Chi tiết tin - Văn phòng UBND tỉnh
Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 05/9/2023
1. Bộ Tài chính cập nhật tiến độ sửa Luật Thuế VAT, Thuế thu nhập cá nhân
2. Đề xuất 7 hành vi bị cấm trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
3. Kiến nghị giao cho 1 tỉnh làm chủ đầu tư dự án giao thông liên tỉnh
4. Đề xuất Chủ tịch Hà Nội được tuyển dụng nhân lực không qua thi tuyển
5. TP.HCM sẽ thanh tra đột xuất những lĩnh vực dễ “tham nhũng vặt”
6. Bắc Ninh xác minh tài sản nhiều lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý
7. Bình Thuận: Loại bỏ tư tưởng cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, phòng thủ
8. Mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng: Năng động, chuyên nghiệp
9. Lãnh đạo Quảng Ngãi sẽ không đánh trống, không phát biểu ở lễ khai giảng
10. Lãnh đạo không đánh trống khai trường, không đọc diễn văn và không đi trễ
11. Thanh Hóa: Nhân rộng chuyển đổi số mô hình “3 không”
12. Hà Nội: Đan Phượng nhân rộng "Thôn thông minh
13. Giải ngân đầu tư công Hà Nội vượt mức trung bình cả nước
14. Đắk Nông linh hoạt tháo gỡ khó khăn hụt thu ngân sách
15. Cựu sếp CDC từng nói không nhận "lại quả" vụ Việt Á là ai?
16. Bắc Ninh kỷ luật xóa tư cách Chủ tịch huyện Yên Phong đối với ông Nguyễn Thế Nghĩa
17. Trung Quốc điều chỉnh mạnh chính sách tín dụng nhà ở
18. Hàn Quốc mở rộng cửa với lao động nvước ngoài
Bộ Tài chính cập nhật tiến độ sửa Luật Thuế VAT, Thuế thu nhập cá nhân
Trong tham luận chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV ngày 6.9 tới, Bộ Tài chính vừa có cập tiến độ sửa một số dự án luật.
Cụ thể, đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Bộ Tài chính cho biết dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để gửi Bộ Tư pháp trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đăng ký bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.
Phối hợp với các Bộ, ngành và các Ủy ban của Quốc hội để nghiên cứu xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5.2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2024).
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho biết, một số nội dung đề xuất tại dự án Luật Thuế giá trị gia tăng có thể sẽ dẫn đến phản ứng từ các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn và thực tế thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã phải ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thực hiện an sinh xã hội.
Cơ quan này kiến nghị các nội dung chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Luật sẽ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và tham vấn ý kiến các chuyên gia, cơ quan, tổ chức trước khi trình các cấp có thẩm quyền. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ ngành, các Uỷ ban của Quốc hội quan tâm, có ý kiến chỉ đạo, phối hợp tham gia trong quá trình xây dựng Luật để Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) đảm bảo có chất lượng và trình Quốc hội thông qua theo đúng tiến độ đã đăng ký.
Đối với Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, cơ quan này đã có công văn số 13827/BTC-CST gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, trình Chính phủ về báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế tài nguyên.
Ngày 16.3.2023, Chính phủ đã có Báo cáo số 71/BC-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, trong đó đã đề xuất xây dựng dự án Luật thuế Thu nhập cá nhân (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10.2025 và thông qua tại Kỳ họp tháng 5.2026. (Laodong.vn 04/9, Đình Trường)Về đầu trang
Đề xuất 7 hành vi bị cấm trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó nêu rõ 7 hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm:
1. Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp không đúng mục tiêu, thẩm quyền, phạm vi, trình tự và thủ tục quy định của pháp luật.
2. Can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Thực hiện không đúng quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn trong việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
4. Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc đầu tư vốn tại doanh nghiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
5. Cung cấp thông tin, báo cáo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ theo quy định của pháp luật.
6. Tiết lộ, sử dụng thông tin của doanh nghiệp, cơ quan đại diện sở hữu vốn, cơ quan quản lý nhà nước không đúng quy định của pháp luật.
7. Vi phạm các quy định gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chủ sở hữu vốn và nhà nước.
(VTV.vn 04/9)Về đầu trang
Kiến nghị giao cho 1 tỉnh làm chủ đầu tư dự án giao thông liên tỉnh
Hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể về việc giao 1 địa phương quyết định chủ trương đầu tư với dự án giao thông thực hiện trên nhiều tỉnh.
Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và các Nghị định hướng dẫn không quy định về việc giao một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công thực hiện trên địa bàn nhiều địa phương.
Cơ sở pháp lý liên quan đến phân cấp trách nhiệm đầu tư xây dựng đối với tuyến đường tỉnh liên vùng, qua nhiều địa phương sử dụng vốn đầu tư công cũng chưa quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở Trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ có quy định khác.
Do đó để tháo gỡ những bất cập này, tại tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định trong một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị quy định cụ thể giao cho 1 tỉnh làm chủ đầu tư dự án giao thông liên tỉnh.
