Báo cáo tình hình công tác tuần từ ngày 28/11/2022 đến ngày 04/12/2022

8:30, Thứ Ba, 13-12-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

1. Về công tác phòng chống dịch Covid-19:

Trong tuần vừa qua, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng, ghi nhận 85 ca mắc mới, trung bình 12 ca/ngày (tuần trước trung bình 3 ca/ngày).

Tổng số ca nhập viện điều trị trong tuần là 10 (giảm 4 ca so với tuần trước). Trong tuần không có ca chuyển nặng. Tổng số ca kết thúc điều trị trong tuần là 26. Số bệnh nhân hiện đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở điều trị COVID-19: 11 người (Số BN nặng: 0),

Trong tuần không ghi nhận thêm ca tử vong. Như vậy, tỷ lệ người mắc COVID-19 nhập viện và điều trị là 5,17%. Tỷ lệ điều trị tại nhà: 94,83%. Tỷ lệ tử vong 0,06%. Tỷ lệ BN điều trị khỏi 99,87%. Tỷ lệ BN đang điều trị tại nhà và tại các bệnh viện là 0,07%.

Ngành y tế tiếp tục chỉ đạo tăng cường tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh trên địa bàn. Liên tục cập nhật, công bố các địa điểm tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên toàn tỉnh. Thường xuyên rà soát biến động dân số để có báo cáo điều chỉnh số liệu dân số và điều chỉnh mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh gửi Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur Nha Trang.

Tổng số liều tiêm được trong tuần: 2.858. Còn tồn 9.970 liều. Kết quả đến 6h ngày 04/12/2022, tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi - dưới 12 tuổi: đã tiêm ít nhất 1 mũi đạt tỷ lệ 84,52%; tiêm 2 mũi đạt 50,68%; tỷ lệ người từ 12-17 tuổi tiêm mũi nhắc lại đạt 53,65%; tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi nhắc lại lần 1 đạt 63,39%; tiêm mũi nhắc lại lần 2 (theo số lượng đăng ký) đạt 89,81%.

2. Về kinh tế - xã hội:

* Công tác giải ngân vốn đầu tư công: Công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn trong tháng 11 tiếp tục tập trung nỗ lực cao nhất trong giải ngân vốn đầu tư công và giải ngân các Chương trình MTQG; phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2022 ở mức cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ[1]. Tổ công tác do 03 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc các dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân[2]. Đã thực hiện điều chỉnh vốn NSTW (đợt 2) trong nội bộ các dự án để nâng cao tỷ lệ giải ngân, phát huy hiệu quả nguồn vốn. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đến hết tháng 11 ước đạt 54,9%[3].

Việc triển khai các chương trình MTQG được thực hiện khẩn trương, quyết liệt. Các Tổ công tác tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc 03 Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh[4]; xây dựng phương án phân bổ nguồn vốn đối ứng các Chương trình MTQG trình HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm... Các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH lĩnh vực y tế đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện đang được triển khai các thủ tục phê duyệt dự án theo đúng quy định và hướng dẫn, đảm bảo tiến độ[5].

* Công tác chuẩn bị cho kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND tỉnh: UBND tỉnh đã gửi các dự thảo Tờ trình, Nghị quyết để các Ban của HĐND tỉnh thẩm tra theo quy định. Hiện nay, công tác thẩm tra đã hoàn thành, kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được tổ chức trong 03 ngày từ ngày 08 - 10/12/2022.

* Nông nghiệp:

- Trồng trọt: Hiện nay, các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ làm đất; thực hiện công tác chuẩn bị giống, phân bón để sản xuất vụ Đông Xuân 2022 - 2023. Hiện đang triển khai sản xuất rau, màu và cây vụ Đông (chủ yếu trồng ngô, rau các loại)[6].

Riêng sắn vẫn đang tiếp tục thu hoạch, diện tích Sắn đã thu hoạch là 5.233/6,326 ha, đạt 83%[7] năng suất dự ước 193 tạ/ha, tăng 5,46%; sản lượng dự ước 122.156 tấn, tăng 1,41%.

- Chăn nuôi - Thú y:  Sản xuất chăn nuôi tháng 11 năm 2022 ổn định và tiếp tục phát triển khá so với cùng kỳ năm trước, mặc dù gặp phải một số khó khăn dịch bệnh, giá cả nhưng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn đạt khá cả về số lượng cũng như sản lượng các loại thịt hơi xuất chuồng của đàn vật nuôi.

Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nên người chăn tích cực tái đàn nhằm tạo nguồn cung ứng thịt ra thị trường trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Theo đó, đàn trâu phát triển trở lại, đàn gia cầm phát triển khá ổn định, đàn lợn tăng khá do tái tạo lại đàn. Theo số liệu từ Cục Thống kê, tổng đàn: 5.550.078 con, trong đó đàn trâu 33.888 con, tăng 6,11%CK; đàn bò: 106.570 con, giảm 1,69%CK (bò lai chiếm 61% tổng đàn); đàn lợn: 253.620 con, tăng 4,6%CK; đàn gia cầm: 5,156 triệu con, tăng 9,7%CK. Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 11 đạt 6.152 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng đạt 73.689,8 tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch bệnh hiện đã cơ bản khống chế, đến nay tổng số 25/25 xã có Dịch tả lợn Châu Phi đã qua 21 ngày[8]. Các loại dịch bệnh khác như Bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục, tai xanh trên đàn gia súc, gia cầm không xảy ra.

Hiện nay, các địa phương đang triển khai tiêm phòng đợt 2/2022, tuy nhiên tiến độ tiêm phòng chậm, riêng huyện Tuyên Hóa báo cáo không triển khai tiêm phòng đợt 2/2022 do đợt 1/2022 triển khai chậm, thời gian miễn dịch chưa quá 6 tháng. Lũy kế đến nay toàn tỉnh tiêm được 8.062 liều LMLM, 11.645 liều THT, 39.877 liều DTL và 25.550 liều CGC tại 05 địa phương.

- Thủy sản: Thời tiết tương đối thuận lợi nên sản xuất thuỷ sản tháng 11 trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, sản lượng tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tổng sản lượng thủy sản tháng 11 đạt 6.206 tấn, tăng 6,1%. Sản lượng thủy sản 11 tháng ước thực hiện 86.645 tấn, tăng 4,3% so với CK[9].

- Về thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg để hỗ trợ kinh phí cho các tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa: Trong tháng, UBND tỉnh đã có QĐ hỗ trợ ngư dân đợt 13 với số tiền 22,8 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ 13 đợt với số tiền 244.188 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ ngư dân trong các đợt khó khăn do giá dầu tăng.

- Lâm nghiệp: Tháng 11/2022, thời tiết thuận lợi, các địa phương, đơn vị và người dân đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch đề ra. Các chủ rừng tiếp tục triển khai khai thác gỗ từ rừng trồng, chăm sóc rừng trồng, trồng cây phân tán, cùng với đó tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng. Trong tháng, trồng được 1.960ha, tăng 3,1%CK. Ước tính diện tích rừng trồng từ đầu năm đến nay đạt 7.027,2 ha, tăng 2,4%CK. Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tháng 11 đạt 56.500 m3, tăng 2,7%. Từ đầu năm đến nay khai thác 543.206 m3, tăng 3,5%CK. Triển khai kịp thời công tác tuyên truyền về ý thức bảo vệ rừng cho người dân vùng có rừng.

Ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả: trong tháng 11/2022, phát hiện và lập biên bản xử lý 25 vụ. Tịch thu 1,804 m3 gỗ các loại; nộp ngân sách nhà nước 46,3 triệu đồng. Tổng 11 tháng đầu năm: 307 vụ, giảm 75 vụ so với cùng kỳ (307/382 vụ); tịch thu 71,034m3 gỗ các loại, giảm 200,551 m3 (71,034/271,585 m3); thu nộp ngân sách: 1.370 triệu đồng.

* Công Thương: Ngày 02/12/2022, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại những tháng cuối năm và dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

* Du lịch: Sở Du lịch đang triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan đến Chương trình chào đón năm mới 2023. Ngày 29/11/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc đồng ý cho UBND tỉnh Quảng Bình được tổ chức 01 điểm bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút trong Chương trình Chào đón năm mới 2023 tại thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch). Theo đó, thời gian bắn pháo hoa sẽ được diễn ra từ 00h00 phút - 00h15 phút ngày 01/01/2023 (giao thừa tết Dương lịch).

