Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 03/3/2023

15:42, Thứ Sáu, 3-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.        Ông Võ Văn Thưởng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

2.        Đối tác Apple chạy đua sang Việt Nam, Ấn Độ

3.        “Chìa khóa” giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030

4.        Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

5.        Doanh thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng

6.        Hậu Giang: Đề xuất nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp công nghệ số

QUẢN LÝ

7.        Thẻ căn cước công dân sẽ dùng thay thế nhiều giấy tờ để làm thủ tục hành chính

8.        Bộ GTVT chỉ đạo nóng giải quyết khó khăn khi đổi giấy phép lái xe trực tuyến

9.        Đồng Nai: Nhân viên y tế được hỗ trợ cao nhất đến 4 triệu đồng/tháng

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

10.     Hơn 117.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ

11.     Sau thanh tra hơn 80 doanh nghiệp, Tổng cục Thuế kiến nghị xử lý trên 10.000 tỷ đồng

12.     Hà Nội thu ngân sách đạt trên 107.000 tỷ đồng

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

13.     Công an TP.HCM: Đã khởi tố 129 bị can liên quan sai phạm đăng kiểm

14.     Hà Nội: Tạm giữ dàn lãnh đạo, nhân viên trung tâm đăng kiểm ở Sóc Sơn

15.     Giám đốc 3 trung tâm đăng kiểm ở Cần Thơ bị bắt vì nhận hối lộ hàng tỷ đồng

16.     Cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên lĩnh án 5 năm tù

THẾ GIỚI

17.     Cựu Thủ tướng Italy bị điều tra vì cách xử lý với COVID-19

18.     Đi làm bằng xe đạp được trả tiền tại một số nước

 

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Ông Võ Văn Thưởng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước

Sáng 2/3, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV đã bầu ông Võ Văn Thưởng giữ chức Chủ tịch nước. 

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét bầu ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

Sau khi thông qua danh sách đề cử, Quốc hội đã bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bầu ông Võ Văn Thưởng giữ chức Chủ tịch nước với tỷ lệ 487/488 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 98,38% tổng số đại biểu Quốc hội. 

Sau khi Nghị quyết được thông qua, tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thực hiện nghi thức tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó". 

Trước đó, ngày 1/3/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ. Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026. (VTV.vn 02/3)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Đối tác Apple chạy đua sang Việt Nam, Ấn Độ

Theo Bloomberg, các đối tác sản xuất của Apple có nhà máy tại Trung Quốc đang thúc đẩy tốc độ dịch chuyển ra khỏi quốc gia tỷ dân này nhanh hơn dự báo của các nhà quan sát nhằm tránh những hậu quả từ mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. 

Lãnh đạo một đơn vị phụ trách lắp ráp phụ kiện cho Apple cho biết doanh nghiệp là một trong nhiều nhà sản xuất nỗ lực tìm kiếm bến đỗ mới ngoài Trung Quốc. Doanh nghiệp này đang đầu tư 280 triệu USD vào một nhà máy mới ở Việt Nam và xem xét mở rộng thêm sang Ấn Độ. 

Vị lãnh đạo cũng tiết lộ các công ty công nghệ Mỹ liên tục thúc giục những nhà sản xuất mở rộng nhà máy sang những địa điểm thay thế. “Bắt đầu từ tháng trước, hầu như ngày nào cũng có nhiều người đoàn khách hàng đến thăm chúng tôi”, vị này nói và cho biết chủ đề của cuộc thảo luận luôn xoay quanh vấn đề khi nào hãng chuyển đi. 

Cuộc xung đột ngày một leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc vốn bắt đầu bằng cuộc chiến thương mạnh nhưng dần mở rộng ra thành các lệnh cấm nghiêm ngặt về chip và vốn. Đây cũng là lý do chuỗi cung ứng hàng chục năm tuổi của ngành công nghiệp điện tử bắt đầu lung lay. 

Sự phụ thuộc của thế giới vào quốc gia châu Á càng rõ ràng hơn trong những năm áp dụng chính sách Zero Covid, vốn siết chặt nguồn cung mọi lĩnh vực từ điện thoại cho đến ôtô. 

Các nhà cung cấp cho Apple hiếm khi chia sẻ về kế hoạch và duy trì tính bảo mật trong chuỗi cung ứng. Bản thân nhà sản xuất iPhone cũng không xác nhận liệu có đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc hay không. 

Gã khổng lồ Mỹ cũng cẩn thận tránh những gợi ý liên quan đến động thái giảm đầu tư vào Trung Quốc, nơi đã có hệ sinh thái hàng loạt công ty đối tác như GoerTek, Foxconn với lực lượng lao động lên đến hàng triệu người. 