Theo đó, việc quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có tỷ trọng vốn đầu tư lớn hơn hoặc theo thỏa thuận của các địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư. Việc này nhằm thống nhất những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Quy định này cũng sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn thực tế trong quá trình tổ chức thực hiện dự án đầu tư liên kết vùng, đường ven biển, các công trình cầu, hầm qua hai địa phương.
Chính sách mới cho phép các địa phương sử dụng ngân sách của địa phương mình để hỗ trợ các địa phương khác cùng thực hiện 1 dự án đầu tư trong trường hợp cần thiết, nhằm tạo sự linh hoạt trong điều hành ngân sách, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn.
Khi quy định này được thực hiện cũng góp phần tiết kiệm thời gian trong tổ chức thực hiện, thuận lợi trong công tác quản lý dự án và giải ngân số vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Do đó, để thống nhất, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong thực tiễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm giao Thủ tướng Chính phủ quyết định vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên trong đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ nhiều địa phương và cho phép địa phương sử dụng ngân sách của địa phương mình để hỗ trợ các địa phương khác cùng thực hiện 1 dự án đầu tư. (Laodong.vn 04/9, Xuyên Đông)Về đầu trang
Đề xuất Chủ tịch Hà Nội được tuyển dụng nhân lực không qua thi tuyển
UBND thành phố Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xem xét, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về quy định “Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội được tuyển dụng không qua thi tuyển với cá nhân có năng lực, trình độ cao đang ở ngoài khu vực nhà nước”. Đây là một nội dung được đưa ra trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình về việc báo cáo tình hình tổ chức soạn thảo và xin ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo tờ trình số 16 của UBND thành phố Hà Nội nêu đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị và xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy về việc áp dụng pháp luật về quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ thủ đô.
UBND thành phố xin ý kiến về quy định việc giao HĐND thành phố quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù cấp thành phố, cấp huyện, quyết định biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng số lượng đại biểu và đại biểu chuyên trách HĐND thành phố (tăng số lượng đại biểu từ 95 lên 125 đại biểu, tỷ lệ chuyên trách 25%)…
Trong đó, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội được tuyển dụng không qua thi tuyển với cá nhân có năng lực, trình độ cao đang ngoài khu vực Nhà nước và bổ nhiệm chức danh quản lý, điều hành ở một số đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố.
Thành phố được giữ lại 100% tiền sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện nhiệm vụ phát triển Vùng Thủ đô, hỗ trợ di dời các cơ quan trung ương, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất theo quy hoạch để có quỹ đất phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng.
UBND TP. Hà Nội cũng xin ý kiến về quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô. (Tienphong.vn 03/9, Anh Trọng - Trần Hiếu) Về đầu trang
TP.HCM sẽ thanh tra đột xuất những lĩnh vực dễ “tham nhũng vặt”
UBND TP.HCM cho biết thời gian tới sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu trong thực thi công vụ.
TP xác định đây là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Gắn thực thi công vụ với công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hàng quý, hàng năm và là một trong những cơ sở để xem xét việc bố trí cán bộ để đào tạo, quy hoạch chức vụ quản lý.
TP.HCM cũng sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định, quy trình thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà. Đặc biệt, công khai minh bạch hóa các quy trình thủ tục nhằm kiểm soát, ngăn ngừa một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng kẻ hở từ những quy định của pháp luật để tiêu cực, sách nhiễu.
Việc này cũng giúp người dân, tổ chức giám sát được các cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, giảm chi phí và thời gian của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
UBND TP.HCM cho biết TP sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, chú trọng thanh tra, kiểm tra một số lĩnh vực công tác dễ phát sinh tiêu cực, “tham nhũng vặt”, “nhạy cảm” mà người dân, doanh nghiệp, báo chí thường phản ảnh như các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, cấp phép xây dựng...
Cùng đó, TP cũng sẽ thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng, xét tuyển và thi nâng ngạch công chức, viên chức nhằm lựa chọn đúng người có phẩm chất, trình độ chuyên môn và năng lực để tuyển dụng vào cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và bổ nhiệm ngạch sau khi trúng tuyển, xét tuyển vào bậc, ngạch theo quy định.
Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có dấu hiệu, hành vi né tránh, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao và những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực. (Tuoitre.vn 04/9, Lê Thoa)Về đầu trang
Bắc Ninh xác minh tài sản nhiều lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý
Tại kỳ họp lần thứ 22, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh đã xem xét kết quả xác minh tài sản, thu nhập đối với nhiều cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Các cán bộ lãnh đạo xác minh tài sản thu nhập gồm: Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; Phó Cục trưởng Cục thi hành án Dân sự tỉnh; Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bắc Ninh; Trưởng Công an huyện Yên Phong; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Yên Phong; Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã; Phó Cục trưởng Cục thống kê.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh xem xét kết quả xác minh tài sản thu nhập đối với Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh; Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Phó Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm.
Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh, các cán bộ được xác minh tài sản, thu nhập đã trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; có các tài liệu liên quan để chứng minh nguồn gốc tài sản thu nhập tăng, giảm theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Tuy nhiên, các cán bộ xác minh tài sản thu nhập vẫn còn một số tồn tại, nhầm lẫn trong việc kê khai tài sản, thu nhập.
