Chi tiết tin - Văn phòng UBND tỉnh
Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 29/8/2023
1. Chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật
2. Còn ý kiến khác nhau về việc đổi tên gọi Luật Căn cước công dân
3. Đề xuất thống nhất ba lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách
4. Tránh lộ lọt bí mật, hồ sơ của các công trình quốc phòng và khu quân sự
5. Tạm cấp kinh phí chi điều chỉnh trợ cấp với cán bộ xã đã nghỉ việc từ 31.8
6. Lĩnh vực có thể tạo ra 100 tỷ USD doanh thu ở Đông Nam Á, Việt Nam có tiềm năng vượt trội
7. Vốn FDI vào Việt Nam 8 tháng đạt gần 18,15 tỷ USD
8. Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội 5 năm cũng được nhận lương hưu
9. Địa phương cấp phép thi hoa hậu nhưng có sự cố thì bộ “lãnh đủ”
10. Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp lắng nghe, xin lỗi dân
11. Quảng Ngãi: Phường Nghĩa Chánh nhận lỗi vì chậm xác nhận khuyết tật cho trẻ đi học
12. Gánh nặng ngân sách làm đường cao tốc quá lớn
13. Ngành thuế thu khoảng 25.600 tỷ đồng tiền nợ thuế
14. Chủ tịch TP HCM phê bình 25 đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công
15. Lâm Đồng: Khởi tố nguyên Trưởng Phòng TN&MT giao khống đất rừng
16. Khiển trách Đảng ủy Sở GTVT Thừa Thiên Huế vì để cấp dưới tham nhũng
17. Singapore thúc đẩy chăm sóc bệnh nhân nội trú tại nhà
Chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật
Sáng 28.8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 nhằm thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 chính thức khai mạc.
Theo đó, 8 dự án luật sẽ được thảo luận tại hội nghị: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi).
Các dự án luật trên đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, trong đó, Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và cho ý kiến lần đầu vào 7 dự án luật còn lại.
Các dự thảo luật này đã được các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, bước đầu có chỉnh sửa, chỉnh lý, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong những phiên họp gần đây.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là hội nghị cho ý kiến vào số lượng luật nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
8 dự án luật đều rất quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và đại biểu Quốc hội, có nhiều nội dung mới, phạm vi ảnh hưởng rộng cũng như còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, nên cần tiếp tục cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng.
Gợi mở một số vấn đề, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung rà soát để làm rõ các dự án luật đã thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn chủ trương của Đảng hay chưa, tức làm rõ cơ sở chính trị với từng lĩnh vực liên quan.
Bên cạnh đó là việc thể hiện trong dự thảo luật cho đến nay có bám sát các nhóm chính sách lớn, định hướng, nguyên tắc, yêu cầu khi xây dựng các dự án luật này hay không… (Laodong.vn 28/8, Phạm Đông)Về đầu trang
Còn ý kiến khác nhau về việc đổi tên gọi Luật Căn cước công dân
Sáng 28-8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khoá XV nhằm thảo luận một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 chính thức khai mạc.
Một trong những nội dung đáng chú ý là các đại biểu xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Điều hành thảo luận dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết tại phiên họp thứ 25 ngày 18-8, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án giữ tên Luật Căn cước công dân, đồng thời đã chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng - An ninh nêu rõ từng loại ý kiến, đánh giá khách quan ưu, nhược điểm và xin ý kiến ĐBQH chuyên trách.
Với việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng thông tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí giữ là thẻ căn cước công dân. "Đề nghị ĐBQH chuyên trách cho ý kiến làm rõ hơn và thể hiện quan điểm của mình về tên luật cũng như tên thẻ"- ông Phương nói.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của Dự thảo. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Lê Tấn Tới cho biết về tên gọi vẫn còn hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất: Đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh nhất trí với loại ý kiến thứ nhất.
Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - đồng tình với tên gọi là Luật Căn cước công dân thay vì đổi tên thành Luật Căn cước.
Đại biểu cho rằng Luật này phục vụ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và đối tượng là công dân Việt Nam, và trong Hiến pháp cũng có nhiều điều khoản nhắc đến nhiều từ "công dân". Đối tượng công dân Việt Nam nằm trong quy định pháp luật của Việt Nam, còn những đối tượng chưa rõ quốc tịch, người gốc Việt còn liên quan đến quyền con người và đến các đối tượng khác.
Do đó, ông Hạ đề nghị cần đánh giá toàn diện tên gọi của luật này và cân nhắc kỹ hơn có nên áp dụng cả Luật Căn cước công dân đối với một bộ phận nhỏ chưa xác định quốc tịch hay không?.
Trong khi đó, các đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương), Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), Lò Thị Luyến (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) đồng thuận với phương án đổi tên gọi thành Luật Căn Cước.
