí do cán bộ công chức viên, chức xin chuyển công tác khỏi huyện Mường Lát đa số đều xuất phát từ nguyện vọng vì gia đình hoặc bố mẹ ốm đau. (Plo.vn 12/9, Đặng Trung)Về đầu trang
Thu ngân sách từ thuế đạt hơn 70% so với dự toán
Tổng thu ngân sách nhà nước từ thuế trong 8 tháng năm nay ước đạt hơn 962 nghìn tỷ đồng, bằng hơn 70% so với dự toán pháp lệnh.
Theo Tổng cục Thuế, Theo đó, có 14/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (đạt trên 68%); 6/20 khoản thu đạt dưới mức 68%. Bên cạnh đó, có 14/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ; 6/20 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ, thuế bảo vệ môi trường ước bằng 67,7%; lệ phí trước bạ ước bằng 71,3%; thu tiền sử dụng đất ước bằng 42,3%; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước bằng 61,1%.
Ngoài ra, có 27/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt cao hơn 68%; có 36/63 địa phương tiến độ thu đạt dưới 68%.
Những tháng cuối năm, cơ quan Thuế tiếp tục tập trung các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. (VTV.vn 12/9)Về đầu trang
Hậu Giang: Phó chánh Thanh tra “vào nhà nghỉ với vợ người khác” bị cách chức
Chiều 11/9, nguồn tin của phóng viên cho hay, Sở Nội vụ Hậu Giang vừa triển khai quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc kỷ luật đối với ông Tăng Minh Thêm - Phó chánh Thanh tra tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang quyết định kỷ luật với hình thức “Cách chức” Phó chánh Thanh tra tỉnh đối với ông Tăng Minh Thêm.
Trước đó, ông Tăng Minh Thêm đã bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang kỷ luật với hình thức “Cách chức” Phó Bí thư Chi bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Thêm bị kết luận vi phạm "nhiều lần đi nhà nghỉ với vợ người khác".
Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang, ông Tăng Minh Thêm - Phó Bí thư Chi bộ, Phó chánh Thanh tra tỉnh không gương mẫu, không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định của T.Ư, của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.
“Vi phạm của ông Thêm là nghiêm trọng, làm giảm uy tín của bản thân, của tổ chức đảng nơi sinh hoạt, gây dư luận xấu trong xã hội", kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Hậu Giang nêu. (Tienphong.vn 12/9, Cảnh Kỳ) Về đầu trang
TPHCM: Bắt 4 cán bộ hải quan tiếp tay để công ty nhập lậu hàng Trung Quốc
Công an TP.HCM vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam Bạch Tấn Cường (43 tuổi, ngụ quận 4), Nguyễn Vĩnh Hòa (35 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) và Võ Thanh Tuấn (36 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) về tội buôn lậu.
Công an TP.HCM khởi tố bị can Huỳnh Thị Huyền Trâm (35 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) về tội buôn lậu và cho tại ngoại vì nuôi con nhỏ.
Đồng thời bắt bị can để tạm giam Trương Thị Lệ Hằng, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Tiến Dũng (đều là cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Chơn Thành) về tội nhận hối lộ.
Theo đại diện Phòng tham mưu, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM xác định: theo chỉ đạo của những người Trung Quốc, Cường đã thành lập Công ty TNHH TM SX Sunview (trụ sở tỉnh Bình Phước). Tương tự, Tuấn thành lập Công ty TNHH TM & SX Long Tân Vina (trụ sở tỉnh Bình Phước) để đứng tên nhập khẩu.
Trên thực tế đây là những "công ty ma" nhằm tạo điều kiện cho việc mở tờ khai nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Cường chỉ đạo nhân viên của mình là Hòa và Trâm làm giả hóa đơn, chứng từ ngoại thương (Invoice) của các công ty bán hàng tại Trung Quốc.
Để không bị kiểm tra thực tế hàng hóa khi làm thủ tục nhập khẩu, Cường và Tuấn đã đưa hối lộ cho một số công chức hải quan thuộc Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu - Chi cục Hải quan Chơn Thành với số tiền 3,5 triệu/container.
Bước đầu 4 cán bộ hải quan thừa nhận từ tháng 3-2023 đến nay, những người này đã không thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan đối với các contaier do Công ty Sunview, Công ty Long Tân Vina đứng tên nhập khẩu mà chỉ ký xác nhận, đóng dấu công chức hải quan trên biên bản bàn giao hàng hóa, chịu sự giám sát của hải quan để thông qua hàng hóa trái quy định, nhằm thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. (Tuoitre.vn 12/9, Minh Hòa)Về đầu trang
Hải Phòng: Cán bộ điều tra hình sự gây tai nạn nhưng không cho đo nồng độ cồn
Theo Công an quận Đồ Sơn, chiều 4-9, tại khu 2, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng xảy ra vụ tai nạn giao thông, trong đó ô tô con đã tông vào bà Nguyễn Thị Ngát khiến bà bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.
Qua xác minh, Công an quận Đồ Sơn xác định người lái ô tô con gây tai nạn là trung tá Bùi Tiến Dương (45 tuổi, phó trưởng Cơ quan điều tra hình sự Khu vực I thuộc Quân khu 3).
Khi đang đi trên đường Vạn Hương theo hướng từ khu 3 về khu 1, quận Đồ Sơn, ông Dương đã tông trúng bà Ngát (62 tuổi, trú phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn) đang ngồi trên vỉa hè ở trước cửa nhà hàng C54 Hải Dương thuộc khu 2, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn.
