Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 16/5/2023

14:37, Thứ Ba, 16-5-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CHÍNH TRỊ

1.      Tổng Bí thư: Lấy phiếu tín nhiệm giúp các cán bộ tự soi, tự sửa

CHÍNH SÁCH MỚI

2.      12 khoản tiền của người lao động sẽ tăng khi tăng lương cơ sở

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

3.      Việt Nam lọt top 20 nước thu hút nhiều nhất vốn đầu tư ngoại

4.      Việt Nam đón sóng hàng tỉ USD đầu tư công nghệ, điện tử

5.      Doanh nghiệp tại Việt Nam thích nghi nhanh với xu hướng chuyển đổi số

6.      Doanh nghiệp điện tử: Từ made in Việt Nam đến make in Việt Nam

7.      Gỡ nghẽn dòng tiền cho doanh nghiệp

8.      Hơn 50% điện thoại Samsung bán trên thế giới là sản phẩm "Made in Vietnam"

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

9.      Quan chức sai phạm nên rút lui trong danh dự

10.  Chờ hỏi cấp trên

QUẢN LÝ

11.  Nếu tính chu kỳ đăng kiểm theo km, khó ngăn chặn gian lận bằng luật hình sự

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

12.  Hà Nội: Thực hiện đồng bộ phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” từ tháng 6-2023

13.  Hà Nội đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

14.  Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh cải thiện chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh 

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

15.  Còn đọng 65.000 tỷ vốn đầu tư công chưa phân bổ, nhiều đơn vị mới giao khoảng 10% vốn ngân sách trung ương

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

16.  Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh bị khai trừ ra khỏi Đảng

17.  Kỷ luật Chủ tịch xã ở Phú Yên vì làm giả hồ sơ nhận tiền trồng rừng

18.  Khởi tố Phó Chủ tịch xã ở Bắc Ninh vì cấp sổ đỏ sai quy định

THẾ GIỚI

19.  Thủ tướng Thái Lan cân nhắc rời chính trường sau thất bại bầu cử

20.  Các thành phố Israel đình công phản đối Luật Thuế tài sản gây tranh cãi

 

CHÍNH TRỊ

Tổng Bí thư: Lấy phiếu tín nhiệm giúp các cán bộ tự soi, tự sửa

Sáng 15/5, phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sau khi tổng kết việc lấy phiếu tín nhiệm theo các quy định của Bộ Chính trị khóa 11 và 12, ngày 2/2, Bộ Chính trị khóa 13 đã ban hành Quy định 96 và ngày 6/4 ban hành kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau đó đã chuẩn bị và trình Trung ương báo cáo kiểm điểm cá nhân. Trong đó, mỗi ủy viên tự nhận xét, đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; chỉ ra những hạn chế và giải pháp khắc phục; giải trình các vấn đề mà cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu yêu cầu. 

"Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng và tính chất nhạy cảm của vấn đề, đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu kỹ các báo cáo kiểm điểm cá nhân của từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từ thực tế quan hệ công tác, thể hiện rõ chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm đối với từng người", Tổng Bí thư nói. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị bảo đảm sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung, dân chủ, tự phê bình và phê bình; nêu cao trách nhiệm, tinh thần xây dựng của các Ủy viên Trung ương Đảng trong việc xem xét, thể hiện sự tín nhiệm của mình; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 13. 

Việc lấy phiếu tín nhiệm "cần đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm; bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm". 

Theo Tổng Bí thư, việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ. Công việc này được bắt đầu từ nhiệm kỳ khóa 11 đến nay. 

Mục đích của lấy phiếu tín nhiệm nhằm thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. 

Bên cạnh đó, người được lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ tự soi, tự sửa, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác. 

Tổng Bí thư cho biết thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuẩn bị dự thảo Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng. 

Dự thảo đã được gửi xin ý kiến các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư góp ý để hoàn thiện bước đầu. Ngày 8/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, "thảo luận kỹ lưỡng và cho nhiều ý kiến chỉ đạo xác đáng" để hoàn thiện Báo cáo trình Trung ương. 

Báo cáo nêu những ưu điểm, hạn chế, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế... Báo cáo cũng phân tích, dự báo tình hình thế giới và trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ, đề ra nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo triển khai trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa 13. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương thẳng thắn, khách quan thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung, vấn đề nêu trong Báo cáo; thể hiện rõ chính kiến, đồng tình hay chưa đồng tình với những nhận xét, đánh giá của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có đề xuất, kiến nghị cụ thể gì với những nội dung, vấn đề cần bổ sung, làm rõ hoặc điều chỉnh, sửa đổi. 

Tổng Bí thư cũng lưu ý gắn kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và phức tạp, nặng nề hơn. 

"Tập trung phân tích, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những ưu điểm, kết quả, thành tích đã đạt được; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; phân tích những nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm từ Đại hội 13 đến nay", Tổng Bí thư nói. 

Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa 13 dự kiến diễn ra 3 ngày, bế mạc vào ngày 17/5. (Baogiaothong.vn 15/05, Phùng Tuệ An) Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

12 khoản tiền của người lao động sẽ tăng khi tăng lương cơ sở

Từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Do vậy, một số chế độ chính sách dành cho người lao động cũng sẽ tăng. 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng. 

Khi điều chỉnh lương cơ sở, nhiều khoản tiền, trợ cấp dành cho người lao động ngoài nhà nước cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể gồm 12 khoản tiền sau: 

Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau: Theo khoản 3 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. 

Theo đó, khi tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 lên 1,8 triệu đồng, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau sẽ tăng lên 540.000 đồng (hiện hành là 447.000 đồng). 

Tăng mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi: Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi. 

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. 

Theo đó, mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi sẽ được tăng lên 3.600.000 đồng (hiện hành là 2.980.000 đồng). 

Tăng mức hướng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản: Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở (khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 ). 

Từ ngày 1/7/2023, tăng mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản lên 540.000 đồng (hiện hành là 447.000 đồng). 

Tăng mức trợ cấp một lần: Cụ thể, Điều 46 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. 

Mức trợ cấp một lần được quy định như sau: 

- Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở (tức 9.000.000 đồng so với hiện hành là 7.450.000 đồng), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở (tức tăng thêm 900.000 đồng); 

- Ngoài mức trợ cấp quy định nêu trên, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị. 

Tăng mức trợ cấp hằng tháng: Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. 

Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau: 

- Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở; 

Như vậy, cứ suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng trợ cấp 540.000 đồng (hiện hành là 447.000 đồng), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 36.000 đồng (hiện hành là 29.800 đồng). 

Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị. 

Tăng mức trợ cấp phục vụ: Cụ thể, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 , hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở (tức 1.800.000 đồng so với mức 1.490.000 đồng hiện nay). (Căn cứ Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.) 

Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tăng hơn 11 triệu đồng: Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở (tức 64.800.000 đồng) 

Theo đó, mức trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ tăng đến 11.160.000 đồng so vơi mức trợ cấp hiện nay là 53.640.000 đồng. 

Tăng mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật: Khoản 2 Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật một ngày: 

- Bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; 

Mức hưởng bằng 450.000 đồng (hiện hành 372.500 đồng). 

- Bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung. 

Mức hưởng bằng 420.000 đồng (hiện hành 596.000 đồng). 

Điều chỉnh mức lương hưu hằng tháng NLĐ được nhận: Theo khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 , mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bằng mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng (hiện hành là 1.490.000 đồng), trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 . 

Trợ cấp mai táng tăng lên mức 18.000.000 đồng: Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp mai táng chết, người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở.  Theo đó, mức trợ cấp mai táng sẽ là 18.000.000 đồng so với 14.900.000 đồng theo quy định hiện hành. 

Điều chỉnh mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân khi NLĐ chết: Cụ thể, khoản 1 Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở (tăng từ 745.000 đồng lên 900.000 đồng); trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở (tăng từ 1.043.000 đồng lên mức 1.260.000 đồng). 

Tăng mức hưởng lương hưu với NLĐ vừa đóng BHXH bắt buộc và BHXH từ nguyện: Điều 71 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì điều kiện, mức hưởng lương hưu thực hiện theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc; mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng (hiện hành là 1.490.000 đồng), trừ đối tượng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 . (VTV.vn 15/5 ). Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam lọt top 20 nước thu hút nhiều nhất vốn đầu tư ngoại

Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư mới tăng trở lại sau 3 tháng giảm liên tục. 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư- KHĐT), trong 4 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong 3 tháng liên tục của năm nay, với mức tăng 11,1%. Số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng mạnh 65,2% so với 3 tháng đầu năm, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. 

Bên cạnh đó, có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. 

Mặt khác, mặc dù vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ tuy nhiên, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh hơn khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu. 

Ngày 15.5.2023, phát biểu tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đỗ Thành Trung nhấn mạnh: Bất chấp những tác động của COVID-19, Việt Nam vẫn lọt Top 20 nền kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất thế giới. 

“35 năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam, không chỉ trên khía cạnh nguồn lực đầu tư, mà còn góp phần quan trọng hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xuất nhập khẩu, tạo việc làm, chuyển giao công nghệ, đóng góp cho ngân sách nhà nước, động lực giúp các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển” - Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói. 

Theo Bộ KHĐT, tính đến cuối tháng 4.2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, gần 280 tỉ USD đã được giải ngân. Nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.

Về cơ cấu vốn, có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 65,2% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỉ USD, tăng 11,1%. 

Trong 4 tháng đầu năm 2023, có 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 1,66 tỉ USD, mặc dù giảm 68,6% so với cùng kỳ, nhưng tăng 1,7 điểm phần trăm so với 3 tháng 2023 và tăng 16,5 điểm phần trăm so với 2 tháng đầu năm. 

Cũng trong 4 tháng đầu năm, có 1.044 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 1,8% so với cùng kỳ với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỉ USD, tăng 70,4% so với cùng kỳ. (Laodong.vn 15/05, Vũ Long) Về đầu trang

Việt Nam đón sóng hàng tỉ USD đầu tư công nghệ, điện tử

Bất động sản công nghiệp là một trong những lĩnh vực thu hút hàng tỉ USD vốn ngoại đầu năm 2023. Đáng chú ý, nhiều tập đoàn công nghệ, điện tử trên thế giới gần đây liên tục tìm kiếm quỹ đất và dịch chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam. 

Thông tin Tập đoàn Lego mới đây đã chi hơn 1,3 tỉ USD để xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp VSIP III (tỉnh Bình Dương) khiến nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Theo kế hoạch, tập đoàn này sẽ đưa nhà máy hoạt động vào năm 2024, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. 

Tương tự, Tập đoàn Khoa học Kĩ thuật Hồng Hải (Foxconn) cũng dự định đầu tư 100 triệu USD triển khai dự án linh kiện điện tử tại tỉnh Nghệ An. Vào tháng 2.2023, nhà cung cấp lớn nhất của Apple này đã chi 62,5 triệu USD để kí hợp đồng với Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang thuê 45 ha đất trong Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). 

Trước đó, Foxconn đã đầu tư xây dựng một loạt nhà máy tại Việt Nam như Fukang Technology, Fuyu (tỉnh Bắc Giang) và Competition Team Technology Vietnam (tỉnh Quảng Ninh) để sản xuất thiết bị điện tử gia dụng, phát triển hạ tầng khu công nghiệp với các dự án như khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) và khu công nghiệp Bình Xuyên 2 (Vĩnh Phúc). 

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù dòng vốn FDI năm 2023 đang chậm lại do suy thoái kinh tế nhưng trên thực tế, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được nguồn cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế về nguồn lao động, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi, sự ổn định kinh tế vĩ mô và đặc biệt là việc mở cửa biên giới… 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng kí vào Việt Nam tính đến ngày 20.4.2023 bao gồm vốn đăng kí cấp mới, vốn đăng kí điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,88 tỉ USD, giảm 17,9% so với cùng kì năm trước. 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,85 tỉ USD, giảm 1,2% so với cùng kì năm trước. 

Ông John Campbell - Trưởng bộ phận dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam - đánh giá, Việt Nam đã thể hiện được tiềm năng để trở thành "bến đỗ", trung tâm sản xuất mới của thế giới ở lĩnh vực điện tử, công nghệ, các ngành công nghiệp đem lại giá trị cao. Ngành công nghiệp và sản xuất Việt Nam dự báo sẽ dẫn đầu thu hút dòng vốn ngoại, với sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài về nguồn cung nhà xưởng xây sẵn chất lượng cao và đất công nghiệp. 

Tuy nhiên, ông John Campbell cũng cho biết, vấn đề đặt ra hiện nay là việc tìm kiếm nguồn cung đất công nghiệp đang trở thành một bài toán khó cho doanh nghiệp, khi tỉ lệ lấp đầy luôn đạt mức cao. Ví như tại một số tỉnh phía Nam gồm Bình Dương, Đồng Nai, tỉ lệ lấp đầy đạt trên 95%. Tương tự ở phía Bắc, ở các tỉnh có thị trường bất động sản công nghiệp phát triển như Bắc Giang, Hải Dương, tỉ lệ lấp đầy cũng đạt từ 96% đến 99%. 

Bên cạnh tỉ lệ lấp đầy tăng cao, thông tin tại báo cáo ngành bất động sản khu công nghiệp năm 2023 của SSI Research cho thấy, giá cho thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn ở mức thấp so với nhiều nơi. 

Cụ thể, tại các trung tâm khu công nghiệp như Bogor-Sukabumi, Tangerang và Bekasi (Indonesia), giá đất trung bình dao động trong khoảng 164 USD/m2/chu kỳ thuê, cao hơn 36% so với giá đất tại các trung tâm khu công nghiệp của Việt Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng... (Laodong.vn 15/05, Thu Giang) Về đầu trang

Doanh nghiệp tại Việt Nam thích nghi nhanh với xu hướng chuyển đổi số

Nghiên cứu mới nhất của DBS về chuyển đổi số cho thấy, các công ty ở Việt Nam (68%) xếp hạng cao hơn mức trung bình toàn cầu (64%) trong việc áp dụng cách tiếp cận chiến lược, nhất quán hoặc triệt để các vấn đề về chuyển đổi số. 