Bloomberg cho biết 9 trong số 10 nhà cung cấp quan trọng nhất của Apple có thể đang chuẩn bị một cuộc di dời quy mô lớn đến các nước như Ấn Độ. Dẫu vậy, các công ty có thể mất tới 8 năm chỉ để chuyển 10% chuỗi giá trị của Apple ra khỏi Trung Quốc. 

Hầu hết nhà sản xuất công nghệ Trung Quốc đều chịu áp lực tương tự. “Tôi có thể nói rằng hiện tại 90% trong số họ đang xem xét điều đó. Đó là quyết định của các công ty thương hiệu”, vị lãnh đạo doanh nghiệp cho biết. 

Ấn Độ dẫn đầu trong danh sách mong muốn của khách hàng. Điều này cũng phản ánh phần nào tiềm năng của nước này với tư cách là một thị trường và cơ sở sản xuất. 

Lãnh đạo nhà sản xuất kể trên cho biết doanh nghiệp đang đầu tư khu phức hợp mới rộng 62 ha ở Bắc Ninh và sẽ sản xuất sản phẩm cho các thương hiệu lớn của Mỹ. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động trong vòng một năm. Khoản đầu tư này sẽ bổ sung vào khoản cam kết trị giá 1,06 tỷ USD ban đầu mà công ty đã thực hiện tại Bắc Ninh và Nghệ An. 

Doanh nghiệp này hy vọng Việt Nam sẽ tạo ra hơn một nửa doanh thu toàn cầu trong 3 năm tới từ tỷ lệ 1/3 hiện nay. Vị lãnh đạo doanh nghiệp cho biết công ty đang yêu cầu các nhà cung cấp tìm kiếm nhà máy mới ở miền Bắc. 

Nhà sản xuất này đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam cách đây một thập kỷ để sản xuất các sản phẩm âm thanh theo yêu cầu của Samsung. Nhà cung cấp hiện vận hành 8 nhà máy trong nước và dự kiến ​tăng gấp đôi lực lượng lao động địa phương lên 40.000 người ngay sau tháng 5 để tăng tốc cho dịp Giáng sinh. 

Vị lãnh đạo cho biết vị trí gần Trung Quốc, mạng lưới cảng ven biển, lực lượng lao động trẻ có học thức và sự ổn định chính trị tương đối khiến Việt Nam trở thành một trung tâm lý tưởng. 

Apple có thể đang tìm cách biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất AirPods, iPad và MacBook. Các đơn đặt hàng AirPods hiện do GoerTek và công ty Luxshare đảm nhiệm. 

Doanh nghiệp này cho biết nhiều công ty Mỹ đang có kế hoạch chuyển sản xuất sang Việt Nam bất chấp chi phí trong khi những doanh nghiệp khác đang xem xét Ấn Độ. Nhưng nhìn chung, dòng chảy sẽ liên tục hướng ra ngoài Trung Quốc. (Zingnews.vn 02/3, Ngọc Phương Linh)Về đầu trang

“Chìa khóa” giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030

Mới đây, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Fraser Institute (Canada) tổ chức buổi Toạ đàm Đối thoại chính sách: "Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước thu nhập có trung bình cao trước năm 2030" . 

Theo đó, mục tiêu của buổi toạ đàm nhằm phát hiện những nút thắt về thể chế kinh tế thị trường và đề xuất chính sách nhằm giúp Việt Nam tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng khi trở thành nước có thu nhập trung bình cao. 

Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, cho đến nay, Việt Nam cơ bản đã là một nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, những nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong suốt chặng đường vừa qua đã góp phần quan trọng vào việc đưa Việt Nam từ một nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200 USD vào đầu những năm 1990 tăng lên 3590 USD vào năm 2021 (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới). Ông nhận định, với mức thu nhập bình quân đầu người như hiện nay, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu không vướng bẫy thu nhập trung bình. 

Theo ông Chương, kinh nghiệm thế giới cho thấy, trong số 101 quốc gia có mức thu nhập trung bình trong thập niên 1960, chỉ có 13 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008. 

"Những kinh nghiệm của Việt Nam từ những lần suy giảm kinh tế trước đây, từ khủng hoảng kinh tế châu Á 1997-1998 hay đại suy giảm toàn cầu 2008-2009, cho thấy không phải các chương trình kích cầu, đầu tư công mang lại thành tựu phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, mà chính cải cách thể chế kinh tế mới là chìa khoá", ông Chương nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm, TS. Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội cho rằng để Việt Nam có thể thực sự vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cải cách thể chế là một việc cần được ưu tiên đánh giá và thực hiện. 

"Thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam cơ bản đã thành hình hơn 30 năm qua với nhiều thành tựu như đã xác lập và bảo vệ quyền sở hữu, có được sự tự do giá cả, tự do thoả thuận và tự do kinh doanh. Nếu muốn biết Việt Nam đang ở đâu thì cần so sánh với các nền kinh tế có nét tương đồng, hoặc quốc gia có trình độ phát triển tốt hơn để tìm ra vấn đề", TS. Đinh Tuấn Minh đánh giá. 

Ông Minh cho biết, để xác định bất cập trong hệ thống thể chế kinh tế khi hướng tới nước thu nhập trung bình cao, cần có cách tiếp cận mới. Cụ thể, phương pháp tiếp cận mới sẽ so sánh với các quốc gia khác, có trình độ tốt hơn. Từ đó, xem xét thể chế kinh tế Việt Nam có những vấn đề gì gây thua kém, từ đó đi vào cải cách. 

Chẳng hạn, Thái Lan, Malaysia… có thể là những quốc gia tương đồng thuộc nhóm thu nhập trung bình cao mà Việt Nam có thể so sánh. Hoặc có thể so với một số quốc gia thành công, thất bại trong việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình như Hàn Quốc, Argentina. 

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cũng cho rằng, vấn đề của nền kinh tế hiện nay không phải là giải phóng sức lao động thông qua đẩy mạnh thu hút FDI trên cơ sở lao động giá rẻ như giai đoạn trước nữa. Thay vào đó, vì đa số người dân hiện nay đều có tài sản tích luỹ nên trọng tâm chính sách kinh tế trong giai đoạn mới phải làm sao để tài sản của người dân có thể tìm được những kênh đầu tư hiệu quả thông qua môi trường đầu tư an toàn. 

Nếu không tạo ra một hành lang pháp lý an toàn để cho người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước sử dụng đồng tiền của mình hiệu quả hơn thì chúng ta sẽ vẫn dừng lại ở mức thu nhập trung bình thấp như hiện nay và rất khó có thể đạt đến ngưỡng thu nhập trung bình cao", ông Minh nhấn mạnh. (Toquoc.vn 02/3)Về đầu trang

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Chiều 2/3, Bộ Xây dựng thông tin về đề xuất gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà ở xã hội.  

Theo Bộ Xây dựng, để thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Bộ Xây dựng đã đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây). 

Trong đó, dành khoảng 50% gói tín dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi và dành khoảng 50% gói tín dụng còn lại cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. 

Tuy nhiên, tại hội nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. 

Sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường bất động sản an toàn lành mạnh bền vững, trong đó có nội dung về gói tín dụng về nhà ở xã hội. Bởi vậy, sau khi có quyết nghị của Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng - Bộ Xây dựng khẳng định. (TTXVN 02/3, Thu Hằng)Về đầu trang

Doanh thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng

Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 2/3 cho biết: Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 2/2023 đạt 932.969  lượt khách. Các thị trường khách quốc tế lớn  nhất gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia và Austraia. Lượng khách du lịch nội địa tháng 2/2023 ước đạt 7 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 4,6 triệu lượt khách lưu trú.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 1,8 triệu khách quốc tế; phục vụ 20 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch hai tháng ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng. 

Trước đại dịch COVID-19, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam. Năm 2019, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt hơn 5,8 triệu lượt. Giai đoạn 2015-2019, lượng khách Trung Quốc tăng 3,3 lần từ 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt. Tỷ trọng khách Trung Quốc trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng tăng dần, từ 23% vào năm 2015 lên 32% vào năm 2019... (TTXVN 02/3, Thanh Giang)Về đầu trang

Hậu Giang: Đề xuất nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp công nghệ số

Theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Hậu Giang, đơn vị đề xuất UBND tỉnh có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, doanh nghiệp gia công các dịch vụ thuê ngoài tại Khu công nghệ số tỉnh. 

Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của pháp luật về thuế và đất đai; được sử dụng miễn phí hạ tầng điện, nước, giao thông chung của Khu công nghệ số; được hỗ trợ tuyển dụng lao động; hỗ trợ về tiếp cận tín dụng, thủ tục hành chính, phát triển nguồn nhân lực… 

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn 2 năm, giảm 50% không quá 4 năm tiếp theo; thuế suất ưu đãi 17% trong thời gian 15 năm; miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất kinh doanh (từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12); miễn thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định và các chính sách miễn, giảm khác theo quy định pháp luật hiện hành. 

Hậu Giang đặt mục tiêu đến 2025, lãnh đạo các cấp, ngành trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp mình. Tất cả người dân được cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội. 

