Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 18/5/2023

15:18, Thứ Sáu, 19-5-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

THỜI SỰ - CHÍNH SỰ

1.        Tổng Bí thư: Thực hiện thật tốt việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo

2.        Cho thôi chức, bố trí công tác khác 14 cán bộ diện Trung ương quản lý

3.        Ban Bí thư yêu cầu đề cao tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

4.        Chuyên gia chỉ ra khía cạnh mà các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá cao hơn Mỹ, Anh và Trung Quốc 

5.        Nhiều công ty điện tử Trung Quốc là nhà cung cấp cho Samsung, Apple, Xiaomi đang ''bắt tay nhau'' làm ăn tại Việt Nam

6.        Rút đề xuất giảm thuế với ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bất động sản

7.        Doanh nghiệp FDI sẽ được hỗ trợ khi áp thuế tối thiểu toàn cầu

8.        Quảng Nam lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

QUẢN LÝ

9.        Bảo hiểm xã hội Việt Nam lên tiếng việc thu sai với chủ hộ kinh doanh

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

10.     Hàng chục dịch vụ công chưa được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia

11.     Điện Biên: Một huyện biên giới nhiều năm dẫn đầu về cải cách hành chính

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

12.     Gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng: Cả một tỉnh chỉ giải ngân được 46 triệu đồng

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

13.     Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận không hoàn thành nhiệm vụ

14.     Một đảng viên bị khai trừ vì cầm đầu vụ phá rừng ở Gia Lai

15.     Cựu chủ tịch Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai lãnh 5 năm tù

THẾ GIỚI

16.     Tổng thống Pháp đề xuất giảm thuế cho tầng lớp trung lưu

17.     Hồi sinh vùng nông thôn - chủ trương lớn của Trung Quốc

 

THỜI SỰ - CHÍNH SỰ

Tổng Bí thư: Thực hiện thật tốt việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo

Sau 2 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, sáng 17/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp phiên bế mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có bài phát biểu quan trọng bế mạc hội nghị. 

Tổng Bí thư nhấn mạnh, các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ, chính quyền các địa phương phải thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Công tác cán bộ phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước; kiên quyết loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Từng cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương; tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. 

Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. 

Về chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư đề nghị, từ kết quả, kinh nghiệm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ lần này, Trung ương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV nhiệm kỳ 2026-2031; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. 

Trung ương cần khẩn trương, nghiêm túc tiến hành tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới, tập trung vào 10 năm gần đây; thành lập các Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng để các Tiểu ban này, nhất là Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự, sớm đi vào hoạt động. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong rằng, sau Hội nghị này, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để sáng suốt nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ khóa XIII. (Tienphong.vn 17/5, Luân Dũng)Về đầu trang

Cho thôi chức, bố trí công tác khác 14 cán bộ diện Trung ương quản lý

Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII sáng 17/5, nhìn lại kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chúng ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. 

Trung ương đánh giá, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được chỉ đạo mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta... Bên cạnh đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã tạo sự chuyển biến rất tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật trong việc kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn hơn giữa "xây" và "chống". 

Đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc "có vào, có ra; có lên, có xuống" được cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá rất cao... 

Tuy nhiên, Trung ương cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại, như: Lãnh đạo, chỉ đạo công tác nắm tình hình; nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế; tổ chức thực hiện một số chính sách phục hồi phát triển kinh tế-xã hội có lúc, có nơi còn chậm. 

Lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, quản lý, sử dụng biên chế có mặt còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; công tác xây dựng, hoàn thiện luật pháp, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là. Một số lãnh đạo cấp cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhận trách nhiệm chính trị, có vi phạm cũng phải xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

Từ thực tế lãnh đạo, chỉ đạo trong nửa đầu nhiệm kỳ, Trung ương thống nhất rút ra một số bài học kinh nghiệm về việc đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc. Trong đó yêu cầu từng Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần phát huy cao độ tinh thần nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tự giác nhận trách nhiệm chính trị lĩnh vực mình phụ trách; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ; tư tưởng, chính trị vững vàng, quan điểm đúng đắn; gương mẫu về đạo đức, lối sống trong công tác, trong cuộc sống của bản thân, gia đình và người thân... (Tienphong.vn 17/5, Luân Dũng)Về đầu trang

Ban Bí thư yêu cầu đề cao tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện quyết định 99/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. 

Theo đó, sau 5 năm thực hiện quyết định đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện quyết định 99 ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa kịp thời, đầy đủ, sát thực tiễn, còn hình thức. Vẫn còn tình trạng e ngại hoặc lợi dụng dân chủ trong phản ánh, góp ý trực tiếp với cấp ủy, tổ chức Đảng về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Một số phản ánh, kiến nghị của nhân dân chưa được xem xét kịp thời, thấu đáo... 