Trước ý kiến cho rằng việc đổi tên thẻ sẽ gây tốn kém ngân sách, đại biểu ông Hoà cho biết dự thảo quy định những người đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip không nhất thiết phải đổi thẻ. Mặt khác, phạm vi điều chỉnh của thẻ căn cước cũng bao quát được đối tượng áp dụng của luật bao gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa được xác định quốc tịch. (Nld.com.vn 28/8, Văn Duẩn)Về đầu trang
Đề xuất thống nhất ba lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách
Ngày 28/8, đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Báo cáo tiếp thu giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc sắp xếp, kiện toàn lực lượng này để không làm tăng biên chế, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác, không phát sinh thủ tục hành chính; đồng thời cần đánh giá cụ thể mô hình tổ chức, người tham gia để không bị lãng phí nguồn nhân lực; việc bố trí lực lượng cần tính toán đến đặc thù khác biệt giữa thành thị và nông thôn.
Tiếp thu ý kiến, Thường trực UBQPAN đã rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo luật về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng phù hợp với tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, không làm tăng biên chế, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác, bảo đảm tính khả thi; rà soát các nội dung của dự thảo luật bảo đảm thống nhất với Luật Phòng cháy và chữa cháy về quy định chức danh của lực lượng dân phòng.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, nếu giao địa phương quyết định số lượng Tổ bảo vệ ANTT, số lượng các chức danh Tổ bảo vệ ANTT sẽ dẫn đến tăng số lượng, đề nghị cân nhắc điều chỉnh cho hợp lý.
Theo Thường trực UBQPAN, nếu quy định “cứng” về khung về số lượng tổ, số lượng các chức danh của Tổ bảo vệ ANTT sẽ không phù hợp với tình hình thực tiễn, không sát với nhu cầu của từng thôn, tổ dân phố, vì mỗi vùng miền, khu vực thành thị, nông thôn có sự khác nhau. Do đó, dự thảo luật quy định theo hướng “mở” để chính quyền địa phương căn cứ yêu cầu, điều kiện thực tiễn để quyết định số lượng Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở và số lượng người tham gia hoạt động là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.
Về kinh phí hoạt động, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng này, cần có số liệu cụ thể chứng minh “không làm tăng biên chế”, “không làm tăng ngân sách” so với thực tiễn hiện nay. Một số ý kiến đề nghị tính toán đầy đủ mức chi ngân sách, mức hỗ trợ; đề nghị bổ sung quy định rõ khung mức hỗ trợ; quy định rõ nguồn ngân sách để bảo đảm tính khả thi…
Khẳng định sự cần thiết trong việc ban hành luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, trước những ảnh hưởng do hệ quả của phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu về công tác đảm bảo ANTT ngày càng tăng lên, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Địa bàn cơ sở có an ninh trật tự tốt thì mới có thể tạo nên một địa phương phát triển ổn định, an toàn.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị xem xét thống nhất ba lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng chung để tập trung nhân lực, tránh dàn trải, gây lãng phí, cồng kềnh, chồng chéo. Đồng thời điều này cũng thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng. (Tienphong.vn 28/8, Luân Dũng)Về đầu trang
Tránh lộ lọt bí mật, hồ sơ của các công trình quốc phòng và khu quân sự
Chiều 28.8, tại Nhà Quốc hội, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 tiếp tục xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Phát biểu ý kiến, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, đến thời điểm hiện tại, dự thảo luật đã nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, cũng như các cơ quan với chất lượng rất tốt…
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Lâm đánh giá cao cơ quan tiếp thu dự thảo luật đã rất cầu thị, mạnh dạn loại bỏ một số nội dung có sự chồng chéo, trùng lắp trong hệ thống pháp luật.
Đặc biệt, dự thảo luật đã bỏ hẳn cả nội dung của Điều 7 quy định về áp dụng pháp luật; lược bỏ cả một số nội dung trước đây đưa vào liên quan đến quy trình bồi thường xây dựng các công trình thay thế khi chuyển đổi các khu vực đất quốc phòng cho các dự án phát triển kinh tế.
Điều này góp phần giúp dự án luật này hoàn toàn tương thích với các các dự án luật khác trong hệ thống pháp luật, đảm bảo tuân thủ Hiến pháp.
Liên quan đến vấn đề thu hồi đất an ninh quốc phòng, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị xem xét nội dung này với Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới, làm sao triển khai một cách đồng bộ, tránh lọt lộ bí mật của Nhà nước về các công trình quốc phòng và khu quân sự.
Do đó, tại Điều 10, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét nội dung để tránh lộ lọt bí mật, hồ sơ của các công trình quốc phòng và khu quân sự.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần có tiêu chí cụ thể về các công trình đặc biệt liên quan đến Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đảm bảo chiến lược bảo vệ và xây dựng Tổ quốc lâu dài. (Laodong.vn 28/8, Phạm Đông)Về đầu trang
Tạm cấp kinh phí chi điều chỉnh trợ cấp với cán bộ xã đã nghỉ việc từ 31.8
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 50/2023/TT-BTC (có hiệu lực thi hành từ 31.8.2023) hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ và điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ.