Phần lớn các công ty Việt Nam (63%) hài lòng rằng chuyển đổi số đang giúp họ đạt được lợi nhuận tổng thể, tiếp theo là cải thiện hiểu biết sâu sắc về khách hàng (61%) và năng lực cạnh tranh tổng thể trên thị trường (57%). Hơn một nửa (56%) cho biết họ đã và đang sử dụng công nghệ số trong cung cấp dịch vụ và tương tác khách hàng một cách hiệu quả nhất. 

Các phát hiện của nghiên cứu cũng chỉ ra hầu hết công ty Việt Nam (35%) đều thuộc nhóm "các nhà lãnh đạo đang phát triển" về mặt số hóa hoạt động tương tác với khách hàng của họ, có tiềm năng lớn về hiệu suất chuyển đổi cao trong tương lai. 12% được phân loại là "nhà lãnh đạo chuyển đổi" luôn vượt trội so với mức trung bình toàn cầu trong việc số hóa mức độ tương tác với khách hàng của họ, chỉ 9% được phân loại là "người tụt hậu", bị hạn chế bởi nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi. 

Ông Joo Young Park, Giám đốc khối dịch vụ ngân hàng, DBS Việt Nam, cho biết: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển và thu nhập cao vào năm 2045, trong đó số hóa là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi tin rằng khát vọng này của Việt Nam sẽ thúc đẩy các ưu tiên chiến lược của các công ty Việt Nam có tư duy tiến bộ. Điều quan trọng là các doanh nghiệp này phải đặt ra các mục tiêu rõ ràng cho quá trình chuyển đổi số để tận dụng tiềm năng thị trường dài hạn thuận lợi và duy trì tính cạnh tranh. Thúc đẩy chuyển đổi số cũng sẽ mang lại cho các công ty này sự linh hoạt để nắm bắt các mô hình kinh doanh và hoạt động mới, đồng thời giúp họ thích ứng với những thay đổi của nhu cầu thị trường". 

Mục tiêu quan trọng nhất của các công ty đối với chuyển đổi số là tăng hiệu quả (40%), chẳng hạn như thông qua tự động hóa, tiếp theo là cải thiện sự cộng tác giữa các bộ phận chức năng và nhóm (35%). Hơn một nửa (57%) đơn vị được khảo sát đã áp dụng hiệu quả văn hóa hỗ trợ triển khai tầm nhìn chiến lược để thúc đẩy quá trình số hóa thành công. 

Rào cản chính ngăn cản các công ty Việt Nam đạt được tiến bộ nhanh hơn trong chuyển đổi số là khoảng cách về trình độ nhân lực (42%) và những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu (35%). Theo nghiên cứu của DBS, các doanh nghiệp có thể hợp tác với các tổ chức giáo dục đại học để tăng cường các chương trình phù hợp cho tương lai số khi chính phủ chú trọng nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận giáo dục đại học. 

Trong nghiên cứu, DBS cũng nhận thấy vai trò ngày càng tăng của lĩnh vực ngân quỹ và tài chính, cũng như các nhóm thương mại trong việc tạo điều kiện cho sự thay đổi và đổi mới. 

Trong lĩnh vực ngân quỹ và tài chính, công nghệ đám mây (78%) và phân tích nâng cao (65%) là những công nghệ số và thanh toán quan trọng nhất để thực hiện chuyển đổi số. Báo cáo tài chính (59%) và đầu tư (38%) là những hoạt động cốt lõi được ưu tiên số hóa. Đổi mới sáng tạo (khả năng suy nghĩ khác biệt về quy trình và/hoặc mô hình kinh doanh) (65%) và phân tích dữ liệu (59%) là những kỹ năng và thuộc tính được xếp hạng cao nhất, cần thiết nhất để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trên toàn tổ chức một cách hiệu quả hơn. Hợp tác với các ngân hàng (43%) là mô hình ưa thích để hợp tác với các công ty bên ngoài nhằm phát triển đổi mới dịch vụ ngân hàng và chuyển đổi số trong quản lý ngân quỹ. 

Được biết, cuộc khảo sát được hoàn thành bởi 1.225 người tham gia từ tháng 6 - 8.2022, trong tổng số 15 ngành và 22 thị trường trên toàn thế giới. (Thanhnien.vn 15/05, Thành Luân)Về đầu trang

Doanh nghiệp điện tử: Từ made in Việt Nam đến make in Việt Nam

Với doanh nghiệp điện tử Việt Nam, đại dịch Covid-19 có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng chứ không thể ngăn cản đà chinh phục các chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Đây là tín hiệu quan trọng từ các doanh nghiệp điện tử Việt Nam được ghi nhận trước thềm Triển lãm Chuyển đổi công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (ITAP) 2023 dự kiến diễn ra vào tháng 10/2023 tại Singapore, sự kiện giao lưu và xúc tiến quan trọng của các thương hiệu và doanh nghiệp điện tử châu lục và thế giới, và cũng là hàn thử biểu về mức độ hồi phục của ngành công nghiệp luôn dẫn đầu về ứng dụng công nghệ này. 

Thời gian qua, các sản phẩm của doanh nghiệp điện tử Việt Nam với nhãn “made in Việt Nam” đã thực sự chinh phục người dùng ở nhiều thị trường xa gần, kể cả những thị trường khó tính bên cạnh việc đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Xu thế này được dự báo là sẽ vẫn diễn ra mạnh mẽ, nhất là khi nhiều thương hiệu lớn đang có xu hướng dịch chuyển cơ xưởng sản xuất sang Việt Nam để rồi từ Việt Nam mang đi những sản phẩm ở phân khúc chất lượng cao. 

Đây là cơ hội theo giới chuyên gia là không dễ gì có được, bởi vậy với doanh nghiệp điện tử Việt Nam, bài toán lớn nhất trong lúc này là không chỉ tận dụng cho được cơ hội mà còn phải từ cơ hội đó làm sâu sắc thêm hình ảnh cho các sản phẩm điện tử có xuất xứ từ Việt Nam. 

Hai yếu tố để giúp doanh nghiệp điện tử Việt Nam tận dụng tốt cơ hội này là việc phải bảo đảm chất lượng sản phẩm và cần có sự kết nối với các đối tác nước ngoài để ổn định về mặt xuất khẩu sản phẩm. Nếu đáp ứng được hai yếu tố này Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội phát triển và trở thành trung tâm của khu vực Đông Nam Á, châu Á, đồng thời có một vị thế vững chăc hơn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Để từ đó đã tốt rồi sẽ là còn tốt hơn khi các sản phẩm điện tử từ Việt Nam có mức giá cạnh tranh hơn, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng khi xu hướng thắt chặt chi tiêu được dự báo là sẽ vẫn còn tiếp diễn. 

