Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 01/3/2023

15:26, Thứ Tư, 1-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CHÍNH SÁCH MỚI

1.        Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2023

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

2.        Kiến nghị lùi nộp thuế VAT, tiền thuê đất 6 tháng

3.        Mỗi năm cần 4.100 tỷ đồng mua xăng dầu dự trữ quốc gia

4.        Hai tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 3,1 tỷ USD

5.        Hơn 51.000 doanh nghiệp đóng cửa từ đầu năm

6.        Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 0,49%

QUẢN LÝ

7.        Giảm thời gian đóng Bảo hiểm xã hội: Lo lương hưu thấp, Nhà nước phải bù

8.        TPHCM: Thủ Đức dôi dư hơn 50 lãnh đạo, quản lý sau hai năm “tái cơ cấu” theo mô hình chính quyền đô thị

9.        Lạng Sơn xác minh tài sản, thu nhập nhiều tập thể, cá nhân

10.     Đà Nẵng: Hơn 1.300 dự án còn vướng mắc bởi Luật Đất đai

11.     Nghệ An: Nhiều đơn vị bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

12.     "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy" ở Khánh Hòa: Mô hình được nhân rộng

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

13.     Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hoạt động giám sát công tác đầu tư công

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

14.     Hưng Yên: Bắt loạt lãnh đạo, cán bộ xã giao 640 lô đất trái thẩm quyền

THẾ GIỚI

15.     Singapore sẽ ra luật mới nhằm đối phó với tội phạm mạng

16.     Nhiều chính sách khuyến khích sinh thêm con tại Trung Quốc

 

CHÍNH SÁCH MỚI

Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2023

Triển khai cấp Hộ chiếu gắn chíp, quy định quản lý tiền công đức, tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật... là các chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 3/2023. 

Từ 1/3 triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử: Kể từ 1/3/2023, Bộ Công an sẽ triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.  

Hộ chiếu có gắn chíp điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký của người cấp. 

Đây là một bước cải tiến mới nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước. 

Quy định tiền công đức được định kỳ kiểm đếm, ghi chép đầy đủ: Thông tư 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. 

Theo đó, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. 

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023. 

 Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động: Theo Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại có hiệu lực từ ngày 1/3/2023. 

Theo đó, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng). 

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với chấp hành viên: Theo quy định mới tại Thông tư số 10/2023/TT-BQP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/3, các tiêu chuẩn đối với chấp hành viên đã được rút gọn, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học. 

Cụ thể chấp hành viên sơ cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp. 

Chấp hành viên trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự chính theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp. 

Thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường: Thông tư số 07/2023/TT-BTC ngày 2/2/2023 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định. 

Theo đó, tổ chức thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. 

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí thì được trích để lại 70% tổng số tiền phí thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 30% tổng số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. 

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2023. 

10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý thuộc lĩnh vực Ngân hàng: Thông tư 21/2022/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2023. 

Thông tư nêu rõ, vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức. 

Căn cứ xác định vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP. 

Thông tư nêu rõ 10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng gồm: Chủ tịch Hội đồng quản lý; Thành viên Hội đồng quản lý; Tổng giám đốc; Phó Tổng giám đốc; Trưởng phòng và tương đương; Phó Trưởng phòng và tương đương; Giám đốc chi nhánh; Phó giám đốc chi nhánh; Trưởng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh; Phó trưởng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh... (VTV.vn 28/02)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Kiến nghị lùi nộp thuế VAT, tiền thuê đất 6 tháng

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. 

VCCI cho rằng, năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn về dòng vốn đối với doanh nghiệp do những biến động kinh tế vĩ mô tại Việt Nam và trên thế giới. Trong khi đó, tình hình thu ngân sách trong nhiều năm trở lại đây đều vượt dự toán, còn chi đầu tư công lại không đạt kế hoạch. 

Do vậy, nếu khoản tiền “nhàn rỗi” này được sử dụng để cấp vốn ngắn hạn cho nền kinh tế vào dịp cuối năm trước và đầu năm sau thì sẽ giúp tháo gỡ được sự mất cân về dòng tiền giữa công và tư, góp phần rất lớn để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và thưởng tết cho người lao động. 

“Dự thảo quy định, thời điểm cuối cùng phải nộp thuế vào ngày 31/12/2023. Chúng tôi hiểu rằng, việc giới hạn thời điểm này nhằm bảo đảm việc thực hiện dự toán ngân sách hàng năm. Nếu cho phép thời điểm nộp thuế qua năm sau có thể dẫn đến việc không đáp ứng dự toán vào thời điểm 31/12. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng khoản tiền thuế này không mất đi, các doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Việc lùi thời hạn nộp thuế chỉ có ý nghĩa giúp điều hoà dòng tiền cho nền kinh tế, tránh tình trạng mất cân đối giữa các thời điểm trong năm”, VCCI kiến nghị. 

