Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 15/5/2023

15:25, Thứ Hai, 15-5-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIN QUỐC HỘI

1.        Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 22 ngày, chia làm 2 đợt

2.        Thường vụ Quốc hội không đồng ý giảm thuế VAT với tất cả hàng hóa

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

3.        Ngân hàng toàn cầu dự báo: Năm 2023, Việt Nam tăng trưởng 6,5%

4.        Trung Quốc hụt hơi ở lĩnh vực tạo ra “cơn địa chấn toàn cầu”, Việt Nam được gọi tên là “người chiến thắng” 

5.        Hoãn kiểm tra sau thông quan để hỗ trợ doanh nghiệp

6.        Đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước tại dự án giao thông đường bộ

7.        Điểm danh TOP 5 địa phương có giá trị xuất siêu cao nhất Việt Nam trong 4 tháng đầu năm

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

8.        Gần 600 văn bản qua lại và câu hỏi chưa được trả lời

QUẢN LÝ

9.        Đề xuất trình tự phê duyệt biên chế công chức 5 năm

10.     Đề nghị Bộ Công an tiếp tục hỗ trợ đăng kiểm

11.     Không gây khó khăn cho người rút Bảo hiểm xã hội một lần

12.     Băn khoăn tuổi nghỉ hưu: Bao nhiêu công nhân trực tiếp cầm được sổ hưu?

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

13.     Lý do Bộ Lao động trả lại hơn 2.800 tỷ đồng tiền ngân sách

14.     Tỉnh giải ngân vốn đầu tư công cao nhất 4 tháng đầu năm

15.     Lâm Đồng: Kiểm điểm trách nhiệm 5 sở ngành, 6 địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

16.     Kỷ luật 2 cán bộ tài nguyên và môi trường ở Bạc Liêu

17.     Thanh Hóa: Đình chỉ công tác cán bộ liên quan vụ tiêm vaccine hết hạn cho trẻ

THẾ GIỚI

18.     Trung Quốc cải thiện đời sống người dân đô thị

 

TIN QUỐC HỘI

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 22 ngày, chia làm 2 đợt

Theo chương trình dự kiến, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 22/5/2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 23/6/2023. 

Sáng 13/5, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã báo cáo tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. 

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết đã nhận được ý kiến góp ý của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội; các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị một số vấn đề cụ thể. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tiếp tục đề nghị bổ sung một số nội dung vào dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5. 

Theo đó, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày; khai mạc vào ngày 22/5/2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 23/6/2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, trong đó có bố trí Quốc hội làm việc 2 ngày thứ bảy tại đợt 1, cụ thể: Đợt 1 là 17 ngày: Từ ngày 22/5 đến ngày 10/6/2023. Đợt 2 là 5 ngày: Từ ngày 19/6 đến ngày 23/6/2023. 

Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội do hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, đồng thời để bảo đảm điều kiện tiến hành các phiên họp về nhân sự, việc biểu quyết các nội dung của kỳ họp. 

Về việc bố trí kỳ họp thành 2 đợt, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết việc này để sau khi cơ bản thảo luận xong các nội dung và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan có thời gian cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trong khoảng 1 tuần nghỉ giữa 2 đợt. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm giải quyết các công việc ở bộ, ngành, địa phương. 

Đối với 3 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ, ông Bùi Văn Cường cho biết, đây là 3 dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề tháng 4/2023 và thấy rằng hồ sơ tài liệu cơ bản đảm bảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. 

"Nội dung này đang chờ xin ý kiến Bộ Chính trị. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định; nếu Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại Kỳ họp thứ 5 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bổ sung vào chương trình kỳ họp trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Do đó, trong dự kiến chương trình kỳ họp trình Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị chưa thể hiện 3 dự án luật này" - Tổng Thư ký Quốc hội cho biết. (VTV.vn 13/5) Về đầu trang

Thường vụ Quốc hội không đồng ý giảm thuế VAT với tất cả hàng hóa

Sáng 13.5, tiếp tục phiên họp 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). 

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%). Đề xuất này mở rộng diện hàng hóa, dịch vụ giảm thuế VAT đã được áp dụng năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội (QH) về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo đó, việc giảm thuế VAT 2% sẽ áp dụng cả đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin… đã bị loại trừ trong Nghị quyết 43. 

Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%. Theo ông Phớc, dự kiến với mức giảm 2%, số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5.800 tỉ đồng/tháng; nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023 thì khoảng 35.000 tỉ đồng. 

Thẩm tra sơ bộ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách QH Nguyễn Vân Chi cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách QH nhất trí đề xuất giảm thuế VAT nhằm hỗ trợ khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn phương án bù đắp khoản giảm thu 35.000 tỉ đồng khi áp dụng việc giảm thuế, vì cho rằng việc giảm VAT sẽ tạo thêm tác động bất lợi cho ngân sách năm 2023, trong điều kiện số thu năm nay được dự kiến là có nhiều khó khăn. Với đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng giảm thuế VAT với tất cả hàng hóa, dịch vụ, bà Chi cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách QH không đồng tình với việc mở rộng phạm vi áp dụng và đề nghị chỉ nên tiếp tục giảm thuế VAT với phạm vi như đã thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết 43. 

Tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH bày tỏ tán thành sự cần thiết giảm thuế VAT, song không đồng tình với đề xuất mở rộng phạm vi hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế như Chính phủ đề xuất. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị phạm vi áp dụng nên theo Nghị quyết 43, vì khi đó QH đã tính toán kỹ lưỡng, có cơ sở thuyết phục QH và khi triển khai Chính phủ cũng sẽ thực hiện rất nhanh vì đã có hành lang pháp lý. Bên cạnh đó, Chủ tịch QH đề nghị quy định rõ QH yêu cầu triển khai giảm thuế VAT không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của năm 2023 để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. (Thanhnien.vn 14/5, Lê Hiệp)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Ngân hàng toàn cầu dự báo: Năm 2023, Việt Nam tăng trưởng 6,5%

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống 6,5% từ mức 7,2% trước đó. 