Thông tư số 50/2023/TT-BTC quy định phương thức chi trả kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP như sau:
1. Các bộ, cơ quan Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ động sử dụng các nguồn kinh phí theo quy định để chi trả tiền lương tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo đúng chế độ quy định.
2. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nguồn lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 24/2023/NĐ-CP và Nghị định số 42/2023/NĐ-CP, chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương của địa phương để bổ sung nguồn kinh phí cho các đơn vị dự toán ngân sách cấp mình và ngân sách cấp dưới trực thuộc còn thiếu nguồn.
3. Đối với các địa phương có nhu cầu kinh phí để thực hiện chế độ theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP và Nghị định số 42/2023/NĐ-CP lớn hơn nguồn kinh phí theo quy định tại Thông tư này: Trong khi chờ cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí, ngân sách cấp trên thực hiện tạm cấp kinh phí cho ngân sách cấp dưới chưa đủ nguồn. Các địa phương có văn bản gửi Bộ Tài chính để tạm cấp kinh phí thực hiện. Số kinh phí tạm cấp được giảm trừ khi cấp có thẩm quyền bổ sung đủ kinh phí thực hiện theo quy định.
Các đơn vị sử dụng ngân sách được chủ động sử dụng dự toán ngân sách năm 2023 đã được giao và nguồn thu được để lại theo chế độ để kịp thời chi trả tiền lương, phụ cấp, trợ cấp tăng thêm cho các đối tượng theo quy định tại Thông tư này; báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên về nhu cầu kinh phí còn thiếu (nếu có) để xử lý theo quy định.
4. Kế toán và quyết toán: Việc kế toán, quyết toán kinh phí thực hiện tiền lương, phụ cấp, trợ cấp cho các đối tượng theo quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành. (Laodong.vn 28/8, Hào Quang)Về đầu trang
Lĩnh vực có thể tạo ra 100 tỷ USD doanh thu ở Đông Nam Á, Việt Nam có tiềm năng vượt trội
Việc tăng cường năng lực sản xuất năng lượng tái tạo của khu vực sẽ giúp các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tạo ra việc làm mới và đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải, theo nghiên cứu mới được công bố của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ từ thiện Bloomberg, Quỹ ClimateWorks và Tổ chức Năng lượng bền vững cho tất cả (SEforALL).
Các ngành công nghiệp pin quang điện mặt trời (PV), pin và xe điện hai bánh đang phát triển của Đông Nam Á mang lại cơ hội doanh thu ước tính từ 90 tỷ USD đến 100 tỷ USD vào năm 2030, với 6 triệu việc làm năng lượng tái tạo tiềm năng sẽ được tạo ra vào năm 2050.
Báo cáo Sản xuất năng lượng tái tạo: Cơ hội mới cho Đông Nam Á, khám phá cách hỗ trợ phát triển lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch ở Đông Nam Á và giúp các quốc gia khai thác tiềm năng kinh tế to lớn đồng thời giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Việc nắm bắt cơ hội này phụ thuộc vào các biện pháp chính sách cụ thể của chính phủ đối với từng quốc gia trong khu vực, bao gồm kích thích nhu cầu năng lượng tái tạo trong nước, đảm bảo khả năng cạnh tranh về chi phí, cải thiện sự thuận tiện trong kinh doanh và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu. Hợp tác ở cấp khu vực cũng rất cần thiết để cung cấp hỗ trợ hơn nữa thông qua việc tăng cường thương mại nội vùng.
Báo cáo xác định tham vọng và kết quả tiềm năng để Đông Nam Á đạt được những mục tiêu sau: Tăng công suất sản xuất pin mặt trời dạng mô-đun từ 70 GW lên 125–150 GW vào năm 2030. Phát triển chuỗi giá trị sản xuất pin khu vực, tăng nhu cầu trong nước và khu vực, đồng thời đưa Đông Nam Á trở thành trung tâm xuất khẩu khu vực và toàn cầu, sản xuất các khối pin 140–180 gigawatt-giờ (GWh) vào năm 2030.
Mở rộng công suất lắp ráp xe điện hai bánh (E2W) tại Đông Nam Á từ 1,4 lên 1,6 triệu chiếc mỗi năm lên khoảng 4 triệu chiếc vào năm 2030.
Báo cáo cũng nêu bật cách Đông Nam Á có thể phát huy lịch sử hợp tác khu vực mạnh mẽ để nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành năng lượng tái tạo và đáp ứng các mục tiêu net-zero. Ví dụ, các yếu tố sản xuất có thể được hưởng lợi từ thương mại trong chuỗi giá trị và các nỗ lực trong khu vực nhằm cải thiện chất lượng và phân bổ lực lượng lao động.
Thị trường nhu cầu có thể được hỗ trợ bằng việc xây dựng Lưới điện ASEAN để cho phép triển khai năng lượng tái tạo cao hơn thông qua thương mại điện đa phương và mở rộng các khu vực cân bằng lưới điện. Việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật cho xe E2W và trạm sạc có thể cho phép các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu trên khắp thị trường Đông Nam Á.
