Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 05/5/2023

15:31, Thứ Sáu, 5-5-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIN QUỐC HỘI

1.        Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sắp được xem xét, thông qua

2.        Thống nhất 3 lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở “không làm tăng chi ngân sách”

CHÍNH SÁCH MỚI

3.        Chậm nộp phạt vi phạm giao thông bị tính lãi theo ngày

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

4.        PMI tháng 4 giảm còn 46,7 điểm, doanh nghiệp vẫn lạc quan dù khó tìm đơn hàng mới

5.        Chính phủ giải trình về đánh thuế lũy tiến với nhà ở thứ hai

6.        Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành rà soát để giảm 35 khoản phí, lệ phí

7.        Đánh thuế “đại bàng FDI”

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

8.        Không “tu thân, tề gia”, không xứng đáng được tín nhiệm

9.        Để 35.000 tỉ đồng ở lại túi người dân khi giảm thuế VAT

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

10.     Xã thông minh kiểu mẫu: Wifi miễn phí khắp nơi, kiểm tra địa bàn qua camera

QUẢN LÝ

11.     Bộ Tài chính đề xuất quy định về xác định nguồn điều chỉnh mức lương cơ sở

12.     Đề xuất nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công

13.     BHXH Việt Nam sẽ xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu

14.     Hà Nội: Xây dựng phần mềm quản lý đơn thư, công dân có thể theo dõi kết quả trực tuyến

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

15.     Đề nghị tước danh hiệu bảy quân nhân, cách chức ba chỉ huy cấp sư đoàn

16.     Gia Lai: Để “biệt phủ” xây dựng trái phép, chủ tịch xã bị cảnh cáo

THẾ GIỚI

17.     Nhật Bản: Chuyển từ "tuyển dụng trọn đời" sang đãi ngộ dựa theo công việc

 

TIN QUỐC HỘI

Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sắp được xem xét, thông qua

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 9/5, bế mạc ngày 12/5. 

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023; cho ý kiến vào dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). 

Ngày 10/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; đồng thời xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2023; xem xét, quyết định việc bổ sung mua bù hóa chất sát trùng dự trữ quốc gia. 

Ủy ban Thường vụ cũng sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030. Sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết. 

Ngày 11/5, Uỷ ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (đồng thời xem xét việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023); cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 và báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Chiều cùng ngày, báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021 và báo cáo tài chính Nhà nước năm 2021 sẽ được cho ý kiến. 

Ngày 12/5, phiên họp cho ý kiến về các dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. (Tienphong.vn 04/5, Luân Dũng)Về đầu trang

Thống nhất 3 lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở “không làm tăng chi ngân sách”

Thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết, ngay sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, để có cơ sở điều chỉnh lại dự án luật báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công an đã đề nghị UBND, công an các tỉnh, thành phố đánh giá về thực trạng tổ chức, điều kiện hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Chính phủ cũng chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá toàn diện, chi tiết tác động chính sách của dự án luật. 

Theo báo cáo giải trình, hiện toàn quốc có khoảng 300.000 người đang tham gia lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng; 66.723 thành viên bảo vệ dân phố; 70.867 công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và 161.098 đội trưởng, đội phó đội dân phòng. 

Qua đó, các lực lượng này sẽ được kiện toàn, thống nhất thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và bố trí thành tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự phù hợp với điều kiện, yêu cầu của từng địa phương. 

Hiện số lượng đội dân phòng đã thành lập trên thực tế mới chỉ đạt 77%, tương ứng là 79.672 đội dân phòng trong tổng số 103.568 đội phải thành lập. Cả nước còn thiếu khoảng 23.896 đội dân phòng và thiếu khoảng 47.792 đội trưởng, đội phó đội dân phòng. 

Chính phủ khẳng định, nếu dự án luật được ban hành và quy định thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự; bố trí các chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng thì sẽ có tác động tích cực. Khi thành lập các đội dân phòng còn thiếu theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy sẽ không phải tuyển chọn, bổ nhiệm chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. 

Các chức danh này sẽ do các chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự đã được công nhận trước đó kiêm nhiệm, từ đó góp phần tinh gọn đầu mối và bảo đảm tính khả thi. 

Chính phủ cũng khẳng định sẽ không làm tăng chi ngân sách khi kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh thành một lực lượng và sẽ bảo đảm cân đối. 

Tổng mức chi trung bình dự kiến của 1 tỉnh, thành phố để chi trả chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thống nhất khoảng 2,4 tỉ đồng/1 tháng, trung bình khoảng 28,8 tỉ đồng/1 năm. 

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 5. (Tienphong.vn 04/5, Luân Dũng)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Chậm nộp phạt vi phạm giao thông bị tính lãi theo ngày

Từ ngày 5/5, cứ mỗi ngày chậm nộp phạt vi phạm hành chính (trong đó có vi phạm giao thông), cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp tiền lãi 0,05% trên tổng số tiền phạt. 