Qua đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị các tổ chức đảng quản lý đảng viên tăng cường hơn nữa trong việc chỉ đạo, hướng dẫn việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
Đối với các cán bộ được xác minh tài sản, thu nhập, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập ở các năm tiếp theo đảm bảo chính xác, kịp thời. (VOV.vn 04/9, Văn Giang)Về đầu trang
Bình Thuận: Loại bỏ tư tưởng cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, phòng thủ
Ông Nguyễn Hoài Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận vừa ký Chỉ thị số 32-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác.
Chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, phát sinh tư tưởng làm việc “cầm chừng, phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, gây cản ngại đến sự phát triển của tỉnh.
Tổ chức triển khai các quy định về phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là đất đai, tài nguyên, khoáng sản, rừng, quản lý tài chính, tài sản công,... tránh gây thất thoát, lãng phí.
Kiên quyết ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Định kỳ hàng năm, tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra.
Nội dung cần tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư công, công tác cán bộ, việc thực hiện chế độ tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập,…
Đặc biệt là các trường hợp bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, gây cản trở việc xử lý tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan chức năng có liên quan.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử để xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” và theo nguyên tắc “Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó.
Có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, điều tra, kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý kỷ luật nghiêm...
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “liêm chính, đủ năng lực, dám nghĩ, biết làm, có bản lĩnh, không sợ trù dập, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực” nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình hiện nay… (Plo.vn 04/9, Phương Nam)Về đầu trang
Mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng: Năng động, chuyên nghiệp
Bộ Nội vụ vừa dự thảo Báo cáo Sơ kết thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng gửi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan.
Theo Bộ Nội vụ, điểm mới trong hoạt động giám sát của Thường trực HĐND TP Đà Nẵng là hàng quý tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề, phiên giải trình giải quyết đơn thư.
Đặc biệt, HĐND TP Đà Nẵng tổ chức và duy trì chương trình “HĐND với cử tri”. Đồng thời phân công các thành viên Thường trực, các ban, các Tổ đại biểu kiểm tra thực tế, theo dõi bám sát từng lĩnh vực, địa bàn và nội dung kiến nghị, bức xúc của cử tri theo thẩm quyền.
Dự thảo cho hay, đối với những vấn đề quan trọng liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã thành lập các tổ chức làm tư vấn cho mình để giải quyết. Điều này thể hiện sự đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP.
UBND TP Đà Nẵng đã thể hiện sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát trong từng trường hợp cụ thể, tình huống đột xuất. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND và các thành viên UBND trên các lĩnh vực đạt nhiều kết quả.
UBND TP Đà Nẵng vừa làm tốt công tác kiểm tra nắm bắt tình hình tại cơ sở, vừa tập trung cải thiện lề lối làm việc. Điều này thể hiện quyết tâm của chính quyền trong lãnh đạo, điều hành, sáng tạo những cách làm riêng, đổi mới năng động để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Theo Bộ Nội vụ, mệnh lệnh quản lý từ chính quyền TP Đà Nẵng xuống quận không bị cắt khúc hoặc triển khai chậm do không phải chờ HĐND họp và ban hành văn bản thực hiện.
Nhiều vấn đề phát sinh đã được tham mưu UBND TP Đà Nẵng ban hành văn bản chấn chỉnh. Đồng thời, kiểm soát tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao và cập nhật thường xuyên trên phần mềm Quản lý theo dõi công việc nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Nhờ đó, Đà Nẵng nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ công chức, viên chức, đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc và phối hợp công tác. (Plo.vn 04/9, Tấn Việt)Về đầu trang
Lãnh đạo Quảng Ngãi sẽ không đánh trống, không phát biểu ở lễ khai giảng
Sáng 4-9, ông Trần Hoàng Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết lãnh đạo tỉnh đã thống nhất đến dự lễ khai giảng tại các trường nhưng không đánh trống khai giảng, không phát biểu. Theo ông Tuấn, việc dự lễ của lãnh đạo tỉnh không ảnh hưởng đến tổ chức khai giảng tại các trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện chủ động tổ chức lễ khai giảng.
Việc đánh trống khai giảng, theo ông Tuấn, đúng nhất vẫn là giao cho hiệu trưởng, hoặc giáo viên, học sinh có thành tính, thành tựu nổi bật... Điều ấy ý nghĩa hơn là lãnh đạo tỉnh đến dự rồi thực hiện nghi thức này.
"Nói thật, lãnh đạo tỉnh phát biểu mà người ngồi dưới là học sinh cấp 1 thì các cháu chẳng hiểu mình nói gì. Thậm chí không hiểu chức danh đó là gì. Trong khi giáo viên chỉ muốn một buổi lễ đơn giản, vui vẻ để bắt đầu một năm học.