Báo cáo cũng đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này. Khi so với các nước láng giềng, Việt Nam hiện đã được nhiều doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất mô-đun quang điện mặt trời đầu tư. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực đạt điểm “cao” về Chỉ số pháp lý về năng lượng bền vững (RISE) của Ngân hàng Thế giới đối với năng lượng tái tạo.
Việt Nam cũng có lợi thế về chi phí lao động. Theo một nhà sản xuất hàng đầu Campuchia, tiền lương ở Campuchia có thể so sánh với Việt Nam, nhưng chênh lệch về trình độ học vấn nên cần nhiều lao động Campuchia hơn để sản xuất ra cùng một sản lượng, dẫn đến chi phí lao động ở Campuchia cao hơn. Cùng với đó, biên giới với Trung Quốc cũng là một lợi thế cho Việt Nam trong việc phát triển sản xuất. (Nhipsongkinhte.toquoc.vn 28/8)Về đầu trang
Vốn FDI vào Việt Nam 8 tháng đạt gần 18,15 tỷ USD
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, so với 16,24 tỷ USD thu hút được trong 7 tháng, số vốn FDI mà các nhà đầu tư nước ngoài rót vào Việt Nam trong tháng 8/2023 là 1,91 tỷ USD.
Cụ thể, trong 8 tháng có 1.924 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,87 tỷ USD, tăng 69,5% về số dự án và tăng 39,7% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, có 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 4,53 tỷ USD, tăng 22,8% về số lượt dự án điều chỉnh và giảm 39,7% về số vốn so với cùng kỳ.
Theo lĩnh vực, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD, chiếm gần 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Theo đối tác, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,83 tỷ USD, chiếm hơn 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 15,4% so với cùng kỳ 2022; Trung Quốc đứng thứ hai với gần 2,69 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tăng 90,8% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,58 tỷ USD, chiếm hơn 14,2% tổng vốn đầu tư, tăng 73,1% so với cùng kỳ, tiếp theo là Hàn Quốc; Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)...
Theo địa bàn, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,34 tỷ USD, chiếm gần 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,89 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,08 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 72,2% so với cùng kỳ, tiếp theo lần lượt là TPHCM, Bắc Giang, Bình Dương… (VTV.vn 28/8)Về đầu trang
Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội 5 năm cũng được nhận lương hưu
Với đề xuất hạ tuổi nhận trợ cấp hưu trí từ ngân sách từ 80 tuổi hiện hành xuống 75 tuổi theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã sửa đổi, người tham gia bảo hiểm xã hội chỉ cần đóng 5 năm trở lên, không rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ có trợ cấp hằng tháng ngay khi nghỉ hưu, hoặc từ 65 tuổi.
Cụ thể, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi quy định, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH, các trợ cấp hằng tháng khác được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Chế độ này được điều chỉnh từ trợ cấp người cao tuổi đang áp dụng cho người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng (mức trợ cấp hiện là 360.000 đồng/người/tháng).
Nếu điều khoản trên được thông qua, tuổi nhận trợ cấp của người già không có lương hưu, không có bất kể trợ cấp gì sẽ giảm 5 tuổi (từ 80 tuổi hiện nay xuống 75 tuổi). Bộ LĐ-TB&XH - cơ quan chủ trì soạn thảo luật tính toán, sau khi giảm tuổi nhận trợ cấp như trên sẽ có thêm khoảng 800.000 người được nhận chế độ. Cùng đó, mức trợ cấp sẽ tăng từ 360.000 đồng/tháng tăng lên 500.000 đồng/tháng.
Trường hợp người tham gia BHXH nhưng chưa đủ thời gian đóng để nhận lương hưu, dưới 75 tuổi - chưa đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội, được chọn nhận trợ cấp hằng tháng từ thời gian đã đóng BHXH, mức hưởng thấp nhất bằng trợ cấp hưu trí xã hội. Thời gian hưởng tới khi đủ 75 tuổi để nhận trợ cấp do ngân sách nhà nước đảm bảo. Khi nhận trợ cấp hưu trí xã hội, người hưởng được ngân sách đóng bảo hiểm y tế.
Bộ LĐ-TB&XH tính toán, hiện mức lương bình quân tính đóng BHXH khoảng 6 triệu đồng/tháng, mỗi năm đóng BHXH tương ứng với 2 - 2,5 năm hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng (nếu không nhận BHXH một lần).
Như vậy, người lao động có 5 năm đóng BHXH được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng ngay từ 65 tuổi, hoặc ngay khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi. Tiền trợ cấp hằng tháng trong trường hợp này do quỹ BHXH chi trả từ tiền đóng của người lao động và người sử dụng lao động. Tới tuổi 75, người hết tuổi lao động chuyển sang nhận trợ cấp do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Tuy nhiên, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ, Chính phủ có thể quyết định hạ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách đảm bảo thấp hơn 75 tuổi. Trước mắt, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, với điều kiện Việt Nam, tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo chỉ nên giảm tối đa tới 70 tuổi, để khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện, hoặc bảo lưu thời gian đã tham gia BHXH. (Tienphong.vn 28/8, Lê Hữu Việt)Về đầu trang
Địa phương cấp phép thi hoa hậu nhưng có sự cố thì bộ “lãnh đủ”
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nói việc cấp phép thi hoa hậu đã được phân quyền về cho địa phương nhưng khi sự cố xảy ra thì bộ là cơ quan “lãnh đủ”. Ông cũng nhắc nhở chuyện cục, sở có sự “xung đột” vì một chuyện nhỏ.