Thông tư 18/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của lực lượng xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 5/5. Theo thông tư này, cá nhân, tổ chức vi phạm nộp phạt khi quá thời hạn sẽ bị tính thêm 0,05%/ngày trên tổng số tiền chưa nộp. 

Số ngày chậm nộp bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp phạt đến trước ngày nộp vào ngân sách Nhà nước. 

Việc thu tiền phạt căn cứ vào quyết định xử phạt của người có thẩm quyền. Khi nộp trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước, hoặc ngân hàng thương mại, người nộp phải xuất trình quyết định xử phạt. Nếu chuyển khoản, người nộp ghi rõ nội dung nộp phạt, số quyết định. 

Người thu tiền phạt trực tiếp phải lập bảng kê theo mẫu và nộp toàn bộ vào Kho bạc Nhà nước theo quy định. Người bị xử phạt phải xuất trình hoặc gửi chứng từ thu, nộp để nhận lại giấy tờ tạm giữ. 

Bên cạnh đó, Thông tư 18/2023/TT-BTC cũng quy định không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt. 

Trong xử phạt vi phạm hành chính, việc vi phạm hành chính giao thông có tỷ lệ khá lớn. Tiêu biểu như xử lý vi phạm nồng độ cồn, năm 2022, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc xử lý hơn 308.000 trường hợp vi phạm. Riêng tại Hà Nội, trong 22 ngày kiểm tra (từ cuối tháng 12/2022 đến đầu tháng 1/2023), Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý hơn 4.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn với số tiền phạt 23 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi ngày, cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý gần 200 trường hợp vi phạm và phạt tiền khoảng 1,1 tỷ đồng. (Tienphong.vn 04/5, Quỳnh Nga)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

PMI tháng 4 giảm còn 46,7 điểm, doanh nghiệp vẫn lạc quan dù khó tìm đơn hàng mới

Báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI®) mới nhất của S&P Global chỉ ra rằng, ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 4/2023 tiếp tục suy giảm do nhu cầu khách hàng vẫn yếu. 

Theo đó, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm tháng thứ hai liên tiếp. Điều này dẫn đến việc các công ty đã cắt giảm việc làm và hoạt động mua hàng. Ngoài ra, áp lực chi phí tiếp tục giảm, từ đó giúp các công ty giảm giá bán hàng của họ để thúc đẩy nhu cầu. 

Kết quả, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers' Index™ (PMI®) - ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, khi giảm về mức 46,7 so với 47,7 điểm của tháng 3. 

“Chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh giảm lần thứ năm trong sáu tháng qua, và lần giảm này là mạnh nhất trong năm tính đến thời điểm này”, báo cáo đánh giá. 

Sản lượng ngành sản xuất giảm tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ giảm nhanh hơn so với tháng 3/2023. Nguyên do bởi các công ty gặp khó khăn trong việc thu hút đơn đặt hàng mới trong bối cảnh nhu cầu yếu. 

Cụ thể, những khó khăn trong việc thu hút đơn đặt hàng mới thể hiện ở việc cả tổng số lượng đơn đặt mới và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong đầu quý 2/2023 tiếp tục giảm. Tốc độ giảm tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã nhanh hơn so với kỳ khảo sát trước, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm với tốc độ chậm hơn. 

Số lượng đơn đặt hàng mới giảm cho phép các công ty có thể tiếp tục giải quyết lượng công việc tồn đọng khiến chỉ số này giảm tháng thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, tồn kho hàng thành phẩm tăng với mức độ lớn nhất trong thời gian hai năm. 

Các nhà sản xuất tiếp tục giảm số lượng nhân viên do tình trạng nghỉ việc không có người thay thế và việc cắt giảm việc làm do giảm khối lượng công việc. Hơn nữa, tốc độ giảm là mạnh nhất trong thời gian 1,5 năm trở lại đây. 

Các công ty cũng giảm mua hàng hóa đầu vào trong tháng 4, và đây là lần giảm thứ hai liên tiếp. Nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm đã giúp thời gian giao hàng trung bình rút ngắn lần thứ tư liên tiếp. Một số công ty cũng cho biết hoạt động vận tải cải thiện đã giúp nâng cao hiệu suất hoạt động của người bán hàng.

 Với hoạt động mua hàng hóa đầu vào giảm, tồn kho hàng mua đã giảm lần thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, kỳ vọng tích cực về tương lai đã khuyến khích một số công ty tăng thêm hàng tồn kho, từ đó tốc độ giảm tổng thể chỉ là nhẹ.

"Tâm lý tích cực phản ánh hy vọng rằng tình trạng nhu cầu yếu kém hiện nay sẽ chỉ là tạm thời, và việc phục hồi sẽ diễn ra trong năm tới. Mặc dù vậy, mức độ lạc quan là thấp nhất trong năm tính đến thời điểm này", báo cáo đánh giá. 