Nhìn sâu hơn vào thị trường, bên cạnh việc đi sâu sản xuất các sản phẩm điện tử made in Việt Nam, việc đầu tư và nghiên cứu các sản phẩm make in Việt Nam không còn là một câu chuyện xa vời của ngày mai mà nó cần sớm được bắt đầu. Chỉ khi ấy thì việc thâm nhập sâu vào các chuỗi cung ứng mới thực sự bền vững và có ý nghĩa bởi đó là cách tốt nhất để tạo kết nối dài lâu với các thị trường và hàng triệu người tiêu dùng trên thế giới. (Congthuong.vn 15/05, Quang Lộc) Về đầu trang

Gỡ nghẽn dòng tiền cho doanh nghiệp

Khó về dòng tiền là một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp phản ánh bên lề Đại hội đại biểu của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội. 

Đại hội vừa được tổ chức ngày 14/5, là nơi để các doanh nghiệp kết nối, cùng tìm hướng tháo gỡ những nút thắt, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. 

Hơn 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tới tham dự sự kiện để cùng tìm hướng đi. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, khó khăn chung của kinh tế thế giới khiến việc tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu đều sụt giảm. Vì vậy, dòng tiền của nhiều doanh nghiệp bị nghẽn lại, không ít nợ đọng từ các đơn hàng. 

"Hiện sức mua của thị trường đã giảm từ 50 - 60% so với lúc trước. Việc mua vào, bán ra ảnh hưởng nhiều, sức mua của thị trường đang rất yếu", ông Đỗ Trọng Thành, Chủ tịch Công ty TF1 Auto, chia sẻ. 

"Có rất nhiều đơn hàng của các nhóm ngành nghề sụt giảm, như dệt may, da giày, xi măng, sắt thép... Các doanh nghiệp nhỏ và vừa phản ánh bối cảnh chung tạo nên khó khăn chưa bao giờ có, nên họ đều gặp khó về vốn và dòng tiền, đặc biệt là vốn lưu động, các khoản đầu tư cho trung, dài hạn", ông Nguyễn Xuân Thống, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, thông tin. 

Các doanh nghiệp cũng phản ánh, mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giảm lãi suất, tuy nhiên việc triển khai ở các ngân hàng vẫn còn rào cản. Nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận, hoặc những doanh nghiệp có khả năng vay lại e ngại vì khả năng chi trả lãi suất cao. 

"Giảm ở đây phải có ý nghĩa, 2 - 4% dựa trên kết quả kinh doanh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngân hàng huy động cao nên phải cho vay cao, nhưng tôi nghĩ các ngân hàng nên tính toán lại để hài hòa lãi suất với người vay, doanh nghiệp", ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và đầu tư Anh Dũng, cho hay. 

Hiện hơn 97% doanh nghiệp Việt Nam vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về năng lực vốn, khó về tài sản đảm bảo. Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cũng đề xuất phía ngân hàng thương mại cần cởi mở hơn, thay vì yêu cầu tài sản đảm bảo là bất động sản, có thể chấp nhận cho doanh nghiệp vay tín chấp bằng hợp đồng, hóa đơn đầu ra. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có các chính sách hỗ trợ đồng bộ khác để cải thiện sức mua, ổn định đầu ra cho sản xuất kinh doanh. (VTV.vn 15/05, Hoa Trà) Về đầu trang

Hơn 50% điện thoại Samsung bán trên thế giới là sản phẩm "Made in Vietnam"

Tại Hội thảo "Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng" diễn ra vào 15/5, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện thành công của Samsung tại Việt Nam. 

Theo ông Choi Joo Ho, Samsung đầu tư chính thức vào Việt Nam năm 2008 với việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh. 

Sau đó, thông qua các hoạt động đầu tư liên tục tại Thái Nguyên, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hiện nay Samsung đang vận hành 6 nhà máy, 1 pháp nhân bán hàng, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển. Lũy kế đầu tư tính đến cuối năm 2022 là 20 tỉ USD khẳng định Samsung đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. 

Hiện tại hơn 50% điện thoại của Samsung bán trên toàn thế giới là sản phẩm "Made in Vietnam". Qua đó, Việt Nam đã phát triển nhảy vọt trở thành quốc gia trọng điểm toàn cầu sản xuất điện thoại di động ra toàn thế giới. 

Đặc biệt, sau sự góp mặt của Samsung, hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên, nơi vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp đã thay đổi hoàn toàn, trở thành cứ điểm sản xuất chính của thiết bị công nghệ thông tin. 

Hơn thế nữa, với việc Trung tâm R&D của Samsung đi vào hoạt động từ cuối năm 2022, Samsung đang đặt ra mục tiêu đưa nơi đây trở thành trung tâm R&D hàng đầu không chỉ ở Đông Nam Á, mà còn trên phạm vi thế giới. 

Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2022 được Bộ Công Thương công bố cuối tháng 4 vừa qua cho biết, trong năm 2022, số lượng điện thoại sản xuất ở Việt Nam ước đạt khoảng 210,5 triệu chiếc. 

Cũng theo báo cáo trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 57,99 tỷ USD, tăng 0,81% so với năm 2021 và chiếm 15,62% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước. Trong đó, kim ngạch của khối doanh nghiệp FDI đạt 57,8 tỷ USD, tăng 1,35% so với năm trước và chiếm 99,67% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng. 

Về chủng loại, xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc đạt 33,32 tỷ USD, tăng 0,67% so với năm 2021, chiếm 57,4% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng. Trong đó, xuất khẩu điện thoại Samsung đạt trên 31,42 tỷ USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc của cả nước. (VTV.vn 15/05, Thùy An) Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Quan chức sai phạm nên rút lui trong danh dự

Quan chức sai phạm 'rút lui trong danh dự là tốt nhất', quan điểm ấy được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ngay trước Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc sáng 15/5. 

Quan chức sai phạm ở nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp bậc, đang được xem như một mối bận tâm của công tác phòng chống tham nhũng và tiêu cực. Quan chức sai phạm chắc chắn bị ngăn chặn mọi âm mưu “chui sâu, trèo cao” từ chính hoạt động phê bình và tự phê bình trong nội bộ Đảng. 

Một trong những hoạt động đáng chú ý của Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII vừa khai mạc sáng 15/5 tại Hà Nội, là lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu thể hiện chính kiến về mức độ tín nhiệm đối với từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ phát triển mới. 

Lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa một cuộc sát hạch cụ thể và nghiêm túc đối với từng cán bộ cấp cao. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, sẽ không còn chỗ che đậy và phân bua cho những quan chức sai phạm. Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh, mà bệnh nhẹ thì càng dễ điều trị hơn bệnh nặng. 

Bởi lẽ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: "Cán bộ, nhất là khi có quyền, có chức dễ lợi dụng để chấm mút, đó là nói nhẹ. Còn nói nặng là ăn cắp, ăn cướp của dân. Cấu kết với nhau nhằm tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, làm cho Đảng mất uy tín, làm cho Nhà nước mất uy tín”. 

Một thành tựu gần đây của Đảng rất được nhân dân ủng hộ là đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và tiêu cực. Chống tham nhũng bằng bản án công khai, còn chống tiêu cực bằng lấy phiếu tín nhiệm. 

Tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ giải pháp đấu tranh để hạn chế tối đa quan chức sai phạm: “Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất xin thôi. Thực tế ta đã xử lý rồi. Mở đường cho mà tiến bộ, đâu phải cứ cốt xử nặng. Hiện nay việc này đã tạo sức răn đe, cảm hóa rất lớn, đi vào nề nếp ở các cấp, các ngành”. 

Lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được đánh giá là bước đầu cho quá trình tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Tiếp theo, lãnh đạo các bộ ngành và lãnh đạo các địa phương cũng sẽ được lấy phiếu tín nhiệm. Qua đó, bất kỳ quan chức sai phạm nào cũng sẽ bị khoanh vùng, để xử lý hoặc thay thế. 

Việt Nam đang đối diện nhiều thử thách tồn tại và phát triển. Cho nên, trình độ và nhân cách của cán bộ phải được đề cao đúng mức. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định không còn cơ hội cho sự lộng hành của các quan chức sai phạm: “Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất. Gần đây rất nhiều trường hợp và còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem”. (Nongnghiep.vn 15/05, Lê Thiếu Nhơn) Về đầu trang

Chờ hỏi cấp trên

“Ở Việt Nam rất lạ, học sinh, sinh viên thì ít hỏi, mà cán bộ công chức cái gì cũng phải hỏi”, anh bạn người Mỹ của tôi, làm việc trong lĩnh vực đào tạo, thốt lên như vậy sau nhiều năm dạy học tại Việt Nam và không ít lần trực tiếp tới cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ cư trú, kinh doanh. 

Thường xuyên làm việc với đại diện cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, tôi rất thấm thía vế thứ hai trong nhận xét của anh, từ những thủ tục thường gặp tới các vấn đề chưa có tiền lệ, đụng đâu hỏi đấy, cái gì cũng phải chờ hỏi ý kiến cấp trên. Tôi rút ra một kinh nghiệm: chủ động tìm các văn bản, công văn... hướng dẫn giải quyết những thủ tục tương tự đã được tỉnh khác áp dụng. Những "tài liệu tham khảo" đó giúp cán bộ thực thi bớt lúng túng, tự tin hơn khi ra quyết định; công việc của tôi nhờ vậy "trôi" nhanh hơn. Nhưng gần đây, "bài" này không còn hiệu nghiệm. 

"Bây giờ không làm như cũ được anh ạ. Cùng một tình huống, nơi này làm đúng, nơi kia vẫn có thể sai. Anh chờ em làm công văn hỏi Bộ cho nó chắc", một cán bộ địa phương trả lời khi tôi tới xin giấy phép cho dự án xây dựng. 

Cấp xã hỏi cấp huyện, huyện hỏi tỉnh, tỉnh hỏi bộ, bộ hỏi thủ tướng... đã trở thành một công đoạn thêm vào các quy trình xét duyệt, cấp phép, khiến không ít dự án của chúng tôi nhẹ thì đội thêm thời gian, chi phí triển khai; nặng thì rơi vào tình trạng hoãn vô thời hạn nếu khúc mắc giữa cấp dưới với cấp trên không được làm rõ. Thời gian trung bình của một chu kỳ hỏi - đáp là ba tháng. Doanh nghiệp sẽ phải tự chịu chi phí vốn, chi phí ngân hàng trong khi chờ đợi. 

Trải qua nhiều quá trình làm thủ tục, tôi đã thuộc lòng điệp khúc cửa miệng của cán bộ, công chức: "Việc này cần phải xin ý kiến lãnh đạo", "Cái này cần phải làm công văn gửi lên trên để xin hướng dẫn"... 

Con số 584 văn bản mà TP HCM hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong một năm, được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ra như một dẫn chứng, là sự chi tiết hóa sinh động một thực trạng tồn tại lâu nay. 

Nếu lấy con số trên chia cho số ngày làm việc trong năm (khoảng 240 ngày) thì trung bình một ngày TP HCM gửi hơn hai công văn hỏi, mà đây mới chỉ tính con số hỏi một Bộ. TP HCM tuy là đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng xét về mặt hành chính cũng chỉ là một trong 63 tỉnh/thành, nên nếu thống kê tổng số công văn hỏi đáp trên cả nước, con số có thể lên tới mức nào? 

Có hai nguyên nhân rõ ràng dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân bề mặt, dễ nhận thấy là tâm lý sợ sai trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra quyết liệt ở mọi lĩnh vực. Nỗi sợ khiến người có trách nhiệm thu mình lại, không dám thực hiện đúng chức trách, chưa nói tới việc năng động, sáng tạo tìm cách giải quyết các điểm nghẽn cho doanh nghiệp và người dân. 

Nhưng sâu xa của nỗi sợ là tình trạng thiếu rõ ràng, chồng chéo trong các quy định, văn bản luật ở Việt Nam. Vấn đề này được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu ra khi phản hồi về 584 văn bản hỏi mà Bộ trưởng Dũng dẫn chứng. Ông Mãi phân loại chi tiết các vấn đề phải hỏi thành bốn nhóm, nhưng có thể gộp lại thành hai nhóm lớn, gồm: Chưa có quy định, nên phải hỏi và Có quy định rồi, vẫn phải hỏi. 

Điều đáng bàn nằm ở nhóm lớn thứ hai, những vấn đề Có quy định rồi, vẫn phải hỏi phát sinh với ba loại tình huống: Có sự khác nhau giữa luật này và luật kia; Đã có quy định nhưng cách hiểu khác nhau; và Có quy định nhưng việc nghiên cứu còn nhiều điểm chưa chắc chắn. 

Câu trả lời của ông Mãi xới lên một vấn đề cũ nhưng chưa được rà soát, điều chỉnh kịp thời nên ngày càng gây ra nhiều ách tắc: chất lượng xây dựng luật của Việt Nam. Thực tế này - đặc biệt là tình trạng luật này khác luật kia và một văn bản luật nhiều cách hiểu - phần nào lý giải cho tâm lý sợ trách nhiệm của cán bộ công chức hiện nay. 

Bản thân tôi, sau nhiều tháng chờ đợi, cũng từng phải đọc những văn bản trả lời không có chút giá trị gì về mặt hướng dẫn, mà chỉ đơn thuần trích dẫn lại các Luật, Nghị định, Thông tư... và yêu cầu "làm theo". Lâm vào tình cảnh này, nên tôi hiểu nụ cười méo xệch của anh cán bộ địa phương trước khi tiễn tôi ra về: "Lắm lúc, hỏi trên rồi cũng... không chắc, anh ạ". 

Số liệu của Tổng Cục Thống kê về Quý I năm 2023 cho thấy, lần đầu tiên trong quý một từ trước tới nay số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (57.000) kém số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động (60.200). Doanh nghiệp đang chật vật sống chết giữa bối cảnh khó khăn chồng chất và kinh tế suy thoái trên toàn cầu. Nếu không được tháo gỡ kịp thời, gây nên tình trạng chờ đợi kéo dài cho các dự án, những vướng mắc về quy định pháp lý, chính sách thủ tục sẽ chẳng khác gì tấm áo chất thêm lên lưng con lừa đã kiệt quệ. 