Từ đó, VCCI đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu và báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có giải pháp cho vấn đề này. Nếu có thể, nên cho phép gia hạn 6 tháng thời điểm nộp cho toàn bộ các kỳ kê khai và nộp thuế trong năm 2023. 

Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 37,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, có tới 51,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Điều đó chứng tỏ, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ đó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. (Tienphong.vn 28/02, Quỳnh Nga)Về đầu trang

Mỗi năm cần 4.100 tỷ đồng mua xăng dầu dự trữ quốc gia

Sáng 28/2, Bộ Tài chính - Công Thương giải trình tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về loạt vấn đề "nóng" của thị trường xăng dầu và trách nhiệm quản lý. 

Phiên giải trình diễn ra trong bối cảnh thị trường xăng dầu năm 2022 và đầu năm nay phức tạp, nhiều thời điểm đứt gãy thiếu nguồn cung cục bộ. Bộ Công Thương cũng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. 

Theo Luật Dự trữ quốc gia, xăng dầu là mặt hàng dự trữ chiến lược, song hiện mức dự trữ này chỉ tương đương 6-7 ngày nhập khẩu ròng. Dự trữ xăng dầu quốc gia tương đối mỏng là một trong số nguyên nhân, theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, gây ảnh hưởng nguồn cung khi thị trường biến động, gián đoạn. 

Băn khoăn này cũng được các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên giải trình. Theo đại biểu Trần Văn Tiến, Phó trưởng đoàn Quốc hội chuyên trách tỉnh Vĩnh Phúc, xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng theo Luật Dự trữ quốc gia, vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp, nên thiếu minh bạch. 

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình, cơ quan này đã 4 lần trình Thủ tướng phê duyệt phương án nâng dự trữ quốc gia xăng dầu, trong đó đề xuất nâng mức dự trữ từ 9 ngày nhập khẩu ròng lên 15 ngày từ nay đến 2025 và đạt 30 ngày trong giai đoạn 2026 - 2030. 

Theo tính toán, ngân sách cần chi tối thiểu 4.100 tỷ đồng một năm để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên, ông Diên dẫn báo cáo Bộ Tài chính cho biết mức chi phí này vượt quá khả năng cân đối ngân sách. Hiện, ngân sách chỉ bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng một năm, tức gần một phần ba nhu cầu chi, để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia. 

Để từng bước giải quyết khó khăn này, hai Bộ Công Thương và Tài chính đã rà soát, thống nhất báo cáo Thủ tướng xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp. 

"Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép, mỗi năm ngân sách sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 -2.000 tỷ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa", ông Diên cho hay. 

Ông Diên cũng thừa nhận, việc tách bạch giữa dự trữ xăng dầu quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối hiện gặp khó khăn. Bởi, Nhà nước chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu nên phải đi thuê của các doanh nghiệp, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia rất thấp, không phù hợp với thực tế. 

"Bộ đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia nhưng không có đơn vị tham gia", ông nói. 

Để tránh gián đoạn, Bộ này đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp như trước đây để bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chung với hàng kinh doanh của doanh nghiệp. Mức phí trả cho doanh nghiệp bảo quản vẫn áp dụng như mức chi từ năm 2003. (Vnexpress.net 28/02, Anh Minh)Về đầu trang

Hai tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 3,1 tỷ USD

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20-2-2023, tổng vốn FDI (đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022. 

Theo đó, đã có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 978,4 triệu USD, chiếm gần 31,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 42,7% so với cùng kỳ 2022; Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ hai với gần 407,1 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư, gấp 3,85 lần so với cùng kỳ; Hà Lan đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 369 triệu USD, chiếm hơn 11,9% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển,… 

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bắc Giang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 824,3 triệu USD, chiếm hơn 26,6% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 8,4 lần so với cùng kỳ năm 2022; thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ hai với 103 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 369,1 triệu USD, chiếm hơn 11,9% tổng vốn đầu tư cả nước; tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai,… 

Tính tới ngày 20-2-2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 11,4 điểm phần trăm so với tháng 1-2023. (Hanoimoi.com.vn 28/02)Về đầu trang

Hơn 51.000 doanh nghiệp đóng cửa từ đầu năm

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2023. Số liệu mới công bố cho biết, trong tháng Hai, cả nước có 8.841 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 18,5% so với tháng trước). Bên cạnh đó, cả nước còn có 3.927 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 73,9% so với tháng trước). 