Tỉnh đặt mục tiêu hoàn thiện chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số với một số chỉ tiêu chủ yếu như: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp cơ sở được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). (TTXVN 02/3, Hồng Dân)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Thẻ căn cước công dân sẽ dùng thay thế nhiều giấy tờ để làm thủ tục hành chính

Đó là một trong những nội dung chính sẽ được đưa vào dự thảo Luật căn cước công dân (sửa đổi), dự kiến được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5-2023 tới. 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đồng thời đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó bổ sung thêm 10 dự án luật. Trong số này có tới 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. 

Theo đó, tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023), Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công an nhân dân. 

Ngoài ra, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến 5 dự án luật gồm: Luật căn cước công dân; Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật đường bộ; Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Việc xây dựng Luật căn cước công dân (sửa đổi) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phát huy giá trị, tiện ích thẻ căn cước công dân, phục vụ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 

Trong đó, dự án luật tập trung vào các nhóm chính sách gồm: Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ căn cước công dân. Thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước công dân. 

Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước. 

Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử. Cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan. 

Với các dự án luật được trình để cho ý kiến, Chính phủ đã giao Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình. Đồng thời đề nghị trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023). 

Còn tại kỳ họp thứ 6 này, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cảnh vệ. 

Ngoài ra, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến 3 dự án tại kỳ họp thứ 6, gồm: Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đấu giá tài sản và Luật thủ đô (sửa đổi). 

Với năm 2024, Chính phủ đề nghị chương trình gồm 14 dự án luật. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội thông qua 5 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp 6. 

Đồng thời, cho ý kiến 7 dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược; Luật công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật di sản văn hóa (sửa đổi); Luật quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật địa chất và khoáng sản; Luật phòng không nhân dân. 

Tại kỳ họp 8, trình Quốc hội thông qua 7 dự án, là các dự án được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án Luật dân số (sửa đổi) và Luật việc làm (sửa đổi). (Tuoitre.vn 02/3, Ngọc An)Về đầu trang

Bộ GTVT chỉ đạo nóng giải quyết khó khăn khi đổi giấy phép lái xe trực tuyến

Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu Cục Đường bộ khẩn trương rà soát, khắc phục các khó khăn, vướng mắc liên quan tới đổi giấy phép lái xe trực tuyến. 

Bộ GTVT cho biết đã tiếp nhận phản ánh liên quan tới tình trạng quá tải ở các điểm đổi giấy phép lái xe trực tiếp. Cụ thể, việc nộp hồ sơ đổi giấy phép lái xe trực tuyến cấp độ 3, 4 không dễ thực hiện. Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ chủ trì, khẩn trương rà soát, khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cục Đường bộ Việt Nam phải báo cáo Bộ GTVT kết quả thực hiện vấn đề này trước ngày 28/2/2023. 

Thời gian gần đây, người dân tới hạn đổi giấy phép lái xe gặp không ít khó khăn, đặc biệt tại Hà Nội, khi các điểm cấp đổi giấy phép lái xe trực tiếp quá tải. Trong khi đó, việc cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến cũng gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt liên quan tới giấy khám sức khoẻ. 

Nguyên nhân chính khiến lượng người đến làm thủ tục tăng đột biến là do: Thứ nhất, thay đổi thời gian hiệu lực của giấy phép lái xe từ 5 lên 10 năm. Thứ hai, từ ngày 13/1 tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ dừng tiếp nhận cấp, đổi giấy phép lái xe trực tiếp tại trụ sở của Cục, người lái xe thuộc các cơ quan trung ương, đoàn thể, ngoại giao sẽ đổi giấy phép tại các Sở GT-VT; (DVE2) còn trường hợp người lái xe do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý sẽ đổi giấy phép lái xe trực tuyến. (VTV.vn 02/3, Minh Đức)Về đầu trang

Đồng Nai: Nhân viên y tế được hỗ trợ cao nhất đến 4 triệu đồng/tháng

Ngày 2/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã có hướng dẫn về việc thực hiện chế độ hỗ trợ nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh. 

