Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 25/8/2023

9:31, Thứ Sáu, 25-8-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIN QUỐC HỘI

1.        Khoản trích từ tiền thu hồi qua thanh tra: Không được chi phúc lợi cho cán bộ

2.        Bỏ quy định giao dịch bất động sản phải thông qua sàn

3.        Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Đưa vào luật để chính thức hóa quản lý OTT”

4.        “Sẽ chỉ có một mức khởi điểm khi đấu giá sim số đẹp”

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

5.        Toàn cảnh tăng trưởng GDP quý II/2023 ASEAN-6: Indonesia dẫn đầu, Việt Nam xếp thứ mấy?

6.        Một chỉ số kinh tế Việt Nam nhảy vọt hơn 100 bậc trên thế giới, vượt qua Hàn Quốc, Đan Mạch…

7.        Đang có sự dịch chuyển vốn của nhà đầu tư Tây Âu, Bắc Mỹ đến Việt Nam

8.        Thu hút vốn FDI, nhìn từ Bắc Giang

9.        Thanh Hóa: Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thông qua nền tảng số

QUẢN LÝ

10.     Hà Nội yêu cầu chậm nhất 30/8 các đơn vị gửi dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính

11.     TPHCM: Đề xuất thí điểm đào tạo lý thuyết lái xe ô tô trên nền tảng số

12.     Hàng loạt công chức, viên chức Bình Thuận nghỉ việc

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

13.     Chủ tịch Nghệ An: 10 ngày/1 lần, chủ đầu tư giải ngân vốn chậm phải báo cáo tiến độ

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

14.     Cà Mau: Thêm 4 cán bộ bị kỷ luật trong vụ cưỡng chế nhầm nhà không phép

THẾ GIỚI

15.     Động thái mới của Trung Quốc khiến nhà đầu tư nước ngoài lo ngại

16.     Nhật Bản tiếp tục trợ cấp xăng dầu giúp người dân đối phó lạm phát

 

TIN QUỐC HỘI

Khoản trích từ tiền thu hồi qua thanh tra: Không được chi phúc lợi cho cán bộ

Sáng 24-8, tiếp tục phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay dự thảo nghị quyết quy định rõ đối tượng được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước là các cơ quan thanh tra theo đúng quy định của Luật Thanh tra. Cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành thì không được trích.

Dự thảo đã quy định rõ các khoản được trích để bảo đảm minh bạch, tránh hiểu khác nhau. Theo đó, các khoản được trích gồm: Các khoản thu ngân sách Nhà nước bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng không đúng quy định của pháp luật hoặc bị thất thoát do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra được thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước.

Các khoản chi ngân sách nhà nước sai chế độ, định mức, tiêu chuẩn được thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

tích trong công tác thanh tra.

Theo ông Đoàn Hồng Phong, dự thảo đã được chỉnh lý không quy định chi phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan thanh tra.

“Việc chi khen thưởng, thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan thanh tra, tại các bộ, ngành, địa phương được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù thì chỉ được áp dụng một mức cao nhất theo quy định của nghị quyết này hoặc theo cơ chế, chính sách đặc thù”- ông Phong nói.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua những nội dung cơ bản của nghị quyết. Riêng về mức trích, do đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị giữ nguyên như hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lấy ý kiến bằng phiếu, trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành nghị quyết.

Nghị quyết này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và áp dụng từ năm ngân sách 2024. (Plo.vn 24/8, Đức Minh)Về đầu trang

Bỏ quy định giao dịch bất động sản phải thông qua sàn

Chiều 24.8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, thực tiễn tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cho thấy, các sàn giao dịch bất động sản hiện nay không bảo đảm minh bạch, không bảo đảm tính an toàn pháp lý của giao dịch vì sàn giao dịch bất động sản là một bên hưởng lợi ích trong quan hệ giao dịch.

Việc bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản là không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, cản trở quyền tự do kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng quy định của pháp luật để độc quyền, làm lũng đoạn thị trường, không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, bền vững.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng: bỏ quy định về các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản tại chương VII dự thảo luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và khách hàng được tự do lựa chọn phương thức giao dịch.

Bổ sung khoản 7 Điều 8 dự thảo Luật về chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản, theo đó “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản”.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, dự thảo luật được chỉnh sửa theo hướng các trường hợp giao dịch bất động sản, chuyển nhượng dự án bất động sản của tổ chức, cá nhân có tính đặc thù và không phải là hoạt động kinh doanh bất động sản thì không quy định tại khoản 3 Điều 9 mà chuyển lên khoản 2 Điều 1 quy định về các trường hợp không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, đối với trường hợp tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, có 2 phương án như sau:

Phương án 1: Đề nghị không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản đối với trường hợp tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình không nhằm mục đích kinh doanh và quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật.

Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động trên nhằm mục đích kinh doanh thì phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có ngành nghề kinh doanh bất động sản theo quy định tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật.