- Ngày 02/12/2022, Báo Công Thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch Quảng Bình tổ chức hội thảo “Quảng Bình: Xúc tiến, đầu tư du lịch - động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn”. Tại hội thảo đã diễn ra lễ ký kết hợp tác, quảng bá, phát triển du lịch Quảng Bình giữa Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Quảng Bình với đơn vị, nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

* Giáo dục và Đào tạo: Trong tuần,  Sở đã tổ chức Hội thi Giáo viên dạy giỏi trung học phổ thông cấp tỉnh năm 2022. Hội thi diễn ra từ ngày 21/11 đến 30/11/2022. Có 116 giáo viên trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia dự thi (13 môn). Sở GDĐT đã tổ chức tổng kết và trao giải Hội thi vào ngày 30/11/2022.

Tổ chức khai mạc Hội thao Giáo dục Quốc phòng - An ninh toàn tỉnh lần thứ IV, năm 2022. Tham gia Hội thao có 186 học sinh, 93 cán bộ đoàn của 31 trường Trung học phổ thông trên toàn tỉnh. Hội thao bế mạc vào ngày 03/12/2022.

- Về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn: Tính đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có 222/225[10] cửa hàng, địa điểm kinh doanh xăng dầu duy trì hoạt động bình thường[11], chưa phát hiện hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý; nguồn xăng E5-RON 92 của Công ty Cổ phần xăng dầu dầu khí Vũng Áng còn hạn chế nên hiện tại một số cửa hàng, địa điểm kinh doanh xăng dầu vẫn chưa nhập được mặt hàng này để bán. Riêng các cửa hàng xăng dầu, đại lý nhượng quyền thương mại thuộc hệ thống của Công ty Xăng dầu Quảng Bình (Petrolimex Quảng Bình) nguồn xăng dầu ổn định, thực hiện bán hàng 24/24 giờ hàng ngày. Trong tuần, số lượng cửa hàng, địa điểm kinh doanh xăng dầu tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng kinh doanh một hoặc hai trong các loại mặt hàng xăng E5-RON 92, RON 95-III hoặc dầu DO 0,05S-II trên địa bàn tỉnh giảm so với tuần trước[12].

* Thu ngân sách: Dự toán thu năm 2022 Bộ Tài chính giao cho Cục Thuế tỉnh Quảng Bình là 4.782 tỷ đồng, trừ đất là 2.582 tỷ đồng. Sau khi xem xét các yếu tố, HĐND, UBND tỉnh giao dự toán là 5.600 tỷ đồng, trừ đất là 2.656 tỷ đồng.

Kết quả thu ngân sách lũy kế đến ngày 30.11.2022 được 7.260,8 tỷ đồng, đạt 151,8% dự toán Trung ương giao, 129,7% dự toán tỉnh giao. Nếu trừ thu tiền sử dụng đất được 2.685,2 tỷ đồng, 104% dự toán Trung ương giao, đạt 101,1% dự toán tỉnh giao.

So với dự toán tỉnh giao năm, có 09/15 khoản thu đạt và vượt tiến độ dự toán (91,67%) là từ khu vực DNNN, Thuế TCCN, Thuế SDĐPNN, Tiền thuê đất, Thu tiền SDĐ, Xổ số kiến thiết, Thu khác ngân sách; Thu hoa lợi công sản; Thu lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế. Còn lại 06 khoản thu chưa đạt tiến độ của dự toán năm.

* Thu tiền sử dụng đất: Lũy kế kết quả đấu giá, giao đất các dự án, đất lẻ xen cư trên toàn tỉnh đến ngày 30/11/2022 là 4.915 tỷ đồng; vượt 66,9% so với chỉ tiêu kế hoạch HĐND tỉnh giao là 2.944 tỷ đồng và vượt 39,4% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao phấn đấu là 3.526 tỷ đồng.

* Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp: Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp duy trì hoạt động sản xuất ổn định. Tuy nhiên, với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu (gỗ và sản xuất trang phục), đơn hàng tại thị trường trong nước và thị trường Mỹ, Úc, EU vẫn tiếp tục giảm mạnh. Nhìn chung, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn: tình trạng gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí vận tải, chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

3. Về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội:

Tiếp tục được giữ vững, ổn định. Trong tuần xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông đường bộ, chết 01 người, bị thương 02 người, thiệt hại tài sản khoảng 22 triệu đồng.

Nổi bật, lực lượng Công an đã làm rõ 01 vụ tham ô tài sản, lien quan 01 đối tượng, thiệt hại tài sản khoảng hơn 900 triệu đồng; đấu tranh, làm rõ 01 vụ đánh bạc bằng hình thức số lô, số đề, liên quan 18 đối tượng, với số tiền giao dịch trong ngày khoảng 212 triệu đồng.