Vậy nên lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đến dự, phát quà cho học sinh nghèo, mồ côi. Hỗ trợ trường bằng những việc làm ý nghĩa để công tác giảng dạy tốt hơn. Tinh thần chung là không đánh trống, không phát biểu", ông Tuấn cho biết. (Tuoitre.vn 04/9, Trần Mai)Về đầu trang
Lãnh đạo không đánh trống khai trường, không đọc diễn văn và không đi trễ
Báo Lao Động ngày 2.9 đăng bài "Thầy hiệu trưởng đánh trống khai trường là ý nghĩa nhất". Bài báo phân tích, đối với lãnh đạo cao cấp, đại diện cho quốc gia, thì sự tham gia đánh trống khai trường mang ý nghĩa “tuyên bố” chính thức mở đầu năm học mới trên phạm vi toàn quốc.
Nhưng đừng vì ý nghĩa đó mà trường nào cũng học nhau, từ tỉnh, huyện đến xã, trường nào cũng mời lãnh đạo đánh trống khai trường, việc đó nên để thầy hiệu trưởng thực hiện, khách mời chứng kiến là đủ.
Đến hôm nay, báo chí đưa tin, có nhiều địa phương chỉ đạo cụ thể, lãnh đạo đến tham dự lễ khai giảng ở các trường, không đánh trống khai trường, không phát biểu chỉ đạo.
Ông Trần Hoàng Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM: “Tinh thần của tỉnh trong việc này là lãnh đạo tỉnh dự lễ khai giảng để động viên thầy và trò chứ không tham gia vào hoạt động khai giảng, để hoạt động này đúng ý nghĩa, không bị kéo dài. Việc này thống nhất chung cho toàn tỉnh”.
Đây là một sự hưởng ứng tích cực, hãy trả không gian nhà trường lại cho thầy cô, học sinh, những chủ thể của ngày khai trường. Lãnh đạo đến dự lễ khai giảng, không đánh trống khai trường, không phát biểu chỉ đạo, và có một điều rất quan trọng, đó là không nên đến trễ.
Trường nào cũng có cách tổ chức, học sinh đến sớm, xếp hàng đầy sân trường, chờ đợi lãnh đạo xuất hiện. Lãnh đạo đến trễ, nhà trường phải chờ, học sinh mỏi mệt, thầy cô cũng vất vả theo. Lãnh đạo phải biết được điều này, để đến đúng giờ, không làm ảnh hưởng đến chương trình khai giảng của nhà trường.
Lãnh đạo đến đúng giờ cũng là bài giáo dục công dân đầu năm học cho học sinh. Các em sẽ học được gì nếu như người lớn không giữ đúng lời hứa, không đến dự lễ đúng giờ?
Xin có đề xuất thêm, các trường học nên ưu tiên mời những cựu học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao đến dự lễ khai giảng. Sự có mặt của những bạn đoạt huy chương hay thành tích cao trong các giải quốc tế sẽ là nguồn cảm hứng cho học sinh, thế hệ đi sau.
Mời những cựu học sinh tài giỏi từng học tại trường, trở lại thăm thầy cô, thăm trường xưa trong ngày khai giảng long trọng, còn là bài học về tình yêu thương, lòng biết ơn. Thay đổi, cải cách giáo dục, ngoài chuyện chương trình, sách giáo khoa, còn là những việc "nho nhỏ" như vậy thôi. (Laodong.vn 04/9, Lê Thanh Phong)Về đầu trang
Thanh Hóa: Nhân rộng chuyển đổi số mô hình “3 không”
Sau hai tháng triển khai mô hình “3 không” về chuyển đổi số, các địa phương thí điểm được nhân dân đồng tình ủng hộ và đạt được kết quả đột phá.
Mô hình “3 không” gồm: không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công, không dùng tiền mặt trong một số các dịch vụ thiết yếu và không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền được Sở TT&TT Thanh Hóa triển khai thực hiện thí điểm từ ngày 1/6 - 30/7/2023 tại 5 xã, phường. Kết quả mô hình “3 không” về các chỉ tiêu thí điểm đối với chính quyền, người dân, tổ chức, doanh nghiệp đều đạt, nhiều chỉ tiêu đạt tỷ lệ 100%.
Ông Lê Xuân Lâm, Trưởng phòng Quản lý CNTT, Sở TT&TT Thanh Hóa cho biết: Để mô hình triển khai có hiệu quả như vậy, Sở TT&TT đã phối hợp tổ chức thành 01 Tổ triển khai cấp tỉnh, gồm thành phần các ngành, đơn vị như: Sở TT&TT, Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, Các doanh nghiệp viễn thông - CNTT. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các đơn vị hỗ trợ các địa phương rà soát, lựa chọn dịch vụ công trực tuyến để thực hiện toàn trình theo quy định. Triển khai cài đặt, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng cho người dân, doanh nghiệp.
Tại các đơn vị này, trên cơ sở liên thông dữ liệu giữa các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư, CSDL chuyên ngành với Cổng dịch vụ công trực tuyến, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan sẽ hỗ trợ người dân kích hoạt mã định danh điện tử mức 2, tạo lập tài khoản trên Cổng dịch vụ công, cấp chữ ký điện tử miễn phí và tạo mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó tạo thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục hành chính 100% trên môi trường mạng, không cần di chuyển đến trụ sở UBND xã hoặc UBND huyện.