Phương án 2: Đề nghị giữ quy định tại khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật. Theo đó trường hợp tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình nhằm mục đích kinh doanh không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng phải tuân thủ điều kiện đối với bất động sản đưa vào kinh doanh và kê khai nộp thuế đối với hoạt động giao dịch bất động sản.

Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với phương án 1 vì hoạt động kinh doanh bất động sản được điều chỉnh theo Luật Kinh doanh bất động sản là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do những chủ thể được đăng ký ngành, nghề kinh doanh chuyên nghiệp, không điều chỉnh đối với các giao dịch dân sự thông thường.

 

Việc bắt buộc tổ chức, cá nhân giao dịch bất động sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình phải tuân thủ điều kiện về bất động sản đưa vào kinh doanh dẫn đến mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Trong khi đó chưa có đánh giá tác động của chính sách, chưa làm rõ được sự cần thiết về quản lý nhà nước đối với các trường hợp này. (Laodong.vn 24/8, Phạm Đông)Về đầu trang

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Đưa vào luật để chính thức hóa quản lý OTT”

Tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 24/8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khi được thông qua, dự luật sẽ định nghĩa đầy đủ, tường minh hơn ba dịch vụ gồm trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT).

"Các dịch vụ này ngày càng quan trọng, nhưng lại chưa được đề cập ở đâu cả. Đưa vào luật nhưng trên cơ sở quản lý mềm, thúc đẩy sự phát triển và đảm bảo sự lành mạnh", ông Hùng nói.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng việc đưa ba dịch vụ vào quản lý phù hợp "bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ với xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin".

Bên cạnh đó, thị trường đã xuất hiện một số dịch vụ cung cấp thêm các tính năng tương tự dịch vụ viễn thông truyền thống. Các dịch vụ này cần được điều chỉnh với phương thức phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển.

"Dịch vụ OTT viễn thông được điều chỉnh sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nhiều nước đã quy định OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông, được quản lý theo pháp luật về viễn thông", ông Huy nêu.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật sẽ chỉnh lý theo hướng "quản lý nhẹ" đối với ba dịch vụ nêu trên, không hạn chế tỷ lệ vốn góp nước ngoài đối với hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông tại Việt Nam. Tuy nhiên, dự thảo bổ sung quy định rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp ba dịch vụ trên, tập trung bảo đảm chất lượng dịch vụ; quyền của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin; giảm bớt một số nghĩa vụ so với các dịch vụ viễn thông truyền thống.

Trước đó, một số nhà mạng phản ánh họ phải đầu tư cho hạ tầng Internet, nhưng bị cạnh tranh bởi chính các dịch vụ trên mạng. Tại cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 6/4, ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom, cho biết trong khi các doanh nghiệp viễn thông đang chứng kiến sự suy giảm lớn trong các dịch vụ như gọi điện thoại và SMS, những dịch vụ OTT lại phát triển mạnh mẽ, một số tăng trưởng ở mức hai con số. Do đó, các nhà mạng mong dự luật mới của Bộ có biện pháp để OTT chia sẻ doanh thu với nhà mạng để tăng cường đầu tư cho hạ tầng

Dự kiến, Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) tại kỳ họp 6 vào tháng 10. (Vnexpress.net 24/8, Sơn Hà)Về đầu trang

“Sẽ chỉ có một mức khởi điểm khi đấu giá sim số đẹp”

Tại phiên cho ý kiến về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 24/8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện trong kho số có hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu số điện thoại đẹp. Tuy nhiên, vướng mắc là theo quy định cũ phải thuê tư vấn định giá từng số một.

"Chi phí thẩm định giá số đẹp có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng khi bán đi chỉ có chục triệu đồng, nên quy định trước đây không khả thi", ông Hùng nói và cho biết dự thảo sẽ ấn định một mức giá khởi điểm cố định cho tất cả số đẹp. "Mỗi số đưa ra đấu giá được hàng triệu người quan tâm, nên việc định giá sẽ do thị trường quyết định. Việc này cũng tránh tình trạng chi phối giá, đảm bảo sự minh bạch, tăng tính khả thi".

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng quy định pháp luật về đấu giá và sử dụng kho số tương đối đầy đủ. Song, việc đấu giá vẫn khó thực hiện vì "không xác định được giá khởi điểm". Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) cần tập trung xử lý vấn đề về kho số viễn thông, tên miền quốc gia phù hợp với Luật Đấu giá tài sản và các luật chuyên ngành.

"Việc xác định mức khởi điểm để đấu giá một số loại tài sản cần đưa ngay trong dự thảo là cần thiết để đảm bảo tính khả thi", ông nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, vấn đề đấu giá trong thời gian qua, từ Luật Tần số đến Luật Viễn thông đều đang có vướng mắc. Nguyên nhân quan trọng là khó xác định giá khởi điểm.

Theo dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động được xác định bằng GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước lúc đấu giá và chia cho một ngày. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng, quy ra ngày là khoảng 262.000 đồng.

Theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, đề xuất giá khởi điểm như trên không quá cao, cũng không quá thấp, phù hợp khả năng chi trả của người dân khi tham gia đấu giá. (Vnexpress.net 24/8, Sơn Hà)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Toàn cảnh tăng trưởng GDP quý II/2023 ASEAN-6: Indonesia dẫn đầu, Việt Nam xếp thứ mấy?

Tính đến hôm nay, toàn bộ các nước trong khu vực ASEAN-6 bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines đã công bố kết quả tăng trưởng GDP quý II/2023. Với tăng trưởng GDP quý II/2023 đạt 4,14%, Việt Nam sẽ xếp thứ mấy trong nhóm các nước ASEAN-6?

Indonesia: Cơ quan Thống kê Indonesia cho biết, tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong quý II/2023 bất ngờ tăng tốc lên mức cao nhất trong ba quý trở lại đây. Cụ thể, GDP của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong quý II/2023 tăng 5,17% so với cùng kỳ , được hỗ trợ bởi chi tiêu Chính phủ và hộ gia đình.

Philippines: GDP của Philippines trong quý II/2023 đã tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo Cơ quan Thống kê Philippines, tốc độ tăng đã giảm tốc trong quý thứ ba liên tiếp trong bối cảnh chi tiêu của Chính phủ chậm lại. Theo đó, chi tiêu Chính phủ và đầu tư tư nhân cũng giảm so với cùng kỳ trong quý II, với mức giảm lần lượt là 7,1% và 0,04%, từ mức 10,9% và 17,2% hồi quý II/2022.

Việt Nam: Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước , chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,25%, đóng góp 8,53% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,50%, đóng góp 23,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,11%, đóng góp 67,84%.

Malaysia: Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Malaysia, tăng trưởng kinh tế của quốc gia này trong quý II/2023 đạt mức thấp nhất trong gần hai năm do xuất khẩu sụt giảm và suy thoái toàn cầu. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Malaysia chỉ đạt 2,9% trong quý II/2023, thấp hơn mức tăng trưởng 5,6% trong quý I/2023.

Thái Lan: Trong công bố mới nhất về tình hình kinh tế Thái Lan do Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC), tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á trong quý II/2023 ghi nhận đạt 1,8% so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn so với mức tăng trưởng 2,6% được ghi nhận vào quý trước đó. Theo đó, nền kinh tế chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng tiêu dùng tư nhân mặc dù đầu tư tư nhân và xuất khẩu dịch vụ chậm lại

Singapore: Theo công bố của Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore, trong quý II/2023, GDP của Singapore ghi nhận mức tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái , cao hơn mức 0,4% trong quý I/2023.

Như vậy, với kết quả này, Indonesia là quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực ASEAN-6 trong quý II/2023, với tăng trưởng GDP đạt 5,17%. Đứng thứ hai là Philippines với GDP quý II/2023 tăng 4,3% so với cùng kỳ. Với tăng trưởng GDP ở mức 4,13%, kinh tế Việt Nam đứng thứ ba trong khối các nước ASEAN-6 về kết quả tăng trưởng GDP trong quý II/2023. Theo sau là Malaysia với tăng trưởng GDP quý II/2023 đạt 2,9% so với cùng kỳ. Xếp vị trí thứ 5 và thứ 6 lần lượt là Thái Lan và Singapore, với tăng trưởng GDP lần lượt đạt 1,8% và 0,7%. (Markettimes.vn 24/8)Về đầu trang

Một chỉ số kinh tế Việt Nam nhảy vọt hơn 100 bậc trên thế giới, vượt qua Hàn Quốc, Đan Mạch…

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1986, vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam đạt khoảng 3 triệu USD, xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN và thứ 136/160 trên thế giới.

Đến năm 2022, Việt Nam thu hút được khoảng 19 tỷ USD, xếp thứ 3/10 trong khối ASEAN và thứ 28 trên thế giới. Như vậy, Việt Nam nhảy từ vị trí thứ 136 lên thứ 28, nhảy 108 bậc trong bảng xếp hạng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới giai đoạn 1986 - 2022 . Cùng với đó, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng hơn 6.000 lần trong giai đoạn 1986 - 2022.

Năm 2022, 30 nước thu hút vốn FDI nhiều nhất thế giới gồm có: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore, Pháp, Ireland, Đức, Canada, Thụy Điển, Brazil, Ấn Độ, Tây ban nha, Nam Phi, Nga, Ba Lan, México, Nhật Bản, Hungary, Úc, Bỉ, Phần Lan, Áo, Israel, Indonesia, UAE, Ả Rập Saudi, Ý, Malaysia, Việt Nam, Hàn Quốc, Chile, Đan Mạch.

Theo đó, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc, Chile, Đan Mạch… trong trong bảng xếp hạng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới năm 2022.

Xét riêng các nước trong khối ASEAN, năm 1986, Việt Nam xếp thứ 9/10 các quốc gia trong khối ASEAN về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Singapore là quốc gia thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất, đạt khoảng 1,71 tỷ USD.