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định: "Việt Nam có đặc thù nhập khẩu nhiều, do vậy các chỉ số nhập khẩu giảm đáng kể cho thấy hoạt động kinh tế đang chậm lại, mặc dù sức tiêu dùng trong nước vẫn mạnh". 

Số liệu của Standard Chartered cho thấy các chỉ số vĩ mô trong tháng 4 có sự chậm lại. Xuất khẩu giảm 17,1% so với cùng kỳ, nhập khẩu giảm 20,5% so với cùng kỳ và sản xuất công nghiệp chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ; thặng dư thương mại tăng lên 1,5 tỷ USD từ mức 0,7 USD trong tháng 3. 

Lạm phát ở mức 2.8% trong tháng 4, giảm tháng thứ ba liên tiếp từ mức 4.9% hồi tháng 1; lạm phát cơ bản tăng 4.6% do doanh số bán lẻ tăng mạnh 11.5%. Vốn FDI giải ngân từ tháng 1-4/2023 đạt tổng cộng 5.9 tỷ USD, giảm 1.2% so với cùng kỳ; vốn FDI cam kết đạt 8.9 tỷ USD, giảm 17.9%. 

Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản xuống 5% vào cuối quý II, sau đó lãi suất sẽ duy trì cho đến cuối năm 2025. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra tình huống lãi suất sẽ tăng, đặc biệt là vào cuối năm, do NHNN có thể sẽ chú trọng vào sự ổn định của thị trường tài chính hơn là tăng trưởng. 

Chuyên gia của Standard Chartered cho biết từ đầu năm 2023, NHNN đã chuyển hướng sang hỗ trợ quá trình phục hồi của nền kinh tế. Ngoài việc cắt giảm lãi suất, NHNN còn hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bằng cách cho họ thêm thời gian để giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản. 

"Tháng 4 năm nay, các điều khoản cho vay đã dễ dàng hơn, bao gồm việc hoãn trả nợ (tối đa 12 tháng) và miễn giảm lãi suất. Thị trường bất động sản có thể sẽ cần thêm các biện pháp hỗ trợ thanh khoản do các biện pháp tính đã được triển khai tính đến nay mới chỉ giúp làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn", ông Tim Leelahaphan cho biết. 

Theo Báo báo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023, GDP quý I ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023. 

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91% vào mức tăng chung. 

Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh. 

Tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm một số ngành dịch vụ quý I/2023 như sau: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%. 

Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố mới đây đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023. 

Cụ thể, kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP đạt 6,47%; lạm phát bình quân 4,08%; tăng trưởng xuất khẩu 7,21% và cán cân thương mại là 5,64 tỷ USD. Kịch bản thứ hai tích cực hơn khi tăng trưởng GDP tăng 6,83%; lạm phát 3,69%; tăng trưởng xuất khẩu 8,43% và cán cân thương mại là 8,15 tỷ USD. Các mức tăng trưởng này khá cao so với mức dự báo tăng trưởng bình quân của thế giới là 2,2% mà báo cáo đưa ra.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN-6, với GDP tăng 5,8% so với cùng kỳ. Ngày 13/3, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 được dự báo đạt 6,3%. (Toquoc.vn 14/5, Dy Khoa)Về đầu trang

Trung Quốc hụt hơi ở lĩnh vực tạo ra “cơn địa chấn toàn cầu”, Việt Nam được gọi tên là “người chiến thắng”

Theo báo chí quốc tế, trong sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn mới của thế giới, mang lại cú hích lớn cho nền kinh tế. 

Hiện nay, tự chủ về công nghiệp bán dẫn đã trở thành vấn đề sống còn đối với hầu hết các nền kinh tế. Trong khi nhiều nước châu Âu quyết tâm giữ vị thế tiên phong trong lĩnh vực này thì tại châu Á, các nền kinh tế phát triển cũng đang đẩy mạnh đầu tư và hợp tác quốc tế. 

Thế nhưng, giới phân tích nhận định, trong bước chuyển này, Trung Quốc lại "hụt hơi" một cách khó tả. "Công xưởng chất bán dẫn" tiềm năng mới của thế giới dường như đang thuộc về Đông Nam Á. 

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Discourse, Giáo sư George Calhoun tại Viện Công nghệ Stevens (bang New Jersey, Mỹ) cho biết, ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc không hề "mạnh tới mức đáng sợ" như người ta vẫn tưởng. 

Hiện tại, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu để đáp ứng khoảng 90% nhu cầu của ngành công nghiệp chip trong nước. 

Theo ông Calhoun, chất bán dẫn vốn là một yếu tố quan trọng trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc, tuy nhiên, con số 90% đó cho thấy nước này vẫn chưa đến được nơi họ muốn, và cũng không hề ở vị trí mà Mỹ, cũng như một số nước khác lo sợ. 

Mô tả về quy mô và sự "vụng về" của Trung Quốc trong chính sách công nghiệp bán dẫn, ông Calhoun nói: "Trung Quốc đi theo chiến lược đầu tư từ trên xuống dưới, như phong cách Liên Xô, cung cấp các khoản trợ cấp cho tất cả các dự án. 

Họ đã hơn một lần thử nghiệm phương pháp này. Năm 2022, Bắc Kinh đã công bố một loạt ưu đãi mới cho các công ty bán dẫn. Điều xảy ra tiếp theo là đột nhiên có 10.000 - 15.000 công ty, mà hôm qua vẫn đang uốn kim loại và giặt khô, bỗng chốc trở thành công ty bán dẫn. Đó không phải là cách ngành công nghiệp hoạt động". 

Thế nhưng trước đó, có tới 3.000 công ty bán dẫn đã tuyên bố phá sản ở Trung Quốc. Chỉ cần xem xét những son số đó, rồi so sánh với ngành công nghiệp bán dẫn ở Mỹ, Hàn Quốc thì sẽ thấy ngay sự khác biệt. 