Báo cáo cho biết, giá nguyên vật liệu giảm đã khiến tốc độ tăng chi phí đầu vào trong tháng 4 chậm lại tháng thứ hai liên tiếp. Đây là tốc độ yếu nhất trong thời kỳ tăng kéo dài 35 tháng hiện nay. Ở những nơi chi phí đầu vào tăng, các công ty tham gia khảo sát cho rằng việc tăng giá là xuất phát từ mặt hàng nhiên liệu và dầu. 

Tình trạng giảm áp lực chi phí kết hợp với tình hình nhu cầu yếu đã khiến giá cả đầu ra giảm, từ đó kết thúc thời kỳ tăng giá kéo dài ba tháng. Theo đó, giá bán hàng giảm ở tất cả các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản. (Markettimes.vn 04/5)Về đầu trang

Chính phủ giải trình về đánh thuế lũy tiến với nhà ở thứ hai

Chính phủ vừa có báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Quốc hội. Một trong những vấn đề được nhân dân góp ý nhiều là tài chính về đất đai, giá đất.  

Trong đó, có ý kiến đề nghị áp dụng các loại thuế, phí như thuế lũy tiến với người mua “nhà ở thứ hai trở lên” và thuế lũy tiến theo thời gian bán bất động sản, các loại phụ phí (càng ở khu vực, thành phố trung tâm phụ phí càng cao) để hạn chế đầu cơ đất, giữ đất, hạn chế tình trạng “nhà/đất không sử dụng”. 

Giải trình, Chính phủ nhắc lại nghị quyết số 18 của Trung ương đã khẳng định “quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang”. 

Theo đó, dự thảo luật đã bổ sung khoản thu từ “tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, sử dụng chậm tiến độ”. 

Với quan điểm, quy định cụ thể về mức thuế suất phải được quy định tại pháp luật về thuế, Chính phủ cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo xin ghi nhận và báo cáo, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Thuế nghiên cứu, rà soát cho phù hợp. 

Đối với các ý kiến liên quan đến bảng giá đất, có ý kiến cho rằng dự thảo luật bỏ quy định khung giá đất là phù hợp, song cũng có ý kiến cho hay cần điều chỉnh khi có biến động từ 20% trở lên; ban hành bảng giá đất 5 năm, 3 năm, 2 năm một lần hoặc theo từng giai đoạn. 

Chính phủ cho biết qua tổng kết, việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20% không đảm bảo giá đất phù hợp với giá thị trường.  

Việc theo dõi chỉ số biến động giá đất thị trường chưa thực hiện được, dẫn đến bảng giá đất thường thấp hơn nhiều so với giá đất thị trường. 

Do vậy, dự thảo luật quy định bảng giá đất cần phải được ban hành hằng năm để đảm bảo phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng thị trường, gây thất thu ngân sách và khiếu kiện.  

Với phương án đã ban hành bảng giá đất 5 năm trước ngày luật này có hiệu lực thì tiếp tục được áp dụng bảng giá đất đã phê duyệt đến hết kỳ của bảng giá. Đồng thời, tập trung nguồn lực lập và ban hành bảng giá đất hằng năm theo quy định sau khi áp dụng chu kỳ 5 năm hết hiệu lực. 

Liên quan đến nội dung thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất. Đặc biệt là quy định về dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được đánh giá là còn rộng, chưa cụ thể. 

Theo đó, cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ tính chất “vì lợi ích quốc gia, công cộng” để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi. Đồng thời, các cơ quan cần cân nhắc việc thu hồi đất đối với dự án nhà ở thương mại để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất. 

Giải trình, cơ quan soạn thảo cho biết dự thảo đã chỉnh sửa toàn diện, quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các công trình công cộng như: giao thông, thủy lợi, năng lượng, bưu chính viễn thông...  

Đồng thời dự thảo quy định rõ trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như: dự án nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, dự án lấn biển, xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội... 

“Với các dự án có giá trị địa tô chênh lệch cao như dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại, Nhà nước chỉ thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất”, Chính phủ nêu rõ. (Tuoitre.vn 04/5, Ngọc An)Về đầu trang

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành rà soát để giảm 35 khoản phí, lệ phí

Bộ Tài chính vừa có công văn số 4296/BTC-CST gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc rà soát đề xuất giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. 

Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 của Chính phủ tại hội nghị Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ Tài chính đã ký công văn số 3610/BTC-CST ngày 14/4/2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí năm 2023. 

Theo Bộ Tài chính, để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2023, Bộ đề xuất tiếp tục thực hiện việc giảm các khoản phí, lệ phí trong năm 2023, cụ thể: tiếp tục giảm mức thu khoảng 35 khoản phí, lệ phí. Thời gian áp dụng từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023. 

Trước đó, ngày 17/4/2023, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2614/VPCP-KTTH về phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2023. Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao: “Bộ Tài chính chủ động thực hiện việc xây dựng văn bản quy định về giảm các khoản thu phí, lệ phí theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư của Bộ Tài chính”. 

Tại khoản 3 và khoản 4 Điều 20 Luật Phí và lệ phí quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ như sau: Báo cáo tình hình thực hiện thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý… Kiến nghị với Chính phủ hoặc Bộ Tài chính về mức thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. 