Theo đó, những đối tượng được thụ hưởng chính sách sẽ được truy lãnh kể từ tháng 1/2023 đến thời điểm được nhận hỗ trợ. Mức hỗ trợ từ 500 ngàn đến 4 triệu đồng/người/tháng tùy từng đối tượng và đơn vị công tác. Trước đó ngành y tế Đồng Nai đã xây dựng chính sách hỗ trợ đối với nhân viên y tế đang công tác tại các trạm y tế, dự kiến từ 1,5-4 triệu đồng/người/tháng tùy thuộc vào trình độ, vị trí việc làm. Mức hỗ trợ đối với nhân viên y tế công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh dự kiến từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ đối với nhân viên y tế công tác tại các trung tâm y tế và các đơn vị còn lại từ 1,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian nhận hỗ trợ kéo dài trong 4 năm, từ 2023-2027 

Ngành Y tế Đồng Nai cũng sẽ tăng cường đưa bác sĩ về công tác tại tuyến cơ sở, phát triển nguồn nhân lực y tế cân đối, hợp lý, bảo đảm đạt được các chỉ tiêu cơ bản là 11 bác sĩ/vạn dân, 3 dược sĩ đại học/vạn dân và 33 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2030. Đồng thời, đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho y tế cơ sở theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới. Trong giai đoạn 2022-2025, tiếp tục đầu tư xây dựng mới 56 trạm y tế và nâng cấp mở rộng, cải tạo, sửa chữa 46 trạm y tế, bổ sung trang, thiết bị cho 20 trạm y tế để đảm bảo hoàn thành cơ sở hạ tầng, thiết bị cho trạm y tế theo quy định. (Tienphong.vn 02/3, Mạnh Thắng)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Hơn 117.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết ngày 17/2/2023, vẫn còn 117.313 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước còn lại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án, bằng 15,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 63.697 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 53.615 tỷ đồng. 

Lý giải nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết do công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị giao kế hoạch hàng năm của nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu chủ động và chậm trễ. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 33 bộ, cơ quan trung ương và 55 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương; trong đó có Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam chưa thực hiện phân bổ (0%) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023. 

19 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn ngân sách địa phương; trong đó có 4 địa phương là Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk chưa thực hiện phân bổ (0%) chi tiết kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2023 trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo đúng quy định. 

Đối với ngân sách trung ương, một số dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư (trong đó chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội); dự án quá thời gian bố trí vốn, dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay, chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ hoặc đang lấy ý kiến nhà tài trợ để hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dự… 

Với vốn ngân sách địa phương, các dự án dự kiến khởi công mới năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, nguồn chi đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất chưa giao hết do vướng mắc liên quan đến đất đai, địa chính… 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai giao kế hoạch đáp ứng yêu cầu dự án có thể giải ngân từ đầu năm…; cơ bản bố trí vốn theo các nguyên tắc, tiêu chí quy định.

 Dù vậy 56 bộ, cơ quan trung ương, địa phương vẫn còn tình trạng phân bổ vốn cho dự án bố trí vốn quá thời gian quy định, phân bổ cho một số dự án chưa đủ điều kiện giải ngân như dự án khởi công mới chưa có quyết định đầu tư; dự án chuẩn bị đầu tư chưa có quyết định phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư. Với những trường hợp này, Bộ đã có văn bản đề nghị điều chỉnh lại phương án phân bổ. 

Để đẩy nhanh tiến độ phân bổ nguồn vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao; bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm… (Cafef.vn 02/3)Về đầu trang

Sau thanh tra hơn 80 doanh nghiệp, Tổng cục Thuế kiến nghị xử lý trên 10.000 tỷ đồng

Trong tháng 2, Tổng cục Thuế thanh tra, kiểm tra hơn 80.000 doanh nghiệp. Sau khi kiểm tra, số thuế kiến nghị xử lý hơn 10.000 tỷ đồng (gồm tiền thuế yêu cầu bổ sung, tiền phạt chậm nộp...), tăng 263% so với cùng kỳ năm 2022. 

Đó là thông tin vừa được Tổng cục Thuế công bố ngày 2/3. Theo đó, ước thu thuế tháng 2 được 105.000 tỷ đồng, đạt 7,7% dự toán. Trong đó, ngành thuế thực hiện gần 3.600 cuộc thanh tra, kiểm tra với hơn 80.000 doanh nghiệp. Ngành Thuế cũng kiểm tra gần 42.000 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. 

Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra 10.151 tỷ đồng, bằng 262% so với cùng kỳ năm 2022. Có 12/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán và 11 khoản thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. 

Theo Tổng cục Thuế, đến cuối tháng 2, cả nước có 886.442 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 108 doanh nghiệp so với thời điểm cuối năm 2022. 

Dự kiến, trong tháng 3 này, ngành thuế bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành. 

Năm 2023, dự toán thu ngân sách năm 2023 giao cho ngành thuế gần 1,4 triệu tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm, số thu thuế ước đạt 325.780 tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán. 

Trước đó, năm 2022, thu ngân sách do ngành thuế quản lý đạt 1,46 triệu tỷ đồng, vượt đến 24,3% so với dự toán. (Tienphong.vn 02/3, Quỳnh Nga)Về đầu trang

Hà Nội thu ngân sách đạt trên 107.000 tỷ đồng

UBND thành phố Hà Nội cho biết, nhờ thực hiện và triển khai sớm, đồng bộ các giải pháp nên dù kinh tế những tháng đầu năm gặp khó khăn, nhưng thành phố vẫn thu ngân sách đạt kết quả tích cực. 