"Ở những nơi đó, không có tới 10.000 công ty bán dẫn, và cũng không có 3.000 công ty bán dẫn phá sản. Đó là một cấu trúc khác biệt rất nhiều (so với Trung Quốc). 90%, rồi 10.000 và 3.000, những con số này cho chúng ta thấy rõ ràng Trung Quốc chưa đến được vị trí mà họ muốn" - Ông Calhoun nói. 

Từ năm 2010-2020, Trung Quốc đã cố gắng tìm cách củng cố ngành công nghiệp bán dẫn, khuyến khích các công ty bán dẫn trong nước chia sẻ kết quả nghiên cứu và phát triển, hạn chế nước ngoài kiểm soát xuất khẩu, trong khi thu hút nguồn nhân lực có kỹ năng cao từ nước ngoài. 

Tuy nhiên, tới đầu năm 2022, Trung Quốc vẫn không thiết kế và chế tạo được số lượng đáng kể hai loại chip bán dẫn có giá trị cao nhất, gồm bộ vi xử lý trung tâm CPU và bộ xử lý đồ họa GPU (thị phần của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu ở mức dưới 6%). 

Đáng nói, đây mới chỉ là một phần của vấn đề. Theo giáo sư Calhoun, chip do Trung Quốc sản xuất không chỉ có chất lượng thấp hơn mà còn không có tính cạnh tranh ngay cả trên thị trường nội địa Trung Quốc. 

Mặc dù là 1 trong 5 công xưởng đúc chất bán dẫn hàng đầu thế giới nhưng Tập đoàn quốc tế SMIC của Trung Quốc chỉ mới bắt đầu sản xuất chất bán dẫn 14nm trong năm 2022. Điều đó khiến doanh nghiệp này đi sau các đối thủ tới 3 thế hệ, hoặc ít nhất là 6 năm. 

Ở tình trạng hiện tại, các công ty bán dẫn của Trung Quốc không thể đáp ứng nhu cầu về chất bán dẫn trong nước, càng không thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Điều đó có nghĩa, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào chất bán dẫn chất lượng cao được sản xuất tại nước ngoài. 

Báo cáo Nghiên cứu về Công nghiệp Sản xuất Chip bán dẫn Đông Nam Á 2023 - 2032 cho thấy, các quốc gia Đông Nam Á đang đứng ở vị trí nổi bật trong chuỗi sản xuất chip của thế giới, chiếm tới 27% thị trường đóng gói và thử nghiệm chip toàn cầu. Quy mô thị trường chip của các nước Đông Nam Á ước tính có thể đạt hơn 40 tỷ USD vào năm 2028. 

Cũng theo báo cáo này, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Indonesia, với nền tảng sản xuất và nguồn lao động giá rẻ dồi dào, đang trở thành điểm nóng để các nhà sản xuất chip toàn cầu đầu tư xây dựng nhà máy. Đặc biệt, Việt Nam, Philippines và Thái Lan là các nước dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, cũng như thiết kế vi mạch.  

Hiện tại, Việt Nam đã là một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty bán dẫn nổi tiếng như Samsung và Intel, đứng thứ 8 trên quy mô toàn cầu, và đứng thứ 2 trong các quốc gia ASEAN (chỉ sau Singapore) trong vai trò nhà xuất khẩu điện tử quan trọng. 

Theo hai chuyên gia phân tích quốc tế Timothy Wong và Michael Alexander, trong bối cảnh các doanh nghiệp bắt đầu mở rộng chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam trở thành một cái tên đầy tiềm năng, sở hữu những giá trị độc đáo để thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. 

Tờ Bloomberg cho hay, Việt Nam, cùng với Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia, đang nổi lên như những "người chiến thắng" trong bối cảnh Mỹ đa dạng hóa sản xuất chất bán dẫn. 

Việt Nam và Thái Lan, với thị trường sản xuất chip lớn hai nước còn lại, đã gia tăng giao dịch với Mỹ trong lĩnh vực này lên các con số ấn tượng. Riêng vật liệu bán dẫn của Việt Nam đã chiếm hơn 10% hàng nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng liên tiếp. 

Trong khi đó, hãng tin Sputnik (Nga) nhận định, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất chip, chất bán dẫn mới của thế giới, mang lại những cú hích rất lớn cho nền kinh tế. 

Việc Việt Nam bắt đầu bước vào "con đường bán dẫn" và dần khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng chip cho thấy những chiến lược, tính toán hợp lý. 

Theo các nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc Samsung Electronics, nhà cung cấp DRAM lớn nhất thế giới vào năm 2021, lựa chọn sản xuất lưới bóng chíp bán dẫn tại Việt Nam, với khoản đầu tư trị giá 850 triệu USD, thay vì ưu tiên các địa điểm phát triển hơn đã nói lên tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. (Markettimes.vn 14/5, Vy Lam)Về đầu trang

Hoãn kiểm tra sau thông quan để hỗ trợ doanh nghiệp

Trong năm 2023, Tổng cục Hải quan đề nghị chưa thực hiện kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch đối với các cuộc kiểm tra chưa cần thiết. 

Thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm nay đạt 122.886 tỷ đồng, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm sâu, do vậy để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt ngay hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung chính vào việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Nguyên nhân thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu khẩu giảm sâu là do không ít doanh nghiệp sản xuất bị đình trệ, số lượng đơn đặt hàng bị giảm do ảnh hưởng từ việc thắt chặt chi tiêu ở nhiều quốc gia. 

Vì vậy, Tổng cục đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố bằng mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm thiểu các thủ tục hành chính. Trong năm 2023, Tổng cục Hải quan đề nghị chưa thực hiện kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch đối với các cuộc kiểm tra chưa cần thiết. 

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng tăng cường đấu tranh chống gian lận thương mại, thực hiện chế độ hoàn thuế, miễn giảm thuế nhanh chóng thuận lợi, đúng đối tượng, thí điểm nộp thuế điện tử 24/7 để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. (VTV.vn 13/5)Về đầu trang

Đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước tại dự án giao thông đường bộ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. 