Kết luận chỉ rõ một số nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu về tầm quan trọng của việc phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị chưa sâu sắc, còn xem nhẹ... 

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nội dung này, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc tăng cường thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức nghiêm, có hiệu quả quyết định 99. Cùng với đó, gắn với quy định 124/2018 của Ban Bí thư về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. 

Thêm vào đó là các quy định có liên quan của Đảng, nhất là quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đồng thời thường xuyên thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đóng góp ý kiến, phản ánh, giám sát biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. 

Bên cạnh đó phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật có liên quan, tiếp tục cụ thể hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" sát với thực tiễn... Đề cao trách nhiệm tiên phong, gương mẫu, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ ở cơ sở... 

Thực hiện tốt công tác tiếp dân, tăng cường tiếp tục, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Tiếp nhận, trả lời, giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị chính đáng, hợp pháp, khiếu nại, tố cáo của công dân và những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". 

Ban Bí thư yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyết định 99 và định hướng thông tin, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù dịch... (Tuoitre.vn 17/5, Thành Chung)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Chuyên gia chỉ ra khía cạnh mà các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá cao hơn Mỹ, Anh và Trung Quốc

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng DBS (The Development Bank of Singapore Limited ) về chuyển đối số, khoảng 68% các công ty Việt Nam được đánh giá cao trong phương pháp tiếp cận chiến lược, nhất quán và triệt nhằm số hóa trải nghiệm và mức độ tương tác của khách hàng. 

Theo đó, con số này cao hơn mức trung bình toàn cầu (64%). Kết quả, trong số những nền kinh tế được DBS đánh giá và khảo sát, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore, xếp thứ hai trong lĩnh vực chuyển đổi số, và xếp trên các nền kinh tế lớn như Anh, Mỹ, Trung Quốc. 

Báo cáo cho biết, phần lớn các công ty Việt Nam (63%) cho rằng chuyển đổi số đang giúp doanh nghiệp đạt được lợi nhuận tổng thể. Bên cạnh đó, khoảng 61% doanh nghiệp đã nâng cao mức độ hiểu biết khách hàng và 57% đã nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể trên thị trường. Ngoài ra, hơn một nửa doanh nghiệp Việt (56%) cho biết họ đã và đang sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong dịch vụ và tương tác khách hàng. 

Tuy nhiên, khoảng cách về nhân tài (42%) và các vấn đề về quyền riêng tư dữ liệu (35%) vẫn là mối lo ngại lớn nhất cản trở các doanh nghiệp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. 

Việt Nam có tham vọng trở thành một quốc gia phát triển và có thu nhập cao vào năm 2045, trong đó chuyển đổi số được xem là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. 

Ông Joo Young Park, Giám đốc Khối Ngân hàng Định chế, DBS Việt Nam, cho biết kết quả nghiên cứu của DBS nhận định, điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt phải đặt ra các mục tiêu rõ ràng cho việc chuyển đổi số để tận dụng triển vọng thị trường trong dài hạn và duy trì tính cạnh tranh. 

“Việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu nội bộ mạnh mẽ, phát triển các chính sách quản trị dữ liệu và đầu tư vào công nghệ hỗ trợ sẽ giúp các nhà lãnh đạo số đang phát triển ở Việt Nam nhận ra tiềm năng của doanh nghiệp mình, từ đó củng cố vị trí dẫn đầu của đất nước về chuyển đổi số”, Giám đốc Khối Ngân hàng Định chế, DBS Việt Nam nói. 

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số của Việt Nam ước tính tăng trưởng 28% mỗi năm, đạt 23 tỷ USD vào năm 2022. 

Tờ Business Times cho hay, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế số có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 31% trong giai đoạn 2022-2025. 

Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Mỹ Arizton dự báo quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,04 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) gần 10,8%. 

Ngoài ra, theo báo cáo của Research and Markets , thị trường dịch vụ đám mây của Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 603 triệu USD vào năm 2026 với tốc độ CAGR khoảng 19%. (Markettimes.vn 17/5)Về đầu trang

Nhiều công ty điện tử Trung Quốc là nhà cung cấp cho Samsung, Apple, Xiaomi đang ''bắt tay nhau'' làm ăn tại Việt Nam

Theo Yicai Global, DBG Technology đang có kế hoạch sản xuất 40 triệu smartphone và thiết bị tại Việt Nam, mỗi năm xuất khẩu 4,5 tỷ USD. DBG hợp tác với Huaqin - nhà cung cấp Samsung, và Lingyi iTech - nhà cung cấp Apple. 