Do đó, tại công văn này, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; rà soát và đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí. 

Trong đó, phải đánh giá tác động của giảm mức thu phí, lệ phí đề xuất; bao gồm cả trường hợp tiếp tục giảm mức thu các khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2023 với mức giảm như quy định tại Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 04/5, Minh Anh)Về đầu trang

Đánh thuế “đại bàng FDI”

Tham dự các cuộc hội thảo kinh tế vĩ mô gần đây, câu hỏi lớn và rõ ràng nhất tôi nhận thấy là: Việt Nam làm thế nào giữ chân các nhà đầu tư lớn, khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, được hơn 140 quốc gia đồng thuận, có hiệu lực từ 1/1/2024. 

Thuế tối thiểu toàn cầu (Global Minimum Tax - GMT), được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất, nhằm thiết lập sự công bằng về thuế. 

Đối với các nước phát triển, việc doanh nghiệp của mình đi đầu tư ở nước ngoài không chỉ làm giảm việc làm trong nước mà còn giảm các khoản thuế thu được. Các nước đang phát triển cũng không nhận được đầy đủ lợi ích thuế từ FDI do các chính sách ưu đãi giảm thuế nhằm thu hút đầu tư. Thuế tối thiểu toàn cầu nhằm điều chỉnh những bất cập đó. 

Mức thuế tối thiểu 15% áp dụng với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu euro (khoảng trên 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của bốn năm liền kề gần nhất. Nghĩa là, nếu công ty đó đang đóng mức thuế, ví dụ 10%, ở nước mà họ đến đầu tư thì họ sẽ phải đóng mức còn thiếu là 5% ở nước đặt trụ sở chính. 

Hiện mới chỉ EU và Hàn Quốc chính thức thông qua việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng có thể thấy đây sẽ là xu hướng khó đảo ngược khi nhiều quốc gia khác cũng đang tích cực xem xét, điều chỉnh pháp luật của mình để áp dụng quy định này. 

Tại Việt Nam, mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ biến là 20%, tuy nhiên, thông qua các chính sách ưu đãi, doanh nghiệp FDI được hưởng mức thuế thực tế trung bình vào khoảng 12,3%, chênh lệch 2,7% so với thuế tối thiểu toàn cầu. Có những doanh nghiệp FDI còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian, hoặc chỉ phải đóng sau khi làm ăn có lãi. 

Theo Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 335 dự án tại Việt Nam - có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp - đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%. Trong đó có Samsung, LG, Intel, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn - những "đại bàng" FDI theo cách gọi phổ biến hiện nay. Số dự án trên chiếm chưa đến 1% so với hơn 36.000 dự án FDI còn hiệu lực, nhưng đóng góp khoảng 131,3 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký, tức là gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam. 

Khía cạnh tích cực mà thuế tối thiểu toàn cầu mang lại đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung là thu hẹp sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. 

Chính sách thuế tối thiểu cũng sẽ cho Nhà nước một lý do chính đáng để tăng thu thuế với "đại bàng" FDI. Tất nhiên, hai bên sẽ phải thảo luận những ưu đãi khác để bù đắp cho "thiệt thòi" mà các doanh nghiệp này bỗng dưng phải chịu. Dù sao, đây vẫn là những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới, mỗi quyết định đầu tư của họ đều có thể ảnh hưởng tới hàng trăm doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ trong chuỗi cung ứng. 

Một vấn đề nhức đầu với các nước nhận đầu tư là câu chuyện chuyển giá. Đó là trường hợp doanh nghiệp FDI làm ăn có lãi ở Việt Nam, nhưng tìm cách chuyển thành chi phí nguyên liệu, vật tư, thiết bị, tài sản trí tuệ, dịch vụ nhập khẩu với giá ngất ngưởng mà người xuất khẩu không ai khác chính là công ty mẹ ở nước ngoài. Do đó chi phí chảy từ công ty con về công ty mẹ, làm giảm lợi nhuận và khoản thuế phải đóng ở Việt Nam. Thuế tối thiểu toàn cầu có triệt tiêu hay hạn chế được chuyện này không vẫn còn là câu hỏi phía trước. 

Điều đáng quan tâm hiện nay là một quyết định ảnh hưởng ở tầm toàn cầu như vậy lại có thời gian chuyển tiếp thực hiện rất ngắn. Dự kiến, chỉ còn 8 tháng nữa, nhiều nước sẽ bắt đầu áp dụng. (Vnexpress.net 04/5, Trần Thanh Hải)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Không “tu thân, tề gia”, không xứng đáng được tín nhiệm

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đang được Ban Công tác đại biểu lấy ý kiến có nhiều điểm rất được dư luận ủng hộ. 