Tại dự thảo, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quy định thí điểm 3 chính sách về: Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP; giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương; giao cho một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc lựa chọn giải pháp nâng tỷ lệ tham gia của nhà nước trong dự án PPP nhằm tạo động lực hơn nữa trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện. 

Ngoài việc, việc nâng tỷ lệ tham gia của Nhà nước còn tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương còn khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của đất nước. 

Việc quy định cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư quốc lộ, cao tốc, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nhằm huy động nguồn lực địa phương đầu tư các công trình, dự án quan trọng của quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Người đứng đầu địa phương sẽ phát huy được tính tự chủ, nâng cao trách nhiệm, năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý, điều hành dự án; thuận lợi trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. 

Đề xuất này còn nhằm huy động lực lượng lao động của địa phương tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng; giao quyền chủ động cho địa phương trong công tác quy hoạch, đấu nối hạ tầng, xác định vị trí các nút giao cần thiết để tạo không gian cho phát triển kinh tế; thu hút đầu tư, khai thác quỹ đất dọc tuyến; kiểm soát mỏ nguyên vật liệu ngay từ giai đoạn cấp phép; quản lý giá cả, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi; tạo thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện, gắn trách nhiệm của các bên liên quan... 

Còn đề xuất cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có tỷ trọng vốn đầu tư lớn hơn hoặc theo thỏa thuận của các địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định sẽ tháo gỡ điểm nghẽn thực tế trong quá trình tổ chức thực hiện dự án đầu tư liên kết vùng, đường ven biển, các công trình cầu, hầm qua hai địa phương. 

“Để thống nhất, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong thực tiễn, cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm giao Thủ tướng quyết định vấn đề liên quan đến phạm vi từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên trong đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và cho phép địa phương sử dụng ngân sách của địa phương mình để hỗ trợ các địa phương khác cùng thực hiện 1 dự án đầu tư”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày. (Tienphong.vn 14/5, Việt Linh)Về đầu trang

Điểm danh TOP 5 địa phương có giá trị xuất siêu cao nhất Việt Nam trong 4 tháng đầu năm

Xét theo địa phương, số liệu của Tổng cục Hải quan chỉ ra rằng, trong 4 tháng đầu năm, chỉ có 5 địa phương ghi nhận thặng dư cán cân thương mại, với giá trị xuất siêu đạt trên 1 tỷ USD. 

Theo đó, địa phương dẫn đầu là Thái Nguyên. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên đạt 9,3 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 5,2 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ.  

Cục Thống kê nhận định, năm 2023 là năm có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 4 tháng đầu năm giảm sâu nhất so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây cũng là năm có giá trị xuất siêu đạt cao thứ 3 với giá trị xuất siêu đạt gần 4,1 tỷ USD (sau năm 2019 và năm 2022 đạt giá trị xuất siêu lần lượt là 4,6 tỷ USD và 4,2 tỷ USD). 

Theo sau là Bình Dương với giá trị xuất siêu trong 4 tháng đầu năm đạt khoảng 2,6 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,4 tỷ USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 6,8 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ. Xét theo khu vực kinh tế, khu có vốn đầu tư trong nước xuất siêu 850,6 triệu USD, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu 1.977,8 triệu USD. 

Tiếp theo, địa phương có giá trị xuất siêu cao thứ 3 cả nước là Bắc Ninh. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 11,9 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 10 tỷ USD. Kết quả, cán cân thương mại của địa phương trong 4 tháng đầu năm ước tính xuất siêu khoảng 1,8 tỷ USD. 

Đứng thứ 4 cả nước về thặng dư cán cân thương mại trong 4 tháng đầu năm là Đồng Nai. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của Đồng Nai ước đạt 4,9 tỷ USD, giảm 14,09% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 19,27% so cùng kỳ. Kết quả, cán cân thương mại của địa phương trong 4 tháng đầu năm ước tính xuất siêu khoảng 1,7 tỷ USD. 

Cuối cùng, với giá trị xuất siêu trong 4 tháng đầu năm đạt khoảng 1,2 tỷ USD, Bắc Giang là địa phương thứ 5 có giá trị xuất siêu vượt mốc 1 tỷ USD. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 7 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 2,8 tỷ USD. Kết quả, cán cân thương mại của địa phương trong 4 tháng đầu năm ước tính xuất siêu khoảng 1,12 tỷ USD. (Nhipsongkinhte.toquoc.vn 14/5, Giang Anh)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Gần 600 văn bản qua lại và câu hỏi chưa được trả lời

Nhiều kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi lên nhưng văn bản trả lời của bộ lại chung chung “không biết sao mà làm”. Đây là câu chuyện rất thật được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chia sẻ khi nhắc đến việc năm 2022, TPHCM gửi, hỏi bộ 584 văn bản và bộ đã trả lời 604 văn bản.  

Thế nhưng thực tế là: "Trong hơn 600 văn bản trả lời đó, có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào trả lời cũng không biết sao làm" - ông Mãi nói tại Hội nghị công bố đánh giá năng lực cấp sở, ban ngành, địa phương tại TP Hồ Chí Minh sáng 11.5. 

Thế nhưng, cũng cần nhắc lại tại cuộc họp của Thường vụ Quốc hội hôm 9.5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chính TP Hồ Chí Minh mới “né tránh, đá bóng”; rằng hầu hết những nội dung trong gần 600 văn bản qua lại giữa TP Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều là các nội dung thuộc thẩm quyền của TP.Hồ Chí Minh.  

Ông Dũng lấy ví dụ, mỗi năm của giai đoạn 2018-2021, TPHCM cấp trung bình khoảng 70 dự án bất động sản nhưng trong 2 năm qua, TP Hồ Chí Minh cấp có 8 dự án, còn lại hầu như "đứng bóng". “Đấy là vấn đề lớn nhất, cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy, lẩn tránh không làm" - ông Dũng nói. 

Rõ ràng là có vấn đề ở đây. Địa phương gặp những vấn đề trong thực tiễn mà các quy định của pháp luật chưa rõ thì hỏi lên bộ, bộ lại nói thẩm quyền của địa phương thì tự quyết. Bên nào cũng cho rằng, phía bên kia đùn đẩy, đá bóng trách nhiệm, kết quả là việc đứng im, hiệu quả, hiệu lực trong điều hành thấp. 