Ông Hùng phát biểu tại Hội nghị Cán bộ văn hóa năm 2023, do Bộ VH-TT&DL tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với các địa phương vào sáng 28-8.
Tại hội nghị, 10 địa phương đại diện cho các địa phương có những mô hình quản lý văn hóa hay, cách làm hiệu quả được lên báo cáo trước hội nghị gồm: Yên Bái, Ninh Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Bình Thuận, An Giang…
Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chỉ ra một số hạn chế trong quản lý văn hóa thời gian qua. Đó là chuyện quản lý nhà nước đã được phân cấp phân quyền nhưng khi thực hiện có nơi, có lúc còn trục trặc.
Ông ví dụ nghị định 144, việc cấp phép các cuộc thi hoa hậu đã phân quyền về cho địa phương, do các sở văn hóa tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cấp phép. Nhưng khi sự cố xảy ra thì Bộ VH-TT&DL "là cơ quan lãnh đủ".
"Công tác quản lý ngành văn hóa không thể cứng nhắc, phải uyển chuyển, linh hoạt, cán bộ phải nắm vững pháp luật và phải tinh tường nữa. Mặc dù luật không cấm, nhưng phải biết cái gì nên làm và làm vào lúc nào cho hay, đấy là sự tinh tường của nghề quản lý", Bộ trưởng Hùng nhắn nhủ tới các lãnh đạo địa phương trong việc cấp phép thi hoa hậu nói riêng và quản lý văn hóa nói chung.
Ông Hùng cũng nhắc nhở một việc chưa hay trong quản lý văn hóa gần đây, đã để xảy ra xung đột giữa một cục và một sở trong lĩnh vực quản lý di sản. "Quản lý về di sản có luật, nghị định nhưng cách hiểu chưa đồng nhất. Việc nhỏ nhưng tạo ra sự xung đột không cần thiết giữa một cục quản lý nhà nước với một sở.
Điều này buộc tôi phải nhớ lại văn học dân gian, câu tục ngữ "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Sao lại phải thế? Chúng ta có cách tiếp cận, có cách nói với nhau văn hóa hơn, ấm áp hơn, nghĩa tình hơn và cũng làm tốt trách nhiệm của mình", ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng chỉ ra những khó khăn khác của ngành văn hóa như việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật ở địa phương gây nguy cơ từ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp thành nghiệp dư.
Còn nhiều cái khó nữa nhưng ông Hùng nói "nếu chỉ thấy khó và kêu thì không phải người làm quản lý văn hóa tại thời điểm này". Người cán bộ văn hóa phải trong cái khó ló cái khôn, càng khó khăn càng phải quyết liệt, bản lĩnh, phải tìm tòi. (Tuoitre.vn 28/8, Thiên Điểu)Về đầu trang
Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp lắng nghe, xin lỗi dân
Sáng 28-8, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa gặp và trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Phước Thiện (ngụ huyện Cao Lãnh) sau khi tiếp nhận phản ảnh đầu tuần trước và gặp gỡ hai hộ dân, một doanh nghiệp.
Trình bày với Chủ tịch tỉnh, ông Lê Văn Tùng (ngụ TP Sa Đéc) cho hay từ tháng 6-2022 đến nay, ông lên xuống nhiều lần từ cơ quan cấp thành phố, cấp tỉnh nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời là "đang chờ", không biết kêu ai.
"Hôm nay được gặp chủ tịch tỉnh, tôi cần cơ quan chức năng xác định rõ nền nhà của tôi ở đâu? Vì nền tái định cư tôi mua ở phường 2, TP Sa Đéc (thửa 222 của ông Tỵ) hiện bà Duyên đã xây nhà ở, còn thửa 223 của bà Duyên sở hữu thì ông Tỵ đã cất nhà tạm để ở. Hiện tôi trong tình trạng có giấy tờ đất nhưng đất đã bị người khác cất nhà", ông Tùng nói.
Theo Phòng TN&MT TP Sa Đéc, khu tái định cư phường 2 hoàn thành cấp quyền sử dụng đất từ năm 2014. Cụ thể, thửa đất số 222 của ông Tỵ qua 5 lần chuyển nhượng và hiện nay thuộc sở hữu của ông Tùng.
Bà Nguyễn Thị Kim Duyên (cháu ruột ông Tỵ, đứng tên thửa đất 223) nhưng bà Duyên lại xây nhà trên thửa đất 222 (đang thuộc quyền sở hữu của ông Tùng). Đại diện Phòng TN&MT cho rằng nhà bà Duyên xây dựng không có giấy phép. Còn phía bà Duyên khẳng định đã được chính quyền địa phương xuống kiểm tra thực địa, đồng ý cho xây dựng và cấp giấy sau.
