Báo cáo tình hình công tác tuần từ ngày 24/10/2022 đến ngày 28/10/2022

14:51, Thứ Sáu, 4-11-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

1. Về công tác phòng chống dịch Covid-19:

Trong tuần vừa qua, số ca mắc COVID-19 có xu hướng giảm, ghi nhận 39 ca mắc mới, trung bình 01 ca/ngày (tuần trước trung bình 3 ca/ngày).

Tổng số ca nhập viện điều trị trong tuần là 2 (tăng giảm 6 ca so với tuần trước). Trong tuần không có ca chuyển nặng. Tổng số ca kết thúc điều trị trong tuần là 31 ca. Số bệnh nhân hiện đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở điều trị COVID-19: 4 người (Số BN nặng: 0). Trong tuần không ghi nhận thêm ca tử vong. Như vậy, tỷ lệ người mắc COVID-19 nhập viện và điều trị là 5,18%. Tỷ lệ điều trị tại nhà: 94,82%. Tỷ lệ tử vong 0,06%. Tỷ lệ BN điều trị khỏi 99,90%. Tỷ lệ BN đang điều trị tại nhà và tại các bệnh viện là 0,04%.

Ngành Y tế tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tổng số liều tiêm được trong tuần là 2.142 liều, còn tồn 10.752 liều.

Kết quả đến 6h ngày 28/10/2022, tỷ lệ trẻ em từ 5- dưới 12 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi đạt tỷ lệ 81,35%; tiêm 2 mũi đạt 46,36%; tỷ lệ người từ 12-17 tuổi tiêm mũi nhắc lại đạt 45,77%; tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi nhắc lại lần 1 đạt 63,15%; tiêm mũi nhắc lại lần 2 (theo số lượng đăng ký) đạt 84,54%.

2. Về kinh tế - xã hội:

* Công tác giải ngân vốn đầu tư công: Tổ công tác do 03 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc các dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, phát huy hiệu quả nguồn vốn được giao. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đến hết tháng 10 ước đạt 46%, tăng 9,6% so với tháng trước.

Đối với công tác giải ngân các Chương trình MTQG, ngày 26/10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Trong tuần, lãnh đạo tỉnh cũng đã tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP tại huyện Quảng Trạch.

* Nông nghiệp:

- Trồng trọt: Hiện tại, các địa phương đang sản xuất cây vụ Đông năm 2022 (chủ yếu trồng rau các loại) và tiếp tục thu hoạch Sắn, diện tích Sắn đã thu hoạch là 3.878/6,326 ha, đạt 61%[1], năng suất dự ước 193 tạ/ha, tăng 5,46%; sản lượng dự ước 122.156 tấn, tăng 1,41%.

Ngành Nông nghiệp đã ban hành hướng dẫn cơ cấu giống các loại cây trồng chính và lịch thời vụ gieo trồng vụ Đông Xuân 2022-2023; đã phân bổ giống rau của Bộ Nông nghiệp cho các địa phương thực hiện sản xuất vụ Đông năm 2022, đối với giống lúa được hỗ trợ sẽ phân bổ vào tuần tới cho huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh.

- Chăn nuôi - Thú y:  Hiện tại, người chăn nuôi đang đẩy mạnh xuất chuồng để bắt đầu tập trung tái đàn, nhằm tạo nguồn cung ứng thịt ra thị trường trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, giá các yếu tố đầu vào, thức ăn chăn nuôi còn ở mức cao nên ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được khống chế, chỉ còn 01 xã (Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn) chưa qua 21 ngày. Các loại dịch bệnh khác như Bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục, tai xanh trên đàn gia súc, gia cầm không xảy ra.

Ngành Nông nghiệp đang tiếp tục chỉ đạo triển khai tiêm phòng đợt 2/2022, tuy nhiên tiến độ tiêm phòng còn chậm[2].

- Thủy sản: Sang tháng 10, bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết không thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, vì vậy sản lượng thuỷ sản giảm mạnh so với tháng trước tuy nhiên có tăng so với cùng kỳ. Ước tính sản lượng thuỷ sản tháng 10 đạt 6.712 tấn, giảm 27,6% so với tháng trước và tăng 4,5%CK. Ước tính sản lượng thủy sản từ đầu năm đến nay đạt 80.439 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước[3].

Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa, bão, lũ, ngành Nông nghiệp chỉ đạo giám sát chặt chẽ, không cho các tàu thuyền ra khơi trong thời gian cấm biển; hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu tránh trú bão đảm an toàn theo đúng quy định.

Ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ về thực hiện các biện pháp trọng tâm chống khai thác IUU; kịch bản, kế hoạch, tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của EC.

- Lâm nghiệp: Tháng 10/2022, thời tiết thuận lợi cho trồng rừng, các địa phương, đơn vị và người dân đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch đề ra. Các chủ rừng tiếp tục triển khai khai thác gỗ từ rừng trồng, chăm sóc rừng trồng, trồng cây phân tán, cùng với đó tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng. Trong tháng, trồng được 1.517 ha, tăng 3,9% cùng kỳ.

Về vụ phá rừng ở xã Sen Thủy (huyện Lệ Thủy): Ngày 13/10/2022, qua theo dõi ảnh vệ tinh, Chi cục Kiểm lâm đã có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy kiểm tra, xác minh tình trạng chặt phá cây Keo trái pháp luật tại khu vực
rừng phòng hộ xung quanh hồ Bàu Sen, xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy. Ngày 17/10/2022, Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy đã có văn bản xác nhận vụ việc[4]. Chi cục Kiểm lâm đã tiến hành kiểm tra hiện trường và có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm, lập hồ sơ xử lý hoặc tham mưu xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 19/10/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng ven biển tại huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh; ngày 28/10/2022, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xác minh thông tin Báo điện tử Lao động phản ánh về vụ việc phá rừng này.

* Thu ngân sách: Kết quả thu ngân sách lũy kế đến ngày 27/10/2022 được 6.659,9 tỷ đồng, đạt 139,3% dự toán trung ương giao, 118,9 dự toán tỉnh giao. Nếu trừ thu tiền sử dụng đất thu được 2.279,7 tỷ đồng, đạt 88,3% dự toán trung ương giao, 85,8% dự toán tỉnh giao.

So với dự toán tỉnh giao năm: Có 12/15 khoản thu đạt và vượt tiến độ dự toán (75%)[5] sau thuế còn lại 05 khoản thu chưa đạt tiến độ của dự toán năm.

* Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp: Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và duy trì tăng trưởng, sản xuất tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí vận tải, chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu (gỗ và sản xuất trang phục), đơn hàng tại thị trường trong nước và thị trường Mỹ, Úc, EU vẫn tiếp tục giảm mạnh và việc tuyển dụng lao động gặp khó khăn. Theo số liệu của Cục Thống kê, hiện nay chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm dần so với các tháng đầu năm và giữa năm.

Các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn: Sắn nguyên liệu hiện đang trong vụ thu hoạch, sản lượng chế biến bình quân từ 200 - 300 tấn sắn củ/doanh nghiệp/ngày, giá thu mua 2.500-2.600 đ/kg sắn củ tươi. Tuy nhiên, 02 Nhà máy (Công ty CP Fococev Quảng Bình và Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh) vẫn đang gặp khó khăn trong cạnh tranh mua nguyên liệu sắn với các doanh nghiệp ngoài tỉnh và thương nhân trong tỉnh, hiện nguyên liệu thu mua được chỉ đáp ứng khoảng 50 - 60 % công suất của các nhà máy.

* Du lịch: Trong tuần, Sở chuẩn bị các nội dung về việc tổ chức Hội thảo “Quảng Bình: Xúc tiến, đầu tư hạ tầng du lịch - Động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn” do Báo Công thương đề xuất và phối hợp tổ chức Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn bình thường mới (dự kiến tổ chức từ 03/11/2022 đến 06/11/2022).

Ngày 24/10/2022, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương cho phép bổ sung Chương trình tham quan 02 ngày 01 đêm: Khám phá hang Ô Rô - hang Hoàn Mỹ vào Đề án khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch “Khám phá hang Ô Rô - hang Hoàn Mỹ”. UBND tỉnh giao Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng liên kết, phối hợp với đơn vị khai thác để khai thác thử nghiệm Chương trình tham quan bổ sung nói trên đảm bảo đúng quy định.

* Ngoại vụ: Trong tuần, Sở đã tham mưu giải quyết thủ tục để Đoàn đại biểu của tỉnh Quảng Bình do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn tham dự Lễ kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào 2022 tại tỉnh Khăm Muồn, CHDCND Lào từ ngày 27/10 đến 30/10/2022.