Nhiều doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc, từ các công ty dệt thâm dụng lao động, đến các công ty viễn thông và quang điện công nghệ cao, đang xây dựng các nhà máy tại Việt Nam, để tránh rủi ro các rào cản thương mại. Một số doanh nghiệp trong số đó đã có thể cung cấp tất cả các sản phẩm của họ từ các nhà máy ở Việt Nam, phục vụ đơn hàng quóc tế. 

Gongjin Electronics - nhà cung cấp thiết bị đầu cuối băng thông rộng có trụ sở Thâm Quyến - nói với Yicai Global rằng họ đã chi gần 400 triệu CNY (57,5 triệu USD) để xây dựng hai giai đoạn đầu tiên của nhà máy đặt tại Việt Nam. 

Trước khi chuyển đến Việt Nam, công ty này không có bất kỳ nhà máy nào ở nước ngoài và 50% sản phẩm của họ được xuất khẩu sang Mỹ hoặc châu Âu vào thời điểm đó. Chỉ bốn năm sau, cơ sở tại Việt Nam của Gongjin đáp ứng được tất cả các đơn đặt hàng nước ngoài. 

“Các khách hàng nước ngoài của chúng tôi bắt đầu lo lắng về chuỗi cung ứng sau khi xung đột thương mại Mỹ-Trung nổ ra vào năm 2018. Họ đề nghị chúng tôi thành lập một nhà máy ở nước ngoài” - thư ký Hội đồng quản trị của công ty, ông He Yimeng cho biết. “Vì giai đoạn đầu tiên của nhà máy Việt Nam cho kết quả tốt, chúng tôi bắt đầu giai đoạn thứ hai ngay sau đó” ông nói thêm. Và khi giai đoạn thứ ba đi vào hoạt động, nhà máy tại Việt Nam sẽ có giá trị sản lượng hàng năm là 10 tỷ CNY (1,4 tỷ USD). "Điều này sẽ cho phép chúng tôi nhận nhiều đơn đặt hàng ở nước ngoài hơn" - ông He cho biết. 

"DBG Technology, nhà cung cấp dịch vụ sản xuất thiết bị điện tử, đang chuẩn bị biến nhà máy tại Việt Nam thành một cơ sở có khả năng sản xuất 40 triệu điện thoại thông minh và các loại thiết bị điện tử khác mỗi năm trong vòng ba năm tới, với giá trị xuất khẩu hàng năm là 4,5 tỷ USD'', Chủ tịch Tang Jianxing của DGB, công ty đến từ Huizhou, Quảng Đông cho hay. 

DBG có kế hoạch tuyển dụng và đào tạo khoảng 15.000 lao động Việt Nam và thiết lập một 'chuỗi công nghiệp đa ngành hỗ trợ mua hàng'' tại Thái Nguyên, nơi có nhiều công ty Trung Quốc đặt trụ sở. 

Nhiều công ty Trung Quốc ở cả thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi công nghiệp đang bắt tay nhau đầu tư vào Việt Nam. Ví dụ, DBG đang hợp tác với nhà sản xuất phần cứng thông minh Huaqin Technology và nhà cung cấp Lingyi iTech của Apple để xây dựng một khu công nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên. 

Wang Zhigang, thư ký Hội đồng quản trị của Huaqin cho biết: “Phát triển ở nước ngoài với sự hợp tác của những người chơi trên thị trường khác là một lựa chọn an toàn hơn, cả từ góc độ đối tác và khách hàng”. 

"Huaqin có trụ sở tại Thượng Hải, mạnh về thiết kế và phát triển kinh doanh, trong khi DBG giỏi về sản xuất thông minh" - Wang nói. “Việc hợp tác tại Việt Nam không chỉ giúp hai bên chia sẻ rủi ro mà còn giúp doanh nghiệp gắn kết hơn”. 

Huaqin, là nhà cung cấp cho Samsung, OPPO và Xiaomi, chủ yếu sử dụng các nhà máy ở Việt Nam và Indonesia để sản xuất các đơn đặt hàng ở Bắc Mỹ, trong khi nhà máy ở Ấn Độ cung cấp cho thị trường địa phương và các cơ sở ở Trung Quốc phục vụ các thị trường khác,. 

“Về lâu dài, chúng tôi hy vọng hai cơ sở sản xuất của chúng tôi ở Trung Quốc sẽ chiếm 80% tổng công suất, phần còn lại do các nhà máy ở nước ngoài đóng góp”, Wang nói thêm. 