Cái lòng vòng giữa TP Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy chuyện sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm không chỉ có ở một bộ phận cán bộ cá nhân riêng lẻ mà còn ở cấp địa phương và cấp bộ. 

Cần phải có trọng tài để phân định ai đúng, ai sai trong trường hợp này. Nếu không, việc thực thi công vụ chỉ loanh quanh chuyền bóng, không chịu “ghi bàn”. Đây cũng là một biểu hiệu tiêu cực. 

Hôm 10.5, tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cũng đã yêu cầu: “Rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. 

Gần 600 văn bản qua lại nhưng chưa trả lời được câu hỏi: “Bộ và địa phương còn né tránh, đùn đẩy thì sao có cán bộ dám nghĩ, dám làm?”. (Lao động 13/5, Hoàng Lâm)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đề xuất trình tự phê duyệt biên chế công chức 5 năm

Tại dự thảo Nghị định về vị trí việc làm và biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ đề xuất trình tự phê duyệt biên chế công chức 5 năm. 

Theo dự thảo, trình tự phê duyệt biên chế công chức 5 năm như sau: 

1- Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, ngành, địa phương căn cứ vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm, trừ vị trí việc làm hỗ trợ phục vụ; mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; thực tế việc sử dụng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao để xây dựng kế hoạch biên chế công chức 5 năm của cơ quan, tổ chức mình, gửi cơ quan, tổ chức quy định. 

2- Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của bộ, ngành thẩm định kế hoạch biên chế công chức 5 năm của các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý của bộ ngành; tổng hợp, lập kế hoạch biên chế công chức 5 năm của bộ, ngành trình người đứng đầu để gửi Bộ Nội vụ. 

3- Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của địa phương thẩm định kế hoạch biên chế công chức 5 năm của các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương; tổng hợp, lập kế hoạch biên chế công chức 5 năm của địa phương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi cơ quan có thẩm quyền của Đảng ở địa phương cho ý kiến trước khi gửi Bộ Nội vụ. 

4- Bộ Nội vụ thẩm định kế hoạch biên chế công chức 5 năm của từng bộ, ngành và tổng hợp kế hoạch biên chế công chức 5 năm của địa phương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế. Căn cứ số biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng ở Trung ương thông qua, Bộ Nội vụ trình Chính phủ giao biên chế công chức cho các bộ, ngành và trình Chính phủ có văn bản đề nghị địa phương quyết định cụ thể biên chế công chức của từng cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý. 

5- Bộ, ngành, địa phương quyết định giao biên chế công chức hàng năm đối với từng cơ quan, tổ chức thuộc bộ, ngành, địa phương trong tổng số biên chế công chức 5 năm được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao. (VTV.vn 14/5)Về đầu trang

Đề nghị Bộ Công an tiếp tục hỗ trợ đăng kiểm

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa có công văn gửi Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an bày tỏ sự trân trọng cảm ơn về việc đã quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công an, bố trí lực lượng cán bộ, chiến sĩ tham gia hỗ trợ công tác kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dân sự trong suốt thời gian vừa qua. 

Theo Bộ GTVT, nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ, chiến sĩ công an, công tác đăng kiểm xe cơ giới dân sự đã từng bước giảm bớt khó khăn, phục vụ tốt hơn nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, trong các tháng tới, dự báo lượng xe đến hạn phải kiểm định dự kiến sẽ tăng cao nên tình trạng ùn tắc phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm vẫn tiếp diễn, đặc biệt là tại khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 

Do đó, trong thời gian chưa bổ sung được nhân lực, Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an tiếp tục bố trí thêm lực lượng cán bộ, chiến sĩ Công an tham gia hỗ trợ công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ. 

Trước đó, Bộ GTVT cũng có công văn gửi Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc cho phép tiếp tục bố trí thêm lực lượng đăng kiểm viên quân đội tham gia hỗ trợ công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ tại các trung tâm đăng kiểm. (VTV.vn 13/5)Về đầu trang

Không gây khó khăn cho người rút Bảo hiểm xã hội một lần

Trước tình trạng người dân rút BHXH một lần gia tăng, BHXH Việt Nam chỉ đạo bảo hiểm các địa phương tạo điều kiện thuận lợi tối đa và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. 

Hiện các địa phương có đông lao động tới rút BHXH một lần đã tập trung nhân lực để giải quyết tình trạng này. BHXH Việt Nam yêu cầu viên chức phải có tinh thần trách nhiệm, nghiêm cấm tình trạng đùn đẩy hoặc gây khó khăn hoặc hướng dẫn người lao động đi nơi khác nộp hồ sơ. Phân luồng việc tiếp nhận hồ sơ riêng, nhận hết hồ sơ trong ngày. 

Riêng sáng thứ Bảy vẫn làm việc và ưu tiên tiếp nhận hồ sơ BHXH một lần. Không được yêu cầu người lao động khi đến nộp hồ sơ trực tiếp phải đặt lịch làm việc sau đó mới quay lại nộp hồ sơ BHXH một lần. Các đơn vị phải bố trí đầy đủ nhân lực và thời gian hợp lý, tránh để ùn tắc hồ sơ thủ tục. (VTV.vn 13/5)Về đầu trang

Băn khoăn tuổi nghỉ hưu: Bao nhiêu công nhân trực tiếp cầm được sổ hưu?

Trong Dự thảo BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo đó, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu. 

Trong chương trình đối thoại tháng về chủ đề BHXH ở TP HCM, nhiều cán bộ Công đoàn thẳng thắn chỉ ra lý do người lao động rút BHXH là do tuổi nghỉ hưu quá cao. Thực tế, rất nhiều người lao động đủ năm đóng BHXH nhưng chưa đủ tuổi nhận lương hưu và phải chờ lĩnh lương hưu quá lâu nên tranh thủ nghỉ việc để rút BHXH một lần. 