Sang năm 1992, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã vượt qua nhiều quốc gia trong khu vực và xếp thứ 5/10 các quốc gia trong khối ASEAN. Lúc này, Việt Nam thu hút được khoảng 174 triệu USD. Sau đó, đến năm 1994, Việt Nam nhảy thêm một bậc nữa trong bảng xếp hạng, xếp thứ 4/10 trong khối ASEAN. Cụ thể, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam (1,94 tỷ USD) vào năm 1994.

Đến năm 2001, dòng vốn FDI vào Việt Nam lần đầu tiên xếp thứ 3/6 trong bảng xếp hạng với vốn FDI đạt 1,3 tỷ USD, xếp sau Singapore (17,01 tỷ USD) và Thái Lan (5,07 tỷ USD). Do đó, sau 13 năm, Việt Nam từ vị trí thứ 9/10 đã vượt lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng các quốc gia thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất trong khối ASEAN.

Giai đoạn 2001-2022, thứ hạng các quốc gia trong bảng xếp hạng thu hút dóng vốn FDI có sự thay đổi liên tục. Trong đó, Singapore là nước liên tục dẫn đầu về thu hút dòng vốn FDI trong nhiều năm.

Cùng với đó, Việt Nam có 2 lần xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng các quốc gia thu hút dòng vốn FDI lớn nhất trong khối ASEAN với vốn FDI đạt 9,58 tỷ USD vào năm 2008 và 7,6 tỷ USD vào năm 2009.

Từ năm 2015-2022, Việt Nam liên tục giữ vững vị trí thứ 3/10 trong bảng xếp hạng quốc gia thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất trong khối ASEAN. (Markettimes.vn 24/8)Về đầu trang

Đang có sự dịch chuyển vốn của nhà đầu tư Tây Âu, Bắc Mỹ đến Việt Nam

Ngày 24/8, chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) lần thứ 3 - năm 2023, do Báo Đầu tư tổ chức, ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài, xuất phát từ chiến lược Trung Quốc + 1 của nhiều công ty đa quốc gia để chia sẻ rủi ro, hay tạm gọi là không muốn bỏ trứng vào một giỏ.

Chiến lược Trung Quốc + 1 khởi nguồn từ các nhà đầu tư Nhật Bản, đến tiếp là Hàn Quốc, sau đó là nhà đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ.

Bên cạnh yếu tố này, còn nhiều yếu tố khác như chiến tranh thương mại, xung đột Nga - Ukraine, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Do vậy, nhiều nhà đầu tư đã định hình lại dòng vốn để tận dụng cơ hội và tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng, trong đó Đông Nam Á nổi lên như một “bệ đỡ” trong sự đứt gãy chuỗi cung ứng.

Có một điều dễ nhận thấy về xu hướng đầu tư vào Việt Nam là hơn 60% số vốn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành này thu hút nguồn vốn lớn tập trung vào các khu công nghiệp có hạ tầng sẵn, mặt bằng sạch, khả năng cung cấp năng lượng, xử lý nước thải ổn định, có hạ tầng xã hội tiện ích cho người lao động, đây là một lợi thế rất lớn.

Từ năm 2013 trở lại đây, lý do vì sao bất động sản công nghiệp phát triển rất "nóng", vì Luật Đất đai 2013 cho phép nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất của nhà nước, thuê hạ tầng của khu công nghiệp, còn dự án bên ngoài khu công nghiệp nhà nước chỉ thu hồi đất một số dự án nhất định để cho nhà đầu tư thuê, nhưng xu hướng đó không nhiều,

Nhìn trên bản đồ đầu tư và số liệu thống kê, trong top 5 địa điểm đầu tư lớn nhất vào Việt Nam đa phần là các nhà đầu tư ở khu vực Đông Bắc Á và Singapore. Bởi vì có một điểm chung là các nhà đầu tư Đông Bắc Á với Việt Nam là có sự tương đồng về mặt văn hóa (văn hóa dùng đũa). Ngoài ra, khoảng cách địa lý gần nhau cũng có tác động đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư khu vực này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây dòng vốn đầu tư có dịch chuyển tương đối của các nhà đầu tư từ khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha vào các ngành năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó cũng có sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư khu vực Bắc Mỹ đặc biệt là các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip.

Thời gian tới, Việt Nam khuyến khích thu hút đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường. Trong 2 năm vừa qua, khi Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì rất nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo.

Cùng với các tập đoàn này thì có hàng loạt doanh nghiệp chế biến, chế tạo cũng muốn đầu tư vào Việt Nam để sản xuất các thiết bị phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo. (Baodautu.vn 24/8)Về đầu trang

Thu hút vốn FDI, nhìn từ Bắc Giang

Năm 2006, sau 20 năm mở cửa nền kinh tế, Bắc Giang mới chỉ thu hút được 20 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Tới nay, Bắc Giang đã nhiều lần đứng đầu trong danh sách các địa phương thu hút vốn FDI. Dưới đây là chia sẻ của ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc về đầu tư khu công nghiệp tại Bắc Giang - về phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Giang.