Cũng trong tháng Hai, thống kê cho thấy có 7.605 đoàn nghiệp rút lui khỏi thị trường, gồm: 3.802 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; có 2.636 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; có 1.167 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. 

Tính chung trong hai tháng đầu năm, cả nước có 37.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.  

Trong chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sau hai tháng đầu năm là 51.400 doanh nghiệp, tương đương bình quân một tháng có 25.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (856 doanh nghiệp đóng cửa/ngày). (VTV.vn 28/02)Về đầu trang

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 0,49%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2023 trên địa bàn Hà Nội tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 2,75% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. 

Trong tháng 2, một số nhóm hàng có CPI tăng so với tháng trước. Trong đó, nhóm giao thông tăng 1,99% (tác động làm tăng CPI chung 0,19%) chủ yếu do giá xăng điều chỉnh tăng vào ngày 13-2 và ngày 21-2 khiến giá xăng bình quân trong tháng tăng 5,46% so với bình quân tháng trước.  

Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,89% (tác động làm tăng CPI chung 0,38%) do ảnh hưởng giá gas thế giới khiến giá gas trong nước tăng mạnh, ở mức 13,7%. Đồng thời giá vật liệu xây dựng đang có xu hướng tăng từ đầu năm. 

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,12% do sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mùa lễ hội tăng cao. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép và nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình cùng tăng 0,07%. Các nhóm còn lại có CPI tăng nhẹ từ 0,03%-0,05%. 

Ngược lại, cũng có 3 nhóm hàng có CPI giảm so với tháng trước, gồm: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,49% (tác động làm giảm CPI chung 0,04%) do thành phố tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát giá cả dịch vụ không để tình trạng tăng giá tại các khu, điểm du lịch tâm linh và khu vực diễn ra lễ hội... 

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,24% (tác động làm giảm CPI chung 0,07%) do giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,5%, các loại rau tươi, khô và chế biến đang vào mùa thu hoạch nên giá giảm 2,87%. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%. 

Riêng nhóm giáo dục giữ mức giá tương đương tháng trước. So với tháng trước, chỉ số giá vàng tháng 2-2023 tăng 1,61% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,22%. (Hanoimoi.com.vn 28/02)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Giảm thời gian đóng Bảo hiểm xã hội: Lo lương hưu thấp, Nhà nước phải bù

Người lao động (NLĐ) tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 15 năm trở lên có thể được nhận lương hưu, thay vì mức tối thiểu 20 năm như luật hiện hành. Tuy nhiên, với thời gian đóng BHXH ít, tiền lương hưu sẽ thấp, nên cần thêm giải pháp để người lao động (NLĐ) có quyền lựa chọn tham gia nhiều hơn, nhằm nhận mức lương cao hơn. 

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới nhất do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì xây dựng vừa được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành. Dự luật đưa ra phương án giảm mức đóng BHXH để có lương hưu từ 20 năm hiện hành xuống 15 năm. Trường hợp khi luật có hiệu lực, nếu NLĐ từng nhận BHXH một lần, sẽ phải đóng BHXH tối thiểu 20 năm mới được nhận lương hưu. 

Về mức lương hưu, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, mức lương hưu được tính bằng 45% mức đóng, nếu tham gia BHXH đủ 15 năm với nữ và 20 năm đóng với nam. Sau đó, mỗi năm đóng BHXH được cộng thêm 2% vào lương hưu. Lương hưu tối đa bằng 75% mức đóng (nam đóng tối đa 35 năm, nữ tối đa 30 năm). Trường hợp nam đóng BHXH từ 15 đến dưới 20 năm và nữ đóng dưới 15 năm, mỗi năm đóng được tính lương hưu bằng 2,25% mức lương tính đóng bảo hiểm xã hội. Nếu quy định trên được thông qua, NLĐ tham gia BHXH 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu, đối với nam khi nghỉ sẽ được nhận mức lương hưu bằng 33,7% tiền lương tính đóng bảo hiểm, nữ được nhận mức lương hưu bằng 45% mức đóng. 

Chị Nguyễn Thị Hoa (Bắc Ninh) cho biết, chị làm công nhân ở công ty nước ngoài và đóng BHXH từ năm 2007 tới nay. Theo thông tin trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam, công ty đóng BHXH cho chị theo mức lương tối thiểu vùng, lúc đầu mức lương 450 nghìn đồng/tháng, nay lên 4,68 triệu đồng/tháng. “Tới năm 2025, khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực và tới tuổi nghỉ hưu, chị có 17 năm đóng BHXH, mức lương tính đóng bình quân cả quá trình chỉ khoảng 3,4 triệu đồng/tháng, khi nghỉ hưu sẽ nhận lương khoảng 1,6 triệu đồng/tháng”, chị Hoa nhẩm tính khi nghe về đề xuất mới của Bộ LĐ-TB&XH về sửa Luật BHXH. Trường hợp lao động nam có cùng mức đóng và thời gian đóng như trên, mức lương hưu nhận được khoảng 1,1 triệu đồng/tháng (tương ứng 38,2% mức đóng). 