Phòng TN&MT TP Sa Đéc đề nghị ông Tùng và bà Duyên đồng ý hoán đổi và chuyển nhượng quyền sở hữu hai thửa đất cho nhau theo hiện trạng đất, thỏa thuận thuế phí đóng thêm.
Sau khi nghe thông tin từ bà Duyên, ông Tùng và báo cáo tóm lược quá trình giải quyết thủ tục từ Sở TN&MT, ông Phạm Thiện Nghĩa đồng tình với người dân và khẳng định bức xúc của ông Tùng là đúng.
Ông Nghĩa chỉ đạo Trung tâm hành chính công yêu cầu UBND TP Sa Đéc, Phòng TN&MT TP Sa Đéc rà soát, kiểm tra và trả lời cho dân vào tuần tới, sau kỳ nghỉ lễ.
"Tôi xin lỗi anh Tùng cả năm qua đi tới đi lui vất vả để giải quyết vấn đề này. Các anh phản ánh đúng, lỗi do chúng tôi, nếu các bên chịu ngồi lại lắng nghe sẽ có cách giải quyết nhanh hơn. Tôi sẽ cho rà soát lại từ gốc vấn đề và trả lời trong tuần tới", ông Nghĩa nói.
Từ ngày 14-8 đến nay, trong khung giờ 9h30 - 11h sáng thứ hai hằng tuần, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp tại Trung tâm hành chính công tỉnh để lắng nghe, trao đổi, ghi nhận và chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh. (Tuoitre.vn 28/8, Đặng Tuyết)Về đầu trang
Quảng Ngãi: Phường Nghĩa Chánh nhận lỗi vì chậm xác nhận khuyết tật cho trẻ đi học
Trưa 28-8, ông Trà Thanh Danh, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, cho biết đã nhận báo cáo liên quan đến bài viết trên Tuổi Trẻ Online: "Chậm xác nhận khuyết tật cho trẻ đi học vì... cán bộ bận quá nhiều việc".
"UBND phường Nghĩa Chánh đã nhận lỗi, nhận trách nhiệm và kiểm điểm khiển trách, cam kết không để xảy ra sự việc tương tự", ông Danh khẳng định.
Theo ông Danh, trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính thuộc về chính quyền các cấp và không được để xảy ra chậm trễ. Sự việc chậm trễ xác nhận khuyết tật tâm thần cho cháu bé đi học là điều không được tái diễn. Nếu để dân phiền hà, UBND TP Quảng Ngãi sẽ xử lý nghiêm.
"Theo báo cáo thì cán bộ phụ trách lao động - thương binh và xã hội phường Nghĩa Chánh thời gian qua bận nhiều việc. Chúng tôi kiểm tra đúng là có vấn đề này. Tuy nhiên, không vì công việc nhiều mà xử lý quá chậm những thủ tục người dân cần. Nhất là cháu bé khuyết tật cần xác nhận để đi học", ông Danh nói.
Ngày 21-8, Tuổi Trẻ Online có bài viết "Chậm xác nhận 'khuyết tật” cho cháu bé đi học vì... cán bộ bận quá nhiều việc" phản ánh việc chị Giang, mẹ cháu V.T.P., gửi hồ sơ xác nhận khuyết tật tâm thần cho con kịp nhập học lớp 1.
Nhưng chị chờ 40 ngày mà hồ sơ vẫn chưa được chuyển lên lãnh đạo UBND phường Nghĩa Chánh, để thành lập hội đồng xác nhận khuyết tật cho cháu.
Ngày 22-8, ông Trà Thanh Danh, chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, có công văn đề nghị các Phòng Nội vụ, Giáo dục - Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội cùng UBND phường Nghĩa Chánh... khẩn trương kiểm tra, báo cáo kết quả xử lý nội dung liên quan đến việc chậm xác nhận khuyết tật cho cháu bé đi học mà báo Tuổi Trẻ phản ánh.
Song song với báo cáo sự việc, ông Danh yêu cầu các đơn vị liên quan có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi và đốc thúc kết quả thực hiện. Đồng thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, không để tái diễn trong thời gian tới. (Tuoitre.vn 28/8, Trần Mai)Về đầu trang
Gánh nặng ngân sách làm đường cao tốc quá lớn
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng nếu không có cơ chế tạo nguồn tài chính thì sẽ không bảo đảm mục tiêu phát triển 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030, bởi kinh phí quá lớn, ngân sách nhà nước không gánh nổi.
Hiện cả nước có hơn 1.700 km đường cao tốc đang vận hành, dự kiến đến năm 2030 có 5.000 km và đến năm 2050 là 9.000 km. Đó là chưa kể hệ thống đường vành đai Hà Nội, TP HCM đang triển khai. Đây là khối tài sản rất lớn của nhà nước, cần phải được quản lý, khai thác tốt mới mang lại hiệu quả đầu tư.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2023 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nguồn vốn đầu tư cần khoảng 813.000 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393.000 tỉ đồng để hoàn thành 2.043 km và khởi công 925 km. Tính chung trong 10 năm tới, yêu cầu ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng đường cao tốc lên đến hơn 239.000 tỉ đồng, bình quân 24.000 tỉ đồng/năm.