Năm 2023, Bắc Giang đặt mục tiêu thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI. 7 tháng đầu năm tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư cho 47 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD. Đây thực sự là những con số ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang u ám và một số địa phương khác “thất bát” trong thu hút vốn đầu tư.

Khu công nghiệp Quang Châu được xem là một trong những điển hình thành công trong phát triển khu công nghiệp của Bắc Giang. Khu công nghiệp hiện hữu 426 ha đã được lấp đầy 100% diện tích, thu hút 41 dự án đầu tư, bao gồm 37 dự án FDI, 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư lên tới 2,8 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 67.000 lao động. Trong đó, có dự án của các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng như Foxconn, Luxshare-ICT, JA Solar, Siflex, Samkwang, Crystal Martin, Lens…

Thành công này là tiền đề để chúng tôi mở rộng khu công nghiệp này từ 426 ha lên 516 ha. Giai đoạn mở rộng với diện tích hơn 90 ha đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm khảo sát, đăng ký thuê với tỷ lệ lấp đầy dự kiến đạt hơn 90%.

Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi trong suốt quá trình KBC đầu tư khu công nghiệp tại Bắc Giang là lãnh đạo tỉnh đón tiếp rất nồng hậu, luôn quan tâm và hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư để nhanh chóng triển khai dự án. Câu chuyện thành công của Bắc Giang mà tôi nhắc tới nhằm rút ra những bài học lưu ý cho các địa phương trong thu hút dòng vốn FDI.

Với xu hướng phát triển xanh khắp thế giới hiện nay, các địa phương không còn thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá, thay vào đó chọn con đường bền vững, dài hạn. Việc quan tâm ưu tiên thu hút dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, dự án trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ là chiến lược thu hút đầu tư mấu chốt. Để thực hiện chiến lược thu hút đầu tư chọn lọc này, theo tôi, các tỉnh cần làm những việc sau:

Thứ nhất, đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng chung của tỉnh và cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Thời gian qua, nhiều địa phương đã đẩy mạnh đầu tư và hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, tập trung bố trí nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp như hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc, cấp thoát nước; hạ tầng xã hội, các loại dịch vụ và thương mại, trường học...

Tuy vậy, cũng cần xây dựng các khu công nghiệp gắn với khu đô thị, góp phần giải quyết được vấn đề về nhà ở công nhân, bảo đảm cuộc sống của người lao động trong khu công nghiệp và sau này tiến tới xây dựng môi trường làm việc, sinh sống đẳng cấp với các ngành sản xuất công nghệ cao, hiện đại, gắn với các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó.

Thứ hai, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp. Tại các địa phương thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài, không hẳn chính sách có nhiều khác biệt, mà “bí quyết” nằm ở sự vào cuộc quyết liệt, tính năng động thể hiện khát vọng phát triển của lãnh đạo tỉnh. Sự thân thiện của chính quyền, nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các nhà đầu tư đã tạo nên lợi thế của địa phương, ngoài vị trí địa lý và nguồn nhân lực dồi dào.

Thứ ba, chiến lược thu hút đầu tư khác biệt và quản lý các dự án đầu tư hiệu quả. Các tỉnh cần đa dạng, chuyên nghiệp hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang thu hút đầu tư chủ động và có chọn lọc các dự án đầu tư theo bộ tiêu chí đã ban hành.

Thứ tư, tập trung cho công tác quy hoạch, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng khu công nghiệp. Chẳng hạn, để tạo quỹ đất sạch, kịp thời đón các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn kinh tế thế giới thuộc chuỗi cung ứng của Apple, Samsung, Honda..., Bắc Giang đã đôn đốc việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp tập trung, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư đã được duyệt. (Baobacgiang.com.vn 24/8, PV)Về đầu trang

Thanh Hóa: Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thông qua nền tảng số

Ngày 24/8, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị ứng dụng nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động, tỉnh Thanh Hóa luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo ra tăng trưởng mới, thúc đẩy sự phát triển...

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số luôn được tỉnh quan tâm thực hiện nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cũng theo ông Liêm, sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng trực tuyến đã làm thay đổi các phương thức quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh; các tiện ích thông minh được ứng dụng ngày càng nhiều để hỗ trợ công tác quản lý, thay thế dần các phương thức truyền thống.

“Chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, hiệu quả đạt được còn thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thấy rõ được nhu cầu, sự cần thiết phải chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh còn ít, một số chưa nhận thức đúng về vai trò, chưa xác định được lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt là tâm lý do ngại về tính an toàn, bảo mật thông tin”, ông Liêm nói.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng đưa ra các kiến nghị về hỗ trợ các chính sách, chương trình giúp doanh nghiệp vay vốn thông qua ứng dụng nền tảng số mà các ngân hàng đang cung cấp để tiếp cận dễ dàng. (Vietnamnet.vn 24/8, Trần Nghị)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Hà Nội yêu cầu chậm nhất 30/8 các đơn vị gửi dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính

UBND thành phố Hà Nội vừa lên kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố. Theo yêu cầu của UBND thành phố, việc sắp xếp đơn vị hành chính phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, có sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy Đảng, đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, không gây xáo trộn trong đời sống sinh hoạt của nhân dân.