Cuộc "đối thoại" giữa Bộ trưởng và Chủ tịch ở khía cạnh tích cực là một cơ hội nhìn sâu vào các bất cập thực tại từ hai phía, để tiến tới việc đẩy nhanh khơi thông vướng mắc, giải quyết căn nguyên nỗi sợ trách nhiệm của người thực thi. (Vnexpress.net 15/05, Nguyễn Hoàng Nam) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Nếu tính chu kỳ đăng kiểm theo km, khó ngăn chặn gian lận bằng luật hình sự

Việc xem xét hành vi tua đồng hồ kilomet (km) theo khía cạnh trách nhiệm hình sự nhằm áp dụng quy định chu kì đăng kiểm theo số km được đánh giá vẫn còn khá khó khăn bởi mức độ hậu quả bắt nguồn từ hành vi này khó có thể đạt đến ngưỡng nghiêm trọng mà thường được xem xét trong các yếu tố cấu thành tội phạm cơ bản được quy định trong bộ luật Hình sự. 

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu quy định chu kì đăng kiểm theo số km sử dụng để tìm ra phương án và chu kì kiểm định hợp lí đối với xe không kinh doanh vận tải, xe cá nhân và xe kinh doanh. 

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, nếu áp dụng chu kỳ đăng kiểm dựa trên số km thì hành vi tua km cũng phải được quy định trong Luật hình sự mới đủ tính răn đe, ngăn chặn. Bởi hiện nay, việc tua đồng hồ đo số km không quá khó khăn và hiện chưa có chế tài, quy định nào để kiểm soát số km hiển thị trên ôtô. Điều này có thể dẫn đến tình trạng gian lận chu kỳ kiểm định thông qua việc điều chỉnh số km. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định phương án dùng luật pháp để kiểm soát việc tua đồng hồ km trên xe ôtô là khó thực hiện. Bởi chưa nhắc đến vấn đề cố ý tua ngược đồng hồ nhằm mục đích gian lận thì các trường hợp đồng hồ km thật sự bị hư hỏng hoặc chạy chậm hơn so với tiêu chuẩn có thể xảy ra. 

Ở góc độ pháp luật, luật sư Hậu cho biết, nếu muốn đưa hành vi tua đồng hồ đo km vào một trong những hành vi bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải thỏa mãn yếu tố nguy hiểm cho xã hội. 

Nếu tính chất nguy hiểm là không đáng kể thì không thể được xem là hành vi tội phạm và sẽ bị xử lí bằng biện pháp khác như xử phạt hành chính hoặc bồi thường dân sự, dựa theo khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017). 

Cũng theo luật sư Hậu, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) dành riêng Mục 1 Chương XXI, từ Điều 260 đến Điều 284 quy định về các tội danh xâm phạm an toàn giao thông. Hầu hết các tội danh xâm phạm an toàn giao thông đều có yếu tố cấu thành cơ bản nhất là gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỉ lệ 61% trở lên, làm chết người hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên. 

“Việc tua đồng hồ km khó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tính mạng của người khác, về yếu tố gây thiệt hại trên 100 triệu đồng thì cũng không khả thi bởi theo quy định tại Thông tư 55/2022/TT-BTC ngày 24/8/2022 của Bộ Tài chính, mức giá đăng kiểm đang được áp dụng hiện thời cao nhất chỉ đến 570.000 đồng đối với xe ôtôtải chuyên chở hàng trên 20 tấn, nếu kiểm định nhiều lần thì cũng phải mất đến hơn 200 lần mới lên đến con số 100 triệu đồng”- Luật sư Hậu nói. 

Ngoài ra, hành vi tua đồng hồ km nhằm tránh phải đăng kiểm định kỳ có thể được xem xét xếp vào “Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn” tại Điều 262 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017). 

Tuy nhiên để có thể truy cứu về tội danh này thì cũng phải thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định như trên. Bên cạnh đó, hành vi chính để xem xét truy cứu tội danh này chính là việc không đăng kiểm đúng hạn, không đảm bảo tiêu chuẩn của phương tiện và gây thiệt hại, riêng hành vi tua đồng hồ km chưa đủ yếu tố cấu thành tội danh này. 

“Phương án sử dụng đồng hồ km để làm căn cứ xác định thời gian đăng kiểm là vẫn còn khá phức tạp trên thực tế. Hiện tại, việc giãn chu kì đăng kiểm tự động có thể xem là phương án hữu hiệu nhất để giảm khó cho công tác đăng kiểm và hỗ trợ chủ phương tiện”- luật sư nhận định. (Laodong.vn 15/05, Khánh Linh) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Hà Nội: Thực hiện đồng bộ phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” từ tháng 6-2023

Chiều 15-5, Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai và ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội và phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên”.  

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội Phùng Khải Lợi cho biết, ngày 18-4 vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong dự họp và chỉ đạo Hội nghị đánh giá kết quả bước đầu triển khai và ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” và “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” của Thành ủy Hà Nội. Sau 4 tháng triển khai ứng dụng phần mềm, bước đầu đạt kết quả tích cực, đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra. 

Để tiếp tục triển khai 2 phần mềm đạt chất lượng, hiệu quả, thiết thực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Đảng ủy Khối tổ chức hội nghị tập huấn đến gần 150 đồng chí là bí thư, phó bí thư cấp ủy cơ sở, cán bộ giúp việc cấp ủy cơ sở nhằm từng bước xây dựng môi trường làm việc trong công tác xây dựng Đảng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chính trị, quản lý, điều hành của các cấp ủy Đảng từ thành phố tới cấp ủy cơ sở. 

Đồng thời, ứng dụng trong công tác quản lý, điều hành, triển khai nhiệm vụ của ban tổ chức cấp ủy các cấp và cấp ủy cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu của ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố. Thực hiện cải cách hành chính, giảm thiểu giấy tờ, giảm thời gian đi lại giữa các đơn vị; để làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Đảng. 

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Phùng Khải Lợi đề nghị các bí thư, phó bí thư cấp ủy cần chuẩn bị các thiết bị, cơ sở vật chất tại các tổ chức cơ sở đảng để cài đặt phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên”. Sau khi tiếp nhận phiên bản offline, tiếp nhận dữ liệu và tài khoản quản trị, tập trung tổ chức triển khai thực hiện phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên”, sử dụng đồng bộ từ tháng 6-2023. 

Cùng với đó, cần tích cực ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý, điều hành và quản lý đảng viên. Thực hiện tốt công tác quản lý, quản trị và ứng dụng triệt để các chức năng của phần mềm, đồng thời với việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin khác trong thực hiện nghiệp vụ hằng ngày, đảm bảo thực hiện tốt các ứng dụng phần mềm đã và đang triển khai hiệu quả... Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Đảng ủy Khối trong quá trình tổ chức thực hiện phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên”, định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Đảng ủy Khối. (Hanoimoi.com.vn 15.05, Đình Hiệp) Về đầu trang

Hà Nội đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

Phân cấp, ủy quyền vừa tăng cường sự chủ động từ chính quyền địa phương, vừa nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ cơ sở đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. 

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong phân cấp, ủy quyền. Việc phân cấp được thực hiện ở nhiều lĩnh vực liên quan đến các vấn đề thiết thực của cuộc sống như đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trường học, đầu tư xây dựng chợ, cấp điện chiếu sáng ngõ ngách, quản lý tượng đài, di tích... Đến nay, thành phố đã ủy quyền hơn 500 thủ tục hành chính. Những kết quả đạt được có thể đo lường bằng sự hài lòng của người dân thành phố. 