“Từ công tác giám sát, hỗ trợ các địa phương cài đặt ứng dụng, Sở TT&TT Thanh Hoá cũng đã ghi nhận các khó khăn, vướng mắc thực tế phát sinh. Qua đó, tham mưu giải pháp cụ thể đối với từng địa phương cũng như kiến nghị với đơn vị cung cấp dịch vụ, đảm bảo mục tiêu kết thúc chương trình thí điểm, người dân vẫn sử dụng ứng dụng đã cài đặt một cách hiệu quả và an toàn. Chương trình thí điểm sẽ được rút kinh nghiệm để nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa”, ông Lâm nhấn mạnh. (Tienphong.vn 04/9, Hoàng Lam) Về đầu trang
Hà Nội: Đan Phượng nhân rộng "Thôn thông minh"
Ở huyện Đan Phượng, mô hình "Thôn thông minh" ra đời gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Từ chỗ mỗi xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cần ít nhất 1 mô hình "Thôn thông minh", đến nay, Đan Phượng đã nhân rộng ra 101 thôn.
101 "thôn thông minh" mang rất nhiều tiện ích đến người dân và thuận lợi cho công tác quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng Phan Công Tính - đơn vị được UBND huyện Đan Phượng giao hướng dẫn, triển khai mô hình “Thôn thông minh”, đến nay, toàn huyện Đan Phượng thành lập được 16 tổ công nghệ số cộng đồng ở 16/16 xã, thị trấn, 129 tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với 1.015 thành viên; 101 mô hình “thôn thông minh”, đạt 100% số thôn, tổ dân phố trên địa bàn.
Đối với giao tiếp thông minh, toàn huyện đã thành lập được 569 nhóm zalo của Tổ công nghệ số cộng đồng. Tổ công nghệ số cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố đại diện các hộ gia đình (mỗi gia đình cử đại diện 1 người tham gia nhóm). Các nhóm zalo là kênh tương tác, trao đổi, tuyên truyền, cung cấp thông tin, hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng về y tế thông minh, dịch vụ công trực tuyến, VneID, VssID... cho các hộ gia đình trên địa bàn. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận thông tin của xã, thôn nhanh chóng, chính xác, thuận tiện.
Đối với xã hội thông minh, thương mại điện tử, huyện Đan Phượng đã lập mã QR hướng dẫn 5 thủ tục hành chính (khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân) gửi đến các xã, thị trấn, lắp đặt tại nhà văn hóa, điểm công cộng, đầu một số xóm, ngõ chính để người dân dễ dàng tiếp cận. Huyện cũng lắp 156 điểm wifi truy cập internet miễn phí để người dân khai thác thông tin, hình thành nơi sinh hoạt cộng đồng thông minh.
Cùng với sự đầu tư của huyện, các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, các tổ tự quản vận động xã hội hóa cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn lắp đặt hơn 2.700 camera an ninh và hơn 1.800 đèn năng lượng mặt trời tại ngã ba, ngã tư, trục giao thông, xóm, ngõ... Các tổ tự quản định hướng cho hộ dân dần thay thế, sử dụng toàn bộ đèn năng lượng mặt trời khi bóng đèn cũ, hỏng...
Là địa phương đi đầu trong việc xây dựng mô hình “Thôn thông minh” của huyện Đan Phượng, ông Bùi Văn Trường, Trưởng thôn Tháp Thượng cho biết: Tổ công nghệ số cộng đồng xã, thôn phối hợp với các Tổ trưởng tổ đảng, Tổ trưởng tổ tự quản “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vừa khảo sát, vừa hướng dẫn 100% hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu chuyển đổi số, phổ cấp kiến thức chuyển đổi số cộng đồng, các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử...
Đây là việc làm cần thiết nhằm đưa công nghệ số vào cuộc sống, ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao vào các lĩnh vực hoạt động của người dân, sử dụng đa dạng các dịch vụ tiện ích nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ gìn bản sắc, đảm bảo uy tín chất lượng sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. (Hanoimoi.com.vn 04/9, Nguyễn Mai)Về đầu trang
Giải ngân đầu tư công Hà Nội vượt mức trung bình cả nước
Sau nhiều năm giải ngân ở mức thấp và dưới mức trung bình của cả nước, 7 tháng đầu năm 2023, giải ngân đầu tư công tại các sở ngành, quận huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 38,6% - cao hơn so với mức trung bình của cả nước là 35,49%.
Theo kế hoạch, năm 2023, thành phố được Trung ương giao nguồn vốn là 46.956 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm 2023, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm 2023.
UBND thành phố đã xây dựng Kế hoạch khắc phục và Kế hoạch giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 (theo từng quý, từng dự án) và định kỳ tổ chức các cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản toàn thành phố và theo từng lĩnh vực để tháo gỡ khó khăn và đánh giá, phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan và biện pháp khắc phục sự chậm trễ trong việc thực hiện giải ngân ở các lĩnh vực, các dự án. Trong đó yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện các công việc cụ thể, bao gồm ba nội dung cơ bản:
Thứ nhất, đẩy nhanh công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Thứ hai, hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án (như phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu…). Thứ ba, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các biện pháp giải quyết dứt điểm.