Theo dự thảo nghị quyết, ngoài các nội dung được đưa ra làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đáng lưu ý tiêu chí về sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước… 

Một người giữ cương vị lãnh đạo, chức vụ cao, trước hết là người biết tu thân. Tu thân là tu dưỡng đạo đức để luôn có được phẩm hạnh, phẩm chất cao, xứng đáng với người "làm quan". Tu thân không chỉ là tôi rèn đạo đức, mà không ngừng nghiên cứu học tập để nâng cao trình độ. "Quan trí" không cao thì không thể lãnh đạo, dẫn dắt, tạo ra được sản phẩm quản lý chất lượng cao. 

Quan trí không theo kịp dân trí thì nói làm sao dân nghe được. Cho nên không "sôi kinh nấu sử", chỉ biết chăm chăm lo cái ghế, thì không trước cũng sau mất đi sự tín nhiệm của đồng nghiệp, của người dân. 

Nhưng người "làm quan" tu thân chưa đủ, mà phải biết "tề gia". Tề gia là dạy vợ con cũng biết tu thân như mình. Có quyền lực, quyền thế dễ tạo nên một "gia thế", thậm chí một "gia tộc" như quan lại ngày xưa. Chồng làm quan thì vợ thành quan bà, con cái thành cậu ấm, thiếu gia. Thời nay, dân gian gọi lớp người này là "con ông cháu cha", "đồng chí này là con đồng chí nào?". 

Cha làm lãnh đạo mà con liên quan tới ma túy, bị khởi tố bắt giam, thì không xứng đáng được tín nhiệm. Cụ thể như trường hợp ông ông Nguyễn Văn Triệu, Bí thư Thành uỷ Bảo Lộc bị kỷ luật khiển trách, do thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục, dẫn đến con trai phạm tội, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Với những trường hợp tương tự, đương nhiên không còn có sự tín nhiệm, nói cấp dưới không nghe, dân cũng không phục. Còn nhiều trường hợp khác, chồng làm lãnh đạo mà vợ ép phe, kiếm lợi, thì không xứng đáng giữ chức vụ. Không ai tín nhiệm một người "làm quan" để cho vợ con tự tung tự tác. 

Cha, mẹ có chức quyền, con cái lợi dụng cậy thế cậy quyền làm ăn, đồng tiền đó cũng không phải là đồng tiền sạch, không sinh ra từ trí tuệ, từ bàn tay lao động, mà cũng là một loại "tham ô". Không thể tín nhiệm quan chức, cán bộ mà bản thân cũng như gia đình không gương mẫu. (Laodong.vn 04/5, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

Để 35.000 tỉ đồng ở lại túi người dân khi giảm thuế VAT

Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị quyết đề xuất Quốc hội quyết định về việc giảm thuế VAT (thuế giá trị gia tăng). 

Tờ trình của Bộ Tài chính trước đó cũng đã được Chính phủ đồng ý về phương án giảm 2% thuế VAT với tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Đây là điểm khác biệt lớn nhất so với việc giảm thuế VAT năm 2022 - vốn tạo ra khá nhiều khó khăn cho cả cơ quan thuế, doanh nghiệp, người dân khi xác định mặt hàng thuộc diện giảm thuế. 

Đã có ý kiến cho rằng, mức giảm 2% như năm ngoái chưa tác động tích cực nhiều, cần giảm sâu hơn, ở mức 5% và tập trung vào những mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đã tính toán khả năng cân đối nguồn tiền cả ngắn hạn và dài hạn. 

Nguồn thu ngân sách 4 tháng đầu năm vừa công bố ước đạt 645,4 nghìn tỉ đồng, tuy giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đạt 40% dự toán năm. Điều này cho thấy, bức tranh thu ngân sách năm nay hứa hẹn nhiều điểm sáng. 

Ngân sách nhà nước sẽ hụt thu 35.000 tỉ đồng nếu giảm 2% VAT trong 6 tháng cuối năm 2023. Về lý thuyết thì 35.000 tỉ đồng ấy được hiểu là “tặng” cho người tiêu dùng. 

Từ ngày 1.7.2023, Ngân sách nhà nước cũng sẽ phải chi thêm hai khoản lớn là khoảng 60.000 tỉ đồng tăng lương cơ sở và 15.000 tỉ đồng khi tăng trợ cấp, lương hưu. 

Nghĩa là Ngân sách nhà nước sẽ dành khoảng 7-8% tổng thu cả năm để tăng lương, trợ cấp và kích thích tiêu dùng. Đó là con số rất lớn khẳng định sự chia sẻ của Nhà nước với người dân. 

Tác động của việc giảm thuế VAT lần này được cho là mũi tên trúng nhiều đích. Với doanh nghiệp, khi được giảm thuế VAT đầu vào, người bán không phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ, qua đó nâng khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. 

Với người tiêu dùng, đây là nhóm đối tượng được hưởng lợi nhất, chi phí chi tiêu cũng được trực tiếp giảm 2%. 

Tác động thứ ba, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, đó chính là góp phần kiềm chế giá cả leo thang và kiềm chế lạm phát. 