Khi giảm thời gian đóng BHXH để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, dù có thêm nhiều NLĐ có lương hưu, nhưng nhóm nhận mức lương hưu thấp cũng sẽ tăng thêm. Điều này dẫn tới những lo ngại rằng, ngân sách nhà nước phải cấp bù để đảm bảo mức lương và cuộc sống cho người có mức lương hưu thấp, tương tự như các lần điều chỉnh lương hưu gần đây. 

Cụ thể, trong lần tăng lương hưu vào đầu năm 2022, ngoài mức tăng thêm 7,4% cho tất cả người có lương hưu, nhóm người nhận lương hưu trước năm 1995, lương hưu dưới 2,5 triệu đồng/tháng còn được tăng bổ sung từ ngân sách nhà nước. Trong đó, người có mức lương dưới 2,3 triệu đồng/tháng sẽ được tăng thêm 200 nghìn đồng/người/tháng; người có lương hưu từ 2,3 đến 2,5 triệu đồng/tháng sẽ được tăng để đạt mức lương 2,5 triệu đồng/tháng… 

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH cho rằng, khi có lương hưu, dù thấp, người nghỉ hưu sẽ được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, các chế độ tử tuất. Điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ bao phủ BHXH khi số người hưởng BHXH một lần. “Nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng, nên người đóng trong thời gian dài hơn thì sẽ nhận mức lương hưu cao và ngược lại. Có người đóng ít, và chỉ đóng trong 15 năm, sẽ nhận mức lương hưu thấp nhưng vẫn hơn không có lương hưu. Với quy định này, Nhà nước sẽ gặp rủi ro hơn NLĐ, vì có người đóng ít năm nhưng nhận lương hưu kéo dài khi tuổi thọ tăng lên. Ngân sách sẽ phải bù cho phần hưởng vượt thời gian đóng”, bà Hương nói. 

Về lo ngại rằng, thực tế sẽ có người chỉ tham gia đóng bảo hiểm trong thời gian tối thiểu, hoặc nhiều người nhận mức lương hưu thấp, ngân sách phải bù, bà Hương nêu đề xuất: Có thể cho phép NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH thấp có thể đóng thêm vài năm để nhận lương hưu cao hơn. 

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH, đơn vị xây dựng luật) cho hay, cùng với việc giảm điều kiện đóng BHXH để nhận lương hưu xuống 15 năm, sẽ có các quy định bổ sung để giải quyết tình huống lương hưu thấp. Theo ông Nam, cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu đề xuất một số giải pháp như: NLĐ tham gia BHXH 15 năm có thể chưa nhận lương hưu và đóng tiếp. Thời gian kéo dài đóng BHXH sẽ được tính tỷ lệ vào lương hưu cao hơn.... (Tienphong.vn 28/02, Lê Hữu Việt)Về đầu trang

TPHCM: Thủ Đức dôi dư hơn 50 lãnh đạo, quản lý sau hai năm “tái cơ cấu” theo mô hình chính quyền đô thị

Sau hơn hai năm thực hiện "tái cơ cấu" theo mô hình chính quyền đô thị, TP. Thủ Đức (TPHCM) chưa thể sắp xếp, bố trí đối với 54 trường hợp công chức, viên chức đang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phó. 

Thông tin này được nêu trong báo cáo của UBND TPHCM gửi Bộ Nội vụ thông tin về kết quả thực hiện Đề án sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư khi tổ chức chính quyền đô thị, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức (đề án). 

Theo UBND TPHCM, mục tiêu chung khi xây dựng đề án là thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đủ điều kiện, tiêu chuẩn tiếp tục làm việc tại các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ cấp thành phố đến phường, xã, thị trấn một cách hiệu quả, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đề án thực hiện sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với 830 trường hợp dôi dư sau khi thực hiện chính quyền đô thị và sắp xếp, tinh gọn các đơn vị hành chính. 

Báo cáo kết quả thực hiện, UBND TPHCM cho biết, tính từ ngày 1/7/2021, TP. Thủ Đức và các quận, phường đã hoàn thành sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với 291 trường hợp là cán bộ chuyên trách HĐND quận, phường, trong đó giải quyết nghỉ việc đối với 10 trường hợp và đề nghị tinh giản/ tinh giản biên chế đối với 12 trường hợp. 