Căn cứ kết quả các hội nghị giao ban xây dựng cơ bản, Ban cán sự Đảng UBND thành phố định kỳ báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy kết quả thực hiện. Trên cơ sở báo cáo, Ban Thường vụ Thành ủy đã thường xuyên chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các quận, huyện để nắm bắt, đôn đốc qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án, nâng cao kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, thành phố tăng cường trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian quy trình, quy định. Đồng thời, tất cả các ngành có liên quan đều xác định việc thực hiện dự án là trách nhiệm chung, không thể ngồi chờ chủ đầu tư lên báo cáo mà phải chủ động nắm bắt việc thực hiện dự án “từ sớm, từ xa”.
“Trước đây, thường có tình trạng các cấp, ngành ngồi chờ chủ đầu tư báo cáo mới biết tiến độ thực hiện dự án. Nhưng giờ, các sở, ngành phải chủ động yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo để nắm bắt quá trình thực hiện, cũng như những vướng mắc, khó khăn; từ đó kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ”, đại diện lãnh đạo UBND thành phố thông tin.
Với những giải pháp, chỉ đạo quyết liệt trên, kết quả đến ngày 31/7/2023, tỷ lệ giải ngân toàn thành phố đạt 38,6% kế hoạch giao đầu năm, cao hơn với cùng kỳ năm 2022 (26,8%) và cao hơn mức trung bình của cả nước. (Tienphong.vn 04/9, Văn Kiên)Về đầu trang
Đắk Nông linh hoạt tháo gỡ khó khăn hụt thu ngân sách
Trong năm 2023, dự toán số thu ngân sách Nhà nước tại Đắk Nông là 3.650 tỉ đồng nhưng kết quả đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Hiện tỉnh Đắk Nông đang quyết tâm, linh hoạt giải bài toán thu ngân sách bảo đảm kế hoạch đề ra.
Theo Sở Tài chính, chưa có năm nào tình hình thu ngân sách gặp nhiều khó khăn như 2023. Tất cả các lĩnh vực, sắc thuế, địa bàn đều gặp khó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số thu đạt thấp. Trước tiên phải kể đến là do nguồn thu từ sử dụng đất.
Liên quan đến giải pháp thu tiền sử dụng đất, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, những trường hợp tái định cư, đấu giá đang còn nợ, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Khi đã làm đủ, đúng quy định, trường hợp nào không chấp hành bắt buộc phải dùng biện pháp cưỡng chế.
Còn theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Đắk Nông, việc rà soát, xác định những khoản thu còn tiềm năng sẽ được đơn vị đẩy mạnh để quản lý thu hiệu quả. Tình hình kinh tế khó khăn được dự báo còn kéo dài, không còn cách nào khác là toàn ngành phải tập trung vào tăng thu từ thu thuế, thu nợ, chống thất thu đều vào guồng một cách quyết liệt.
Về giải pháp thu thuế, phí, tại hội nghị Sơ kết công tác Thuế 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến khẳng định, năm 2023 kinh tế cực kỳ khó khăn, nhất là lĩnh vực thu ngân sách.
Nếu ngân sách không đạt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động khác của địa phương. Trong những tháng cuối năm, Cục Thuế cần tập trung rà soát toàn bộ nguồn thu trên địa bàn. Từ đó, giao sát chỉ tiêu cho từng chi cục thuế khu vực thực hiện công tác thu.
“Phải linh hoạt trong thực hiện giải pháp thu. Chúng ta rà soát đúng thực tế nguồn thu trong thực tiễn, nhằm thu sát, thu đúng, thu đủ các nguồn phát sinh” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến nhấn mạnh. (Laodong.vn 04/9, Phạm Tuấn)Về đầu trang
Cựu sếp CDC từng nói không nhận "lại quả" vụ Việt Á là ai?
Hai bị can Lâm Văn Tuấn, Nguyễn Văn Định, cựu Giám đốc CDC Bắc Giang và Nghệ An trước khi bị đề nghị truy tố trong đại án Việt Á đã trả lời báo chí rằng, "không nhận một đồng nào", "minh bạch".
Trong số 38 người Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố vụ sai phạm đấu thầu, nâng giá kit test... xảy ra tại Công ty Việt Á cùng các bộ, ngành, địa phương, có Lâm Văn Tuấn - cựu Giám đốc CDC Bắc Giang và Nguyễn Văn Định - cựu Giám đốc CDC Nghệ An.
Hai cựu Giám đốc CDC này bị C03 đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", khi mượn kit test trực tiếp từ Việt Á và qua công ty trung gian, sau đó hợp thức hoá hồ sơ, thanh toán tiền, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước.