Nếu được thông qua và thực hiện ngay trong đầu tháng 6.2023, nguy cơ giá cả tăng vọt trước kỳ tăng lương cơ sở (như thường diễn ra ở các kỳ tăng lương trước) theo kiểu “tát nước theo mưa” sẽ giảm đáng kể, tạo sự ổn định về kinh tế, xã hội. 

Chính vì thế, Chính phủ cũng nhấn mạnh vào tính thời điểm và đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5.2023. 

Khi chính sách có hiệu lực và phát huy hiệu quả, cơ quan chức năng cần tăng cường việc tổ chức thực hiện và đặc biệt tiến hành kiểm soát giá cả, đảm bảo cung - cầu hàng hoá. Bởi, nếu giảm thuế VAT nhưng giá cả tăng mạnh thì việc giảm thuế vô nghĩa. Chỉ có thế, khoản tiền 35.000 tỉ đồng mới ở lại túi dân. (Laodong.vn 04/5, Hoàng Lâm)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Xã thông minh kiểu mẫu: Wifi miễn phí khắp nơi, kiểm tra địa bàn qua camera

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là mục tiêu đang được nhiều địa phương phấn đấu thực hiện. Dự kiến đến năm 2030, toàn quốc sẽ có ít nhất một nửa số xã thực hiện được mục tiêu này. 

Để các địa phương có kinh nghiệm thực hiện, từ đầu năm nay, Bộ NN&PTNT đã triển khai thí điểm mô hình xã thông minh tại 6 làng quê. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng lên. 

Không phải đi kiểm tra địa bàn cũng không cần phải dùng loa truyền thanh như trước kia, từ 100 góc camera giám sát, vị phó chủ tịch xã có thể kiểm soát được công tác vệ sinh, trang trí đường xá trong những ngày nghỉ lễ. Với người dân, ý thức tự giác giữ gìn môi trường, cảnh quan xóm làng cũng thay đổi khác hẳn xưa kia. 

100% địa bàn xã được phủ sóng wifi là yếu tố rất quan trọng trong việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới thông minh. Hiệu quả bước đầu có thể thấy rõ nhất đó chính là nâng cao được tri thức và đời sống tinh thần cho người dân. 

Có wifi miễn phí nên từ lâu nhà văn hóa thôn trở thành những lớp học thêm ngoài giờ của các cháu học sinh. Đây cũng là yếu tố giúp xã Giao Phong là địa phương luôn dẫn đầu về chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh Nam Định.

 Từ nay đến năm 2025, trung ương sẽ hỗ trợ cho địa phương thêm 8 tỷ đồng để triển khai tiếp chương trình thí điểm xã thông minh kiểu mẫu. 

Là một trong những địa phương đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hiện thu nhập bình quân đầu người tại xã Giao Phong đã đạt gần 90 triệu đồng/người/năm, gần bằng mức thu bình quân của người dân tại các thành phố lớn. Mục tiêu đến hết năm 2025, con số này sẽ tăng lên mức 100 triệu đồng/người/năm. 

Mời xem chi tiết trong video đính kèm tại link sau:

https://vtv.vn/xa-hoi/xa-thong-minh-kieu-mau-wifi-mien-phi-khap-noi-kiem-tra-dia-ban-qua-camera-20230503222333504.htm

(Kênh VTV1 – Thời sự lúc 19h14 ngày 04/5)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Bộ Tài chính đề xuất quy định về xác định nguồn điều chỉnh mức lương cơ sở

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, gồm: từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2023 (nếu có); sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023 và một số nguồn khác. 

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo nghị định của Chính phủ và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc (chờ Chính phủ ban hành nghị định). 

Dự thảo thông tư quy định, tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc để xác định nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở là số thực có mặt tại thời điểm ngày 1/7/2023 trong phạm vi số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt). Ngoài ra, không tổng hợp số đối tượng vượt chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyển giao (hoặc phê duyệt) năm 2023; các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xử lý số biên chế dôi dư theo quy định của pháp luật. 

Nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở căn cứ vào mức tiền lương cơ sở tăng thêm; hệ số lương theo ngạch bậc, chức vụ; hệ số phụ cấp lương theo chế độ quy định (không kể tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và các khoản phụ cấp được quy định bằng mức tuyệt đối tỷ lệ các khoản đóng góp theo chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn). Trong đó, cách thức xác định mức lương, phụ cấp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền. 

Đồng thời, bao gồm nhu cầu kinh phí tăng thêm do điều chỉnh mức lương cơ sở để thực hiện các chế độ, chính sách sau: đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Bộ Quốc phòng; thân nhân công nhân và viên chức quốc phòng thuộc đơn vị dự toán do ngân sách nhà nước bảo đảm; thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Bộ Công an và thân nhân người làm công tác cơ yếu. Chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp uỷ viên các cấp theo quy định; hoạt động phí của đại biểu hội đồng nhân dân các cấp… 

Dự thảo thông tư cũng nêu rõ nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương như sau: từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2023 (nếu có); sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu được để lại thực hiện theo hướng dẫn. 