* Cục Quản lý thị trường: Qua công tác nắm tình hình từ các thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn, hiện tại lượng xăng dầu từ thương nhân đầu mối (Công ty Cổ phần xăng dầu dầu khí Vũng Áng) vẫn bị hạn chế, đặc biệt là mặt hàng xăng. Các thương nhân phân phối chỉ cấp với khối lượng vừa đủ để các cửa hàng bán lẻ duy trì hoạt động, đối với mặt hàng dầu đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có 19/266 cửa hàng, địa điểm kinh doanh xăng dầu tạm ngừng bán hàng một trong các loại hàng như xăng E5 RON 92-II, RON 95 hoặc dầu Diezel (tuần trước 16 cửa hàng).

Trong tuần, Công ty TNHH SX&TM Hưng Phát đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị một số giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu. UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương tham mưu, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 01/11/2022.

* Về việc xử lý sụt lún tại Km0+300, Đường tỉnh 569 (đường Võ Nguyên Giáp), thành phố Đồng Hới: Ngày 26/10/2022, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý phương án xử lý sụt lún tại đường Võ Nguyên Giáp theo phương án đề nghị của Sở Giao thông Vận tải và Hội đồng liên ngành. UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, Sở Xây dựng và Sở GTVT triển khai các nội dung liên quan nhằm sớm xử lý kỹ thuật, đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực nêu trên.

* 3. Về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội:

Tiếp tục được giữ vững, ổn định. Trong tuần xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 01 người chết, bị thương 04 người, thiệt hại tài sản khoảng 82 triệu đồng.

Nổi bật, lực lượng Công an đã điều tra làm rõ 01 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan 01 đối tượng, thiệt hại tài sản khoảng 200 triệu đồng.

Liên quan đến việc triển khai Dự án đường ven biển đoạn qua xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, khoảng 09h ngày 27/10/2022, BQL Dự án Đường ven biển – Sở GTVT tỉnh và lực lượng rà phá bom mìn của Công ty Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) đến khu vực Dự án đường vben biển thuộc xã Quảng Xuân, Quảng Trạch để tiến hành rà phá bom mìn và cắm mốc GPMB. Lúc này, có khoảng 60 giáo dân giáo xứ Xuân Hòa (chủ yếu là phụ nữ) kéo ra ngăn cản, một số phụ nữ đi theo lực lượng rà phá để nhổ hết cờ và cho rằng, người dân sống nhờ biển, làm đường như vậy dân làm nghề biển không sống được. Trước tình hình trên, lực lượng chức năng đã thống nhất tạm dừng các hoạt động; số giáo dân nói trên cũng giải tán. Lực lượng công an đang tiếp tục nắm tình hình để tham mưu chính quyền giải quyết.

4. Báo cáo tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, nhiệm vụ trọng tâm

* Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình:

- Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB):

+ Công tác bàn giao mốc GPMB: Đến nay, mốc GPMB đã được bàn giao với chiều dài L= 79,5km/80km (đạt 99,4%); còn 500m đoạn qua thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch chưa hoàn thành.

+ Công tác trích đo, kiểm đếm tại thực địa đối với các đoạn đã bàn giao mốc GPMB: Đã hoàn thành công tác đo đạc hiện trường 80km/80km chiều dài tuyến (đạt 100%); thực hiện kiểm kê tài sản trên đất được 79,51km/80km chiều dài tuyến (đạt 99,38%).

+ Công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB: UBND các huyện, thị xã và thành phố đã tiến hành chi trả tiền bồi thường GPMB được 39,04/80km (đạt 48,8%) (tăng 8,84km so với tuần trước).

- Công tác thi công xây lắp: Đang triển khai 12,1km/73,4km chiều dài phần đường toàn tuyến và 07cầu/21cầu toàn tuyến thuộc 06 gói thầu xây lắp trên 03 đoạn: Nam Ròon - Quảng Phúc (3 gói thầu: XL01, XL02, XL03), Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú (gói thầu XL04) và Hà Trung - Mạch Nước (02 gói thầu: XL05, XL06). Khối lượng thực hiện đến nay đạt 100,59 tỷ đồng/1.486,6 tỷ đồng giá trị hợp đồng (đạt tỷ lệ 6,77%) (tăng 3,68 tỷ đồng so với tuần trước).