Thời điểm vụ án nâng giá kit xét nghiệm COVID-19 bị khởi tố, trả lời trên báo chí, ông Lâm Văn Tuấn khẳng định: "Không nhận một đồng nào từ Công ty Việt Á hay Công ty Phan Anh. Còn quá trình đấu thầu thì thực hiện theo quy định, thuê đơn vị tư vấn".
Trước khi bị bắt, đề nghị truy tố, bị can Nguyễn Văn Định từng nói với báo chí rằng, bản thân "minh bạch, làm đúng trình tự, quy trình, thủ tục trong các gói thầu cung cấp vật tư kit test với Công ty Việt Á".
Tuy nhiên, theo kết luận của C03, hai bị can Tuấn và Định cùng thuộc cấp có hàng loạt vi phạm trong việc ký hợp đồng với Việt Á và được công ty này, cùng công ty trung gian "lại quả" phần trăm ngoài hợp đồng.
Theo C03, tháng 12.2020, sau khi Đặng Thanh Minh - Giám đốc CDC nghỉ hưu, bị can Lâm Văn Tuấn được bổ nhiệm giữ chức vụ này.
Khi dịch COVID-19 tại Bắc Giang phức tạp, thấy Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Phan Huy Văn - Giám đốc Công ty Phan Anh tiếp cận, đề nghị tiếp tục bán kit test do Việt Á sản xuất cho CDC, bị can Tuấn đồng ý.
Ba bên thống nhất Việt Á tiếp tục ủy quyền cho Công ty Phan Anh bán kit test cho CDC Bắc Giang theo giá, phương thức cung cấp sinh phẩm trước rồi hoàn thiện thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng và thanh toán sau.
Trong số 11 gói thầu, Công ty Việt Á trúng 1 gói thầu với giá trị 1 tỉ đồng, còn lại Công ty Phan Anh trúng 10 gói thầu với tổng giá trị 193 tỉ đồng.
Từ ngày 16.6 đến ngày 25.11.2021, thủ quỹ Công ty Việt Á 7 lần chuyển hơn 44 tỉ đồng tiền phần trăm ngoài hợp đồng giữa Công ty Phan Anh và Công ty Việt Á cho Phan Thị Khánh Vân - chị ruột Văn.
Sau khi nhận tiền, bị can Vân nhờ người thân đứng tên để gửi tiết kiệm tổng số tiền 25,19 tỉ đồng; một phần đưa vào quỹ phục vụ hoạt động kinh doanh của Công ty Phan Anh. Bà Vân sau đó "lại quả" cho bị can Tuấn 2 sổ tiết kiệm mang tên mình, tổng trị giá 5 tỉ đồng và dặn "khi nào cần rút tiền" thì báo.
Theo C03, Tuấn hiểu đây là tiền do Công ty Phan Anh gửi về việc CDC Bắc Giang đã vay vật tư, sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á sản xuất do Công ty Phan Anh phân phối, sau đó hoàn thiện hồ sơ thầu, tạo điều kiện cho Công ty Phan Anh được trúng thầu và cung cấp vật tư, sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á sản xuất cho CDC Bắc Giang.
Đối với Nguyễn Văn Định, C03 chỉ ra rằng, bị can này đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hồng Thắm - Kế toán trưởng làm việc với Nguyễn Thị Thắm - nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á để đơn vị nhận kit test và các vật tư, sinh phẩm y tế khác sử dụng trước.
Sau đó, Nguyễn Văn Định chỉ đạo Nguyễn Thị Thắm phối hợp với các khoa, phòng chuyên môn thuộc CDC Nghệ An hợp thức hồ sơ đấu thầu để CDC Nghệ An thanh toán tiền cho Công ty Việt Á.
Nguyễn Văn Định ký 6 hợp đồng với Công ty Việt Á về việc cung cấp test xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế khác. CDC Nghệ An đã thanh toán tiền 59.536 kit test do Công ty Việt Á sản xuất, trị giá hơn 25 tỉ đồng, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 16,5 tỉ đồng.
Theo C03, Nguyễn Văn Định và các bị can, cá nhân liên quan thuộc CDC Nghệ An được Công ty Việt Á chi 2,15 tỉ đồng tiền % ngoài hợp đồng. Trong đó, Nguyễn Văn Định nhận 185 triệu đồng, Nguyễn Thị Hồng Thắm nhận 95 triệu đồng (số tiền còn lại, CDC Nghệ An chưa sử dụng).
Hiện số tiền các bị can được "lại quả" đã nộp lại toàn bộ để khắc phục hậu quả. (Laodong.vn 04/9, Việt Dũng)Về đầu trang
Bắc Ninh kỷ luật xóa tư cách Chủ tịch huyện Yên Phong đối với ông Nguyễn Thế Nghĩa
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Thế Nghĩa - nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Phong.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ Chủ tịch UBND huyện Yên Phong, giai đoạn 2004-2009 đối với ông Nguyễn Thế Nghĩa do vi phạm pháp luật hình sự đã bị kết án.