Tuy nhiên, nhà máy tại Việt Nam của hãng vẫn phải nhập khẩu nhiều linh kiện từ Trung Quốc. "Mỗi chiếc điện thoại thông minh có từ 1.500 đến 1.600 bộ phận và không quốc gia nào có thể sánh bằng Trung Quốc về mức độ hoàn chỉnh của chuỗi công nghiệp", Wang nói.

Wang cho biết thêm: "Giá nhân công là một lợi thế đáng chú ý ở Việt Nam, nhưng không có nhiều khác biệt về chi phí nước, điện và các tiện ích khác. Chính phủ Việt Nam cũng đang cung cấp cho các công ty như Huaqin và Gongjin nhiều hình thức giảm thuế khác nhau". (Markettimes.vn 17/5)Về đầu trang

Rút đề xuất giảm thuế với ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bất động sản

Vài ngày sau phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. 

Chính phủ đề xuất trong năm này, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thời gian áp dụng từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023. 

Trên cơ sở đó, mức giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%). 

Tuy nhiên, mức giảm này không được áp dụng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại… 

Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào ngày 13/5, Chính phủ đề xuất mức giảm 2% thuế suất áp dụng với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%. 

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, lý do đề xuất này chưa được giải trình rõ. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành áp dụng giảm thuế với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản… 

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã sa thải hoặc giãn việc một số lượng lớn công nhân do doanh nghiệp bị cắt giảm hoặc không có đơn hàng, khiến đời sống một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn. 

“Thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Do đó, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi”, ông Hồ Đức Phớc nói. 

Bộ trưởng Tài chính cũng khẳng định, với mức giảm thuế này, người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Lý do, việc giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân. (Tienphong.vn 17/5)Về đầu trang

Doanh nghiệp FDI sẽ được hỗ trợ khi áp thuế tối thiểu toàn cầu

Ngày 17.5, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã có những trao đổi về chính sách hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng từ Thuế tối thiểu toàn cầu (dự kiến sẽ thực thi từ 2024). 

Cụ thể, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết, hiện Việt Nam đã thu hút FDI từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á, cụ thể: Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. 

Thống kê trong 3 năm 2020-2022, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực FDI chiếm khoảng 7,5 - 8,5% tổng số thu ngân sách nội địa. 

Trên cơ sở kết quả khảo sát, Tổng cục Thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính nhóm các doanh nghiệp có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ chịu mức thuế suất tối thiểu 15%. Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng đã có các cuộc họp, tham gia hội thảo và lắng nghe các kiến nghị của các doanh nghiệp FDI, có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của Thuế tối thiểu toàn cầu. 

Nêu quan điểm về vấn đề Thuế tối thiểu toàn cầu, ông Đặng Ngọc Minh cho rằng cần xây dựng các hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng loại thuế này. 

Theo đó, phương án triển khai các hình thức hỗ trợ sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để có các tiêu chuẩn áp dụng kèm theo. Nói cách khác, cần áp dụng chính sách hỗ trợ thay thế cho những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu. 

“Việc hỗ trợ này được thực hiện thông qua các quy trình thủ tục đăng ký sau khi các doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế kể cả thuế bổ sung tối thiểu, nên Chính phủ Việt Nam sẽ không gặp khó khăn trong quá trình huy động nguồn tài chính cũng như thực hiện các thủ tục hỗ trợ tiếp theo” - ông Đặng Ngọc Minh chia sẻ. 

Để có được nguồn tài chính cho các hình thức hỗ trợ nêu trên, ông Đặng Ngọc Minh cho rằng cần đảm bảo quyền đánh thuế bằng cách áp dụng cơ chế thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT). 

Theo đó, nếu doanh nghiệp nộp đủ thuế suất 15% tại Việt Nam theo QDMTT, Việt Nam sẽ có đủ nguồn tài chính để hỗ trợ lại các doanh nghiệp các khoản chi phí như chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí đầu tư trang thiết bị, chi phí sản xuất công nghệ cao (ví dụ Ấn Độ có chính sách hỗ trợ một khoản tiền nhất định theo mỗi sản phẩm sản xuất bán ra). 

Như vậy, chính sách hỗ trợ này sẽ áp dụng chung cho các doanh nghiệp, quy định hỗ trợ sẽ dựa trên đặc điểm, tính chất, tiêu chuẩn của từng loại hình doanh nghiệp, như vậy sẽ không vi phạm quy tắc không phân biệt đối xử và phù hợp với Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS). (Laodong.vn 17/5, Trí Minh)Về đầu trang

Quảng Nam lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

Ngày 16-5, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. 

Theo quyết định, Tổ công tác đặc biệt do ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang và Hồ Quang Bửu làm Tổ phó và 11 thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. 

Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Qua đó tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Nếu vượt quá thẩm quyền thì tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.

 Tổ công tác giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành và địa phương. Kịp thời đề xuất khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan. 

UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở KH-ĐT làm cơ quan thường trực của Tổ công tác chịu trách nhiệm định kỳ hàng quý có văn bản yêu cầu các đơn vị báo cáo các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tham mưu tổ trưởng, tổ phó trực chỉ đạo giải quyết kịp thời. (Sài Gòn giải phóng 17/5, Nguyễn Cường)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Bảo hiểm xã hội Việt Nam lên tiếng việc thu sai với chủ hộ kinh doanh

Đến tháng 9/2016, có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trong khi theo quy định họ không thuộc diện đóng. Có trường hợp đóng 20 năm nhưng không được tính hưởng lương hưu nên đã làm đơn khởi kiện cơ quan bảo hiểm xã hội ra tòa án. 

Lý giải tình trạng này, trong thông cáo tối 16/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ ra ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, theo tinh thần của Bộ luật Lao động năm 1994, nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi hoạt động tạo ra việc làm hoặc tự tạo việc làm. Việc các chủ hộ kinh doanh cá thể tự tạo việc làm "rất đáng được khích lệ và một trong những điều kiện đó là chủ hộ phải được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp với tư cách như một người lao động (được đóng BHXH bắt buộc)". Thời gian này chưa có chính sách BHXH tự nguyện. 

Thứ hai là do nhu cầu của người lao động được tham gia đóng, hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Số đông chủ hộ tham gia BHXH bắt buộc là người trực tiếp sản xuất kinh doanh, chủ hộ vừa là người sử dụng lao động vừa là người lao động, thông qua sản xuất kinh doanh mà có thu nhập, tiền lương. "Như vậy có thể coi là một dạng của hợp đồng lao động tự thỏa thuận, tự ký, nên chủ hộ tham gia đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT như người lao động", thông cáo nêu. 

Nguyên nhân cuối cùng, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam là các chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ không đăng ký tham gia BHXH cho các thành viên trong hộ nếu bản thân không được tham gia. 

Trong cả ba nguyên nhân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam không chỉ ra trách nhiệm của cơ quan này mà giải thích phần nhiều do "tinh thần" của Bộ luật Lao động 1993, do chủ hộ kinh doanh cá thể. Trong khi đó, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra việc thu BHXH bắt buộc không đúng đối tượng thuộc trách nhiệm của ngành BHXH, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của chủ hộ kinh doanh. 

"Những chủ hộ kinh doanh không sai vì họ có tinh thần đóng bảo hiểm. Cái sai thuộc về người thu bảo hiểm các địa phương. Song rất nhiều vướng mắc chưa được giải quyết như tiền đã thu nộp vào quỹ giờ trả cho người dân bằng cách nào, lấy tiền đâu để trả, trả thì tính thế nào và nếu họ không chấp nhận thì xử lý ra sao?", đại diện Ban Dân nguyện đặt vấn đề. (Vnexpress.net 17/5, Hồng Chiêu)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Hàng chục dịch vụ công chưa được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia

Ngày 17-5, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm về giải pháp tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến. 

Hiện nay, Bộ Tư pháp có 69 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Để hoàn thành mục tiêu “Tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022”, Bộ đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đạt nhiều kết quả khả quan. 

Tính đến tháng 2-2023, Bộ Tư pháp đã hoàn thành kết nối 58/69 dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, không để phát sinh hồ sơ quá hạn, trong đó, nổi bật là lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm. 

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế như: Công dân vào Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến gặp nhiều lỗi khi thực hiện; 11 dịch vụ công chưa kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia thuộc các lĩnh vực luật sư, thừa phát lại, công chứng... 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhận định, hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần đưa ra các giải pháp. Trước hết là quán triệt, nhận thức sâu sắc trong thực hiện chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công của Bộ Tư pháp nói riêng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị thực hiện thủ tục hành chính trong việc tái cấu trúc các quy trình dịch vụ, kiểm thử để kết nối các dịch vụ công trực tuyến còn lại lên Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Bên cạnh đó, cần có các chính sách khuyến khích, tạo động lực cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân để người dân chủ động, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến hướng tới thực hiện thành công mục tiêu Chính phủ điện tử. (Sggp.org.vn 17/5, Anh Phương)Về đầu trang

Điện Biên: Một huyện biên giới nhiều năm dẫn đầu về cải cách hành chính

Từ vị trí cuối bảng về cải cách hành chính (CCHC) năm 2019, chỉ sau 1 năm, huyện Nậm Pồ đã vươn lên vị trí số 1 và liên tục duy trì các vị trí dẫn đầu cho đến nay. 