Với kinh phí lớn như vậy, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng nếu không có cơ chế tạo nguồn tài chính cho việc đầu tư, phát triển, bảo trì đường bộ nói chung, đường cao tốc nói riêng, thì sẽ không bảo đảm mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ, hiện đại, đạt mục tiêu 5.000 km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ngoài ra, không bảo đảm việc thu hồi vốn đầu tư của nhà nước đối với dự án đường cao tốc sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công.
Để giải quyết khó khăn trên, tại điều 52 dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc theo 5 phương thức. Cụ thể: Nhà nước trực tiếp tổ chức khai thác (quản lý, thu phí, bảo trì); chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng đường cao tốc; cho thuê quyền khai thác; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc; nhượng quyền kinh doanh - quản lý theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (O&M).
Theo Bộ GTVT, việc áp dụng các phương thức nhượng quyền như đề xuất trong dự thảo luật sẽ giúp thu hút được nguồn lực từ khu vực tư nhân đầu tư, phát triển, bảo trì đường cao tốc, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Người dân, doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng dịch vụ chất lượng, mức chi phí phù hợp từ hệ thống đường cao tốc hiện đại, an toàn.
Một lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam khẳng định việc nhượng quyền O&M sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn so với phương án nhà nước tự trực tiếp tổ chức khai thác. Bởi lẽ, nhà nước được nhận một khoản tiền chuyển nhượng và không phải bố trí vốn hằng năm cho vận hành, bảo trì. Việc thu được số tiền lớn tại một thời điểm có giá trị lớn hơn so với việc phân bổ nhỏ lẻ số tiền thu được kéo dài theo thời gian.
Bên cạnh đó, việc nhượng quyền O&M còn mang lại các giá trị không quy đổi được thành tiền, như: thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực ngoài nhà nước tham gia vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tinh giản bộ máy nhà nước. (Nld.com.vn 28/8, Văn Duẩn)Về đầu trang
Ngành thuế thu khoảng 25.600 tỷ đồng tiền nợ thuế
Theo Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước tính đến cuối tháng 7/2023 là 151.325 tỷ đồng, giảm 0,4% so với thời điểm ngày 30/6/2023, tăng 2,4% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Lũy kế tính đến cuối tháng 7/2023, ngành thuế ước thu được 25.608 tỷ đồng tiền nợ thuế.
Theo Tổng cục Thuế, số liệu tổng hợp tiền thuế nợ trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) cho thấy, tính đến thời điểm ngày 31/7/2023, một số cục thuế có tiền thuế nợ tăng cao so với thời điểm ngày 31/12/2022. Qua kết quả làm việc với Kiểm toán Nhà nước về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, vẫn còn địa phương thực hiện phân loại nợ chưa chính xác.
Để góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023, giảm nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ thuế năm 2023, về việc phân loại nợ, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế địa phương thực hiện rà soát, đảm bảo phân loại nợ đúng theo tính chất của từng khoản; hồ sơ phân loại nợ phải đầy đủ theo hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế.
Trường hợp sau khi rà soát, phát hiện khoản nợ đã phân loại chưa đầy đủ hồ sơ, chưa đúng tính chất nợ thì cục thuế phải hoàn thiện hồ sơ phân loại hoặc thực hiện phân loại lại để đảm bảo số liệu tiền thuế nợ theo dõi trên hệ thống TMS được phân loại đúng tính chất nợ và có đầy đủ hồ sơ. (VTV.vn 28/8)Về đầu trang
Chủ tịch TP HCM phê bình 25 đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa ký báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện giải ngân năm 2023 của thành phố
Theo đó, TP HCM đã phân bổ chi tiết 98% số vốn ngân sách Trung ương được giao trong năm 2023 (14.996/15.292 tỉ đồng) và cơ bản phân bổ toàn bộ số vốn ngân sách địa phương năm 2023 theo số giao của Thủ tướng Chính phủ (53.493 tỉ đồng).
Thời gian tới, UBND TP HCM chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án và quyết toán các dự án hoàn thành đúng thời hạn.
Đối với các dự án còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc thì theo dõi, đeo bám, đề xuất các giải pháp và có lộ trình thực hiện cụ thể.
UBND thành phố cũng giao các sở, ngành chấn chỉnh, đôn đốc các phòng, ban và rà soát, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục tại cơ quan mình, đặc biệt là các thủ tục đầu tư các dự án đầu tư được giao vốn trong năm 2023.