Liên quan đến công tác chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án đường cao tốc Bắc – Nam tại huyện Bố Trạch, trong quá trình chi trả có khoảng 80 hộ dân bị ảnh hưởng chưa đồng ý với mức bồi thường, hỗ trợ mà Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện đưa ra, vì cho rằng thấp hơn so với giá thị trường. Lực lượng Công an đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các địa phương tiến hành làm việc, tuyên truyền, vận động người dân. Đến nay đã có 20 trường họp tại 02 xã Phú Định và xã Tây Trạch đồng ý với mức chi trả. Lực lượng Công an đang tiếp tục nắm tình hình liên quan.

4. Báo cáo tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, nhiệm vụ trọng tâm

* Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình:

- Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB):

+ Công tác bàn giao mốc GPMB: Đến nay, mốc GPMB đã được bàn giao với chiều dài L= 79,5km/80km (đạt 99,4%); còn 500m đoạn qua thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch chưa hoàn thành.

+ Công tác trích đo, kiểm đếm tại thực địa đối với các đoạn đã bàn giao mốc GPMB: Đã hoàn thành công tác đo đạc hiện trường 80km/80km chiều dài tuyến (đạt 100%); thực hiện kiểm kê tài sản trên đất được 79,51km/80km chiều dài tuyến (đạt 99,38%).

+ Công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB: UBND các huyện, thị xã và thành phố đã tiến hành chi trả tiền bồi thường GPMB được 39,74/80km (đạt 49,68%).

- Công tác thi công xây lắp: Đang triển khai 12,1km/73,4km chiều dài phần đường toàn tuyến và 07cầu/21cầu toàn tuyến thuộc 06 gói thầu xây lắp trên 03 đoạn: Nam Ròon - Quảng Phúc (3 gói thầu: XL01, XL02, XL03), Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú (gói thầu XL04) và Hà Trung - Mạch Nước (02 gói thầu: XL05, XL06). Khối lượng thực hiện đến nay đạt 109,565 tỷ đồng/1.486,6 tỷ đồng giá trị hợp đồng (đạt tỷ lệ 7,37%) (tăng 0,56 tỷ đồng so với tuần trước).

- Về tình hình giải ngân: Năm 2022, Dự án được bố trí kế hoạch vốn 964,547 tỷ đồng; đến nay đã giải ngân được 424,275 tỷ đồng (tăng 9,443 tỷ đồng so với tuần trước). Sở GTVT đang chỉ đạo Ban QLDA khẩn trương hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán các hạng mục công việc đã thực hiện hoàn thành.

* Công tác phối hợp triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình:

- Công tác bàn giao mốc GPMB: Đến nay, mốc GPMB đã được bàn giao với chiều dài L= 126,79km/126,79km (đạt 100%).

- Về bàn giao tim tuyến: Đã bàn giao tim tuyến toàn tuyến với tổng chiều dài L= 126,79km/126,79km (đạt 100%).

- Công tác trích đo, kiểm đếm tại thực địa đối với các đoạn đã bàn giao mốc GPMB: Tính đến ngày 21/11/2022, các địa phương đã thực hiện trích đo hoàn thành 126,79/126,79km các đoạn đã được bàn giao mốc GPMB (đạt 100%); đã kiểm đếm tài sản trên đất được 126,47/126,79km chiều dài tuyến (đạt 99,75%).

- Ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ: UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành các quyết định bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với diện tích 696,03ha/1.155,7ha với chiều dài 75,63km/126,79km.

* Tình hình triển khai 09 dự án trọng điểm khởi công mới trong năm 2021: Trong tuần, có 02 dự án có tiến độ thực hiện và cập nhật tiến độ giải ngân, cụ thể:

(1) Xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông và hệ thống hạ tầng khu vực Trung tâm Thành phố Đồng Hới: Dự án đã giải ngân 33,6 tỷ đồng/39 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022.

(2) Dự án thành phần 2: Cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu: Công tác RPBM: Sở KH&ĐT đã có văn bản số 3343/CV-KHĐT ngày 18/11/2022 trình Bộ Tư lệnh Công Binh thẩm định.

- Hồ sơ mời thầu gói xây lắp 1: Đăng tải mời thầu trên mạng ngày 21/11/2022.

- Gói thầu RPBM và GSBM: Sở KH&ĐT ban hành văn bản số 3343/CV-KHĐT, ngày 18/11/2022 trình BTL Công Binh thẩm định.