Đối với các trường hợp dôi dư khi thực hiện đề án, UBND TP. Thủ Đức và các quận: 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận đã xây dựng phương án và tổ chức thực hiện bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại đơn vị hành chính cấp xã mới đảm bảo số lượng theo quy định. Tính đến nay, TP. Thủ Đức và các quận đã sắp xếp, bố trí lại và giải quyết chế độ, chính sách đối với 241 trường hợp cụ thể. 

Về kết quả sắp xếp, bố trí nhân sự tại TP. Thủ Đức theo đề án, tính đến hiện tại, Thủ Đức đã thực hiện sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách cho 114 trường hợp, trong khi mục tiêu đề ra đến ngày 31/12/2022 là cần sắp xếp, bố trí giảm 227 biên chế công chức, người lao động và 81 viên chức. Theo báo cáo của UBND TP. Thủ Đức, thời gian tới cần tiếp tục sắp xếp, bố trí đối với 47 trường hợp dôi dư trong các cơ quan chuyên môn và 11 trường hợp dôi dư trong các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Đặc biệt, do một số nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, UBND TP. Thủ Đức chưa thể hoàn tất sắp xếp, bố trí đối với 54 trường hợp công chức, viên chức đang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phó để đảm bảo số lượng cấp phó đúng theo quy định. Điều này được UBND TPHCM nhìn nhận có phần do TP. Thủ Đức có địa bàn quản lý rộng lớn, đông dân và yêu cầu về chất lượng, số lượng công việc cần giải quyết ngày càng nhiều, tính chất phức tạp ngày càng cao… (Tienphong.vn 28/02, Ngô Tùng)Về đầu trang

Lạng Sơn xác minh tài sản, thu nhập nhiều tập thể, cá nhân

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Quyết định số 114/QĐ-UBND về việc phê duyệt nội dung kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 trên địa bàn. 

Theo đó, tám cơ quan, đơn vị với tổng số người được xác minh là 88 người, cụ thể: Tám người thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, 20 người thuộc UBND huyện Cao Lộc, 16 người thuộc Sở Y tế, 15 người thuộc UBND huyện Chi Lăng, 21 người thuộc UBND huyện Hữu Lũng, bốn người thuộc Sở Tư pháp, ba người thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, một người thuộc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lạng Sơn. 

UBND tỉnh Lạng Sơn giao Chánh Thanh tra tỉnh Lạng Sơn ban hành kế hoạch xác minh, quyết định thành lập tổ xác minh theo thẩm quyền; tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch xác minh đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định. 

Mới đây, Thanh tra tỉnh Lạng Sơn đã ban hành văn bản kế hoạch xác minh, đảm bảo tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai và xác minh về tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm. Danh sách người được xác minh sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên bằng phần mềm máy tính.  

Quá trình bốc thăm do Thanh tra tỉnh chủ trì, có sự chứng kiến của đại diện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn và đại diện của tám cơ quan, đơn vị có người được xác minh. Chánh Thanh tra tỉnh sẽ ban hành các quyết định xác minh tài sản, thu nhập để tổ chức thực hiện trong quý I, II và III năm 2023. (Tienphong.vn 28/02, Nguyễn Duy Chiến)Về đầu trang

Đà Nẵng: Hơn 1.300 dự án còn vướng mắc bởi Luật Đất đai

Sáng 28/2, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học Thảo luận, lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn với sự tham gia của 250 đại biểu đến từ Bộ TN&MT, các cơ quan, ban, ngành; UBND các quận, huyện, phường, các viện, trường ĐH, các chuyên gia, doanh nghiệp,… 

Hội thảo diễn ra trong một ngày với hai phiên toàn thể và bốn phiên chuyên đề. Bốn nhóm chủ đề được thảo luận gồm: 1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. 2) Thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất. 3) Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính; dữ liệu, thông tin đất đai và cơ chế, chính sách tài chính, giá đất. 4) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực. 

Theo ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, các chủ đề bao quát được nội dung, quy định về quản lý đất đai. Tuy nhiên, đi vào từng nội dung, các đại biểu, chuyên gia cần cụ thể hóa từ thực tiễn để đóng góp ý kiến, sửa đổi luật để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn thực tế. 

“Đề nghị Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực và kinh nghiệm trong thực tiễn tham gia góp ý các điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm giải quyết những vấn đề bất cập tồn tại trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai, như: Giao đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; xác định giá đất… 

Đặc biệt là các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, kết luận của Kiểm toán Nhà nước... nhằm khơi thông nguồn lực về đất đai, nguồn lực của xã hội để thúc đẩy sự phát triển của thành phố”, ông Quảng nói. 