Đối với các dự án chậm hoặc chưa giải ngân do thủ tục quyết toán, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành, trình Sở Tài chính hoặc UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức. (Nld.com.vn 28/8, Phan Anh)Về đầu trang
Lâm Đồng: Khởi tố nguyên Trưởng Phòng TN&MT giao khống đất rừng
Ngày 28-8, Công an huyện Bảo Lâm cho biết đã khởi tố hai bị can Nguyễn Văn Năm (nguyên trưởng Phòng tài nguyên và môi trường huyện Bảo Lâm) và Nguyễn Minh Thành (trưởng phòng kỹ thuật thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đambri) liên quan đến vụ án giao khống đất rừng.
Việc khởi tố 2 bị can trên liên quan cụ thể đến quá trình điều tra mở rộng vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến mất rừng tại tiểu khu 491 (xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm). Ông Năm bị khởi tố vì những sai phạm khi còn làm trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đambri.
Trước đó, Công an huyện Bảo Lâm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Đường Hòa Bình (nguyên phó Ban Quản lý rừng phòng hộ Đambri).
Theo điều tra, năm 2006, áp dụng theo quyết định 178/2001 của Chính phủ về việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp, các bị can trên cùng một số cán bộ xã Lộc Nam lấy thông tin các hộ dân thuộc đối tượng giao rừng và đất lâm nghiệp, để lập khống hồ sơ giao cho doanh nghiệp nhằm trục lợi.
Cụ thể, những bị can trên đã lập khống hồ sơ đưa 7 hộ dân vào danh sách nhận khoán 130ha rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu 491 (xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm). (Tuoitre.vn 28/8, M.V)Về đầu trang
Khiển trách Đảng ủy Sở GTVT Thừa Thiên Huế vì để cấp dưới tham nhũng
Ngày 28-8, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết vừa thông qua kết quả kiểm tra và thi hành kỷ luật tại Đảng ủy Sở Giao thông vận tải tỉnh.
Theo đó, sau quá trình kiểm tra tại đơn vị này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy Đảng ủy Sở Giao thông vận tải tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 thực hiện chưa đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Đơn vị này đã thiếu kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý kịp thời tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cấp dưới. Cụ thể là để một số cán bộ, đảng viên của Chi bộ Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật khiến dư luận bức xúc.
Trước đó như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đào Hữu Long (nguyên giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thừa Thiên Huế) để điều tra về hành vi nhận hối lộ cùng với các sai phạm diễn ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thừa Thiên Huế trong nhiều năm liền.
Trước những vi phạm trên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã quyết định kỷ luật khiển trách đối với Đảng ủy Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra, giám đốc và phó giám đốc sở này cũng bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy yêu cầu "rút kinh nghiệm sâu sắc". (Tuoitre.vn 28/8, Nhật Linh)Về đầu trang
Singapore thúc đẩy chăm sóc bệnh nhân nội trú tại nhà
Tại Singapore, chương trình thí điểm chăm sóc bệnh nhân nội trú tại nhà đang được triển khai ở các bệnh viện công. Chương trình được kỳ vọng sẽ giảm tải áp lực cơ sở vật chất cho các bệnh viện, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo điều kiện chăm sóc tốt nhất cho các bệnh nhân.
Dịch vụ chăm sóc tại nhà này là một phần trong chương trình thí điểm đang được giới chức Singapore áp dụng với các bệnh viện công. Những bệnh nhân ở trong tình trạng gần phục hồi sẽ được đưa về nhà, thay vì tiếp tục nằm lại bệnh viện. Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, tư vấn từ xa và hướng dẫn kỹ lưỡng người thân cách thức chăm sóc bệnh nhân.
Việc chăm sóc bệnh nhân tại nhà sẽ giúp giảm tải áp lực cho các bệnh viện, dành giường bệnh cho những trường hợp khẩn cấp hơn. Bên cạnh đó, theo giới chức Singapore, việc để bệnh nhân phục hồi tại nhà cũng sẽ giúp giảm đáng kể chi phí chăm sóc y tế. Dự kiến gần 1.000 bệnh nhân sẽ được hưởng lợi từ chương trình này.
Ông Lai Yi Feng, Trợ lý Giám đốc, Văn phòng Chuyển đổi Y tế, Bộ Y tế Singapore, nhận định: "Mô hình chăm sóc này có tiềm năng giảm quy mô hóa đơn chăm sóc y tế từ 20% đến thậm chí 40%. Chúng tôi đang cố gắng theo dõi các yếu tố chi phí một cách toàn diện".
Khi quá trình thử nghiệm kết thúc trong năm 2024, các kế hoạch chuyển tiếp theo sẽ được thực hiện. Giới chức y tế Singapore sẽ đánh giá dữ liệu thu thập được để xem xét liệu chương trình có thể được mở rộng như một dịch vụ y tế thông thường tại bệnh viện hay không. (VTV.vn 28/8)Về đầu trang./.
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 28/8/2023 (28/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 25/8/2023 (25/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 24/8/2023 (24/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 23/8/2023 (23/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 22/8/2023 (22/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 21/8/2023 (21/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 18/8/2023 (18/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 17/8/2023 (17/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 16/8/2023 (16/08/2023)
- Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 15/8/2023 (15/08/2023)