Bà Ngát bị ô tô tông gây nhiều thương tích, phần chân trái bị đứt lìa gần sát vùng đùi, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp Hải Phòng sau đó.
Sau khi gây tai nạn, ông Dương rời khỏi hiện trường, đi cấp cứu tại Viện Y học Hải quân. Công an quận đã phối hợp với Viện Y học Hải quân làm việc với ông Dương để kiểm tra nồng độ cồn qua hơi thở và chất ma túy, nhưng người này không hợp tác.
Công an quận Đồ Sơn sau đó phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân quận Đồ Sơn và Cơ quan điều tra hình sự Khu vực I khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm ô tô, lấy lời khai người làm chứng...
Công an quận Đồ Sơn đã lập biên bản về việc ông Dương không cho kiểm tra nồng độ cồn và chất ma túy, có sự chứng kiến của kíp trực cấp cứu Viện Y học Hải quân và trung tá Hoàng Thành Công - thủ trưởng Cơ quan điều tra hình sự Khu vực I, thuộc Quân khu 3, Bộ Quốc phòng.
Ngày 5-9, Công an quận Đồ Sơn tiếp tục có công văn đề nghị Viện Y học Hải quân lấy mẫu máu của ông Bùi Tiến Dương để xét nghiệm nồng độ cồn và chất ma túy. Viện này sau đó có công văn trả lời không xét nghiệm máu và xét nghiệm ma túy cho bệnh nhân, do các xét nghiệm này không thuộc các chỉ định trong trường hợp cấp cứu.
Còn bà Nguyễn Thị Ngát đã được mổ cấp cứu và hiện đang được theo dõi tại khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp Hải Phòng.
Do trung tá Dương đang là quân nhân nên Cơ quan điều tra hình sự Khu vực I có công văn đề nghị Công an quận Đồ Sơn bàn giao hồ sơ vụ tai nạn giao thông trên để thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.
Công an quận Đồ Sơn sau đó báo cáo, đề xuất đại tá Lê Nguyên Trường - phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hải Phòng - để Công an quận Đồ Sơn bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ tai nạn giao thông trên cho Cơ quan điều tra hình sự Khu vực I thụ lý, điều tra theo quy định.
Ông Hoàng Thành Công - Thủ trưởng Cơ quan điều tra hình sự Khu vực I - cho biết đơn vị đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ tai nạn giao thông cho Phòng điều tra hình sự Quân khu 3 là cấp trên của đơn vị nhằm đảm bảo tính khách quan trong điều tra vụ việc. (Tuoitre.vn 12/9, Tiến Thắng)Về đầu trang
Quan chức tài chính Mỹ kêu gọi bỏ các khoản trợ cấp doanh nghiệp
Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo ngày 11/9 cho hay Chính phủ nên cân nhắc đến việc loại bỏ các khoản trợ cấp doanh nghiệp, bao gồm cả những khoản dành cho các công ty năng lượng.
Ông Adeyemo bảo vệ đề xuất ngân sách của Tổng thống Joe Biden cho năm tài chính 2024 (bắt đầu từ ngày 1/10 tới), lưu ý rằng việc đạt được sự bền vững tài chính sẽ bao gồm mức tăng thuế khiêm tốn, thúc đẩy nguồn thu thuế và tìm các cách thức khác nhau để cắt giảm chi phí.
Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York, ông Adeyemo cho hay Chính phủ muốn chắc chắn rằng có đủ tiền để chi trả cho các ưu tiên của mình.
Ngân sách của Tổng thống Biden kêu gọi tăng doanh thu bằng cách loại bỏ 31 tỷ USD ưu đãi thuế và trợ cấp cho các công ty dầu khí, những công ty mà ông cho rằng đã không đầu tư vào việc thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch.
Đồng thời, ông muốn tiếp tục cung cấp các khoản tín dụng thuế có mục tiêu cho các khoản đầu tư vào năng lượng sạch theo Đạo luật Giảm Lạm phát.
Đề xuất này đã gặp phải những thách thức lớn trong một Quốc hội đang bị chia rẽ. Việc cắt giảm ưu đãi thuế được đưa ra sau khi Nhà Trắng liên tục "phàn nàn" về việc các “đại gia” ngành dầu mỏ thu về khoản lợi nhuận kỷ lục vào thời điểm chi phí năng lượng tiêu dùng cao do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát hồi đầu năm ngoái.
Bên cạnh đó, ông Adeyemo cũng bảo vệ đề xuất của Tổng thống Biden về việc đưa thuế doanh nghiệp trở lại mức 28% - tỷ lệ trước khi việc cắt giảm thuế của cựu Tổng thống Donald Trump có hiệu lực.
Ông lưu ý mức thuế thực tế vẫn sẽ thấp hơn con số dưới thời chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan và Tổng thống Bill Clinton. (TTXVN/VietnamPlus.vn 12/9, H.Thủy)Về đầu trang./.
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 12/9/2023 (13/09/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 11/9/2023 (11/09/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 08/9/2023 (08/09/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 07/9/2023 (07/09/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 06/9/2023 (06/09/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 05/9/2023 (05/09/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 31/8/2023 (31/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 30/8/2023 (30/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 29/8/2023 (29/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 28/8/2023 (28/08/2023)