Theo ông Quảng, một trong những vấn đề lớn nhất của Đà Nẵng là giải quyết tồn tại cũ. Lấy dẫn chứng việc thực hiện Kết luận 2852 về quá trình thực hiện Luật Đất đai từ năm 2003 đến năm 2010, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết địa phương đã tổng hợp, rà soát được trên 1.300 dự án có vướng mắc đến các nội dung này. 

“Đây là vấn đề mà Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm, chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND TP. Đà Nẵng tổng hợp, báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ và trong quá trình tổng kết, thi hành Luật Đất đai năm 2013, chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị nội dung này”, ông Quảng nói. 

Để khơi thông nguồn lực phát triển, Đà Nẵng cần giải quyết những vấn đề tồn tại này nhưng gặp khó khăn về luật, vì vậy, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bày tỏ mong muốn từ những vướng mắc thực tiễn, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có cơ chế để giải quyết, không thể để tình trạng có quy định mới nhưng vướng mắc cũ thì chưa giải quyết được. (Tienphong.vn 28/02, Giang Thanh)Về đầu trang

Nghệ An: Nhiều đơn vị bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm

Ngày 27/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 2/2023 để xem xét, kết luận một số nội dung về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. 

Cụ thể: Xem xét kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai nghị quyết đại hội Đảng các cấp; xây dựng và thực hiện quy chế làm việc; xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp đối với Ban Thường vụ Thị ủy Hoàng Mai và Ban Thường vụ Thị ủy Cửa Lò. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận những ưu điểm, kết quả đã đạt được; đồng thời, chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm trong việc quán triệt nghị quyết đại hội Đảng các cấp; chậm ban hành, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc; chậm rà soát, điều chỉnh một số chương trình, đề án cho phù hợp thực tiễn của địa phương…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu, Ban Thường vụ Thị ủy Hoàng Mai, Ban Thường vụ Thị ủy Cửa Lò nghiêm túc kiểm điểm, có kế hoạch khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nghị quyết đại hội, chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.  

Ban Thường vụ Thị ủy Hoàng Mai, Ban Thường vụ Thị ủy Cửa Lò kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung, thực hiện nghiêm quy chế làm việc, chương trình, đề án, kế hoạch cho phù hợp, đảm bảo tiến độ và các mục tiêu, chỉ tiêu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trong công tác phòng, chống dịch, góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.  

Tuy nhiên, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh còn có một số hạn chế, khuyết điểm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nghiêm túc kiểm điểm, ban hành kế hoạch khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra. 

Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng xem xét kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao đối với Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy Sở Y tế; Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh; Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Ung bướu; Đảng bộ bộ phận Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận việc lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, tại Sở Y tế, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh còn có một số hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thực hiện quy trình đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao. Bệnh viện Ung bướu có khuyết điểm trong công tác kiểm tra, giám sát và trong thực hiện hợp đồng mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao đạt tỷ lệ thấp. Đặc biệt là sai phạm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khiến một số cán bộ, đảng viên bị khởi tố, bắt tạm giam và khai trừ khỏi Đảng. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét, thi hành kỷ luật đối với Đảng ủy bộ phận Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Đảng ủy Sở Y tế, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các tổ chức Đảng có liên quan kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm để xử lý theo quy định; đồng thời, chỉ đạo Đảng ủy Bệnh viện Ung bướu nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với các hạn chế, khuyết điểm có liên quan. (TTXVN 28/02, Nguyễn Văn Nhật) Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

"Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy" ở Khánh Hòa: Mô hình được nhân rộng

Mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất một bình chữa cháy, còi báo cháy, cùng giúp nhau chữa cháy khi có sự cố xảy ra... là mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC)” đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh nhân rộng. 

Tổ dân phố 1 Trần Nhật Duật (phường Phước Hòa, TP. Nha Trang) là địa bàn có nhiều con hẻm nhỏ, quanh co, xe chữa cháy không vào được nếu không may xảy ra sự cố cháy. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy - UBND phường, ông Trần Văn Năm - Tổ trưởng Tổ dân phố 1 Trần Nhật Duật đã tích cực đến từng nhà vận động nhân dân tham gia xây dựng các mô hình PCCC. Từ sự vận động của ông, người dân trong tổ đã tích cực hưởng ứng tham gia mô hình. Đến nay, tổ đã xây dựng được 1 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 1 “Điểm chữa cháy công cộng”. 