- Về tình hình giải ngân: Năm 2022, Dự án được bố trí kế hoạch vốn 964,547 tỷ đồng; đến nay đã giải ngân được 400,215 tỷ đồng. Sở GTVT đang chỉ đạo Ban QLDA khẩn trương hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán các hạng mục công việc đã thực hiện hoàn thành.

* Công tác phối hợp triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình:

- Công tác bàn giao mốc GPMB: Đến nay, mốc GPMB đã được bàn giao với chiều dài L= 125,86km/125,86km (đạt 100%).

- Về bàn giao tim tuyến: Đã bàn giao tim tuyến toàn tuyến với tổng chiều dài L= 125,86km/125,86km (đạt 100%).

- Công tác trích đo, kiểm đếm tại thực địa đối với các đoạn đã bàn giao mốc GPMB: Tính đến ngày 28/10/2022, các địa phương đã thực hiện trích đo hoàn thành 125,86/125,86km các đoạn đã được bàn giao mốc GPMB (đạt 100%); đã kiểm đếm tài sản trên đất được 125,47/125,85km chiều dài tuyến (đạt 99,69%).

* Tình hình triển khai 9 dự án trọng điểm khởi công mới trong năm 2021: Trong tuần, có 03 dự án có cập nhật tiến độ và giải ngân, cụ thể:

(1) Đường Hồng Hóa - Yên Hóa - Quy Đạt, huyện Minh Hóa (giai đoạn 1): Fự án đã ký hợp đồng giao thầu. Hiện tại, nhà thầu đang thi công khối lượng đào đắp nền đường tại đầu tuyến và hai bên mố Cầu Quy Đạt 2.

Dự án đã phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng (Đợt 1). Hiện tại đang thực hiện công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức liên quan. Tuy nhiên còn một số hộ gia đình không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và không chấp nhận phương án tái định cư nên chưa hoàn thiện được công tác giải phóng mặt bằng. Trong quá trình thực hiện, có 05 hộ phải tái định cư nên huyện đang điều chỉnh, bổ sung nội dung này. Dự án đã giải ngân 7,3 tỷ đồng/2,9 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022.

(2) Đường từ Tỉnh lộ 561 đi cầu Sông Trước, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch (Giai đoạn 1): Dự án đã giải ngân 29 tỷ đồng/29 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022.

(3) Hạ tầng các tuyến nối từ Quốc lộ 12A phường Quảng Phong đi phường Quảng Long và kết nối đường đi trung tâm huyện Quảng Trạch (Giai đoạn 1): Hiện dự án đã thi công nền đường, hệ thống thoát nước và lắp dựng bó vĩa được hơn 500m, sản xuất 100% các cấu kiện Bê tông đúc sẵn và đang thi công hệ thống móng cọc khoan nhồi mố A1; thi công đào phong hóa và đắp đất nền đường đoạn tuyến Km0+450 đến Km0+940.

Về công tác GPMB: Hiện tại, đơn vị tư vấn trích đo đã bàn giao trích đo cho các phường Quảng Phong, Quảng Long và Ba Đồn: Dự án đã giải ngân 16,9 tỷ đồng/29 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022.

* Tình hình triển khai 15 dự án trọng điểm khởi công mới trong năm 2022: Trong tuần, có 06 dự án có cập nhật tiến độ và giải ngân, cụ thể:

(1) Đường và cầu vượt đường sắt trung tâm thành phố Đồng Hới: Các đơn vị tư vấn đang triển khai công tác trích đo, cắm cọc GPMB; đang trình duyệt hồ sơ thiết kế các hạng mục di dời công trình Hạ tầng kỹ thuật (lưới điện, thông tin liên lạc, thông tin tín hiệu đường sắt, cấp nước sinh hoạt).

Sở GTVT đang trình điều chỉnh chủ trương đầu tư giảm chiều dài tuyến từ 2,2km còn 1,1km do không đủ kinh phí. Dự án đã giải ngân 17,4 tỷ đồng/25,6 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022.

(2) Hạ tầng tuyến đường chính từ Trung tâm huyện Quảng trạch kết nối với Tỉnh lộ 22: Dự án đã giải ngân 16,4 tỷ đồng/17,6 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022.