Trước đó, từ ngày 23/5-2/6/2023, Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa xét xử ông Nguyễn Thế Nghĩa và các đồng phạm trong vụ án bán đất trái thẩm quyền xảy ra tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh, trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2012, lãnh đạo, cán bộ UBND huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, UBND thị trấn Chờ, huyện Yên Phong và Ban quản lý thôn Trung Bạn, thị trấn Chờ đã lợi dụng chức vụ được giao thực hiện hành vi giao, bán đất trái thẩm quyền 6 lô đất thuộc Xí nghiệp bia Hà Sơn ở thị trấn Chờ; 20 lô đất ở thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ; 15 lô đất ở khu đô thị mới, thôn Trung Bạn, thị trấn Chờ và 396 m2 đất ở thuộc diện tích đất nông nghiệp công ích ở thôn Trung Bạn, thị trấn Chờ. Tổng số tiền gây thiệt hại hơn 10,6 tỷ đồng đồng.
Đối với Nguyễn Thế Nghĩa với vai trò là Chủ tịch UBND huyện Yên Phong nhiệm kỳ 2005 - 2010 phải chịu trách nhiệm về việc UBND thị trấn Chờ bán 6 lô đất Xí nghiệp bia Hà Sơn; 20 lô đất ở thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ và việc Ban quản lý thôn Trung Bạn, thị trấn Chờ bán 4 lô đất ở khu đô thị mới năm 2006; 396 m2 đất ở thuộc diện tích đất nông nghiệp công ích. Tổng số tiền gây thiệt hại hơn 8,6 tỷ đồng. (Tienphong.vn 04/9, Nguyễn Thắng) Về đầu trang
Trung Quốc điều chỉnh mạnh chính sách tín dụng nhà ở
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Cục Quản lý Tài chính Quốc gia vừa ra tuyên bố chung hạ lãi suất cho vay các khoản thế chấp hiện tại mua nhà lần đầu. Động thái này được kỳ vọng sẽ giảm chi phí lãi vay cho những người vay thế chấp, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người mua nhà.
Từ 25/9, những người đã vay các khoản thế chấp để mua nhà lần đầu có thể nộp đơn xin thay đổi lãi suất bằng các hợp đồng mới để được giảm lãi suất. Ngân hàng và người vay cùng đàm phán để giảm lãi suất của các khoản vay nhà. Các chuyên gia nhận định, mức giảm cao nhất có thể lên tới 20 điểm cơ bản.
Tỷ lệ tiền mặt trả trước tối thiểu cho các khoản thế chấp khi mua nhà thứ nhất và nhà thứ hai sẽ được điều chỉnh mạnh, lần lượt không thấp hơn 20% và 30% giá trị căn nhà. Chính quyền các tỉnh thành thay đổi các chính sách tín dụng nhà ở phù hợp với địa phương. (VTV.vn 02/9) Về đầu trang
Hàn Quốc mở rộng cửa với lao động nvước ngoài
Hàn Quốc mới đây đã phê duyệt kế hoạch cho phép các công ty cung cấp dịch vụ hậu cần tài trợ thị thực E-9 (thị thực dành cho các lao động phổ thông làm việc tại nước này). Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang thiếu hụt lao động kéo dài.
Theo kế hoạch trên, việc nhận đơn đăng ký từ các công ty logistics sẽ được bắt đầu từ tuần tới, đồng nghĩa với việc những công nhân đầu tiên đủ điều kiện sẽ bắt đầu làm việc sớm nhất là trong năm nay thay vì phải mất nhiều tháng như hiện nay.
Ngoài ra, từ nay, các doanh nghiệp sản xuất ở ngoài vùng thủ đô Seoul có từ 300 nhân viên trở lên cũng có thể được thuê công nhân mang thị thực E-9. Trước đây, chỉ doanh nghiệp dưới 300 nhân viên và vốn 8 tỷ Won (6 triệu USD) mới đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng phê duyệt kế hoạch tăng hạn ngạch cấp thị thực E-9 lên 120.000 trường hợp vào cuối năm nay, cao gấp hơn 2 lần so với năm 2020 và 2021. Đồng thời, hạn ngạch E-9 tối đa cho mỗi công ty sẽ được tăng gấp 2 lần, lên 80 trường hợp.
Song song với đó, hạn ngạch cấp thị thực E-7-4, vốn giúp người có thị thực E-9 lựa chọn nơi làm việc linh hoạt hơn và có thể ở lại Hàn Quốc vô thời hạn, sẽ được tăng gấp 7 lần, lên 35.000 trường hợp.
Phát biểu về thông tin này, Bộ trưởng Văn phòng Điều phối chính sách Chính phủ Hàn Quốc, ông Bang Ki Sun cho biết, kế hoạch trên sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động trong toàn ngành và chính quyền Seoul nên "duy trì giám sát chặt chẽ thủ tục" để bảo đảm rằng chính sách được áp dụng. (VTV.vn 03/9) Về đầu trang./.
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 31/8/2023 (31/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 30/8/2023 (30/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 29/8/2023 (29/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 28/8/2023 (28/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 25/8/2023 (25/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 24/8/2023 (24/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 23/8/2023 (23/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 22/8/2023 (22/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 21/8/2023 (21/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 18/8/2023 (18/08/2023)