Làm quản lý thư viện và tài liệu học tập của một trường quốc tế có cơ sở ở huyện Hoài Đức, Hà Nội, chị Đinh Thị Ngọc Hiền vẫn thường xuyên nhận tài liệu giảng dạy hay các bài thi từ Mỹ gửi về do đó, chị phải đi làm thủ tục nhập khẩu xuất bản phẩm. Từ nửa năm nay, việc thực hiện các thủ tục này đã nhanh chóng và thuận tiện hơn nhiều.

''Trước đây giấy phép được cấp bởi Sở Thông tin và truyền thông của Hà Nội. Từ cuối năm 2022, Sở đã ủy quyền cho huyện nên các thủ tục, đi lại nhận hồ sơ nhanh chóng hơn'', chị Hiền cho hay.

Việc ủy quyền còn được thực hiện tới từng phòng chuyên môn, các xã, thị trấn. Trong lĩnh vực tư pháp, 130 thủ tục được Chủ tịch huyện Hoài Đức ủy quyền lại cho Trưởng phòng Tư pháp. 100% các thủ tục này được giải quyết trước thời hạn. 

Cùng với việc phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính, Hà Nội cũng quyết liệt thực hiện phân cấp trong quản lý Nhà nước về hạ tầng, kinh tế - xã hội. Khi quyết định có hiệu lực, quận Hoàn Kiếm đã triển khai Dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật phố Chương Dương Độ. Giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, con phố dài hơn 200m được mở rộng thêm 6m chiều rộng chỉ mất 7 tháng để hoàn thành.

Một vườn hoa đã xuống cấp, hệ thống đèn chiếu sáng cần duy tu, sửa chữa hay đầu tư, chỉnh trang lại trường học từ cấp mẫu giáo đến trung học phổ thông giờ đều do từng quận, huyện quyết định thay vì phải xin ý kiến từ lãnh đạo thành phố. (VTV.vn 15/05, Thanh Thảo – Văn Lương) Về đầu trang

Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh cải thiện chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh

Ngày 15/5, Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương  năm 2022 và đề ra giải pháp năm 2023.  

Tại hội nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nguyễn Phương Bắc phân tích chuyên sâu các bộ chỉ số quản trị của tỉnh Bắc Ninh và của các sở, ngành năm 2022; trong đó phân tích điểm số, thứ hạng 8 chỉ số thành phần thuộc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI), làm rõ những chỉ số tăng điểm, giảm điểm, điểm mạnh và hạn chế trong cải thiện các chỉ số cạnh tranh của Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh.  

Năm 2022, Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 20/26 đơn vị sở, ngành với 70,28 điểm trong Bảng xếp hạng chỉ số DDCI (tăng 3 bậc); xếp thứ 2/17 sở, ngành về chỉ số cải cách hành chính (tăng 6 bậc); xếp thứ 16/17 sở, ngành với 53,37 điểm về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (hạ 5 bậc). 

Trên cơ sở đưa ra những điểm tồn tại, hạn chế, Viện trưởng gợi mở một số giải pháp, khuyến nghị đối với Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh trong năm 2023; trong đó, nâng cao tính năng động và tiên phong gắn định hình văn hóa công vụ và xây dựng văn hóa tổ chức, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân; cải thiện tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, nguồn lực; minh bạch hóa thanh tra, kiểm tra; nâng cao năng lực và cải thiện thái độ cán bộ theo hướng thân thiện, phục vụ người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu; tăng cường tương tác với doanh nghiệp... 

Sau 5 năm hoạt động theo hướng thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. (Thuonghieucongluan.com.vn 15/05) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Còn đọng 65.000 tỷ vốn đầu tư công chưa phân bổ, nhiều đơn vị mới giao khoảng 10% vốn ngân sách trung ương

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 4, vẫn còn 25/50 bộ, cơ quan trung ương và 45/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 65.483,9 tỷ đồng, chiếm 9,26% kế hoạch... 

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy đến cuối tháng 4/2023, trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 25/50 bộ, cơ quan trung ương và 45/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. 

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công được phân bổ là 689.084,8 tỷ đồng, đạt 97,46% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (707.044.2 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 47.524,5 tỷ đồng. 

Nếu không tính số kế hoạch vốn cân ngân sách địa phương các địa phương giao tăng kể trên thì tổng số vốn đã phân bổ là 641.560,3 tỷ đồng, đạt 90,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao. Như vậy, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 65.483,9 tỷ đồng, chiếm 9,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Đề cập đến nguyên nhân tính hết tháng 4 mà hơn 65.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vẫn chưa được phân bổ hết, Bộ Tài chính cho hay thứ nhất, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, không bao gồm vốn chương trình mục tiêu quốc gia, trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 25/50 bộ, cơ quan trung ương và 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ giao. 

Đáng lưu ý, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: Bộ Thông tin và truyền thông (88,48%), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (87,94%), Bộ Tài chính (86,58%), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (85,88%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (86,21%), Hưng Yên (80,75%), Tuyên Quang (71,49%)... 

Bộ Tài chính cho biết vốn trong nước chủ yếu là các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện đề giao chi tiết vốn năm 2023; một số dự án thuộc chương trình mới được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết kế hoạch vốn tại Quyết định số 202/QĐ-TTg ngày 8/3/2023 nên hiện nay đang được các bộ, địa phương hoàn thiện các thủ tục để triển khai giao kế hoạch vốn năm 2023. 

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cũng đề nghị hoàn trả ngân sách do không có nhu cầu sử dụng nên phần vốn này chưa phân bổ. 

Ngoài ra, còn một số dự án của địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án như: cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn; đường Vành đai 4 vùng Thủ đô (Bắc Ninh, Hưng Yên); Kè đầm Cù Mông (tỉnh Phú Yên); cầu Văn Ly và đường dẫn (tỉnh Quảng Nam)... 

Cũng theo Bộ Tài chính, vốn nước ngoài chưa phân bổ hết do chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay như tại tỉnh Quảng Trị, Phú Yên; hay có dự án tại tỉnh Đắk Nông chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ, đang lấy ý kiến nhà tài trợ hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dư; hoặc có địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách trung ương do tỉnh đánh giá khả năng không giải ngân hết như: Quảng Ninh. 

Thứ hai, đối với nguồn vốn cân ngân sách địa phương, theo Bộ Tài chính, có 43/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 13/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. 

"Nguyên nhân là một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện để giao chi tiết phân bổ phụ thuộc nguồn thu của ngân sách địa phương; chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn sử dụng đất, bội chi ngân sách địa phương", Bộ Tài chính thông tin. 

Thứ ba, đối với vốn kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia, đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch vốn của 44/48 địa phương, trong đó, có 14/44 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn. 

Trong số các địa phương Bộ Tài chính nhận được báo cáo phân bổ, có 20/44 địa phương đã phân bổ vốn chi tiết đến danh mục dự án. 

Trong đó, 14 địa phương đã phân bổ hết kế hoạch vốn gồm: Cao Bằng, Điện Biên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Kon Tum, Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long; còn lại 6 địa phương chưa phân bố hết vốn gồm Tuyên Quang, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Kiên Giang. 