(3) Hạ tầng tuyến đường từ cầu Quảng Hải kết nối các tuyến đường trục chính qua các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn ( giai đoạn 1): Hiện đang thi công bóc phong hóa và đắp cát dầm chặt K90, đắp đất cấp phối đồi K95 theo kế hoạch đề ra.

Về công tác GPMB: Đang triển khai công tác trích đo, chỉnh lý địa chính. Dự án đã giải ngân 12,7 tỷ đồng/17,6 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022.

(4) Sửa chữa nâng cấp các hồ đập xung yếu tỉnh Quảng Bình

- Dự án thành phần 6: Sửa chữa, nâng cấp hồ Điều Gà và hồ Long Đại (hồ Trởm), huyện Quảng Ninh: Dự án đã giải ngân 9,4 tỷ đồng/10 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022.

(5) Dự án Chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025: Ngày 24/10/2022, Sở TT&TT đã phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán giai đoạn 1. Hiện đang trình Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt KHLCNT lần 2.

(6) Tuyến đường chính khu đô thị Dinh Mười và vùng phụ cận huyện Quảng Ninh: Đã hoàn thành đấu thầu xây lắp, ký hợp đồng với đơn vị thi công; đang trình thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ do GPMB.

* Dự án nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới: Đối với nội dung đề xuất nghiên cứu đầu tư, khai thác Cảng hàng không Đồng Hới theo hình thức xã hội hóa, phục vụ nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 20/10/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản trả lời, theo đó, Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ kiến nghị của Tỉnh. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác đối với toàn bộ Cảng hàng không Đồng Hới theo định hướng quy hoạch. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, UBND tỉnh báo cáo Tổ công tác tổng hợp, làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND tỉnh Quảng Bình là cơ quan có thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư theo quy định.

* Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1: Ngày 25/10/2022, UBND tỉnh tổ chức làm việc với Liên danh nhà thầu Tổng Công ty Mitsubishi, Công ty TNHH Kỹ thuật & Xây dựng Hyundai và Tổng Công ty Xây dựng số 1 (Liên danh MC-HDEC-CC1) về Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi các nội dung về việc thay đổi công suất của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1; hướng dẫn phương thức kê khai thuế; phê duyệt Danh mục miễn thuế nhập khẩu và hỗ trợ, can thiệp trong việc bàn giao mặt bằng chậm trễ.

[1] Bố Trạch 2.110 ha; Lệ Thuỷ 670 ha; Quảng Trạch 540 ha; Minh Hóa 350 ha; Quảng Ninh 100 ha; Tuyên Hoá 80 ha; Đồng Hới 20 ha; Ba Đồn 8 ha.

[2] Đến nay, đã tiêm được 5.180 liều LMLM, 8.770 liều THT, 10.152 liều DTL và 13.465 liều CGC tại 03 huyện Lệ Thủy, Bố Trạch và Quảng Trạch.

[3] Trong đó: Cá đạt 65.948 tấn, tăng 3,1%; tôm đạt 5.230 tấn, tăng 2,2%; thuỷ sản khác đạt 9.261 tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

[4] Theo xác minh ban đầu, rừng bị phá là rừng phi lao và rừng lá tràm. Số cây trên đã bị chặt lấy thân gỗ, còn lại gốc và cành ngọn thuộc lô 11, khoảnh 3, tiểu khu 433C; lô 2, 3, khoảnh 2, tiểu khu 434C thuộc quy hoạch là rừng phòng hộ, do Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong quản lý. Hai khu vực này có diện tích 9,69ha. Ngoài ra, có thêm 1,99ha thuộc lô 11a, khoảnh 3 (tiểu khu 433C) thuộc quy hoạch rừng sản xuất cũng đã bị khai thác, chủ rừng là Ban quản lý Khu dữ trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong và 0,86ha khác cũng bị chặt phá tại lô 12, khoảnh 3 (tiểu khu 433C) thuộc quy hoạch rừng sản xuất do UBND xã Sen Thủy quản lý.

[5] thu từ khu vực DNNN; Thuế TNCN; Lệ phí trước bạ; Thu phí và lệ phí; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Tiền thuê đất; Thu tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; Thu Cấp quyền khai thác khoáng sản; Thu khác ngân sách; Thu hoa lợi công sản; Thu LN, LN.

Nguồn: Báo cáo số: 306/BC-UBND ngày 28/10/2022

Các tin khác

03