Huyện Nậm Pồ mới được thanh lập năm 2013 là huyện biên giới nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Những năm đầu thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, cán bộ, công chức, viên chức vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chất lượng nên chưa đáp ứng được yêu cầu về CCHC. 

Trong điều kiện như vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị hành chính còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp tiến trình CCHC của toàn tỉnh. Do vậy, chỉ số chấm điểm xếp hạng về CCHC của huyện Nậm Pồ luôn ở mức thấp nhất trong 10 huyện, thị xã, thành phố. 

Xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, có tính quyết định thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp giao dịch với cơ quan nhà nước. Huyện Nậm Pồ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng. 

Trong đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị được ưu tiên, chú trọng, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức được tiến hành thường xuyên. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị cũng bắt đầu được triển khai đồng bộ. 

Đến cuối năm 2020, việc sử dụng chữ ký số và văn bản điện tử đã được triển khai và thực hiện đồng hộ ở hầu hết các lĩnh vực, đơn vị. Cùng với đó, tất cả các cuộc họp theo cách truyền thống cũng được chuyển thành các cuộc họp “không giấy” và trực tuyến để chống lãng phí và hạn chế thời gian đi lại của cán bộ. 

Với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thông chính trị, từ vị trí cuối bảng xếp hạng, năm 2020 lần đầu tiên huyện Nậm Pồ vươn lên xếp vị trí thứ nhất về CCHC trong 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên, tăng 9 bậc so với năm 2019. Năm 2021 huyện Nậm Pồ tiếp tục giữ được vị trí xếp hạng thứ 2 về chỉ số cải cách hành chính. 

Ngày 10.5 vừa qua, UBND tỉnh Điện Biên đã công bố kết quả và huyện Nậm Pồ lại tiếp tục đứng đầu về chỉ số CCHC năm 2022 với chỉ số CCHC đạt tỉ lệ trung bình là 85,57%. Kết quả này được coi là dấu ấn quan trọng đặc biệt trong thời điểm huyện Nậm Pồ đang sôi nổi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 10 năm ngày thành lập. (Laodong.vn 17/5, Văn Thành Chương)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng: Cả một tỉnh chỉ giải ngân được 46 triệu đồng

Nguyên nhân khiến khách hàng từ chối nhận hỗ trợ là tâm lý e ngại bị thanh tra. Có khách đã nhận xong lại hoàn trả ngân hàng toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ. 

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ quý II, ông Đặng Hồng Lĩnh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Phú Yên - thông tin về tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách 40.000 tỷ đồng, theo Nghị định 31/2022. Đến cuối tháng 4 năm nay, số tiền hỗ trợ lãi suất là trên 46 triệu đồng với 10 khách hàng. 

Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng sau hơn một năm giải ngân chưa đạt được như kỳ vọng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 2, số tiền hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022 chỉ đạt 256 tỷ đồng cho 1.784 khách hàng, bằng 0,64% tổng quy mô. 

Nguyên nhân chính khiến khách hàng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất là tâm lý e ngại bị thanh tra, kiểm tra sau này của các cơ quan chức năng. Thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song họ lại hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ. 

Bên cạnh đó, tiêu chí đánh giá để hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải có khả năng phục hồi. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, việc đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng là khó khăn. 

Cuối tháng 3 vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước cũng phải có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách 40.000 tỷ đồng. Việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. 

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từng cho biết tỷ lệ giải ngân còn thấp của gói này làm nghi ngờ khả năng hỗ trợ. Bên cạnh đó, thủ tục giải ngân phức tạp, nhiều công tác thanh tra, kiểm toán… đã sinh ra tâm lý e ngại của khách hàng khi vay vốn. (Dantri.com.vn 16/5, Thảo Thu)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận không hoàn thành nhiệm vụ

Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý năm 2022 đối với 135 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền. Theo đó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có 8 cán bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ có 120 cán bộ, hoàn thành nhiệm vụ có 5 cán bộ và có 2 lãnh đạo sở không hoàn thành nhiệm vụ. 

Tám cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gồm: Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Đại tá Chu Văn Tấn - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, bà Trần Thị Diệu Hoàng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, ông Phạm Quốc Hùng - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, ông Phạm Xuân Toan - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh, ông Trần Xuân Lành - Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Đại tá Lê Thanh Hùng - Phó giám đốc Công an tỉnh, ông Nguyễn Quốc Triều - Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy kiêm Thư ký Bí thư Tỉnh ủy. 

Hai cán bộ xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ là ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Xà Dương Thắng - nguyên Bí thư huyện ủy Bắc Bình. 