Ngoài ra, nguồn để thực hiện điều chỉnh lương cơ sở còn trên cơ sở sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 được cấp có thẩm quyền giao. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 04/5, Minh Anh)Về đầu trang

Đề xuất nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. 

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, căn cứ Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, từ ngày 1/7/2023, tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị. 

Theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị là 2.000.000 đồng/người/tháng. Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng như sau: 

Phương án 1: Điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.055.000 đồng (cao hơn mức chuẩn nghèo thành thị 55.000 đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng là 26,54%). 

Phương án 2: Điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.111.000 đồng (cao hơn mức chuẩn nghèo thành thị 111.000 đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng là 29,99%). 

Trên cơ sở mức chuẩn được quy định tại Nghị định sửa đổi, bổ sung, các mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng, hằng năm, một lần được điều chỉnh tăng theo mức chuẩn và được thực hiện kể từ ngày 1/7/2023. Riêng đối với mức chi chế độ điều dưỡng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thời điểm điều chỉnh tăng theo mức chuẩn kể từ ngày 1/1/2024 để đảm bảo các đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng trong năm 2023 được thực hiện thống nhất cùng một mức chi tính theo mức chuẩn quy định tại Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021. 

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, với mức chuẩn hiện hành quy định tại Nghị định số 75/2021/NĐ-CP là 1.624.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 là 29.495 tỷ đồng. 

Theo phương án 1, nếu nâng mức chuẩn lên 2.055.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 là 32.223 tỷ đồng, tăng thêm 2.728 tỷ đồng. 

Theo phương án 2, nếu nâng mức chuẩn lên 2.111.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 là 32.663 tỷ đồng, tăng thêm 3.168 tỷ đồng và cao hơn 440 tỷ đồng so với phương án 1. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 04/5)Về đầu trang

BHXH Việt Nam sẽ xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu

Ngày 19.4.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Trên tinh thần đó, vừa qua, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc về việc tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc. 

Để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Công điện số 280/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế làm việc của ngành BHXH Việt Nam, Chỉ thị số 2165/CT-BHXH ngày 21.7.2021 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, cải cách thủ tục hành chính, công tác phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới. 

Đồng thời, trực tiếp, tích cực, chủ động giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị, địa phương. Chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc và trước pháp luật đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân công, ủy quyền, được giao nhiệm vụ. 

Cùng với đó, Tổng Giám đốc cũng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung rà soát, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo ngành sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền quy trình phân công và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc tại cơ quan, đơn vị, cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết. 

Cụ thể, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, tuyệt đối không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện. 

Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, thực hiện nhiệm vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với công chức viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao. 

Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực. 

Song song với đó, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các đơn vị, tập thể, công chức viên chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu. (Laodong.vn 04/5, Hà Anh)Về đầu trang

Hà Nội: Xây dựng phần mềm quản lý đơn thư, công dân có thể theo dõi kết quả trực tuyến

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn tại buổi làm việc với Ban Tiếp công dân thành phố. 

Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn giao Văn phòng UBND TP chỉ đạo Trung tâm Tin học - Công báo chủ trì, phối hợp với Ban Tiếp công dân, Thanh tra Thành phố nâng cấp, xây dựng hệ thống phần mềm quản lý đơn thư đảm bảo quá trình từ việc tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn đến việc giải quyết, theo dõi, đôn đốc được thông suốt, bài bản, khoa học từ thành phố đến cấp xã; trong đó công dân và cơ quan giám sát có thể truy cập và theo dõi, cập nhật kết quả giải quyết đơn theo hình thức trực tuyến. 

Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, đề xuất UBND TP ban hành quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Văn phòng UBND TP (Ban Tiếp công dân TP) với các Sở; ngành, đơn vị liên quan trong việc xử lý, giải quyết đơn thư của công dân đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Việc trao đổi thông tin nêu trên phải thực hiện trên môi trường mạng qua hệ thống phần mềm quản lý, xử lý, giải quyết đơn thư của thành phố. 

Chủ động tổ chức họp với ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Thanh tra Thành phố và các đơn vị liên quan đến thống nhất phương án giải quyết về thẩm quyền giải quyết một số vụ việc tố cáo cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý theo quy định của Luật Tố cáo và các quy định của Đảng. (Tienphong.vn 04/5, Trần Hoàng)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Đề nghị tước danh hiệu bảy quân nhân, cách chức ba chỉ huy cấp sư đoàn

Chiều 4/5, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương (nhiệm kỳ 2020-2025) tổ chức Kỳ họp thứ 14. Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, chủ trì phiên họp. 

Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đã nghe Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương báo cáo tóm tắt đề nghị thi hành kỷ luật đối với 11 quân nhân vi phạm pháp luật Nhà nước và kỷ luật Quân đội. Đây là những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Quân đội.