Ông Lê Văn Hồng - Tổ trưởng Tổ dân phố 4 Phước Thọ, phường Phước Hòa cũng tích cực phối hợp với Công an phường đến tuyên truyền, vận động các hộ dân trong tổ tham gia mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Nghe ông giải thích cụ thể, chi tiết sự cần thiết, những lợi ích của mô hình, nhiều hộ đã đồng ý tham gia đóng góp kinh phí mua sắm bình chữa cháy, thiết bị phá dỡ và lắp đặt chuông báo cháy tại nhà. 

Dù mới bắt đầu triển khai cuối năm 2022 nhưng phường đã xây dựng được 25 mô hình PCCC tại 16/16 tổ dân phố với 285 thành viên, trong đó có 14 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 11 “Điểm chữa cháy công cộng”.  

Theo ông Nguyễn Xuân Hiếu - Phó Chủ tịch UBND phường Phước Hòa, có được kết quả trên là nhờ sự nhiệt huyết, nhiệt tình, phát huy vai trò đi đầu, nêu gương của các bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, góp phần lan truyền một cách tích cực đến toàn thể nhân dân trên địa bàn. Từ đó, người dân nhìn thấy được những lợi ích mà mô hình mang lại và tích cực tham gia. (Baokhanhhoa.vn 28/02, Lan Phương)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hoạt động giám sát công tác đầu tư công

Việc triển khai kế hoạch giám sát của HĐND Thành phố là góp phần thúc đẩy công tác đầu tư công đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết của Đảng. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh tại hội nghị triển khai kế hoạch giám sát của HĐND Thành phố về việc thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, diễn ra sáng 28/2.  

Theo đó, bà Lệ yêu cầu các thành viên đoàn giám sát cần nghiêm túc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, chủ động thực hiện theo đúng kế hoạch giám sát; đồng thời đề nghị các đơn vị được giám sát chấp hành nghiêm kế hoạch, đề cương giám sát, chuẩn bị tốt nội dung báo cáo, chủ động trao đổi những nội dung cần làm rõ. Trước mắt, trong tháng 3/2023, HĐND Thành phố sẽ triển khai hoạt động giám sát thực tế tại một số công trình, dự án  

Theo thường trực HĐND Thành phố, chương trình giám sát của HĐND Thành phố sẽ tập trung đánh giá tình hình lập, thẩm định, trình phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, kế hoạch đầu tư công hằng năm; tình hình triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công hằng năm theo quy định của pháp luật về đầu tư công trên địa bàn Thành phố.  

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát nhằm làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và phân tích sâu những nguyên nhân trong quá trình triển khai; đề xuất những giải pháp, cơ chế nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đầu tư công trên địa bàn Thành phố. 

Kết quả thực hiện chương trình giám sát về đầu tư công trên địa bàn Thành phố sẽ được tổng hợp báo cáo tại Kỳ họp thường kỳ giữa năm 2023 của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. (TTXVN 28/02, Xuân Khu)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Hưng Yên: Bắt loạt lãnh đạo, cán bộ xã giao 640 lô đất trái thẩm quyền

Công an tỉnh Hưng Yên vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với 8 đối tượng là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ xã Dị Sử (nay là phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào) để điều tra về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, xảy ra từ năm 2003 đến năm 2008. 

5 bị can là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo phường/xã Dị Sử gồm: Nguyễn Quang Phục (SN 1964) - Bí thư Đảng ủy phường; Vũ Văn Ngọc (SN 1971) - Chủ tịch UBND phường; Nguyễn Kim Dương (SN 1959) - nguyên Bí thư Đảng ủy xã; Đỗ Chí Hào (SN 1961) - nguyên Chủ tịch UBND xã; Vũ Duy Bình (SN 1963) - nguyên Chủ tịch UBND xã. 

3 bị can còn lại gồm: Đặng Đình Tâm (SN 1957) - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã Dị Sử nhiệm kỳ 2000-2005, nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã; Vũ Thị Dung (SN 1966) - nguyên Đảng ủy viên, nguyên cán bộ Tài chính, Thủ quỹ UBND xã và Đỗ Chí Thanh (SN 1960) - nguyên cán bộ địa chính xã. 

Cơ quan điều tra bước đầu xác định, từ năm 2003 đến năm 2008, các bị can trên đã bán và giao đất trái thẩm quyền đối với 640 suất đất với tổng diện tích hơn 68.800 m2 tại xã Dị Sử (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên), nay là phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. (Tienphong.vn 28/02, Nguyễn Hoàn)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Singapore sẽ ra luật mới nhằm đối phó với tội phạm mạng

Nhằm đối phó với tình trạng tội phạm mạng ngày càng gia tăng và tinh vi hơn hiện nay, Singapore có thể ban hành Đạo luật Tội phạm mạng (OCHA) vào cuối năm nay.  