UBND thành phố sẽ xây dựng và trình phương án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025. Các quận, huyện, thị xã (không bao gồm các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Đông Anh) căn cứ số liệu diện tích tự nhiên, quy mô dân số của từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do cơ quan có thẩm quyền cung cấp... để xây dựng dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính báo cáo Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy chỉ đạo, cho ý kiến trước khi triển khai các bước tiếp theo.

UBND thành phố yêu cầu, chậm nhất ngày 30/8/2023, các đơn vị gửi tờ trình kèm theo dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương giai đoạn 2023-2025.

Từ ngày 1-20/9, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thành phố trực tiếp làm việc với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã để nghe dự thảo phương án, đồng thời thống nhất các nội dung chuẩn bị, tổng hợp báo cáo UBND thành phố trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính của thành phố.

Sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ Thành ủy, Sở Nội vụ tổng hợp phương án của các quận, huyện, thị xã; tham mưu UBND thành phố xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, báo cáo xin ý kiến Bộ Nội vụ trước ngày 31/10/2023.

Thường trực HĐND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo các Ban của HĐND thành phố phối hợp với các cơ quan có liên quan, thực hiện các trình tự, thủ tục thẩm định và trình HĐND thành phố xem xét, thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố theo tiến độ quy định trong kế hoạch của Chính phủ và thành phố.

Đồng thời ban hành kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, phải nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính, theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

UBND thành phố giao nhiệm vụ cho Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ.

Đồng thời, tiếp nhận, tổng hợp, xử lý các vấn đề liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính; tham mưu, hướng dẫn việc sắp xếp tổ chức bộ máy; bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Thực hiện tinh giản biên chế; đề xuất với cơ quan có thẩm quyền ban hành chế độ, chính sách đối với những trường hợp cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính. Sở Tài chính hướng dẫn công tác lập dự toán, định mức chi; việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp... (Tienphong.vn 24/8, Trần Hoàng)Về đầu trang

TPHCM: Đề xuất thí điểm đào tạo lý thuyết lái xe ô tô trên nền tảng số

Sở GTVT TPHCM vừa có văn bản gửi UBND Thành phố, đề xuất đề án thí điểm đào tạo tập trung trên nền tảng số với đào tạo nghề lái xe ô tô hạng B,C.

Cụ thể, Sở GTVT TPHCM đề xuất UBND Thành phố có văn bản kiến nghị Bộ GTVTcó ý kiến chấp thuận cho doanh nghiệp thực hiện đề án thí điểm đào tạo tập trung các môn học lý thuyết (gồm học, thời gian học, kiểm tra hết môn và thi tốt nghiệp) trên nền tảng số và hệ thống quản trị cơ sở đào tạo nghề lái xe ô tô hạng B1, B2 và C.

Các môn học gồm có Pháp luật giao thông đường bộ; Cấu tạo và sửa chữa thông thường; Nghiệp vụ vận tải; Đạo đức, Văn hóa giao thông và Phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; Kỹ thuật lái xe.

Theo Sở GTVT TPHCM, hình thức học tập của đào tạo trên nền tảng số là sử dụng công nghệ để giảng dạy, bao gồm các hình thức học tập sử dụng các công cụ và tài nguyên kỹ thuật số như máy tính, smartphone, Internet, phần mềm, ứng dụng, trang web…

Ưu điểm của hình thức này là người học có thể học theo cách tự giác và độc lập, tự học mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm chi phí, thời gian học tập linh động…

Sở GTVT TPHCM đề xuất thí điểm đề án trong 2 năm kể từ ngày được chấp thuận hoặc đến khi Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 được thay đổi. Phạm vi thí điểm là trên địa bàn TPHCM, do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hiệp Phát thực hiện.

Sau khi được Bộ GTVT chấp thuận, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện; đồng thời xem xét giải quyết đối với đề án đề xuất thí điểm (nếu có) của các cơ sở đào tạo lái xe khác trên địa bàn TPHCM nhằm tránh tình trạng độc quyền. (VTV.vn 24/8)Về đầu trang

Hàng loạt công chức, viên chức Bình Thuận nghỉ việc

Theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận, từ tháng 7-2022 đến hết tháng 4-2023, toàn tỉnh có 215 trường hợp có nguyện vọng thôi việc. Tình trạng công chức, viên chức ở một số địa phương xin nghỉ việc theo nguyện vọng có xu hướng tăng. Bên cạnh thu nhập thấp thì áp lực công việc được xem là nguyên nhân quan trọng.

Từ giữa năm ngoái đến ngày 30-4-2023, gần 36% số cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc tại tỉnh Bình Thuận là những người công tác trong ngành y. Nhiều trường hợp trong số này nghỉ việc do chế độ tiền lương trong khu vực nhà nước còn thấp.