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 2 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện trên 107.000 tỷ đồng, đạt 30,4% dự toán pháp lệnh năm và tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, thu nội địa 103.100 tỷ đồng, đạt 31,8% dự toán và tăng 62,2%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.600 tỷ đồng, đạt 13,3% và bằng 75,6% cùng kỳ; thu từ dầu thô 400 tỷ đồng, đạt 19,3%. 

Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong 2 tháng đầu năm 2023 như: khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 22.400 tỷ đồng, đạt 30,2% và tăng 25,7%; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 21.100 tỷ đồng, đạt 35,8% dự toán và gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 6.900 tỷ đồng, đạt 29,2% và tăng 50,2%; thuế thu nhập cá nhân 8.500 tỷ đồng, đạt 22% và giảm 7,3%; thu phí và lệ phí 2.900 tỷ đồng, đạt 16,5% và giảm 12,7%; thu tiền sử dụng đất 1.100 tỷ đồng, đạt 6,4% và giảm 73,3%; thu lệ phí trước bạ 1.100 tỷ đồng, đạt 12,7% và giảm 17%. 

Về chi ngân sách địa phương, 2 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện 11.200 tỷ đồng, đạt 10,7% dự toán năm và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, chi đầu tư phát triển 3.400 tỷ đồng, đạt 7,2% dự toán và tăng 39,8%; chi thường xuyên 7.800 tỷ đồng, đạt 14% và tăng 12,7%. (TTXVN 02/3, Nguyễn Văn Cảnh)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Công an TP.HCM: Đã khởi tố 129 bị can liên quan sai phạm đăng kiểm

Ngày 2-3, Công an TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. 

Đại diện Phòng tham mưu Công an TP.HCM báo cáo về tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, công an đã tập trung xác minh, đấu tranh làm rõ các hành vi sai phạm, tiêu cực tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác. 

Đến nay, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố 129 bị can để điều tra về các hành vi "đưa hối lộ", "nhận hối lộ", "môi giới hối lộ", "sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật", "xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác". 

Công an TP.HCM cũng khám phá vụ "Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức", bắt giữ 8 người liên quan, với thủ đoạn lên mạng kiếm người có nhu cầu làm giả các loại giấy tờ, kể cả căn cước công dân. 

Đấu tranh triệt phá các tổ chức, đường dây tội phạm hoạt động núp bóng các công ty để chiếm đoạt tài sản, đã khởi tố hai vụ án, khởi tố 26 bị can là các nhân viên của Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset và Chi nhánh Công ty Luật TNHH Power Law về tội "vu khống". 

Công an cũng khởi tố hai vụ án, khởi tố 13 bị can về tội "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại quốc tế PL và Công ty TNHH TVX Group. Công ty này dùng thủ đoạn tuyển dụng hàng trăm nhân viên để hoạt động lừa đảo thông qua gọi điện giả danh nhân viên đơn vị phát hành thẻ tín dụng. 

Khám phá vụ buôn lậu các mặt hàng thuốc lá, giày dép bảo hộ lao động tử Việt Nam đi Seoul, Hàn Quốc (hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 25 tỉ đồng) tại Công ty TNHH Hoàng Mai Global; vụ "Kinh doanh tân dược ngoại nhập lậu" là thuốc đặc trị các bệnh về tim mạch, tiểu đường, đại tràng với giá trị hàng hóa thu giữ trên 5 tỉ đồng.

 Khám phá vụ "sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh", bắt 7 người, với thủ đoạn sử dụng bột năng và các thiết bị (máy ép, khuôn đúc) để sản xuất thuốc giả mạo các nhãn hiệu với số lượng lớn... (Tuoitre.vn 02/3, Minh Hòa)Về đầu trang

Hà Nội: Tạm giữ dàn lãnh đạo, nhân viên trung tâm đăng kiểm ở Sóc Sơn

Ngày 2/3, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã tạm giữ 9 người là giám đốc, phó giám đốc và nhân viên kiểm định tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-12D để điều tra về hành vi nhận hối lộ. 

Những người bị tạm giữ gồm: Nguyễn Văn Sơn (SN 1969, giám đốc), Lê Trung Tâm (SN 1986, giám đốc kỹ thuật), Đỗ Thái Học (SN 1990, Phó giám đốc kỹ thuật) và các đăng kiểm viên Nguyễn Văn Nam (SN 1992), Nguyễn Văn Thắng (SN 1989), Dương Ngọc Đức (SN 1986), Nguyễn Bảo Ngọc (SN 1993), Đào Đức Đại (SN 1991), Trần Đình Tài (SN 1989). 