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phát biểu tại Quốc hội ngày 27/2, Bộ trưởng Thứ hai Bộ Nội vụ Singapore Josephine Teo nêu rõ sẽ trình Quốc hội để phê chuẩn đạo luật mới vào cuối năm nay nhằm cho phép chính phủ có thêm quyền hạn để ngăn chặn hoặc xóa các nội dung trực tuyến có thể dẫn tới các hình thức phạm tội trong thế giới thực, chẳng hạn như kích động bạo lực.  

Mục đích của OCHA là nhằm thu hẹp những lỗ hổng của Đạo luật Bảo vệ khỏi hành vi thao túng và lừa dối trực tuyến (POFMA), có hiệu lực vào năm 2019, cũng như Đạo luật Chống can thiệp của nước ngoài (FICA) đã được Quốc hội thông qua vào năm 2021.  

Bộ trưởng Jophine Teo cho hay Đạo luật Truyền hình (BA) gần đây đã được sửa đổi để ngăn chặn các nội dung gây ảnh hưởng đến an toàn của người dùng, chẳng hạn như bắt nạt trên mạng và nội dung có khả năng hủy hoại sự hòa hợp về chủng tộc và tôn giáo. 

Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA) có thẩm quyền xử lý nội dung trực tuyến độc hại mà người dùng Singapore có thể truy cập, bất kể nội dung được lưu trữ hoặc bắt nguồn ở đâu. Chính phủ cũng có thể chặn quyền truy cập vào nội dung nghiêm trọng trên các dịch vụ liên lạc trực tuyến, bao gồm cả các mạng xã hội.  

Mặc dù vậy, bà Josephine Teo cho biết vẫn còn những lổ hổng trong luật chẳng hạn như những nội dung lừa đảo, kích động trực tuyến gây mất trật tự công cộng, phát tán phần mềm độc hại và những nội dung cổ xúy cho những hành động này. 

Cũng theo Bộ trưởng Josephine Teo, OHCA sẽ được xây dựng dựa trên các đạo luật hiện hành thông qua việc mở rộng phạm vi pháp lý mà chính phủ áp dụng với tội phạm mạng, tăng số thực thể mà chính phủ có thể kiểm soát, cũng như tăng các biện pháp để đối phó hiệu quả với tội phạm mạng. (TTXVN 28/02, Lê Dương)Về đầu trang

Nhiều chính sách khuyến khích sinh thêm con tại Trung Quốc

Tại Trung Quốc, nhiều thành phố lớn đang đưa ra các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Nếu sinh ba con, số tiền hỗ trợ càng nhiều hơn. 

Dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm sau 60 năm và lần đầu tiên sau hơn 70 năm, đất nước tỷ dân ghi nhận số trẻ ra đời dưới 10 triệu bé/năm. Trung Quốc đang chứng kiến tình trạng giới trẻ kết hôn muộn và ngại sinh con ngày càng trầm trọng. 

Thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang hỗ trợ 1 lần 20.000 Nhân dân tệ, tức 70 triệu VNĐ cho gia đình sinh 3 con. Sinh 2 con được nhận 17 triệu 500 ngàn. Thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông hỗ trợ từ 26 đến 67 triệu VNĐ tùy theo sinh 1 hay 3 con. Các khoản hỗ trợ được cấp hàng năm cho đến khi trẻ đủ 5 tuổi. Còn thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông hỗ trợ mỗi tháng 600 Nhân dân tệ, khoảng 2 triệu 100 ngàn cho gia đình sinh từ 2-3 con cho đến khi trẻ đủ 3 tuổi. 

Riêng thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh trợ cấp cho các điểm giữ trẻ bình dân, mỗi trẻ 365 Nhân dân tệ/tháng (1 triệu 300 ngàn đồng) để giảm bớt gánh nặng cho người lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ khi xây nhà trẻ gần nơi làm việc. 

Giáo sư Dương - Viện Nghiên cứu Dân số và Kinh tế Lao động Trung Quốc nhận định, các hình thức trợ cấp sinh sản bằng tiền chủ yếu chỉ có tác dụng ở nhóm có thu nhập thấp, còn ảnh hưởng rất ít đến nhóm thu nhập cao. 

Nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền các địa phương cần thực hiện các biện pháp mạnh hơn, táo bạo hơn nữa trong giảm chi phí sinh đẻ, chăm sóc trẻ và giáo dục. Nếu can thiệp muộn sẽ mang đến nhiều hậu quả lớn cho tăng trưởng kinh tế xã hội. Thông thường, các giải pháp tổng thể phải mất 10 năm mới phát huy tác dụng. (VTV.vn 28/02)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

03