Ông Đặng Thức Anh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, cho biết nguyên nhân các y - bác sĩ xin nghỉ việc ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập để sang tư nhân làm việc vẫn là thu nhập và môi trường làm việc chưa hấp dẫn. Ngoài ra, áp lực công việc kéo dài từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay cũng khiến nhiều y - bác sĩ xin nghỉ việc.

Yếu tố thu nhập không bảo đảm đủ nhu cầu cuộc sống cũng là nguyên nhân quan trọng khiến các thầy cô giáo tại tỉnh Bình Thuận bỏ việc có xu hướng tăng. Theo thống kê, hơn 50% cán bộ, công chức, viên chức có đơn thôi việc tại tỉnh Bình Thuận từ tháng 7-2022 đến hết tháng 4-2023 là những người công tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Phần lớn trong số này là các thầy cô công tác tại bậc học mầm non và tiểu học.

Ông Phan Đoàn Thái, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào đạo tỉnh Bình Thuận, cho rằng đối với các thầy cô mầm non và tiểu học hiện nay, chế độ, chính sách đãi ngộ còn quá thấp trong khi áp lực công việc tăng cao. "Giáo viên mầm non trong quy định là làm việc 8 giờ/ngày nhưng thực tế đa phần các cô làm việc 10-11 giờ/ngày. Trong khi đó, lương đa phần của các thầy cô mới ra trường thường dưới 5 triệu đồng/tháng, không tương xứng với sức lao động bỏ ra. Nên dù rất yêu nghề nhưng các thầy cô vẫn xin thôi việc vì không bảo đảm cuộc sống" - ông Thái nói.

Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận cho biết đang đề xuất các cấp thẩm quyền có chính sách cải thiện tiền lương, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, bảo đảm được nhu cầu, điều kiện sống cơ bản. Đặc biệt, cần có chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức chuyên môn về y tế, giáo dục. Sở này cũng sẽ tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh rà soát, sắp xếp vị trí việc làm, bố trí, phân công công việc khoa học, hợp lý, khắc phục tình trạng quá tải công việc đối với đội ngũ công chức, viên chức. (Nld.com.vn 24/8, Châu Tỉnh)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Chủ tịch Nghệ An: 10 ngày/1 lần, chủ đầu tư giải ngân vốn chậm phải báo cáo tiến độ

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Nghệ An là gần 7.135 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang). Tính đến ngày 10/8, tỉnh Nghệ An giải ngân được 2.438 tỷ đồng, đạt 34,18% kế hoạch. Trong đó, kế hoạch 2023 giải ngân đạt 36,02%, cao hơn cùng kỳ năm trước (33,37%); kế hoạch năm 2022 kéo dài sang 2023 mới đạt 27,54%.

Đến nay, Nghệ An đã có 24 đơn vị giải ngân trên 50% kế hoạch, có 35/70 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của tỉnh (dưới 34,18%), trong đó có 13 đơn vị chưa thực hiện giải ngân.

Tại Hội nghị giao ban của tỉnh Nghệ An diễn ra ngày 17/8, về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, lãnh đạo, các cơ quan, khối ban ngành, địa phương trực thuộc Tỉnh đã cùng đánh giá, tổng hợp kết quả, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An chậm và giải pháp cho những vấn đề được nêu ra tại Hội Nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, việc giải ngân các nguồn vốn này là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của các cấp chính quyền, đòi hỏi quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chính quyền phối hợp với cấp ủy các địa phương để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời các địa phương, sở, ngành phải tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết trong giải ngân vốn đầu tư công để đôn đốc các nhà thầu thực hiện đảm bảo tiến độ. Chấn chỉnh lại công tác tổ chức của các Ban Quản lý dự án. "Trong thời hạn 10 ngày/1 lần, các chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư chậm báo cáo tiến độ thực hiện với Sở Kế hoạch và Đầu tư", Chủ tịch Nguyễn Đức Trung yêu cầu.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An tiếp tục đôn đốc các cơ quan, địa phương đã ký cam kết về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tổng hợp danh sách các nhà thầu chậm tiến độ, nợ ứng lớn; không bố trí các dự án mới đối với các chủ đầu tư không hoàn thành nhiệm vụ. Các Sở, ngành phối hợp với các chủ đầu tư dự án giải quyết các khó khăn vướng mắc.

Đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện bố trí nguồn vốn vừa được phê duyệt; các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn. Đối với Chương trình Phục hồi kinh tế, đề nghị các chủ đầu tư rà soát lại việc giải ngân nguồn vốn để điều hòa nguồn vốn còn lại. Trên cơ sở tiến độ giải ngân nguồn vốn năm 2023, các địa phương, sở, ngành xây dựng kế hoạch vốn năm 2024… (Đầu tư 24/8, Thái Hòa)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Cà Mau: Thêm 4 cán bộ bị kỷ luật trong vụ cưỡng chế nhầm nhà không phép

Chiều 24/8, đại diện TT&TT Cà Mau cho biết, vừa phát thông báo chính thức của chính Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau đến các cơ quan báo chí về việc việc xử lý trách nhiệm những người liên quan trong vụ cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị, xảy ra tại khóm 4, phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Trong vụ việc trên, có tổng số 8 cá nhân liên quan công tác tham mưu, phối hợp thực hiện nhiệm vụ nhưng sơ suất, dẫn đến sai sót, trong đó có 6 người bị kỷ luật về mặt chính quyền từ mức khiển trách đến cảnh cáo.