Quá trình điều tra, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-12D thuộc công ty Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ và phát triển kỹ thuật 123, bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2018. 

Ông Lê Văn Thụy, Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Sơn làm giám đốc phụ trách hoạt động của trung tâm và ông Lê Trung Tâm làm giám đốc kỹ thuật. Các hoạt động của trung tâm được ông Sơn và ông Tâm quản lý, điều hành. 

Công an huyện Sóc Sơn xác định, lãnh đạo và đăng kiểm viên của trung tâm đăng kiểm trên nhận tiền của các chủ phương tiện đến kiểm định để bỏ qua các lỗi của phương tiện và cấp giấy chứng nhận kiểm định đủ điều kiện cho nhiều phương tiện, có dấu hiệu của tội nhận hối lộ. 

Tại cơ quan điều tra, những người liên quan đã thừa nhận hành vi vi phạm. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng. 

Đến nay, Cơ quan công an Hà Nội thông tin 17 trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội bị xác định có vi phạm gồm: 29-01V, 29-06V, 33-01S, 33-02S, 29-03S, 29-14D, 29-18D, 29-23D, 29-29D, 29-01S, 29-15D, 29-10D, 29-02S, 29-07D, 29-02V, 29-21D, 29-12D. Trong đó, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt giữ nhiều lãnh đạo, nhân viên các trung tâm trên. (Tienphong.vn 02/3, Thanh Hà)Về đầu trang

Giám đốc 3 trung tâm đăng kiểm ở Cần Thơ bị bắt vì nhận hối lộ hàng tỷ đồng

Ngày 2/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Châu Ngọc Ý (38 tuổi, ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) và Nguyễn Sỹ Hùng (43 tuổi, ngụ TP Bến Tre) để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ”. 

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Châu Ngọc Ý là Giám đốc của các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới số 6502D, 6504D và 6506D thuộc Công ty CP Kỹ thuật Cát Tường An Khánh (doanh nghiệp tư nhân, có trụ sở tại TP Cần Thơ). Còn Hùng làm doanh nghiệp tư nhân sửa chữa ôtô Phú Hưng ở Bến Tre. 

Nhận thấy nhu cầu về việc hợp thức hóa hồ sơ đăng kiểm cho các phương tiện cải tạo, Ý đã câu kết với Hùng lập khống hồ sơ cải tạo phương tiện, ký khống biên bản nghiệm thu cải tạo, mua các Giấy chứng nhận kết quả kiểm định cần trục cẩu để hợp thức hoá hồ sơ cho các phương tiện không đủ điều kiện hồ sơ cải tạo theo quy định. Mỗi hồ sơ, Ý nhận của các phương tiện từ 10 - 12 triệu đồng. Tổng số tiền Ý đã “bỏ túi” là trên 2 tỷ đồng. 

Qua công tác nắm tình hình, kết hợp triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP Cần Thơ phát hiện dấu hiệu sai phạm liên quan đến công tác kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm nói trên. 

Thực hiện chỉ đạo của Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận - Giám đốc Công an TP Cần Thơ, Cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét nơi ở của bị can, khám xét khẩn cấp tại các trung tâm đăng kiểm nêu trên, qua đó, thu giữ hồ sơ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan. (Tienphong.vn 02/3, Kim Hà)Về đầu trang

Cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên lĩnh án 5 năm tù

Sáng 2/3, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã tuyên án Nguyễn Văn Kiên cùng 7 bị can trong vụ án Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 

Sau gần 2 ngày xét xử, sáng 2/3 Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã tuyên án Nguyễn Văn Kiên (cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh) cùng 7 bị can trong vụ án Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 

Tám bị cáo bị đưa ra xét xử, gồm: Đinh Văn Hữu (sinh năm 1962, Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Điện Biên), Nguyễn Văn Kiên (sinh năm 1963, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh), Trịnh Mạnh Cường (sinh năm 1971, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính – Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh), Nguyễn Quang Tuyến (sinh năm 1972, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Điện Biên), Võ Thúc Chính (sinh năm 1978, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn xây dựng T&C), Mai Thanh An (sinh năm 1982, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô), Hồ Thị Sáu (sinh năm 1989, Giám đốc khối thẩm định III – Công ty Cổ phần Thẩm định giá BTC VALUE), Nguyễn Quốc Việt (sinh năm 1977, thẩm định viên - Công ty Cổ phần Thẩm định giá BTC VALUE). 