Trước đó, ngày 4/6/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa XIV đã tổ chức hội nghị để kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và thi hành kỷ luật đối với các đảng viên có sai phạm, khuyết điểm theo Thông báo số 252-TB/UBKTTW ngày 17/3/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2015-2020. 

Qua đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận quyết định thi hành kỷ luật đối với 4 đảng viên. Trong đó, kỷ luật cảnh Cáo đối với ông Xà Dương Thắng - Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Bắc Bình, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng; kỷ luật khiển trách đối với ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Ông Mai Kiều chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2015 - 2020; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc ký văn bản cùng thống nhất đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho phép sáp nhập hai dự án là trồng cây lâu năm tạo môi trường sinh thái tại phường Mũi Né và dự án trồng rừng, trồng cây lâu năm tạo môi trường sinh thái phát triển du lịch tại phường Mũi Né không đúng quy định. 

Ông Kiều còn thiếu trách nhiệm, chưa chủ động đề xuất, tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng trước khi thi công đoạn kè 350m tại xã Tiến Thành, Phan Thiết; thực hiện xây dựng đoạn kè 350m nêu trên không đúng vị trí, trái chỉ đạo của Thủ tướng. 

Ông Mai Kiều cũng buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra để Công ty CP Rạng Đông xây dựng trái phép trên gần 4 ha đất lâm nghiệp, nông nghiệp với mục đích nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Việc này là trái mục đích sử dụng đất, trái mục tiêu dự án bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh, trồng và phát triển thực vật rừng dầu, một số loài động vật quý, hiếm và thông thường. 

Đối với ông Xà Dương Thắng, trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng (tháng 3/2015 - 10/2015), Giám đốc Sở Xây dựng (tháng 11/2015 - tháng 2/2021), chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về vi phạm, khuyết điểm của Sở Xây dựng. 

Đồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc ký một số văn bản thiếu chặt chẽ, vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư tại các dự án, gồm dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, dự án Lấn biển bố trí sắp xếp dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, dự án Khu liên hợp hồ điều hòa chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại tại phường Hưng Long, dự án Khu tái định cư phường Phú Tài, dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê hương. (Tienphong.vn 16/5, Duy Quang)Về đầu trang

Một đảng viên bị khai trừ vì cầm đầu vụ phá rừng ở Gia Lai

Ngày 17/5, thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kbang (tỉnh Gia Lai) cho biết, vừa có quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Đinh A Hyót - đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ làng Kon Kring, thuộc Đảng bộ xã Kon Pne. 

Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã phát hiện 2 cây gỗ Sp5 tại lô 5, khoảnh 5 và lô 4, khoảnh 6, Tiểu khu 76, thuộc rừng đặc dụng, lâm phần do Ban Quản lý Vườn quốc gia Kon Ka Kinh quản lý bị đốn hạ. Hai cây gỗ bị cưa thiệt hại 15,792m3 gỗ tròn. 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kbang đã xác minh vụ việc và phát hiện từ ngày 5/10 - 7/10/2022, Đinh A Hyót (làng Kon Kring, xã Kon Pne, huyện Kbang) với vai trò là người cầm đầu, khởi xướng và trực tiếp chặt hạ trái phép 2 cây gỗ. 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kbang đã quyết định khởi tố bị can và đề nghị truy tố về hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. 

Từ vụ vi phạm trên, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kbang tiến hành kiểm tra và xác định đảng viên Đinh A Hyót đã vi phạm Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm mất uy tín của bản thân và chi bộ; gây dư luận xấu trong chi bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn, đến mức phải xử lý kỷ luật. 

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kbang đã bỏ phiếu biểu quyết thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ đối với ông Đinh A Hyót. (Giao thông 17/5, Tạ Vĩnh Yên)Về đầu trang

Cựu chủ tịch Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai lãnh 5 năm tù

Chiều 17-5, sau tám ngày xét xử và nghị án, Tòa án nhân dân Hà Nội đã đưa ra phán quyết với cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai và một số cựu lãnh đạo tỉnh trong vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". 

Theo đó, tòa tuyên phạt ông Hai mức án 5 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. 

Cùng tội danh, ông Lương Văn Hải - cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - bị tuyên mức án 42 tháng tù. 

Chín bị cáo khác là cựu lãnh đạo, cán bộ các sở, ngành tỉnh Bình Thuận bị tuyên mức án từ thấp nhất 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến cao nhất là 5 năm tù. 

Ông Nguyễn Văn Phong - cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cựu giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận - là người duy nhất bị tuyên mức án 24 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Về dân sự, tại phiên tòa, Tân Việt Phát xin nộp bổ sung 45,3 tỉ đồng, hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị này, đồng thời không buộc các bị cáo phải bồi thường.  