- Về công tác GPMB: Tại xã Lương Ninh: Tổng diện tích đất đề nghị thu hồi khoảng 3,5 ha; trong đó chủ sử dụng đất là 03 hộ gia đình và UBND xã Lương Ninh. Hiện hồ sơ trích đo toàn bộ phần diện tích tại xã Lương Ninh đã được UBND xã ký ngày 29/11/2022 và trình Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 30/11/2022.

* Tình hình triển khai 15 dự án trọng điểm khởi công mới trong năm 2022: Trong tuần, có 02 dự án có tiến độ thực hiện và cập nhật tiến độ giải ngân, cụ thể:

(1) Tuyến đường Phú Hải - Lương Ninh: Công tác GPMB: Đã tổ chức họp dân kết thúc công khai tại UBND xã Lương Ninh ngày 29/11/2022. Sở TNMT đã phê duyệt hồ sơ trích đo đợt 02: 91/95 hộ phường Phú Hải.

(2) Tuyến đường chính khu đô thị Dinh Mười và vùng phụ cận huyện Quảng Ninh: Dự án đã giải ngân 34,9 tỷ đồng/ 36,8 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022.

[1] Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý tháng 11 ước tính đạt 484,8 tỷ đồng, tăng 17,8% so với tháng trước và tăng 37,8% so với cùng kỳ; 11 tháng ước đạt 4.023,3 tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ

[2] Ngày 18.11.2022, UBND tỉnh đã tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023; Đã làm việc với huyện Minh Hóa về tình hình giải ngân vốn các dự án đầu tư công....

[3] Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư số 8700/BC-BKHĐT ngày 30/11/2022.

[4] Đến ngày 30/11/2022, tổng số vốn năm 2022 UBND tỉnh đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện là 499,391 tỷ đồng, chiếm 98,7% vốn Trung ương giao. Trong đó vốn đầu tư là 343,047 tỷ đồng, chiếm 98,1%. Số vốn kế hoạch còn lại chưa phân bổ là vốn ĐTPT NSTW của CT MTQG Xây dựng nông thôn mới 6,587 tỷ đồng do chưa có Văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành. Tiếp tục hoàn thiện Quy định phân cấp, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh…

[5] Thực hiện Công văn 6555/BYT-KHTC ngày 15/11/2022 của Bộ Y tế về việc thông báo kế hoạch vốn và đăng ký danh mục đầu tư từ số vốn còn lại của lĩnh vực y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 18/11/2022, UBND tỉnh đã có công văn số 2183/UBND-TH ngày 18/11/2022 về đề xuất bổ sung số vốn 28.000 triệu đồng được phân bổ từ số vốn còn lại của lĩnh vực y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho Dự án: Đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 15 Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh Quảng Bình.

[6] Cụ thể: Cây ngô 308 ha, tăng 1,0%; khoai lang 520 ha, tăng 2,0%; sắn 83 ha, tăng 1,2%; rau, đậu các loại 1.090 ha, tăng 3,8%).

[7] Bố Trạch 2.900 ha; Lệ Thuỷ 765 ha; Quảng Trạch 540 ha; Tuyên Hoá 400 ha; Minh Hóa 350 ha; Quảng Ninh 250 ha; Đồng Hới 20 ha; Ba Đồn 8 ha.

[8] Lũy kế từ ngày 01/01/2022 đến ngày 01/11/2022, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 184 hộ/58 thôn/25 xã/5 huyện, đã tiêu hủy 1.729 con lợn với trọng lượng 161.231 kg.

[9] Trong đó: Cá đạt 70.706 tấn, tăng 3,4%; tôm đạt 5.716 tấn, tăng 2,2%; thủy sản khác đạt 10.223 tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

[10] 03 cửa hàng tạm ngừng kinh doanh đã có thông báo đến Sở Công Thương.

[11] Trong đó, có 14 cửa hàng, địa điểm kinh doanh xăng dầu tạm ngừng kinh doanh mặt hàng xăng E5-RON 92 hoặc RON 95-III,

[12] số lượng cửa hàng, địa điểm kinh doanh xăng dầu tạm ngừng kinh doanh giảm 01 cửa hàng; số lượng cửa hàng tạm ngừng kinh doanh một hoặc hai trong các loại mặt hàng xăng E5-RON 92, RON 95-III hoặc dầu DO 0,05S-II giảm 06 cửa hàng.

Nguồn: Báo cáo số: 367/BC-UBND ngày 05/12/2022

Các tin khác

04