Sau khi xem xét các hình thức tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên án: Nguyễn Văn Kiên và Đinh Văn Hữu 5 năm tù; Trịnh Mạnh Cường và Nguyễn Quang Tuyến 4 năm tù; Mai Thanh An và Võ Thúc Chính 30 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 22/9/2022. Bị cáo Hồ Thị Sáu và Nguyễn Quốc Việt mức án 2 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt hoặc tự nguyện thi hành án. 

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử buộc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Điện Biên và các bị cáo phải nộp lại 7,5 tỷ đồng cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh để nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Điện Biên phải nộp lại 996 triệu đồng, bị cáo Nguyễn Văn Kiên phải nộp lại 600 triệu đồng. Hội đồng xét xử chấp nhận sự thỏa thuận và tự nguyện khắc phục hậu quả tổng số tiền 5,9 tỷ đồng mà các bị cáo đã nộp. (VTV.vn 02/3)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Cựu Thủ tướng Italy bị điều tra vì cách xử lý với COVID-19

Theo các phương tiện truyền thông đưa tin ngày 1/3, cựu Thủ tướng Italy, ông Giuseppe Conte đang phải đối mặt với một cuộc điều tra tư pháp về cách xử lý của chính phủ đối với đợt bùng phát dịch COVID-19 vào đầu năm 2020. 

Một số bài báo cho biết ông Conte rơi vào “tầm ngắm” của những công tố viên ở thành phố Bergamo, sau khi họ kết thúc cuộc điều tra kéo dài 3 năm. Thành phố miền Bắc Italy này từng là một trong những tâm dịch của đợt bùng phát COVID-19 tại châu Âu. 

Ông Conte, hiện là lãnh đạo đảng Phong trào Năm sao theo chủ nghĩa dân túy, từng giữ chức Thủ tướng từ năm 2018 - 2021 và đảm nhận việc giám sát các biện pháp ban đầu được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Các thẩm phán điều tra nghi ngờ ông Conte và chính phủ của ông khi đó đã đánh giá thấp mức độ lây lan của COVID-19 mặc dù những dữ liệu cho thấy các ca mắc đã gia tăng đáng kể ở thành phố Bergamo và các khu vực lân cận. Cụ thể, đầu tháng 3/2020, chính phủ đã không thiết lập "vùng đỏ" đối với Nembro và Alzano Lombardo, 2 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh, mặc dù các lực lượng an ninh đã sẵn sàng cách ly 2 khu vực này. 

Các vùng đỏ đã được ban hành vào cuối tháng 2/2020 đối với khoảng 12 thành phố lân cận khác, bao gồm cả Codogno - thị trấn phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên. Các công tố viên ở Bergamo nói rằng theo giới chuyên gia khoa học, việc cách ly, khoanh vùng sớm có thể cứu sống hàng nghìn mạng người. Cũng theo các bài báo, Bộ trưởng Y tế, ông Roberto Speranza và Chủ tịch vùng Lombardy, ông Attilio Fontana, đang bị điều tra. 

Truyền thông dẫn lời ông Conte cho biết ông "không lo lắng" về cuộc điều tra, đồng thời khẳng định chính phủ của ông khi đó đã hành động với cam kết và trách nhiệm cao nhất đối với người dân trong thời điểm khó khăn nhất. 

Tương tự tại một số nước khác, nhiều quan chức cũng bị kiện với cáo buộc không hành động nhanh chóng chống lại đại dịch đã cướp đi 6,8 triệu mạng sống trên toàn thế giới kể từ đầu năm 2020. (TTXVN 02/3, Thu Vân)Về đầu trang

Đi làm bằng xe đạp được trả tiền tại một số nước

Ở khắp châu Âu, chính phủ các nước đang tìm cách áp dụng các chương trình khuyến khích đi xe đạp. 

Ví dụ như ở Hà Lan, từ năm 2006, các doanh nghiệp đã thưởng 0,19 euro cho mỗi km nhân viên đi xe đạp, chính phủ sẽ trừ khoản tiền này vào tiền thuế người đó phải đóng. Nên nếu ai đi xe đạp 10km mỗi ngày, 5 ngày một tuần thì có thể được thưởng khoảng 450 euro/năm (tức hơn 11 triệu VNĐ). 

Còn tại Pháp, người đi xe đạp đi làm được nhận 0,25 euro cho mỗi km, nếu tính theo năm thì mức trần được nhận là khoảng 200 euro (tức hơn 5 triệu VNĐ). 

Các nghiên cứu cho thấy, đi xe đạp giúp giảm nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch, đồng thời lại đỡ bị mắc kẹt lâu trong các vụ tắc đường. (VTV.vn 02/3)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

04