 Với tinh thần làm việc trách nhiệm, dân chủ, nghiêm minh, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương xem xét, thống nhất bỏ phiếu đề nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thi hành kỷ luật Quân đội bằng hình thức tước danh hiệu quân nhân đối với bảy trường hợp; khai trừ khỏi Đảng và giáng cấp bậc quân hàm từ Thượng tá xuống Trung tá đối với một trường hợp; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2020-2025 và cách chức chức vụ chỉ huy sư đoàn đối với ba trường hợp. 

Phát biểu kết luận, Đại tướng Lương Cường yêu cầu Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương khẩn trương hoàn thiện văn bản, trình Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với các quân nhân vi phạm. Đồng thời lưu ý, Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương chủ động tham mưu với Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật. Chủ động nắm tình hình, phát hiện, kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn thư tố cáo, khiếu nại, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong Quân đội, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. (Tienphong.vn 04/5, Nguyễn Minh)Về đầu trang

Gia Lai: Để “biệt phủ” xây dựng trái phép, chủ tịch xã bị cảnh cáo

Ngày 4/5, theo nguồn tin của Tiền Phong, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Pleiku vừa thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với bà Nguyễn Thu Hương - Chủ tịch UBND xã Chư Á, vì buông lỏng quản lý, để "biệt phủ" xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. 

"Biệt phủ" này do ông Nguyễn Tuấn Khanh (sinh năm 1976, trú tại tổ 7, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) làm chủ, được xây dựng trên đất nông nghiệp ở làng Do-Guăh, xã Chư Á. 

Trước đó, "biệt phủ" này nằm trên thửa đất có diện tích 2.287,2m2, mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm. Công trình đồ sộ với các căn nhà gỗ, nhà lục giác, khu ăn uống và sân vườn. Nhiều cây cổ thụ, cao lớn được trồng ở khuôn viên. Các phiến đá lớn được dựng lên tạo thành hòn non bộ... 

Khi phát hiện “biệt phủ” xây dựng trái phép, UBND TP. Pleiku đã ra hai quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, khi sắp sửa bị cưỡng chế, ông Khanh khởi kiện quyết định xử phạt hành chính của UBND TP. Pleiku. Thời điểm Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai chuẩn bị xét xử hành chính, ông Khanh rút đơn khởi kiện. 

Tháng 3/2023, khi thành phố ra quyết định cưỡng chế lần thứ ba, ông Khanh tiếp tục nộp đơn khởi kiện. (Tienphong.vn 04/5, Nhóm PV)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nhật Bản: Chuyển từ "tuyển dụng trọn đời" sang đãi ngộ dựa theo công việc

Nhật Bản đang cải cách, phổ biến chế độ làm việc mới dựa trên công việc để thúc đẩy tăng trưởng và thu hút nhân lực. 

Trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, một trong những chính sách quan trọng là thay đổi cơ cấu việc làm, chuyển từ đãi ngộ dựa theo thâm niên và làm việc trọn đời sang đãi ngộ dựa theo công việc. 

Tại Nhật Bản, hình thức tuyển dụng làm việc trọn đời phổ biến, các công ty thuê nhân lao động mà không giới hạn về nội dung công việc hay việc nhân viên sẽ được giao. Bên cạnh đó, mức lương sẽ dựa theo thâm niên và thăng tiến theo trình tự. Cơ cấu đề cao sự trung thành của nhân viên này đã từng là thế mạnh của các công ty Nhật Bản khi mang lại sự ổn định, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. 

Tuy nhiên, cơ cấu này đang thể hiện nhiều nhược điểm trong môi trường cạnh tranh mới và số hóa toàn cầu hiện nay, không chỉ gây khó khăn cho việc thu hút nhân tài mà còn làm tăng nguy cơ chảy máu chất xám. 

Theo đó, với cơ cấu dựa theo công việc, nhân viên sẽ được làm rõ trước nội dung công việc, kỹ năng cần thiết và phạm vi trách nhiệm. Điều này đồng nghĩa với việc tuổi tác và quá trình làm việc không quan trọng, miễn là các kỹ năng cần thiết cho công việc được đáp ứng. Với chế độ này, nhân viên có thể chọn một nơi làm việc mà họ có thể tận dụng tối đa thế mạnh của mình. 

Để thực hiện được điều này, các doanh nghiệp Nhật Bản phải có một hệ thống đánh giá nhân sự không phân biệt nhân viên mới và nhân viên có thâm niên, tương tự mô hình của Mỹ và châu Âu, tiền lương và cơ hội thăng tiến sẽ được xác định bởi nội dung công việc. Những người trẻ tuổi có năng lực cao có thể được đãi ngộ cao hơn, giúp doanh nghiệp có thể đảm bảo nguồn nhân lực tài năng. 

Thay đổi cơ cấu công việc theo cơ chế mới đang nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà quản lý. Theo khảo sát đối với 102 nhà quản lý, có hơn 90% nhà quản lý ủng hộ cơ cấu này, khi cho rằng sẽ mang lại động lực tăng trưởng cho kinh tế Nhật Bản, nhất là sau giai đoạn trì trệ với dịch COVID-19. (VTV.vn 04/5)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

04