Còn lại 24/44 địa phương chưa phân bổ vốn chi tiết đến danh mục dự án, bao gồm: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thái Bình, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang, Cà Mau.(Vneconomy.vn 15/05) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh bị khai trừ ra khỏi Đảng

Sáng 15/5, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai. 

Trước đó, ngày 8/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ, trong đó có ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai.  

Sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy ông Nguyễn Văn Vịnh cùng nhiều cá nhân khác đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, bị xử lý hình sự. 

Các vi phạm trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thiệt hại, thất thoát rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương. 

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Vịnh. (Tienphong.vn 15/05, Luân Dũng) Về đầu trang

Kỷ luật Chủ tịch xã ở Phú Yên vì làm giả hồ sơ nhận tiền trồng rừng

Ngày 15.5, Huyện ủy Sơn Hòa có quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Ngọc Tây -  Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội với hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy. 

Cụ thể, ông Trần Ngọc Tây là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã nhưng không tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập hằng năm sai nguyên tắc, không đúng quy trình, quy định. 

Ngoài ra, ông Tây đã lấy tên ông Nguyễn Văn Tảng để đăng ký tham gia trồng rừng theo Dự án Flitch và nhiều lần giả chữ ký của ông Tảng làm các hồ sơ thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ trồng rừng; đồng thời, giả chữ ký ông Tảng nhận giống, tiền đầu tư trồng rừng từ Dự án sử dụng vào mục đích trồng rừng của cá nhân. 

Việc làm của ông Tây là trái quy định của pháp luật, chưa thực hiện đúng nghĩa vụ, đạo đức của công chức, nhiệm vụ của đảng viên và những điều đảng viên không được làm, là vi phạm kỷ luật của Đảng. (Laodong.vn 15/05, Hoài Luân) Về đầu trang

Khởi tố Phó Chủ tịch xã ở Bắc Ninh vì cấp sổ đỏ sai quy định

Ngày 15.5, VKSND thị xã Quế Võ (Bắc Ninh) cho biết, đơn vị đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đỗ Đức Thành, Phó Chủ tịch xã Ngọc Xá, thị xã Quế Võ về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự. 

Theo đó, từ đơn tố giác của người dân, quá trình điều tra đã xác định: Năm 2013, trong quá trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, Đỗ Đức Thành - Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch hội đồng; Trần Bá Điện - cán bộ địa chính xã Ngọc Xá, Thư ký hội đồng đã không thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm được giao. 

Quá trình xét duyệt hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất (sổ đỏ), vì muốn hoàn thành chỉ tiêu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo kế hoạch được giao nên đã không tiến hành thẩm tra, xác minh về nguồn gốc đất, không xem xét hiện trạng, thực địa của các thửa đất trước khi trình Phòng Tài nguyên và Môi trường, dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai về loại đất.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi của các đối tượng đã gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng. 

Hiện vụ án đang được cơ quan chức năng thị xã Quế Võ mở rộng điều tra. (Laodong.vn 15/05) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thủ tướng Thái Lan cân nhắc rời chính trường sau thất bại bầu cử

Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha có thể cân nhắc kết thúc sự nghiệp chính trị của mình, phó lãnh đạo đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) Thanakorn Wangboonkongchana ngày 15/5) cho biết. 

Theo Thai PBS, ông Thanakorn nói, cá nhân ông tin là như vậy dù ông Prayuth chưa nói ra kế hoạch cho tương lai. Trước đó, ngày 12/5, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha nói, ông sẽ rời chính trường nếu đảng UTN mà ông là ứng viên Thủ tướng và chiến lược gia chính, không giành đủ số ghế ở Hạ viện để thành lập chính phủ mới.  

Ông Thanakorn nói: "Ông Prayuth Chan-o-cha đã làm việc cho đất nước cả đời và vì lợi ích của người Thái Lan trong suốt 8 năm làm Thủ tướng. Cá nhân tôi tin rằng thời gian trên chính trường như vậy là đủ với ông ấy".  

Quan chức trên cho biết như vậy sau khi đảng UTN không giành đủ số ghế ở Hạ viện như mong đợi. Theo kết quả do Ủy ban bầu cử công bố, UTN chỉ giành được 36 ghế ở Quốc hội. Nhiều người cho rằng đáng lẽ UTN phải giành được nhiều ghế ở Hạ viện hơn vì ông Prayuth là ứng viên Thủ tướng của UTN.  

Khi biết kết quả bầu cử, ban lãnh đạo đảng UTN đã thảo luận về tương lai của đảng trong một cuộc họp không chính thức. Ông Thanakorn nói, ông gia nhập đảng UTN vì ông Prayuth, vì vậy, ông sẽ tuân theo bất kỳ quyết định nào của Thủ tướng Prayuth. Ông Thanakorn hiện là Bộ trưởng văn phòng Thủ tướng Thái Lan.  

Theo ông Thanakorn, ông Prayuth sẽ ở trong tâm trí người Thái Lan trong một thời gian dài. Và rằng, trong hoàn cảnh đó, ông chúc ông Prayuth hạnh phúc vì từ khi làm Thủ tướng, ông Prayuth không đi đâu cả. (Vietnamnet.vn 15/05, Hoài Linh) Về đầu trang

Các thành phố Israel đình công phản đối Luật Thuế tài sản gây tranh cãi

Liên đoàn các giới chức địa phương ở Israel đã bắt đầu tổ chức một cuộc tổng đình công từ ngày 15.5 để phản đối Luật Thuế tài sản gây tranh cãi do chính phủ thúc đẩy, hãng tin chính thức IANS đưa tin. 

Đạo luật dự kiến ​​sẽ buộc chính quyền địa phương giàu có phải phân phối lại doanh thu từ thuế bất động sản kinh doanh cho các thành phố yếu hơn để khuyến khích họ xây dựng nhà ở. 

Theo luật, chính quyền địa phương phải chuyển tới 28% lợi nhuận từ thuế bất động sản hàng năm của họ vào một quỹ chuyên dụng mới. 

Liên đoàn, bao gồm tất cả các thành phố và hội đồng địa phương ở Israel, nói rằng luật dự kiến ​​sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho người dân và nhiều lĩnh vực, bao gồm giáo dục, phúc lợi và văn hóa. 

Họ nói thêm: “Chúng tôi không có nhiệm vụ quan tâm đến các nguồn ngân sách để giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc gia”. 

Sau thông báo đình công, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich đã triệu tập một cuộc họp báo, trong đó ông nói rằng đạo luật dự kiến ​​chỉ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở quốc gia

Cuộc đình công được bắt đầu vào sáng 15.5, bao gồm việc đóng cửa các trường học và nhà trẻ, cũng như tất cả các dịch vụ của thành phố như xử lý rác, nước thải, an ninh, phúc lợi, thanh tra và dịch vụ văn hóa. 

Tuy nhiên, một số thành phố tự trị, bao gồm Thành phố Jerusalem, cho biết họ sẽ không tham gia cuộc đình công. (Daibieunhandan.vn 15/05, Quỳnh Vũ) Về đầu trang

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

10