Cụ thể, Phòng Quản lý đô thị thành phố Cà Mau có 4 cá nhân liên quan. Trong đó, 2 vị lãnh đạo phòng này bị kiểm điểm rút kinh nghiệm; 2 viên chức Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị thành phố Cà Mau bị kỷ luật hình thức khiển trách.

Đối với Ủy ban nhân dân phường 5, ngoài Chủ tịch và một vị Phó Chủ tịch bị hình thức khiển trách, còn có 2 công chức phụ trách Địa chính-Xây dựng-Đô thị và Môi trường bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo.

Trước đó, lực lượng chức năng liên ngành thành phố Cà Mau thi hành việc cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối căn nhà ông C, khóm 4, phường 5.

Tại thời điểm cưỡng chế, ông C. đề nghị để gia đình tự tháo dỡ, chỉ nhờ lực lượng cưỡng chế hỗ trợ di dời tài sản tháo dỡ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tháo dỡ, lực lượng hỗ trợ đã tháo dỡ luôn nhiều hạng mục của căn nhà kế cạnh (chỉ còn phần vách tường hai bên). (Nhandan.vn 24/8, Hữu Tùng)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Động thái mới của Trung Quốc khiến nhà đầu tư nước ngoài lo ngại

Theo hãng tin Reuters hôm 23-8, quyết định trên được đưa ra sau khi văn phòng của Mintz ở Bắc Kinh bị khám xét, làm dấy lên lo ngại về sự cởi mở của Trung Quốc đối với đầu tư nước ngoài.

Trước đó, Cục Thống kê Bắc Kinh hôm 5-7 cho biết công ty này đã thực hiện các cuộc điều tra thống kê liên quan đến nước ngoài mà không xin phép và không nhận được sự chấp thuận.

Trong một thông báo khác trên trang web của Cục Thống kê Bắc Kinh vào ngày 14-7, cơ quan này cho rằng Mintz đã thực hiện 37 cuộc điều tra thống kê như vậy từ tháng 3-2019 đến tháng 7-2022.

Cục Thống kê đã tịch thu 5,34 triệu nhân dân tệ (khoảng 17,6 tỉ đồng) mà Mintz thu bất hợp pháp và phạt công ty này khoảng 1,5 triệu USD.

Mintz Group có 60 ngày để nộp đơn kháng cáo và 6 tháng để nộp đơn kiện hành chính. Công ty khẳng định họ được cấp phép hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Trung Quốc và luôn hoạt động hợp pháp.

Theo trang web của Mintz Group, các dịch vụ của họ bao gồm kiểm tra lý lịch về các đối tác kinh doanh tiềm năng và nhân sự mới, thu thập thông tin cho các vụ kiện và điều tra nội bộ.

Nhà chức trách Trung Quốc đã khám xét văn phòng Mintz ở Bắc Kinh vào tháng 3 và bắt giữ toàn bộ 5 nhân viên địa phương. Động thái này khởi đầu cho chiến dịch siết quản lý các công ty tư vấn và thẩm định.

Các nhà vận động kinh doanh nước ngoài cho biết động thái trên đã làm tổn hại đến niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo hãng tin Reuters, Bắc Kinh đã cập nhật luật chống gián điệp vào tháng 7, mở rộng định nghĩa về gián điệp và cấm chuyển giao thông tin liên quan đến an ninh quốc gia.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã sửa đổi một loạt luật để hạn chế quyền tiếp cận của công ty nước ngoài vào dữ liệu của họ, chẳng hạn như yêu cầu dữ liệu phải được lưu trữ trong máy chủ Trung Quốc và yêu cầu công ty có dữ liệu của người dùng phải trải qua đánh giá bảo mật trước khi niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài. (Nld.com.vn 24/8, Xuân Mai)Về đầu trang

Nhật Bản tiếp tục trợ cấp xăng dầu giúp người dân đối phó lạm phát

Để hỗ trợ người dân trước tình hình vật giá leo thang, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida trong cuộc họp với các Lãnh đạo Đảng cầm quyền LDP ngày 22/8 đã thống nhất sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân đối phó với lạm phát, theo đó sẽ tiếp tục duy trì trợ cấp xăng dầu.

Báo Nikkei cho biết, biện pháp trợ cấp xăng dầu ban đầu sẽ hết hạn vào cuối tháng 9 nhưng sẽ tiếp tục được gia hạn thực hiện. Đây là nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản để giảm áp lực tăng giá.

Theo kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản, các doanh nghiệp thực hiện chương trình hỗ trợ đối phó với áp lực tăng giá tiêu dùng sẽ được chính phủ trợ cấp đề bù đắp doanh thu. (VTV.vn 24/8)Về đầu trang./.

Các tin khác

12