Bạn đọc Đoàn Tuấn Khải đặt vấn đề: "38-42 tuổi nếu lĩnh lương có đủ sống không? Nếu người lao động còn sức khỏe, có việc làm phù hợp chẳng ai lại muốn lĩnh 45% lương đâu. Chẳng qua là hết cách rồi người lao động mới phải chịu thôi". Một bạn đọc tên Lan viết: "Chúng tôi là nhân viên kế toán khối doanh nghiệp nước ngoài. Tầm 45-50 tuổi là thấy oải rồi, mắt nhìn số má nhiều cũng mờ dần, tính chất công việc ngồi nhiều cũng khiến xương cốt suy giảm, công thêm áp lực công việc nhiều, chạy theo deadline cũng bở hơi, chưa kể các công ty nước ngoài luôn muốn nhân viên cập nhật công nghệ đổi mới trong công việc. Không biết đến 50 tuổi có đủ sức khoẻ mà cống hiến không, chắc chẳng công ty nào muốn nhận người mắt mờ, chân tay chậm nữa, chắc tìm lý do tiễn về chờ hưu sớm thôi". Bạn đọc Văn Tuấn chia sẻ: "Hãy nhìn vào thực tế đi, chẳng có công ty y nào nhận người 45 đến 62 tuổi cả. Công nhân tuổi nghỉ hưu nam 55, nữ 50 là được". 

Theo nhiều bạn đọc, thực tế ngày nay có nhiều người lao động không muốn nghỉ hưu khi công việc của họ tốt, nhưng cũng có nhiều người lao động muốn được nghỉ hưu sớm do mệt mỏi, và cũng có nhiều người muốn làm việc tới hết 60 tuổi mới nghỉ. Do vậy hãy để người lao động tự chọn tuổi nghỉ hưu phù hợp với hoàn cảnh sức khỏe và kinh tế cho dù lương hưu của họ là bao nhiêu phù hợp với BHXH họ đã đóng là được. 

Bạn đọc Võ Đình Vinh bày tỏ: "BHXH cần công bằng hơn. BHXH thì của nhà nước quản lý chung. Còn người tham BHXH thì chia ra làm hai loại. Loại 1 làm ở cơ quan thuộc công chức nhà nước, loại 2 làm ở ngoài nhà nước. Cách tính hưởng lương hưu hai loại này cũng khác nhau". Đồng quan điểm, bạn đọc Huy Hoàng góp ý: "Theo tôi nên xây dựng quy định tuổi nghỉ hưu cho từng đối tượng khác nhau, công nhân, lao động chân tay tuổi nghỉ hưu từ 50-55 tuổi". Bạn đọc Phan Nghĩa Đại chia sẻ:"Trên diễn đàn báo chí nào cũng thấy nêu cần trở lại tuổi hưu cũ (nam 60, nữ 55) gần cả chục hiệp hội ngành nghề kiến nghị, chưa thấy thống kê được bao nhiêu ngàn lao động đã nghỉ chờ tới tuổi hưu. Vậy mà mãi chẳng tìm ra giải pháp". 

Theo bạn đọc Nguyễn Văn Dũng, ngành BHXH nên đặt mình vào người lao động thì mới thấy nỗi khổ của họ. Tuổi 45 trở lên thì chân tay yếu hẳn rồi, sao có thể chờ 10-15 năm nữa để nhận lương hưu. Bạn đọc Nguyễn Như chất vấn: Thử hỏi công nhân như chúng tôi làm ca kíp 12 tiếng một ngày, trong điều kiện khói bụi, tiếng ồn lớn, liệu có trụ nổi đến 50 tuổi để cầm sổ hưu. Cơ quan soạn thảo nói giảm năm đóng BHXH tạo điều kiện cho người thăm gia muộn và không liên tục, thử hỏi có doanh nghiệp nào muốn nhận người khi đã có tuổi?.  

Theo bạn đọc Lê Văn Sinh, nếu giảm thời gian đóng BHXH thì phải giảm cả tuổi nghỉ hưu. Chẳng hạn đủ 15 năm đóng BHXH và 55 tuổi với nam và 50 tuổi với nữ là được nghỉ hưu, còn ai có sức khỏe thì làm tiếp đóng tiếp thì hưởng thêm. Đó là phương án ưu việt nhất. Theo nhiều bạn đọc, nếu có quy định, có chính sách bảo đảm được việc làm cho người lao động đến 62 tuổi thì hãy quy định tuổi lĩnh lương hưu là 62 tuổi. Còn nếu không có chính sách bảo đảm được công việc thì không nên quy định cứng tuổi nghỉ hưu. Làm việc và nghỉ ngơi là quyền tự do của mỗi cá nhân. (Nld.com.vn 14/5, An Chi)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Lý do Bộ Lao động trả lại hơn 2.800 tỷ đồng tiền ngân sách

Bộ LĐ-TB&XH vừa báo cáo Chính phủ và phương án xử lý số tiền hỗ trợ công nhân thuê nhà trọ chưa giải ngân hết. Gói hỗ trợ công nhân thuê nhà trọ được thực hiện theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Tổng số tiền ngân sách dự kiến chi hỗ trợ tối đa 6.600 tỷ đồng, giải ngân hết năm nay. 

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cả nước có 60 tỉnh, thành phố triển khai chính sách, riêng Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên không có đối tượng hỗ trợ nên không thực hiện. 

Tới nay, cả nước đã chi hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho gần 5,2 triệu lượt lao động, tổng số tiền hơn 3.759 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ hơn 4,7 triệu công nhân đang làm việc tổng số tiền hơn 3.219 tỷ đồng; hỗ trợ 463 nghìn lượt công nhân trở lại thị trường lao động số tiền hơn 539 tỷ đồng. Sau khi chi trả hỗ trợ, số tiền ngân sách còn dư khoảng 2.800 tỷ đồng. 

Bộ LĐ-TB&XH cho hay, theo nghị quyết của Quốc hội, thời gian giải ngân gói hỗ trợ trên chỉ hết năm 2023, tức thời gian giải ngân còn lại không nhiều. Trong khi, để điều chỉnh nhiệm vụ chi số tiền còn lại phải được Quốc hội quyết định. 