Với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng mà gia đình nộp cho một số bị cáo để khắc phục hậu quả, do không có đề nghị trả lại nên quyết định tịch thu sung công quỹ. 

Hội đồng xét xử đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến chế độ quản lý tài sản của Nhà nước, gây thiệt hại rất lớn. 

Hành vi của các bị cáo gây dư luận xấu trong xã hội, suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Vì vậy việc áp dụng hình phạt tù với các bị cáo là cần thiết, mới đáp ứng được yêu cầu cấp bách phòng ngừa tội phạm, để xây dựng kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức trong tình hình hiện nay. 

"Đây cũng là bài học cho các cán bộ công chức, viên chức có thái độ làm việc chưa mẫn cán, thiếu ý thức đấu tranh, thiếu tinh thần học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ", hội đồng xét xử nhấn mạnh. (Tuoitre.vn 17/5, Danh Trọng)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Tổng thống Pháp đề xuất giảm thuế cho tầng lớp trung lưu

Ngày 15/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo đã yêu cầu Chính phủ lập đề xuất để giảm thuế khoảng 2 tỷ USD cho tầng lớp trung lưu. Đây được coi là nỗ lực của ông Macron nhằm lấy lại tín nhiệm sau cuộc cải cách lương hưu gây tranh cãi của Chính phủ trong suốt thời gian qua. 

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông Macron nhấn mạnh rằng đây sẽ là một phần trong kế hoạch ngân sách trong 5 năm tới. Theo Tổng thống Macron, đối tượng sẽ được hưởng ưu đãi thuế là những người đang gặp khó khăn vì chi phí sinh hoạt tăng lên trong khi lương không tăng theo kịp.  

Hiện chưa có thông tin cụ thể về loại thuế nào sẽ được giảm, mức giảm, cũng như lộ trình thực hiện, song ông Macron khẳng định đây sẽ không phải là việc giảm các loại phí, hay trợ cấp bằng tiền mặt để tăng sức mua. 

Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp (INSEE) cho biết tháng 4 vừa qua, lạm phát tại Pháp đã tăng lên mức 5,9% sau khi ghi nhận mức tăng 5,7% trong tháng trước đó. Giá lương thực ghi nhận mức tăng 15% trong tháng vừa qua, trong đó, giá thực phẩm tươi sống tăng 10,6%. Giá năng lượng tại Pháp tháng 4 vừa qua cũng đã tăng 6,8%. (Dangcongsan.vn 17/5, H.Hà) Về đầu trang

Hồi sinh vùng nông thôn - chủ trương lớn của Trung Quốc

Hồi sinh vùng nông thôn đang là một trong những chủ trương lớn của Trung Quốc sau thời gian dài tập trung cho đô thị hóa, công nghiệp hóa.  

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, môi trường sinh thái được cải thiện đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn. Những ngôi làng nên thơ, không khí trong lành đang được nhiều địa phương tận dụng để làm du lịch. Nó đã biến vùng nông thôn vốn yên ắng do nhiều người trẻ đi lên chốn thị thành tìm cơ hội việc làm - trở nên có sức sống hơn.  

Nhiều thanh niên cũng quay về quê phát triển du lịch cho khách tham quan nông nghiệp, đời sống nông thôn, làng nghề. Từ đó mà người dân càng tích cực giữ gìn những giá trị truyền thống, môi trường sinh thái để thu hút du khách. 

Anh Lưu Đan Thông - Cán bộ thôn Phường Giả Nam, Ninh Hạ Hồi, Trung Quốc: "Với sự phát triển của du lịch nông thôn, ngày càng có nhiều người trẻ, doanh nhân sẵn sàng quay về quê khởi nghiệp. Làng quê đã thay đổi đáng kể".  

Ở tỉnh Giang Tô, không chỉ những chính sách ưu đãi để kêu gọi người tài, doanh nghiệp lớn đầu tư cho vùng nông thôn mà chính quyền nhiều nơi còn đầu tư mạnh kinh phí để cải tạo những khu vực ô nhiễm, nhà cửa lụp xụp thành những khu công viên sinh thái, thắng cảnh, khu dân cư khang trang để thu hút du khách. Môi trường sinh thái cũng là một trong những tiêu chí quan trọng so với các mục tiêu phát triển kinh tế chất lượng cao. Hồi sinh vùng nông thôn, cải thiện môi trường, cuộc sống người dân đang là những chủ trương lớn được chính quyền nhiều nơi đẩy mạnh. (VTV.vn 17/5)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

03