Từ đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ cho kết thúc chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, số kinh phí còn dư chuyển lại ngân sách trung ương để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác. Sau khi quyết toán chính sách hỗ trợ, số kinh phí còn dư, Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định. 

Theo tính toán ban đầu của đơn vị đề xuất chính sách vào năm 2021, gói này dự kiến chi hỗ trợ cho khoảng 3,4 triệu công nhân, tổng kinh phí tối đa 6.600 tỷ đồng. 

Cơ quan chủ trì thực hiện chính sách đánh giá, gói hỗ trợ đã kịp thời giúp công nhân lúc khó khăn, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi hậu dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, thực tế số tiền giải ngân chỉ bằng hơn 58% số dự kiến ban đầu. Điều này do các địa phương dự kiến số lao động được hỗ trợ ban đầu cao hơn thực tế; nhiều công nhân diện hỗ trợ không đề nghị hỗ trợ do thấy thủ tục phức tạp trong khi đó tiền hỗ trợ không quá cao; thiếu cơ sở dữ liệu về tình trạng nhà ở của công nhân. 

Cũng còn tình trạng địa phương duyệt hồ sơ hỗ trợ người lao động chậm, lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn; có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong triển khai chính sách. (Tienphong.vn 13/5, Lê Hữu Việt)Về đầu trang

Tỉnh giải ngân vốn đầu tư công cao nhất 4 tháng đầu năm

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4/2023 là 110.633,6 tỷ đồng, đạt 14,66% kế hoạch (đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 17,09% kế hoạch và đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). 

Trong đó, vốn trong nước là 108.877,97 tỷ đồng (đạt 14,98% kế hoạch và đạt 16,03% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Vốn nước ngoài là 1.755,6 tỷ đồng (đạt 6,28% kế hoạch). 

Tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 14,66% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%); trong đó vốn trong nước đạt 16,03% (cùng kỳ năm 2022 đạt 19,57%), vốn nước ngoài đạt 6,28% (cùng kỳ năm 2022 đạt 3,25%). 

Có 47/52 Bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 Bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch. 

Có 3 Bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (38,3%), Bến Tre (36,96%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (36,66%), Tiền Giang (33,85%), Phú Thọ (32,99%). 

Theo đó, Đồng Tháp là tỉnh giải ngân vốn đầu tư công cao nhất 4 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, Đồng Tháp giải ngân được 2.290 nghìn tỷ đồng. đạt 38,3% so với kế hoạch và đạt 40,57% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Năm 2023, Đồng Tháp phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%. Để đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 đã đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, gắn với các giải pháp, kế hoạch cụ thể cho từng công việc phù hợp theo tình hình thực tế của đơn vị. 

Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp đã chủ động rà soát thủ tục Dự án hạ tầng cửa khẩu quốc tế Thường Phước và cửa khẩu Mộc Rá thuộc Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp theo sát tiến độ thực hiện Dự án hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp (giai đoạn 3), thường xuyên đánh giá hiệu quả đầu tư các hạng mục phù hợp tình hình thực tế. 

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như: Quốc lộ 30 đoạn Tuyến tránh TP. Cao Lãnh, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Tuyến ĐT857, Tuyến ĐT845, nâng cấp đường ĐT841 và xây dựng mới cầu Sở Thượng 2… 

Đặc biệt, Đồng Tháp xác định, muốn giải ngân tốt thì khâu chuẩn bị đầu tư dự án phải tốt. Do đó, hiện nay tỉnh đã bắt tay chuẩn bị thủ tục cho kế hoạch năm 2024. Tinh đã yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành thủ tục bố trí vốn đối với các công trình dự kiến khởi công mới năm 2024 chậm nhất ngày 30/6/2023, nhất là các dự án có sử dụng vốn lớn, dự án sử dụng nguồn ngân sách trung ương. (Nhipsongkinhte.toquoc.vn 13/5, Minh Tiến)Về đầu trang

Lâm Đồng: Kiểm điểm trách nhiệm 5 sở ngành, 6 địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa thống nhất với báo cáo của Sở Nội vụ kết quả kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân tại 5 sở, ngành và 6 địa phương có liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp hơn mặt bằng chung toàn tỉnh. 

Các đơn vị kiểm điểm trách nhiệm gồm: Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, UBND TP Bảo Lộc, UBND các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đức Trọng. 

UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tiếp tục làm rõ trách nhiệm Giám đốc và Phó giám đốc phụ trách, Chủ tịch và Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực của các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư các dự án có tỉ lệ giải ngân thấp hơn mặt bằng chung toàn tỉnh. Tiếp tục theo dõi việc xây dựng kế hoạch khắc phục của các đơn vị.  

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh các biện pháp xử lý, đánh giá xếp loại cán bộ công chức, viên chức không hoàn thành niệm vụ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 có tỉ lệ giải ngân thấp. 

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh Lâm Đồng năm 2022 là 78,6%. Trong đó, 5 sở ngành và 6 địa phương nêu trên có tiến độ giải ngân thấp hơn mặt bằng chung toàn tỉnh với tổng cộng 21 dự án thuộc 5 sở ngành và 42 chương trình - công trình - dự án thuộc 6 địa phương. 

Cụ thể, Sở Xây dựng có 2 dự án; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 2 dự án; Sở Giáo dục và Đào tạo có 7 dự án; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 9 dự án; Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm có 1 dự án. 

Về địa phương, UBND thành phố Bảo Lộc có 18 công trình, dự án; UBND huyện Lạc Dương có 5 chương trình, dự án; UBND huyện Đơn Dương có 3 công trình, dự án; UBND huyện Cát Tiên có 4 công trình, dự án; UBND huyện Đạ Tẻh có 9 dự án; UBND huyện Đức Trọng có 3 công trình, dự án. (Nld.com.vn 14/5, Trường Nguyên)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Kỷ luật 2 cán bộ tài nguyên và môi trường ở Bạc Liêu

Ngày 13-5, UBND TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai quyết định kỷ luật về mặt chính quyền bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Sĩ Em, Trưởng Phòng TN-MT TP Bạc Liêu; đồng thời điều chuyển công tác đối với cán bộ này. 

Ngành chức năng TP Bạc Liêu cũng đưa ra hình thức kỷ luật khiển trách về mặt chính quyền đối với ông Võ Công Hải, Phó Trưởng Phòng TN-MT TP Bạc Liêu. Hai cán bộ này bị kỷ luật do liên quan đến nội dung phản ánh, kiến nghị của một công dân ở phường 7, TP Bạc Liêu. 

Trước đó, công dân này xin chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, cả ông Sĩ Em và ông Hải đã liên tục trả hồ sơ vì cho rằng chưa phù hợp. Đồng thời, ông Sĩ Em là công chức được hưởng lương thường xuyên nhưng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa nước là không đúng quy định. (Nld.com.vn 13/5, Vân Du - Phúc Nguyên)Về đầu trang

Thanh Hóa: Đình chỉ công tác cán bộ liên quan vụ tiêm vaccine hết hạn cho trẻ

Ngày 14.5, ông Trần Anh Nam - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nông Cống (Thanh Hóa) cho biết, liên quan vụ việc tiêm vaccine hết hạn sử dụng cho trẻ, đơn vị đã tạm đình chỉ công tác đối với bà Lê Thị Bích (cán bộ phụ trách tiêm chủng) và ông Nguyễn Văn Sơn (người trực tiếp tiêm cho trẻ) đều công tác tại Trạm y tế xã Thăng Bình. 

Theo ông Nam, trước mắt, cơ quan đình chỉ công tác đối với 2 cán bộ trên 15 ngày, kể từ ngày 12.5 vì hai cán bộ trên có liên quan trực tiếp đến 2 khâu bảo quản thuốc, tiêm chủng. 

Trước đó, Trạm y tế xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành tiêm dịch vụ các mũi 5 trong 1, 6 trong 1 cho 15 trẻ nhỏ trên địa bàn. Trong đó, có tiêm 6 mũi vaccine Hexaxim cho 6 trẻ nhỏ. 

Sau khi tiêm xong các mũi vaccine Hexaxim, nhân viên trạm y tế xã đưa vỏ bọc thuốc cho các gia đình mang về nhà. Sau đó, các gia đình phát hiện 4 trong 6 mũi Hexaxim sản xuất ngày 30.4.2020, đã hết hạn sử dụng từ tháng 3.2023. 

Ngay sau khi phát hiện sự việc, các gia đình đã đưa 4 trẻ nhỏ (3 cháu 3 tháng tuổi, 1 cháu 6 tháng tuổi) đến trạm y tế thăm khám. Tại đây, các cháu có biểu hiện sốt nhẹ, tay sưng. (Laodong.vn 14/5, Trần Lâm)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc cải thiện đời sống người dân đô thị

Chính quyền điện tử, cải thiện thu nhập và môi trường sống cho người dân đô thị là những nội dung chính được nhiều tờ báo ở Trung Quốc phản ánh trong tuần. 

Tờ Chinadaily có bài Thượng Hải nâng cấp nền tảng chính quyền điện tử. Nền tảng chính quyền điện tử Thượng Hải ra đời 2018 là nền tảng chính quyền điện tử cấp tỉnh đầu tiên ở Trung Quốc. 

61 cơ quan chính quyền ở Thượng Hải cung cấp hơn 3.600 dịch vụ một cửa trên nền tảng chính quyền điện tử, với tỷ lệ hài lòng năm qua 99,96%. Năm năm qua, nền tảng này phục vụ cho hơn 80 triệu lượt người với các dịch vụ về giáo dục, y tế, giao thông, nộp thuế, thị thực, thành lập công ty... 

Theo ông Chu Tuấn Vĩ - Phó Chủ nhiệm Trung tâm Dữ liệu lớn Thượng Hải, thông qua nền tảng này đã xử lý hơn 84% dịch vụ của chính quyền bao gồm cá nhân và doanh nghiệp. Giờ đây khách hàng có thể hoàn thành đơn đăng ký trực tuyến trên máy, tiến tới người già và người khuyết tật có thể truy cập làm dịch vụ trên di động. 

Trên tờ Nhật báo Thượng Hải có bài đáng chú ý về bất động sản cao cấp trên sân thượng mái nhà. 

Sân thượng các mái nhà, khoảng 20% tổng diện tích đất ở Thượng Hải đang được biến thành thành vườn cây, sân thể thao, địa điểm mua bán - giải trí… Các khu vườn trên sân thượng được thiết kế để giữ và tái sử dụng nước mưa, cải thiện chất lượng không khí, giúp giảm thiểu "hiệu ứng đảo nhiệt" đô thị và cung cấp môi trường sống cho các loài chim. Từ năm 2015, Thường Hải bắt buộc các tòa nhà mới phải xây dựng Mái nhà "xanh". Khoảng 5,5 triệu mét vuông cây xanh trên sân thượng đã được trồng. 

Đời sống người dân cũng được cải thiện đáng kể từ môi trường cuộc sống. Lương trung bình cao nhất là những người làm việc cho các công ty và tổ chức phi tư nhân, mỗi tháng lương hơn 9.500 Nhân dân tệ (hơn 33 triệu VNĐ), tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lương thấp nhất là công ty tư nhân, mỗi tháng trên 5.430 Nhân dân tệ (gần 19 triệu VNĐ), chỉ tăng 3,7%. 

Các vị trí đòi hỏi các kỹ năng cao như nhân viên truyền tải thông tin, dịch vụ phần mềm kiếm được 213 ngàn Nhân dân tệ năm 2022, tức hơn 62 triệu VNĐ/tháng, hơn gấp đôi những người làm ngành giáo dục và gấp 3 lần công nhân xây dựng. 

Đó là kết quả khảo sát trên hơn 2 triệu doanh nghiệp có doanh thu hàng năm trên 2,9 triệu USD và dưới mức này. (VTV.vn 14/5)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

04